01/9/2023
Ông Thaksin Shinawatra đã trở về Thái Lan sau 17 năm sống lưu vong
Quốc vương Thái Lan đã giảm án tù cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từ 8 xuống còn 1 năm, công báo hoàng gia cho biết hôm 1/9, một ngày sau khi ông Thaksin đệ đơn xin ân xá.
Chính trị gia nổi tiếng nhất của Thái Lan đã có chuyến trở về đầy kịch tính hồi tuần trước sau 15 năm tự lưu vong ở nước ngoài để tránh phải ngồi tù sau khi ông bị quân đội đảo chính hồi năm 2006.
Ông về nước bằng máy bay riêng và sau đó được đưa đến nhà tù để thụ án 8 năm về lạm dụng quyền lực và xung đột lợi ích trong thời gian cầm quyền. Vào đêm đầu tiên trong tù, ông đã được đưa đến bệnh viện cảnh sát vì đau ngực và huyết áp cao.
Hôm 31/8, ông đã đệ trình thỉnh cầu lên Quốc vương xin ân xá.
Ông Thaksin ‘là thủ tướng, đã làm điều tốt cho đất nước và nhân dân và trung thành với nền quân chủ’, công báo hoàng gia hôm 1/9 viết.
“Bị cáo tôn trọng quy trình tố tụng, nhận tội, ăn năn, chấp nhận phán quyết của tòa án. Vào lúc này ông ấy đã già, mắc bệnh và cần các chuyên gia y tế chăm sóc”, bản tin viết.
Thái Lan: Cuộc mặc cả mong manh
Chiêu Văn
28/8/2023
Sau thời gian dài giằng co, chính trường Thái Lan cuối cùng cũng (tạm thời) ngã ngũ với một tân thủ tướng và sự trở về của một cựu thủ tướng bị lật đổ.
Ông Thaksin quỳ trước hình ảnh hoàng gia Thái. Ảnh: Bloomberg
Suốt nhiều tuần, tin đồn về việc ông Thaksin Shinawatra trở về Thái Lan rộ lên khắp nơi. Nhưng chứng cứ xác thực đầu tiên chỉ xuất hiện vào sáng thứ ba 22-8, khi em gái ông, bà Yingluck (cũng là cựu thủ tướng đang lưu vong) đăng tấm hình bà tiễn biệt anh trai trước khi ông lên máy bay ở Singapore.
Rồi sau đó, hàng nghìn người Thái đã dõi theo chiếc máy bay cá nhân chở ông Thaksin tới khi nó hạ cánh xuống sân bay Don Mueang, Bangkok vào 9h sáng cùng ngày. Ông bước ra khỏi sân bay khoảng 90 phút sau, cùng các con mình, và được đông đảo người ủng hộ chào đón như một ngôi sao ca nhạc.
Nghi thức nghiễm nhiên với một nhân vật lớn như ông Thaksin, sau một thời gian dài xa Tổ quốc, đương nhiên phải bao gồm lễ khấu đầu trước chân dung nhà vua. Và ông đã khấu đầu.
Nhưng đón ông Thaksin không chỉ có thảm đỏ và tràng hoa. Từ ngày xuất dương lưu biệt năm 2008, ông vẫn còn cái án tham nhũng treo trên đầu. Là tội phạm bị truy nã, ông phải lập tức ra trình diện nhà chức trách. Và ông đã ra trình diện.
Tòa Tối cao Thái Lan tuyên ông 8 năm tù giam với ba tội danh: lạm quyền và hành động phi pháp, ra lệnh trái luật cho một ngân hàng nhà nước vay nợ nước ngoài, và nắm giữ cổ phiếu trái luật qua những nhân vật bình phong.
Giờ chưa rõ ông Thaksin có thụ án hay không. Ông đã 74 tuổi và sau khi khám sức khỏe cho ông trong trại tạm giam, các bác sĩ đánh giá ông thuộc nhóm “sức khỏe kém” (tiền sử bệnh tim và viêm phổi vì COVID-19).
Vì yếu ớt như vậy, ông sẽ cần được theo dõi 24/24, theo lời người phát ngôn Cục Cải huấn Thái Lan Sitthi Sutivong trong một cuộc họp báo. Ngoài ra, do nhu cầu thăm viếng ông quá lớn, sẽ có một phòng thăm tù đặc biệt được thu xếp cho ông, cũng theo lời ông Sitthi. (CNN 22-8).
Nhưng dù có thế nào, ông Thaksin vẫn đã về nước trong tư thế một người chiến thắng.
Chiến thắng của Pheu Thai
Chính xác hơn thì đó là chiến thắng cho đảng của ông, Pheu Thai. Cũng đúng trong ngày thứ ba 22-8 mà ông Thaksin về nước – khó mà phủ nhận tính liên hệ chặt chẽ của hai sự kiện này với nhau – Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu thông qua tân Thủ tướng Srettha Thavisin, sau ba tháng trời bế tắc chính trị kể từ cuộc bầu cử 14-5.
Ông Srettha, cựu doanh nhân 60 tuổi, là ứng viên duy nhất của Pheu Thai. Ông nhận được 482/747 phiếu trong cuộc bỏ phiếu lưỡng viện, kết quả thật sát sao như tấm gương phản chiếu tình hình chính trường chia rẽ và phức tạp của Thái Lan hiện tại.
“Tôi thấy vinh dự vô cùng khi được bầu làm thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Tôi muốn cảm ơn mọi người Thái, các đảng liên minh, quý vị nghị sĩ đã bỏ phiếu ngày hôm nay, tôi sẽ làm hết sức mình để không ngừng nâng cao đời sống cho người Thái”, ông Srettha nói sau khi có kết quả bầu cử. (Reuters 22-8).
Sở dĩ ông Srettha phải cảm ơn “các đảng liên minh” là vì Pheu Thai không về nhất trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5. Họ chỉ giành được 28,8% số phiếu bầu, về nhì sau Đảng Tiến bước (38,0%).
Nhưng Tiến bước có lập trường được coi là quá cấp tiến trong xã hội Thái Lan (cải cách quân đội, thay đổi cách điều hành kinh tế, phi tập trung hóa quyền lực, và nhất là cải tổ cả chế độ quân chủ).
Ứng viên thủ tướng của họ là hiện thân cho đường lối đó: ông Pita Limjaroenrat mới 42 tuổi, dân Tây học trăm phần trăm. Ông sống ở New Zealand từ năm 11 tuổi tới khi trưởng thành, học ở Đại học Texas, Austin, Đại học Harvard, và MIT, thảy đều là những trường lừng lẫy của Mỹ.
Ông Pita đã không thể trở thành thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Reuters
Pheu Thai về nhì nhưng trở thành đảng đứng ra tổ chức chính phủ liên minh sau khi Quốc hội Thái (với 250 thành viên chỉ định ở Thượng viện là người của quân đội) khẳng định không chấp nhận ông Pita làm thủ tướng, nếu ông và đảng của mình vẫn có ý định thay đổi điều luật về tội khi quân.
Để gom được đủ số phiếu cần thiết, Pheu Thai rốt cuộc quay sang đàm phán với kình địch của họ, rút lại lời hứa trước đó là dứt khoát không hợp tác với các đảng phái thân quân đội. Trên chính trường, quả là không có bạn – thù vĩnh viễn.
Năm 2006, ông Thaksin, lúc bấy giờ còn là lãnh tụ đảng Thai Rak Thai (một trong rất nhiều tiền thân của Pheu Thai), bị quân đội lật đổ trong một cuộc đảo chính. Bấy giờ, ông và phong trào dân túy của mình (đến nay vẫn là đường lối kiên trung: khi tranh cử, Pheu Thai hứa sẽ trao tận tay mọi người Thái từ 16 tuổi trở lên 10.000 baht (khoảng 286 USD nếu thắng cử) được coi là lực lượng cấp tiến trong xã hội Thái.
Nhưng giờ đây đã có những kẻ cấp tiến hơn xuất hiện: Pheu Thai lại trở thành “bảo thủ” và quay sang bắt tay với quân đội.
Với dân số Thái Lan năm 2021 là khoảng 71 triệu và người trên 16 tuổi là 53 triệu, khó mà tưởng tượng Pheu Thai lấy đâu ra số tiền hơn 15 tỉ USD để phân phát cho dân chúng. Nhưng đó không phải là lời hứa tranh cử duy nhất sẽ không được thực hiện.
Nghị trình tranh cử của họ từng bao gồm các cải tổ để quân đội không được tham chính nữa. Thực tế lúc này là nội các mới chắc chắn sẽ có những ghế bộ trưởng chủ chốt về tay liên minh chính trị được giới tướng lĩnh hậu thuẫn: phong trào Palang Pracharath và đảng Dân tộc Thái Thống nhất.
Một nền chính trị đặc thù
Những mặc cả chính trị nói trên dễ hiểu là khiến nhiều người phật ý. (“Động thái đó đã chà đạp lên ý chí của hàng triệu người Thái bỏ phiếu cho các đảng tiến bộ trong cuộc bầu cử tháng 5”, CNN 23-8 bình luận).
Nhưng nó cũng cho thấy các thiết chế dân chủ đã định hình khá rõ ràng trên chính trường, để ít ra là quyền lực có thể được chuyển giao êm ả, có một luật chơi đại khái, ngay cả khi luật chơi đó còn gây tranh cãi.
Hơn nữa, bầu cử dân chủ cũng chỉ là một trong nhiều thiết chế và định chế cơ hữu của một nền chính trị đặc thù như Thái Lan, nơi còn có quân đội, cảnh sát, báo chí (tương đối tự do), các tòa án (độc lập phần nào), và nhất là hoàng gia.
Trở lại với nghi thức quỳ mọp dưới chân bức ảnh hoàng gia ngày trở về của ông Thaksin, chính ông này đã nói ngay sau khi có kết quả bầu cử hồi tháng 5:
“Tôi không tranh đấu để làm tổn hại định chế (quân chủ). Tôi không thể không ý thức về hoàng gia. Giả sử Đảng Pheu Thai tham gia liên minh với Đảng Tiến bước, thì dù phe Tiến bước có làm gì, tôi cũng hy vọng họ không tác động đến vương quyền, chúng tôi sẽ không đồng ý với điều đó. Đây là chuyện thường tình (ở Thái Lan), chúng tôi không phải những người cực kỳ bảo thủ, nhưng chúng tôi là người Thái, chúng tôi tôn trọng vương quyền. Đơn giản vậy thôi”. (Thai PBS World 18-5).
Nhận định này của ông Thaksin, dù vô tình hay hữu ý, bộc lộ nhiều điều. Thứ nhất, ông Thaksin không phải là Tào Tháo, và nhà vua Thái Lan – với rất nhiều thực quyền, khối tài sản khổng lồ, và cả một ý chí chính trị độc lập – cũng không phải là Hán Hiến Đế để các đảng cầm quyền “khống chế thiên tử, hiệu lệnh chư hầu”.
Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là cho tới giờ, bất chấp mọi thách thức, tính chính danh chính trị ở Thái Lan vẫn phải gắn với sự tôn trọng vương quyền. Khi ông Thaksin quỳ dưới chân bức ảnh nhà vua Thái, ông không chỉ khấu đầu với cá nhân ông Vijiralongkorn, mà là với cả một định chế ít ra đã vài trăm năm, đủ sâu dày để khó nói chuyện thay đổi ngày một ngày hai.
Vua Thái Lan Vijiralongkorn (mặc áo vest, ngồi ghế) và hoàng hậu đi thử phương tiện giao thông công cộng ở Bangkok. Ảnh: AFP
Thứ hai, khi ông Thaksin tuyên bố “sẽ không đồng ý” với việc Tiến bước đụng tới vương quyền, ông đã cho cả người Thái lẫn thế giới thấy ai mới là người cầm trịch thực sự ở Pheu Thai.
Về lý thuyết, một cựu thủ tướng đã mất chức 18 năm, và còn tệ hơn, một tội nhân, sao có thể ra lệnh cho đảng chính trị lớn thứ hai và giàu sức ảnh hưởng nhất nhì Thái Lan? Nhưng trên thực tế, ở tuổi 74 và đã trải qua ngần ấy sóng gió, ông Thaksin có lẽ mới là người “thùy liêm thính chính”.
Cũng không cần phải nhắc là em gái ông, Yingluck, đã làm thủ tướng 2011-2014. Và ngay lúc này, Chủ tịch và Cố vấn cấp cao của Pheu Thai không phải ai khác: bà Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin. (Bà từng là ứng viên thủ tướng hàng đầu của Pheu Thai, nhưng sau cùng rút lui, có lẽ vì còn quá trẻ – sinh năm 1986, và cũng để đỡ điều tiếng “một nhà ba tể tướng”).
Ý cuối cùng trong phát biểu của ông: “Chúng tôi không phải những người cực kỳ bảo thủ”, phản ánh thực tế chính trường Thái lúc này. Qua cuộc bầu cử, một phần đông đảo dân chúng muốn một chính quyền cấp tiến và cởi mở hơn, nhưng giới chóp bu chính trị chưa sẵn sàng cho điều đó. Ông Pita và Đảng Tiến bước, vì vậy, giờ sẽ phải cam phận đóng vai đối lập.
Dù đã 60 tuổi, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin không có nhiều kinh nghiệm chính trường. Trước đó ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, là người đứng đầu hãng bất động sản hàng đầu Thái Lan, Sansiri.
Xuất thân từ một gia đình kinh doanh tầm cỡ, ông Srettha khởi nghiệp ở hãng Procter & Gamble Thái Lan sau khi học kinh tế và quản trị ở Mỹ. Năm 2022, Sansiri có tổng doanh thu hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 8% trên sàn chứng khoán Bangkok ngày 23-8.
Ông Srettha còn là cổ động viên nhiệt thành của câu lạc bộ bóng đá Anh Liverpool, là người rất yêu chó và có chiều cao đặc biệt (1,92m). “Ông ấy không thật sự phù hợp làm chính trị gia”, Reuters dẫn lời một bạn làm ăn cũ không nêu tên của ông Srettha.
Hãng tin này cũng bình luận ông thiếu một cơ sở cử tri rõ ràng cả ở Pheu Thai lẫn trong công chúng, “dẫn tới những nghi ngờ về việc ông có thể tự mình ra quyết định tới mức độ nào, nhất là khi cái bóng lớn của Thaksin giờ đã trở thành người thật”.
Ông Srettha còn phải lãnh đạo một chính phủ liên minh gồm tới 11 đảng phái khác nhau, trong một bối cảnh không dễ dàng: phe quân đội tất nhiên luôn dòm ngó, nền kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 1,8% trong quý 2-2023, và dân số đang già hóa nhanh chóng.
https://dotchuoinon.com/2023/08/28
Không có nhận xét nào