Trần Phương/ Tạp chí Luật Khoa
21/9/2023
Báo chí cho rằng cơ quan điều tra còn không xác định được chính xác hiện trường gây án.
Vào tối 21/3/2005, bé gái 14 tuổi tên là Hoàng Thị Loan ở thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa mất tích. Đến 13 giờ hôm sau, người ta tìm thấy em đã bị giết, nằm chết trên bờ sông ở xã lân cận.
Đúng 30 ngày sau, công an bắt giữ một người cùng thôn với em tên là Lê Văn Mạnh (23 tuổi), cũng là người tham gia tìm kiếm em vào tháng trước. Anh vừa có đứa con thứ hai mới sinh.
Đó là tất cả những gì bạn có thể chắc chắn là sự thật của vụ án. Những chi tiết còn lại đều không có gì là chắc chắn cho bản án tử hình của Mạnh trong 18 năm qua.
Án tử hình chỉ dựa trên lời nhận tội
Điều đáng nghi đầu tiên của vụ án này là toàn bộ căn cứ để buộc tội Mạnh chỉ dựa trên một bằng chứng duy nhất: lời khai nhận tội của anh, trong đó có những lời khai không chính thức.
Công an cho rằng Lê Văn Mạnh sau ba ngày bị giam giữ đã “viết trộm” thư gửi về cho bố để thú nhận việc anh đã giết em Loan, và nhờ bố đến xin lỗi và nói với gia đình Loan làm đơn xin giảm nhẹ tội cho anh. [1]
Vì sao một nghi phạm vừa mới bị bắt giữ lại có thể dễ dàng viết thư gửi về cho gia đình? Đây là điều rất đáng nghi ngờ đối với thực tế điều tra hình sự tại Việt Nam.
Vào năm 2019, trong một vụ án oan về cướp giật tài sản ở tỉnh Cà Mau vào năm 2019, công an đã ép một nghi phạm 16 tuổi gọi điện thoại về gia đình khi đang bị lấy cung vào lúc nửa đêm để nói lời xin lỗi. Cuộc điện thoại này bị công an ghi âm lại và được xem là bằng chứng nhận tội. [2]
Mạnh đã bị đưa đi giam giữ cùng các phạm nhân khác khi anh vừa mới bị bắt, trong khi anh mới chỉ là nghi phạm. Những phạm nhân này sau đó khai rằng Mạnh đã kể lại việc anh hiếp dâm và giết người cho họ nghe. Còn Mạnh thì khai rằng anh đã bị các phạm nhân này đánh đập rồi lấy giấy bút ra ép anh phải viết thư nhận tội.
Vì sao Mạnh lại khai với các phạm nhân khác rằng anh đã hiếp dâm, giết người để làm gì? Nếu Mạnh thực sự là kẻ giết hại Loan và muốn thoát tội thì rõ ràng khai ra một điều như vậy sẽ hại chính anh.
Sử dụng người bị giam cùng buồng để làm chứng cho việc khai nhận tội của nghi phạm là một việc thường được sử dụng. Cảnh sát có thể hứa hẹn quyền lợi dành cho người tố cáo. Người tố cáo khi đó có thể sẽ dùng mọi cách để ép nghi phạm ấy phải nhận tội, bao gồm cả việc đánh đập.
Lời khai nhận tội khớp với căn cứ pháp y nhưng không có bằng chứng
Đã bao giờ bạn nghi ngờ một ai đó đã làm việc gì và cố gắng đưa họ vào giả thuyết của bạn chưa? Giả thuyết của bạn sẽ càng đúng hơn khi có thêm các yếu tố như nhân chứng, vật chứng, động cơ cho việc đó. Ngược lại, giả thuyết của bạn sẽ càng sai sót, có khi trái ngược hoàn toàn với thực tế.
Cách thức này có lẽ đã được áp dụng trong vụ án của Mạnh. Sau khi Mạnh bị bắt vì một vụ án khác, công an đã nhắm luôn anh chỉ là thủ phạm cho vụ án giết người mà họ đang điều tra.
Bản án sơ thẩm năm 2008 đã kết án tử hình Mạnh một cách đơn giản rằng lời khai của anh phù hợp với nhân chứng, kết quả khám nghiệm tử thi và hiện trường vụ án. Nhưng vật chứng mà cơ quan thu giữ được chỉ có hai cái quần lót, hai áo sơ mi cũ.
Báo chí khi ấy cho rằng cơ quan điều tra còn không xác định được chính xác hiện trường gây án đầu tiên ở đâu, không xác định được Loan bị giết chết do nguyên nhân gì? Cháu Loan bị giám định là đã bị hiếp dâm nhưng Mạnh thì khai không thực hiện việc này. [3]
Lời khai nhận tội của Mạnh đã bị chính anh bác bỏ trước tòa. Anh khẳng định mình đã bị công an ép cung, tra tấn nên phải nhận tội.
Việc xét xử Lê Văn Mạnh không hề diễn ra suôn sẻ. Anh bị xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đến hai lần, rồi Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị giám đốc thẩm nhằm hủy bỏ hai bản án này. Bản kháng nghị giám đốc thẩm đã cho rằng cơ quan điều tra mắc nhiều sai sót, mâu thuẫn và chưa có cơ sở vững chức để kết tội Lê Văn Mạnh.
Tuy nhiên, Mạnh vẫn bị tuyên y án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ ba cùng trong năm 2008.
Nhân thân không tốt không có nghĩa là kẻ giết người
Trong quá trình điều tra, cả những vụ án mạng lẫn các vụ án khác, công an thường nhắm đến những người có nhân thân không tốt, có tiền án để điều tra.
Một phần, điều này sẽ củng cố tính hợp lý của việc bắt giữ nghi phạm. Công chúng thường tin rằng một người nhân thân xấu như từng trộm cướp dễ dàng làm việc xấu xa, bao gồm cả giết người.
Trên thực tế cách khoanh vùng đối tượng tình nghi này có lẽ không phù hợp với thực tế các vụ án mạng tại Việt Nam.
Khi bạn quan sát các vụ án mạng đã rõ hung thủ, đặc biệt là các vụ án mạng nghiêm trọng, bạn sẽ thấy rằng nhân thân của phần lớn hung thủ là bình thường, chưa có tiền án.
Trong vụ án của Nguyễn Văn Chưởng tại thành phố Hải Phòng, công an đã công bố với báo chí là Chưởng “nghiện ma túy” và “giết người để lấy tiền đi mua ma túy”. Tuy nhiên, Chưởng khẳng định anh chưa bao giờ sử dụng ma túy.
Cơ quan công an đã nói với báo chí rằng Mạnh bị bắt ban đầu không phải vì tội hiếp dâm và giết hại em Loan. Anh bị bắt theo lệnh truy nã vì tội tham gia cướp một chiếc xe máy tại tỉnh Đồng Nai.
Trái ngược với thông tin này, trong một bức thư kêu oan, Mạnh đã cho rằng anh bị bắt không phải vì tội cướp xe máy ở Đồng Nai, mà là vì tội giết hại em Loan. Theo anh, sở dĩ công an phải nói anh bị bắt vì tội cướp xe máy là do họ hoàn toàn không có chứng cứ nào hợp lý để bắt giữ anh. Mạnh cho rằng họ cố tình bắt giữ và tìm cách chứng minh anh giết hại em Loan bằng mọi cách.
Vụ án cướp tài sản còn được gộp lại để xét xử chung với vụ án mạng, có lẽ nhằm tăng thêm tính hợp lý của việc bắt giữ và tính tính thuyết phục cho một bản án tử hình đầy những suy đoán thiếu chứng cứ.
Mặt khác, nếu Mạnh đã tham gia cướp xe máy tại tỉnh Đồng Nai, và vì sợ bị bắt nên đã trốn về quê nhà, lẽ nào anh lại cố tính gây thêm một tội ác còn dã man hơn tội cướp tài sản.
Lê Văn Mạnh đã sống với bản án tử hình 18 năm. Anh chia sẻ: “Sống trên đời, chết không phải là điều đáng sợ nhất mà đó là phải sống trong sự chờ chết [...]”. Và càng khủng khiếp hơn nữa khi anh có thể sẽ bị tuyên án tử hình trong những ngày sắp tới, cho một tội ác mà rất có thể anh không gây ra.
https://www.luatkhoa.com/2023/09
Không có nhận xét nào