Header Ads

  • Breaking News

    Lạp Chúc Nguyễn Huy* - Hướng dẫn định hình văn hóa Việt

    Cầu Trung Đạo

    March 26, 2021

    https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2021/03/cau-trung-dao-01.png

    Bài học văn hóa

    Trên cầu Trung Đạo, bản tuyên ngôn đạo trị quốc và đạo quân vương được ghi lại cho muôn đời học hỏi  

    Việc dạy học các hoàng tử, hoàng thân nhỏ tuổi được trao cho một ban giảng huấn gồm cấc quan giáo đạo. “Phàm việc giáo dục các tôn thân, những hoàng tử, hoàng thân thì có nhà Tập Thiện, có đặt các chức Tán thiện, Ban độc, Giáng tập, Chính tự, mà lấy quan đại thần kiêm làm sư bảo, dạy bảo để trọng đạo thầy” (Hội Điển 1)[1].

    Đến khi Thái Tử lên ngôi vua thì trước ngai vàng, vua luôn luôn nhìn thấy trước mặt bài học đạo trị quốc và đạo quân vương được ghi trên hai nghi môn (phương môn[2]) trên cầu Trung Đạo dẫn đến điện Thái Hòa[3].

    Vào thăm Hoàng Thành, đi qua cửa Ngọ Môn[4], các du khách thì đi vội đến điện Thái Hòa để chiêm ngưỡng cái nguy nga tráng lệ của thời quân chủ; còn chúng ta, hỏi có mấy ai trong chúng ta qua cửa Ngọ Môn, bước tới cầu Trung Đạo ngó xuống hồ Thái Dịch rồi nhìn lên các Đại Tự trên các “nghi môn[5]” (Cửa sau của cổng chính Ngọ Môn) mà hình dung được hình ảnh sau?

    Vua đi trên Dũng Đạo [6] là con đường lát đá ở giữa những biến dịch lớn lao (hồ Thái Dịch),

    Trên đầu vua là các đại tự khắc trên nghi môn hướng dẫn vua đi trên cầu bằng bài học trị quốc và tu dưỡng bản thân.

    https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2021/03/cau-trung-dao-04.png

    Cầu Trung Đạo[7] bắc qua hồ Thái Dịch[8] trong Hoàng Thành, là đường dẫn từ cửa Ngọ Môn vào điện Thái Hoà (太和殿) và nằm trên trục Dũng Đạo [9] của hoàng thành.

    Ở hai đầu cầu Trung Đạo có hai Nghi môn bằng đồng. Mỗi nghi môn gồm 3 phần:

    Cột đồng. Mỗi nghi môn được đỡ bởi 4 cột bằng đồng, hai cột ngoài chạm mây. Phần thân hai trụ giữa được đúc nổi đề tài “long vân thủy ba” với cặp hình rồng 5 móng (dành riêng cho vua) tượng trưng cho âm dương hòa hợp: Tượng hình long thăng (bên trái từ điên Thái Hòa nhìn ra, tượng trưng cho khí Dương đi lên), tượng hình long giáng (bên phải biểu tượng khí âm đi xuống).

    Ngạch cửa. Chung quanh các đại tự, các ngạch cửa được chia thành các ô hộc trang trí các đồ án hoa lá và bát bửu, mặt trời, mặt trăng[10], đài mây, hoa sen … đều được thể hiện bằng pháp lam[11]. Ở cả hai mặt của ô nằm giữa mỗi nghi môn, đều có đúc nổi 4 chữ Hán trên nền Pháp lam.

    Đại tự. mỗi mặt nghi môn có đúc nổi 4 đại tự. Nội dung bốn câu trên hai Nghi môn này tóm tắt:

    1) Đạo trị quốc: Đường lối cai trị của triều đình nhà Nguyễn và con đường chính trị của triều đại, Hai mặt hướng nam (từ ngoài Ngọ Môn nhìn vào) là hai câu :

    Chính trực đẳng bình平等 直正
    Cao Minh Du Cửu 高明悠久

    2) Đạo quân vương: Tư tưởng chỉ đạo, phương hướng tu dưỡng bản thân nhà vua và triều đình. Hai mặt hướng bắc (trong điện Thái Hoà nhìn ra) là hai câu:

    Cư nhân do nghĩa 居仁
    Trung hoà vị dục 中和位育.

    Đạo trị quốc

    Từ cửa Ngọ Môn đi vào điện Thái Hòa, tám đại tự trên hai nghi môn (quay về phía nam): Chính Trực Đẳng Bình, Cao Minh Du Cửu là tuyên ngôn về con đường chính trị của triều đại Nhà Nguyễn nhằm nhắc nhở vua quan cần ngay thẳng rõ ràng, bậc quân vương tuân theo điều nghĩa, không thiên lệch[12].

    Chính trực đẳng bình

    https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2021/03/cau-trung-dao-05.png

    Chính正: Phải, Ngay thẳng, ở giữa, Trực 直: thẳng tới, Đẳng等: Bực, thí dụ thượng đẳng 上等, trung đẳng 中等, hạ đẳng 下等, Bình 平: Bằng phẳng, yên ổn, bình thường, thí dụ Bình địa, Bình tâm, Bình thân.

    Chính trực đẳng bình nghĩa là hành xử phải thẳng tới lẽ phải, ngay thẳng để đến bực bình thường, yên ổn. Có nghĩa đường lối chính trị của vua quan là thực hành chính sự ngay thẳng, rõ ràng.

    Cao Minh Du Cửu [13]

    https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2021/03/cau-trung-dao-06.png

    Cao : Trái lại với thấp, như sơn cao thuỷ thâm núi cao sông sâu, Minh明: Sáng, Du 悠: Nước chảy, Cửu   久 : Lâu, lâu dài, thí dụ Trường cửu, Vĩnh cửu

    Cao Minh Du Cửu là tôn chỉ cho việc vận hành bộ máy nhà Nước. Mọi việc đều rõ ràng như ánh sáng trên cao tỏa ra vĩnh cữu như nước chảy, không có gì ẩn giấu mờ ám hay khuất lấp, trái đạo lý[14].

    Đạo quân vương

    Khi vua từ ngai vàng đứng lên đi ra cửa Ngọ Môn thăm dân thì nhìn thấy các đại tự trên hai nghi môn tóm tắt đạo làm vua nhất là tình cảm của vua như sau :

    Đạo làm vua phải biết tích trữ lòng thương yêu dân bằng cách làm việc nghĩa

    Cư nhân do nghĩa

    Muốn làm được việc yêu thương dân thì phải biết chế ngự thất tình

    Trung hòa vị dục.

     Cư nhân do nghĩa

    https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2021/03/cau-trung-dao-07.png

     居: Tích chứa, Nhơn 仁: Lòng thương người mến vật; Nhân là tình thương yêu rộng lớn, thiên về tình cảm, Do  : bởi (dùng như, bộ ), Nghĩa義: việc làm chánh đáng theo lẽ phải, thiên về lý trí.

    Cư nhân do nghĩa : Bậc quân vương hành xử tuân theo điều nghĩa, không thiên lệch là để tích trữ lòng thương yêu dân (nhân).

    Đây là bài học Nhơn Nghĩa nặng về tình cảm của vua quan đối với dân:

    Nhân là tình thương yêu rộng lớn, thiên về tình cảm.

    Nghĩa là việc làm chánh đáng theo lẽ phải, thiên về lý trí.

    Bài học Nhơn Nghĩa đã được Nguyễn Trãi truyền lại trong bài Bình Ngô Đại Cáo[15]

    Thay trời hành hóa, hoàng thượng chiếu rằng,
    Từng nghe:

         Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;

    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạọ

    Nhân nghĩa là con đường thực hành nhân tính của vua quan[16]. Nhưng giữa Nhân và Nghĩa, Nhân được coi là cơ bản, Nhân là gốc của Nghĩa.  Nhân là tình thương yêu rộng lớn, thiên về tình cảm. Nhân là đem ơn huệ cho mọi vật. Nghĩa là xét đoán thích đáng. Hay nói cách khác: Ơn huệ là Nhân, lẽ phải là Nghĩa. Hai mặt Nhân và Nghĩa cần đi liền với nhau, bổ sung cho nhau. Nhân là nơi ở yên ổn của người, Nghĩa là con đường chánh của người: ở thì theo đạo Nhân, đi thì noi đường Nghĩa[17].

    Trung hoà vị dục

    https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2021/03/cau-trung-dao-08.png

    Trung: 中 ở giữa, Hòa: 和 Thuận thảo, điều hòa, Vị: 位 Ngôi vị, chỗ đứng, Dục: 育 Nuôi cho khôn lớn.

    Từ ngôi vua nhìn ra Ngọ Môn, vua sẽ nhìn thấy trên nghi môn bốn đại tự 中和位育 Trung Hòa Vị dục mà hiểu rằng ngồi ở ngôi vị Vua (Vị: 位) và muốn ngôi vị ngày một vững chắc thì phải biết nuôi dưỡng (Dục: 育). Muốn nuôi dưỡng ngôi vị thì phải biết kềm chế thất tình cho phát ra đúng tiết điệu hòa hài cảm ứng với nội tâm ngoại cảm, tình trang đó gọi là Trung Hòa.

    Muốn giữ được Trung Hòa thì phải kiểm soát được sự biểu lộ của thất tình : aí (yêu thương), ố (ghét), hỉ (mừng), nộ (giận), ai (buồn), lạc (vui sướng), cụ (sợ hãi). Khi thất tình chưa phát thì gọi là Trung, khi phát ra đúng tiết điệu hòa hài cảm ứng với nội tâm ngoại cảm gọi là Hòa. Trung Hòa là đạt đến yếu tố trong định ngoài an.

    Nếu thất tình biểu lộ thái quá không kềm chế được thì sẽ biến tình cảm (sentiment) thành xúc cảm (émotion) làm cho tinh thần bất ổn, hành động ngang trái. Điều này ai trong chúng ta cũng có thể tự kiểm chứng được thất tình thái quá tác hại đến Tinh Thần như thế nào.

    – Giận quá thì can khí bốc lên, mặt mày đỏ ké, chân tay run rẩy làm tinh thần mờ ám, ngu dại làm điều trái đạo; theo đạo Phật nộ giận là một tội ác trong tam độc (tham, sân, si ) và thập ác[18],

    – Buồn thái quá khiến khó thở, tinh thần suy nhược, yếm thế vì phế khí co lại và giáng xuống ;

    – Vui thái quá muốn hóa điên cuồng, miệng nói tay múa vì khí của tim bị tán  ;

    – yêu ghét, lo âu quá đáng thì tinh thần chán nản, mệt mỏi ;

    – Sợ hãi quá thì mất hết ý muốn mạnh mẽ để đạt mục đích vì khí ở thận suy yếu.

    Vì vậy, bài học Trung Hòa Vị Dục nhằm nhắc vua biểu lộ thất tình vui, giận… phải đúng tiết độ tức trong trạng thái Trung Hòa thì Vua mới an vị, đất nước thịnh vượng thanh bình, trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi nảy nở. Trung hòa vị dục[19] có nghĩa là như vậy.

    Tóm lại, bài học trị quốc và cách tu dưỡng bản thân của vua quan nhà Nguyễn là ánh đuốc soi sáng cho muôn đời về sau. Bài học này cũng đã giải thích tại sao lãnh thổ và ảnh hưởng chính trị của Đại Nam thời vua Minh Mạng lớn nhất trong lịch sử[20] và tại sao có những nhận xét sau của lịch sử:

    « Triều đình nhà Nguyễn, có những nét sáng tạo riêng mình trong nền văn hóa chung của Trung Hoa và Ấn Độ[21]”, 

    “Pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ[22]”. 

    Lạp Chúc Nguyễn Huy

     [1] Võ Hương An. Từ điển nhà Nguyễn, tập 1, Nam Việt XB, California, 2015, tr. 75

    [2] Phươnglà vuông vắn, Môn 門là cửa

    [3] Thái Hòa. 太 thái: cao, to, 和 Hoà: cùng ăn nhịp với nhau, vừa phải, không thái quá không bất cập  (harmonie).Trong Kinh Dịch, Thái là tốt lành nên thường nói Thái giả thông dã (Thái là thông suốt). Vì vậy quẻ Thái là quẻ tốt lành nhất vì “thiên địa giao Thái, hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo…” có nghĩa là nhìn vào hình dáng của quẻ Thái, thấy ý nghĩa tốt lành của Thái là do 3 hào dương nội quái Càn (trời, tượng trưng bởi 3 vạch liền nằm bên dưới hợp với 3 hào âm ngoại quái Khôn (đất, tượng trưng bởi 3 vạch đứt)  nằm bên trên. Hình dáng quẻ Thái diễn tả khí trời giáng xuống dưới (hướng âm), khí đất xông lên trên (hướng dương), khí âm dương trong vũ trụ được giao hòa khiến cho vạn vật thành tựu vuông tròn…

    https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2021/03/cau-trung-dao-03.png

    [4] Ngọ Môn 午門 (cổng tý ngọ): Giải thích theo thời gian: Ngọ là lúc mặt trời lên cao nhất. Ngọ môn ý nói vua đứng ở thời điểm cao nhất. Giải thích theo không gian: Căn cứ trên la bàn, phía nam thuộc hướng “ngọ” trên trục “tý – ngọ” (bắc – nam), vì thế, cái tên Ngọ Môn tức cửa Nam mang ý nghĩa về không gian, phương hướng.  Ngọ môn có 5 cửa :   Cửa chính giữa gọi là Ngọ Môn dành cho vua; hai cửa kế liền gọi là Giáp Môn dành cho quan lại còn hai cửa quanh ngoài rìa gọi là Dịch Môn dành cho binh mã. Về phương vị, chính Nam (正南) thuộc Ngọ (午), nên cửa chính Hoàng thành phía Nam còn được gọi là Đoan Môn (端門), “Ngọ Môn” (午門), hoặc “Ngọ Triều Môn” (午朝門). Theo “Tiên Thiên Bát Quái (先天 八卦), hướng Nam ứng với quẻ Càn (乾), tượng trưng cho Trời, nên Ngọ Môn chỉ dành riêng cho Đế vương, Thiên tử đi. Ngọ Môn có Lầu Ngũ Phụng mang ý nghĩa là nơi hội tụ hiền tài ví như chim phụng, bởi vậy, khoa thi năm Mậu tuất 1898, đất Quảng Nam có đến 5 vị cùng thi đỗ đại khoa (2 Phó bảng, 3 Tiến sỹ) thì được vinh danh là xứ sở có “ngũ phụng tề phi” (5 chim phượng cùng bay lên).

    [5] Nghi môn là cổng thứ nhì sau cổng ngoài. Nghi Phép tắc, khuôn mẫu để mọi người theo, nghi thức, lễ nghi, môn là cửa. Nghi môn cũng hiện diện tại lăng Minh Mạng, Thiệu Trị

    [6] Dũng đạo: dũng ở giữa, đạo đường . Dũng đạo chỉ đường đi ở giữa cung điện. Tại lăng vua thì gọi Thần Đạo, Còn đình, đền thờ thần thì dùng linh đạo

    [7] Trung 中: ở giữa. Đạo 道: Đường. Trung Đạo là con đường chính giữa ngụ ý trị quốc phãi giữ đạo “trung dung” không được đi sang cực đoan. Không thiên vị, không quá đi, cũng không thiếu đi, thể hiện sự trung dung hài hòa, không cực đoan

    [8] Thái dịch 大 易: Biến đổi lớn

    [9] Xuyên suốt cả ba tòa thành là trục Dũng đạo tức đường của khí mạch nhập vào đầu Rồng (Long nhập thủ). Con đường này chạy từ sông Hương, Nghinh Lương Đình, Phú Văn Lâu, Kỳ đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Hai bên đường Dũng đạo là hàng trăm công trình kiến trúc bố trí hòa hài trong bố cục.

    [10]   Trong một lần tu sửa vào khoảng trước năm 1900 dưới thời vua Thành Thái, hai hình tròn mặt trời và mặt trăng (tượng trưng cho âm dương) đặt trên hai đài mây gắn liền bên trên mỗi ngạch cửa nằm giữa hai trụ chính đã bị giảm thiếu, chỉ còn hình mặt trời nằm ở giữa tỏa các tia sáng ra chung quanh mà thôi.

    [11] Pháp lam Huế trên nghi môn là đồ đồng đươc tráng men thời Nguyễn làm trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ.

    [12] Trong Kinh Thư đều có viết: ” Chính trực đẳng bình, tuân vương chi nghĩa, tuân vương chi đạo, vương đạo chính trực”. Đó là thực hành chính sự ngay thẳng, rõ ràng. Bậc quân vương tuân theo điều nghĩa, không thiên lệch.

    [13] Trong một lần trùng tu trước năm 1975, 4 đại tự “Cao Minh Du Cửu” đã được thay thế bằng 4 đại tự 正大光明Chính Đại Quang Minh được đúc trên nghi môn tại lăng vua Minh Mạng. Điều này đã được sửa lại nhưng vẫn gây sai lầm nhất là trên internet khi dịch Cao Minh Du Cửu là Chính Đại Quang Minh vì không kiểm tra lại hoặc không hiểu chữ nho

    [14] Bốn chữ này trong sách “Lễ Ký 禮記” xưa, có nghĩa là cao đại quang minh so với trời và du cửu trường viễn như cảnh giới vô hạn.

    [15] Bình Ngô đại cáo 平吳大誥 là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt.

    [16] Mạnh Tử giảng “Quân nhân, mạc bất nhân; Quân nghĩa, mạc bất nghĩa” nghĩa là nếu vua có lòng nhân thì không ai không theo nhân; Nếu vua đi theo nghĩa thì không ai không đi theo nghĩa. “Cư nhân do nghĩa” được ghi trên nghi môn để vua quan khi đi qua đây đọc được thì luôn ghi nhớ trong lòng.

    [17] Điều nhân nghĩa đức cũng thể hiện ở tên các cổng: hai cửa chính ra vào Kinh Thành được đặt tên là Thể Nhân Môn (thể hiện điều nhân nghĩa) và Quảng Đức Môn (mở rộng đức độ).  Hai cửa hông ra vào Hoàng Thành được đặt tên là Hiển Nhân Môn (làm rõ điều nhân nghĩa) và Chương Đức Môn (làm rực rỡ đức độ).

    [18] Thập ác : 3 ác của thân (sát sanh, du đạo, tà dâm), 4 ác của khẩu (vọng ngữ, ý ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu), 3 ác  của ý ( tham, sân, si)

    [19] Trung hoà vị dục trong sách Trung dung: Hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã trí; Trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên – Thực hiện được đầy đủ lẽ trung hoà thì trời đất được an vị, vạn vật được sinh sôi nẩy nở.

    [20] Vua Minh Mạng  lập các phủ Trấn Ninh, Lạc Biên, Trấn Định, Trấn Man nhằm khống chế Ai Lao; đánh bại Xiêm La; bảo hộ Chân Lạp, chiếm vùng Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) và đổi tên thành Trấn Tây Thành; kết quả là nước Đại Nam thời đó có lãnh thổ rộng hơn cả hiện nay

    [21] Huỳnh Minh Đức, Từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, NXB Trẻ,1994, tr.5. Trước năm 1975, GS Đức là cựu giáo sư ban Hán Văn trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

    [22] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược quyển 2, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr. 192.

    *Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

    https://hungviet-vhr.org/2021/03/26/cau-trung-dao/


    Không có nhận xét nào