Thụy My /RFI
16/9/2023
Cuộc xâm lăng Ukraina gián tiếp thúc đẩy đầu tư đổ vào miền Bắc Việt Nam
Les Echos số cuối tuần có bài phóng sự nói về công cuộc « kỹ nghệ hóa đến chóng mặt » ở miền Bắc Việt Nam. Các nhà máy mọc lên như nấm, kết quả sự hoài nghi ngày càng tăng của các tập đoàn đa quốc gia đối với nước Trung Quốc láng giềng.
Một nữ công nhân kiểm tra bảng vi mạch điện tử tại nhà máy Manutronics ở Bắc Ninh. Ảnh tư liệu chụp ngày 30/05/2018. KHAM - KHAM
Lo Trung Quốc chiếm Đài Loan, doanh nghiệp ồ ạt chạy khỏi Hoa lục
Bài viết mở đầu bằng nhận xét, khu rừng ngập mặn ở cửa sông Cấm là một trong những nạn nhân ít được biết đến của ông Donald Trump. Khi cựu tổng thống Mỹ khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc tháng 3/2018, khu vực tả ngạn chỉ là một đầm lầy rộng lớn điểm xuyết bằng những làng chài. Năm năm sau, với hàng trăm tỉ đô la trả đũa trừng phạt kinh tế, hằng hà sa số nhà máy mới đã mọc lên tại đây, trên những mảnh đất vừa mới xới.
Công ty Đài Loan Pegatron chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Tesla và Apple đã đầu tư 500 triệu đô la vào một nhà máy vô cùng hiện đại. USI Global cũng của Đài Loan chuyên về máy vi tính và những vật dụng kết nối vừa khai trương một cơ sở sản xuất 200 triệu đô la. Một trong những tập đoàn lớn của thế giới về pin mặt trời cũng vừa chuyển hành lý đến cách đó vài trăm mét, và láng giềng sắp tới là hãng Nhật Bridgestone, hồi tháng Năm đã loan báo sẽ tăng gấp năm lần sản lượng vỏ xe sản xuất tại Việt Nam. Một trong những nhà lãnh đạo của Deep C, công ty quản lý 3.400 hecta khu công nghiệp ở xung quanh Hải Phòng cho biết nhu cầu địa điểm sản xuất đã tăng 150 %, và năm 2023 sẽ lập kỷ lục mới.
Đa số các doanh nghiệp đến đây nhằm chuyển dịch sản xuất khỏi Hoa lục. Bắt đầu từ 2010, khi lương công nhân Trung Quốc tăng lên, nhưng đã tăng tốc từ thương chiến Mỹ-Trung để tránh hàng rào thuế quan, và càng đẩy mạnh đại dịch tràn đến. Bị phong tỏa liên miên trong « zero Covid », các tập đoàn đa quốc gia tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh, rồi cuộc xâm lăng Ukraina đã thuyết phục được những người cuối cùng còn do dự. Trong khi bom, hỏa tiễn rơi đầy xuống Kiev và trận bão trừng phạt kinh tế ập vào Matxcơva, mọi cái nhìn đều hướng về eo biển Đài Loan, nơi chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục xâm nhập. Nếu đến lượt Bắc Kinh quyết định xâm lăng hòn đảo này thì sao ?
Nhà máy mọc lên như nấm, thanh niên miền Bắc không sợ thiếu việc
Theo Nikkei Asia, nếu Trung Quốc bị trừng phạt như Nga, kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại lây, lên đến 2.600 tỉ đô la, lớn hơn cả tác động từ đại dịch. Các nhà thầu phụ nhận được chỉ thị từ các đại tập đoàn có cơ sở ở châu Á : phải nhanh chóng đa dạng hóa nguồn cung. Luật sư Dennis Kwok ở New York nói, rất nhiều khách hàng muốn ghi thêm rủi ro địa chính trị vào hợp đồng. Stéphane Descarpentries, giám đốc châu Á của tập đoàn Pháp FM Logistic cho biết thêm, đặc biệt các công ty thuộc lãnh vực chất bán dẫn xách va-li ra khỏi Hoa lục đầu tiên. Một trong những kho bãi của FM Logistic ở gần Hà Nội đã nhận được vô số yêu cầu từ những ngành điện tử cao cấp.
Phía bắc phi trường Hà Nội, một rừng cần cẩu hoạt động gần địa điểm tương lai của Amkor - nhà sản xuất chất bán dẫn quan trọng của Mỹ, dự kiến đầu tư thêm 3 tỉ đô la. Tại khu công nghiệp Vân Trung ở Bắc Giang, Foxconn, nhà thầu lớn nhất của Apple loan báo một phần máy tính xách tay từ nay sẽ « Made in Vietnam ». Mặt tiền một nhà xưởng dọc theo xa lộ dẫn đến Trung Quốc treo tấm bảng khổng lồ « Tuyển 10.000 công nhân, môi trường lao động tốt, nhiều cơ hội thăng tiến ».
Một trong những thanh niên tìm việc tại một trung tâm tuyển dụng cho biết : « Tất cả thanh niên các tỉnh nông nghiệp miền bắc Việt Nam đều đổ xô vào đây, chúng tôi tìm được việc chỉ trong vài tiếng đồng hồ ». Les Echos lưu ý, các nhà máy mới đều được xây dựng ở miền bắc. Tờ báo lo rằng về lâu về dài Việt Nam khó đáp ứng được nhịp độ phát triển này, dân số cả nước ít hơn tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, cơ sở hạ tầng ở Hoa lục cũng rất thuận tiện.
Hai động lực tăng trưởng của Bắc Kinh đang suy tàn
Về kinh tế Trung Quốc, L'Express nhận định hai động lực phát triển là tự do hóa và đầu tư đang bị hủy hoại, sự suy sụp này sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu.Cuộc khủng hoảng này mang tính cơ cấu, có nghĩa là còn kéo dài. Việc tự do hóa đã giúp nổi lên các tập đoàn hùng mạnh như Alibaba, Tencent. Đảng cộng sản Trung Quốc để yên cho đến khi cảm thấy những người khổng lồ này là những sức mạnh tư nhân khó kiểm soát, mà trường hợp Mã Vân (Jack Ma) là một thí dụ cho xu hướng mao-ít của Tập Cận Bình. Về đầu tư, tăng trưởng nóng đã khiến sản xuất thừa như trong lãnh vực xây dựng. Các công ty địa ốc đành phải bán nhà giá rẻ, ngân hàng trung ương giảm lãi suất chỉ đạo nhưng theo tuần báo Pháp, « không thể buộc một con lừa uống nước khi nó không khát ».
Hệ quả trước hết liên quan đến khế ước xã hội, người dân chấp nhận mất tự do chính trị để đổi lấy sự thịnh vượng. Giờ đây làm thế nào khi thu nhập của dân chúng không còn cao như trước ? Kế đến, một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ thay đổi vị trí địa chính trị với kẻ thù Mỹ. Ngược với Trung Quốc, Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng, có nhiều việc làm và nhất là đang tái kỹ nghệ hóa dưới chính sách của chính quyền Biden. Cuối cùng, những khó khăn hiện thời của Bắc Kinh chắp thêm đôi cánh cho người cạnh tranh Ấn Độ, nay là quốc gia đông dân nhất thế giới. L’Express kết luận, từ thập niên 90, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn thành công trong việc vượt qua khủng hoảng, nhưng lần này tình hình có vẻ phức tạp hơn hẳn.
Một thập niên mất mát cho Trung Quốc ?
Phải chăng Trung Quốc đang đối mặt với « một thập niên mất mát » ? The Economist đặt câu hỏi.Nhà nghiên cứu Richard Koo của Viện Nomura cho rằng Trung Quốc vẫn chưa rơi vào thời kỳ suy thoái như Nhật Bản trước đây. Sau khi quả bóng chứng khoán bùng nổ năm 1989, giá cổ phiếu ở Nhật sụt mất 60 % trong chưa đầy ba năm. Giá địa ốc ở Tokyo sụt giảm trong hơn một thập niên, tình trạng giảm phát kéo dài. Nhưng đa số nợ công ty ở Hoa lục là của các doanh nghiệp nhà nước nên ngân hàng tiếp tục hỗ trợ nếu chính quyền đòi hỏi. Đối với nợ tư nhân, đa số là công ty địa ốc nên họ sẽ tự động giảm các dự án mới.
Tuy không đến nỗi tuyệt vọng về kinh tế, nhưng chính sách đàn áp của Tập Cận Bình là yếu tố gây bất ổn lâu dài ở Hoa lục.Về mặt chính trị, « Tập Cận Bình xây dựng một Nhà nước công an trong thế kỷ 21 ». Một dự luật cho phép công an cấp cơ sở được phạt vạ hay giam giữ người dân đến 15 ngày nếu có những hành động « làm hại đến tinh thần dân tộc », thậm chí mặc trang phục hay mang những dấu hiệu được cho là « xúc phạm » công chúng, anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó Bắc Kinh ra sức đồng hóa các dân tộc thiểu số. Tiếng Mông Cổ bị thay dần bằng tiếng quan thoại trong trường học ở Nội Mông, tương tự đối với Tân Cương, Tây Tạng.
Hát trên những xác người
Sự kiện Vương Phương (Wang Fang), ca sĩ opéra Trung Quốc đứng hát bài ca Nga « Kachiusa » tại Nhà hát Mariupol gây phẫn nộ trên internet Hoa lục. Hồi tháng Ba 2022, hàng mấy trăm thường dân Ukraina đang trú ẩn tại đây đã bị thiệt mạng do Nga oanh kích. Ngược với chính quyền, không ít người dân Trung Quốc đứng về phía đất nước bị xâm lược dù vẫn còn nhiều người ủng hộ Nga. Trong số những tiếng nói chỉ trích bà Vương, có những người có rất nhiều fan trên mạng xã hội, họ sẽ vô cùng thiệt thòi nếu danh khoản bị đóng.
Chẳng hạn một giáo sư về hưu sống ở Tân Cương, nói với 137.000 người theo dõi là Vương Phương « sẽ bị đóng đinh vào cây cột ô nhục của lịch sử ». Một người khác có đến gần 1 triệu người theo dõi trên Vi Bác, cáo buộc bà ta « chỉ đơn giản là mất trí ». PhíaUkraina cũng rất tức giận. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao gọi vụ bà Vương ca hát tại địa điểm thảm sát là « ví dụ cho sự suy thoái hoàn toàn về đạo đức », chuyến đi Mariupol của bà ta và cả nhóm là bất hợp pháp, tất cả sẽ bị cấm nhập cảnh. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc giữ im lặng về vụ này.
Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo vốn rất dân tộc chủ nghĩa cũng nói với 25 triệu « follower » rằng thái độ của Vương Phương có nguy cơ « tạo cảm giác can dự » vào cuộc chiến, « không đúng với thực tế và không phải là những gì mà Trung Quốc cần ». Cuộc chiến tranh Ukraina « không phải là cuộc chiến của Trung Quốc ». Quan điểm này có thể phản ánh suy nghĩ của nhiều quan chức Hoa lục hiện nay. Bài của ông Hồ Tích Tiến cũng bị xóa, rõ ràng là các nhà kiểm duyệt muốn chấm dứt hẳn cuộc tranh luận.
Putin được Bình Nhưỡng tiếp đạn, phương Tây cần viện trợ thêm cho Kiev
Về quan hệ giữa hai nước đang bị thế giới xa lánh là Nga và Bắc Triều Tiên, cuộc gặp Vladimir Putin - Kim Jong Un trong tuần này gây lo ngại cuộc chiến đấu của người Ukraina sẽ vất vả hơn, và mối đe dọa nguyên tử tăng lên ở châu Á. Cả hai là một sự quay lại với quá khứ. Kim Jong Un là cháu nội một bạo chúa được Stalin áp đặt cho Bình Nhưỡng, còn Vladimir Putin luôn hoài vọng thời kỳ đế quốc của nước Nga. Bắc Triều Tiên là phiên bản cực đoan mà Nga đang dần tiến tới : một xã hội quân sự hóa, bị cắt rời khỏi phương Tây, được lãnh đạo bởi một kẻ chuyên quyền, coi thường mạng sống con người.
Dù nghèo khó và bị cô lập, Bình Nhưỡng lại có thứ mà Matxcơva đang rất cần là đạn pháo, dù trong đợt tấn công vào Hàn Quốc năm 2010 có đến 20 % không nổ ; ngoài ra còn có thể bán cho Nga rốc-kết và đại bác. Mọi thỏa thuận về đạn dược diễn ra vào thời điểm nhạy cảm : cuộc phản công của Ukraina, có thể giúp quân Nga cầm chân lực lượng Kiev, làm tăng thêm số thiệt hại trong những tháng mùa đông sắp tới. Đổi lại, Kim Jong Un có thể đòi hỏi chuyển giao công nghệ hỏa tiễn để cải thiện tầm bắn, tính chính xác và linh hoạt của hệ thống phóng vũ khí nguyên tử ; cũng như những bí mật vệ tinh và tàu ngầm Nga.
Thăng bằng về hạt nhân ở châu Á sẽ bị thay đổi. Chế độ Bình Nhưỡng vừa thất thường vừa độc ác, thường xuyên dọa thiêu rụi Hàn Quốc và đã bắn hai hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn ngay trước cuộc gặp Kim-Putin. Ở đây có một nhân tố khó đoán là Trung Quốc vốn có ảnh hưởng với cả hai nhà độc tài, luôn nghi ngại vũ khí nguyên tử. The Economist cho rằng đối với phương Tây, trừng phạt khó có tác dụng, thay vào đó nên gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina và Mỹ cần tái khẳng định « chiếc dù nguyên tử » bảo vệ các đồng minh châu Á.
Phản công : Tranh luận về chiến thuật của Ukraina và Âu Mỹ
Tại Ukraina, cuộc phản công có tiến độ chậm chạp đang gây tranh cãi : Liệu chiến thuật hiện nay của Kiev có hiệu quả không, hay phải quay lại với những khuyến cáo của phương Tây ?Một trong những điểm bất đồng là quyết định của Kiev tiếp tục chiến đấu giành lại Bakhmut ở miền đông, trong khi các viên chức Mỹ khuyến khích tập trung vào phía nam. Một người phàn nàn rằng Ukraina vẫn bị ràng buộc với học thuyết của Liên Xô cũ. Nhưng theo B.A. Friedman, một sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ về hưu và là tác giả một cuốn sách về chiến thuật quân sự, do Kiev không có được sức mạnh không quân yểm trợ nên giải pháp trên là hợp lý.
Nhiều sĩ quan châu Âu thừa nhận rằng những đội quân được huấn luyện và trang bị đầy đủ hơn của họ sẽ gặp khó khăn trong việc phá vỡ phòng tuyến « Surovikin ». Ông Friedman nói rằng phần lớn kinh nghiệm chiến đấu gần đây của quân đội Mỹ là ở khu vực miền núi hay sa mạc, nơi mà các đơn vị nhỏ không thể tận dụng những chỗ ẩn nấp để tiến lên theo cách Kiev đang làm hiện nay. Hai quân trường chính để huấn luyện bộ binh Mỹ là Fort Irwin và Twentynine Palms đều nằm trong môi trường sa mạc ở California. Các quy định chặt chẽ về an toàn của phương Tây cũng không phù hợp với một cuộc chiến vì sự tồn vong của đất nước này.
Alina Kabaeva, người tình quyền lực trong bóng tối của Vladimir Putin
Về đời tư của ông chủ điện Kremlin, Le Point phỏng vấn nhà báo Céline Nony, tác giả cuốn sách « Alina Kabaeva, người tình bí ẩn của Vladimir Putin ». Cựu vận động viên thể dục nhịp điệu nay được cho là người phụ nữ quyền lực nhất nước Nga nhưng hiện phải sống trong bóng tối. Theo những thông tin mà tác giả điều tra được, thì bà Kabaeva mang bầu ba lần, và lần cuối là song thai.
Nếu theo tin đồn một trẻ song sinh là bé trai, thì vị trí của người tình này rất quan trọng vì Putin cho đến nay chỉ có con gái. Một chi tiết gây hoang mang : bác sĩ sản khoa Natalia Thiebaud, người Thụy Sĩ gốc Nga đã chăm sóc cho Alina trong thời gian mang thai năm 2015, hồi tháng Hai đã được truyền thông độc lập nêu tên trong một hồ sơ về cặp Kabaeva-Putin, nhưng bốn ngày sau đột ngột tử vong trong hoàn cảnh đáng ngờ.
Về tài sản của Alina, người ta chỉ biết bà hưởng lương 10 triệu đô la một năm với tư cách chủ tịch NMG, một tập đoàn truyền thông hùng mạnh, tuy ít thấy xuất hiện tại đây. Số tiền lương cao khủng khiếp so với mức sống ở Nga, nhưng thực tế bà ta rất giàu có với vô số biệt thự, nhà nghỉ sang trọng và nhiều tài sản đứng tên, mẹ, chị. Cả người bà của Alina cũng sở hữu một tòa nhà sang trọng ở Sotchi rộng đến 2.600 mét vuông có khoảng 20 phòng, nơi nào cũng mạ vàng, có phòng treo tranh, hồ bơi…
Cơ ngơi này do Yuri Kovalchuk tặng, ông ta là cổ đông chính của ngân hàng Rossiya, được cho là ví tiền của Putin. Hiện Alina cư ngụ tại một trong những dinh thự nhà nước Nga gần Novgorod, mỗi khi di chuyển có năm vệ sĩ, tất cả do bạn bè của tổng thống trả lương. Khu nhà này được nối với những đường xe lửa bí mật, do Putin không thích đi máy bay.
Iran : Một năm sau vụ Amini, chế độ Hồi giáo thêm khắc nghiệt
Hồ sơ của L'Obs tuần này được dành cho « Cuộc chiến đấu cuối cùng của Đức giáo hoàng Phanxicô », L'Express quan tâm đến những chính khách có thể kế tục sau khi ông Emmanuel Macron kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống. Le Point chạy tựa « Điều cần biết trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo », Courrier International nói về « Maroc, những người bị bỏ quên ở Atlas », The Economist đề cập tới nguy cơ cực hữu ở châu Âu.
Nhìn sang Trung Đông, đúng một năm sau khi cô gái 22 tuổi Mahsa Amini bị cảnh sát phong tục Iran đánh chết chỉ vì quàng khăn Hồi giáo không đúng cách, làm dấy lên phong trào biểu tình chưa từng thấy, các báo đều đề cập đến chủ đề này. Le Monde cuối tuần nhận định « Iran, một nước Cộng hòa Hồi giáo đổ nát ».Những cuộc biểu tình đầy can đảm trong một thể chế độc tài man rợ như vậy, với khẩu hiệu nổi tiếng « Phụ nữ, cuộc sống, tự do », rất tiếc là có cùng nhược điểm với Mùa Xuân Ả Rập trước đó một thập niên. Sức mạnh của phong trào tự phát này không thể bù đắp được sự thiếu vắng tổ chức, những khuôn mặt lãnh đạo và chương trình hành động chính trị cụ thể.
Địa chính trị cũng làm lợi cho chế độ : một trục xét lại Nga-Trung mang lại cho Teheran những thế mạnh chính trị và kinh tế bất ngờ, trong đó có việc Iran gia nhập khối BRICS nhờ Bắc Kinh thúc đẩy. Chế độ Iran không còn để yên cho những nhà cải cách trong bộ máy của mình, dù bị đặt dưới sự kiểm soát. Bất lực trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế mà cuộc phiêu lưu nguyên tử càng làm thêm trầm trọng, các giáo sĩ cầm quyền hoàn toàn tách biệt với dân chúng nay có trình độ học vấn cao hơn, thành thị hóa nhiều hơn.
Không có nhận xét nào