Cuộc trò chuyện với ISABELLE SAINT-MÉZARD
Baptiste Roger-Lacan/ Le Grand Continent, 25.8.2023
Phạm Như Hồ dịch
11/9/2023
ISABELLE SAINT-MÉZARD – Trong nội bộ BRICS[2], lập trường của Ấn Độ không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì đó là tiếng vang của chính sách ngoại giao đa phương vốn thúc đẩy Ấn Độ xích lại gần các quốc gia có lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Thêm vào đó là mối quan hệ xấu đi rất nhiều của nước này với Trung Quốc, điều này thường được thể hiện tại các Hội nghị thượng đỉnh của BRICS. Nhưng trong một thế giới mang dấu ấn của sự đa dạng hóa các quyền lực, chủ nghĩa đa phương của Ấn Độ có thể là một lợi thế. Isabelle Saint-Mézard, giảng viên về địa chính trị châu Á tại Viện Địa chính trị Pháp, trả lời các câu hỏi của chúng tôi.
Sự trỗi dậy gần đây của nhóm BRICS trên sân khấu toàn cầu đa phương thường được cho là do cặp đôi Trung-Nga: Ấn Độ đã đóng vai trò gì trong sự trỗi dậy này?
ISABELLE SAINT-MÉZARD: Nếu Nga và Trung Quốc đã đầu tư vào sự trỗi dậy gần đây của nhóm BRICS, đó là vì họ coi đó là một phương tiện bổ sung để tranh cãi về trật tự quốc tế, cạnh tranh với G7 hoặc thậm chí huy động các quốc gia khác trên thế giới cảm thấy bị bỏ lại phía sau hoặc là nạn nhân của “các nước Phương Tây”. Ấn Độ không bị thúc đẩy bởi tham vọng “xét lại” tương tự về trật tự quốc tế; chẳng hạn như về G7, Ấn Độ cảm thấy thỏa mãn khi được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm một cách gần như thường xuyên và có cơ hội để nêu lên tiếng nói của mình cũng như tiếng nói của các quốc gia Mới Nổi. Ngược lại, Ấn Độ không muốn để Trung Quốc tự do hành động để tái cấu trúc BRICS như Trung Quốc mong muốn, và thông qua nhóm này, áp đặt mình là nước đứng đầu “Phương Nam toàn cầu”. Theo nghĩa này, nhóm BRICS là không gian phản ánh các cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng đang diễn ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhằm xác định và lãnh đạo Phương Nam toàn cầu, một khái niệm khá mơ hồ nhưng có tiềm năng huy động mạnh mẽ.
Nói chung, chúng ta có thể xác định lập trường của Ấn Độ trong BRICS như thế nào?
Lập trường của Ấn Độ trong BRICS đã thay đổi theo thời gian và tùy theo hoàn cảnh, có vẻ như mang tính cơ hội, cam kết hoặc ngược lại, không thoải mái.
Trước tiên chúng ta phải quay lại lợi ích mà chính khái niệm BRIC đã có đối với Ấn Độ vào những năm 2000, khi nó được Goldman Sachs phổ biến. Trước tiên, New Delhi đã coi đây là sự công nhận quốc tế về tầm quan trọng ngày càng tăng của mình. Đối với một quốc gia từ lâu đã phải chịu đựng tình trạng không được công nhận ở giá trị đích thực của mình, việc phổ biến khái niệm này trên toàn thế giới là một thời cơ bất ngờ về mặt địa vị, sự hiển thị và sức hấp dẫn.
Ngoài những thách thức này về địa vị, Ấn Độ sau đó đã tham gia vào việc xây dựng nhóm, thấy rõ những lợi ích ngoại giao mà nước này có thể rút ra được từ đó, cụ thể là: vun đắp tình hữu nghị với Nga vốn rất quan tâm đến dự án, khảo sát khả năng phối hợp với Trung Quốc về các vấn đề cai quản toàn cầu - một lĩnh vực mà hai quốc gia đã hợp tác được với nhau trong những năm 2000 và nửa đầu những năm 2010 - và nói chung hơn là huy động các đồng minh có trọng lượng nhằm đàm phán để có sự đại diện tốt hơn trong các định chế tiền tệ quốc tế.
Ấn Độ cũng đã nhận thấy sự lợi ích trong việc huy động tiềm năng tài chính của các quốc gia thành viên và đã đề xuất thành lập ngân hàng BRICS vào năm 2012. Ngân hàng này được thành lập vào năm 2015. Tuy nhiên, việc thành lập ngân hàng này là chủ đề của các cuộc đàm phán khó khăn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Ấn Độ cảm thấy bực tức khi thấy Trung Quốc chiếm dụng đề xuất của mình. Ví dụ này cho thấy rõ thực tế của cán cân quyền lực trong nhóm và vị thế đôi khi khó khăn của Ấn Độ trong nhóm. Vả lại, song song với BRICS, Ấn Độ vẫn tiếp tục thúc đẩy nhóm “IBAS”[3], cùng với Brazil và Nam Phi. Thoát khỏi các đối tác “rắc rối” là Trung Quốc và Nga, Ấn Độ có thể tỏ ra thoải mái hơn trong cơ chế này vốn vun đắp truyền thống hợp tác Nam-Nam và đấu tranh cho cuộc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bà đánh giá thế nào sự phát triển của các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ kể từ khi Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, và về vai trò của BRICS trong việc xác định các ưu tiên này?
Các ưu tiên này đã không thay đổi đáng kể kể từ năm 2014 và từ việc ông Modi lên nắm quyền, ít nhất nếu chúng ta coi quyền tự chủ chiến lược, hiện được gọi là sự liên kết đa phương hoặc chủ nghĩa đa phương, cấu thành nguyên tắc chỉ đạo của New Delhi. Điều này bao gồm việc bảo vệ quyền tự do lựa chọn và hành động của Ấn Độ trên trường quốc tế, và do đó việc tăng cường quan hệ với càng nhiều quốc gia hoặc nhóm quốc gia càng tốt trên thế giới, mà không khiến Ấn Độ phải phụ thuộc vào một quốc gia cụ thể nào và bỏ qua càng nhiều càng tốt các sự cạnh tranh giữa chúng với nhau.
Cụ thể, dưới thời ông Modi, Ấn Độ đã tiếp tục thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, đặc biệt như một phần trong kế hoạch của nước này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời hợp tác với các quốc gia như Nga, Iran và thậm chí đôi khi cả với Trung Quốc và bằng cách thử nghiệm các hình thức đối thoại thay thế, tức là không có Mỹ và các đồng minh lớn, điển hình là BRICS hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Nhưng việc sự cạnh tranh chiến lược càng trở nên gay gắt trên trường thế giới - được đánh dấu bằng sự cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng xấu đi và việc Nga xâm chiếm Ukraine - đã làm phức tạp thêm đường lối tự chủ chiến lược mà Ấn Độ ưu tiên. New Delhi đã chịu áp lực mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và châu Âu để tách mình ra khỏi Nga sau tháng 2 năm 2023. Ấn Độ đã chống lại được điều này cho đến ngày hôm nay, ngay cả khi việc đó không phải là một cuộc “dạo chơi thoải mái” đối với các nhà ngoại giao của mình.
Mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi cũng đặt ra một thách thức. Thật vậy, làm thế nào có thể thoát khỏi logic phân cực giữa hai cường quốc? Chính xác hơn đối với Ấn Độ, làm sao Ấn Độ có thể không bị lôi cuốn theo hướng hợp tác với Mỹ khi mối quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất và khi đối tác Mỹ ngày càng muốn lôi kéo Ấn Độ?
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khuôn khổ BRICS vừa có sự hợp tác vừa có sự cạnh tranh. Bà nhận thức thế nào về động năng giữa hai quốc gia này trong nhóm và về việc hai nước này có thể ảnh hưởng đến tương lai của BRICS như thế nào?
Bản thân động năng của quan hệ Trung-Ấn là không tốt. Nó thậm chí còn trở nên đáng lo ngại kể từ cuộc đụng độ biên giới chết người vào năm 2020 trên đỉnh Himalaya.
Về phía mình, Ấn Độ không còn trông đợi điều gì tốt đẹp từ Trung Quốc. Mục tiêu chủ yếu là “hạn chế thiệt hại”, nói cách khác ở cấp độ quân sự, ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc ở biên giới, ở cấp độ ngoại giao, thoát khỏi giai đoạn tắc nghẽn chung của mối quan hệ, và về mặt kinh tế và công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, mối quan hệ với Trung Quốc tác động đến cái chủ yếu của vị thế của Ấn Độ và điều này cũng có giá trị đối với BRICS. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này đã tồn tại kể từ khi thành lập BRICS, đã không ngăn cản nhóm này tiếp tục tồn tại và hoạt động. Tuy nhiên, nó đã hạn chế khả năng của nhóm trong việc đưa ra một tầm nhìn gắn kết về vai trò và sứ mệnh cải cách sự cai quản toàn cầu của nhóm.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày nay được phản ánh qua những tầm nhìn khác nhau mà New Delhi và Bắc Kinh có về tương lai của BRICS và sự phát triển của sự cai quản toàn cầu. Ấn Độ muốn cải cách các thể chế hiện có để thế giới đang phát triển được đại diện tốt hơn; cam kết của nước này với BRICS nằm trong khuôn khổ này. Về phần mình, Trung Quốc đang hướng tới một cuộc cải tổ nhằm phá bỏ trật tự quốc tế tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đây chính là điều thúc đẩy Trung Quốc muốn tạo ra một xu hướng chống phương Tây cho BRICS.
Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhấn mạnh rằng trong số tất cả các thành viên BRICS, người Ấn Độ có thái độ thù nghịch nhất với Trung Quốc (hơn 60% trong số họ có quan điểm “bất lợi” đối với quốc gia này). Điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Ấn?
Hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc ở Ấn Độ có liên quan đến sự xấu đi rõ rệt trong quan hệ song phương mà tôi đã đề cập. Ấn Độ mất 20 binh sĩ trong cuộc đụng độ biên giới năm 2020, đó thực sự là một cú sốc. Cú sốc càng được khuếch đại bởi những hình ảnh về vụ việc này (đấu súng ngắn trên địa hình rất gồ ghề) lan truyền trên mạng xã hội.
Cơ sở lâu đời của sự thù địch và mất niềm tin đối với Trung Quốc đã được khơi dậy và điều này trên thực tế đang đè nặng lên quan hệ Trung-Ấn. Trong trường hợp này, chính phủ Modi cẩn thận không khích động thái độ thù địch của dư luận đối với Trung Quốc nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Công cụ này được áp dụng đối với Pakistan, nhưng không áp dụng đối với Trung Quốc. Tình hình ở biên giới quá căng thẳng và Ấn Độ tìm cách hạ nhiệt nó, cho dù rằng phải bóp méo sự thật (mất vài lãnh thổ nhỏ). Việc chấp nhận tình hình thực tế có thể sẽ phải trả giá về mặt chính trị chưa đầy một năm trước cuộc bầu cử, thêm nữa là chính phủ Modi, khi tiến hành đàm phán với Trung Quốc nhằm khôi phục lại sự bình yên ở biên giới, muốn tránh sự dòm ngó của dư luận trong nước.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tìm cách tăng cường quan hệ với Nga thông qua nhiều sáng kiến ngoại giao khác nhau. Liệu sự suy yếu của Nga, hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine, có phải là thách thức chiến lược đối với Ấn Độ?
Đúng vậy. Sự suy yếu của Nga là một thách thức chiến lược thực sự đối với Ấn Độ vì ít nhất ba lý do: trước tiên là vì Ấn Độ coi Nga là một cực quan trọng và không thể thiếu để thiết lập một trật tự đa cực, điều mà Ấn Độ rất mong muốn. Sau đó – và nhất là – vì Ấn Độ lo ngại Nga sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Cuối cùng, vì nỗ lực chiến tranh của Nga đang trì hoãn và làm phức tạp việc giao thiết bị quân sự cho quân đội Ấn Độ, vào thời điểm quân đội Ấn Độ đang tăng cường sự triển khai dọc biên giới với Trung Quốc.
Việc Nam Phi được kết nạp vào BRICS đã mang lại viễn cảnh châu Phi cho nhóm. Mối quan hệ của Ấn Độ với Nam Phi trong BRICS đã đóng góp như thế nào vào sự lan tỏa sâu rộng hơn ảnh hưởng của Ấn Độ ở châu Phi và các mục tiêu chính sách đối ngoại của nước này?
Theo tôi, mối quan hệ giữa New Delhi và Pretoria trong BRICS chỉ góp phần nhỏ vào sự lan tỏa của ảnh hưởng của Ấn Độ ở Châu Phi. Mối liên hệ giữa Ấn Độ và lục địa này là một phần của lịch sử lâu dài và được củng cố thông qua các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, phong trào không liên kết và sự hợp tác Nam-Nam.
Hơn nữa, kể từ cuối những năm 2000, Ấn Độ đã triển khai chính sách viện trợ trên phần lớn lục địa nhằm tăng cường ảnh hưởng ngoại giao, thúc đẩy các ngành công nghiệp và công nghệ hàng đầu của mình (đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, bệnh viện và công nghệ thông tin và truyền thông) và việc được cung ứng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú.
Nam Phi chắc chắn là một đối tác đối thoại quan trọng đối với Ấn Độ ở châu Phi – Nam Phi có cộng đồng người Ấn Độ hải ngoại lớn nhất trên lục địa và trong thời gian dài đã là đối tác thương mại chính của Ấn Độ - nhưng Nam Phi không tạo thành một cầu nối thiết yếu cho chính sách châu Phi của New Delhi.
Điều đó nói lên rằng, Ấn Độ và Nam Phi quả thực hội tụ trong ý muốn tăng cường sự đại diện của Châu Phi trong sự cai quản toàn cầu. Trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa kết thúc, Pretoria đã cho phép khoảng 40 quốc gia châu Phi có đại diện. Sự cởi mở này đối với toàn bộ lục địa hội tụ với lập trường vững chắc mà Ấn Độ đã đảm nhận trong khuôn khổ nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ, ủng hộ việc đưa Liên Minh Châu Phi trở thành một thành viên trong nhóm.
Chủ nghĩa đa phương là một khái niệm chủ chốt trong học thuyết ngoại giao của Narendra Modi và Subrahmanyam Jaishankar. BRICS có phải là phương tiện hiệu quả để quảng bá đường lối này không? Liệu đường lối này có bị suy yếu bởi sức nặng kinh tế quá lớn của Trung Quốc trong nhóm này không?
Nhóm BRICS hữu ích ở chỗ nó có thể đa dạng hóa các cuộc đối thoại và làm đối trọng với sức nặng ngày càng tăng của “các nước Phương Tây”, tức là Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu và châu Á của nước này – trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Vì vậy, vâng, BRICS là một công cụ hữu ích, giúp Ấn Độ đi đúng hướng của quyền tự chủ chiến lược.
Nhưng, vâng, thật vậy, Ấn Độ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một vị trí phù hợp với mình khi đối mặt với sức nặng kinh tế - và ngoại giao - quá lớn của Trung Quốc trong nhóm.
Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg cho thấy rõ việc cạnh tranh với Trung Quốc trong nhóm khó khăn như thế nào. Ông Tập được đón tiếp tại Nam Phi trong chuyến thăm cấp nhà nước và ngoài việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông còn là đồng chủ tịch cuộc Đối thoại Trung Quốc-Châu Phi tại đó. Thủ tướng Modi đã phải chấp nhận một sự đón tiếp và một chương trình nghị sự ít nổi bật hơn, điều này hình như đã khiến cho ông vô cùng khó chịu (theo một số nguồn tin Nam Phi).
Cũng chính Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg này cũng cho thấy việc chống đối ý muốn của Trung Quốc trong nhóm khó khăn đến mức nào. Trung Quốc muốn mở rộng BRICS và đạt được mục tiêu của mình, tuy không phải là không gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ở mức độ tích cực hơn, Hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh sự hội tụ với Brazil và Nam Phi vốn, giống như Ấn Độ, không muốn chuyển BRICS và xa hơn nữa Phương Nam Toàn Cầu sang hướng quá chống phương Tây. Thông cáo được công bố vào cuối Hội nghị thượng đỉnh thậm chí còn khuyến khích Ấn Độ, Brazil và Nam Phi hợp tác cùng nhau trong khuôn khổ nhiệm kỳ chủ tịch kế tiếp của họ tại G20 từ năm 2023-2025, để tích hợp tốt hơn con đường của Phương Nam Toàn Cầu vào chương trình làm việc của G20.
Khái niệm “BRICS Cộng” (BRICS +) dự kiến một sự tham gia rộng rãi hơn ngoài các thành viên chính. Khái niệm này đặc biệt được Trung Quốc ủng hộ. Cùng với Nam Phi và Brazil, chính phủ Ấn Độ tỏ ra hoài nghi hơn về dự án này. Tại sao?
Ấn Độ nghi ngờ Trung Quốc muốn biến BRICS thành một công cụ nữa để phục vụ lợi ích của mình, đặc biệt là để chống lại Hoa Kỳ và trật tự quốc tế “tự do” cũng như để tập hợp các đối tác thân cận của mình vì mục đích này. Ấn Độ, giống như Nam Phi và Brazil, không thoải mái với nỗ lực biến BRICS thành một nền tảng chống Phương Tây.
Quyết định cuối cùng - và có vẻ đã được đàm phán một cách khó khăn - chào đón 6 thành viên mới bao gồm Iran (ngoài Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) vào đầu năm 2024 mang dấu ấn ảnh hưởng của Trung Quốc. Ấn Độ, cho đến giờ phút cuối cùng, dường như đã cố gắng đưa ra các điều kiện hạn chế hơn đối với việc kết nạp các thành viên mới, bao gồm cả sự bắt buộc không phải là đối tượng của các lệnh trừng phạt quốc tế, điều này loại trừ Iran và Venezuela. Khi làm như vậy, New Delhi hy vọng tránh được sự hội nhập của các quốc gia vốn, thông qua chủ nghĩa chống Mỹ của họ, sẽ tạo thêm sức nặng cho dự án của Trung Quốc. Ấn Độ đã không hoàn toàn thành công.
Sự chênh lệch kinh tế giữa các quốc gia BRICS đã đặt ra câu hỏi về sự gắn kết của nhóm. Làm thế nào Ấn Độ, quốc gia nghèo nhất trong nhóm này, có thể giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và thu hẹp khoảng cách trong khuôn khổ BRICS?
Ấn Độ có thể cung cấp nhiều giải pháp công nghệ khác nhau, thường ở mức chi phí thấp và đã được thử nghiệm. Điều này bao gồm từ giáo dục và đào tạo trực tuyến đến các nền tảng giúp cho sự chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ tài chính khác nhau dễ tiếp cận hơn, và kể cả sự quản lý rủi ro và lĩnh vực không gian. Việc Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg và cuộc đổ bộ thành công lên mặt trăng của chuyến bay Chadrayaan 3 diễn ra cùng lúc cung cấp một ví dụ rất hay về những kỳ công công nghệ của Ấn Độ, trong khuôn khổ những ngân sách hạn hẹp.
Chủ nghĩa khủng bố và những thách thức an ninh vẫn là mối lo ngại chủ yếu đối với Ấn Độ. BRICS có cho phép Ấn Độ hợp tác với các quốc gia thành viên khác để giải quyết hiệu quả những vấn đề này không?
Ấn Độ thực sự đã thành công trong việc lồng ghép vấn đề khủng bố vào chương trình làm việc của BRICS khi có cơ hội. Tại Hội nghị thượng đỉnh Goa năm 2016, Ấn Độ đã kêu gọi các quốc gia thành viên lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó, đặc biệt khi chính các nước BRICS là đối tượng bị tấn công.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2020, do Nga đăng cai tổ chức (nhưng được tổ chức theo thể thức hội nghị trực tuyến), Ấn Độ đã đạt được yêu cầu nhóm triển khai chiến lược chống khủng bố dựa trên sự thành lập 5 nhóm công tác.
Nhưng ngay cả về vấn đề này, Ấn Độ và Trung Quốc cũng không nhất thiết phải cùng quan điểm (Trung Quốc đã cản trở yêu cầu của Ấn Độ đưa một số thủ lĩnh khủng bố gốc Pakistan vào danh sách của Ủy ban trừng phạt của Liên hợp quốc chống lại AQ/Al Qaida, IS/Nhà Nước Hồi Giáo cũng như những cá nhân và tổ chức liên quan đến chúng).
Khi Ấn Độ mong muốn có một vai trò lớn hơn trên trường toàn cầu, làm thế nào sự tham gia của Ấn Độ trong BRICS có thể bổ sung cho những nỗ lực của nước này nhằm đạt được một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thúc đẩy các mục tiêu rộng lớn hơn của mình trong chính sách đối ngoại?
Sự cam kết trong BRICS là một phần trong cách tiếp cận tổng quát hơn để tham gia vào các diễn đàn đa phương quan trọng nhất, từ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và IBAS và nhất là G20.
Hoạt động đa phương tích cực này lại càng rõ nét trong năm nay vì Ấn Độ là chủ tịch G20 và đầu tư rất nhiều vào nhóm này. Vì vậy, điều quan trọng đối với Ấn Độ, ở Johannesburg, là đảm bảo sự hỗ trợ của BRICS nhằm hướng tới việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra mà Ấn Độ sẽ chủ trì vào ngày 9 và 10 tháng 9 (Ấn Độ đã được thỏa mãn về điểm này).
Vượt lên trên vai trò chủ tịch G20, sự cam kết đa phương của Ấn Độ phản ánh một xu hướng cơ bản và đóng góp hoàn toàn vào các mục tiêu của chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Trước tiên, một cách rất cơ bản, Ấn Độ triển khai hoạt động để chiếm giữ “không gian đa phương”, bao gồm việc có mặt một cách có hệ thống tại tất cả các cuộc họp đa phương lớn – Thủ tướng Modi kiên trì và tin tưởng thực hiện việc này. Khi làm như vậy, ông cho thấy rõ ràng Ấn Độ đã trở thành một quốc gia không thể tránh trong sự cai quản các vấn đề thế giới. Sau đó, các cuộc gặp đa phương này cho phép ngoại giao Ấn Độ tăng cường trao đổi với càng nhiều đối tác càng tốt, từ đó triển khai nguyên tắc tự chủ chiến lược vào thực tế. Cuối cùng, Ấn Độ coi các Hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội để tiếng nói của mình được lắng nghe và nhận được sự ủng hộ về các vấn đề quan trọng nhất đối với nước này: đó là cuộc cải cách các thể chế đa phương, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “« Du côté indien, on n’attend plus grand chose de bon de la Chine », une conversation avec Isabelle Saint-Mézard”, Le Grand Continent, 25.8.2023
Chú thích:
[1] Isabelle Saint-Mézard là giảng viên tại Viện Địa chính trị Pháp tại Đại học Paris 8. Trước đây bà từng làm nhà nghiên cứu cho Dự án Trung Quốc-Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á/Viện Nhân văn, tại Đại học Hồng Kông. Bà cũng là nhà phân tích về Nam Á cho Phái đoàn về các vấn đề chiến lược của Bộ Quốc phòng Pháp. Nghiên cứu của bà tập trung vào nền địa chính trị của Nam Á, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề an ninh và quốc phòng ở Ấn Độ. Bà cũng giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Chính trị ở Paris (ND).
[2] Từ một ý tưởng được ngân hàng Goldman Sachs đề xuất lần đầu tiên vào năm 2001, nhấn mạnh đến mức phát triển nhanh của các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung quốc và tiên đoán rằng các nước này sẽ bắt kịp các nước trong nhóm G7, các nước này đã quyết định thành lập nhóm BRIC vào năm 2009 như là đối trọng của nhóm G7, có khả năng tranh giành quyền lực với G7 trên toàn thế giới để xác định một trật tự quốc tế mới. BRIC đã kết nạp thêm Nam Phi (South Africa) để trở thành BRICS. Những quyền lợi khác nhau, thậm chí đôi khi mâu thuẫn với nhau của 6 nước này khiến cho nhóm BRICS không đạt được sự đồng nhất. Mới đây, vào tháng 8 năm 2023, nhóm BRICS đã quyết định kết nạp thêm 6 nước - Iran, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - trong số rất nhiều nước rất muốn gia nhập nhóm (ND).
[3] Diễn đàn đối thoại IBAS (Ấn Độ, Brazil và Nam Phi), còn được gọi là G3, là một diễn đàn thảo luận ba bên được chính thức hóa trong Tuyên bố Brasilia ngày 6 tháng 6 năm 2003. Ba quốc gia này nhắm mục đích tăng cường hợp tác Nam-Nam, đặc biệt là ở thượng nguồn các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại quốc tế (ND).
http://www.phantichkinhte123.com/2023/09/ve-phia-minh-o-khong-con-trong-oi-ieu.html#more
Không có nhận xét nào