Trong một buổi tọa đàm (“Về Tư Cách Trí Thức Việt Nam”) ở Berlin – vào năm 2000 – nhà văn Phạm Thị Hoài đã phát biểu “ngoài lề” khiến cho vài người tham dự mất vui, và số đông còn lại thì rất mất lòng:
“Nhân đây cũng xin nói ngoài lề là cái tinh thần rất nổi tiếng và thường xuyên được ca ngợi rằng, người Việt hiếu học, cha mẹ muốn con hay chữ, yêu thầy, theo tôi một phần cũng rất đáng kể xuất phát từ tinh thần yêu địa vị và trọng quyền lực. Nếu chữ nghĩa không mở ra được một triển vọng thơm tho như vậy, một người đi học thi đỗ làm quan thì cả họ được nhờ, tôi tin rằng cái sự hiếu học kia chắc chắn là giảm đi đáng kể.”
Diễn giả, nói nào ngay, không có chi sai trật cả (chỉ hơi thiếu tế nhị chút xíu thôi) nhưng sự thật vốn dễ mất lòng nên bà đã nhận được khá nhiều gạch đá, từ khắp bốn phương.
Mà sự thật nào chỉ có thế. Tính vị lợi của người Việt không chỉ thể hiện qua “cái chí làm quan”! Họ còn “đầu tư công ̣đức” theo kiểu “tu nhân tích đức nữa cơ. Cứ thử nghe chơi đôi ba câu ca dao, tục ngữ, hay thành ngữ của dân tộc này xem:
Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời về sau
Có đức mặc sức mà ăn
Làm phước để đức cho con cháu
Cách làm phước có cả đất lẫn trời chứng dám, thiên hạ quan chiêm, được ưa chuộng và phổ biến nhất nhất hiện nay là thả chim hay thả cá. Phóng sinh, tuy thế, đang bị rất nhiều người càm ràm (hay chỉ trích) tưng bừng. Xin phép được trích dẫn năm ba, theo thứ tự alphabétique:
Thảo Dân: “Bắt bất cứ con gì rồi đem thả ra để cầu lợi lạc đều là hành động hủy diệt môi trường và hiểu sai nghĩa của từ ‘phóng sinh”.
Thái Hạo: “Người ta đang tự do, đi bắt nhốt lại, đốt hương khói nghi ngút, khiến cho thân tàn ma dại, rồi mang thả ra, đó là làm cho khốc hại, là hiện thân của cái ác, chứ không có chút từ bi nào cả.”
Trương Nhân Tuấn: “Trước đạo pháp, hành vi ‘phóng sinh’ của các chùa quốc doanh trở thành một ‘tội ác’. Trước thiên nhiên, chuyện phóng sinh (kiểu chùa VN) là hành vi tàn phá môi sinh, làm đảo lộn tuần hoàn của hệ sinh thái địa cầu.”
Mạc Văn Trang: “Cách ‘diễn trò phóng sinh’ như các chùa làm hiện nay đã và đang bị rất nhiều người lên án: Đó là tội ác chứ không phải phóng sinh!”
Đúng là chúng khẩu đồng từ, ngoại trừ FB Trà Đóa. Tương tự như nhà văn Phạm Thị Hoài, trong buổi tọa đàm ở Berlin hơn 20 năm trước, nhân vật này cũng vừa phát biểu hơi bị lạc đề: “Chỉ dân tộc này mới cần phóng sinh, bị nhốt lâu quá rồi.”
Nghe thiệt mất lòng nhưng xem ra thì quả là không trật. Tuy không phải là “đối tượng” của tệ trạng phóng sinh nhưng đại đa số dân Việt lại là nạn nhân của một thứ nhân tai khác, chiến tranh giải phóng, và không chỉ một lần.
Họ đang sống tự do, chả khác chi chim trời/cá nước, ở một vùng đất an lành (“gạo trắng trăng thanh”) thì bỗng dưng miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Sau đó, sau 30 tháng 4 năm 1975 thì không chỉ hàng triệu người buồn mà còn cả triệu người phải đi tù nữa chớ. Có kẻ bị giam mãi đến 1993 (18 năm trường, dù chương trình “cải tạo” được hứa hẹn chỉ kéo dài độ mười ngày) thì có biết bao nhiêu triệu gia đình tan nát ?
Mà không chỉ đám ngụy quân, ngụy quyền (hay đám ngụy dân) mới bị gạt ra ngoài bản hòa ca Bắc/Nam thôi đâu. Tuy chiến tranh đã chấm dứt nhưng hòa bình, xem ra, cũng không được an lành gì cho lắm. Đời sống của phần lớn mọi người bỗng trở nên khó khăn, khó thở, và xáo trộn “như một bầy ong vỡ tổ” – theo như lời than thở của FB Mai Thị Mùi:
“Đất nước thống nhất nhưng cuộc sống người dân như bầy ong vỡ tổ. Người ta lăn xả ra đường tìm kế sinh nhai, bán, buôn, đổi chác tất cả những gì có thể. Hàng hoá thiếu thốn, ngăn sông cấm chợ, quy định, luật lệ lộn tùng phèo tạo nên một xã hội xô bồ mạnh ai nấy buôn, mạnh ai nấy bán. Không khí đất nước những năm tháng ấy như căn phòng đóng kín cả cửa đi lẫn cửa sổ. Nó ngột ngạt, tù túng như vậy hãm con người ta trong ngục tù.”
Bà Mùi có quá lời không?
Hổng dám quá đâu!
Rảnh: hãy nghe thêm đôi lời thống thiết của một phụ nữ khác, một chiến sỹ thuộc đoàn quân giải phóng – nhà văn Dương Thu Hương: “Vào miền Nam tôi khóc vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ.”
Bà không phải là người duy nhất ở Bên Thắng Cuộc đã ngậm ngùi rơi lệ trước một cảnh tượng bẽ bàng. Nhà thơ Phan Huy cũng thế:
Trước mắt tôi, một Miền Nam sinh động
Đất nước con người dân chủ tự do
Tôi đã khóc ròng đứng giữa thủ đô
Giận đảng giận đoàn bao năm phỉnh gạt
Với thời gian, mọi “phỉnh gạt” đều dần được phơi bầy. Tiến sĩ Lê Hiển Dương, nguyên hiệu trường Đại Học Đồng Tháp, một nhân vật tuy thuộc thế hệ sau nhưng cũng cảm thấy áy náy và bất an không kém:
“Rồi những trận đổi tiền để đánh tư sản, rồi nhiều nhà cửa của đồng bào bị tịch biên, rồi hàng triệu đồng bào bắt đầu bỏ nước ra đi, nhiều giáo sinh của trường chúng tôi cũng vắng dần theo làn sóng đi tìm tự do đó. Tôi bắt đầu hiểu đích thực ý nghĩa của cụm từ ‘giải phóng miền Nam’ và bắt đầu cảm thấy xấu hổ cho bao nhiêu năm sống trong niềm ảo vọng mù quáng của bản thân… mà dù ở chừng mực nào cũng được xem là thành phần trí thức trong xã hội.”
Mà đó có phải là lần đầu cái dân tộc này phải trải qua một cuộc “bể dâu” đâu. Hồi tháng 10 năm 54 cũng thế:
Lê Phú Khải: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những ngày ảm đạm, u ám của những cuộc ‘đấu tranh giai cấp’, của cải cách ruộng đất, của cải tạo tư sản, đấu tố …”
Nguyễn Văn Luận: “Hà Nội im lìm trong tiết đông lạnh giá, người Hà Nội e dè nghe ngóng từng ‘chính sách’ mới ban hành… Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải ‘cung cấp’ một năm theo ‘từng người trong hộ’. Mẹ may thêm chiếc quần ‘đi lao động’ thì con nít cởi truồng.”
Bùi Ngọc Tấn: “Quản lý chặt dạ dày, hộ khẩu, duy trì tình trạng thiếu đói cả ở nông thôn và thành phố, chia nhau từng mét chỉ, nửa cây kim, nửa cái bát sành…”
Từ 1954 đến 2023 là một khoảng thời gian không ngắn, vừa đủ cho cả mấy thế hệ luôn. Có lẽ FB Trà Đóa nói đúng: “Cả dân tộc này mới cần được phóng sinh, họ bị nhốt lâu quá rồi.” Lâu đến mức mà hầu như không ai còn nhớ rằng mình đang bị giam cầm nữa.
Không có nhận xét nào