Nguồn: Giuseppe Paparella, “What US National (Dis)Unity Means for China Policy”, The Diplomat, 10/06/2023
Biên dịch: Cung Nguyễn Thế Anh
15/10/2023
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Trung Quốc đã khác xa giai đoạn những năm 1960 và 1970. Khi đó, Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế, xung đột với Liên Xô và phải trải qua những khó khăn kinh tế và xã hội do Cách mạng Văn hóa. Giờ đây, Trung Quốc đã hoàn toàn lột xác. Đó là lý do tại sao các chiến lược dựa trên nỗi sợ hãi hay khai thác điểm yếu theo phán đoán sẽ không còn hiệu quả như trước đây (dù hơn 50 năm trước, sự thành công thực sự của những chiến lược này vẫn còn nhiều nghi vấn)”.
Lịch sử cho thấy, mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc thường phản ánh các biến động của sự đoàn kết trong nước.
Trong các diễn ngôn chính trị gần đây, ngày càng có nhiều người Mỹ bày tỏ lo ngại rằng cuộc đấu đá chính trị nội bộ đang làm suy yếu các chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ đối với Trung Quốc. Một mặt, các vụ truy tố cựu Tổng thống Donald Trump và cuộc điều tra con trai Tổng thống Joe Biden có thể làm lung lay sự ổn định trong nước; mặt khác, chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới có thể khiến quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi. Với hơn 80% người dân Mỹ có quan điểm không tốt về Trung Quốc, cả hai đảng dự kiến sẽ củng cố các luận điệu chống Trung Quốc để chiếm sự ủng hộ của công chúng.
Cuộc khủng hoảng trần nợ tháng 5 đã cho thấy những căng thẳng chính trị ở Mỹ có thể lan sang lĩnh vực kinh tế và ngoại giao. Trong trường hợp đó, việc vỡ nợ có thể sẽ làm suy yếu năng lực của Washington trong việc cạnh tranh với Trung Quốc. Đã có những hậu quả trực tiếp: Vào giữa tháng 5, Biden đã buộc phải hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ và chuyến thăm lịch sử tới Papua New Guinea vì các cuộc đàm phán chính trị ở Washington. Việc hủy bỏ các sự kiện quan trọng này cho thấy những tác động sâu sắc của các cuộc khủng hoảng trong nước lên cuộc đọ sức Mỹ – Trung và chính sách đối ngoại tổng thể.
Đoàn kết trong nước và chính sách đối ngoại
Năm 2019, nhà sử học Chiến tranh Lạnh Arne Westad đã cảnh báo rằng thách thức hàng đầu của Mỹ trong việc cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc nằm ở “tư duy của người Mỹ”. Quan điểm này lặp lại lập luận của George Kennan trong bài viết “X” của mình, trong đó ông nhấn mạnh rằng nước Mỹ cần “để lại ấn tượng cho người dân trên thế giới về một quốc gia biết rõ mình muốn gì, xử lý tốt các vấn đề nội bộ với trọng trách của một cường quốc, và sở hữu một tinh thần ngoan cường để đứng vững trước những trào lưu tư tưởng lớn của thời đại.”
Bốn năm sau đại dịch, nước Mỹ vẫn chưa đạt được những mục tiêu này.
Mâu thuẫn nội bộ Mỹ không phải là hiện tượng mới xảy ra. Trong cuốn sách gần đây của mình, Robert D. Putnam đã nghiên cứu cách nước Mỹ hàn gắn sau thời kỳ chia rẽ xã hội trước đó. Putnam cho rằng sự trỗi dậy của phong trào cấp tiến đã xoa dịu những vấn đề của Thời đại Mạ vàng (Gilded Age), chẳng hạn như bất bình đẳng, phân cực chính trị, biến động xã hội và vị kỷ về văn hóa. Những nhân vật mang tư tưởng cấp tiến như Theodore Roosevelt đã thúc đẩy bình đẳng kinh tế, hợp tác xã hội và tình đoàn kết, và tư tưởng của họ đã định hình chính sách và xã hội Mỹ cho đến đầu những năm 1960.
Tuy nhiên, trọng tâm trong nghiên cứu của Putnam là xã hội trong nước và do đó phân tích của ông đã bỏ qua các khía cạnh và cách tiếp cận chính sách đối ngoại mà Mỹ đã phát triển trong giai đoạn đó. Trong thời kỳ cấp tiến, chính sách đối ngoại của Mỹ được đặc trưng bởi chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và chiến tranh. Những hình thái của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lệ đã hướng dẫn tư duy của những người cấp tiến, cả trong nước và quốc tế, đặt nền móng tư tưởng cho học thuyết Bush, một phong trào tân bảo thủ, và mang lại lý do cho việc thúc đẩy dân chủ hóa trên toàn cầu.
Những động lực này đã khiến Mỹ sa lầy ở Afghanistan hơn 20 năm – cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ. Sự tham gia của Mỹ ở Trung Đông và Châu Phi đã trực tiếp làm tổn thất gần 5,4 nghìn tỷ USD và khoảng 15.000 người Mỹ thiệt mạng, đồng thời gián tiếp đẩy mạnh quân sự hóa cảnh sát, làm xói mòn gắn kết cộng đồng ở Mỹ.
Nói cách khác, chính những động lực nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết xã hội đầu thế kỷ 20 đã gây bất ổn tới chính sách đối ngoại của Mỹ.
Mối bận tâm của Mỹ về Trung Quốc
Mối lo về an ninh quốc gia đối với Trung Quốc là quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách ngày nay. Với tầm mức của thách thức này, điều cần thiết là phải phải xem xét thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc trong quá khứ đã định hình nhận thức của công chúng và sự đoàn kết trong nước như thế nào.
Gordon Chang, trong cuốn “Fateful Ties” xuất bản năm 2015, khẳng định rằng Trung Quốc là “thành phần trung tâm trong cách nước Mỹ nhận dạng bản sắc ngay từ những ngày đầu và trong mối bận tâm của người Mỹ về số phận quốc gia”. Để hiểu được các hình mẫu đối ngoại trong lịch sử quan hệ Mỹ – Trung và xác định các so sánh lịch sử phù hợp, cần phải phân tích mối bận tâm về Trung Quốc cùng với sự biến động của tinh thần đoàn kết dân tộc qua thời gian.
Vào cuối những năm 1940 và đầu 1950, khi tinh thần đoàn kết đang nổi trội, các nhà hoạch định chính sách Mỹ tin chắc rằng, theo lời cựu Ngoại trưởng Dean Acheson, “chủ nghĩa cá nhân dân chủ của Trung Quốc sẽ được khôi phục và nước này sẽ vứt bỏ ách thống trị của nước ngoài.” Niềm tin rằng vận mệnh của Trung Quốc nằm trong tay nước Mỹ ăn sâu đến mức, ngay trước Chiến tranh Triều Tiên, Acheson đã tuyên bố rằng “người Mỹ sẽ tiếp tục là bạn của người Trung Quốc như trong quá khứ.” Ông cũng cảnh báo người Trung Quốc là họ “nên hiểu rằng, việc tham gia vào các hành động gây hấn hoặc lật đổ bên ngoài biên giới của họ, theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo mới, sẽ chỉ dẫn đến rắc rối cho chính họ và các đồng minh.”
Tuy nhiên, sau khi Đảng Cộng sản chiếm quyền kiểm soát và Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, những lạc quan trước đấy giờ đây đã hình thành nên chủ nghĩa chống Cộng McCarthy, trong khi sự xuất hiện của Nỗi sợ Cộng sản đã kéo theo một cuộc suy thoái tình đoàn kết ở Mỹ.
Vào cuối những năm 1960 và đầu 1970, khi tình đoàn kết vẫn trên đà sụt giảm và trong lúc Mỹ cố gắng rút khỏi Việt Nam, Tổng thống Richard Nixon đã đề xuất “phá băng” với Trung Quốc và lập quan hệ hữu nghị để kiềm chế Liên Xô. Trước cuộc đàm phán bí mật giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai, Nixon đã chỉ thị cho Kissinger rằng các cuộc đàm phán “nên được xây dựng trên ba nỗi sợ: (1) những gì Tổng thống có thể làm trong trường hợp Chiến tranh Việt Nam tiếp tục bế tắc; (2) sự trỗi dậy của một nước Nhật quân phiệt; và (3) sự nguy hiểm của Liên Xô cận kề ở bên kia biên giới.”
Thay vì đưa ra một thông điệp trấn an nhưng đầy trịch thượng như Acheson, lần này các nhà hoạch định chính sách Mỹ, đặc biệt là Nixon, nhận thấy cần phải thao túng nỗi lo sợ của Trung Quốc về một số vấn đề để đạt được lợi thế chiến lược từ các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rất có thể chiến lược đánh vào nỗi sợ hãi của Nixon nảy sinh từ chính nỗi sợ của ông về sự chia rẽ sâu sắc trong nước và tình hình quân sự, chính trị đang xấu đi ở Việt Nam.
Bài học lịch sử cho tương lai quan hệ Mỹ – Trung
Hai giai đoạn này trong lịch sử quan hệ Mỹ – Trung cho chúng ta bài học gì về những thách thức ngày nay? Trong giai đoạn nước Mỹ đoàn kết, các nhà hoạch định chính sách đã tự tin thái quá khi giao thiệp với Trung Quốc. Ngược lại, khi đoàn kết nội bộ yếu, cách tiếp cận của họ lại bộc lộ sự bất an, lo lắng và thiếu tự tin. Hiện trạng đang phản ánh xu hướng này: Không thể phủ nhận rằng, trong những năm gần đây, kèm theo việc đoàn kết nội bộ Mỹ ngày càng giảm sút là những cảnh báo ngày càng tăng về Trung Quốc và tham vọng của Bắc Kinh nhằm thay đổi trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Trung Quốc đã khác xa giai đoạn những năm 1960 và 1970. Khi đó, Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế, xung đột với Liên Xô và phải trải qua những khó khăn kinh tế và xã hội do Cách mạng Văn hóa. Giờ đây, Trung Quốc đã hoàn toàn lột xác. Đó là lý do tại sao các chiến lược dựa trên nỗi sợ hãi hay khai thác điểm yếu theo phán đoán sẽ không còn hiệu quả như trước đây (dù hơn 50 năm trước, sự thành công thực sự của những chiến lược này vẫn còn nhiều nghi vấn).
Các nhà hoạch định chính sách cần thừa nhận rằng căng thẳng và chia rẽ nội bộ có tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của Mỹ, gây trở ngại cho khả năng kiềm chế và cạnh tranh với Trung Quốc. Ngoài ra, cách Mỹ đối phó Trung Quốc trong quá khứ cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình nội bộ. Hiểu được cơ chế đan xen này chỉ là bước đầu cho việc xây dựng chính sách Mỹ – Trung cân bằng hơn.
Một chính sách đối ngoại bền vững với Trung Quốc cần tránh cả sự tự tin và lo lắng quá mức, những yếu tố đã góp phần sinh ra sự ngờ vực và làm tệ đi mối quan hệ song phương. Trong bối cảnh chủ trương đồng lòng chống Trung Quốc đang nóng lên ở Washington, các nhà ngoại giao Mỹ cần xây dựng sự ủng hộ trong nước xung quanh sự hiểu biết thấu đáo hơn về những áp lực nội tại và thành kiến nhận thức đã và đang định hình quan hệ song phương.
Dr. Giuseppe Paparella is the inaugural Security and Foreign Policy Fellow at the College of William & Mary’s Global Research Institute, and Faculty Affiliate at the Harrison Ruffin Tyler Department of History. He holds a Ph.D. from King’s College London, School of Security Studies.
Nghiên cứu Quốc tế - Nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào