Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc đưa tiêm kích tàng hình J-20 đến quần đảo Trường Sa?

    Duan Dang

    28/9/2023




    Chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc

    Quần đảo Trường Sa

    Trong bài phát biểu được chuẩn bị trước cho phiên điều trần về Biển Đông của Tiểu ban Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Nam Á và Nam Á Lindsey Ford cho biết Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ tàng hình J-20 đến quần đảo Trường Sa.




    “Kể từ đầu năm 2018, chúng tôi chứng kiến Trung Quốc dần dần trang bị cho các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa – bao gồm Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập –một loạt năng lực quân sự ngày càng tăng, bao gồm tên lửa hành trình chống hạm hiện đại, các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, máy bay chiến đấu tàng hình J-20, thiết bị gây nhiễu và laser cũng như năng lực tình báo tín hiệu và radar quân sự”.

    Bài phát biểu này sẽ được bà Lindsey Ford trình bày trong phiên điều trần “Laser và vòi rồng: Vạch trần sự quấy phá của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Biển Đông” do Tiểu ban Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức vào ngày 28.9 (giờ Mỹ).

    Chi tiết nói trên chỉ được cung cấp trong một cuộc điều trần nên không có thông tin cụ thể về thời gian cũng như vị trí cụ thể.

    Việc Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa đối hạm và đất đối không, cũng như các hệ thống gây nhiễu và radar từng được đề cập nhiều lần trước đó, nhưng đây là lần hiếm hoi một quan chức Mỹ khẳng định về việc Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-20 đến các thực thể ở quần đảo Trường Sa.

    Vào tháng 3.2022, hãng AP từng dẫn lời Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đô đốc John C. Aquilino nói rằng Trung Quốc từng triển khai chiến đấu cơ đến Trường Sa, nhưng vấn đề này không được đào sâu. Đến nay bà Ford mới chính thức xác nhận Trung Quốc từng đưa J-20 đến Trường Sa.

    Cũng cần phân biệt giữa việc chiến đấu cơ được triển khai tuần tiễu ở quần đảo Trường Sa, vốn là việc làm thường xuyên của Trung Quốc, với việc chiến đấu cơ thực sự hạ cánh ở các sân bay trên các thực thể hoặc được đồn trú luân phiên trong các căn cứ tại đây.

    Phát biểu của bà Ford về việc “trang bị” gợi ý J-20 được triển khai đồn trú, song vẫn chưa rõ nó hiện diện bao lâu và trong thời điểm nào.

    Dẫu thế nào, đây là một sự leo thang đáng chú ý của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa giữa lúc căng thẳng ở khu vực vẫn đang leo thang.

    Bãi cạn Scarborough

    Hai ngày sau khi Tuần duyên Philippines thông báo việc tháo dỡ đoạn dây phao chặn lối vào Bãi cạn Scarborough ngày 25.9, Hải cảnh Trung Quốc cũng đã đưa ra tuyên bố về sự việc này.

    Trong tuyên bố, Hải cảnh Trung Quốc nói rằng họ tạm thời thả dây phao để ngăn chặn một tàu thuộc Cục Ngư nghiệp của Philippines tiến vào bên trong đầm phá. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ đã chủ động thu hồi dây phao một ngày sau đó. Hải cảnh Trung Quốc cũng khẳng định việc Philippines thông báo tháo dỡ dây phao là hoàn toàn dàn dựng.




    Hình ảnh do Hải cảnh Trung Quốc công bố

    Phía Philippines vẫn chưa đưa ra phản ứng với tuyên bố mới nhất của phía Trung Quốc, song những sự kiện ở bãi Scarborough vẫn nhận đang là tâm điểm chú ý của dư luận như là một trong những điểm nóng đối đầu tiềm tàng.

    Trung Quốc họp Bộ Chính trị

    Ngày 27.9, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc mở phiên họp để xem xét báo cáo về đợt kiểm tra kỷ luật đầu tiên kể từ Đại hội Đảng lần thứ 20. Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ này Bộ Chính trị Trung Quốc không đưa ra thông báo về việc triệu tập hội nghị Trung ương 3 như dự kiến.

    Phó chủ nhiệm Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp vẫn có mặt trong các phiên họp Bộ Chính trị ngày 28.9. Tuy nhiên, hai ủy viên Quốc vụ là Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và cựu Ngoại trưởng Tần Cương vắng mặt trong phiên học tập tập thể của Bộ Chính trị về cải cách WTO diễn ra cùng ngày.

    Tuy đã bị bãi nhiệm chức ngoại trưởng song ông Tần Cương vẫn còn là ủy viên Quốc vụ trong khi ông Lý Thượng Phúc vắng mặt gần một tháng qua giữa lúc truyền thông phương Tây dẫn nhiều nguồn tin cho biết ông này đang bị điều tra.

    Tin đồn:

    Trong bài viết ngày 27.9, tờ Minh báo ở Hồng Kông cho biết tin tức về cuộc điều tra ông Lý Thượng Phúc nhiều khả năng sẽ được công bố trong những ngày sắp tới. Tờ báo này viết rằng ngoài ông Lý, các sĩ quan cấp cao bị điều tra còn bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa và hai phó cục trưởng Cục Phát triển trang bị là các ông Hạ Thanh Nguyệt và Nhiêu Văn Mẫn. Ngoài ra, tư lệnh Hạm đội Bắc Hải Vương Đại Trung cũng được cho là bị điều tra cùng với hàng loạt lãnh đạo của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng.

    Trong số này, Hạ Tuyết Thanh từng là chủ nhiệm văn phòng của ông Trương Hựu Hiệp thời ông này còn là Cục trưởng Cục Phát triển trang bị. Ông Vương Đại Trung trước đây từng là Cục phó Cục Hỗ trợ hậu cần.

    Cũng theo các tin đồn, trong đợt sắp xếp nhân sự sắp tới, Tổng tham mưu trưởng Lưu Chấn Lập có khả năng thay thế ông Lý Thượng Phúc, còn Tư lệnh Không quân Thường Đinh Cầu sẽ thay ông Lưu. Phó tổng tham mưu trưởng Cảnh Kiến Phong sẽ thay ông Thường đảm nhiệm tư lệnh không quân. Ngoài ra, Tư lệnh chiến khu Nam Bộ Vương Tú Bân có khả năng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Chi viện chiến lược. Cấp phó và là Tư lệnh Lục quân của chiến khu Nam bộ Hồ Trung Cường sẽ thay thế ông Vương.


    Không có nhận xét nào