Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 19 tháng 9 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Đại Hội Đồng LHQ khai mạc vào lúc thế giới bị « chia năm xẻ bảy » và vắng mặt nhiều lãnh đạo nước lớn

    Minh Anh /RFI

    19/9/2023

    Hôm nay, 19/09/2023, nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ từ 145 nước cùng với khoảng 50 bộ trưởng trên thế giới tề tựu về trụ sở của Liên Hiệp Quốc, tại New York, Hoa Kỳ, tham dự khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thường niên.   

    Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại một diễn đàn về phát triển bền vững tại trụ sở của LHQ, New York, Hoa Kỳ, ngày 18/09/2023.

    Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại một diễn đàn về phát triển bền vững tại trụ sở của LHQ, New York, Hoa Kỳ, ngày 18/09/2023. AP - Richard Drew 

    Khóa họp năm nay, dù lấy lại được nhịp độ thông thường sau ba năm họp trực tuyến do đại dịch Covid-19, diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, thế giới bị chia rẽ sâu sắc do cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt và Nga xâm lược Ukraina. 

    Theo lịch trình, Đại Hội Đồng sẽ dành phần lớn thời gian thảo luận về những chủ đề mà các nước phương Nam đòi hỏi, tìm cách thúc đẩy giải quyết các cuộc khủng hoảng tại Haiti, Sudan, nối lại đối thoại ở Cận Đông cũng như là cuộc chiến ở Ukraina.

    Chương trình nghị sự năm nay cũng sẽ bao gồm các chủ đề tái thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững ODD đã được thông qua năm 2015 hướng đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn từ đây đến năm 2030. 

    Điều đáng chú ý là khóa họp Đại Hội Đồng năm nay lại vắng mặt lãnh đạo cao cấp 4 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An : chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Rishi Sunak, vì nhiều lý do chính trị, đối nội hay đối ngoại.

    Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên Carrie Nooten, từ New York, mọi sự chú ý sẽ dồn vào bài phát biểu của tổng thống Ukraina lần đầu tiên tham dự khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc : 

    « Đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraina đến New York và có mặt ở Liên Hiệp Quốc. Volodymyr Zelensky sẽ phải thực hiện một thế cân bằng ngoại giao thực sự : Nếu ông có một giọng điệu quá hung hăng chống lại Matxcơva, điều đó sẽ làm chuyển hướng sự ủng hộ của một số nước. Ngược lại, nếu ông tập trung bài phát biểu của mình vào việc bảo vệ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nền hòa bình, điều mà nhiều nước đang phát triển yêu cầu, ông có thể thu hút nhiều đồng minh mới. 

    Theo truyền thống, bài diễn văn của tổng thống Mỹ rất được lắng nghe. Là vị tổng thống duy nhất trong số năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An hiện diện ở Liên Hiệp Quốc tuần này, Joe Biden sẽ tự do hành động và không có đối đầu trực diện Mỹ - Trung. 

    Nguyên thủ Mỹ cũng có thể đề cập đến cải cách Hội Đồng Bảo An, mà ông đã từng hé mở dự án này hồi năm 2022. Và ông cũng sẽ phải chìa tay thân thiện với các nước phương Nam. 

    Tuy nhiên, theo truyền thống, ngay trước nguyên thủ Mỹ, người phát biểu mở màn khóa họp là tổng thống Brazil. Ông Lula sẽ bắt nhịp cho tiếng nói của các nước đang phát triển. Cuối cùng, bài phát biểu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng được trông đợi, do Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm lĩnh không gian địa chính trị thời gian gần đây. » 

    Lula và Zelensky có cuộc gặp đầu tiên ở New York

    Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí phủ tổng thống Brazil hôm qua, 18/09/2023, cho biết, tổng thống Lula Da Silva sẽ có cuộc gặp với đồng nhiệm Ukraina vào thứ Tư 20/9 tại New York. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ sau lần « lỡ hẹn » tại thượng đỉnh G7 tổ chức ở Hiroshima Nhật Bản hồi tháng 5/2023. Cuộc gặp lần này giữa hai lãnh đạo Brazil và Ukraina sẽ diễn ra ngay sau cuộc gặp song phương giữa tổng thống Lula và đồng nhiệm Mỹ Joe Biden, bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. 

    Ông Putin sẽ gặp ông Tập ở Bắc Kinh vào tháng 10 

    19/9/2023 

    Reuters 

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

    Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Bắc Kinh vào tháng 10 để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Interfax dẫn lời ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết hôm 19/9.

    “Vào tháng 10, chúng tôi mong đợi các cuộc đàm phán song phương trên diện rộng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh,” ông Patrushev nói trong cuộc gặp ở Moscow với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị.

    Tại Bắc Kinh, ông Putin sẽ tham gia một diễn đàn về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, ông Patrushev cho biết.

    Ukraine sa thải 6 thứ trưởng bộ quốc phòng sau khi có tân bộ trưởng

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/N7B6F3DN45IYVPKZ2YMTVWT25Q-700x480.jpg


    Tân Bộ trưởng bộ Quốc Phòng Ukraine Rustem Umerov (Twitter) 

    Hôm thứ Hai (18/9), chính phủ Ukraine đã sa thải sáu thứ trưởng bộ quốc phòng sau khi bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới vào đầu tháng này.

    Mặc dù chính phủ Ukraine không đưa ra lý do cho việc sa thải này, nhưng những động thái như vậy thường diễn ra sau khi bổ nhiệm một bộ trưởng mới. Trong số những người bị sa thải đó, có Thứ trưởng Hanna Maliar, người thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật công khai về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

    Cách đây chưa đầy hai tuần, chính trị gia người Hồi giáo gốc người Tatar ở Crimea, ông Rustem Umerov đã thay thế ông Oleksii Reznikov trở thành bộ trưởng quốc phòng Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine đã bị giới truyền thông truy đuổi với các cáo buộc tham nhũng khi ông Reznikov còn tại vị mặc dù bản thân cá nhân ông không phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.

    Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ trưởng Umerov nhấn mạnh: “Khởi động lại. Chúng tôi đã bắt đầu. Chúng tôi tiếp tục. Bộ [Quốc phòng] tiếp tục làm việc như bình thường.”

    Trích dẫn các nguồn tin chính phủ giấu tên, trang tin tức Ukrainska Pravda cho biết, tất cả các thứ trưởng đã tự nguyện từ chức theo yêu cầu của Bộ trưởng Umerov và sẽ không trở lại chức vụ của họ.

    Trang tin tức này cho hay, các cuộc tham vấn đang được tiến hành để tìm ứng cử viên thay thế các thứ trưởng bị sa thải. Trích dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine, trang tin tức này lưu ý, “một cuộc đại tu toàn diện đang được tiến hành” tại bộ này.

    Bộ trưởng Umerov tuyên bố, các ưu tiên của ông bao gồm biến Bộ Quốc phòng thành thể chế chính điều phối các lực lượng quốc phòng Ukraine, nâng cao giá trị của từng binh sĩ, phát triển ngành công nghiệp quân sự của Ukraine và chống tham nhũng.

    Bà Hanna Maliar, một luật sư về tội ác chiến tranh, đã giữ chức vụ thứ trưởng bộ quốc phòng Ukraine kể từ năm 2021. Bản tin cập nhật mới nhất của bà về cuộc chiến ở Ukraine đã xuất hiện vào sáng thứ Hai (18/9).

    Tuần trước, Thứ trưởng Maliar đã phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi ban đầu bà tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã chiếm lại một ngôi làng ở phía đông từ tay lực lượng Nga, nhưng sau đó bà đã cải chính rằng tin tức của bà là không chính xác và cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt xung quanh ngôi làng này. Tuy nhiên ngày hôm sau, quân đội Ukraine tuyên bố đã chiếm giữ ngôi làng này, nhưng Nga đã phủ nhận việc mất quyền kiểm soát ngôi làng đó.

    Gia Huy (Theo Reuters)

    Zelensky đến Liên Hợp Quốc

    Trong tuần này tổng thống Ukraine sẽ chiếm sóng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) ở New York. Năm ngoái Volodymyr Zelensky chỉ phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới qua video. Lần này ông sẽ đích thân xuất hiện vào thứ Ba để kêu gọi ủng hộ cho kế hoạch hòa bình của ông và đổ lỗi cho cuộc chiến cũng như các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế lên Vladimir Putin, người sẽ vắng mặt. (Joe Biden là nhà lãnh đạo duy nhất trong số năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an tham dự UNGA.)

    Ở một chừng mực nào đó, lời nói của ông Zelenksy sẽ không thay đổi gì nhiều: hồi tháng 2, 141 thành viên Liên Hợp Quốc đã ủng hộ nghị quyết kêu gọi rút ngay lực lượng Nga khỏi Ukraine (bảy nước bỏ phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng). Nhưng nhiều nhà lãnh đạo từ các nước nghèo muốn UNGA tập trung hơn vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Đại dịch và chiến tranh đã làm chậm tiến độ thực hiện các mục tiêu cho năm 2030, mà hiện đã đi được nửa chặng đường. Sự vênh nhau về các ưu tiên của UNGA sẽ được bày ra cho cả thế giới thấy.

    Tổng thống Iran có các hoạt động ngoại giao ở Mỹ

    Tuần này, tận dụng cuộc trao đổi tù nhân với Mỹ hôm thứ Hai, tổng thống Iran sẽ tiếp tục chiến dịch ngoại giao của mình ở New York. Ebrahim Raisi dự kiến ​​sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, gặp Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh – một khối các nước Ả Rập trước đây có quan điểm thù địch với Iran – và phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu.

    Khó có đột phá lớn, chẳng hạn như khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã từ bỏ vào năm 2018. Nhưng Tehran hy vọng giải quyết được ba vấn đề cấp bách. Thứ nhất, nước này bị thiếu tiền khi hàng tỷ USD doanh thu dầu mỏ bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thứ hai, nước này đang tìm kiếm ủng hộ quốc tế cho nhân vật kế thừa nhà lãnh đạo tối cao già nua, Ayatollah Ali Khamenei, nhằm đảm bảo sự tồn tại của nền Cộng hòa Hồi giáo. Thứ ba, họ không muốn nước ngoài can thiệp khi họ dập tắt mối đe dọa lớn nhất của chế độ – người dân trong nước. Một năm sau khi Mahsa Amini bị bắt giam và giết chết vì để lộ mái tóc của mình, người dân Iran vẫn còn rất bất bình.

    Lạm phát ở Canada là do ai?

    Trò chơi đổ lỗi ở Canada sẽ gia tăng trong tuần này khi số liệu lạm phát mới được công bố vào thứ Ba. Lãi suất theo năm của đất nước đã giảm đều đặn từ hơn 8% vào giữa năm 2022 xuống còn 2,8% vào tháng 6. Nhưng hồi tháng 7 nó tăng lên 3,3%, bên cạnh một lần tăng dự kiến nữa​​ vào tháng 8. Việc không thể kéo lạm phát xuống dưới 2%, mục tiêu của ngân hàng trung ương, đã làm giảm uy tín của chính phủ Đảng Tự do và thủ tướng Justin Trudeau.

    Như nhiều nước khác, vấn đề lớn nhất của Canada là giá thực phẩm đang tăng nhanh hơn so với các hàng hóa khác (tăng 7,7% trong tháng 7). Chính phủ gần đây đã triệu tập lãnh đạo của các công ty bán lẻ tạp hóa lớn nhất Canada tới Ottawa để yêu cầu họ ổn định giá trước ngày 9 tháng 10. Chính phủ đe dọa tăng thuế nếu các công ty không làm theo. Song phía doanh nghiệp cho rằng lạm phát là một vấn đề chính trị không liên quan tới họ.

    Chưa rõ Hạ viện Mỹ sẽ luận tội Biden vì tội gì

    Tuần trước lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, Kevin McCarthy, thông báo ông sẽ mở một cuộc điều tra luận tội đối với Joe Biden. Giờ đây Washington đang chờ xem điều đó có ý nghĩa gì trên thực tế (ông McCarthy chưa nói rõ chi tiết).

    Trong khi đó, cuộc điều tra của Ủy ban Giám sát Hạ viện đối với Robert “Hunter” Biden, con trai tổng thống, vẫn kéo dài. Thứ Ba này là hạn chót cho bộ trưởng bộ an ninh nội địa Alejandro Mayorkas nộp tất cả “tài liệu và thông tin liên lạc” liên quan đến cuộc điều tra cùng các yêu cầu khác theo trát của uỷ ban.

    Rất nhiều chi tiết khó chịu đã được phát hiện về người con trai thứ của tổng thống – bao gồm trốn thuế và nói dối về việc sử dụng ma túy khi mua súng – nhưng rất ít có liên quan đến cha ông. Và cuộc điều tra luận tội của ông McCarthy gần như chắc chắn sẽ không thể hạ gục được ông Biden. Để buộc tội tổng thống và tiến tới phiên xét xử tại Thượng viện, trước tiên ông McCarthy phải thuyết phục được Hạ viện, nơi ông có thế đa số rất mỏng.

    • Home

    • Ông Kim Jong Un được tặng máy bay không người lái và áo giáp chống đạn trước khi rời Nga

    Ông Kim Jong Un được tặng máy bay không người lái và áo giáp chống đạn trước khi rời Nga

    Liên Thành

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/09/anh-man-hinh-2023-09-18-luc-082710.png

    Kim Jong Un và Vladimir Putin. 

    Theo truyền thông nhà nước Nga, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhận 5 máy bay không người lái có mang theo chất nổ, 1 máy bay không người lái trinh sát và áo chống đạn từ Nga sau chuyến thăm chính thức.

    Cụ thể Truyền thông Nga đưa tin: “lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã nhận được 5 máy bay không người lái Kamikaze và một máy bay không người lái trinh sát ‘Geran-25’ cất cánh thẳng đứng”.

    Báo cáo cho biết thêm, thống đốc vùng Primorye, giáp biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên, cũng “ tặng cho ông Kim Jong Un một bộ áo chống đạn” và “quần áo đặc biệt mà camera nhiệt không thể phát hiện”.

    Những thiết bị trên được xem như quà tặng của thống đốc cho ông Kim trong chuyến thăm Nga lần này.

    Truyền thông Nga hôm qua đưa tin chuyến tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên đã rời ga xe lửa tại thành phố Artyom viễn đông của Nga, và chính thức kết thúc chuyến thăm Nga.

    Trước đó hôm thứ bảy, ông Kim được biết là đã có cuộc gặp quan trọng với Bộ trưởng Quốc phòng Nga ở Vladivostok, và cùng đi thị sát các loại vũ khí tối tân, bao gồm cả hệ thống tên lửa siêu thanh.

    Công nhân các hãng xe hơi Mỹ đình công rầm rộ, đòi tăng lương 

    18/9/2023 

    VOA News 

    Các thành viên công đoàn UAW giương biểu ngữ ở phía bên kia đường đối diện nhà máy lắp ráp của Ford ở Wayne, bang Michigan hôm 15/9 năm 2023

    Các thành viên công đoàn UAW giương biểu ngữ ở phía bên kia đường đối diện nhà máy lắp ráp của Ford ở Wayne, bang Michigan hôm 15/9 năm 2023 

    Cuộc đình công của United Auto Workers (UAW), tổ chức công đoàn thống nhất của các công nhân trong ngành xe hơi, phản đối ba hãng sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ hôm 17/9 đã bước sang ngày thứ ba mà vẫn chưa thấy giải pháp, mặc dù các cuộc đàm phán của công đoàn với General Motors sắp được nối lại.

    Khoảng 12.700 công nhân thuộc UAW đã đình công tại ba nhà máy thuộc các hãng Ford, Stellantis và GM, trong hành động phản đối lớn nhất của giới công nhân ở Mỹ trong hàng chục năm. Đây là lần đầu tiên công đoàn UAW đình công phản đối cả ba hãng sản xuất ô tô cùng lúc.

    Công đoàn và các hãng ô tô này dường như quá khác biệt trong việc dàn xếp một thỏa thuận mới. Trong khi các hãng ô tô đề nghị mức tăng lương khoảng 20% cho đề xuất hợp đồng 4 năm rưỡi, bao gồm tăng ngay 10%. Các công đoàn đòi tăng 40%.

    Chủ tịch UAW Shawn Fain hôm 17/9 nói với MSNBC rằng tiến triển trong các cuộc đàm phán diễn ra chậm chạp. Các cuộc đàm phán của công đoàn với Stellantis và Ford sẽ được nối lại vào ngày 18/9.

    “Tôi không thực sự muốn nói rằng chúng tôi đã tiến gần hơn đến thỏa thuận,” ông nói. “Thật xấu hổ khi các hãng này đã không nghe theo lời khuyên của chúng tôi và bắt tay vào việc ngay từ khi bắt đầu thương lượng vào giữa tháng Bảy.”

    Sau đó, khi xuất hiện trên chương trình "Face the Nation" của CBS và được hỏi liệu các công nhân bỏ ra ngoài tại nhiều nhà máy hơn nữa trong tuần này hay không, ông Fain cho biết công đoàn đã ‘chuẩn bị làm bất cứ điều gì cần làm’.

    Tổng thống Joe Biden, vốn đã đánh tín hiệu ủng hộ các nỗ lực của công đoàn, đã cử quyền Bộ trưởng Lao động Julie Su và cố vấn kinh tế Gene Sperling đến Detroit, trung tâm của ngành công nghiệp ô tô Mỹ, để nói chuyện với UAW và các hãng ô tô.

    Nga-Trung nhấn mạnh đồng quan điểm về Mỹ và hồ sơ Ukraina

    Thanh Hiếu /RFI

    19/9/2023

    Theo hãng tin AFP, hôm qua 18/09/2023, sau cuộc trao đổi giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), bộ Ngoại giao Nga cho biết Matxcơva và Bắc Kinh có cùng quan điểm về Hoa Kỳ và giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraina. 

    Hội đàm giữa hai phái đoàn Nga (T) và Trung Quốc, tại  Matxcơva, Nga, ngày 18/09/2023.

    Hội đàm giữa hai phái đoàn Nga (T) và Trung Quốc, tại Matxcơva, Nga, ngày 18/09/2023. AP 

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Nga từ hôm thứ Hai 18/09/2023 để thảo luận về vấn đề an ninh. Chuyến thăm của ông dự kiến ​​kéo dài đến thứ Năm 21/09/2023. Đây là cuộc gặp mới nhất trong một loạt cuộc gặp cấp cao giữa hai quốc gia.

    Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thông báo cho người đồng cấp Trung Quốc “những kết quả chính” của chuyến thăm Nga, từ 12 đến 17/09, của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Về phần mình, ngoại trưởng Vương Nghị thông báo cho đồng nhiệm Nga các cuộc thảo luận của ông với Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

    Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga, hai ngoại trưởng đã thảo luận chi tiết về tình hình hiện tại ở Ukraina, nhấn mạnh đến sự vô lý của những dự án giải quyết cuộc khủng hoảng mà không tính đến lợi ích của Nga, thậm chí không có sự tham gia của Nga.

    Bộ Ngoại Giao Nga nhấn mạnh, hai bên có lập trường tương đồng về các hành động của Mỹ trên trường quốc tế, bao gồm cả những hành động chống Nga và Trung Quốc.

    Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, tình hữu nghị láng giềng lâu dài, hợp tác chiến lược toàn diện và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước sẽ tiếp tục góp phần việc phát triển của mỗi nước.


    Không có nhận xét nào