Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 31 tháng 8 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Lần đầu tiên Mỹ cấp vũ khí cho Đài Loan theo chương trình viện trợ quân sự

    Anh Vũ /RFI

    31/8/2023

    AFP dẫn thông báo của các quan chức Hoa Kỳ cho hay, ngày 30/08/2023, chính quyền của tổng thống Joe Biden lần đầu tiên thông qua quyết định hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Đài Loan trong khuôn khổ chương trình viện trợ nước ngoài. 

    Ảnh minh họa: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu tại một cuộc tập trận của quân đội Đài Loan năm 2020.


    Ảnh minh họa: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu tại một cuộc tập trận của quân đội Đài Loan năm 2020. © Wikimedia 

    Bộ Quốc Phòng Đài Loan bày tỏ sự biết ơn đối với Hoa Kỳ trong một thông cáo ngắn gọn rằng « sự giúp đỡ này sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định trong vùng ». Bộ Ngoại Giao Mỹ không cho biết chi tiết, nhưng một nguồn thạo tin tại Mỹ cho AFP biết khoản viện trợ này nhằm giúp tăng cường khả năng trinh sát trên biển của Đài Loan.

    Trước đó một ngày, bộ Ngoại Giao Mỹ đã thông báo cho Quốc Hội dự định chi 80 triệu đô la để hỗ trợ quân sự cho Đài Loan. Đây là số tiền rất nhỏ so với các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan gần đây, nhưng viện trợ trực tiếp này được chi từ quỹ của chương trình tài trợ quân sự cho nước ngoài (FMF) của Washington, thường được dành để hỗ trợ cho các quốc gia có chủ quyền.

    Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố: « Theo luật về quan hệ với Đài Loan và chính sách một nước Trung Quốc vẫn không thay đổi, Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan các khí tài và dịch vụ phòng thủ cần thiết để giúp Đài Loan duy trì đủ khả năng tự vệ ». Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh quyết định lần này nằm trong chương trình viện trợ quân sự cho nước ngoài, nhưng điều này không hề có nghĩa là Mỹ thừa nhận chủ quyền lãnh thổ Đài Loan.

    Từ năm 1979, Washington chỉ công nhận một nước Trung Quốc, tuy nhiên Quốc Hội Mỹ vẫn thông qua các chương trình cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Các chính quyền của Hoa Kỳ cho tới nay vẫn cung cấp vũ khí cho Đài Loan dưới hình thức mua bán trực tiếp, không phải trong khuôn khổ viện trợ.

    Quyết định của chính quyền Biden còn phải chờ Quốc Hội thông qua, nhưng chắc chắn sẽ không có gì trở ngại, vì cả hai phe Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều ủng hộ Đài Loan đối phó với Trung Quốc. Mike McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, thuộc đảng Cộng Hòa, người vẫn chỉ trích chính sách đối ngoại của Joe Biden, đã hoan nghênh biện pháp này. Ông nói: “Những vũ khí này sẽ không chỉ giúp Đài Loan và bảo vệ các nền dân chủ khác trong khu vực, mà còn củng cố khả năng răn đe của Hoa Kỳ và đảm bảo an ninh quốc gia của chúng ta trước một Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày càng hung hăng”. 

    Những tháng gần đây, Bắc Kinh và Washingon đã có những nỗ lực nhằm nối lại đối thoại qua hàng loạt chuyến công du của quan chức cao cấp Mỹ tới Bắc Kinh, trong đó đặc biệt có chuyến đi của ngoại trưởng Antony Blinken. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn luôn là cản trở lớn trong quan hệ Mỹ-Trung. Bắc Kinh đã có những phản ứng ngoại giao gay gắt hoặc tiến hành các cuộc diễn tập quân sự thị uy sau mỗi hành động của Mỹ ủng hộ Đài Loan.

    Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ: Doanh nghiệp Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc đã trở thành nơi ‘không thể đầu tư’

    Tom Ozimek

    Xuân Hoa biên dịch

    Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ: Doanh nghiệp Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc đã trở thành nơi 'không thể đầu tư'


    Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo phát biểu trong hội nghị về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tại Trung tâm Wilson ở Washington, Mỹ, ngày 25/7/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times) 

    Các công ty Mỹ đã phàn nàn với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo rằng Trung Quốc đã trở thành nơi “không thể đầu tư”, bởi vì mức độ rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh ở đó đang tăng vọt trong bối cảnh Bắc Kinh thay đổi luật phản gián và nhiều lần đột kích các công ty nước ngoài.

    Trên chuyến tàu đi từ Bắc Kinh đến Thượng Hải vào ngày 29/8 trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, bà Raimondo nói: “Tôi ngày càng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng Trung Quốc là nơi không thể đầu tư được vì nó đã trở nên quá rủi ro”.

    Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ đang có chuyến công du Trung Quốc để tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại rằng căng thẳng chính trị giữa hai cường quốc có thể xấu đi hơn nữa và dẫn đến xung đột công khai. 

    Đột kích doanh nghiệp nước ngoài

    Bà Raimondo cho biết, các công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt thách thức mới, bao gồm “các khoản phạt cắt cổ mà không có bất kỳ lời giải thích nào” và “các sửa đổi trong luật phản gián – thứ rất không rõ ràng và đã gây ra làn sóng chấn động trong cộng đồng Hoa Kỳ”.

    Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói thêm rằng “các cuộc đột kích vào doanh nghiệp” là một trong những vấn đề mà các công ty Mỹ tại Trung Quốc đang gặp phải.

    Một ví dụ về cuộc đàn áp có tính tùy tiện mà các công ty Mỹ phải trải qua ở Trung Quốc là mới đây Bắc Kinh đã ra lệnh cấm nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ được bán chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp nội địa quan trọng của Trung Quốc. Bà Raimondo nói với các phóng viên rằng không có lời giải thích nào được Bắc Kinh đưa ra về điều đó.

    Những gì bà Raimondo tiết lộ đã cho thấy, thương mại là lĩnh vực xung đột chính giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, bao gồm cả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có tính ‘ăn miếng trả miếng’.

    Mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington đã xấu đi trong năm nay vì một loạt vấn đề, như là sự kiện Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự hùng hậu xung quanh Đài Loan.

    Vào tháng 4, Washington đã công bố những hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Trung Quốc, mục đích là khiến quân đội Bắc Kinh khó có thể tiếp cận chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến. Trung Quốc sau đó tuyên bố kiểm soát xuất khẩu hai kim loại chiến lược – một động thái được nhiều người hiểu là hành động trả đũa Hoa Kỳ.

    Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm hàn gắn mối quan hệ đang rạn nứt, bà Raimondo nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc chung về thương mại và đầu tư, trong đó có vấn đề về kiểm soát xuất khẩu.

    Quyết định thành lập nhóm công tác chung Mỹ – Trung này đã vấp phải sự chỉ trích từ Dân biểu Michael McCaul (Cộng hòa – Texas) – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ. Ông McCaul gọi quyết định này là “nguy hiểm”.

    Ông McCaul viết trong một tuyên bố: “Quyết định của chính quyền Biden trong việc hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để thành lập một nhóm công tác với các quan chức ĐCSTQ về kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề thương mại là vô cùng ngây thơ và cũng rất nguy hiểm”.

    “ĐCSTQ đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ và truy cập bất hợp pháp email của các quan chức chính phủ cấp cao — bao gồm cả Bộ trưởng Raimondo. Chính quyền [Biden] phải ngừng coi ĐCSTQ là bất cứ điều gì khác ngoại trừ coi họ là một kẻ thù – kẻ sẽ không ngần ngại làm tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta [Mỹ] và không ngần ngại truyền bá chủ nghĩa độc tài ác độc của họ ra khắp thế giới”.

    Không tách rời Trung Quốc

    Bà Raimondo là quan chức cấp cao thứ tư của Mỹ tới Trung Quốc trong 10 tuần qua.

    Hôm thứ 3 (29/8), bà đã gặp một số quan chức cấp cao của Trung Quốc trước khi nói chuyện với Thủ tướng Lý Cường và đưa ra thông điệp về việc chính quyền Biden không muốn cắt đứt quan hệ thương mại song phương.

    “Cho đến nay, tôi đã có một chuyến công du rất hiệu quả”, bà Raimondo nói với ông Lý trước các phiên họp kín. “Tổng thống Biden yêu cầu tôi đến đây để truyền tải thông điệp rằng, chúng tôi không tìm cách tách rời [khỏi Trung Quốc]; chúng tôi tìm cách duy trì mối quan hệ thương mại trị giá 700 tỷ USD của chúng tôi với Trung Quốc”.

    Ông Lý nhấn mạnh rằng quan hệ kinh tế và thương mại rất quan trọng cho sự ổn định của mối quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, ông hy vọng Washington “có thể hợp tác cùng chí hướng với Trung Quốc” và phát triển mối quan hệ song phương bằng “những hành động chân thành và cụ thể hơn”.

    Trước đó, cũng vào thứ 3, bà Raimondo đã ngồi với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong – đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người giám sát nền kinh tế đất nước.

    Bà Raimondo nói khi bắt đầu cuộc họp: “Dù chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp trong việc bảo vệ an ninh quốc gia của mình, nhưng tôi muốn nói rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ tìm cách tách rời hoặc kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc”.

    Ông Hà đã nêu lên những lo ngại về thuế quan, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ, theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc.

    Tổng thống Joe Biden hồi đầu tháng này đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế dòng vốn đầu tư của Hoa Kỳ đổ vào các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc, bao gồm lĩnh vực điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn.

    Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Biden công bố vào tháng 10 năm ngoái các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sâu rộng đối với Bắc Kinh.

    Để đáp trả, bắt đầu từ ngày 1/8, gali và germani – hai kim loại quý hiếm quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn – sẽ bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Bộ Thương mại nước này đã thông báo như vậy hồi tháng 7 với lý do cần phải bảo vệ an ninh quốc gia.

    Triển vọng kinh tế sáng sủa của Ấn Độ

    Đầu năm nay chính phủ Ấn Độ đã phát động một đợt đầu tư công rầm rộ. Vào thứ Năm, lợi ích ban đầu từ khoản đầu tư đó sẽ được tiết lộ khi số liệu GDP quý một của năm tài chính được công bố.

    Giới kinh tế cho rằng tăng trưởng thực tế đã tăng lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,1% của quý trước. Động lực phần nào đến từ đà tăng của ngành xây dựng, vốn được thúc đẩy nhờ đầu tư công tăng. Sản lượng dịch vụ, thường là thành phần lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, cũng tỏ ra vững chắc.

    Nhưng còn đó một số rủi ro. Thời tiết thất thường làm giảm sản lượng nông nghiệp, khiến giá lương thực tăng cao. Điều này được cho là sẽ làm giảm nhẹ nhu cầu và tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng chung trong năm tài chính 2023-24 dự kiến vẫn cao hơn 6%. Nếu đúng như vậy, Ấn Độ vẫn sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, theo IMF.

    Chính phủ Ấn Độ và vấn đề tương lai Kashmir

    Thứ Năm này chính phủ Ấn Độ sẽ đến hạn theo yêu cầu của Tòa Tối cao phải công bố mốc thời gian khôi phục tư cách tiểu bang cho Jammu & Kashmir. Hồi năm 2019, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi đã chia bang đa số Hồi giáo duy nhất của Ấn Độ thành hai “lãnh thổ liên bang” do Delhi trực tiếp quản lý. Họ cũng cắt đường dây điện thoại và internet đến Jammu & Kashmir trong nhiều tháng, đồng thời bắt giữ hàng nghìn chính trị gia và trí thức Kashmir. Chính phủ nói phải mạnh tay để cải thiện an ninh và thúc đẩy phát triển ở khu vực bất ổn mà Pakistan cũng tuyên bố chủ quyền.

    Tòa án Tối cao đang xét xử các kiến nghị thách thức tính hợp hiến của việc tách bang và thu hồi tình trạng đặc biệt của Kashmir, trong đó bao gồm quyền ngăn người ngoài bang mua đất. Kashmir đã không có hội đồng dân cử kể từ năm 2018. Hôm thứ Ba, chánh án đã nhắc nhở chính phủ rằng điều quan trọng là phải khôi phục nền dân chủ ở đó. Đáp lại, chính phủ hứa sẽ làm như vậy khi mọi thứ “bình thường” hoá, dù nó còn phụ thuộc rất nhiều vào cách họ định nghĩa “bình thường.”

    Đảng Cộng hoà Mỹ chia rẽ về vấn đề Ukraine

    Chiến dịch tranh cử tổng thống mờ nhạt của Mike Pence, người sẽ đến thăm Iowa vào thứ Năm, bỗng nhiên được tiếp thêm sinh lực sau khi ông có được nhiều thời gian phát biểu nhất trong cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Cộng hòa vào tuần trước. Ngoài việc thúc đẩy một số ứng viên yếu thế, cuộc tranh luận còn nêu bật lằn ranh chính sách giữa các ứng viên Cộng hoà. Vivek Ramaswamy, một trong những đối thủ của ông Pence, đã chỉ trích cựu phó tổng thống vì đến thăm Kyiv vào tháng 6, ví chuyến đi này như một “cuộc hành hương” đến thăm “giáo hoàng” của ông, tổng thống Ukraine Volodmyr Zelensky. Thông điệp này phản ánh quan điểm của nhiều đảng viên Cộng hòa đang hoài nghi sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, vốn đã tiêu tốn 75 tỷ USD.

    Các nhà lãnh đạo đảng tại Thượng viện tin rằng việc duy trì dòng tiền cho Ukraine sẽ giúp củng cố an ninh của Mỹ. Song các hạ nghị sĩ cánh hữu phàn nàn rằng viện trợ làm giảm nguồn lực cho các ưu tiên trong nước. Nếu nhóm này từ chối phê duyệt thêm chi tiêu khẩn cấp cho Ukraine, các nhà lãnh đạo Cộng hòa có thể sẽ phải quay sang đảng Dân chủ để thông qua luật ở Hạ viện. Sự đoàn kết trong đảng Cộng hòa sẽ sớm bị thử thách, khi tổng thống Joe Biden dự định viện trợ thêm 24 tỷ USD nữa.

    Dữ liệu lạm phát không rõ ràng gây khó cho ECB

    Tin tốt là lạm phát ở khu vực đồng euro đang trên đà giảm, trong khi tin xấu là nền kinh tế cũng giảm theo (khảo sát cho thấy khối này sắp suy thoái). Vào ngày 14 tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB sẽ phải quyết định xem có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không. Do đó dữ liệu lạm phát của tháng 8, được công bố vào thứ Năm, là rất quan trọng.

    Cánh bồ câu lo ngại nền kinh tế đang suy yếu quá nhanh. Nhưng những người diều hâu chỉ ra rằng lạm phát cơ bản, ở mức 5,5% trong tháng 7, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% cho lạm phát chung. Tháng 8 khó có thể mang lại nhiều thuận lợi, với dữ liệu từ Đức và Tây Ban Nha cho thấy lạm phát cơ bản vẫn tỏ ra cứng đầu. Tệ hơn nữa, giá nhiên liệu cũng có thể đẩy lạm phát lên cao. Tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao và vừa tăng lên ở Ý, nước trước đây bị tụt hậu về tiền lương. Có lẽ hội đồng của ECB sẽ đi đến thoả hiệp và hoãn tăng lãi suất cho đến cuộc họp tiếp theo vào tháng 10.

    Mỹ viện trợ thêm cho Ukraine tới 250 triệu đô 

    31/8/2023 

    VOA News 


    Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đến phi trường Quốc tế Boryspil bên ngoài Kyiv, ngày 11/2/2022.

    Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đến phi trường Quốc tế Boryspil bên ngoài Kyiv, ngày 11/2/2022. 

    Hoa Kỳ cung cấp viện trợ quân sự thêm cho Ukraine lên tới 250 triệu đô la trong một gói bao gồm nhiều rốc-két cho hệ thống HIMARS và AIM-9M Sidewinder có thể được sử dụng để bảo vệ bầu trời Ukraine.

    Đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp cho Ukraine Sidewinder. Loại phi đạn này có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công không đối không tầm ngắn.

    Gói viện trợ cũng bao gồm thiết bị rà phá bom mìn và vũ khí chống tăng như phi đạn TOW và Javelin vác vai.

    Gói viện trợ mới nhất đánh dấu lần thứ 45 tổng thống được quyền rút thiết bị quân sự từ kho của Bộ Quốc phòng kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

    Một lần nữa, Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Quân đội tầm xa (ATACMS) không được đưa vào gói viện trợ, khiến các nhà phân tích như Trung tướng hồi hưu Ben Hodges, người từng chỉ huy các lực lượng Lục quân Mỹ ở châu Âu từ năm 2014 đến năm 2017, chỉ trích.

    Ông Hodges nói với đài VOA: “Thật không may, người Ukraine sẽ tiếp tục chịu nhiều thương vong vì chúng ta, phương Tây, chưa cung cấp những khả năng mà họ cần”. “Và tôi đang nói cụ thể về vũ khí chính xác tầm xa.”

    Moscow bắt đầu một cuộc tấn công mới ở Ukraine vào đầu năm nay nhưng đã bị đình trệ.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã mô tả cuộc phản công hiện tại chống lại lực lượng Nga là chậm nhưng ổn định, với việc lực lượng Ukraine đưa quân trừ bị và chọc thủng một số tuyến phòng thủ phía đông nam của lực lượng Nga trong tháng này.

    “Ukraine tiếp tục truy đuổi và chiến đấu,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nói với đài VOA trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài hôm 24/8. “Họ đang đạt được một số tiến bộ ở tiền tuyến, nhưng sẽ rất khó khăn.”

    Quân đội Mỹ đàm phán với Philippines để xây cảng ở đảo trọng yếu 

    30/8/2023 

    Reuters 


    Quân đội Philippines trên quần đảo Batanes

    Quân đội Philippines trên quần đảo Batanes 

    Quân đội Mỹ đang đàm phán để xây dựng một cảng dân sự ở các hòn đảo cực bắc xa xôi của Philippines, tỉnh trưởng địa phương và hai quan chức khác nói với Reuters, động thái này sẽ củng cố khả năng tiếp cận của Mỹ với các hòn đảo có vị trí chiến lược đối diện Đài Loan.

    Sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ vào cảng được đề xuất ở quần đảo Batanes, cách Đài Loan chưa đầy 200 km có thể gây căng thẳng vào thời điểm Mỹ va chạm ngày càng nhiều với Trung Quốc và Washington nỗ lực tăng cường sự hợp tác lâu đời theo hiệp ước quốc phòng với Philippines.

    Kênh Ba Sĩ giữa các đảo này và Đài Loan được coi là nút cổ chai đối với tàu bè di chuyển giữa Tây Thái Bình Dương và Biển Đông và là tuyến đường biển quan trọng trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Quân đội Trung Quốc thường xuyên đưa tàu và máy bay đi qua kênh này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.

    Marilou Cayco, tỉnh trưởng quần đảo Batanes, nói với Reuters qua tin nhắn rằng bà đã tìm kiếm ngân sách từ Mỹ để xây dựng một ‘cảng thay thế’ ở đó, nhằm hỗ trợ bốc dỡ hàng hóa chuyển đến từ thủ đô Manila, trong thời gian biển động trong mùa mưa.

    Bà cho biết kế hoạch là xây một cảng trên đảo Basco, nơi chính quyền địa phương cho biết sóng cao thường khiến tàu bè không vào cảng hiện tại được và quyết định có thể được đưa ra vào tháng 10.

    Philippines trong năm qua đã tăng gần gấp đôi số lượng căn cứ quân sự mà các lực lượng Mỹ có thể tiếp cận, trên danh nghĩa là để hỗ trợ nhân đạo, và cũng có hàng ngàn binh lính Mỹ ở nước này tại bất kỳ thời điểm nào, họ luân phiên trú đóng cho các cuộc tập trận chung. Trung Quốc nói rằng những động thái này của Mỹ đang ‘châm ngòi’ căng thẳng trong khu vực.

    Hai quan chức Philippines khác yêu cầu giấu tên vì họ không được phép nói chuyện với truyền thông, cho biết quân đội Mỹ gần đây đã đến thăm Batanes để thảo luận việc xây cảng.

    Một quan chức quân sự cấp cao cho biết các lực lượng vũ trang Philippines quan tâm đến radar và cải thiện khả năng giám sát trong khu vực.

    Ông Cayco xác nhận có chuyến thăm này và nói rằng họ đến ‘để đánh giá’ đề án xây cảng thay thế.

    Kanishka Gangopadhyay, phát ngôn nhân của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila, cho biết Đại sứ quán và các chuyên gia của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ (USARPAC) đã tiếp xúc với tỉnh trưởng và chính quyền địa phương, ‘theo yêu cầu của họ, để thảo luận về cách USARPAC có thể hỗ trợ các dự án kỹ thuật, y tế và phát triển nông nghiệp trong tỉnh’.

    Ông không nhắc cụ thể đến cảng này.

    Tổng thống Philippines tiền nhiệm, ông Rodrigo Duterte, đã đe dọa bãi bỏ liên minh Mỹ-Philippines và xích lại gần hơn với Bắc Kinh nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống đương nhiệm, ông Ferdinand Marcos Jr.

    Tổng thống Marcos muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Washington. Ông đã cho phép Washington tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, bao gồm một số căn cứ gần Đài Loan, mặc dù không ở quần đảo Batanes, và tuyên bố các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.

    Ông Marcos cho biết các căn cứ theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) có thể hữu ích nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.

    Các nước ASEAN trên đường thử nghiệm phi đô la hóa

    Thanh Phương /RFI

    30/8/2023

    Hình inh họa: Đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc.

    Hình inh họa: Đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. AFP - NICOLAS ASFOURI 

    Sau nhóm BRICS+, đến lượt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN cũng đang nhắm đến việc phi đô la hóa thương mại và hiện đang trắc nghiệm một hệ thống thanh toán khu vực. Nhưng trước mắt, hệ thống thanh toán mới này chưa thể đe dọa đến vị trí độc tôn của đồng đô la. 

    Biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối thanh toán khu vực đã được các thống đốc ngân hàng trung ương 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) ký vào ngày 14/11/2022 tại Bali, Indonesia, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. 

    Vào tháng 4 vừa qua, thống đốc các ngân hàng trung ương và các bộ trưởng Tài Chính Đông Nam Á đã thông báo đang thiết lập hệ thống mới. Các nước thành viên ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đã bắt đầu thử nghiệm các công nghệ mới dựa trên mã QR để sử dụng nhiều hơn các đơn vị tiền tệ của khu vực. Trong tuần này, đến lượt các nước Việt Nam, Philippines và Brunei tham gia thử nghiệm. 

    Riêng đối với Việt Nam, vào ngày 25/08, tại Jakarta, Indonesia, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối thanh toán khu vực với các Ngân hàng Trung ương của 5 nước ASEAN Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. 

    Các thỏa thuận về hợp tác kết nối thanh toán khu vực cho tới nay chỉ là các thỏa thuận song phương, tức là giữa hai quốc gia thành viên. Nhưng khối ASEAN dự kiến là từ đây đến cuối năm, toàn bộ các nước có liên quan đều sẽ kết nối với nhau. Đối với các cá nhân, hệ thống thanh toán mới rõ ràng là rất tiện lợi. Kể từ nay, khi đến các nước đã kết nối thanh toán, họ không cần đổi tiền mà chỉ cần cho quét mã QR trên điện thoại di động là có thể mua bất cứ hàng hóa và dịch vụ nào.

    Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng hệ thống thanh toán mà các nước ASEAN đang thử nghiệm chính là nhằm dần dần phi đô la hóa nền thương mại khu vực, trong bối cảnh mà đơn vị tiền tệ của Mỹ đã bị suy yếu do nhiều khủng hoảng liên tiếp.

    Trước ASEAN, các nước trong nhóm BRICS+ từ nhiều tháng qua đã thúc đẩy sự hình thành một hệ thống thanh toán quốc tế không cần đến đô la. Cũng như nhóm BRICS+, ASEAN muốn có riêng một hệ thống thanh toán khu vực để không còn bị tác động của các nền kinh tế khác, vốn phụ thuộc nhiều vào đô la. 

    Đang bị phương Tây trừng phạt vì cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina khiến trao đổi thương mại với khối các nước Đông Nam Á bị sụt giảm, Nga cũng đang khuyến khích ASEAN đi theo con đường phi đô la hóa, tức là giao thương với nhau bằng tiền tệ quốc gia thay vì bằng đô la.

    Nhưng những sáng kiến như của ASEAN hay của BRICS+ liệu có đủ để phá bỏ vị trí độc tôn của đô la? Theo các chuyên gia tài chính, trước mắt không dễ gì thoát khỏi vòng ảnh hưởng của đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ. Thứ nhất, đa số nợ công của các quốc gia được tính bằng đô la, và như vậy khi trả nợ thì cũng phải trả bằng đô la. Thứ hai, Mỹ hiện vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và quốc gia nào có quan hệ quân sự càng chặt chẽ với Hoa Kỳ thì quốc gia đó càng phụ thuộc vào đô la. Thứ ba, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới và là quốc gia sản xuất dầu hỏa, nên nguồn dự trữ ngoại tệ của các nước buộc phải dựa nhiều vào đô la. 

    Trong tương lai xa hơn, có thể là thế giới sẽ đi đến một hệ thống tiền tệ quốc tế mà trong đó đô la sẽ vẫn là đơn vị tiền tệ chủ chốt, nhưng bên cạnh đó sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. 

    Indonesia và Mỹ bắt đầu diễn tập quân sự chung

    Thanh Hiếu /RFI

    31/8/2023

    Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dự lễ khai mạc diễn tập "Super Garuda Shield 2023" tại Baluran, Đông Java, Indonesia, ngày 31/08/ 2023.

    Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dự lễ khai mạc diễn tập "Super Garuda Shield 2023" tại Baluran, Đông Java, Indonesia, ngày 31/08/ 2023. AP 

    Theo hãng tin AFP, hôm nay 31/08/2023, hàng nghìn binh sĩ Indonesia và Mỹ đã bắt đầu cuộc diễn tập chung mang tên "Super Garuda Shield" kéo dài hai tuần, từ ngày 31/8 đến 13/9. Năm quốc gia đồng minh cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập ''nhằm đảm bảo sự ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương''. 

    Diễn ra tại một số địa điểm ở miền đông đảo Java, cuộc diễn tập năm nay huy động hơn 2.000 binh sĩ Mỹ và 2.800 binh sĩ Indonesia, cùng với các quân nhân đến từ Úc, Nhật Bản, Singapore, Pháp và Anh.

    Ngoài ra, nhiều quốc gia được mời đến quan sát cuộc diễn tập, gồm Brazil, Canada, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc, New Zealand, Đông Timor, Brunei và Papua New Guinea.

    Cuộc diễn tập "Super Garuda Shield" bao gồm trao đổi học thuật giữa các chuyên gia và hội thảo phát triển chuyên môn, mô phỏng chỉ huy và kiểm soát, diễn tập đổ bộ, các chiến dịch không vận và diễn tập chiếm sân bay. Trong  một thông cáo, đại sứ quán Mỹ cho biết cũng sẽ có các cuộc tập luyện chung trên thực địa, trong đó có cả bắn đạn thật.

    Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á quan ngại trước thái độ ngày quyết đoán của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, nhưng Washington cho biết cuộc diễn tập chung Mỹ-Indonesia không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.


    Không có nhận xét nào