Quê Hương tổng hợp
CIVICUS: Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tệ hơn sau khi vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
RFA
05/10/2023
Xếp hạng của Việt Nam trong bản đồ Đông Nam Á năm 2022
CIVICUS/ RFA edited
Một năm sau khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ), Việt Nam không những không cải thiện mà còn làm trầm trọng thêm hồ sơ nhân quyền vốn tồi tệ của mình, tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) nói.
Trong báo cáo công bố ngày 05/10, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi), đánh giá hiện trạng không gian dân sự ở Việt Nam vẫn là “đóng” với những lo ngại về các nỗ lực của nhà nước nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và blogger.
Những biện pháp trấn áp bao gồm việc bỏ tù người hoạt động theo các điều khoản mơ hồ trong chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự, hạn chế quyền tự do đi lại, tra tấn và đối xử tàn tệ trong quá trình giam giữ.
Báo cáo nói gần một năm kể từ khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với cam kết tiếp tục nỗ lực để người dân được hưởng tốt hơn các quyền con người và quyền tự do cơ bản, tình trạng tự do dân sự vẫn bị vi phạm nghiêm trọng khi nhà nước sử dụng nhiều điều luật khác nhau để nhắm vào người hoạt động.
Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn ngày 05/10:
“Báo cáo mới nhất này của CIVICUS nêu bật thất bại rõ ràng của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong việc tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế nhằm bảo vệ các quyền tự do cơ bản.
Vào những tháng gần đây, chúng tôi tiếp tục ghi nhận việc hình sự hóa và bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường, người hoạt động vì quyền của người thiểu số, người hoạt động chính trị và học giả.”
Trong báo cáo, CIVICUS liệt kê các vụ bắt giữ hoặc kết án ông Nguyễn Sơn Tùng sáu năm tù theo tội danh “tuyên truyền chống nhà nước;” học giả Nguyễn Sơn Lộ ba năm tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và hai năm về tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn,” bắt giữ ba nhà hoạt động về quyền của người bản địa Khmer Chung Hoàng Chương, Danh Minh Quang và Thạch Cương ở Tây Nam bộ và nhà hoạt động môi trường Hoàng Văn Luân về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” cũng như việc kết án nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng về tội “trốn thuế” và vụ bắt giữ mới đây đối với chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên về cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu.”
Trong phần về tự do ngôn luận, báo cáo của CIVICUS nhắc đến việc bắt giữ Youtube Đường Văn Thái sau khi người này mất tích ở gần Bangkok nơi ông sống như một người tỵ nạn chính trị từ năm 2019, và thầy giáo dạy dưỡng sinh Dương Tuấn Ngọc, với cùng cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
“Cộng đồng quốc tế phải kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt những hành vi vi phạm này và yêu cầu trả tự do cho những nhà hoạt động trên,” ông Josef Benedict nói.
Báo cáo cũng nhắc đến việc hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách đang bị đối xử tàn tệ trong Trại giam số 6.
“Điều vô cùng đáng lo ngại là thông tin về việc tù nhân chính trị như Đặng Đình Bách và Trần Huỳnh Duy Thức bị ngược đãi trong tù. Tra tấn và các hình thức ngược đãi khác hoàn toàn bị nghiêm cấm theo luật pháp quốc tế, nhưng chúng vẫn là hành vi phổ biến của chính quyền Việt Nam mà không bị trừng phạt tương ứng.
Nếu họ nghiêm túc về nhân quyền, Chính phủ phải thực hiện mọi biện pháp để chấm dứt hành vi này và buộc những kẻ thủ phạm phải chịu trách nhiệm,” đại diện của CIVICUS nói với RFA.
Báo cáo cũng nhắc đến việc Chính phủ Việt Nam đang xây dựng một số nghị định nhằm hạn chế và kiểm soát không gian trực tuyến và nhắm mục tiêu là các blogger và người hoạt động trực tuyến. Các văn bản này thay thế Nghị định 72 và Nghị định 27 trong quản lý không gian mạng.
“Báo cáo của chúng tôi cũng ghi lại rằng chính phủ đang tìm cách đưa ra luật để hạn chế hơn nữa không gian trực tuyến bằng cách chặn các bài đăng quan trọng và yêu cầu xác minh danh tính trực tuyến.
Những hành động như vậy là sự vi phạm rõ ràng các quyền tự do ngôn luận, thông tin và quyền riêng tư,” ông Josef Benedict nói.
Ông kêu gọi chính phủ và doanh nghiệp tránh những quy định trái với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của CIVICUS nhưng chưa nhận được phản hồi.
CIVICUS là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, một liên minh toàn cầu nhằm tăng cường hành động của công dân và xã hội dân sự trên toàn thế giới.
Tổ chức này liên tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian “đóng” với xã hội dân sự- đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội.
Gia đình cảnh báo TNLT Trần Huỳnh Duy Thức đang gặp nguy hiểm ở Trại giam số 6
RFA
05/10/2023
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia đình tại trại giam
Courtesy of Citizen
Gia đình tù nhân lương tâm (TNLT) Trần Huỳnh Duy Thức nói ông đang gặp nguy hiểm ở trong Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Đây là nơi ông đang thụ án tù 16 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 04/10 sau khi cùng hai chị ruột thăm ông Thức ở trại giam một ngày trước đó.
“Anh Thức xanh xao và ốm, ốm hơn rất là nhiều, vẻ mặt mệt mỏi, sức khỏe thì so với cái lần thăm gặp tháng trước thì xuống rất là nhiều, xuống nhiều lắm.
Tình hình ở trong trại đối với anh Thức bây giờ là rất là căng thẳng rất là nguy hiểm, ảnh nghi ngờ có cái sự trù dập.”
Trong cuộc gặp kéo dài một giờ đồng hồ chiều ngày 03/10, ông Thức cho gia đình biết ông và một số tù nhân chính trị ở Phân trại 1 không nhận khẩu phần ăn của trại từ ngày 14/9 đến nay để yêu cầu trại thực hiện việc niêm yết công khai định mức khẩu phần ăn của toàn bộ phân trại này và được giám sát khẩu phần ăn đó.
Cũng kể từ đó, ông bị trại giam đối xử hà khắc hơn. Ông Tân thuật lại với RFA:
“Cũng kể từ cái ngày đó (14/9- PV) đến giờ thì căng-tin họ không bán đồ ăn cho anh Thức và ảnh phải nhờ các anh em trong trại mua hộ bún, mỳ, đậu hũ mỗi lần mua được nửa ký để anh cầm cự.
Trại cũng không cung cấp nước nóng cho anh nữa và anh phải ăn mì gói bằng nước lạnh. Trong cả ba tuần nay anh phải ăn rau dại mọc ở ngoài đường để bổ sung thêm rau.”
Thêm vào đó, trại giam cũng tịch thu luôn những vật dụng cần thiết như đồ cắt móng tay, dao cạo râu, kim chỉ… của ông Thức mà không đưa ra lý do. Phía trại giam nói rằng mỗi tuần họ đưa những dụng cụ đó vào hai lần cho ông sử dụng nhưng ông không có đồng ý vì lý do vệ sinh.
Ông nhấn mạnh với gia đình rằng trại giam chỉ tịch thu vật dụng cá nhân của ông, những người bạn tù khác không bị như vậy.
Khi gia đình hỏi tại sao trong tháng 9 ông Thức không gọi điện về cho gia đình như tiêu chuẩn hàng tháng thì được ông cho biết trại không cho ông gọi về chỉ vì ông đăng ký nói về “khiếu nại và tố cáo” với gia đình khi được yêu cầu đăng ký nội dung đàm thoại.
Phóng viên không thể gọi điện cho Trại giam số 6 theo số điện thoại công bố trên Internet để kiểm chứng thông tin mà ông Thức cung cấp cho gia đình.
Trại giam phủ nhận có việc đe doạ tù nhân
Như tin đã đưa, cuối tháng 8, trong cuộc điện thoại về cho gia đình, cả ông Thức và bạn tù Đặng Đình Bách thông báo với người thân rằng có một nhóm người lạ mặt mặc quần áo tù nhân cầm dao xông vào khu giam giữ của họ lúc nửa đêm 25/8 và đe dọa họ.
Trong cuộc thăm gặp vào tháng trước, gia đình ông Thức có gửi đơn cho Ban giám thị Trại giam số 6 với yêu cầu giải thích việc nhóm người lạ mặt cầm dao xông vào đe doạ bốn tù chính trị. Trước đó, ông Thức đã gửi đơn qua quản giáo tên là Nguyễn Văn Hiệu cho giám thị trại giam và Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An về việc này.
Ông Tân cho biết vào giữa tháng trước, gia đình có nhận được văn bản phản hồi từ trại giam qua đường bưu điện, trong đó Phó giám thị Nguyễn Tiến Dũng thay mặt giám thị phủ nhận có chuyện có nhóm người cầm dao vào đe doạ tù nhân trong tổ A, phân trại 1, nơi giam giữ ông Thức, ông Bách và hai tù nhân chính trị khác tên là Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Trọng Bằng.
Trại giam cũng phủ nhận việc quản giáo Phạm Văn Luyến và Nguyễn Văn Hiệu o ép, gây khó khăn cho người tù.
Trong văn bản ký ngày 08/9, trại giam còn khẳng định “không nhận đơn tố cáo của bốn phạm nhân trong Tổ A gửi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An.”
Ông Tân thuật lại trong buổi gặp mặt với gia đình ngày 03/10, trước mặt quản giáo Nguyễn Văn Hiệu, ông Thức chỉ ông Hiệu và nói đã đưa đơn cho quản giáo này và người này xác nhận đã chuyển cho giám thị trại giam và Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An. Khi đó ông Hiệu không nói gì, và ông Tân cho rằng im lặng là sự thừa nhận.
Ông Tân cho biết anh ruột của mình có yêu cầu luật sư soạn đơn tố cáo về việc ông bị đối xử tàn tệ trong Trại giam số 6 để gửi cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng lãnh đạo nhà nước và các cơ quan ngoại giao của nước ngoài để yêu cầu cơ quan kiểm sát bảo vệ người tố cáo.
Ông Thức nói với gia đình có khả năng ông lại tuyệt thực nếu tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn.
Ông Thức, sinh năm 1966, là một doanh nhân thành đạt về lĩnh vực viễn thông. Năm 2009, ông bị bắt cùng với các ông Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.
Cáo trạng nói ông có các hành vi “thành lập tổ chức chống Nhà nước có tên gọi ‘Nhóm nghiên cứu Chấn’ và tham gia các hoạt động của tổ chức phản động có tên gọi ‘Đảng Dân chủ Việt Nam.’”
Ông còn bị cho là “làm ra 53 tài liệu và tàng trữ 07 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng CSVN và sự điều hành của Chính phủ, phục vụ cho hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù, ba người còn lại bị kết án từ năm năm đến bảy năm.
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào…
Lâm Công Tử /SGN
4 tháng 10, 2023
Một chế độ nổi tiếng toàn cầu về bịt miệng dân lại kêu gọi “cần tiếng nói trung thực, quả cảm” (ảnh: MXH)
Sáng 30 Tháng Chín 2023, tại Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam và TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự và phát biểu: “Cần tiếng nói trung thực, quả cảm của các nhà văn”.
Theo tường thuật báo chí, Chủ tịch nước cho rằng: Về sứ mệnh của văn chương hôm nay đặt lên vai các nhà văn đương thời, Chủ tịch nước nói những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại… đang đặt ra trách nhiệm lớn lao với các nhà văn. Ông khẳng định nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh với những “kẻ thù” trên.
Mới nghe, người dân không tránh khỏi phải nhảy cẩng lên vì thấy đúng ý của mình quá cỡ! Nào hay, Chủ tịch nước đang lẩy Kiều “Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Thật vậy, Việt Nam chúng ta hiện ở thế kỷ 21 nhưng đời sống không khác gì thế kỷ 19, nơi đang xảy ra biết bao oan trái trong xã hội, những thứ mà Chủ tịch nước đưa ra một danh sách dài những thói hư tật xấu, những oan khiên mà người dân khốn khổ phải chịu đựng trong bóng tối của đêm dài nô lệ. Những khuôn mặt xanh mướt của người dân vì bị bọn tà gian bóc lột tận xương tủy. Những mảnh đời uất nghẹn vì bị cầm quyền áp bức, tận thu. Bức tranh xã hội đen tối ấy đáng ra đã chấm dứt từ lâu, ít ra là từ khi cộng sản nắm chính quyền, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc chứ đâu cần phải có sự lên tiếng của nhà văn, báo chí đòi thay đổi.
Có lẽ Chủ tịch nước đã quên do ông còn quá trẻ. Hồi Võ Chủ tịch còn chưa ra đời đã xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm gồm một số nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ đồng loạt lên tiếng đòi thay đổi cách nhìn nhận văn học, văn chương qua cặp mắt nhà nước, nói ngắn gọn là văn nghệ sĩ cần phải được tự do sáng tác và chủ đề sáng tác của họ không bị chính phủ chi phối. Kết quả là sao?
Hàng chục nhân tài đất Việt như Trần Dần, Hữu Loan, Lê Đạt, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Ngô Tất Tố, Phùng Quán… ngậm đắng nuốt cay trong lao tù lẫn ngoài xã hội. Vậy mà hôm nay Chủ tịch nước bảo nhà văn cần trung thực quả cảm thì thật là trêu ngươi, hay nói theo kiểu dân gian: Suỵt chó vô gai, xúi trẻ ăn cứt gà…
Đó là chuyện của Nhân Văn Giai Phẩm của những năm 1950, còn bây giờ thì sao? Xin thưa có hàng chục người cầm bút hay thậm chí không cầm bút cũng hoàn toàn trung thực và quả cảm trong việc “những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại” như Chủ tịch nước ao ước.
Họ là ai? Xin thưa: Mới nhất là Phạm Đoan Trang, là Nguyễn Lân Thắng… Trước đó vài năm là Phạm Chí Dũng, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Duy, Nguyễn Đình Cống, Trần Mạnh Hảo, Trần Huy Quang, Trần Đức Anh Sơn, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh, và mới đây nhất: Nhà báo Ngô Nhật Đăng.
Họ viết gì? Tất cả bài viết của họ gói gọn trong câu nói của Chủ tịch nước: “Những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại”
__________
Năm 2023, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam gần như “đội sổ” về tự do báo chí, khi được xếp thứ 178 trong 180 quốc gia.
___________
Không lẽ Chủ tịch nước đang giỡn? Ông ấy nói thực, nhưng hàm ý của ông hiển thị một tiêu chuẩn kép, đối với bọn tư bản bóc lột và đối với xã hội dưới “ánh sáng” chủ nghĩa xã hội. Với tư cách là đương kim Chủ tịch nước và cựu Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng phân biệt rất rạch ròi đâu là ta và đâu là địch. Ngài Chủ tịch nước đang vận động dân chúng đồng tình với nhận thức rằng những chuyện tồi tệ bất công đều xảy ra trong xã hội chứ không phải trong chính quyền; và vì vậy, có phải ông muốn nói rằng, khi viết về chúng, phải tránh né đừng làm cho người dân hiểu lầm sự công chính trong bốn triệu đảng viên?
Trong sự kiện Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất, người ta đã vinh danh và trao giải cho nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – những người đã có công với những gì mà ông Chủ tịch nước đặt ra cho văn nghệ sĩ noi theo. Nhân dân không thể vỗ tay bởi họ biết rõ hai nhân vật này: Cả hai đều mang trọng trách mà Đảng giao phó, một ông là Chủ tịch Hội Nhà Văn không biết bao nhiêu nhiệm kỳ; còn một ông từng là Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương. Cả hai chưa có một tiếng nói nào vì nhân dân cả.
Võ Khánh Tuyên - Mặc bão táp, mặc nắng rát
04/10/2023
Những ai ở Saigon - nhầm...TPHCM - có lẽ không mấy xa lạ với hàng người xếp hàng chờ vào xin visa trên vỉa hè như thế này.
Đó là địa điểm Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, trước năm 1975 là Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon - Thủ Đô của Việt Nam Cộng Hòa.
Nhiều lần có dịp đi ngang đây, thấy những trụ bê tông vững chắc ngăn vỉa hè rộng lớn, cảnh vệ xua đuổi khi ai đó dừng xe...mới thấy an ninh chặt chẽ thế nào. Rồi cũng tự hỏi: Ngân sách Hoa Kỳ dành cho khoản xây dựng Tòa Tổng Lãnh sự không đến nỗi thiếu, mà sao không lắp được mái hiên cho những người Việt đang chờ xin chiếu khán nhập cảnh vào quốc gia mình?
Thành ra, nhiều khi thấy hình ảnh tréo ngoe. Có những vị khách rất sang trọng, từ bên kia đường bước xuống chiếc xe sang, tài xế khúm núm mở cửa lấy dù che nắng mưa cho ông bà chủ. Để rồi sang bên kia đường, ông bà chủ kẻ cả ấy lại nhũn như con chi chi, khép nép mình bên bờ tường chờ nhích từng chút một chờ vào bên trong với nỗi niềm lo lắng.
Rồi ngậm ngùi hơn nữa...dành cho những người "chiến thắng". Không biết có quốc gia nào vẫn dựng bia tưởng niệm để kỷ niệm chiến thắng tấn công vào một Tòa Đại sứ quốc gia khác không?
Nhưng từ khi trao trả lại tòa nhà này cho phía Mỹ, tấm bia đã được di dời sang sát đường, ngoài khuôn viên và vỉa hè Tổng Lãnh sự quán. Và cứ mỗi dịp lễ lạc, lại thấy đủ ban bệ phải đứng dưới lòng đường mà khấn vái. Cả bi và hài khi phía trong, dòng người vẫn nhẫn nại chờ và đợi.
P/S: Ảnh xin từ các FB khác vào sáng nay.
VÕ KHÁNH TUYÊN 02.10.2023
Bánh mì Phượng bị đình chỉ 3 tháng, mức thấp nhất của khung hình phạt
Sau khi được đầu bếp quốc tế giới thiệu, Bánh mì Phượng trở thành một trong những thương hiệu ẩm thực của TP. Hội An. Ảnh do một du khách chụp vào tháng 8/2023. (Ảnh: Nha Phuong/Facebook)
UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt 96 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với cơ sở Bánh mì Phượng (TP. Hội An) sau khi gây nên vụ ngộ độc đối với 313 thực khách.
Ngày 3/10, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 (địa chỉ số 02B đường Phan Chu Trinh, Phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Cơ sở Bánh mì Phượng Hội An được xác nhận có 5 hành vi vi phạm hành chính, gồm: (1) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; (2) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; (3) Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; (4) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; Chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh; trang thiết bị dụng cụ bảo quản chưa được vệ sinh).
(5) Chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vi phạm thứ 5 được xác đinh là lỗi nặng nhất. Trong vụ ngộ độc ngày 11-12/9, tổng cộng 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng.
Nguyên nhân ngộ độc được xác định do vi khuẩn Salmonella có trong các loại thực phẩm đã chế biến tại đây, thông qua kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm do Viện Pasteur thực hiện.
Với 5 vi phạm trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề xuất mức phạt 110,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh 5 tháng đối với cơ sở Bánh mì Phượng.
Theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 22, Nghị định số 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, riêng lỗi vi phạm thứ 5 như xác định của Sở Y tế có mức phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng, với hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 – 5 tháng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh quyết định tổng mức phạt hành chính là 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp 3 tháng đối với cơ sở này.
Theo UBND tỉnh, lý do phạt mức thấp hơn đề xuất của cơ quan chuyên môn là do UBND tỉnh xem xét các tình tiết giảm nhẹ, bao gồm hộ kinh doanh vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm như tự nguyện đóng cửa kinh doanh vào ngày 13/9 sau khi nghe thông tin về ngộ độc; tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (hộ kinh doanh đã tự nguyện đến các bệnh viện, cơ sở y tế để thăm hỏi và chịu chi phí điều trị cho bệnh nhân, có biên lai chi trả viện phí). Ngoài ra, hộ kinh doanh Bánh mì Phượng đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.
Từ Khóa
Cựu Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố
Hai bị can Nguyễn Thanh Giang (trái) và Hồ Mạnh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. (Ảnh từ cơ quan công an)
Hai bị can Nguyễn Thanh Giang và Hồ Mạnh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ngày 4/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Công an đã khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Thanh Giang (SN 1949), cựu Tổng Giám đốc VEAM.
Ông Hồ Mạnh Tuấn (SN 1963), Phó Tổng giám đốc VEAM, cũng bị khởi tố, và bị bắt tạm giam.
Cả 2 bị can Nguyễn Thanh Giang và Hồ Mạnh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Nhà chức trách cho biết trong các năm 2005 và 2011, ông Nguyễn Thanh Giang (khi đó là Tổng giám đốc VEAM) chỉ đạo Hồ Mạnh Tuấn (lúc đó là Trưởng phòng kỹ thuật VEAM, chủ tịch HĐQT VEAM Korea giai đoạn 2003-2009) lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ô tô SV110 không đúng các quy định của pháp luật về việc đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước.
Toàn bộ số tài sản trên sau khi được mua về do không có giá trị sử dụng, gây lãng phí số tiền hơn 26 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thanh Giang trước đó bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong một vụ án khác, liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất diện tích 8.930,9m2 tại địa chỉ đường Bình Thới (phường 14, quận 11, TP.HCM), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bị can Nguyễn Thanh Giang đang điều trị bệnh tiểu đường, suy thận nên bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.
VEAM hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước. Năm 2010, VEAM chuyển sang hình thức Công ty mẹ – con theo quyết định của Bộ Công Thương, với 25 công ty con và đơn vị thành viên. Năm 2017, VEAM hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 88%.
Giữa năm 2022, hàng loạt lãnh đạo VEAM đã lĩnh án do sai phạm trong việc vay ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Gia Lai: Bắt 2 cựu Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm
Trung tâm đăng kiểm 81-02D. (Ảnh: Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Cơ Giới 81-02d/Facebook)
Hai cựu Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm 81-02D và một người khác liên quan bị bắt để điều tra về tội Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ.
Ngày 4/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã quyết định khởi tố, bắt 3 người liên quan về tội “Nhận hối lộ” và tội “Môi giới hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 81-02D thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuân Tùng (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku).
3 người gồm: Cao Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku), cựu Phó Giám đốc Trung tâm trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 về tội “Nhận hối lộ”.
Hoàng Nam Đàn (SN 1984, trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku), cựu Phó Giám đốc Trung tâm trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022 về tội “Nhận hối lộ” và Trần Xuân Hải (SN 1971, trú tại phường Trà Bá, TP. Pleiku) về tội “Môi giới hối lộ”.
Trước đó, ngày 30/9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã quyết định khởi tố vụ án về tội “Nhận hối lộ và môi giới hối lộ” xảy ra tại trung tâm trên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định từ năm 2020 đến năm 2022, Cao Anh Tuấn và Hoàng Nam Đàn đã lợi dụng chức vụ là Phó Giám đốc, đồng thời chịu trách nhiệm phụ trách cải tạo xe cơ giới tại Trung tâm đăng kiểm để nhận tiền của các chủ phương tiện.
Trần Xuân Hải, là người môi giới, đã đưa cho Tuấn, Đàn số tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/1 xe để làm khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới, tiến hành nghiệm thu cải tạo trái quy định để hưởng lợi bất chính.
Hiện vụ án đang được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.
Trong một diễn biến có liên quan, hồi tháng 5/2023, tại Trung tâm Đăng kiểm 81-05D (xã Diên Phú, TP. Pleiku), công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Minh Lượng, Giám đốc trung tâm và Lê Đình Vượng, Phó giám đốc trung tâm để điều tra về tội Nhận hối lộ.
Hai tháng sau, cơ quan điều tra tiếp tục ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm 81-03D và một người mua bán ô tô về các tội Nhận hối lộ và Đưa hối lộ.
Ba cán bộ bị bắt gồm: Vũ Văn Tiên, Phó giám đốc, Đỗ Văn Xuân, cựu Phó giám đốc, Phan Văn Hùng, cựu đăng kiểm viên.
Người mua bán ô tô bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú là Nguyễn Ngọc Phước (ở phường Chi Lăng, Pleiku).
Minh Long
Không có nhận xét nào