Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 09 tháng 10 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Việt Nam tìm cách hack điện thoại các quan chức và nhà báo Mỹ khi đàm phán nâng cấp quan hệ với Washington

    RFA

    09/10/2023

    Việt Nam tìm cách hack điện thoại các quan chức và nhà báo Mỹ khi đàm phán nâng cấp quan hệ với Washington

    Khóa trên màn hình có mã gián điệp (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc đã dùng phần mềm gián điệp Predator mua của Pháp để tìm cách hack điện thoại của các dân biểu, thượng nghị sĩ, nhà phân tích chính sách và nhà báo Mỹ. Một nghiên cứu được các báo Mỹ bao gồm Washington Post tiến hành và được công bố hôm 9/10.

    Những người bị phía Việt Nam hack bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - Dân biểu Michael McCaul, Thượng nghị sĩ Chris Murphy – thành viên của Ủy ban Đối ngoại và chủ tịch tiểu ban về Trung Đông. Ngoài ra còn có các chuyên gia về Châu Á tại các trung tâm tư vấn ở Washington và các nhà báo của CNN bao gồm Jim Scuitoo cùng hai phóng viên thường trú ở Châu Á.

    Cuộc tấn công được thực hiện vào khi Mỹ và Việt Nam đang đàm phán nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước vừa ký kết thỏa thuận nâng cấp này nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam hôm 10/9 vừa qua.

    Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này nhưng nói rằng việc hai nước đạt được thỏa thuận sẽ giúp Mỹ có một diễn đàn để thảo luận. CNN cũng chưa đưa ra bình luận gì.

    Theo điều tra, phía Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội X (trước là Twitter) để dụ các nhà chính trị và những người quan tâm vào các trang mạng có phần mềm Predator.

    Đây là phần mềm do công ty Nexa của Pháp chế tạo và được cho là rất mạnh. Nó có thể tìm và bật lên microphones và camera trên điện thoại iPhone và các điện thoại sử dụng phần mềm Android, lấy các hồ sơ và tin nhắn ngay cả khi có sử dụng mã hóa đầu cuối.

    Tổ chức Amnesty International đã thực hiện một nghiên cứu và chia sẻ các thông tin điều tra của họ về những nỗ lực hack này của phía Việt Nam.

    Donncha Ó Cearbhail, người đứng đầu bộ phận an ninh của  Amnesty International nói với Washington Post rằng, qua những bằng chứng và tài liệu, tổ chức này tin là phần mềm Predator đã được bán từ Intellexa qua những chính nhánh của công ty cho Bộ Công an Việt Nam.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-predator-hack-investigation-10092023092145.html

    Việt Nam mua một phần mềm theo dõi của Pháp

    2023.10.09

    Việt Nam mua một phần mềm theo dõi của Pháp

    Mã giám điệp trên màn hình vi tính (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Việt Nam bị nêu danh là một trong những đất nước toàn trị mua phần mềm gián điệp Predator, gồm nhiệm vụ theo dõi giới bất đồng, của Tập đoàn Nexa của Pháp. Ít nhất hai nước khác cũng mua phần mềm này là Ai Cập và Madagascar.

    Mạng báo Mediapart của Pháp và Der Spiegel của Đức loan tin ngày 5/10 dẫn kết quả điều tra do mạng lưới European Investigative Collaborations phối hợp thực hiện. Theo đó phần mềm Predator có khả năng xâm nhập điện thoại di động.

    Tin cho biết ngoài phần mềm Predator, Tập đoàn Nexa của Pháp còn cung cấp nhiều phương tiện gián điệp gồm những hệ thống theo dõi rộng khắp trên Internet cho nhiều chế độ độc tài như Qatar, Congo, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất UAE), Pakistan.

    Các tác giả của điều tra vừa nêu lên án các cơ quan tình báo của Pháp và cho rằng họ không thể không biết thực tế những chế độ phi tự do mua trang thiết bị hiện đại như thế để theo dõi, đàn án và đôi khi bỏ tù hay ám sát những nhà đối lập chính trị, nhà báo và những nhà hoạt động nhân quyền.

    Hồi tháng 11/2021, Nexa và bốn viên chức điều hành của tập đoàn này bị truy tố với cáo buộc bán thiết bị giám sát mạng cho chế độ của Tổng thống Ai Cập Al Sissi nhằm theo dõi và bắt bớ các nhà đối lập. Tuy vậy, đến tháng 12/2022, phía tư pháp bãi bỏ cáo buộc này giúp cho những người liên quan không phải ra tòa.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/a-french-company-sold-a-spy-software-to-vietnam-10092023084432.html

    Một loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị thuế chống bán giá vào Mỹ vì nhập nguyên liệu từ Trung Quốc

    09/10/2023

    Một loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị thuế chống bán giá vào Mỹ vì nhập nguyên liệu từ Trung Quốc

    Các tấm pin năng lượn mặt trời và turbine gió tại một trang trại điện ở Bình Thuận năm 2019 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Bộ Công thương Việt Nam cảnh báo một loạt các mặt hàng của Việt Nam có nguy cơ sẽ bị thuế chống bán phá giá của Mỹ vì lý do nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Truyền thông Nhà nước dẫn cảnh báo của Cục Phòng vệ thương mại cập nhật đến tháng 6/2023.

    Các mặt hàng bị cảnh báo bao gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm, ghế sofa có khung gỗ, thép carbon chống ăn mòn, các thép ứng lực, pin năng lượng mặt trời.

    Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng từ Việt Nam vào Mỹ tăng nhanh từ 33,4 triệu đô la năm 2016 lên 322,2 triệu đô la vào năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 378 triệu đô la, chiếm 27,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản  phẩm cùng loại của Mỹ.

    Mỹ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017.

    Mỹ đã cảnh báo mặt hàng này của Việt Nam từ tháng 7/2019 và bắt đầu điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế đối với một số công ty Mỹ nhập hàng từ Việt Nam vào tháng 10/2019. Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

    Trong kết luận điều tra cuối cùng ban hành vào tháng 7/2023, Mỹ cho rằng sản phẩm gỗ dán của Việt Nam có lõi sử dụng nguyên liệu ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 đạt 2,7 tỷ đô la. Vào tháng 6/2022, Mỹ đã khởi xướng điều tra xem mặt hàng này của  Việt Nam có sử dụng các bộ phận từ Trung Quốc thuộc biện pháp phòng vệ thương mại và có lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc hay không.

    Vào tháng 10 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố kết luận sơ bộ và công bố kết luận cuối cùng vào tháng 1/2024.

    Ghế sofa có khung gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong cùng kỳ đạt 2,2 tỷ đô la và cũng nằm trong danh sách bị cảnh báo từ tháng 11/2022 vì nhập khẩu từ  nguyên liệu Trung Quốc vốn đang bị Mỹ áp thuế là 25%.

    Thép carbon chống ăn mòn (CORE) có kim ngạch xuất khẩu đạt 246,9 triệu đô la. Sản phẩm này của Trung Quốc cũng đã bị áp thuế chống bán phá giá.

    Thép dự ứng lực của Việt Nam vào Mỹ có kim ngạch xuất khẩu đạt 28,4 triệu đô la và mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Theo Cục Phòng vệ thương mại, đây là mặt hàng của Việt Nam có rủi ro cao bị Mỹ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.

    Pin năng lượng mặt trời của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có doanh thu đạt hơn bốn tỷ đô la và đã bị cảnh báo từ tháng 9/2021.

    Tháng 3/2022, DOC đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, cáo buộc mặt hàng này của Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Ấn Độ mới đây thông báo bắt đầu điều tra chống bán phá giá với ống thép hàn không gỉ nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Truyền thông Nhà nước ngày 9/10 dẫn cảnh báo từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Thương mại) cho biết như vậy.

    Theo Cục Phòng vệ thương mại, mặt hàng bị điều tra thuộc các mã HS. Đây là mặt hàng đang bị Ấn Độ áp dụng thuế chống trợ cấp, đồng thời đang là đối tượng điều tra trong vụ việc rà soát hoàng hôn lệnh áp thuế chống trợ cấp.

    Ngày ban hành thông báo khởi xướng điều tra của Ấn Độ là 30/9/2023. Thời kỳ điều tra từ 1/4/2022 – 31/3/2023. Đối với nội dung về thiệt hại, thời kỳ điều tra sẽ bao gồm thêm ba kỳ tài chính gần nhất là 2019 – 2020, 2020 – 2021 và 2021 – 2022.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-imported-goods-face-anti-dumping-tax-imposed-by-the-us-doc-10092023083713.html

    Tòa Tối cao Anh xét kháng cáo của London về kế hoạch trục xuất người tỵ nạn sang Rwanda

    09/10/2023

    Tòa Tối cao Anh xét kháng cáo của London về kế hoạch trục xuất người tỵ nạn sang Rwanda

    Lực lượng thuộc Cơ quan bảo bệ biên giới Anh đứng trên tàu tuần tra với những người nhập cư vào Anh bằng thuyền từ Pháp hôm 12/8/2020 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Các thẩm phán Tối cao Anh Quốc vào ngày thứ hai 9/10 tiến hành xét kháng cáo của Chính phủ London về phán quyết của tòa chặn kế hoạch trục xuất sang Rwanda người đến Xứ sở Sương mù tìm quy chế tỵ nạn.

    AFP loan tin, dẫn phán quyết hồi tháng sau vừa qua của tòa cho rằng Rwanda không thể được xem là một nước thứ ba an toàn để đưa người tìm quy chế tỵ nạn đến.

    Chính sách trục xuất sang Rwanda những người đến Anh Quốc tìm quy chế tỵ nạn do Thủ tướng bảo thủ Rishi Sunak công bố hồi tháng một vừa qua. Đây là một trong năm cam kết trước kỳ bầu cử tại Anh Quốc sẽ diễn ra vào sang năm.

    Thống kê cho thấy từ năm 2018, khi London bắt đầu công khai ghi nhận số người nước ngoài nhập cảnh vào Anh bằng thuyền nhỏ từ Pháp, đến nay con số đã hơn 100 ngàn người. Trong số này có người Việt Nam.

    Chưa có số liệu chính thức về lượng người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh quốc trong những năm qua. Tuy nhiên, theo ước tính của tổ chức thiện nguyện Salvation Army UK, từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2019 số người Việt nhập cư trái phép vào Xứ Sở sương mù tăng kỷ lục ở mức gần 250%.

    Tình trạng người Việt nhập cư trái phép vào Anh gây chấn động dư luận quốc tế qua vụ 39 người từ trong nước được phát hiện chết trong một thùng xe tải đông lại ở Vùng Essex, Anh Quốc hồi ngày 23/10/2019. Đến nay vẫn có tin người Việt trốn sang Anh để tìm kiếm cơ hội việc làm bất chấp mọi nguy hiểm.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/uk-judges-to-hear-government-appeal-over-plan-to-deport-immigrants-to-rwanda-10092023083115.html

    Hai người Ede tìm quy chế tỵ nạn bị Cảnh sát Thái bắt, hàng trăm người Thượng lo lắng

    RFA
    2023.10.09

    Hai người Ede tìm quy chế tỵ nạn bị Cảnh sát Thái bắt, hàng trăm người Thượng lo lắng

    Người Việt tìm quy chế tị nạn, ở Thái Lan kêu gọi UNHCR giải quyết hồ sơ bị hủy bỏ của họ. Hình chụp ngày 15/06/18. 

    RFA 

    Hai người thiểu số Ede đang tìm quy chế tỵ nạn tại Thái Lan vào tuần qua bị Cảnh sát Hoàng gia xứ này bắt giữ với lý do không có giấy tờ hợp lệ. 

    Biện pháp này khiến hàng trăm người Thượng đang tìm quy chế tị nạn ở Thái Lan vô cùng lo lắn. 

    Vào ngày 4/10, cảnh sát ở tỉnh Nonthabury đã bắt giữ hai anh em trai Y Denat Niê (sinh năm 1993) và Y Sơlơ Niê (sinh năm 1995) vì họ chưa được cấp quy chế tị nạn bởi Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok.

    Hai người đến Thái Lan từ Malysia hợp lệ bằng hộ chiếu Việt Nam cuối tháng 2 năm nay, và đã ở quá thời hạn visa một tháng. Họ đã nộp hồ sơ xin tị nạn cho Văn phòng UNHCR vào đầu tháng ba nhưng vẫn chưa được phỏng vấn.

    Ông Ksor Sưn, cha của hai người bị bắt, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 09/10:

    Cảnh sát Thái thấy hai đứa con trai tôi là bắt ngay nhưng mà vợ tôi ở nhà lúc đó không bị bắt vì có thẻ UN (thẻ công nhận quy chế tị nạn, cấp bởi UNHCR- PV). Họ đang bị giam giữ ở nhà tạm giam của đồn cảnh sát Bang Khen (thuộc Bangkok- PV).”

    Cô H ' Zia Niê, con gái của ông Ksor Sưn, cho RFA biết gia đình đã gọi trợ giúp từ Văn phòng CAP (Center for Asylum Protection) ở thủ đô Bangkok và luật sư của văn phòng khuyên gia đình nên gọi cho UNHCR để được can thiệp, tuy nhiên, khi gia đình gọi cho cơ quan này thì không có ai nghe máy.

    “Tôi qua văn phòng UN và nói ‘bây giờ hai anh trai của tôi bị bắt rồi. Họ nói là phải gọi cho số khẩn cấp đi.’ Tôi gọi cho số khẩn cấp mà không có ai bắt máy,” cô nói.

    Phóng viên có gửi email cho Văn phòng UNHCR ở Bangkok để kiểm chứng thông tin mà gia đình ông Ksor Sưn cung cấp nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

    Phóng viên cũng gọi điện cho Cảnh sát Hoàng gia tỉnh Nonthabury nhưng người trực điện thoại không trả lời.

    Cô H ' Zia Niê nói hai anh ruột cô ra toà ngày 05/10 và phải nộp 5.000 bạt tiền phí, nhưng gia đình cô không có tiền để nộp.

    Họ phạt 5000 bạt là tiền ra tòa. Họ nói là nếu mà mình không có nộp 5.000 bạt tiền ra tòa thì họ sẽ đưa về Việt Nam, 5 ngày là họ đưa về Việt Nam ngay lập tức.” 

    Cô cho biết ngày 08/10, anh ruột của cô mượn được điện thoại gọi về cho gia đình nói vẫn đang bị giam ở Bang Khen và cần gia đình gửi cho chăn, quần áo và đồ dùng cá nhân vì ở đó “không có cái gì, lạnh lắm vì không có chăn.”

    Tuy nhiên, chiều ngày thứ hai, ông Ksor Sưn lên Trại tạm giam Bang Khen thì con trai ông đã bị chuyển đi rồi, và điểm đến có thể là Trung tâm giam giữ dân nhập cư bất hợp pháp (IDC) ở thủ đô Băngkok.

    Ông Ksor Sưn là hội phó của nhóm tôn giáo Tin lành Đấng Christ Việt Nam, một nhóm tôn giáo độc lập ở tỉnh Đắk Lắk. Năm 2001, ông bị kết án năm năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng” vì tham gia biểu tình đòi tự do tôn giáo và quyền đất đai.

    Do các hoạt động về tự do tôn giáo, gia đình ông liên tục bị sách nhiễu bởi nhà chức trách địa phương, do vậy, vào năm 2020, vợ chồng ông đã sang tị nạn ở Thái Lan và đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn.

    Trước đó, hai con trai ông đã đi lao động xuất khẩu ở Malaysia, và sau khi hết hạn hợp đồng thì sang Thái Lan với bố mẹ.

    Ông Ksor Sưn cho biết nếu hai con trai của ông mà bị trục xuất về Việt Nam thì họ có thể sẽ bị bắt vì “công an Việt Nam nói không bắt được bố thì bắt con.”

    Một luật sư, trưởng một văn phòng trợ giúp người tị nạn ở Bangkok, nói với RFA trong điều kiện không muốn nêu danh tính, cho biết Thái Lan thường không trục xuất người đang tìm kiếm quy chế tị nạn về quốc gia của họ nhưng họ sẽ giam ở IDC cho đến khi có sự can thiệp của UNHCR  còn gia đình hoặc tổ chức dân sự nào đó nộp tiền bảo lãnh.

    Trong trường hợp của hai anh em người Ede mới bị bắt, chỉ có UNHCR mới có thể can thiệp được bằng việc chấp nhận việc ghi danh vào danh sách người tìm quy chế tị nạn hoặc cấp quy chế tị nạn cho họ, vị luật sư này bổ sung.

    Hàng trăm người Thượng lo lắng

    Cựu tù nhân lương tâm Y Byun, người đang tìm quy chế tị nạn và đang trọ ở tỉnh Nonthabury cho biết ông và hàng trăm người Thượng khác chưa được cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan đang sống trong lo lắng vì nguy cơ bị Cảnh sát Thái bắt giữ bất cứ lúc nào.

    Ông nói với RFA vào ngày 09/10:

    Ở đây chúng tôi rất lo lắng sợ hãi, mọi người đang ấn nấp trong phòng không dám ra ngoài bởi vì Cảnh sát Thái Lan truy quét rất là căng, tìm những người mà chưa có thẻ UN (thẻ cấp bởi UNHCR cho người được công nhận quy chế tị nạn- PV).”

    Ông cho biết hiện có khoảng 400 người Thượng chưa được cấp quy chế tị nạn, trong đó có nhóm 12 người của ông đi từ Campuchia sang Thái Lan đầu năm nay.

    Ông Y Byun từng bị kết án chín năm tù giam về tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự 1999. Sau khi ra tù năm 2013, ông buộc phải đi lưu vong ở Campuchia và mới chuyển sang Thái Lan. 

    Hiện cuộc sống của ông và những người Thượng chưa có quy chế tị nạn rất khó khăn. Họ không được đi làm và chỉ có thể đi mua thức ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh gặp sự truy đuổi của Cảnh sát Thái.

    Ông cho biết thêm vợ con ông ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai liên tục bị công an địa phương sách nhiễu, thường xuyên đến nhà để tra hỏi về ông cho dù ông đã rời Gia Lai từ năm 2014 và tị nạn tám năm ở Campuchia trước khi chuyển sang Thái Lan đầu năm nay.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hundreds-of-vietnamse-asylym-seekers-worried-as-thai-police-arrest-two-montagnards-10092023063213.html

    Chính tả sai từ đâu? 

    Nguyễn Thông

    Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

    Chuyện viện kiểm sát ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức linh đình hội thảo bàn về việc sau dấu 2 chấm (:) trong văn bản tiếng Việt thì viết hoa hay không viết hoa, đã dấy lên những cười cợt ì xèo.
    Đành rằng bàn về việc sử dụng tiếng Việt sao cho chuẩn luôn là điều nghiêm túc, thậm chí trọng đại, đáng khen, nhưng đó không phải là chuyện của viện kiểm sát. Là cơ quan pháp luật (tư pháp), viện kiểm sát trước hết hãy lo hãy bàn sao đừng để xảy ra án oan sai, lắng nghe tiếng kêu oan của tử tù, đừng dấm dúi nhận hối lộ chạy án, v.v.. đi đã, đá lộn sân làm chi. Thiên hạ cười là phải.
    Kể cũng lạ, ở một nước, chỉ riêng về mảng ngôn ngữ, đã có biết bao đơn vị, cơ quan, tổ chức, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, nào là viện hàn lâm khoa học xã hội, viện ngôn ngữ, trung tâm từ điển quốc gia, các khoa ngôn ngữ bậc đại học… nhưng hội thảo về dấu 2 chấm lại do viện kiểm sát. Đơn giản bởi đám chuyên kia “thái vô tích”, chả tích sự gì, cứ mặc cho tiếng Việt muốn ra sao thì ra. Hiện tại, tiếng Việt đang nát bét, nhất là trên báo chí truyền thông, ở các nhà xuất bản, ở những cơ quan nhà nước, nhưng viện ngôn ngữ vẫn bình chân như vại.
    Tôi lấy một ví dụ nhỏ. Trong hầu hết sách được xuất bản của nhà xuất bản Kim Đồng luôn có cái sai này: Với câu đặt trong dấu ngoặc kép, nhẽ ra phải đóng ngoặc kép rồi mới chấm câu, thì nó tinh làm ngược lại, chấm rồi mới đóng ngoặc. Chẳng hạn: Cụ Hồ nói “không có gì quý hơn độc lập tự do.” Đó là chân lý của thời đại đánh giặc.
    Dấu chấm câu để kết thúc, chấm dứt một câu, việc đặt dấu chấm vào trong ngoặc rất sai bởi dấu ngoặc kép kia mới là tận cùng của câu ấy. Ngôn ngữ nước khác đặt quy tắc thế nào là chuyện của người ta, còn ngôn ngữ Việt từ xưa tới nay chỉ đặt dấu chấm khi hết câu. Tôi đọc lại những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Bính…, kể cả Tuyên ngôn độc lập của cụ Hồ, đều thấy tuân thủ nguyên tắc ấy. Bây giờ hậu sinh, nhất là đám nhà báo, làm rối tinh rối mù, nát cả chuẩn mực. Chẳng thấy viện ngôn ngữ có ý kiến ý cò.
    Việc Viện kiểm sát quận Thanh Khê hội thảo nội dung “vặt” đáng cười ở chỗ, thứ quy tắc ấy đã được chốt lại từ đứa học lớp 4 (thời chúng tôi đi học thì lớp 2), tức là tuổi còn ỉa đùn đái dầm nhưng đã quán triệt sau dấu 2 chấm phải viết như thế nào. Giờ người ta đã ông nọ bà kia, viện trưởng viện phó, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân vẫn lúng túng ngơ ngác hỏi nhau “viết thế nào hở mày”. Chết cười. 

    Đối với bất kỳ đứa trẻ nào thế hệ tôi (sinh thập niên 50) thì khi lớp 1, lớp 2 học tiếng Việt, điều đầu tiên phải viết đúng chính tả, sau đó là biết đặt câu. Trước đó một chút, bọn ranh con đã được học qua lớp i tờ và tập chép, còn gọi là lớp vỡ lòng (anh tôi nói đùa là vỡ thình, thình là cái bọng cứt của con chim, con chim non trong tổ ăn mồi mẹ nó tha về mớm cho nhưng phân cứ tồn trong bụng, khi nào ị được, vỡ thình, thì mới chính thức “vào đời”), nắm tiếng Việt đã khá rành rọt, phân biệt được chữ thường, chữ in, chữ viết thường, chữ viết hoa, các dấu câu, mỗi dấu có tác dụng gì. 

    Phải nói thẳng rằng bọn ranh i tờ, lớp 1, lớp 2 hồi đó trình độ chuẩn tiếng Việt còn hơn khá nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, nhà báo bây giờ. Tôi biết có những nhà báo trình độ đại học không nắm được quy tắc sau dấu chấm câu phải có khoảng trắng rồi mới viết câu tiếp theo, cứ từ đầu tới cuối viết liền tù tì. Lại có nhà báo khác không biết dùng dấu 3 chấm, cứ trước dấu 3 chấm là đặt dấu phẩy, thậm chí còn sáng tạo ra dấu 4 chấm, 5 chấm, hoặc v.v.. rồi vẫn phết thêm 3 chấm. Làm nghề chữ nghĩa mà còn thế, trách chi mấy ông bà cán bộ học tiếng Việt không đến nơi đến chốn.

    Nếu ai rảnh, đọc những văn bản của nhà nước, bài diễn văn, phát biểu của ông này bà nọ (dĩ nhiên do trợ lý, thư ký viết) đầy những lỗi về dùng từ, đặt câu. Nhan nhản những câu què, cụt, thiếu chủ ngữ, mở đầu câu là một động từ (vị ngữ) mà không hề có chủ ngữ. Lại có kiểu họ rất hay dùng là mở đầu câu bằng từ “đồng thời”, "bên cạnh đó" (trạng ngữ) tiếp sau đó là các thành phần khác, vẫn thiếu chủ ngữ. Bệnh này lây lan sang báo đài quốc doanh, phá bỏ nguyên tắc bất di bất dịch của câu tiếng Việt là phải có ít nhất 3 thành phần chủ - vị - bổ. Câu tiếng Việt bị phá nát không phải bởi những người ít học mà do người quyền cao chức trọng, có học.

    Về chính tả, nói thêm vụ viết hoa. Viết thường hay viết hoa lâu nay được quy định rất rõ ràng, hầu như ai đi học cũng biết điều tối thiểu ấy nên tôi không cần dài dòng kể ra đây. Vậy nhưng báo chí mậu dịch và văn bản quốc doanh công khai xé rào, tự đặt quy tắc riêng, viết hoa tùm lum tà la. Ví dụ: Tổ quốc, thủ đô, trung ương, chính phủ, chính phủ số, chính phủ điện tử, đảng, thậm chí bác, người… chỉ là danh từ chung, đâu cần viết hoa. Gần đây, người ta còn quán triệt biển Đông phải viết hoa hết thành Biển Đông, trong khi biển Nha Trang, biển Vũng Tàu, biển Đen, biển Nam Trung Hoa lại không viết hoa “biển”. Danh từ chung không cần phải viết hoa, kể cả khi nó đi với từ danh từ riêng khác, ví dụ chợ Bến Thành, sông Cửu Long, nhà khách Chính phủ… Cứ tùy tiện viết hoa kiểu Biển Đông thì tiếng Việt có mà loạn, bất cần quy tắc, manh ai nấy viết.

    Cần phải coi việc sử dụng tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ (trong đó có cả luật về chính tả) là một hành vi mang tính khoa học, nghiêm túc, chứ không thể do nhu cầu chính trị, do ý muốn của cá nhân hay nhóm người có quyền hành. Cứ lý do lý trấu này nọ để đạt mục đích riêng, phá bỏ quy tắc, rồi mạnh ai nấy làm sẽ dẫn đến tình trạng chung tay phá nát tiếng Việt.

    Cần có sự gương mẫu, đi đầu, làm gương trong việc bảo vệ tiếng Việt - di sản bậc nhất của dân tộc, mà trước hết là ở các ngài lãnh đạo, nắm quyền, các cơ quan công quyền, cơ quan chuyên môn về ngôn ngữ, báo chí truyền thông mậu dịch.

    Nguyễn Thông

    https://thongcao55.blogspot.com/2023/10/chinh-ta-sai-tu-au-ky-2.html


    Không có nhận xét nào