(Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)
Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:
PHẦN I: GIẢI PHÓNG (Những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)
PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (Những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)
PHẦN III: ĐỔI MỚI (Những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)
PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (Xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)
PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)
PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)
PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương.
(Thung lũng Liên-Sơn, 30-04-2023)
VĨNH LIÊM
-------------------
PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Kỳ 9
54. PARIS ĐÈN VÀNG
(Hình minh họa từ Internet)
Paris hỡi! Chiều nay tôi đã tới,
Giọt mưa buồn lất phất phủ đôi vai.
Tay hành lý, ngoái nhìn sân ga vội,
Sợ em cười tôi chẳng giống một ai.
Khách phương lạ đến đây trong chốc lát,
Viếng thăm em và chiêm ngưỡng dung nhan.
Mùi hương mới, phấn son thơm ngào ngạt,
Tôi đang mơ hay đứng giữa thiên đàng?
Em duyên dáng, tuổi nửa chừng xuân thắm,
Mắt u hoài nhung nhớ thuở vàng son.
Bao thế kỷ, em mơ còn mưới tám,
Như tôi từng lầm tưởng phấn hương thơm.
Trong đêm tối, em Paris kiều diễm,
Ánh đèn vàng khêu gợi phút đam mê.
Tôi ngây ngất trong vòng tay âu yếm,
Thả hồn thơ, mất hút lối quay về.
Cảnh sống thực, đâu phải là ảo tưởng,
Em Paris qua ánh sáng đèn vàng.
Gợi tôi nhớ Saigon xưa… ngất ngưởng,
Những cơn say trên đại lộ thênh thang.
Saigon hỡi! Saigon còn đâu nữa!
Mắt môi em mang vết tích đau thương.
Em không giống Paris lòng bốc lửa,
Ðêm đã tàn, ân ái vẫn còn vương.
Xin chấp nhận môi hôn nồng hơi ấm,
Em Paris thong thả cứ ra về.
Tôi cũng có một mối tình sâu đậm,
Em Saigon mà tôi lỡ đam mê.
Saigon đó, Paris đây cách biệt,
Hai mối tình nhưng chỉ một con tim.
Thôi từ giã! Tình em còn tha thiết,
Hẹn một ngày… tôi sẽ nói yêu em.
(Paris, 15-9-1986)
VĨNH LIÊM
(Nhạc sĩ Linh Vũ đã phổ nhạc)
--------------
55. TÔI SỢ LẮM KHI ĐỌC LỜI CÁO PHÓ
Tôi sợ lắm khi đọc lời Cáo Phó,
Bởi vì tôi không muốn bạn ra đi.
Bạn thân tôi là những bạn cố tri,
Là “chất xám” mà quê mình cần thiết.
Bạn tôi đấy – là anh hùng dũng liệt,
Sau ba mươi [1] mà vẫn cứ gan lì.
“Dân nhà binh” nên chẳng sợ thứ chi.
Dù cho đó là cán binh Cộng sản.
“Bọn Cộng sản thớ gì mà ta ngán?
Nó mánh mung nên tưởng bở vào đây.
Vào đây rồi thì chúng phải phanh thây,
Nghe lời “Bác” nên bây giờ ân hận…” [2]
(Hình minh họa từ Internet)
Bạn tôi đấy, những người hùng Quốc Hận.
Vẫn hiên ngang chịu cùm kẹp đọa đày.
Dù biết rằng anh chẳng có ngày mai,
Nhưng chiến sĩ há lẽ nào nhục chí?
Tôi nễ bạn vì tôi đà ích kỷ,
Ðêm ba mươi tìm cách vượt trùng dương.
Tôi ra đi mà chẳng chút luyến thương,
Vì sợ hãi nên thân mình hèn nhát!
Dù đã được Tự Do nhờ vượt thoát,
Nhưng trong lòng vẫn cảm thấy ăn năn.
Khi tuổi già càng cảm thấy băn khoăn,
Vì thiên hạ không có cùng chí hướng.
Bạn tôi đến bến bờ đầy lý tưởng,
Nhưng sức mòn còn chịu đựng bao lâu?
Nay sức già bạn đã phải qua cầu,
Và tìm đến miền an nhàn Lạc Cảnh.
Ðọc Cáo Phó mà thân nầy ớn lạnh!
Bạn đi rồi thì sẽ tới phiên tôi?
Tôi không tin! Vì yêu mến cuộc đời,
Nên gắng sống cho tới ngày tận thế.
(Thung-lũng Liên-Sơn, 31-12-2010)
VĨNH LIÊM
-------------------
[1] Ngày 30-4-1975: Ngày đau buồn của dân tộc Việt.
[2] Lời của người chiến binh VNCH.
-----------------
56. NỖI LÒNG NĂM MỚI
Lại thêm năm nữa gọi mời!
Thêm ta một tuổi, thêm đời đau thương!
Thêm ta năm nữa ly hương!
Thêm lòng quặn thắt, thêm thương mẹ già!
Ta nhìn ta mãi không ra,
Nỗi sầu càng lớn, xót xa càng nhiều!
Thế mà lòng vẫn còn yêu,
Quê Hương, Tổ Quốc trăm điều lo toan.
Tình yêu còn mỗi lòng son,
Mà đời khô héo vùi chôn tuổi đời.
Phải chăng “vận nước cơ trời”,
Khiến cho chim Việt phải rời cành Nam?
Ðời còn gì nữa mà ham!
Công danh, sự nghiệp… thêm giam hãm người!
Bây giờ cuộc sống nổi trôi,
Cuốn theo vận nước, cuối đời lưu vong.
Lại thêm năm nữa đau lòng!
Bước ra thơ thẩn, vào trong thẫn thờ!
(Hình minh họa từ Internet)
Ô hay! Sự thế không ngờ!
Lệch đi một bước, sa cơ cuộc đời.
Bây giờ năm mới gọi mời,
Bâng khuâng suy nghĩ, ít lời nhủ ta.
Xa dần cái cảnh phồn hoa,
Trở về nếp sống ông cha lưu truyền.
Tháng ngày vui với bút nghiên,
May ra thoát cảnh muộn phiền thế gian.
Sống đời đạm bạc cơ hàn,
Mà lòng giữ được an nhàn, thảnh thơi.
Mặc cho thế sự chê cười,
Miễn sao cách sống ra người Việt Nam.
Diệt đi hết mọi điều Tham,
Sân, Si gác bỏ, Hoa Ðàm trổ hoa.
(Ðức Phố, Xuân Ðinh Sửu 1997)
VĨNH LIÊM
-------------------
57. MÙA XUÂN VÀ TUỔI THƠ
Thương con tuổi hãy còn thơ,
Như mùa Xuân thắm ước mơ tuyệt vời.
Con ơi! Xuân đã đến rồi!
Mùa Xuân xa xứ, đất trời có hay?
Con ơi! Hãy nối vòng tay,
Yêu thương dân tộc đọa đày, lầm than…
Người còn đói khổ, cơ hàn…
Làm sao biết được Xuân sang giao mùa!
(Hình minh họa từ Internet)
Nơi đây rượu thịt dư thừa,
Trẻ em trong nước ăn chưa no lòng.
Tết về, ai cũng chờ mong,
Nhưng đời nghèo khổ, nhà không có gì!
Tết nghèo, mơ ước làm chi!
Dưa hành, thịt mỡ… mấy khi được nhìn!
Bao năm dân tộc hòa bình,
Bấy nhiêu khổ nhọc, hy sinh, đọa đày!…
Xuân về khắp ngõ nhà ai,
Hương Xuân hãy nở cho say lòng người.
Kẻo qua Xuân của đất trời,
Mùa Xuân dân tộc tuyệt vời thế gian!
(Ðức Phố, Tết Nhâm Thân 1992)
VĨNH LIÊM
-------------------
58. MÙA XUÂN KHÉP KÍN
Xuân sang rồi nhỉ! Xuân đây chứ?
Mười sáu năm trường Xuân ngóng ai?
Xa tít quê hương, người lữ thứ,
Vội vàng gỡ lịch sớm ban mai.
Áo ấm mặc vào, đi lẩn thẩn,
Căn phòng vắng vẻ chẳng mùi hương.
Hàng xóm ngủ say chưa thức giấc,
Ngoài xa xe cộ vút trên đường.
(Hình minh họa từ Internet)
Ta lại đãi ta ly sữa nóng,
Hững hờ điếu thuốc cháy trên tay.
Dở quyển sổ đời, tờ giấy mỏng,
Ghi đầy dấu tích vẫn chưa phai.
Xa em từ buổi buông tay súng,
Nước mắt lưng tròng em khóc thương.
Vội vã anh đi không báo trước,
Chia lìa vợ trẻ, bỏ quê hương.
Mỗi độ Xuân về anh lại nhớ,
Mẹ già còm cõi mắt xa trông.
“Thằng con lưu lạc phương nào đó,
Xuân này nó có được vui không?”
Rồi anh mường tượng bóng cha già,
Lặng lẽ ngồi bên bộ tách trà.
Ngẫm nghĩ: “Thương con mình lưu lạc,
Nó còn nhớ Tết ở phương xa?”
Và anh lại nhớ em quay quắt,
Trong bộ bà ba đã nhạt màu.
Cái dáng mảnh mai gầy héo hắt,
Nụ cười chất chứa nỗi thương đau.
Xuân này lại đến trong hờ hững,
Khép kín niềm riêng một nỗi buồn.
Mai mốt anh về hoa sẽ nở,
Một màu vàng rực khắp quê hương.
Em ơi! Xuân đến coi như mộng,
Gắng đợi ngày anh bước trở về.
Xây lại cuộc đời thêm sức sống,
Tràn đầy hạnh phúc với dân quê.
(Ðức Phố, Xuân Tân Mùi 1991)
VĨNH LIÊM
-------------------
59. XUÂN NHƯ Ý
(Hình minh họa từ Internet)
Thử tưởng tượng Xuân này vui hội ngộ,
Ðất trời Nam bừng nở rợp hoa mai.
Từng đoàn người lũ lượt, cả gái trai,
Vui đáo để, tiếng cười vang dậy khắp.
Chợ Nguyễn Huệ, rừng-hoa-người tấp nập,
Xác pháo hồng vung vãi khắp nơi nơi.
Từng nhóm người tụ tập, đủ trò chơi,
Người thanh lịch khoe áo màu sặc sỡ.
Nam chí Bắc tưng bừng vui hội ngộ,
“Người nước ngoài” về gặp lại thân nhân.
Gương mặt tươi hớn hở, nét thanh tân,
Ăn cái Tết trời Nam đầy hạnh phúc.
Nhìn đường nét thanh xuân lòng rạo rực,
Cõi huy hoàng rực sáng dậy trời Nam.
Trút muộn phiền, cởi vất vả, lầm than,
Ðời chan chứa lòng nhân hòa, phúc đức.
(Hình minh họa từ Internet)
Ta mơ tưởng chuyện này là có thực,
Biết đâu chừng bạo chúa phải nhường ngôi.
Cho người dân được hưởng phút thảnh thơi,
Cuối thế kỷ lẽ nào lầm than mãi!
Kẻ cai trị không lý nào khờ dại,
Bám ngoại bang xin súng đạn trị dân.
Thuyết Mác-Lê nên vứt bỏ ngoài sân,
Nhường cơm áo cho dân lành sống sót.
Ðừng lầm lẫn, giáo điều theo ngu dốt,
Không thuyết nào bằng manh áo chén cơm.
Và Tự Do vẫn là miếng mồi thơm,
Ðừng ngu muội chạy theo điều hoang tưởng!
Ðời ngắn ngủi sao không vui thụ hưởng?
Lý thuyết nào bằng bao tử, ấm no?
Hạnh phúc là khi đạt được Tự Do,
Thì Cộng Sản sẽ không còn đất sống.
Cái chân lý – không phải là dục vọng,
Ðem niềm vui, hanh phúc đến toàn dân.
Là phú cường, là nước mạnh, giàu sang…
Là Ðộc Lập, Tự Do, không lệ thuộc…
Thử tưởng tượng Xuân này vui cả nước,
Là anh em tay bắt mặt mừng nhau.
Xóa hận thù, dẹp hết mọi sầu đau,
Ðời vui vẻ là tột cùng chân lý.
(Hình minh họa từ Internet)
Và tận hưởng một mùa Xuân Như Ý.
(Ðức Phố, 20-10-1991)
VĨNH LIÊM
-------------------
(Hết Kỳ 9 – Xem tiếp Kỳ 10)
Không có nhận xét nào