Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông : Việt Nam có chịu "nhượng" chủ quyền để cùng Philippines chống Trung Quốc ?

    Thu Hằng /RFI

    02/10/2023

    Philippines muốn đạt được một thỏa thuận với Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác hàng hải ở Biển Đông. Đích thân tổng thống Marcos Jr. bày tỏ mong muốn này ngày 10/08/2023 trong buổi hội đàm chia tay với đại sứ Việt Nam mãn nhiệm Hoàng Huy Chung. Mục tiêu sâu xa là đoàn kết để đối phó với đối thủ mạnh hơn là Trung Quốc. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy có thể sẽ kéo theo những vấn đề chủ quyền chồng lấn giữa hai nước trong vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. 

    Bản đồ về các vùng tranh chấp chủ quyền chồng chéo của các nước ở Biển Đông.

    Bản đồ về các vùng tranh chấp chủ quyền chồng chéo của các nước ở Biển Đông. © RFI 

    Quảng cáo 

    Nhiều chuyên gia nước ngoài từng gợi ý rằng Việt Nam, Philippines, Malaysia - ba nước chính có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - nên ngồi lại đàm phán với nhau để hình thành một mặt trận chung, mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc.

    Tuy nhiên, liệu Hà Nội có sẵn sàng xem lại những đòi hỏi chủ quyền không ? Những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam có phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ? Việt Nam được lợi gì khi tăng cường hợp tác hàng hải với Philippines ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon), Pháp.

    RFI : Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, chồng lấn với một số đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Trước hết, xin ông giải thích Việt Nam và Philippines tranh chấp những gì ở Biển Đông ? Hai nước này có tranh chấp gì với bên thứ ba ? 

    Laurent Gédéon : Trước tiên cần xác định được là chúng ta đang bàn về điều gì khi nhắc đến Biển Đông, đặc biệt là về quần đảo Trường Sa. Đó là một quần đảo với nhiều bãi đá ngầm mà về nguyên tắc là không phù hợp với một đời sống tự túc tại đây. Sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền với toàn bộ hoặc một phần quần đảo, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia. Để khẳng định chủ quyền, những nước này đưa quân đội đến đồn trú tại một hoặc nhiều đảo, trừ Brunei.

    Nước đòi chủ quyền nhiều nhất là Trung Quốc với “đường 9 đoạn”, khiến quốc gia này thành đối thủ với 5 nước còn lại. Việt Nam cũng tương tự, đòi chủ quyền với toàn bộ quần đảo, giống như Đài Loan. Nhìn chung ba nước khác tuyên bố chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.

    Liên quan đến Việt Nam và Philippines, cả hai nước cùng đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa nhưng với quy mô khác nhau. Như đã nói, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Những tuyên bố này được thể hiện trong các bản đồ chính thức hoặc không chính thức được xuất bản trong nước và thông qua những tuyên bố thường xuyên của các lãnh đạo chính trị.

    Phía Philippines chỉ đòi hỏi chủ quyền đối với những hòn đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tình trạng này tạo ra sự chồng chéo về tham vọng của Hà Nội và Manila. Và các yêu sách chồng chéo này tạo ra sự cạnh tranh giữa hai nước.

    RFI : Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (PCA) áp dụng được như nào đối với những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ? 

    Laurent Gédéon : Để hiểu phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye liên quan như nào đến Việt Nam, cần phải nhắc lại là Hà Nội khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chủ yếu dựa trên những lập luận lịch sử, trong đó có kiến ​​thức cổ xưa khẳng định sự tồn tại của hai quần đảo này là do ngư dân Việt Nam thường xuyên lui tới.

    Tuy nhiên, nếu như Việt Nam có thể chứng minh được rằng quần đảo Hoàng Sa được hoàng đế Gia Long trực tiếp quản lý vào năm 1816, sau đó được hoàng đế Minh Mạng xác nhận vào năm 1833 thì đối với quần đảo Trường Sa lại khó hơn. Cần nhớ rằng Pháp tuyên bố quần đảo Trường Sa là “vùng đất vô danh” (terra nullius) vào tháng 09/1930 khi chiếm hữu chúng và sau này mới trao lại cho chính quyền Việt Nam.

    Ngoài ra, còn có một điểm khác cần nêu lên trước khi đề cập đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam, đó là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016 chú ý đến hai điểm rất quan trọng.

    Thứ nhất, Tòa nhấn mạnh đến tính vô hiệu các quyền lịch sử. Tòa cho rằng kể cả Trung Quốc cũng khẳng định có các quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông nhưng các quyền này đã bị vô hiệu vì chúng không phù hợp với các vùng đặc quyền kinh tế được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982, còn gọi là công ước Montego Bay). Như vậy, rõ ràng là tòa đã vô hiệu hóa về mặt pháp lý “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh.

    Điểm quan trọng thứ hai trong phán quyết, đó là không công nhận các đá ngầm là đảo. Điều 121 của UNCLOS khẳng định “những đá ngầmkhông thích hợp cho con người tựsinh sống hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Khi viện dẫn điều này, Tòa Trọng Tài đã nêu rõ rằng “những cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý trong khi cấu trúc chìm khi thủy triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy”.

    Nói một cách khác, một đá ngầm với các điều kiện tự nhiên của chúng không thể trở thành một đá và càng không thể được coi là đảo theo luật pháp quốc tế. Điều này áp dụng đối với cả trường hợp Trung Quốc đã bồi đắp để một số thực thể ngầm nổi lên mặt nước. Chỉ tình trạng tự nhiên ban đầu mới có giá trị về luật. Nhìn từ lập trường của Tòa, những công trình bồi đắp do Bắc Kinh tiến hành ở Biển Đông không tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và càng không thể có thềm lục địa quanh những hòn đảo nhân tạo này. Tóm lại, theo Tòa Trọng Tài Thường Trực, chỉ có những vùng đặc quyền do bờ biển của các nước tạo ra là hợp pháp.

    Tuy nhiên, phán quyết của Tòa lại đặt ra vài vấn đề cho Việt Nam. Thứ nhất về các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), bởi vì khác với Trung Quốc, Việt Nam không phản đối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực liên quan đến Biển Đông. Việt Nam công nhận tính hợp lệ của vùng đặc quyền kinh tế và tuyên bố quyền kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế của mình. Chúng ta nhớ rằng Hà Nội đã kịch liệt phản đối bất kỳ hành động thăm dò nào của tàu Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như trường hợp của tầu Hải Dương 8 vào tháng 07/2019. Hệ quả là Việt Nam khó có thể phản đối Manila kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cho dù bao gồm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

    Khó khăn thứ hai liên quan đến các đảo. Giả sử có một điều lệ cho phép Việt Nam giữ chủ quyền đối với các đảo ở quần đảo Trường Sa, phán quyết của Tòa cũng quy định rằng việc đó sẽ không bao giờ tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Điều này sẽ hạn chế khả năng tận dụng lợi thế của Việt Nam.

    Khó khăn thứ ba liên quan đến tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Vì lập luận của Việt Nam tương tự với Trung Quốc, có nghĩa là những bằng chứng lịch sử, nên giả sử Hà Nội viện đến Tòa Trọng Tài Thường Trực thì Tòa cũng sẽ không ra phán quyết có lợi cho họ. Điều này khiến Việt Nam rơi vào tình trạng bế tắc pháp lý. Cho nên nếu muốn duy trì yêu sách và được luật pháp quốc tế công nhận, Việt Nam sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét lại lập luận của mình để đưa ra những yếu tố mới được chấp nhận về mặt pháp lý.

    RFI : Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam sẵn sàng « nhân nhượng » phần nào với Philippines ? 

    Laurent Gédéon : Về yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa có lẽ Việt Nam phải đàm phán trực tiếp với Trung Quốc trong bối cảnh cán cân vô cùng bất lợi cho Việt Nam, song đòi hỏi chủ quyền của Hà Nội đối với quần đảo Trường Sa còn phức tạp hơn nhiều, do nhiều yếu tố : Khó lập được mối liên hệ lịch sử rõ ràng của Việt Nam với Trường Sa, có nhiều nhân tố liên quan, khoảng cách địa lý không đều giữa các quốc gia với quần đảo không hẳn có lợi cho những nước nằm ở xa nhất, như trường hợp Việt Nam.

    Nếu bám vào khuôn khổ pháp lý mà chúng ta đã đề cập thì Việt Nam khó có thể bỏ qua đàm phán với Philippines. Nếu các cuộc đàm phán như vậy diễn ra một ngày nào đó, rất có khả năng là chúng sẽ dẫn đến việc chia sẻ các vùng chủ quyền. Thực vậy, Việt Nam khó có thể phản đối giá trị pháp lý của những tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trừ khi đi ngược lại với luật pháp quốc tế - điều mà Hà Nội vẫn dựa vào đó để khẳng định vùng đặc quyền kinh tế mình, như chúng ta đã đề cập ở trên.

    Ngoài ra còn phải bổ sung thêm một điểm quan trọng về địa-chính trị. Chúng ta thấy từ vài năm nay, căng thẳng gia tăng thường xuyên ở khu vực Đài Loan. Hoa Kỳ gia tăng ủng hộ hòn đảo, đồng thời củng cố các thỏa thuận quân sự với Manila, cho phép Mỹ tiếp cận 9 căn cứ của Philippines. Trước tình hình đó, Trung Quốc liên tục nỗ lực cải thiện năng lực quân sự và thường xuyên đe dọa can thiệp vũ trang vào Đài Loan. Đến lúc nào đó, tình hình ngày càng căng thẳng này có thể sẽ dẫn tới xung đột.

    Trong trường hợp xảy ra xung đột Đài Loan, nếu như không có gì cho thấy Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp thì Philippines gần như chắc chắn sẽ có liên quan trực tiếp. Giả sử cuộc xung đột này khiến Trung Quốc yếu đi, Philippines có thể được lợi từ việc sát cánh với Hoa Kỳ, có nghĩa là Washington sẽ ủng hộ về ngoại giao đối với các yêu cầu chủ quyền của Manila. Điều này có thể sẽ xảy ra ngay cả khi lập trường chính thức của Hoa Kỳ là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền quần đảo. Do đó có thể thấy lợi ích của một thỏa thuận sớm giữa Philippines và Việt Nam vì nếu không, vị thế cũng lợi ích của Việt Nam có thể bị suy yếu trong trường hợp xảy ra xung đột.

    RFI : Một thỏa thuận như vậy có thể coi là bí mật quốc gia, như Việt Nam và Trung Quốc - hai nước có hệ thống chính trị tương đồng, đã áp dụng. Tuy nhiên với Philippines thì lại khác, thỏa thuận có thể được công bố. Trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ phải vận động người dân như thế nào trong khi Hà Nội luôn khẳng định chủ quyền đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa ?

    Laurent Gédéon : Theo tôi, khó hình dung ra được là có thể giữ bí mật một thỏa thuận như vậy nếu xét tới bối cảnh chính trị - xã hội rất khác nhau giữa Việt Nam và Philippines. Tôi nghĩ là nếu có một thỏa thuận như vậy, chính quyền Việt Nam cần giảng giải cho người dân bằng cách nhấn mạnh đến việc phân chia các vùng chủ quyền sẽ không gây tổn hại đến lợi ích kinh tế và chiến lược của đất nước và sẽ tạo ra những lợi thế vồn không thể có được trong cảnh bế tắc.

    Ngoài ra, không có gì cấm hình dung rằng một thỏa thuận chính thức về việc phân chia chủ quyền có thể được bổ sung thêm các thỏa thuận khác cho phép hai nước sử dụng chung một số nguồn tài nguyên. Nếu mối quan hệ giữa Hà Nội và Manila là đáng tin cậy thì điều này có thể thực hiện được và sẽ cho phép dư luận Việt Nam hiểu rõ hơn về lợi ích của một cuộc đàm phán như vậy.

    Đó là sự đảo ngược hoàn toàn những phát biểu hiện nay, mà theo tôi, để làm được việc này đòi hỏi quyết tâm chính trị rõ ràng và cần một quá trình chuẩn bị trước kỹ lưỡng, lâu dài bởi vì dư luận Việt Nam sẽ phải mất vài năm để quen với cách nhìn nhận khác về quần đảo Trường Sa cùng với những thách thức liên quan đến chủ quyền Trường Sa. Nhưng tôi nghĩ là điều này có thể sẽ thuận lợi bởi lập trường của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, ngược lại sẽ không thay đổi.

    RFI : Các cuộc tập trận gần đây giữa Philippines và các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc ở Biển Đông nhằm thể hiện cứng rắn trước những hành động quấy rối và yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này cũng có tác động phần nào đến Việt Nam, một bên có tranh chấp chủ quyền ở trong vùng ?

    Laurent Gédéon : Đúng vậy, những sự kiện này có tác động rõ ràng đối với Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ tìm cách tập hợp các nước trong vùng phản đối những yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trong một cấu trúc an ninh do Washington điều hành. Nhưng cho đến giờ, Hà Nội vẫn không muốn tham gia một cơ chế như vậy. Nhưng trên bình diện địa-chính trị, hoàn toàn có thể tự hỏi là Hà Nội sẽ được gì khi xích lại gần với Hoa Kỳ trong trường hợp Mỹ-Trung xảy ra xung đột.

    Đây là một ván cược. Việc đặt cược vào thắt chặt quan hệ chiến lược Mỹ-Việt rõ ràng là đầy gay góc với Hà Nội với hai khả năng có thể xảy ra. Trường hợp thứ nhất, Trung Quốc ra khỏi xung đột ở thế mạnh. Trong giả thuyết này, nếu sát cánh quá lộ liễu với Washington, Việt Nam có nguy cơ phải trả giá, nhất là về kinh tế - lĩnh vực vốn kết nối chặt chẽ hai nước.

    Ở giả thuyết thứ hai, Trung Quốc thoát khỏi xung đột trên thế yếu. Trong trường hợp này, Việt Nam có thể được lợi từ cuộc xung đột, kể cả đối quần đảo Hoàng Sa. Còn đối với quần đảo Trường Sa, Hà Nội vẫn không thể không đàm phán với Manila. Nhưng cuộc đàm phán này có thể sẽ cân bằng hơn và Hoa Kỳ có thể sẽ đóng vai trò trọng tài hơn là ủng hộ Manila. Do đó, theo tôi, Hà Nội sẽ phải tính toán tỉ lệ thiệt/hơn khi sát cánh với Washington.

    Tóm lại, dù là với bất kỳ kịch bản nào, chính sách thận trọng và giữ khoảng cách của Hà Nội, hợp lý trong bối cảnh hiện tại, có lẽ sẽ phản tác dụng trong trường hợp nổ ra xung đột và có điều chỉnh lớn về cân bằng địa chính trị trong vùng.

    Điều gần như chắc chắn là hiện nay, căn cứ vào lập trường bất di bất dịch của Bắc Kinh về Biển Đông và nhìn vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, Việt Nam có lẽ không có cơ hội nào giành lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua việc đàm phán với nước láng giềng và trong mọi trường hợp sẽ rơi vào thế yếu trước Philippines về Trường Sa nếu như không có đàm phán trước với Manila hoặc xích lại gần với Washington.

    Do đó, chừng nào những vấn đề này được Hà Nội coi là một thách thức quan trọng, tôi cho rằng việc cần điều chỉnh các trục ngoại giao của Việt Nam có lẽ việc cần thiết để nâng cao vị thế và những tuyến bố chủ quyền của Việt Nam trong trung hạn.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon. 

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào