Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine:
Nga cho biết 335.000 người đăng ký chiến đấu, không có kế hoạch huy động mới
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm thứ ba cho biết Nga không có kế hoạch huy động thêm nam giới để chiến đấu ở Ukraine vì tính đến nay đã có hơn 335.000 người đăng ký chiến đấu trong lực lượng vũ trang hoặc các đơn vị tình nguyện trong năm nay. Những con số đó cho thấy Nga đã đạt được tiến bộ đáng kể cả trong việc chiêu mộ tân binh cũng như thu hút nhiều chiến binh từ lực lượng đánh thuê Wagner vào “đội quân tình nguyện”.
Xem thêm tại: Reuters, Russia says 335,000 sign up to fight, no plans for new mobilisation. Truy cập ngày 4/10/2023
Nga đánh chặn 5 HIMARS, bom JDAM, 37 drone trên bầu trời Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga hôm chủ nhật cho biết lực lượng phòng không Nga đã chặn 5 quả đạn HIMARS do Mỹ sản xuất, một quả bom JDAM phóng từ trên không và 37 drone của Ukraine trên lãnh thổ Ukraine. Bộ QP Nga cũng báo cáo rằng lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 6 drone của Ukraine trên các khu vực của Nga và 2 tên lửa của Ukraine trên Crimea.
Xem thêm tại: Reuters, Russia intercepts five HIMARS, JDAM bomb, 37 drones over Ukraine in last 24 hours. Truy cập ngày 2/10/2023
Ukraine pháo kích làng Nga bằng bom chùm
Ukraine đã bắn bom chùm vào một ngôi làng của Nga gần biên giới Ukraine hôm thứ ba, làm hư hại một số ngôi nhà. Trước đó, Ukraine đã nhận được bom chùm từ Mỹ nhưng nước này cam kết chỉ sử dụng chúng để đánh bật quân địch tập trung. Các quan chức Nga ở Bryansk và các khu vực khác giáp biên giới Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Kyiv pháo kích bừa bãi. Bom, đạn chùm bị cấm ở hơn 100 quốc gia do chúng thường phóng ra một số lượng lớn bom nhỏ hơn có thể giết người bừa bãi trên một khu vực rộng. Ngoài ra, những quả bom chùm chưa phát nổ có thể gây nguy hiểm trong thời gian dài.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine shells Russian village with cluster munitions – Russian official. Truy cập ngày 4/10/2023
Quan chức Kyiv kêu gọi sử dụng vũ khí hiệu quả hơn để chống lại drone của Nga
Một quan chức cấp cao của Ukraine hôm thứ hai kêu gọi đánh giá lại các hệ thống phòng không của phương Tây đang được cung cấp cho Ukraine, nói rằng các loại vũ khí đơn giản và rẻ hơn có thể tiết kiệm chi phí hơn trong việc chống lại drone Shahed do Iran sản xuất. Theo đó, vấn đề không chỉ nằm ở việc đảm bảo có thêm nhiều hệ thống phòng không mà chủ yếu là giải quyết các vấn đề về hiệu quả kinh tế trong chiến tranh. Trong khi các hệ thống của phương Tây, như NASAMS và Iris-T, được sử dụng để bắn hạ tên lửa, việc sử dụng chúng để đánh chặn Shaheds có thể không hiệu quả về mặt chi phí. Do đó, các hệ thống phòng không đơn giản và rẻ hơn hiện nay đã chứng tỏ chúng có hiệu quả chống lại Shaheds, bao gồm Gepard và Vampire.
Xem thêm tại: Reuters, Kyiv official urges more cost effective weapons for countering Russia drones. Truy cập ngày 4/10/2023
Ukraine bắn hạ 29 drone và một tên lửa hành trình của Nga
Ukraine hôm thứ ba đã phá hủy 29 trong số 31 drone và một tên lửa hành trình của Nga, chúng hầu hết nhắm vào các khu vực Mykolaiv và Dnipropetrovsk. Phía Ukraine cho biết thêm rằng thiệt hại từ các cuộc không kích đối với các cơ sở sản xuất tại một doanh nghiệp công nghiệp ở thành phố Pavlohrad đã dẫn đến một vụ hỏa hoạn và cũng đã được dập tắt. Mười sáu drone đã bị phá hủy ở khu vực phía nam Mykolaiv.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine downs 29 Russia-launched drones, one cruise missile -Ukraine’s Air Force. Truy cập ngày 4/10/2023
Ukraine tuyên bố lực lượng của họ tiến về phía nam, giữ vững lợi thế ở phía đông
Lực lượng Ukraine đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc tấn công về phía nam như một phần của cuộc phản công khốc liệt. Các quan chức Ukraine cũng cho biết lực lượng Kyiv đang chống lại những nỗ lực của Nga nhằm đảo ngược những thắng lợi ở mặt trận phía đông. Trong khi đó, nhóm lực lượng phía nam của Ukraine đã đạt được những bước tiến khi Kyiv tiến tới Biển Azov để phân chia lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở phía nam và phía đông.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine says its forces make headway in south, hold gains in east. Truy cập ngày 5/10/2023
Ukraine thu hút các nhà sản xuất vũ khí phương Tây nhằm giúp chuyển đổi ngành công nghiệp quốc phòng
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm thứ bảy cho biết ông muốn biến ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine thành một “trung tâm quân sự lớn” bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất vũ khí phương Tây để tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Kyiv. Tổng thống Zelenskyy nói rằng phòng không và rà phá bom mìn là ưu tiên trước mắt của ông. Ukraine cũng đặt mục tiêu tăng cường sản xuất tên lửa, drone và đạn pháo trong nước. Giám đốc điều hành từ các nhà sản xuất vũ khí từ hơn 30 quốc gia đã tham dự diễn đàn. Một số nhà sản xuất hàng đầu của phương Tây như công ty sản xuất vũ khí khổng lồ Rheinmetall của Đức và BAE Systems có trụ sở tại Anh đã công bố kế hoạch hợp tác với các nhà sản xuất Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine lures Western weapons makers to transform defence industry. Truy cập ngày 30/9/2023
Binh lính Ukraine nhận xe tăng Abrams của Mỹ
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ hai cho biết Ukraine đã nhận lô hàng xe tăng Abrams đầu tiên của Mỹ. Các đội xe tăng Ukraine huấn luyện ở khu vực Donetsk miền đông Ukraine cho biết, một khi được triển khai xe tăng Abrams sẽ là một bước tiến lớn so với các xe tăng thời Liên Xô mà họ hiện đang vận hành. Với động cơ mạnh mẽ, pháo chính 120 mm và lớp giáp đặc biệt, xe tăng Abrams đặc biệt đáng gờm trước lực lượng thiết giáp hạng nặng.
Xem thêm tại: Reuters, Ukrainian soldiers heartened by delivery of U.S. Abrams tanks. Truy cập ngày 30/9/2023
Mỹ viện trợ số đạn dược tịch thu của Iran cho Ukraine
Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hơn 1 triệu viên đạn của Iran đã bị thu giữ vào năm ngoái. Lực lượng hải quân Mỹtrong nhiều năm đã thu giữ vũ khí được cho là từ Iran dành cho các chiến binh được Iran hậu thuẫn ở Yemen, thường được vận chuyển bằng tàu đánh cá. Tuy nhiên, số đạn này khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường vào thời điểm các loại vũ khí tầm xa và hệ thống phòng không đang là ưu tiên hàng đầu của Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, US sends seized Iranian ammunition to Ukraine. Truy cập ngày 5/10/2023
EU cho biết khối sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine
Josep Borell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cho biết khối sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tài trợ tạm thời vào cuối ngày thứ bảy. Ông Borrell cho biết EU đang chuẩn bị “các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine” và ông hy vọng các nước thành viên sẽ đạt được quyết định tăng cường viện trợ “trước cuối năm nay”. Viện trợ quân sự của EU bao gồm pháo và đạn dược, hệ thống phòng không, EW (tác chiến điện tử) và các chương trình hỗ trợ dài hạn, đào tạo và nội địa hóa ngành công nghiệp quốc phòng” ở Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, EU’s Borrell, in Kyiv, says bloc will increase military aid. Truy cập ngày 3/10/2023
Thủ tướng Anh Sunak cho biết hiện tại không có kế hoạch đưa quân đội Anh tới Ukraine
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết hôm chủ nhật rằng London không có kế hoạch triển khai ngay lập tức các cố vấn quân sự tới Ukraine, bác bỏ những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng khi ông đề nghị quân đội có thể tiến hành huấn luyện ở nước này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông muốn triển khai các giảng viên quân sự tới Ukraine, bên cạnh việc huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine ở Anh hoặc các nước phương Tây khác. Cùng ngày, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng binh lính Anh huấn luyện quân đội Ukraine ở Ukraine sẽ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga, cũng như các nhà máy của Đức sản xuất tên lửa Taurus nếu họ cung cấp cho Kyiv.
Xem thêm tại: Reuters, UK PM Sunak says there are no plans for now to send British troops to Ukraine. Truy cập ngày 2/10/2023; Russia’s Medvedev says British training troops in Ukraine could be legitimate targets. Truy cập ngày 2/10/2023
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
Mỹ ủng hộ dự án cáp internet dưới biển Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh của Trung Quốc
Mỹ đang ủng hộ một dự án tuyến cáp internet dưới biển mới kết nối một số hòn đảo ở Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy lợi ích của Washington trong khu vực mà nước này đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Theo đó, Tuyến cáp Trung tâm Thái Bình Dương sẽ kết nối Samoa thuộc Mỹ với Guam và kéo dài tới 12 hòn đảo nữa ở Thái Bình Dương. Guam là nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ. Tuyến cáp mới có thể kết nối các lãnh thổ của Mỹ với Papua New Guinea, Samoa, Tuvalu, Fiji, Nauru, Quần đảo Marshall, Kiribati, Quần đảo Cook, Wallis và Futuna và Liên bang Micronesia
Xem thêm tại: Reuters, US backs Pacific undersea internet cable amid China competition. Truy cập ngày 29/9/2023
Đài Loan nói Trung Quốc biết đe dọa vũ trang sẽ phản tác dụng trong việc gây ảnh hưởng tới bầu cử
Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng việc đe dọa Đài Loan bằng vũ lực sẽ không có tác dụng và Bắc Kinh khó có thể thử những hành động như vậy trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1. Đài Loan sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tiếp theo vào tháng 1, với Phó Tổng thống William Lai của Đảng Dân tiến cầm quyền là người có khả năng trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan tuần trước đã thực hiện một bước đi bất thường khi tuyên bố họ đang giám sát các cuộc tập trận diễn ra ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, đối diện với hòn đảo này.
Xem thêm tại: Reuters, Taiwan says China knows armed threats backfire on influencing elections. Truy cập ngày 29/9/2023
Triều Tiên sửa hiến pháp về chính sách hạt nhân, viện dẫn hành động khiêu khích của Mỹ
Triều Tiên đã thông qua sửa đổi hiến pháp để bảo đảm chính sách về lực lượng hạt nhân khi ông Kim Jong-un cam kết đẩy nhanh sản xuất vũ khí hạt nhân để ngăn chặn điều mà ông gọi là hành động khiêu khích của Mỹ. Hội nghị Nhân dân Tối cao đã nhất trí thông qua bản sửa đổi nêu rõ Triều Tiên “phát triển vũ khí hạt nhân mạnh để đảm bảo quyền tồn tại” và “ngăn chặn chiến tranh”. Ông Kim tiếp tục nhấn mạnh “sự cần thiết phải thúc đẩy sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân cũng như triển khai chúng ở các lực lượng khác nhau”. Đồng thời, ông Kim cũng nói rằng các cuộc tập trận quân sự và triển khai các khí tài chiến lược của Mỹ trong khu vực là hành động khiêu khích cực độ.
Xem thêm tại: Reuters, North Korea amends constitution on nuclear policy, cites US provocations. Truy cập ngày 29/9/2023
Nhật Bản tăng cường phòng thủ mạng bằng phần mềm nội địa
Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu cài đặt phần mềm bảo mật được phát triển trong nước cho các máy tính của bộ và cơ quan bắt đầu từ năm tài chính 2025, một phần trong nỗ lực tăng cường thu thập và phân tích thông tin tấn công mạng cũng như cải thiện phòng thủ mạng. Phần mềm mới sẽ tương thích với phần mềm bảo mật của Microsoft có trên hầu hết các PC của chính phủ, tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách phân lớp các biện pháp đối phó.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan to bolster cyber defense with homegrown software. Truy cập ngày 1/10/2023
Nhật Bản, Đức bắt đầu đàm phán về thỏa thuận liên dịch vụ quốc phòng
Nhật Bản sẽ bắt đầu đàm phán chính thức Thỏa thuận mua lại và phục vụ chéo (ACSA) với chính phủ Đức cho phép các lực lượng vũ trang của họ trao đổi nhiên liệu và các vật tư khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận chung. Nhật Bản đã ký các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ. Năm ngoái, lực lượng không quân của hai nước đã lần đầu tiên tiến hành tập trận chung trên không phận xung quanh Nhật Bản.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan, Germany to start negotiations on defense cross-servicing deal. Truy cập ngày 1/10/2023
Úc cho phi đội trực thăng Taipan nghỉ hưu sớm sau vụ tai nạn
Úc hôm thứ sáu cho biết họ sẽ cho phi đội trực thăng Taipan nghỉ hưu sớm hơn dự kiến sau khi một vụ tai nạn ngoài khơi bờ biển phía đông hồi tháng 7 trong một cuộc tập trận chung với Mỹ khiến 4 phi hành đoàn Úc thiệt mạng. Hạm đội Taipan sẽ không được triển khai nữa trước ngày nghỉ hưu dự kiến trước đó là tháng 12 năm 2024. Úc vào tháng 1 cho biết họ sẽ mua 40 máy bay trực thăng quân sự Black Hawk nhằm thay thế phi đội trực thăng Taipan của quân đội Úc.
Xem thêm tại: Reuters, Úc to retire Taipan helicopter fleet early after crash. Truy cập ngày 30/9/2023
Úc tái triển khai quân tới phía bắc nhằm ngăn chặn Trung Quốc
Úc sẽ điều hàng trăm binh sĩ đến phía bắc đất nước và tập trung khả năng tấn công tầm xa ở phía nam như một phần của những thay đổi trong việc triển khai quân đội nhằm ngăn chặn tốt hơn tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo đó, Úc sẽ chuyển khoảng 800 binh sĩ từ Adelaide ở phía nam và gửi phần lớn đến Townsville. Townsville sẽ là nơi đặt tất cả các xe bọc thép của Quân đội và một nửa phi đội trực thăng của quân đội. Adelaide sẽ là nơi tổ chức các bệ phóng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS).
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Úc redeploys troops to north in bid to deter China. Truy cập ngày 30/9/2023
Đông Nam Á:
Tổng thống Philippines lên tiếng bảo vệ lãnh thổ, nói rằng không tìm kiếm rắc rối ở Biển Đông
Philippines sẽ tăng cường bảo vệ mạnh mẽ lãnh thổ và quyền lợi của ngư dân và không tìm kiếm rắc rối khi tranh chấp với Trung Quốc về quyền tiếp cận bãi cạn chiến lược ở Biển Đông. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tuần này cho biết họ đã cắt một hàng rào nổi dài 300 mét do Trung Quốc lắp đặt để chặn lối vào bãi Cỏ May đang tranh chấp gay gắt. Kể từ khi cắt rào chắn nổi, Philippines nhận thấy ít sự hiện diện của Trung Quốc ở bãi cạn này. Tarriela cho biết có ba tàu cảnh sát biển Trung Quốc và một tàu dân quân biển được nhìn thấy trong chuyến bay kiểm tra hôm thứ năm, so với bảy tàu Trung Quốc vào tuần trước.
Xem thêm tại: Reuters, Philippines defending territory, not seeking trouble in South China Sea, president says. Truy cập ngày 30/9/2023
Cuộc tập trận hải quân Mỹ-Philippines
Các lực lượng từ Manila, Anh, Canada, Nhật Bản và Mỹ hôm thứ hai đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung kéo dài hai tuần ở vùng biển Philippines nhằm “biểu dương lực lượng”. Với hơn 1.800 người tham gia, Cuộc tập trận “Sama Sama” diễn ra tiếp theo động thái tuần trước của Bắc Kinh nhằm ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận khu vực biển có tranh chấp nhất ở châu Á, Bãi cạn Scarborough. Cuộc tập trận “Sama Sama” năm nay được tổ chức ở phía nam đảo Luzon, bao gồm các cuộc tập trận hải quân trong các lĩnh vực như tác chiến chống tàu ngầm, phòng không và tìm kiếm cứu nạn.
Xem thêm tại: Reuters, Philippines, allies kick off naval drills amid Asia-Pacific tension. Truy cập ngày 3/10/2023
Cảnh sát biển Trung Quốc lại quấy rối các tàu Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho bãi Cỏ May
Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) một lần nữa thực hiện “các hoạt động nguy hiểm” chống lại các tàu Philippines vào thứ Tư, ngày 4 tháng 10, trong nhiệm vụ tiếp tế của tàu này tới BRP Sierra Madre, tiền đồn của Philippines trên bãi Cỏ Mây ở Biển Tây Philippines (Biển Đông). Theo đó, có ít nhất ba tàu CCG có mặt trong khu vực, cùng với khoảng 12 tàu dân quân biển Trung Quốc để “thực thi phong tỏa”. Đầu tháng 8, CCG dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines, cản trở nhiệm vụ tiếp tế. Nhiều tuần sau vào tháng 8, Philippines hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế trong bối cảnh CCG quấy rối.
Xem thêm tại: Rappler, China Coast Guard again harasses PH ships on resupply mission to Ayungin Shoal. Truy cập ngày 5/10/2023
Công ty sản xuất vũ khí nhà nước Indonesia cung cấp vũ khí cho Myanmar
Các nhóm nhân quyền hôm thứ ba kêu gọi Indonesia điều tra các vụ bán vũ khí bị nghi ngờ của các công ty nhà nước cho Myanmar, nơi Indonesia đang cố gắng thúc đẩy hòa giải kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021 gây ra xung đột lan rộng. Các nhóm đã đệ đơn khiếu nại lên ủy ban nhân quyền quốc gia Indonesia hôm thứ Hai cáo buộc rằng ba nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước đã bán thiết bị cho Myanmar kể từ cuộc đảo chính. Các nhà hoạt động cho biết Myanmar đã mua nhiều mặt hàng bao gồm súng lục, súng trường tấn công và xe chiến đấu.
Xem thêm tại: Reuters, Activists say Indonesian state weapons makers supplying Myanmar. Truy cập ngày 5/10/2023
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:
Cuba, Nga làm việc về trường hợp người Cuba được tuyển vào quân đội Nga
Cuba và Nga đang hợp tác giải quyết trường hợp người Cuba được tuyển mộ vào quân đội Nga. Chính phủ Cuba trong tháng này cho biết nam thanh niên Cuba đã gia nhập quân đội Điện Kremlin trong những tháng gần đây với tư cách là lính đánh thuê và nạn nhân của các âm mưu buôn người, khi Nga tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Trong các báo cáo ban đầu, chính quyền Cuba cho biết họ đang nỗ lực “vô hiệu hóa và phá bỏ” mạng lưới mà họ cho biết hoạt động cả trên đất Cuba và ở Nga. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, một nhóm hacker Ukraine đã rò rỉ các bức ảnh hộ chiếu của gần 200 lính đánh thuê Cuba được cho là đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về quy mô của nỗ lực tuyển dụng ở Cuba. Cuba phủ nhận mọi liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và chính quyền nước này cho biết những người đánh thuê hoặc tham gia buôn người có thể phải đối mặt với án tù dài hạn hoặc thậm chí là tử hình.
Xem thêm tại: Reuters, Cuba, Russia working on case of Cubans recruited for Russian army, ambassador says. Truy cập ngày 28/9/2023
BAE Systems giành được hợp đồng trong chương trình tàu ngầm AUKUS của Anh
Chính phủ Anh đã trao cho BAE Systems một hợp đồng trị giá 4,88 tỷ USD như một phần của chương trình AUKUS với Úc và Mỹ để chế tạo tàu ngầm tấn công. Mỹ, Úc và Anh vào tháng 3 đã tiết lộ chi tiết về kế hoạch AUKUS cung cấp cho Úc các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân từ đầu những năm 2030 để chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, BAE Systems wins U.K. contract for AUKUS submarines. Truy cập ngày 3/10/2023
Lực lượng vũ trang Đức nhận drone trinh sát HUSAR
Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã ký một thỏa thuận để cung cấp drone trinh sát LUNA NG mới được hỗ trợ trên không cho chi nhánh trinh sát của Quân đội và pháo binh. Mỗi hệ thống bao gồm 5 drone trinh sát, 2 hệ thống điều khiển mặt đất, 2 xe phóng, 2 cột ăng-ten, một xưởng sửa chữa và 3 bệ vận chuyển. LUNA NG với thiết kế khí động học có trọng lượng siêu nhẹ có độ ổn định cao, đồng thời có thể bay liên tục trong hơn 12 giờ.
Xem thêm tại: Defence Blog, Germany’s armed forces to receive HUSAR reconnaissance drones. Truy cập ngày 4/10/2023
Romania tăng cường phòng thủ để ngăn chặn chiến tranh Ukraine vượt ngưỡng NATO
Romania đang di chuyển lực lượng phòng không đến gần các làng Danube bên kia sông từ Ukraine, nơi các drone của Nga đang tấn công các cơ sở ngũ cốc, đồng thời bổ sung thêm nhiều trạm quan sát quân sự và tuần tra trong khu vực. Các biện pháp này, cùng với việc triển khai thêm 4 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và mở rộng vùng cấm bay, là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng ở Romania và liên minh NATO rộng lớn hơn rằng cuộc chiến Ukraine có thể lan sang lãnh thổ nước này.
Xem thêm tại: Reuters, Romania bolsters defences to stop Ukraine war crossing NATO threshold. Truy cập ngày 30/9/2023
Kosovo yêu cầu Serbia rút quân khỏi biên giới
Kosovo hôm thứ Bảy yêu cầu Serbia rút quân khỏi biên giới chung, nói rằng nước này sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Căng thẳng giữa hai nước đã tăng cao kể từ Chủ nhật tuần trước khi cảnh sát Kosovo giao tranh với khoảng 30 người Serbia được trang bị vũ khí hạng nặng xông vào làng Banjska của Kosovo và ẩn náu trong một tu viện Chính thống Serbia. Cuộc đấu súng đã làm dấy lên mối quan ngại quốc tế mới về sự ổn định ở Kosovo, nơi có đa số người dân sắc tộc Albania và tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 sau cuộc nổi dậy của du kích và sự can thiệp của NATO năm 1999. Trước đó, NATO thông báo rằng liên minh đã ủy quyền bổ sung lực lượng cho lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo nhưng không nêu rõ ngay là bao nhiêu hoặc từ quốc gia nào.
Xem thêm tại: Al Jazeera, NATO says it has authorised bolstering of forces for Kosovo. Truy cập ngày 30/9/2023; Reuters, Kosovo demands Serbia withdraw troops from border. Truy cập ngày 1/10/2023.
Mỹ nói Iran có thể sản xuất vật liệu phân hạch cho bom hạt nhân trong vòng 2 tuần
Mỹ cảnh báo Iran có thể sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho bom hạt nhân trong vòng chưa đầy hai tuần. Israel từ lâu đã cảnh báo rằng việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân là mối đe dọa hàng đầu toàn cầu, nhưng Mỹ tuyên bố rằng khi nói đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nước này lo ngại nhất là Trung Quốc và Nga. Nhưng vật liệu hóa thạch chỉ là một phần những gì Iran cần để hoàn thiện bom hạt nhân và các thành phần khác như đầu đạn hạt nhân có thể đặt trên tên lửa tầm xa vẫn chưa được phát triển.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Iran can produce fissile material for nuclear bomb within 2 weeks. Truy cập ngày 2/10/2023
Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cuộc không kích mới ở miền bắc Iraq sau vụ đánh bom ở Ankara
Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ hôm chủ nhật đã tiêu diệt 58 mục tiêu của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nằm ngoài vòng pháp luật ở miền bắc Iraq kể từ khi nhóm chiến binh người Kurd nhận trách nhiệm về vụ đánh bom gần các tòa nhà chính phủ ở Ankara. Hoạt động thứ ba sau vụ đánh bom hôm chủ nhật được tiến hành ở các vùng Metina, Hakurk, Gara, Qandil và Asos ở miền bắc Iraq. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hôm thứ Tư cho biết tất cả các cơ sở thuộc PKK và lực lượng dân quân YPG người Kurd ở Iraq và Syria đều là “mục tiêu hợp pháp”.
Xem thêm tại: Reuters, Turkey carries out new air strikes in northern Iraq after Ankara bombing. Truy cập ngày 5/10/2023
Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ về hành động ‘khủng bố nghiêm trọng’ nhắm vào đại sứ quán Cuba
Triều Tiên hôm Chủ Nhật cáo buộc Mỹ đã để cho một hành động “khủng bố” chống lại Cuba diễn ra trên đất Mỹ, đồng thời nói rằng cuộc tấn công gần đây nhằm vào đại sứ quán Cuba ở Washington là kết quả của ý định “chống Cuba” của Mỹ. Mỹ đã lơ là trong việc đảm bảo an toàn cho phái đoàn Cuba và chỉ muốn đưa những quốc gia bất hảo đối với Washington, chẳng hạn như Cuba, vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố. Một kẻ tấn công đã tấn công đại sứ quán vào ngày 24 tháng 9 bằng hai ly cocktail Molotov. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹlên án mạnh mẽ vụ tấn công và các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹsẽ điều tra.
Xem thêm tại: Reuters, North Korea blames US for ‘grave terrorist’ act against Cuban embassy. Truy cập ngày 2/10/2023
Chuyên mục Phân tích:
Các cuộc không kích của Ukraine ở Nga liệu có hiệu quả ?
Ngoài việc sử dụng các cuộc không kích để tấn công lực lượng quân sự Nga trên hoặc gần chiến trường, Ukraine còn tiến hành hơn 100 cuộc tấn công chủ yếu bằng một loạt drone, bên trong lãnh thổ Nga và tại Crimea do Nga chiếm đóng. Dù những cuộc tấn công này cản trở hoạt động chiến tranh của Nga, nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine có lẽ cũng đang tìm cách tạo ra tác động chiến lược hơn, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng các cuộc tấn công cho thấy chiến tranh đang “dần nhắm đến” Nga. Hầu hết các nghiên cứu về việc sử dụng sức mạnh không quân một cách chiến lược đều cảnh báo rằng việc tạo ra tác động lớn đến việc ra quyết định của đối phương chỉ thông qua sức mạnh không quân là rất khó. Các nhà lãnh đạo và công chúng của đối thủ sẽ tập hợp lại để đối mặt với những đợt ném bom, gia tăng ủng hộ chế độ của họ hơn hoặc ít nhất là thấy mình không thể nổi dậy chống lại các chính phủ hùng mạnh, và những chiến dịch này có thể chuyển hướng các khí tài không quân khỏi chiến trường.
Tuy nhiên, những nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng ném bom chiến lược có thể có một loạt tác động, từ việc chuyển hướng các nguồn lực phòng không khan hiếm đến việc nâng cao tinh thần ở những quốc gia thực hiện ném bom. So với các mũi nhọn cưỡng chế về mặt kinh tế và chiến đấu, các cuộc không kích sâu vào lãnh thổ Nga ít quan trọng hơn – nhưng chúng không phải là không liên quan. Một tác động có thể xảy ra là người Nga trở nên sợ hãi trước các cuộc không kích và quay lưng lại với chính phủ của họ nhưng điều này dường như rất khó xảy ra. Ngoài ra, các cuộc không kích không thường xuyên và chỉ tấn công các khu vực nhỏ của đất nước. Đại đa số người Nga có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ mà hầu như không bị ảnh hưởng. Một mục tiêu thực tế hơn sẽ là tăng cường chiến lược phủ nhận quân sự bằng cách làm cho người dân Nga bình thường và giới tinh hoa Nga thấy rõ rằng họ sẽ không chiến thắng. Điều quan trọng hơn nữa là những cuộc không kích này, ngay cả khi ở mức hạn chế, vẫn có thể khuyến khích sự phản kháng của Ukraine. Cuối cùng, các cuộc không kích có thể buộc Nga phải chuyển hướng nguồn lực để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả những nguồn lực có thể được sử dụng tốt hơn trên chiến trường.
Bất chấp những lợi ích có thể có này, các cuộc không kích cưỡng chế có thể có một số tác động tiêu cực tiềm ẩn. Đầu tiên, rất khó để gửi đi những thông điệp về ý chí, sự đầu hàng hoặc lằn ranh đỏ thông qua việc sử dụng vũ lực. Đối thủ thậm chí có thể leo thang phản ứng. Các cuộc tấn công của Ukraine vào dân thường hoặc cơ sở hạ tầng dân sự có thể củng cố lập luận của Putin rằng người Ukraine là man rợ và vô số hành động tàn bạo của Nga là chính đáng. Chúng thậm chí có thể dẫn đến sự tàn bạo hơn đối với công dân Ukraine vì vào tháng 8, Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone, tuyên bố rằng đó là phản ứng trước cuộc tấn công của Ukraine vào tàu chở dầu của Nga. Đối với Ukraine, rủi ro quan trọng nhất có thể là ngoại giao. Mặc dù một số người ủng hộ các biện pháp trừng phạt và các biện pháp chống Nga khác vẫn kiên quyết, nhưng nhiều người ít quan tâm đến cuộc xung đột và muốn nối lại thương mại với Nga. Việc có thể sử dụng các cuộc đình công của Ukraine như một hình thức sai lầm về sự tương đương về mặt đạo đức có thể cho phép một số chính phủ giảm bớt sự hỗ trợ dành cho Ukraine.
Xem thêm tại: Foreign Policy, Are Ukraine’s Airstrikes in Russia Effective? Truy cập ngày 5/10/2023
Ukraine đã khiến Nga lãng phí đạn dược như thế nào?
Những tiến bộ trong công nghệ tầm nhiệt có thể tiết lộ các mục tiêu mà mắt thường không thể nhìn thấy hoặc làm lộ ra hàng giả dưới dạng hình nộm trong khi drone rẻ tiền cung cấp cho quân đội khả năng giám sát thời gian thực toàn diện, điều này làm phức tạp các phương pháp tiếp cận lâu đời để lắp ráp hoặc thổi phồng các bản sao. Tại một xưởng lắp ráp hình nộm ở Ukraine, các nhân viên phải làm việc bằng cách in hình ảnh vũ khí từ Internet và phân tích cách tái tạo cỗ máy cồng kềnh từ vật liệu nhẹ. Để tiêu chuẩn hóa sản xuất, họ đã tạo ra các khuôn tô bằng ván ép để chạm khắc các bộ phận từ khối xốp. Việc sử dụng các bộ phận nhẹ tạo ra các bộ phận tương đối cơ động mà quân đội có thể nhanh chóng lắp ráp trên chiến trường. Đối với con mắt chưa được huấn luyện, một khẩu lựu pháo mồi hoàn chỉnh trông giống hệt như những khẩu pháo được triển khai trên mặt trận chống lại lực lượng Nga ở Ukraine. Các công nhân của Metinvest cần bốn ngày để tái tạo một khẩu pháo D-20 của Ukraine và hai tuần đối với một khẩu pháo M777 của Mỹ. Mồi nhử tốn nhiều công sức nhất là bộ radar 35D6, phải mất một tháng để sản xuất vì kích thước lớn và nhiều bộ phận. Các sản phẩm bơm hơi của Inflatech, được làm bằng lụa tổng hợp, bao gồm hệ thống phòng không Patriot, bệ phóng tên lửa di động Himars, xe tăng Leopard 2 và hệ thống tên lửa đất đối không SA-8 do Liên Xô thiết kế. Xe tăng Inflatech Leopard có thể gấp lại thành ba lô, dễ dàng mang theo và chỉ mất 10 phút để bơm phồng bằng máy phát điện. Ngày nay, chỉ đánh lừa thị giác và máy ảnh là chưa đủ. Mồi nhử phải bắt chước cách sử dụng. Việc bắn đạn nổ tạo ra nhiều nhiệt đến mức nòng pháo có thể phát sáng nóng đỏ, tạo ra tín hiệu hồng ngoại mà các cảm biến chuyên dụng dễ dàng phát hiện. Các công nhân của Metinvest phát hiện ra rằng họ có thể bắt chước hiệu ứng này bằng cách kích hoạt bom khói, thường được sử dụng trong kiểm soát dịch hại nông nghiệp, bên trong thùng mồi nhử.
Xem thêm tại: WSJ, How Ukraine Tricks Russia Into Wasting Ammunition. Truy cập ngày 2/10/2023
Quân đội Mỹ nên học gì từ Ukraine?
Bài học bao quát từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine đơn giản chỉ là quy mô của những gì cần có để tiến hành một cuộc chiến tranh giữa các quốc gia hiện đại. Không có quân đội phương Tây nào chuẩn bị cho mức độ tiêu thụ vũ khí và đạn dược cũng như sự tiêu hao lực lượng như vậy. Không có đồng minh nào của NATO ngày nay – ngoại trừ Mỹ – có kho dự trữ đạn dược có thể tồn tại lâu nhất là vài tuần hoặc vài tháng trên các chiến trường như Ukraine. Cuộc chiến này đã làm nổi bật vai trò trung tâm lâu dài của lực lượng quần chúng trong chiến tranh thông thường hiện đại với một đối thủ gần ngang hàng. Ngoài ra, nó cũng cho thấy cái giá phải trả cho nỗi ám ảnh về khả năng tấn công chính xác đã thống trị văn hóa mua sắm quốc phòng của Mỹ trong những năm gần đây.
Cuộc chiến này đã làm nổi bật một sự thật lâu dài trong chiến tranh: Trong một cuộc xung đột, số đông sẽ lấn át độ chính xác. Tác động của số lượng là ngay lập tức trong khi các cuộc tấn công chính xác vào lực lượng địch tập trung ở phía sau, vào kho đạn hoặc vào chuỗi hậu cần sẽ chỉ được ghi nhận theo thời gian, có lẽ sau khi đã đạt được quyết định trên chiến trường. Cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục cho thấy rằng quân đội của một nước cần có số lượng lớn để chống lại số lượng lớn của đối thủ – một thực tế gần như không tồn tại trong suy nghĩ của Mỹ về bản chất của chiến tranh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong khi công nghệ mang lại lợi thế cho các lực lượng phương Tây, lợi thế đó sẽ chỉ tiến xa khi đối đầu với số lượng lớn. Nếu NATO kết thúc cuộc chiến với Nga hoặc nếu Mỹ và các đồng minh ở châu Á kết thúc cuộc chiến với Trung Quốc, thì yếu tố quyết định có thể là nhân lực và độ co giãn sản xuất khi nói đến vũ khí và đạn dược. Liên minh sẽ cần bù đắp tổn thất nhanh hơn đối thủ của mình, vốn có khả năng sản xuất các hệ thống đơn giản hơn và rẻ hơn.
Nguyên tắc khối lượng cũng áp dụng cho con người. Mỹvà các đồng minh cũng nên đặt câu hỏi liệu mô hình hiện tại có phù hợp để tạo ra những đội quân thường trực lớn cần thiết nếu họ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh thông thường lớn với Nga hoặc Trung Quốc, hoặc cả hai. Đây là một lý do nữa khiến việc đưa Ukraine gia nhập NATO không chỉ nhằm tái khẳng định các giá trị cốt lõi mà Liên minh được xây dựng dựa trên đó. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là về các nguyên tắc cơ bản về sức mạnh và số lượng cần thiết để xây dựng một thế trận răn đe hiệu quả chống lại sự xâm lược của Nga trong tương lai. Mỹ nên bắt đầu bằng cách đóng quân lâu dài với tối thiểu ba Lữ đoàn—hai ở Ba Lan, một Lữ khác ở các nước vùng Baltic—trong khi tiếp tục cung cấp chiếc ô hạt nhân và các phương tiện hỗ trợ cao cấp. Khi đó, người Scandinavi, người Phần Lan, người Baltic và người Romania thể hoàn thiện bức tường thép, trong khi các đồng minh ở xa hơn về phía tây, đặc biệt là Đức, có thể cung cấp chiều sâu và khả năng chống chịu cần thiết.
Xem thêm tại: Atlantic Council, What the US military should learn from Ukraine? Truy cập ngày 4/10/2023
Những nước phương Tây nào có lực lượng nước ngoài ở Tây Phi?
Niger, một đồng minh chủ chốt của các nước phương Tây chống lại các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Sahel, là nơi đóng quân của một số lực lượng nước ngoài. Con số này đã tăng lên trong hai năm qua sau các cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso, khiến mối quan hệ giữa hai nước và các đối tác phương Tây trở nên căng thẳng. Trước đây, Pháp có 1.500 quân ở Niger, với sự hỗ trợ của drone và máy bay chiến đấu. Nước này có quân chống nổi dậy ở Tây Phi trong một thập kỷ nhưng đã chuyển sang Niger để rú lui phần lớn lực lượng sau các cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso vào năm 2021 và 2022. Chính quyền đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum của Niger vào ngày 26 tháng 7 đã thu hồi một loạt thỏa thuận quân sự với Pháp. Nước này vẫn duy trì các căn cứ quân sự Chad (1.000 quân), Bờ Biển Ngà (900 quân), Senegal (350 quân), Gabon (400 quân). Kế đến, Có khoảng 1.100 lính Mỹ ở Niger, nơi quân đội Mỹ hoạt động từ hai căn cứ. Năm 2017, chính phủ Niger đã phê duyệt việc sử dụng drone có vũ trang của Mỹ để nhắm vào phiến quân. Đại sứ quán Mỹ tại Niamey vào năm 2021 cho biết Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đã cung cấp cho Niger hơn 500 triệu USD trang thiết bị và đào tạo kể từ năm 2012. Ngoài ra, tính đến ngày 20 tháng 9, Đức cho biết 887 binh sĩ vẫn ở Mali, bao gồm 755 người ở thị trấn Gao phía bắc và những người khác ở thủ đô Bamako. Khoảng 110 lính Đức đang ở thủ đô Niamey của Niger. Theo Bộ Quốc phòng nước này, Ý có khoảng 300 binh sĩ ở Niger trước cuộc đảo chính. Vào ngày 6 tháng 8, Bộ Quốc phòng Ý cho biết 65 binh sĩ Ý đã rời Niger bằng máy bay quân sự khi nước này tìm cách nhường chỗ trong căn cứ quân sự của mình cho dân thường có thể cần được bảo vệ. Điều đó khiến khoảng 250 binh sĩ được triển khai cho các nhiệm vụ chống nổi dậy và huấn luyện quân sự vẫn ở lại Niger. EU có 50-100 quân cho sứ mệnh huấn luyện quân sự kéo dài ba năm được thành lập ở Niger vào tháng 12 để giúp nước này cải thiện cơ sở hạ tầng và hậu cần.
Xem thêm tại: Reuters, Which Western countries have foreign forces in West Africa? Truy cập ngày 26/9/2023
Trung Quốc trau dồi chiến lược phong tỏa Đài Loan như thế nào?
Các cuộc tập trận ngày càng thường xuyên của PLA xung quanh Đài Loan, đặc biệt là các đợt triển khai tầm xa ở Thái Bình Dương, cho thấy Bắc Kinh đang hoàn thiện chiến lược nhằm tách hòn đảo này khỏi thế giới bên ngoài và giữ khoảng cách với các đối tác quân sự tiềm năng của Đài Bắc. Một số hệ thống phòng không ven biển của Trung Quốc đã có thể tiếp cận eo biển Đài Loan, trong khi máy bay cảnh báo và điều khiển sớm KJ-500 của Không quân PLA (phiên bản AWACS của Trung Quốc) và Type 052C/D của Hải quân PLA (phiên bản tàu khu trục Aegis của Trung Quốc) có khả năng thiết lập vùng cấm bay gần bờ biển phía đông Đài Loan để ngăn chặn các máy bay khác bay vào. Nhưng ngay cả với khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, một số quan chức ở Washington cho rằng việc phong tỏa cuối cùng sẽ thất bại, vì nó sẽ cho liên minh do Mỹ dẫn đầu có thời gian xây dựng đủ lực lượng để chống lại một động thái như vậy. Mặc dù cho Mỹ và các nước khác có thời gian để phản ứng chắc chắn là nhược điểm chính của lệnh phong tỏa theo quan điểm của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn có lợi thế về khoảng cách gần, mang lại cho nước này một loạt lựa chọn để cố gắng ngăn chặn nguồn cung cấp đến, ngay cả trong một cuộc xung đột kéo dài. Chính xác hơn, các chuyên gia lập luận rằng mặc dù các lực lượng do Đài Loan và Mỹ dẫn đầu cuối cùng có thể đánh bại Hải quân PLA và những nỗ lực của lực lượng này nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển hàng hải ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan, nhưng họ vẫn có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tế cho hòn đảo này. Điều này là do các quân chủng khác của PLA, bao gồm cả lực lượng không quân và tên lửa, vẫn có thể tấn công bất kỳ máy bay hoặc tàu nào cố gắng tiếp cận hòn đảo và khiến tất cả các cảng và bãi đáp có thể bị bắn phá liên tục.
Việc phong tỏa Đài Loan có thể diễn ra chính xác như thế nào và nguồn lực nào sẽ được sử dụng để thực thi lệnh phong tỏa đó cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các mục tiêu chính trị và chiến lược của Bắc Kinh. Một khả năng là Trung Quốc sẽ tiến hành một “cuộc phong tỏa nhẹ nhàng hoặc có giới hạn” cho phép nước này kiểm soát không gian trên không và trên biển xung quanh Đài Loan bằng cách sử dụng các lực lượng mà nước này đã triển khai phần lớn đến khu vực này, bao gồm cả lực lượng bán quân sự. Người Trung Quốc cũng có thể tiến hành một cuộc phong tỏa như một màn dạo đầu cho một cuộc xâm lược, trong nỗ lực giành được ưu thế một phần trên các lĩnh vực trên không, trên biển và thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổ bộ tiếp theo. Cách hành động thứ ba có thể là từ bỏ cuộc xâm lược và áp đặt biện pháp phong tỏa chặt chẽ nhất có thể để cắt đứt Đài Loan cho đến khi nước này khuất phục hoặc sụp đổ, nhằm thử thách khả năng phục hồi và sức chịu đựng của gần 24 triệu cư dân trên hòn đảo.
Xem thêm tại: Japan Times, As invasion fears rise, China hones Taiwan blockade strategy. Truy cập ngày 4/10/2023
ASEAN nên tận dụng tập trận chung để đoàn kết hơn
Quân đội từ khắp ASEAN gần đây đã tập trung ở Biển Đông để tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên. Việc thể hiện tình đoàn kết có ý nghĩa rất lớn vào thời điểm Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa khu vực và tích cực mở rộng các hoạt động hàng hải ở đó. ASEAN đã không thành công trong nỗ lực xây dựng lập trường thống nhất về các vấn đề như cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn có thể tăng cường sự gắn kết của khối và mở đường cho nhóm đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định khu vực. 11 quốc gia đã tham gia Cuộc tập trận Đoàn kết ASEAN kéo dài 5 ngày, kéo dài đến ngày 23 tháng 9. Những người tham gia bao gồm Đông Timor, dự kiến sẽ trở thành thành viên mới nhất của khối. ASEAN dường như đã nỗ lực tránh khiêu khích Trung Quốc khi tiến hành cuộc tập trận chung. Các hoạt động ban đầu dự kiến diễn ra ở Biển Bắc Natuna gần đường chín đoạn, nhưng địa điểm cuối cùng được đổi thành Biển Nam Natuna, xa hơn một chút. Ngoài ra, cuộc tập trận ít tập trung vào các vấn đề quân sự mà tập trung nhiều hơn vào các hoạt động tuần tra hàng hải và tìm kiếm cứu nạn. Bất chấp sự điều độ rõ ràng như vậy, cuộc tập trận vẫn là một thành tựu lớn, đặc biệt khi các quốc gia thành viên được coi là thân Bắc Kinh, chẳng hạn như Campuchia, cũng tham gia. ASEAN cam kết tạo ra “ba cộng đồng” trong khối: kinh tế, chính trị và an ninh và văn hóa xã hội. Hội nhập kinh tế là ưu tiên hàng đầu, nhưng tầm quan trọng của sự thống nhất về chính trị và an ninh – vốn chưa đạt được nhiều tiến bộ – ngày càng gia tăng khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Cuộc tập trận chung đầu tiên này có thể trở thành động lực thúc đẩy các mối quan hệ thậm chí còn chặt chẽ hơn.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, ASEAN should harness joint exercise for greater unity. Truy cập ngày 5/10/2023
https://nghiencuuquocte.org/2023/10/06
Không có nhận xét nào