Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?
Bài 17. Nội chiến trong “âm thanh”
June 22, 2023
" Các nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng như Nguyễn Văn Đông, Trịnh Công Sơn, Anh Bằng, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy… họ nào có ngờ rằng đã tạo thành những vũ khí văn hóa biến Việt Nam Cộng Hòa thành “bên thực sự thắng cuộc” trên mặt trận nội chiến văn hóa. Cuộc “phục thù ngọt ngào” của văn hóa Sài Gòn, không đổ máu, không một tiếng súng mà chỉ có tiếng nhạc bolero “Một cuộc chiến tranh không có bom đạn, sắt máu, mà chỉ có lời ca tiếng nhạc du dương, êm đềm, thơ mộng … phản ảnh tâm thức của người dân muốn hướng đến một xã hội tràn đầy yêu thương, nhân bản, thấm đượm tình quê hương dân tộc”.
Năm 1986, nội chiến văn hóa Bắc Nam kết thúc. Bên thắng, bên bại đã rõ ràng. Văn hóa XHCN và đời sống của một xã hội ước mơ theo Mác Lê chỉ là một tia chớp sáng dài 40 năm (1945-1986) rồi tắt".
Cà phê phòng trà ca nhạc Người Sài Gòn, Ảnh NVN
Thi nhạc là tiếng nói của con tim, là những ước mơ của tâm hồn. Song song với cuộc viễn chinh đốt sách bắt nho, nhà Nước muốn dùng thi ca nhạc đấu tranh của văn hóa XHCN để giải phóng con tim miền Nam khỏi tiếng nói tình cảm, tự do. Nhưng bằng cách nào? Bằng cách hủy diệt kho vũ khí ca nhạc cùng với kho vũ khí văn học với phương pháp trấn áp cổ điển là tịch thu, cầm tù, phá hủy, cắt hộ khẩu để bịt được tiếng nói con tim (thi, ca) của người dân miền Nam.
Với tiếng nói sắt máu của « não hứng[1] » trong văn hóa XHCN, nhà Nước chỉ đạt được chiến thắng bịt miệng con tim miền Nam trên bình diện trình diễn công khai, chính thức trước công chúng mà thôi. Nhân dân Sài Gòn cũng như trên toàn quốc vẫn nghe nhạc vàng, nhạc lính như tiếng nói con tim nhân bản của văn hóa Việt Nam Cộng Hòa xưa kia. Tại sao có hiện tượng này?
Các loại nhạc
Tại Việt Nam, người ta thường phân biệt hai dòng nhạc :
Dòng nhạc của văn hóa xã hội : Nhạc đỏ và nhạc xanh
Dòng nhạc vàng của Việt Nam Cộng Hòa tự do.
Nhạc Đỏ
Trong thời văn hóa mới, âm nhạc được cho phép bao gồm nhạc cổ điển phương Tây như giao hưởng, opera, dân ca và nhạc cách mạng (hay gọi là nhạc đỏ).
Nhạc đỏ (nhạc cách mạng) ra đời từ thời kháng chiến chống Pháp, thường theo điệu hành khúc marche với nhịp valse, slow Ballad, Boston. Các bài nhạc đỏ có tính chiến đấu khai thác các chủ đề chính sau :
Cổ vũ tinh thần chiến đấu và hy sinh thể hiện tính đấu tranh giai cấp theo tư tưởng cộng sản,
Cổ vũ và truyền đạt những chính sách của Nhà Nước Việt Nam,
Ca ngợi Đảng, Bác, các lãnh tụ, tư tưởng cộng sản,
Ca ngợi tuổi trẻ, tinh thần lao động xây dựng đất nước theo xã hội chủ nghĩa
Ca ngợi tinh thần hòa đồng, nếp sống hướng về cộng đồng,
Liên kết tình cảm cá nhân và gia đình với tình yêu đất nước và nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng đất nước theo tư tưởng cộng sản[2].
Ca ngợi lãnh tụ Cộng Sản Hồ Chí Minh
Ca khúc viết về Hồ Chí Minh từ năm 1945 đến nay rất phong phú về số lượng và đa dạng về thể loại. Từ những ca khúc thể chính ca sáng tác trong những ngày đầu khai sinh đất nước như bài Biết ơn Cụ Hồ của Lưu Bách Thụ (1945); Ca ngợi Hồ Chủ tịch (nhạc Lưu Hữu Phước, lời thơ Nguyễn Đình Thi), Ca ngợi Hồ Chí Minh của Văn Cao (1947); Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ (1959); Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường (1962); Tình Bác sáng đời ta (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Long Hưng và Minh Tuyền-1969); Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục (1970); Như có Bác trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên (1975); Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung (1977); Lời Bác dặn trước lúc đi xa của Trần Hoàn (1989)[3]…
Ca ngợi bộ đội
Nhiều bài hát ca ngợi cán binh trong việc vượt Trường Sơn vào đánh chiếm miển Nam, VNCH. Những bài hát tiêu biểu như: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiếng Chày Trên Sóc Bombo, Cô Gái Vót Chông, Cô Gái Sài Gòn Tải Đạn…
Ca ngợi Đảng CSVN
Bài hát tiêu biểu: Đảng cho ta sáng mắt, sáng lòng của Phạm Tuyên, Đảng cho ta một mùa xuân của Phạm Tuyên; Đảng là cuộc sống của tôi của Nguyễn Đức Toàn
Nhạc xanh
Nhạc Xanh xã hội chủ nghĩa gồm những bài ca kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất. Các bài nhạc xanh tiêu biểu như: “Mùa Xuân trên nông trường Lê Minh Xuân ” “Hát trên nông trường xanh ” “Chị Tư 3 Đảm Đang” “Con Kênh Xanh Xanh”.
Nhạc xanh là nhạc ngoại quốc lời Việt, như các bản: Dòng Sông Xanh (The Beautiful Blue Danube). Em Đẹp Nhất Đêm Nay (La Plus Belle Pour Aller Danser), Người Đẹp Của Tôi (Bernadine), Giàn Thiên Lý Đã Xa (Scarborough Fair), Người Tình Mùa Đông (Nhạc Nhật, nhạc sĩ Nakajima Naomi), Cho Quên Thú Đau Thương (Main Dans La Main), Mùa Thu Lá Bay (Nhạc Hoa), Bến Thượng Hải (Nhạc Hoa) …
Nhạc vàng
Nhạc vàng là dòng tân nhạc của Việt Nam Cộng Hòa, đối lập với nhạc đỏ của chủ nghĩa cộng sản. Nhạc vàng được viết trên những giai điệu chậm buồn đều đều (bolero, slow rock, rumba, ballade…), với lời ca trữ tình bình dân bao gồm nhiều phong cách, từ nhạc tình tự quê hương với biến thể từ dân ca Nam Việt, nhạc lính, bài hát kiểu kể chuyện … Nhiều sáng tác nhạc vàng của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương…
Bolero[4]là dòng nhạc lãng mạn diễn tả thấm đẫm những u buồn, niềm đau thương được kể theo vần điệu du dương rất thẩm thấu vào lòng người trước cảnh tang tóc, ly tán, mất mát, nỗi buồn u uất của nội chiến quốc cộng. Từ sau nội chiến, giới trẻ ngoài Bắc cũng như trong Nam ai cũng cảm thấy tâm sự của mình trong ấy. Nhạc vàng cho người nghe cái tâm trạng “riêng” của con người trong khi nhạc đỏ biểu lộ cái ý thức hệ chung của tập thể.
Nhạc sĩ Võ công Diên nhận xét :« Nhạc vàng thực chất là dòng nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca các vùng miền Tổ quốc, nó rất gần gũi với tâm tình của người Việt Nam chúng ta, do đó nó có sức cuốn hút đối với số đông. Chính vì yếu tố này, dòng nhạc quê hương luôn được đa số công chúng chọn lựa ».
Đốt nhạc cấm ca
Trong thời gian 1975-1986, cộng sản hủy diệt kho vũ khí âm nhạc của Sài Gòn bằng hai cách :
Tiêu hủy nhiều sản phẩm văn hóa trong đó có băng cassette, đĩa nhạc cùng những bài vở ghi chép nhạc vàng,
Cấm triệt để nhạc vàng theo chỉ đạo văn hóa chính trị từ Hà Nội.
Cũng như nhiều đề mục văn hóa khác ở miền Nam, dòng nhạc này bị cấm trên các phương tiện truyền thanh truyền hình và bị gán thêm nhãn chính trị là “nhạc phản động” hoặc “đồi trụy”, “ru ngủ”, không thể hiện được con người xã hội chủ nghĩa tư tưởng như tinh thần cộng đồng, yêu lao động.
Dù bị cấm, nhạc vàng vẫn được nhiều người trong Nam lẫn ngoài Bắc phải nghe trộm qua những buổi phát thanh của VOA hoặc BBC từ hải ngoại. Trong chiến lợi phẩm cán bộ mang về miền Bắc là những cuốn băng nhạc vàng và cassette. Thi sĩ Huy Cận tâm sự món quà quí nhất của miền Nam tặng ông là băng nhạc thu băng bài Ngậm Ngùi của ông.
Nhạc vàng đã ghi dấu một giai đoạn lịch sử bi thương tang tóc của nội chiến nay được giới trẻ miền Bắc đồng cảm với với dòng nhạc buồn rười rượi này vì họ khao khát những hình thái nghệ thuật cởi mở tự do sau bao năm bị nhốt trong khuôn khổ của văn hóa vô sản.
Đến khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới, vì bất lực và thất bại trước phong trào nhạc vàng sống lại nên chính quyền buộc phải xem xét lại và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ theo tác giả và tác phẩm. Năm 1986 lần đầu tiên chính quyền cho ra danh mục 36 tác phẩm âm nhạc của Miền Nam trước kia nay được phép công khai trình diễn và danh sách 297 bài bị cấm nhất là các bài thuộc thể loại nhạc lính Sài Gòn như “Người ở lại Charlie” “Anh không chết đâu em…”. Từ đó số người nghe nhạc vàng ngày càng đông, không chỉ ở phía nam vĩ tuyến 17 và hải ngoại mà cả ở miền Bắc, thậm chí theo chân người Việt đi lao động ở Liên Xô và Đông Âu vào thập niên 1980. Từ đó, nhạc vàng lan tràn như sóng vỡ bờ, nhà Nước lúc này bó tay, vô phương ngăn chặn, phải cho phép phổ biến nhạc vàng.
Đúng lúc đó thì các băng đĩa từ hải ngoại tràn ngập thị trường. Các nhà kinh doanh và tổ chức ca nhạc trong nước đã tổ chức nhiều buổi trình diễn nhạc vàng, lại được diễn tả bởi các giọng ca già nhưng còn hấp dẫn đua nhau về nước trình diễn và được đón nhận nồng nhiệt.
Ngày nay, nhạc Vàng Việt Nam Cộng Hòa được trình bày công khai hay qua DVD (video), tại nhạc hội, khách sạn, quán ăn, trên xe đò… Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa sống lại chỉ là hệ quả của thất bại của cưỡng bách văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Nhiều người tự hỏi tại sao cộng sản buông tay thả nổi trước sự trở lại của văn hóa Việt Nam Cộng Hòa? Cộng sản muốn ngăn chận lắm chứ nhưng bất lực trước cuồng phong.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký nghị định 28 ngày 30/3/2017 : « Bán, cho thuê, lưu hành ghi âm ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép; tàng trữ, phổ biến trái phép các tác phẩm chưa được phép phổ biến sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng …». Hơn một tuần sau, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng cục nghệ thuật biểu diễn cấm lưu hành vĩnh viễn 5 bản nhạc trước 1975: Cánh thiệp đầu xuân ( Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ-Hồ Đình Phương).
Lý do cấm : có ca từ sai với bản gốc bị sửa lời, vi phạm bản quyền[5].
Dư luận bàn cãi xôi nổi, nóng lên vì các ca khúc đã được phép lưu hành nay lại cấm vĩnh viễn. Hội nhạc sĩ Việt Nam gởi một công văn phản đối rất nhẹ việc cấm này lên Hội Đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương nêu lý do 5 ca khúc không vi phạm qui định của Nhà Nước đã đề ra và trên nguyên tắc đã được cho phép.
Theo ông Nguyễn Bắc Truyền :« Họ nhắm vào các show tổ chức là chính, còn trong dân chúng thì chúng ta thấy người ta vẫn hát cho nhau nghe… và hình như phát lờ lệnh cấm này ».
Nhạc sĩ Tuấn Khanh phát biểu:« Tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền. Âm nhạc hay sách vở- trí thức và cảm xúc… sẽ còn lại mãi mãi, bền bỉ thách đố mọi thời đại mê muội của cường quyền ».
Một người duy nhất lên tiếng bênh vực lệnh cấm là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha cho rằng 5 ca khúc bị dừng lưu hành không đáng để ồn ào và than rằng:« Hàng trăm hợp xướng của tôi và đồng nghiệp, hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại thì chẳng ai nhắc đến hay ca ngợi. Còn 5 ca khúc kia mới bị tạm dừng lưu hành lại được mang ra mổ xẻ, tranh cãi bênh vực…».
Trên thực tế lệnh cấm không ai tuân theo, không cấm được người ta hát, nghe hát trên mạng, hát cho nhau nghe, quay clip post đầy trên mạng, người dân vẫn chia xẻ link các bản ghi ca khúc bị cấm, thậm chí họ còn tự biểu diễn, tự ghi hình, tự post lên mạng. Lệnh cấm quá muộn vì làm sao cấm được YouTube, google, facebook?
Vấn đề của cộng sản ngày nay là trước sức lan tràn của nhạc vàng như một trận cuồng phong, Nhà Nước không có khả năng đàn áp, cấm đoán, kiểm soát thông tin như xưa. Ông Nguyễn Bắc Truyền nói với VOA rằng :« Càng cấm đoán người ta càng rủ nhau hát nhiều hơn, vì tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không phải là cường quyền ».
Chiến thắng của âm thanh bolero Sài Gòn
Cùng với chiến sự văn hóa trên giấy, mặt trận văn hóa trong âm thanh làm nổi bật hình ảnh thất trận văn hóa của cộng sản.
Để mô tả chiến trường văn hóa, Phạm Tín An Ninh viết :« Có lẽ chưa bao giờ, kể cả thời Việt Nam Cộng Hòa, nhạc bolero thịnh hành và được người trong nước mê mẩn như bây giờ, đặc biệt ở miền Bắc… Bây giờ bolero như trận cuồng phong, phá tan mọi thành trì, chiếm ngự tất cả mọi nơi, từ thành phố đến nông thôn, từ các “tụ điểm”, sân khấu hoành tráng nhất, len lỏi đến tận các hang cùng ngõ hẻm, “vùng sâu vùng xa”, kể cả trong đám ma đám cưới, làm mê mẩn từ người già đến con trẻ, từ những ông quan lớn, đại gia đến dân dã, bần cùng. Ở đâu cũng nghe bolero ».
Trận cuồng phong được đánh dấu bởi các biến cố âm nhạc sau :
Sự trở về của ca sĩ Sài Gòn xưa,
Phòng trà.
Người lính văn hóa trở về
Muốn biết người cộng sản thất trận văn hóa trong âm thanh như thế nào thì chúng ta hãy nhìn các nhạc hội (Live show) và phòng trà tại Việt Nam.
Nhạc hội
Sau năm 1990, nhiều ca sĩ xưa kéo nhau trở về trình diễn như Thanh Lan, Vũ Thành An, Khánh Ly, Phạm Duy… Ngày 2-2-2011, tại nhà Hát Lớn Hà Nội, hàng ngàn người đến nghe Tuấn Vũ, Hương Lan từ hải ngoại về trình diễn nhạc vàng trong 10 show cháy vé sau đại lễ Một Ngàn Năm Thăng Long.
Một thí dụ điển hình khác là “Live show” của ca sĩ Chế Linh tại Mỹ Đình – Hà Nội vào cuối năm 2011. Tấm ảnh quảng cáo live show “Huyền Thoại Dòng Nhạc Tình (nhạc Vàng)” của Chế Linh đủ nói nên bằng cả ngàn chữ về quân phục VNCH cùng nhạc “Vàng” đã ngang nhiên đi vào giữa thủ đô Hà Nội[6].
Tết Mậu Tuất 2018, đêm nhạc « Góp lá mùa xuân » ngày 22/1/2018 tại nhạc viện TH HCM, bài ca của Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn vang lên như thuở nào cùng với Khánh Ly. Ngày 6/1/2018, nhà hát Hòa Bình Sài Gòn, nhạc vàng rung động lòng người qua dọng ca của ca sĩ Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, Họa Mi, Hương Lan.
Biển quảng cáo Chế Linh và Khánh Ly
Nhạc vàng theo nhận xét của nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã đi từ địa vị bị cấm đoán năm 1975 để rồi đến năm 2010 đã lên ngôi ở giữa thủ đô Hà Nội. Nhiều ca sĩ trong nước cũng thường xuyên trình diễn nhạc vàng tại hải ngoại. Nhạc sĩ Việt Dzũng nhận xét về nhạc vàng và hiện trạng này như sau: “Vậy hỏi lại nhé, ở Việt Nam có bao nhiêu ca sĩ, và bao nhiêu người đã ra hải ngoại để hát? Họ ra hải ngoại để hát nhạc gì? Câu trả lời là họ vẫn phải nhờ vào nhạc vàng của trước năm 1975 để kiếm tiền sống».
Phòng trà
Nhiều ca sĩ Sài Gòn trước 1975 trở về với các gameshow truyền hình đại chúng và không quên xuất hiện trở lại những phòng trà cũ, mới của Sài Gòn đậm mầu hoài niệm văn hóa Sài Gòn xưa. Thế rồi như một cuộc hồi sinh mạnh mẽ nhưng âm thầm, không gian phòng trà, cà phê kiểu phòng trà Sài Gòn nở rộ cùng với dòng nhạc boléro trên các thành phố lớn. Phòng trà cùng với sách cũ bày bán tự do bên cạnh tài liệu mới có màu hoài niệm như “Sài Gòn năm tháng cũ” … đóng góp vào việc tái định vị giá trị văn hóa Sài Gòn bị phủ đậy, nhấn chìm trong vài ba thập niên. Muốn thấy rõ điều này, sau khi các em ghé mắt nhìn Đường Sách Nguyễn Văn Bình, chúng ta hãy qua thăm một số phòng trà nổi tiếng sau.
Quán cà phê Người Sài Gòn (9 Thái Văn Lung, Quận 1). Bên trong treo tấm màn phông sân khấu vẽ lại không gian phố xá Sài Gòn trước 1975 : Quán lề đường, tên đường, tên phòng trà vang danh một thời, bức họa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trầm tư với khói thuốc bên ô cửa, ông thi sĩ Bùi Giáng bước xiêu vẹo, cặp đôi Lê Uyên-Phương đèo nhau trên xe vespa. Bên trên bức tranh là slogan “Sài Gòn vẫn hát”. Tại đây có những đêm nhạc Phạm Duy, Lam Phương… Thính giả đến đa số là các bạn trẻ, tuổi từ 20-30 nhưng mê nhạc tiền chiến, dòng nhạc boléro và thích sống trong không gian âm nhạc kiểu Sài Gòn.
Phòng trà Overture café (109 Trần Quốc Toản, Q3) trang bị một không gian mới mẻ, hiện đại, âm thanh tinh tế, tổ chức những đêm nhạc boléro, chủ đề Nguyễn Ánh 9, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…
Phòng trà WE trên đường Lê Quý Ðôn (Q3) thường xuyên có các minishow của những giọng ca cũ: Tuấn Ngọc, Lệ Thu,… bên cạnh những tên tuổi mới của dòng nhạc trữ tình, tiền chiến: Trọng Bắc, Ðức Tuấn.
Phòng trà Uyên Voice (33 Trần Bình Trọng, Q. Bình Thạnh) thường càng về khuya càng nhiều khán giả ghi tên lên hát những ca khúc cũ trước 1975.
Tại phòng trà Hi End trên đường Nguyễn Ðình Chiểu, khán giả gặp lại ca sĩ Hồng Vân với giọng ca phòng trà đặc thù Sài Gòn ngày xưa, bên những giọng ca mới chuyên hát những ca khúc ra đời ở miền Nam trước 1975: Ngọc Mai, Thụy Long, Tương Phùng, Hoàng Kim, Ngọc Quy…
Nhận xét của giới nghệ sĩ trong nước
Ngày nay nhạc vàng đã trở thành món ăn tinh thần của giới trẻ và bành trướng bất khả phản hồi theo như nhận định của tờ báo An ninh thủ đô. Trên VOA ngày 17-3 2017, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người từng làm công tác tuyên huấn, coi sự bùng nổ dòng nhạc bolero là một hiện tượng bình thường vì là dòng nhạc bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu phát biểu : « Những bài viết về người lính Cộng Hòa sẽ khiến cho giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng,»
Ông Nguyễn Bắc Truyền cho VOA biết rằng :« Càng cấm đoán, người ta càng rủ nhau hát nhiều hơn, vì tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền ».
Nhạc sĩ Lê Minh nhận định :« Khi cái mới không đáp ứng nhu cầu, cái mới không hay hơn, không có cái gì đặc biệt hơn thì người ta quay về cái cũ » và ông quan sát thấy tại các tụ điểm karaoke « Người ta không hát nhạc đang thời trang đâu, có chăng là một số ca khúc dân ca mới, còn đa số « sang » thì họ hát nhạc của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…». Hỏi lý do, ca sĩ Trà Mi trả lời :« Nhạc bây giờ cũng là lời nói (kể chuyện) nhưng nghe nó ngang phè phè. Còn lời của nhạc vàng chỉ là lời nói bình thường thôi, nhưng thấy nó khác, nghe nói không chướng tai ».
Báo Người Lao Động nhận định :« Khi các ca khúc mới không đáp ứng được nhu cầu cả nội dung lẫn nghệ thuật, nhiều ca sĩ trình diễn, nhà sản xuất chương trình lại tìm kiếm các ca khúc xưa, Sự bùng nổ của các chương trình bolero hiện nay là một minh chứng ».
Nếu hỏi cái gì vẫn âm thầm nhưng vũ bão giải phóng ngược lại lên miền Bắc Bộ, cái gì vẫn miệt mài làm nhân chứng cho khác biệt giữa văn hóa cổ truyền và văn hóa mới vô sản, câu trả lời là âm nhạc miền Nam như Nhạc sĩ Vũ Đông Hà viết:« Gần 42 năm trôi qua, âm nhạc miền Nam vẫn như dòng suối mát trôi chảy trong tâm hồn của người dân Việt. Chảy từ đồng bằng Cửu Long, xuôi ngược lên Bắc, nhập dòng sông Hồng để tưới mát tâm hồn của mọi người dân Việt đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa bạo tàn cộng sản… Gần 42 năm qua, nhà cầm quyền cộng sản đã tìm mọi cách để tiêu diệt âm nhạc miền Nam. Nhưng họ không biết rằng, dòng âm nhạc đó không còn là những bài in, bài hát, những CD được sao chép bán buôn…Âm nhạc miền Nam đã trở thành máu huyết và hơi thở của dân Việt, bất kể Bắc Trung hay Nam, bất kể sinh trưởng trước hay sau 1975 ».
Trong cái khát khao nhạc vàng ấy, thực chất chính là nỗi khát khao Tự Do trong khung trời văn hóa Sài Gòn thuở trước. Người nghe thì hồn như bay bổng đến cõi mộng mơ nào đó, họ đắm chìm trong cảm xúc của một thời hạnh phúc, mà người miền Nam đã mất đi trong tiếc nuối, và người miền Bắc thì khát khao từ mấy thập niên bị tù hãm. Nếu quả thật « Âm nhạc có thể làm thay đổi thế giới vì nó thay đổi con người » (Music can change the world because it can change people – Bono), thì sự chiến thắng của nhạc vàng là biểu tượng của sự trở về với văn hóa dân tộc và sự kết liễu hành trình tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Các nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng như Nguyễn Văn Đông, Trịnh Công Sơn, Anh Bằng, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy… họ nào có ngờ rằng đã tạo thành những vũ khí văn hóa biến Việt Nam Cộng Hòa thành “bên thực sự thắng cuộc” trên mặt trận nội chiến văn hóa. Cuộc “phục thù ngọt ngào” của văn hóa Sài Gòn, không đổ máu, không một tiếng súng mà chỉ có tiếng nhạc bolero “Một cuộc chiến tranh không có bom đạn, sắt máu, mà chỉ có lời ca tiếng nhạc du dương, êm đềm, thơ mộng … phản ảnh tâm thức của người dân muốn hướng đến một xã hội tràn đầy yêu thương, nhân bản, thấm đượm tình quê hương dân tộc”.
Năm 1986, nội chiến văn hóa Bắc Nam kết thúc. Bên thắng, bên bại đã rõ ràng. Văn hóa XHCN và đời sống của một xã hội ước mơ theo Mác Lê chỉ là một tia chớp sáng dài 40 năm (1945-1986) rồi tắt.
—
[1] Hứng thi văn xuất phát từ đầu óc chứ không phải từ tình cảm trái tim
[2] Các bài hát tiêu biểu của nhạc đỏ là: “Cây chông tre,” “Cô gái vót chông,” “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn,” “Tiếng chày trên Sóc Bom bo,” “Trường sơn Đông, Trường sơn Tây,” “Rừng xanh vang tiếng TaLê,” “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” “Hồ chí minh đẹp nhất tên người,” “Bác đang cùng chúng cháu hành quân,” “Lời bác dặn trước lúc đi xa,” “Đêm nghe tiếng đò đưa nhớ bác,” “Năm anh em trên một chiếc xe tăng,” “Hò kéo pháo” …
[3] Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Sáng tác: Trần Kiết Tường), Hát về Người (Sáng tác: Đoàn Bổng), Người là niềm tin tất thắng (Sáng tác: Chu Minh), Lời Bác dặn trước lúc đi xa (Sáng tác: Trần Hoàn), Bác Hồ một tình yêu bao la (Sáng tác: Thuận Yến), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (Sáng tác: Phong Nhã) …
[4] Tại Âu Châu, giai điệu bolero xuất hiện trong khoảng thời gian 1820-1910. Bolero của Việt Nam rất chậm nên khác bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ. Trước năm 1975, ca sĩ Thanh Thúy được mệnh danh Nữ Hoàng Bolero qua những bài bolero nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương.
[5] Lý do lệnh cấm:« Đừng gọi anh bằng chú » của Diên An , bài này nguyên là của Anh Thi một quân nhân hải quân VNCH. Nguyễn Đình Bổn viết về việc cấm bài Con đường xưa em đi :« chỉ vài từ « phiên gác, chiến trường » mà cấm thì thật mắc cười, nhưng cấm mấy đi nữa cũng không làm mất đi vẻ đẹp, tính nhân bản của các ca khúc thời Việt Nam Cộng Hòa ». Cấm bài « Ly rượu mừng » vì mỗi lần xuân về nhân dân hát bài này thay cho « Mừng xuân, mừng Đảng » ; thanh niên mang quân phục VNCH hát nhạc lính nên cấm
[6] Lên mạng bấm vào « nhạc cấm » mới thấy « nhạc lính cộng hòa » rất được yêu mến qua dọng hát Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Trường Vũ… với những ghi chú: Những ca khúc nghe tê tái, Nhạc lính gây nghiện. Album Lính xa nhà Trường Vũ (ông hoàng nhạc vàng), Nhạc lính bất hủ nghe là nghiện, nghe trời ơi muốn khóc, người nghe chết lặng con tim, buồn tê tái chấn động triệu con tim, bạn chết lặng khi nghe ca khúc này,
https://hungviet-vhr.org/2023/06/22/bai-17-noi-chien-trong-am-thanh/
Không có nhận xét nào