Header Ads

  • Breaking News

    Uan Tieu -Đôi lời về ca khúc: Những đồi hoa sim

    Sài-gòn, ngày 02/09/2021.

    "  Khóc vợ là sai trái chăng? Nếu không có một chút tình cảm nào dành cho chính cái gia đình của mình thì trái tim ấy liệu có còn khe hẹp nào để yêu thương kẻ khác nữa hay không? Cái đạo ngược thường trái lý đến như vậy mà thiên hạ vẫn cho là lý tưởng, là chân lý được hay sao? Ai hận thù ai, ai hằn học ai, trong khi người miền Nam đón nhận và trân trọng tất cả từ phe đối lập mà họ gọi là đồng bào, là một nhà thân ái."

    Tác giả Dzũng Chinh, tên thật là Nguyễn Bá Chính, ông sinh ra tại vùng đất Khánh Hòa, sau đó vào học đại học Luật-khoa tại Sài-gòn. Năm 1965 thì nhập ngũ rồi tử trận lúc 27 tuổi.
    Đồng đội có kể về điềm gỡ của ông, trước ngày hành quân thì ông có nhận giấy báo của quân cảnh gọi trình diện do xích mích với nhóm lính thuộc đơn vị khác. Ông nói:
    - Kỳ này tao đi luôn, xem thử lấy ai mà trình diện!
    Vậy mà ông đi thật…


     Về ca khúc được ông phổ nhạc từ bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, nhà thơ lại là một quân nhân phục vụ phía Bắc-quân. Cũng chính vì bài này mà Hữu Loan bị “phê bình” rồi mất hết danh phận và chịu sự quản thúc của chính quyền vì cái tội dám “khóc vợ”, bởi vì người cách-mạng là phải chí công vô tư, tức là không cha con, anh em, vợ chồng gì hết mà phải một lòng vì đại cuộc. Bài thơ được chép tay truyền vào Nam vì bị cấm lưu hành trên đất Bắc. Về sau nhà thơ về Thanh Hóa làm thợ đẽo đá, hằng ngày người thợ ấy chở đá trên xe cút-kít đem bán kiếm tiền sinh nhai. Sau khi hòa bình lập lại và mãi đến khi chấm dứt thời kỳ “bế quan tỏa cảng” thì người phu đá ấy được một nhóm trí thức miền Nam đưa vào Sài-gòn dạo chơi, tình cờ người phu đá nghe một gã phế binh ăn mày hát “Những đồi hoa sim”. Đó là lần đầu tiên, lần đầu tiên sau 40 năm người phu đá mới biết bài thơ đã được đối thủ phổ nhạc giữa lúc triền miên khói lửa, giữa lúc hận thù chia rẽ Bắc-Nam đang dâng cao. Rồi người phu đá bật khóc, một loại nước mắt khó lòng tả nổi cho những ai không phải là ông!
     Ta hãy nghe Dzũng Chinh:

    (Núi Chà Bang – nơi Dzũng Chinh nằm xuống)
    “Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt.
    Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
    Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến.
    Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay.
    Từ nơi chiến trường Đông Bắc đó,
    lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi.”
     Hoa sim với sắc tím phủ trên một dãy đồi, đó là một khung cảnh đẹp hữu tình nhưng cớ sao cái màu tím ấy như buổi chiều hoang biền biệt? Một sắc màu yêu thích của người con gái tóc còn búi vai, một hình ảnh làm động lực cho kẻ xông pha nơi chiến tuyến không hẹn ngày về. Chàng khí phách hùng cường còn nàng mang nét thánh thiện ấy vậy mà duyên cớ gì lại sụp đổ như hoàng hôn tắt sau đồi.
    “Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân
    tím chiều hoang biền biệt.
    Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi.
    Phút cuối không nghe được em nói,
    không nhìn được một lần, dù một lần đơn sơ.
    Để không chết người trai khói lửa
    mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì”
     Thật là trái ngang đến dường nào, người trai xông pha lửa đạn ấy lại không chết mà chết người em nhỏ hậu phương, niềm tin yêu hy vọng đó lại ra đi đang lúc xuân thì. Phút cuối không được gặp nhau một lần, dù chỉ một lần đơn sơ khi hung tin được đưa tới chiến trường trong một chiều mưa giữa rừng già.
    “Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ.
    Ôi đồi sim tím chạy xa tít lan dần theo bóng tối.
    Xưa, xưa nói gì bên em
    một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên.
    Nói, nói gì cho mây gió
    Một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết” 

    Để rồi ngày trở về nhìn thấy đồi sim chạy dài xa tít mà cuối trời là bóng tối âm u một màu tang tóc, biết nói gì đây, biết nói gì để gửi theo mây gió về trời giữa rừng sim bạt ngàn đi hoài không hết.
    “Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang đến ngồi bên mộ nàng.
    Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới thoáng buồn trên nét mi.
    Khói buốt bên hương tàn nghi ngút trên mộ đầy cỏ vàng
    mà đường về thênh thang.
    Đồi sim vẫn còn trong lối cũ.
    Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều”
     Nhớ lại ngày hợp hôn, mới đây thôi nàng không may áo cưới nhưng chỉ có nét buồn thoáng qua. Bởi niềm tin và hy vọng chiếm trọn tim nàng, được tự do yêu thương, được tự do mưu cầu cuộc sống vẫn là một hạnh phúc lớn lao nhất của một đời người cho dù phải trải qua bao gian lao khốn khó.
     Ngồi bên mộ phủ đầy cỏ úa vàng trong làn khói sương buốt lạnh, sắc sim làm tím cả một chiều hoang vắng. Sim vẫn tím như xưa, đồi vẫn còn theo lối cũ nhưng giờ bóng tối đang chiếm dần bởi người em gái yêu màu tím ấy không còn nữa, vắng em là cả một rừng sim trở nên tiêu điều.
     Khóc vợ là sai trái chăng? Nếu không có một chút tình cảm nào dành cho chính cái gia đình của mình thì trái tim ấy liệu có còn khe hẹp nào để yêu thương kẻ khác nữa hay không? Cái đạo ngược thường trái lý đến như vậy mà thiên hạ vẫn cho là lý tưởng, là chân lý được hay sao? Ai hận thù ai, ai hằn học ai, trong khi người miền Nam đón nhận và trân trọng tất cả từ phe đối lập mà họ gọi là đồng bào, là một nhà thân ái.
    Sài-gòn, ngày 02/09/2021.

    Mời đọc thêm:

    Nhà thơ Hữu Loan, tình sử “Màu tím hoa sim” và cuộc sống bất khuất

    https://docs.google.com/document/d/1IrKYTks3sMkIFK_aybX12DhT6yrReO_3WMtJd8HiGlI/edit?usp=sharing

    Nhạc sĩ Dzũng Chinh – tác giả “Những Đồi Hoa Sim” chết trên đồi hoa sim

    https://docs.google.com/document/d/17snJjmgJwqWmAiPkavioCKW6AiOWAPubMLdhWD9AcvE/edit?usp=sharing


    Không có nhận xét nào