Header Ads

  • Breaking News

    Con Tàu Lập Quốc

    buitopia



    29/10/2023

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7501.jpg?w=634

    Đây là câu chuyện thật về chiếc tàu từng đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập nước Israel. Nó không giống như trong tiểu thuyết ‘Exodus’ của tác giả Leon Uris được dựng thành phim năm 1960 mà nhiều người Việt có lẽ đã đọc hoặc xem qua. Trước 75 truyện này được dịch ra tiếng Việt tựa là ‘Về Miền Ðất Hứa’. Nhưng thuở ấy ít ai biết đó chỉ là chuyện hư cấu, còn sự thật về con tàu ấy lại rất khác.

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_8083.jpg?w=1024


    Paul Newman trong phim ‘Exodus’ (1960) 

    Ðể hiểu đầu đuôi câu chuyện, cần nhắc lại là vào cuối tháng 5, 1939, chính phủ Anh công bố tập Bạch Thư (White Paper) về chủ quyền của họ tại Palestine — từ sau Ðại Thế Chiến vẫn nằm dưới sự uỷ trị của Anh. Bạch Thư cho biết vùng đất này không là một quốc gia của người Do Thái hay người Ả Rập, mà trong vòng 10 năm tới sẽ là một quốc gia độc lập. Nên nhớ lúc bấy giờ Anh đang rất cần sự hợp tác của khối Ả Rập, nguồn dầu lửa vô cùng quan trọng cho họ trong Ðệ Nhị Thế Chiến. Ðể làm vui lòng người Ả Rập, Anh sẽ hạn chế số người Do Thái nhập cư vào Palestine — không quá 75 ngàn người trong vòng 5 năm.

    Bạch Thư này được tung ra ngay lúc nạn bài Do Thái (antisemitism) đang lên cao tại Ðức và các nước Ðông Âu khiến số người tị nạn Do Thái tìm đường đến Palestine tăng vọt. Ðể hạn chế tình trạng di dân lậu, Hải quân Anh phong toả vùng biển phía Ðông Ðịa Trung Hải. Tàu bè chở thuyền nhân Do Thái đến gần Palestine đều bị chặn bắt và đưa về các trại tị nạn ở đảo Cyprus. Tỉ lệ thuyền nhân lọt qua mạng lưới Hải quân Anh rất thấp, dưới 10%. Song dân Do Thái khắp nơi vẫn tìm mọi cách đổ về Palestine để tránh bị sát hại.

    Mặc dù nước Mỹ khi ấy cũng không mở cửa đón nhận dân Do Thái, nhưng vào năm 1942 lãnh đạo tổ chức Jewish Agency ở Palestine là David Ben Gurion quyết định sang Mỹ tìm tài trợ cho phong trào Zionism. Ðể được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn, ông đổi chiến thuật. Thay vì sử dụng bạo lực qua các nhóm khủng bố như Irgun, Lehi để tấn công người Anh và Ả Rập, ông chuyển sang dùng những người lưu vong làm vũ khí đánh động lương tâm thế giới. Tại New York ông đã được rất nhiều người Mỹ-Do Thái (American Jews) đóng góp tiền của cho công cuộc giải cứu dân Do Thái ở Âu Châu.

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_8074-1.jpg?w=800


    Du thuyền ‘President Warfield’ trong Vịnh Chesapeake năm 1939. Ảnh: Hans Marx/Baltimore Sun 

    Một trong những nhóm người đó đã đứng ra mua lại một chiếc tàu cũ để biến nó thành tàu chở dân tị nạn. Tên chiếc tàu này là ‘President Warfield‘. Thời trước Ðệ Nhị Thế Chiến nó từng là một du thuyền hạng sang, chuyên đưa du khách thưởng ngoạn vùng vịnh Chesapeake Bay — từ Baltimore (Maryland) đến Norfolk (Virginia), có khi xuống tận Florida. Khi Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến, ‘Warfield‘ được nhà nước trưng thu để phục vụ quân đội Ðồng Minh ở Âu Châu. Nó từng tham gia trận Normandy trong ngày D-Day. Sau chiến tranh ‘Warfield‘ được phép giải ngũ, lúc bấy giờ nó đã già nua và bị bầm giập. Nhưng nhờ vậy mà đầu năm 1947 một nhóm Zionist ở Mỹ đã tậu được ‘Warfield’ với giá rẻ bèo — 40 ngàn USD!

    Thuỷ thủ trên tàu toàn những chàng trai trẻ không có kinh nghiệm đi biển. Lần đầu xuất quân họ bị một trận bão lớn đánh cho ói mửa, đi chưa đầy 100 hải lý đã phải quay đầu trở lại Baltimore. Một số bỏ cuộc, lên bờ. Mặc dù ‘Warfield‘ được đăng bạ với chính phủ Honduras và hải trình chính thức là đi Hongkong, nhưng Toà đại sứ Anh làm áp lực buộc Honduras phải thu hồi giấy phép của ‘Warfield‘ vì biết nó sẽ được dùng để đưa di dân lậu vào Palestine. Biết đã bị phát giác, thuỷ thủ đoàn nhanh chân nhổ neo rời cảng. Trên tàu có một mục sư Presbyterian xin đi cùng để làm nhân chứng và viết phóng sự. Bấy giờ là tháng 2, 1947.

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_8075-1.jpg?w=800


    Người tị nạn trên chiếc ‘Warfield’
    Nguồn: jewishvirtual library.org 

    Tàu vừa đến cảng Marseille (Pháp) thì tình cờ hôm đó cũng có một phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến thăm dò tình hình. Thấy không ổn, ‘Warfield‘ lại phải tức tốc rời bến. Sau nhiều ngày trôi nổi, cuối cùng họ cũng được phép cập bến ở Sète, miền Nam nước Pháp. Trong khoảng thời gian ấy, trên đất liền nhóm dân quân Haganah đã tổ chức một cuộc di tản vĩ đại. Họ thu xếp đưa mấy ngàn người Do Thái từ khắp nơi tề tựu về Sète bằng mọi phương tiện. Ða số những người này là cựu tù nhân từ các trại tập trung của Nazi ở Ðức, Áo, Ba Lan, Lithuania v.v. Trong vòng một ngày, chiếc du thuyền từng dùng để chở chỉ 400 du khách Mỹ bỗng biến thành một trại tị nạn nổi chứa 4,554 người Do Thái lưu vong.

    ‘Warfield‘ vừa ra đến hải phận quốc tế là đã có ngay vài chiến thuyền của Anh kèm theo đuôi. Mọi người trên tàu ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Khi gần đến Ai Cập, thuyền trưởng Yitzhak Ahronovitch của Haganah cho giương tấm vải mang bảng tên mới: ‘Exodus 1947‘. Trên tàu mọi người chuẩn bị chiến với lính Anh. Họ giăng dây kẽm gai quanh thân tàu. Vừa vào đến hải phận Palestine, ‘Exodus 1947‘ liền lập tức bị hai chiến thuyền bọc sắt của Anh ép sát hai bên hông. Họ tông nó nhiều lần trước khi cho lính Anh nhảy sang. Một cuộc ẩu đả ác liệt diễn ra. Không một tấc sắt trong tay, người dân đã phải dùng mọi thứ họ có, kể cả khoai tây và các lon đồ hộp để ném lại chống trả. Một thuỷ thủ người Mỹ tại phòng lái bị lính Anh đánh bể sọ, chết tại nhà thương sau đó. Hai người dân khác tử thương. Sau 4 tiếng đồng hồ đám đông đầu hàng.

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_8076-1.jpg?w=600


    Thuyền nhân xuống Haifa trước khi bị đưa trở về Pháp.
    Nguồn: jewishvirtuallibrary.org 

    Thay vì đưa đám lưu dân này từ Haifa sang Cyprus như mọi khi, ngoại trưởng Anh Ernest Bevin vì muốn dằn mặt Ben Gurion và Jewish Agency nên ra lệnh đưa họ về Pháp trên 3 chiếc tàu nhỏ hơn. Bị đặt trong thế kẹt, chính phủ Pháp nói họ chỉ nhận những người nào tự nguyện rời tàu. Đến Pháp, chỉ có 150 người quyết định lên đất liền, đa số là phụ nữ có con nhỏ hoặc người già yếu; số còn lại nhất định tử thủ tới cùng. Không ai bảo ai, họ đồng lòng thà chết chứ không lên bờ. Báo chí bắt đầu tường thuật số phận những nạn nhân Holocaust trên chiếc tàu mang tên ‘Exodus 1947‘.

    Sau 3 tuần lễ, Ngoại trưởng Bevin ra tối hậu thư: Ai không xuống sẽ bị đưa đến Hamburg! Vẫn không một ai nhúc nhích. Thế là chính quyền Anh cho tổ chức một cuộc họp báo tại Hamburg để đón tiếp những thuyền nhân bất đắc dĩ. Chiếc tàu đầu tiên đổ bộ tạm ổn, tuy cũng có một số người kháng cự. Nhưng sau khi những người trên chiếc thứ nhì rời tàu họ đã đặt thuốc nổ đánh chìm chiếc tàu của họ. Anh quốc bị cộng đồng quốc tế lên án dữ dội vì đã tống khứ những người vừa trốn thoát Nazi trở về Ðức. Qua đêm, công luận chuyển sang chống Anh và ủng hộ những người lưu vong. 

    Mùa Thu năm đó Liên Hiệp Quốc quyết định phân chia Palestine, trao một phần đất ấy cho người Do Thái. 14 tháng 5, 1948, Anh rút quân khỏi Palestine. Ngày hôm sau David Ben Gurion tuyên bố sự ra đời của Quốc gia Israel, mở màn cho một trang sử mới.

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_8077-1.jpg?w=700


    Thuyền trưởng Yitzhak Ahronovitch, 1961. (UPI) 

    Tại Haifa, nơi hơn 4,000 thuyền nhân đổ bộ hồi tháng 7, 1947 trước khi bị đưa về Pháp, chiếc ‘Exodus 1947‘ dưng bị mọi người lãng quên. Năm 1952 không hiểu vì sao nó bốc cháy rồi chìm xuống đáy biển. Ngày nay nơi đây người ta cho dựng một bức tượng để tưởng niệm con tàu lập quốc đến từ Mỹ. Thuyền trưởng Ahronovitch thổ lộ: “Nhờ trời thương gởi ông Ernest Bevin xuống nên chúng tôi mới có được một nước Israel như ngày nay!

    https://vietopian.wordpress.com/2023/10/29/con-tau-lap-quoc/

    Đất . Lập Quốc

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7503-1.jpg?w=900

    Những ai từng xem phim ‘Exodus’ (1960) dựa trên quyển truyện của Leon Uris có lẽ đều biết bài nhạc chủ lực trong phim mà hồi Tết Mậu Thân đài truyền hình số 9 hay dùng trước khi chiếu tin chiến sự. Hồi đó mấy chị em tôi hay gọi là “bài cháy nhà,” vì hễ nghe một cái là biết TV sắp có cảnh pháo kích, nhà cháy khói bốc tận mây. Mãi sau khi qua Mỹ một thời gian tôi mới biết tên bản nhạc và được nghe câu mở đầu của nó:

    “This land is mine. God gave this land to me.”

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7499-1.jpg?w=449

    Thì ra là vậy. “This land” này chính là vùng đất vài ngàn năm nay mang tên Palestine. Là nơi xuất phát ba đại tôn giáo có cùng một ông cố tổ Abraham: Do-Thái giáo (Judaism), Ki-Tô giáo (Christianity) và Hồi giáo (Islam). 

    Nhưng tại sao “Thượng Đế đã ban tặng mảnh đất này cho tôi”

    Tôi đây dĩ nhiên ám chỉ người Do Thái (Jews). Sau nhiều thế kỷ bị lưu đày, lưu lạc, phân tán khắp mọi nơi trên thế giới, giấc mơ thành lập một đất nước riêng của họ cuối cùng đã trở thành hiện thực. Khởi phát từ phong trào Zionism vào cuối thế kỷ 19, trải qua hai cuộc Đại Thế Chiến, vùng đất Palestine đã được trao từ tay đế quốc Ottoman sang đế quốc Anh sang Liên Hiệp Quốc để cuối cùng đến tay người Do Thái. 

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7500.jpg?w=719


    Theodor Herzl (1860-1904) Người khai sinh chủ nghĩa Zionism, quốc phụ của nước Israel ngày nay 

    Trước đó, mặc dù Hoa Kỳ ủng hộ trên nguyên tắc văn bản Balfour Declaration năm 1917 đề xuất việc lập quốc cho người Do Thái tại Palestine trong tương lai, nhưng Tổng thống Franklin D. Roosevelt vào năm 1945 hứa Mỹ sẽ không can thiệp mà sẽ tham vấn với cả hai bên mỗi khi cần đi đến quyết định gì quan trọng. 

    Trong khi đó, chính phủ Anh cho đến năm 1948 vẫn còn uỷ trị vùng đất thuộc địa cũ gọi là Palestine Mandate. Anh quốc không những chống đối việc thành lập hai quốc gia riêng biệt cho người Do-Thái và Ả-Rập mà còn không ủng hộ việc người Jewish từ khắp nơi ồ ạt đổ về Palestine, gây xáo trộn cho một xã hội vốn đa số là người Arab. Thực tế là Anh muốn giữ mối quan hệ tốt với các nước trong khối Ả-rập để bảo vệ lợi ích chính trị và kinh tế của họ trong khu vực. 

    Tháng Tư 1945 Roosevelt mất, phó tổng thống Harry Truman lên thế. Một trong những việc đầu tiên Truman làm là đặt ra một văn phòng đặc biệt, cấp nội các, để điều nghiên vấn đề Palestine cùng với Anh quốc. Năm 1946 Truman công bố Hoa Kỳ chấp nhận cho phép 100,000 người vô-tổ-quốc (“displaced persons”, ám chỉ người Jews) nhập cư vào Palestine. Đồng thời, Liên Hiệp Quốc cũng lập ra một uỷ ban đặc trách vấn đề Palestine để tìm một đáp án thích hợp. Cuối năm 1947 Uỷ Ban LHQ đưa ra giải pháp chia đất—partition, lập hai quốc gia riêng rẽ cho người Jewish và Arabs. 

    Nghị Quyết 181, còn được gọi tắt là “Partition Resolution”, được thông qua ngày 29/11/1947. Theo đó, một khi Anh quốc hoàn tất nghĩa vụ uỷ trị Palestine vào tháng 5/1948, người Do-Thái sẽ có chủ quyền trên phần đất dành cho họ; phần còn lại sẽ thuộc về người Ả-Rập đã sinh sống bao đời tại đây mà ta thường gọi là Palestinians. Song, để bảo vệ các địa điểm trọng yếu thuộc ba tôn giáo lớn tại đây, Jerusalem sẽ được tách làm một khu biệt lập – gọi là corpus separatum, đặt dưới quyền kiểm soát và cai quản của Liên Hiệp Quốc. Cộng đồng Ả-Rập cực lực chống đối nghị quyết này vì họ cho rằng nó thiên vị người Do-Thái và không công bằng đối với người Arab sẽ phải sống dưới quyền cai trị của người Jewish. 

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7501.jpg?w=634


    Chiếc tàu Haganah chở 4500 di dân Do Thái từ Pháp đến Palestine Mandate năm 1947, không được cập bến. 

    Tuy Hoa Kỳ bỏ phiếu thuận cho Nghị Quyết 181, nhưng Bộ Ngoại Giao Mỹ đề nghị LHQ nên thiết lập một cơ chế bảo hộ (trusteeship) trên vùng đất này để hạn chế số người Jews nhập cư vào Palestine. Đồng thời Bộ cũng đề xuất không nên thành lập hai quốc gia mới mà chỉ lập ra hai tỉnh (province) dưới sự bảo hộ của cộng đồng quốc tế. Một phần vì Bộ không muốn thấy Liên-Xô lợi dụng tình hình rối ren này để móc nối và tạo thế lực với các xứ Ả-Rập trong vùng. Nhưng hệ trọng hơn nữa, Bộ lo rằng nguồn dầu thô đến từ đây sẽ bị ảnh hưởng. 

    Bộ Ngoại Giao khuyên TT Truman chớ nên can thiệp nhiều quá giúp người Jews, nhất là khi có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước Ả-Rập đang chuẩn bị một cuộc tổng tấn công một khi quốc gia Israel thành hình. Trước đó tuy đã có những cuộc đụng độ nhỏ giữa các đội quân Palestine thuộc Quân đoàn Giải phóng Ả-Rập (Arab Liberation Army) với các nhóm vũ trang bán chính quy của Do-Thái như Haganah, Irgun, LEHI… nhưng tình báo Mỹ cho biết tình hình sẽ trở nên cực nóng nếu Do-Thái được bật đèn xanh. 

    Song Truman đã không làm theo lời khuyên của Bộ Ngoại Giao, không ủng hộ cơ chế trusteeship như nói trên mà công nhận Israel là một quốc gia độc lập. Y như dự đoán, chiến tranh bùng nổ. 

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7502.jpg?w=600


    Người Palestinian chạy giặc, tháng 11/1948 

    Từ Lebanon, Syria, Iraq và Ai-Cập, các binh đoàn Ả-Rập đồng loạt tiến vào Palestine, mở màn cuộc chiến tranh Arab-Israeli War, kéo dài từ tháng 5, 1948 đến tháng 3, 1949. Sau khi thắng lớn, Israel ký bốn hoà ước song phương với Lebanon, Syria, Transjordan và Ai-Cập. Theo đó, Israel lấy thêm được 60% phần đất lẽ ra thuộc về người Palestinian dựa trên Nghị Quyết 181. Một lằn ranh mới được vạch ra gọi là The Green Line. Ai-Cập được quyền kiểm soát dải đất Gaza Strip nằm cạnh biển Địa Trung Hải; Jordan kiểm soát khu vực West Bank bên bờ Tây sông Jordan. Từ đấy mối thâm thù giữa khối Arab và Jews kéo dài cho đến ngày nay, nguyên nhân lớn nhất vẫn là giành đất. 

    Đất . Lập Ấp

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7516-1.jpg?w=999

    Sau cuộc tranh chấp gọi là Arab-Israeli War (thứ nhất) vào năm 1949, Jordan nắm quyền cai quản vùng West Bank bên bờ Tây sông Jordan. Người Do Thái sống trong khu vực, nếu không tự ý rời West Bank thì cũng bị chính quyền Jordan trục xuất. West Bank trở thành gần như một tỉnh của Jordan, hầu hết cư dân là người Palestinian, tức Ả-Rập. 

    Tình trạng này kéo dài đến 1967 thì xảy ra cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày. Sách vở đã nói rất nhiều về cuộc chiến này nên thiết nghĩ không cần tả thêm ở đây. Song, một trong những hệ quả của “Six-Day War” là Israel chiếm được West Bank từ Jordan, Golan Heights từ Syria, và bán đảo Sinai từ Ai-Cập. 

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7513-1.jpg?w=1024


    Dân Palestinian băng qua cầu Allenby gần Jericho sang Jordan lánh nạn. June 15, 1967. 

    Trước chiến tranh, dân số của West Bank gần một triệu người. Sau 1967, khoảng 300,000 người đã bị mất nhà cửa hoặc phải tản cư sang các nước lân cận. Đa số chạy sang Jordan để lánh nạn hay định cư. Số còn lại sống dưới sự quản lý của nhà nước Do-Thái; quân đội Do-Thái nghiễm nhiên trở thành lực lượng chiếm đóng (occupying force) tại đây. Nhiều làng mạc của người Palestinian bị lính Do-Thái đốt phá hoặc tiêu huỷ. Chẳng hạn như ngôi làng Qalqilya ở phía Nam Jerusalem bị san bằng gần một phần ba; 12,000 người bị đuổi ra khỏi nhà. (Về sau một số được chính quyền cấp xi-măng và dụng cụ để xây sửa lại.)

    Tháng Bảy, 1967 chính quyền Israel thông báo người tị nạn Palestinian có thể nộp đơn xin hồi hương. Nhưng trong số 120,000 hồ sơ nhận được, chỉ có khoảng 14,000 người Palestinian được cho phép trở về West Bank. Số còn lại đi đâu không ai rõ. Riêng tại Golan Heights, khoảng 130,000 người Syrian đã bị Israel tống xuất sang Syria. Cũng nên nói thêm, sau Chiến Tranh Sáu Ngày phần lớn Golan Heights nằm dưới sự cai quản của người Do-Thái nhưng cộng đồng quốc tế không ai công nhận chủ quyền của Israel. Mãi đến năm 2019 Hoa Kỳ mới là nước đầu tiên làm chuyện đó khi Donald Trump tuyên bố “Golan Heights thuộc về Israel,” gây thêm chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh tại LHQ trong vấn đề Trung Đông. 

    Sau khi chiếm đóng West Bank, chính quyền Israel bắt đầu chiến dịch lập ra các khu định cư gọi là settlements để đưa người Jews đến lập nghiệp. Mục đích chính ban đầu là để án ngữ các trọng điểm trên bản đồ, nhất là trong thung lũng Jordan Valley, hầu đề phòng bị tấn công từ hướng Đông (Jordan) và hướng Nam (Ai-Cập). Một loạt các đạo luật và nghị quyết đã được nghị viện Knesset thông qua để chính thức hoá những “ấp chiến lược” này. Chiến dịch lập ấp của Israel tính đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn, với những mục tiêu thay đổi theo hoàn cảnh và nhu cầu chính trị cũng như kinh tế. 

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7511.jpg?w=696

    Kế Hoạch Allon 

    Đầu tiên phải nói đến kế hoạch của Thứ trưởng bộ Lao Động Yigel Allon—“Allon Plan,” được đề xuất ngay sau chiến tranh. Theo kế hoạch này, thung lũng Jordan sẽ được dùng làm trái độn giữa Israel và Jordan. Thêm vào đó là một vòng đai bảo vệ thánh địa Jerusalem. Tổng cộng hơn ba mươi ấp chiến lược đã được xây dựng trong một thời ngắn tại West Bank. Kế hoạch Allon Plan còn dự tính cắt West Bank làm đôi, chỉ giao cho Jordan hai phần đất ở hai đầu Bắc Nam nơi có nhiều làng mạc người Ả-Rập từ bao đời. Tuy nhiên, đối với người Palestinian thì thung lũng Jordan phì nhiêu màu mỡ là vựa lúa của họ, cho nên kế hoạch tằm ăn dâu của Allon đã gặp phải nhiều sự chống đối và không được thực hiện đến nơi đến chốn. 

    Sang cuối thập niên 1970, đảng bảo thủ Likud lên nắm chính quyền. Chính sách lập ấp dưới thời thủ tướng Ariel Sharon chuyển sang một hướng khác. Israel cho xây dựng hàng loạt thôn ấp tại phía Tây của West Bank – tức JudeaSamaria theo cách gọi của người Do-Thái. Mục đích lần này là để tạo một vòng vây, bọc các thành phố và làng mạc của người Palestinian ở West Bank vào giữa, tách biệt họ khỏi cộng đồng Ả-Rập trong khu vực Tam Giác (Triangle), nơi sinh sống của phần lớn công dân Israel gốc Palestinian. 

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7512-1.png?w=699

    Kế Hoạch Da Beo 

    Nối tiếp Sharon Plan là kế hoạch của Matiyahu Drobles, người đứng đầu văn phòng Tái Định Cư (Resettlement) thuộc tổ chức quốc tế World Zionist Organization (WZO) vào đầu thập niên 1980. Không cần viện lý do an ninh quốc phòng nữa, Drobles đề xuất xây dựng hàng trăm ấp chiến lược cùng khắp West Bank theo kiểu da beo. Mục tiêu của kế hoạch này là chia năm xẻ bảy các cộng đồng Palestinian, không cho phép họ liền lạc với nhau thành một khối, đồng thời dàn trải dân Do-Thái khắp mọi nơi tại vùng đất Israel chiếm đóng. Động lực chính trị đằng sau kế hoạch của WZO là để cản trở, không cho phép một quốc gia Palestine có thể thành hình sau này. Tức là đi ngược lại giải pháp song-quốc (two-state solution) được Hoa-Kỳ và quốc tế ủng hộ. 

    Một yếu tố quan trọng khác không thể bỏ qua là sự xuất hiện ngày càng đông đảo của nhóm người Zionist cực hữu tại các khu ấp chiến lược mới. Trước kia đa phần người định cư thuộc thành phần Hakedim Jews ôn hoà, chủ yếu là nông dân. Nhưng từ khi có tổ chức WZO nhúng tay vào chính sách tái định cư thì thành phần Zionist Jews cuồng tín len lỏi vào West Bank ngày càng nhiều. Xích mích với dân bản địa xảy ra thường xuyên, lắm khi dẫn đến bạo động từ cả hai phía. 

    Việc xây dựng ồ ạt các thôn ấp mới chỉ nguội bớt vào cuối thập niên 1980. Sang đến thời của thủ tướng Yitzhak Rabin thuộc đảng Lao Động, gần như không có khu định cư mới nào được xây cất nữa. Thế nhưng từ đó đến nay tại West Bank lại xuất hiện một hiện tượng mới là “illegal outposts” – tạm dịch là “cắm dùi bất hợp pháp.” Đây là những khu định cư mới không được nhà nước cấp giấy phép. Dẫu vậy, các tổ chức quốc tế theo dõi tình hình nhân quyền ở Palestine như B’Tselem cho biết chính quyền Israel không những làm ngơ trước những hành động phi pháp lộ liễu này mà mặt khác còn mượn tay những người settler để sách nhiễu hay đe doạ cộng đồng bản địa như một chính sách bất thành văn của nhà nước.

    https://vietopian.files.wordpress.com/2023/10/img_7515-1.jpg?w=1024


    Bức tường ngăn chia East Jerusalem (dưới) và làng Anata phía West Bank (trên) 

    Nói tóm lại, mầm mống của sự xung đột trong khu vực đã được chính quyền Israel gieo trồng cẩn thận qua nhiều thế hệ, chỉ đợi ngày “đơm hoa bạo lực, kết trái thương vong.”

    https://vietopian.wordpress.com/


    Không có nhận xét nào