Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ tố Trung Quốc thao túng truyền thông toàn cầu
29/9/2023
Một trang phúc trình của Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trung tâm nói Bắc Kinh thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài để thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu.
Trung Quốc đang thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu thông qua kiểm duyệt, thu thập dữ liệu và âm thầm mua các hãng tin nước ngoài, Hoa Kỳ tố cáo ngày 28/9 và cảnh báo xu hướng này có thể dẫn đến “sự thu hẹp mạnh mẽ” quyền tự do ngôn luận toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo rằng Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đô la hàng năm cho các nỗ lực thao túng thông tin, bao gồm cả việc mua cổ phần của các phương tiện truyền thông nước ngoài thông qua “các phương tiện công cộng và phi công cộng”, tài trợ cho những người có ảnh hưởng trực tuyến và thủ đắc các thỏa thuận phân phối mà qua đó quảng bá nội dung cho chính phủ Trung Quốc.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận. Vào tháng 7 năm nay, Bắc Kinh phản ứng với thông cáo của NATO cáo buộc nước này thực hiện các chính sách cưỡng ép và truyền bá thông tin sai lệch khi nói rằng thông cáo của NATO coi thường sự thật cơ bản, cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc và bóp méo chính sách của nước này.
Phúc trình của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh đang có tranh cãi về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát, đặc biệt là khi cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách chống lại những hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc mà họ cảm thấy đang được truyền thông thế giới lan truyền.
Trích dẫn các báo cáo công khai và “thông tin chính phủ mới thu được”, Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Bắc Kinh đã tạo ra hệ sinh thái thông tin của riêng mình bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị nước ngoài và các nhà báo nước ngoài. Trung Quốc cũng đã đầu tư vào mạng vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển nào ưu tiên nội dung truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Trung tâm này cho biết việc thu thập dữ liệu của Trung Quốc ở nước ngoài “đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh việc kiểm duyệt toàn cầu bằng cách nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức cụ thể”.
Phúc trình nói: “Nếu cứ để như vậy, những nỗ lực của Bắc Kinh có thể dẫn đến .... sự thu hẹp mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận toàn cầu”.
Theo phúc trình, bất chấp nguồn lực chưa từng có dành cho chiến dịch này, Bắc Kinh đã gặp phải “những thất bại lớn” khi nhắm mục tiêu vào các nước dân chủ vì bị truyền thông địa phương và xã hội dân sự đẩy lùi.
Úc cải tổ quân đội, tăng cường năng lực tấn công tầm xa
Thùy Dương /RFI
28/9/2023
Chính quyền Canberra hôm qua 27/09/2023 công bố kế hoạch cải tổ quân đội Úc, phát triển năng lực mới về tấn công tầm xa, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng.
Ảnh tư liệu: Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles trả lời báo chí tại Đối thoại Shangri-La, Singapore, ngày 12/06/2022. REUTERS - CAROLINE CHIA
Bộ trưởng Quốc Phòng Richard Marles nói với báo giới ở Townsville, miền đông bắc Úc : « Đây là một bước quan trọng đối với quân đội của chúng ta, nhằm xây dựng một đội quân có năng lực tấn công ngoài lãnh thổ. Bộ trưởng Richard Marlesxem công cuộc tái cơ cấu lần này là « nền tảng » để « xây dựng một quân đội cần thiết cho tương lai của Úc ».
Theo AFP, cuộc cải cách lực lượng vũ trang của Úc được thông báo sau khi bản Đánh giá chiến lược hồi tháng 07/2023 kêu gọi chính quyền Canberra thông qua biện pháp răn đe tầm xa với các hỏa tiễn, tàu ngầm và các phương tiện mạng, nhằm ngăn chặn kẻ thù từ xa. Thông báo hôm qua của bộ trưởng Richard Marles nêu tên Trung Quốc, nhưng Đánh giá chiến lược hồi tháng 7 của Úc xem kế hoạch củng cố năng lực quân sự của Trung Quốc thời gian qua là kế hoạch tham vọng nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến, khiến cho « nguy cơ leo thang quân sự gia tăng ».
Theo kế hoạch dự trù, quân đội Úc sẽ lập các lữ đoàn chiến đấu chuyên biệt tại ba căn cứ : lực lượng chiến đấu hạng nhẹ, có thể triển khai nhanh chóng ở Darwin (miền bắc), lực lượng hạng nặng hơn được trang bị xe tăng bọc thép ở Townsville (miền đông bắc) và một đơn vị phối hợp cả hai lực lượng tại Brisbane (miền đông).
Quân đội Úc sẽ phát triển khả năng tấn công từ trên không, trên bộ hoặc trên biển, củng cố các căn cứ ở miền bắc và tuyển thêm quân. Hàng ngàn binh sĩ sẽ được tái bố trí trong vòng 5 - 6 năm tới. Một lữ đoàn mới sẽ được thành lập ở Adelaide (miền nam), được trang bị tên lửa tấn công tầm xa và hệ thống phòng không và chống tên lửa.
Xin nhắc lại là hồi năm 2021, Canberra công bố kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân tàng hình tầm xa, có khả năng mang tên lửa hành trình, trong khuôn khổ liên minh quân sự Aukus với Luân Đôn và Washington. Hồi tháng 08/2023, Úc cũng đã ký thỏa thuận mua hơn 200 tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ, trị giá tổng cộng 830 triệu đô la.
Chiến thuật Biển Đông của Trung Quốc khiến Manila quyết đoán hơn
29/9/2023
Tàu đánh cá Philippines neo đậu gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát tại vùng Biển Đông tranh chấp, ngày 21/9/2023.
Động thái táo bạo của lực lượng tuần duyên Philippines trong tuần này công khai cắt bỏ hàng rào phao do Trung Quốc giăng ra gần một đầm phá có tranh chấp ở Biển Đông cho thấy hành động của Bắc Kinh đang thúc đẩy những phản ứng mạnh mẽ như thế nào, theo giới phân tích. Nó cũng có thể giúp tập hợp các quốc gia khác trong khu vực đứng lên chống lại Bắc Kinh.
Ông Joshua Espeña, thuộc Cơ quan Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Philippines, nói: “Chính phủ [Philippines] hiện tại hiểu sự cần thiết phải thúc đẩy sự răn đe tập thể từ chối và trừng phạt với các đối tác sẵn sàng như một chiến lược thích hợp để áp đặt ranh giới đỏ cho Trung Quốc”.
Trung Quốc nói họ đã thả hàng rào phao dài 300 mét gần lối vào Bãi cạn Scarborough để ngăn các tàu cá Philippines tránh xa. Khu vực đánh cá màu mỡ và rạn san hô đang tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng chịu sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc kể từ năm 2012. Vùng đặc quyền kinh tế là khu vực cách bờ biển của bất kỳ quốc gia nào 200 hải lý.
Hàng rào phao được giăng ra vào cuối tuần trước nhưng đến ngày 26/9, Philippines thông báo chúng đã được dỡ bỏ. Ngay sau đó, lực lượng tuần duyên Philippines đã tung ra một video trên X, trước đây gọi là Twitter, cho thấy một thợ lặn dùng dao cắt đứt hàng rào phao.
Tập hợp ủng hộ
Đây không phải là lần đầu tiên Philippines công bố video nêu bật điều mà các chuyên gia gọi là hoạt động vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào tháng 8 vừa qua, lực lượng tuần duyên Philippines đã chia sẻ đoạn phim ghi lại cảnh một tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào một tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho chiếc tàu chiến thời Thế chiến thứ hai, Sierra Madre, mà Manila cố tình neo đậu tại Bãi Cỏ Mây như một tiền đồn quân sự nhằm bảo vệ yêu sách lãnh thổ của mình.
Một số nhà phân tích cho rằng, các hoạt động vùng xám ám chỉ việc sử dụng các chiến thuật tấn công quân sự và phi quân sự để đe dọa hoặc ép buộc, và quyết định của Manila công khai các hành động của Trung Quốc có thể giúp huy động sự ủng hộ từ công chúng Philippines và các đồng minh quốc tế.
“Để đẩy lùi Trung Quốc,” ông Ray Powell, giám đốc SeaLight tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot tại Đại học Stanford, nói với VOA qua điện thoại, Manila “cần có người dân đứng sau và họ phải xây dựng một căn cứ ủng hộ quốc tế.”
Những nỗ lực của Manila nhằm bảo vệ khu kinh tế của mình cũng bao gồm việc sử dụng các tàu hải quân lớn hơn cho các nhiệm vụ tiếp tế quanh Bãi Cỏ Mây và tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên hoặc tuần tra hàng hải với các quốc gia có cùng quan điểm, trong đó có Mỹ và Australia. Một số nhà quan sát cho rằng những biện pháp này sẽ buộc Bắc Kinh phải xem lại chiến thuật cưỡng ép chống lại Philippines.
Ông Collin Koh, học giả quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Có một sự gia tăng rõ ràng trong việc lôi kéo các cường quốc thân thiện để xây dựng sức mạnh tập thể”. “Nó dường như có tác dụng buộc Trung Quốc phải tính toán lại và điều chỉnh lại các động thái của họ trong tương lai”.
Tuy nhiên, ông Espeña nói ông tin rằng căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila sẽ không dừng lại cho đến khi một bên đầu hàng.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc đủ nhu mì để tự đặt ra ranh giới đỏ cho chính mình,” ông nói với đài VOA và cho biết ông dự kiến Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ kinh tế, ngoại giao, thông tin và quân sự để răn đe các đối tác Philippines.
Trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 27/9, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải đối với rạn san hô đang tranh chấp mà Trung Quốc gọi là “Hoàng Nham Đảo”.
Cùng ngày, Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông đưa ra cảnh báo về các cuộc tập trận theo kế hoạch ở các khu vực trên Biển Đông dự kiến vào ngày 28/9. Trong một tuyên bố, chính quyền cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra vào buổi sáng và buổi tối. Không có thông tin chi tiết nào được công bố về địa điểm của cuộc tập trận.
Để chống lại cam kết của Bắc Kinh trong việc bảo vệ lợi ích lãnh thổ xung quanh rạn san hô đang tranh chấp, lực lượng tuần duyên Philippines kêu gọi ngư dân Philippines tiếp tục hoạt động trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra ở Bajo de Masinloc và các khu vực khác có sự hiện diện của ngư dân Philippines”, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines, Phó Đề Đốc Jay Tarriela, nói với một đài phát thanh địa phương hôm 27/9, theo Reuters.
Hiệu ứng
Trong lúc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines có thể tiếp tục kéo dài, các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng đã đưa ra khiếu nại về việc Bắc Kinh liên tục bành trướng.
Bloomberg đưa tin hôm 27/9 rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Bắc Kinh lắp đặt hai trạm nhận dạng tàu tự động ở quần đảo Hoàng Sa, một chuỗi đảo tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ lâu.
Mặc dù còn một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông Koh tại Singapore cho biết các nước như Malaysia và Indonesia không sẵn sàng đối đầu quyết liệt với Trung Quốc như Manila đã và đang làm.
Ông nói với đài VOA: “Họ dường như không muốn gây hấn với Trung Quốc”.
Nếu Philippines đẩy lùi thành công các hoạt động vùng xám của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có thể học theo chiến thuật của Manila trong tương lai.
Ông Koh nói: “Nếu người Trung Quốc không thành công trong việc định hình cách hành xử của Philippines thì có thể xảy ra hiệu ứng domino ở Đông Nam Á”. “Các nước Đông Nam Á khác có thể lấy cảm hứng từ những gì Manila đang làm và họ có thể làm điều tương tự chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó sẽ trở thành vấn đề rất lớn đối với Bắc Kinh.”
Ngày 28/9, tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, Lindsey Ford, nói việc Philippines dỡ bỏ hàng rào phao của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough là “một bước đi táo bạo trong việc bảo vệ chủ quyền của chính họ”.
Kim Jong Un kêu gọi tăng sản xuất vũ khí hạt nhân để đối phó với ‘Chiến tranh Lạnh mới’
29/9/2023
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un họp Bộ Chính trị Đảng Lao dộng Triều Tiên ngày 20/9/2023.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi đất nước tăng cường gấp bội sản xuất vũ khí hạt nhân và phấn đấu để đóng vai trò lớn hơn trong liên minh các quốc gia đối đầu với Hoa Kỳ trong cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, truyền thông nhà nước loan tin ngày 28/9.
Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên cho biết ông Kim đã đưa ra lời kêu gọi này trong phiên họp kéo dài hai ngày của quốc hội. Quốc hội Triều Tiên cũng vừa tu chính hiến pháp để bao gồm chính sách mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân của ông Kim.
Phiên họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao vào ngày 26/9 và 27/9 diễn ra sau khi ông Kim tới Viễn Đông của Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và thăm các địa điểm quân sự và công nghệ.
Chuyến đi làm dấy lên mối lo ngại của phương Tây về một liên minh vũ khí tiềm năng, trong đó Triều Tiên sẽ cung cấp cho ông Putin những loại đạn dược cần thiết để thúc đẩy cuộc chiến với Ukraine để đổi lấy viện trợ kinh tế và các công nghệ tiên tiến của Nga nhằm tăng cường hệ thống phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên.
Khi Triều Tiên dần dần chấm dứt lệnh phong tỏa vì đại dịch, ông Kim đã tích cực tăng cường quan hệ đối tác với Moscow và Bắc Kinh trong lúc cố gắng thoát ra khỏi sự cô lập ngoại giao và tham gia một mặt trận thống nhất chống lại Washington. Ông mô tả thế giới đang bước vào cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” và Triều Tiên nên tăng cường năng lực hạt nhân để đáp trả.
Các bản tin của KCNA về bình luận của ông Kim được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên xác nhận việc thả binh nhì Hoa Kỳ Travis King, hai tháng sau khi ông ta chạy qua biên giới đi vào lãnh thổ Triều Tiên.
Việc trục xuất tương đối nhanh chóng ông King đã đi ngược lại những đồn đoán rằng Triều Tiên có thể kéo dài thời gian giam giữ ông để ép Mỹ nhượng bộ, và có thể phản ánh sự không quan tâm của Triều Tiên trong ngoại giao với Washington.
KCNA cho biết các thành viên quốc hội đã nhất trí thông qua một điều khoản mới trong hiến pháp nhằm “đảm bảo quyền tồn tại và phát triển của đất nước, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình khu vực và toàn cầu bằng cách nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân lên cấp độ cao hơn”.
Ông Kim nói trong bài phát biểu tại hội nghị: “Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đã được coi là vĩnh viễn như luật cơ bản của nhà nước, không ai được phép coi thường với bất cứ điều gì”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải “thúc đẩy công việc tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân”, KCNA loan tin.
Ông Kim chỉ ra điều mà ông mô tả là mối đe dọa ngày càng tăng do một nước Mỹ thù địch gây ra và việc nước này mở rộng hợp tác quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản, cáo buộc họ tạo ra “phiên bản châu Á của NATO, nguyên nhân sâu xa của chiến tranh và xâm lược”.
Ông nói: “Đây là mối đe dọa thực tế tồi tệ nhất, không phải luận điệu đe dọa hay một thực thể tưởng tượng”.
Ông Kim kêu gọi các nhà ngoại giao của mình “tăng cường hơn nữa tình đoàn kết với các quốc gia chống lại chiến lược bá quyền của Mỹ và phương Tây”.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nơi xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên, nói việc sửa đổi hiến pháp của Triều Tiên xác nhận ông Kim không sẵn lòng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và cam kết kiên định của ông trong việc phát triển kho vũ khí đó. Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác quốc tế khác để tăng áp lực lên Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trong lúc Triều Tiên bắn thử hơn 100 phi đạn kể từ đầu năm 2022 và Mỹ mở rộng các cuộc tập trận với các đồng minh châu Á để đáp trả.
Năm ngoái, quốc hội Triều Tiên đã thông qua học thuyết hạt nhân mới đưa vô thành luật, cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu nếu giới lãnh đạo Triều Tiên được xem là đang bị đe dọa.
Cha con Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn bị cảnh sát bắt
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Evergrande Group. (Ảnh: Song Bilong / Epoch Times)
Như tin đã đưa trước đó, thông tin Chủ tịch Evergrande Group Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) bị cảnh sát bắt giữ được loan truyền đã thành sự thật. Hôm 28/9, China Evergrande đưa ra thông báo cho biết ông Hứa Gia Ấn “do liên quan đến vi phạm pháp luật, nên đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo pháp luật”. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, con trai thứ hai của ông Hứa Gia Ấn là Hứa Đằng Hạc (Xu Tenghe) cũng bị cảnh sát bắt đi.
Sáng ngày 28/9, ba doanh nghiệp thuộc Evergrande Group bao gồm China Evergrande, Evergrande Automobile và Evergrande Property Services đã đưa ra thông báo khẩn cấp nửa giờ trước khi thị trường mở cửa, cho biết giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông sẽ tạm dừng trong thời gian ngắn.
Vào tối cùng ngày, China Evergrande đã đưa ra thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, cho biết: “Công ty đã nhận được thông báo từ các bộ phận liên quan rằng ông Hứa Gia Ấn, giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty, đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo pháp luật, do nghi ngờ vi phạm pháp luật và tội phạm. Cổ phiếu của công ty sẽ bị tạm dừng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán lúc 9h sáng ngày 28/9/2023 và sẽ tiếp tục đình chỉ giao dịch cho đến khi có thông báo mới.”
Thông báo của Evergrande. (Ảnh chụp màn hình)
Theo trang tin Yicai tại Trung Quốc Đại Lục, vào rạng sáng, “ông Hứa Gia Ấn bị đánh thức bởi tiếng động bất ngờ tại nơi ở. Sau đó, ông được đưa đi để ‘hỗ trợ điều tra’” và “toàn bộ quá trình diễn ra bình tĩnh và nhanh chóng”. Tuy nhiên, vào ngày 27/9, trang Sohu dẫn lời các nhân chứng cho biết ông Hứa Gia Ấn đã bị còng tay đưa đi, nguyên nhân là ông và các vệ sĩ đã “đối đầu gay gắt” với cảnh sát.
Một chuyên gia luật hình sự nói với truyền thông Trung Quốc 21st Century Business Herald rằng nội dung thông báo của Evergrande Group rất rõ ràng. Công ty này có lẽ đã nhận được một thông báo nêu rõ ông Hứa Gia Ấn có “liên quan đến vi phạm pháp luật và phạm tội”, đồng thời bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Suy đoán theo lý thông thường thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế có sự khác biệt với “giám sát tại nơi cư trú” mà trước đó truyền thông nước ngoài loan truyền chưa đúng.
Chuyên gia này cho biết, trong bối cảnh cuộc điều tra trước đây của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đối với Evergrande Group và các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với người phụ trách của Evergrande Financial Wealth Management – Đỗ Lượng – thì thông tin ông Hứa Gia Ấn liên quan đến vi phạm pháp luật và phạm tội không khiến nhiều người ngạc nhiên. Đánh giá từ những thông tin công khai hiện nay, những vấn đề mà ông Hứa dính líu có thể liên quan đến nhiều tội, chúng rất phức tạp và có thể mất khá nhiều thời gian để làm rõ.
Trước đó, nhiều quản lý cấp cao của Evergrande đã bị đưa đi điều tra. Trang tin Yicai dẫn lời những người trong cuộc nói rằng con trai thứ hai của ông Hứa Gia Ấn là Hứa Đằng Hạc cũng bị “đưa đi cùng”. Có thông tin tiết lộ rằng Hứa Đằng Hạc đã bán một biệt thự trên Đại lộ Sunset ở Los Angeles với giá chiết khấu 12,5 triệu USD vào tháng 12/2021. Hứa Đằng Hạc giữ chức vụ tổng giám đốc của Evergrande Financial Wealth Management, Đỗ Lượng (Du Liang), người bị Cục Công an thành phố Thâm Quyến thông báo về việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế hình sự vào ngày 16/9, là cấp dưới của Hứa Đằng Hạc và là người phụ trách Evergrande Financial Wealth Management. Sau đó, Chu Gia Lân (Zhu Jialin), chủ tịch Evergrande Life Assurance cũng bị đưa đi điều tra.
Theo báo cáo, những người bị bắt đi sớm hơn ông Hứa Gia Ấn và con trai ông, đó là Phan Đại Vinh (Pan Darong), cựu CFO của Evergrande, giám đốc tài chính của tập đoàn và chịu trách nhiệm chính về hoạt động vốn của hệ thống Evergrande; và Tăng Lập Đào (Zeng Litao), cựu chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Evergrande và Evergrande Financial Wealth Management. Lý do hai người này bị cảnh sát bắt liên quan đến tài chính và tài sản. Trước đó vào đầu năm nay, cựu Chủ tịch Evergrande Kha Bằng (Ke Peng), bị điều tra vì liên quan đến các dự án cải tạo cũ. Theo báo cáo của Caixin phiên bản tiếng Anh ngày 24/9, cựu CEO Hạ Hải Quân (Xia Haijun) cũng đã bị kiểm soát hoặc bắt đi.
Vợ cũ của ông Hứa Gia Ấn là bà Đinh Ngọc Mai (Ding Yumei), có danh tính công khai trước đây là chủ tịch hội đồng quản trị của Evergrande. Theo “Danh sách nữ doanh nhân Hurun 2019” do Viện nghiên cứu Hurun công bố hôm 16/10/2019, bà Đinh Ngọc Mai xếp thứ 26 với khối tài sản khổng lồ 17 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cho rằng ông Hứa Gia Ấn và bà Đinh Ngọc Mai đã “ly hôn kỹ thuật” vào năm 2022, đã chuyển cổ tức khổng lồ của công ty ra nước ngoài, và cuối cùng rơi vào túi của “vợ cũ ở nước ngoài” Đinh Ngọc Mai.
Từ vụ nợ của Evergrande Group vào tháng 9/2020, đến cuối tháng 6 năm nay, khoản nợ của Evergrande Group ước tính đã lên tới 328 tỷ USD, trở thành nhà phát triển bất động sản có số nợ cao nhất thế giới.
Theo hãng tin AFP, chỉ vài năm trước, vào năm 2017, ông Hứa Gia Ấn là người giàu nhất châu Á với tài sản ước tính 45,3 tỷ USD. Kể từ khi Evergrande rơi vào khủng hoảng, tài sản của ông đã giảm đáng kể xuống còn 4,3 tỷ USD vào năm 2022, theo Bảng xếp hạng tỷ phú Hurun.
Trí Đạt
Không có nhận xét nào