Header Ads

  • Breaking News

    Vĩnh Liêm – Công cuộc cách mạng Phật Giáo của Đức Huỳnh Phú Sổ

    Avondale, 12-10-2022


    A person wearing a hat

Description automatically generated with medium confidence Logo

Description automatically generated

    Khi Ðức Huỳnh Phú Sổ chào đời năm 1919, Ðạo Phật đã hiện diện trên mặt đất đúng 2.463 năm; riêng ở Việt Nam thì Ðạo Phật đã có mặt từ đầu thế kỷ thứ hai. Vì thế, Ðạo Phật đã đi vào lòng người Việt, qua mấy triều đại của các vua Ðinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1009-1225), và Trần (1225-1400). 

    Sau khi vào Việt Nam, Phật giáo đã bị Việt-hóa, trở thành Phật giáo Việt Nam. Có thời kỳ Phật giáo được coi là quốc giáo – tôn giáo chính của một nước. Phật giáo Việt Nam hưng thịnh nhất trong các triều đại Ðinh, Lê, Lý và Trần. Nhưng rồi Phật giáo cũng bị suy vi từ khi có phái Thần Tú của Trung Hoa du nhập vào nước ta. Khi xã hội xáo trộn và lòng người chao đảo thì sự mê tín dị đoan bắt đầu bộc phát. Tệ hại nhất là sau khi thực dân Pháp thôn tính toàn cõi nước Việt Nam, văn hóa Tây phương lộng hành du nhập, sự sa đọa bắt đầu nẩy mầm... thì xã hội ta cũng bắt đầu bị phân hóa. Và cũng chính trong thời điểm nầy, sự mê tín dị đoan phát triển một cách cực mạnh trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

    Năm Ðức Huỳnh Phú Sổ lên 20 tuổi (21 tuổi ta), sau khi đi viếng các am động ở miền Thất sơn và Tà Lơn về, Ngài tỏ ra đại ngộ và chánh thức khai sáng Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo (lấy tên quê quán của Ngài là làng Hòa Hảo, tỉnh Long Xuyên) vào ngày 18 tháng 5 âm lịch năm Kỷ Mão (1939). Theo lời của Ðức Huỳnh Phú Sổ thì Phật Giáo Hòa Hảo chỉ là sự chuyển tiếp từ Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương (do Ðức Ðoàn Minh Nguyên khai sáng năm 1849), thường gọi là Ðạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Chính Ðức Huỳnh Giáo-Chủ cũng xác nhận rằng Ngài chỉ là sự chuyển kiếp của Ðức Phật Thầy Tây-An, Ðức Phật Trùm, Ðức Bổn Sư và Ông Sư Vải Bán Khoai. 

    Ngài tiết lộ trong “Sứ-mạng của Ðức Thầy” như sau:

         “Ai liểu Ðạo nơi quốc-độ nào thì cũng phải trở về quốc-độ ấy mà trợ tế nhân dân; vì thể lòng từ-bi bác-ái cùng thủ đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là nhơn-dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế.” 

    (Sứ-mạng của Ðức Thầy)

    Qua lời tiết-lộ trên đây, chúng ta hiểu được Ðức Huỳnh Giáo-Chủ xuất hiện là do lịnh của Ðức Phật A-Di-Ðà và Phật-Tổ phái xuống trần gian để truyền dạy “cho đời hiểu đặng đạo mầu” và hưng truyền Chánh Pháp.

    Chúng ta có thể tóm lược “công lao cách mạng Phật Giáo” của Ngài trong 9 điểm căn bản sau đây:

         1. Mở cơ giáo-độ để chấn hưng Chánh Pháp: Từ ngày bặt truyền y-bát, chơn-pháp của Ðức Phật Thích-Ca đã bị người đời làm sai lạc tinh-nghĩa, vì thế cho nên Ðạo Phật càng ngày càng suy vi. Mang trong người sứ mạng thiêng liêng do Phật-Tổ trao phó, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ quyết tâm:

    Phận tớ xác phàm tớ sẽ dưng,

    Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng.

                Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,

                Cũng nguyện Ðạo mầu sẽ chấn-hưng.

    (Hiến Thân Sãi Khó)

    Ngài khuyên bổn-đạo:

    Theo Lục-Tổ chớ theo Thần-Tú.

    Khuyên bổn-đạo chớ nên mê ngủ,

    (Kệ Dân của Người Khùng)

    Và rằng:

    Ðạo mầu diệt khổ có từ lâu,

    Thần-Tú ra đời lại góp thâu.

    Chuông mõ, sám kinh bèn cải sửa,

    Xá phướng truyền-lưu lấp đạo mầu.

    (Muốn Rõ Ðạo Mầu)

    Ngài giải thích:

    Xưa Thần-Tú bày điều tà-mị,

    Mà dắt-dìu bá-tánh đời Ðường.

    Thấy chúng-sanh lầm lạc đáng thương,

    Cõi Âm-Phủ đâu ăn của hối.

    Ðức Phật lớn chùa cao bối-rối,

    Mà làm cho Phật-Giáo suy đồi.

    (Kệ Dân của Người Khùng)

         2. Gây niềm tin tưởng vững chắc nơi Phật Pháp: Cuộc đời là bể khổ bến mê cho nên con người trần tục khó mà vượt qua được nếu không có người hướng dẫn và khai hóa trí tuệ. Do đó, Ngài đã dùng nhiều phương pháp khác nhau để gây vào lòng chúng sanh một niềm tin tưởng vững chắc nơi Phật Pháp ngõ hầu con người trần tục vượt qua khỏi bến mê. Ngài đã thố lộ như sau:

    Môn Tịnh-độ là phương cứu-cánh,

    Rán phụng-hành kẻo phụ Phật xưa.

    Lòng từ-bi chẳng quản nắng mưa,

    Xông thuyền giác rước đưa sanh-chúng.

    (Khuyến Thiện)

         3. Chỉ đường cho chúng sanh về Tây phương cực lạc: Người đời, nói chung, lúc sức lực còn dồi dào thì chất chứa trong lòng các căn chứng tham-sân-si, đến khi cảm thấy cuộc đời mình sắp đi vào ba tấc đất thì lại ham muốn và mong mỏi được Trời Phật độ thương cho về miền Cực Lạc sau khi chết. Nhưng họ có biết đâu rằng lúc tuổi trẻ họ đã gieo quá nhiều tội lỗi chất chồng mà không biết lối nào để tìm về nẻo ngay chân chính. Ðức Huỳnh Giáo-Chủ thông hiểu hoàn cảnh của chúng sanh cho nên Ngài không quản công chỉ đường cho họ tìm về Tây phương Cực lạc, nhưng Ngài khuyên răn:

                 Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu.

                 Tận thế-gian còn có bao lâu,

                 Mà chẳng chịu làm tròn nhơn-đạo.

    (Kệ Dân của Ngưới Khùng)

    Và rằng:

    Tâm chay hậu tấn rán tu thân,

    Bến giác chẳng xa cũng chẳng gần.

    Trời Phật thương người lo độ tận,

    Muốn lo giải-thoát phải tu thân.

    (Nhẫn Ðợi Thời Cơ)

         4. Ðào luyện người hiền đức để dự Hội Long Hoa: Thời kỳ Hạ Ngươn sắp hết rồi thế mà lòng người vẫn còn mê muộí! Ðức Huỳnh Giáo-Chủ than:

    Ðời Ngươn-Hạ nhiều người hung-dữ,

    Nên xảy ra lắm sự tai-ương.

    Ðức Di-Ðà xem thấy xót thương,

    Sai chư Phật xuống miền dương-thế.

    Tu kíp kíp nếu không quá trễ,

    Chừng đối đầu khó kiếm Ðiên Khùng.

    Cứu lương-hiền chẳng cứu người hung,

    Kẻ gian-ác đến sau tiêu-diệt.

    (Kệ Dân của Người Khùng)

    Muốn qua được thời kỳ Thượng Ngươn thì lòng trần phải trong sạch, tinh khiết như tờ giấy trắng. Vì thương chúng sanh nên Ngài đã ra công đào luyện lớp người hiền đức để họ được tham dự Hội Long Hoa và chuẩn bị sang thời kỳ Thượng Ngươn. 

    Ngài khuyên:

    Nay Khùng đã hết già hóa trẻ,

    Nên giữa đồng bỗng lại có con sông.

    Ở Tây-Phương chư Phật ngóng trông,

    Chờ bá-tánh rủ nhau niệm Phật.

    Làm nhơn-ái ắt tiêu bịnh-tật,

    Vậy hãy mau tầm Ðạo Thích-Ca.

    Phật tại tâm chớ có đâu xa,

    Mà tìm kiếm ở trên Non-Núi.

    (Kệ Dân của Người Khùng)

    Và rằng:

    Khá chí tâm học hành kinh sám,

    Thoát nơi miền hắc-ám phong-ba.

    Trở chơn cho kịp Long-Hoa,

    Long-Hoa có mặt ấy là hiền nhơn.

    (Thiên-Lý Ca)

    Ngài tâm sự:

                      Ước-mơ Thượng-cổ hồi qui,

                Thế-trần no ấm, phú thi an nhàn.

                      Quân-thần, phụ-tử vinh-vang,

                Hết lo cay đắng, Khùng an phận khùng.

    (Từ giã bổn-đạo khắp nơi)

         5. Trừ khủng long, cứu đại họa cho chúng sanh: Theo như lời tiên đoán của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ thì trong những ngày biến động Âm Dương của thời Hạ Ngươn, con khủng long sẽ gây đại họa cho chúng sanh. Nhưng chúng sanh nào có biết chi đâu! Ngài than thở:

    Lần thứ chót gọi lời kêu thúc,

    Thầy nhắc cho bổn-đạo rõ lòng.

    Chừng Ơn Trên ban được lục thông,

    Thầy mới được Tây, Ðông du thuyết.

    Thâu cho được con long ác-nghiệt,

                Thì khắp nơi mới biết mến yêu.

    (Sa-Ðéc)

         6. Lập bảng phong thần để phong cho người trung nghiã: Những người trung tín và tiết nghiã đối với đất nước và tổ tiên là những công thần không thể bị bỏ quên trong thời kỳ chuyển tiếp Thượng Ngươn. Do đó, Ngài vâng lệnh Phật-Tổ đứng ra lập bảng phong thần. Ngài bộc lộ tâm sự:

    Thân bần tăng mặc bộ sồng nâu,

    Cuộc thiên-lý một bầu đều hãn.

                Ðến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,

                Trên đài cao gọi các linh hồn.

    Nay ngu khờ len-lỏi hương-thôn,

    Sau đắc Ðạo tiếng đồn bốn biển.

    Giảng với sấm ra tài sửa kiểng.

    Kệ cùng ca lựa tuyển con lành.

    Tuy là Ta không thể sanh thành,

    Nhưng thương hết ra tài dạy-dỗ.

    Ðời phải biết suy kim nghiệm cổ,

    Thông cơ-đồ dựng nghiệp Thánh Hiền.

    Ta quyết lòng rứt nợ oan-khiên.

    Cứu bá-tánh khỏi nơi lao khổ.

    (Nang Thơ Cẩm Tú)

         7. Ðại diện công lý xét xử theo luật Nhơn quả: Người ăn hiền ở lành và người ăn ở gian ác ở thế gian nầy đều đã được Thiên đình theo dõi và ghi chép rõ ràng. Ðức Huỳnh Giáo-Chủ là đại diện công lý trong ngày lập Hội Long Hoa để cầm cân thưởng phạt công minh đúng theo luật nhơn quả báo ứng. Ngài báo trước:

    Rán vẹt phá sương mù trước mắt,

    Chớ để cho qủi dắt linh hồn.

                       Lão đây vưng lịnh Phật-Tôn,

                Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành.

    (Thiên-Lý Ca)

         8. Qui hội những người có thiện căn hiền đức: Chỉ những người có thiện căn hiền đức thì mới được dự Hội Long Hoa và về cõi Thượng Ngươn an lạc. Bởi lẽ đó, Ngài phải đứng ra qui tụ những người có chơn tu để họ được phò chơn Chúa:

      Khùng vưng lịnh Tây-Phương Phật-Tổ,

    Nền giáo-truyền khắp cả Nam-Kỳ.

    Hội Long-Hoa chọn kẻ tu-mi,

    Người hiền-đức đặng phò chơn Chúa.

    (Kệ Dân của Người Khùng)

         9. Tá quốc an bang, gây dựng sơn hà: Nước nhà trong cơn điêu đứng thì lòng dân cũng bị suy siểng cho nên Ngài phải đứng ra lãnh trọng trách tá quốc an bang, gây dựng sơn hà, tạo nền hạnh phúc cho đồng bào hầu chuẩn bị ngày Thượng Ngươn hồi phục:

    Thảm trong thế sự ngày nay,

    Lắm điều lao-lý quá dài gian-nan.

    Một tay tá quốc an bang,

    Nước nhà vững đặt Hớn-đàng hiển vinh.

    (Mượn Cây Ðuốc Huệ)

    ****

    Ngoài 9 điểm căn bản kể trên, tưởng cũng nên kể thêm một việc làm đáng kể nhất của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ trong công cuộc chấn hưng Ðạo Phật, đó là việc tổ chức thành lập “Việt-Nam Phật-Giáo Liên-Hiệp-Hội” năm 1945. Liên-Hiệp-Hội nầy nhằm mục đích “liên hiệp các tôn-phái đạo Phật, các nhà sư, các tín-đồ (Phật tử), các nhà trí-thức có xu-hướng về Phật-giáo, để:

    1/- Tìm cách nâng-cao tinh-thần đạo Phật.

    2/- Tìm những phương-tiện cứu-giúp kẻ nguy-nàn do thời-cuộc gây ra.

    3/- Giúp đỡ lẫn nhau trong việc quan, hôn, tang, tế.

    4/- Binh-vực lẫn nhau trong sự tín-ngưỡng tự-do.”

    (Việt-Nam Phật-Giáo Liên-Hiệp-Hội)

    Việt-Nam Phật-Giáo Liên-Hiệp-Hội gồm có 3 ban: Ban Nghiên-cứu đạo Phật, Ban Huấn-luyện và Truyền-bá đạo Phật, và Ban Chẩn-tế. Mặc dù Việt-Nam Phật-Giáo Liên-Hiệp-Hội chỉ “thọ“ được hai năm (1945-1947), nhưng đã đánh dấu được một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Ðây cũng là một công trình tim óc qúi báu của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ.

    Song song với việc chấn hưng Ðạo pháp, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ còn dày công bài trừ mê tín dị đoan. “Mê tín dị đoan” lúc bấy giờ là một quốc nạn. Mê tín dị đoan do phái Thần Tú bên Trung Hoa truyền qua xứ ta. Phái nầy hướng về âm binh sắc tướng, làm cho chính giáo suy đồi, lòng người quay theo dị đoan, tà kiến. Ðức Huỳnh Giáo-Chủ cực lực đả phá những tệ đoan nầy, như: làm thầy đám, bày chuông mỏ, lầu phướn xá bạc, làm trai đàn, tụng mướn, đốt giấy tiền vàng bạc, tượng cốt phết vàng, cúng kiến chè xôi, bày trò hát Phật, v.v… Ngài cảnh giác chúng sinh cùng bổn-đạo:

    Lũ thầy đám hay bày trò khỉ,

    Mượn kinh luân tụng mướn lấy tiền.

    Chốn Diêm-Ðình ghi tội liên-miên,

    Mà tăng-chúng nào đâu có rõ.

    Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ,

    Từ xưa nay có mấy ai thành?

    Phật từ-bi độ tử độ sanh,

    Là độ kẻ hiền-lương nhơn-ái.

    Xá với phướng là trò kỳ quái,

    Làm trai-đàn che miệng thế-gian.

    Kẻ vinh-hoa phú-qúi giàu sang,    

    Mướn tăng-chúng đặng làm chữ hiếu.

    Thương bá-tánh vì không rõ hiểu,

    Tưởng vậy là nhơn nghĩa vẹn tròn.

    Thấy lạc lầm Ðây động lòng son,

    Khuyên bổn-đạo hãy nên tỉnh-ngộ.

    (Kệ Dân của Người Khùng)

    Ðức Huỳnh Giáo-Chủ khuyên bổn đạo và chỉ cách tu hành như sau:

         1). Cách thờ phượng: Ðức Huỳnh Giáo-Chủ căn dặn bổn đạo: “Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình-tượng. Ðành rằng vì tôn-kính đấng Từ-Bi mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi-dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa”. (Cách Tu-hiền và sự ăn ở của một người bổn-đạo).

    Ngài còn dặn dò thêm: “Nên thờ đơn-giản cho lòng tin-tưởng trở lại tâm-hồn hơn ở vào sự hào-nháng bề ngoài.” Vì thế, Ngài khuyên bổn đạo nên dùng “màu dà” trong chỗ thờ-phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.

    Ngài dặn bổn đạo: “Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu-biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu-biểu cho sự tinh-khiết, còn nhang, dùng đặng bán mùi uế-trược.”

         2). Cách hành lễ: Ðức Huỳnh Giáo-Chủ dạy bổn đạo rằng: “Chỉ thờ lạy Ðức Phật, tổ-tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh-hùng cứu-quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy-lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi”. Và, Ngài khuyên thêm: “Một đừng ỷ-lại vào kẻ mạnh, hai đừng ỷ-lại vào sự cứu-vớt của Thần Thánh, ba đừng ỷ-lại sự binh-vực của Thầy mình”.

         3). Cách tang lễ: Ðức Huỳnh Giáo-Chủ khuyên bổn đạo như sau: “Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy-tiền vàng-bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì người ta nhận-định rằng xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiểu-sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành-tâm cầu nguyện chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu-thuận nhơn-nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện, rồi im-lặng đi chôn.”

    Ngài còn dặn thêm: “NÊN LƯU Ý: Tang gia đừng nên khóc-lóc làm trở-ngại sự siêu-thoát anh-linh của người chết”. 

    Về việc cúng kiến, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ căn dặn bổn đạo: “Về việc cúng kiến ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ-niệm theo như tục lệ. Còn về việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm”.

    ****

    Từ thập niên 40 trở về trước, đa số người dân Miền Tây còn đầu óc mê tín dị đoan (bị ảnh hưởng sâu đậm bởi phái Thần Tú bên Tàu) nên ngày Tết thường hay giết gà, vịt để cúng ông bà; đồng thời bói chân gà để xem may rủi trong năm mới. Ngài cho đó là mê tín dị đoan, cần phải được thay đổi để tiến hóa trong cộng đồng nhân loại:

    Chúc mừng năm mới, mới buổi qua,

    Bỏ bớt dị-đoan chẳng cúng gà.

    Tre nêu phơ-phất không còn thấy,

    Ra mắt tiêu mòn bữa thứ ba,

    (Thi Xuân, Kỷ-Mão 1939)

    Trước cảnh ăn chơi xa hoa trong ngày Tết của người dân Miền Tây, Ðức Huỳnh Giáo-Chủ đã hết lời thiết tha khuyên nhủ:

    Xa-hoa năm mới, mới khổ à,

    Dân chớ chần-chờ, chớ bỏ qua.

    Ðạo-lý xem tường âu mới hãn,

    Rán tìm cặn-kẽ nỗi ma-ha.

    (Thi Xuân, Kỷ-Mão 1939)

    Khuyên dân bớt xa hoa: Trong lúc xã hội loạn lạc, dân chúng đói khổ… thế mà những ai có tiền thì vẫn cứ ăn xài xa hoa, không biết lo tiết kiệm để phòng thân! Trước cảnh ấy, Ngài khuyên nhủ:

    Bước qua năm mới, mới mừng à,

    Khuyến-khích dân tầm đạo Thích-Ca.

    Tự giác, giác tha ta phải nói,

    Hỡi người dương-thế bớt xa-hoa.

    (Thi Xuân)

    Khuyên dân gìn lòng hiếu hạnh: Hiếu hạnh là giềng mối căn bản của con người. Ai giữ được đức hiếu hạnh mới là người hiền đức, sau này sẽ được về với Tiên-cảnh:

    Ghi biên những kẻ quá lương hiền,

    Một mực trung thành với Phật-Tiên.

    Cố tưởng ước-mơ về Tiên cảnh,

    Hiếu hạnh gìn lòng chí ư thiên.

    (Hai Mươi Chín Tháng Chạp)

    Khuyên dân lo tu tỉnh: Chiến tranh Pháp-Việt vẫn còn kéo dài gây nên cảnh đau thương tang tóc. Ấy thế mà người dân chẳng lo tu tâm dưỡng tánh, đến khi bị tai họa mới kêu cứu Phật Trời thì đã quá trễ!

    Máu đào khắp nước khổ vô cùng,

    Nam-Việt dân tình mãi thung-dung.

    Chẳng lo tu tỉnh cầu Phật-Thánh,

    Ðể nước đến chơn mới nhảy đùng.

    (Hai Mươi Chín Tháng Chạp)

    Trời Phật chẳng dùng tiền nên đừng có phí phạm: Phật tử lúc bấy giờ bị ảnh hưởng của phái Thần Tú bên Tàu nên xử dụng vàng mã rất ư là nhiều, chỉ tổ làm giàu cho Ba Tàu chớ có Trời Phật nào đòi hỏi đâu!

    Ư thiên Trời Phật chẳng dụng tiền,

    Tìm kiếm con lành giải nghiệp-duyên.

    Mê-muội ác-hung về địa-ngục,

    Hiền lành nhắm mắt thấy non Tiên.

    …………………………………..

    Vàng bạc bởi tay khách trú làm,

    Phật, Thần, Tiên, Thánh chẳng dùng ham.

    Giấy quần giấy áo không nên đốt,

    Nghĩa chuyện dối ma chẳng đáng làm.

    (Hai Mươi Chín Tháng Chạp)

    ****

    Theo Đức Huỳnh Giáo Chủ: Tu-Hiền là tu tâm dưỡng tánh, làm điều thiện, tránh điều ác. Ðức Phật đã dạy: “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”. Ðức Huỳnh Giáo-Chủ cũng đã nhiều lần dạy bổn-đạo:

    Ðạo-pháp thường hay dung với hòa,

    Xét người cho tột xét thân ta.

    Nếu người rõ phận vui lòng thứ,

    Ta thứ được người, người thứ ta.

    (Lời Khuyên Bổn Ðạo)

    Cách Tu Hiền của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ nằm gọn trong 2 câu thơ:

    Tu đầu tóc không cần phải cạo,

    Miễn cho rồi cái đạo làm người.

    (Giác Mê Tâm Kệ)

    Hoặc:

    Tu là tu Phật tu Tiên,

    Tu cho rõ biết chữ hiền ra sao.

    (Viếng làng MỸ-HỘI-ÐÔNG)

    Quả thật Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị Bồ Tát, nhà Đại Cách Mạng Phật Giáo ở thế kỷ thứ 20.

    (Avondale, 12-10-2022)

    VĨNH LIÊM


    Không có nhận xét nào