Header Ads

  • Breaking News

    Phúc Lai - Người Ukraina vẫn phải kết thúc chiến tranh theo cách của chính mình

    23/9/2023

    Với những người ủng hộ Ukraine, có lẽ ngoài những tin mặt trận, thì có thể vẫn có những thất vọng nhất định về tình hình chính trị quốc tế liên quan. Vì vậy trong bài viết này, tôi sẽ xin phép đi vào hai vấn đề chính đó, còn về chiến sự có thể sẽ cắt làm một bài khác vào ngày mai.

    1. Ba Lan tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukrain nữa… nhưng hoàn toàn không có ý là không bao giờ nữa !

    Chúng ta cần nhìn lại cho đến giờ phút này những đóng góp của Ba Lan cho cuộc kháng chiến của Ukraine, trong tương quan với Hoa Kỳ là nước có nhiều vũ khí nhất trên thế giới. Hoa Kỳ có GDP là 23,32 nghìn tỉ đô-la Mỹ trong khi GDP của Ba Lan là 680 tỉ, tức là Mỹ gấp 34,2 lần! Do vậy, những gì mà Ba Lan đã làm là NHIỀU HƠN rất nhiều so với khả năng của mình và so với chính Hoa Kỳ. 

    Cho đến nay, viện trợ riêng của Ba Lan đạt trị giá 0,7% GDP cộng với viện trợ thông qua EU – 0,6% GDP – tổng cộng 1,3% GDP trong khi viện trợ của Hoa Kỳ trị giá 0,3% GDP. Trong những “sự cố” vừa qua, Chính phủ Ba Lan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chỉ thực hiện việc chuyển giao vũ khí đã thỏa thuận trước đây cho Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ không đưa ra cam kết về việc giao tiếp trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ việc này (tiếp tục viện trợ trong tương lai).

    Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh phe đối lập Ba Lan có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chỉ sau 3 tuần cáo buộc chính phủ Ba Lan “giải giáp quân đội Ba Lan” và tuyên bố họ (Chính phủ) đã gửi tới Ukraine 80 % kho vũ khí của nước này.

    Thủ tướng Ba Lan Morawiecki nói: “Chúng tôi không còn chuyển vũ khí cho Ukraine nữa vì chúng tôi hiện đang tái trang bị cho Ba Lan bằng những loại vũ khí hiện đại hơn”. 

    Ngoài Ba Lan, không có nước nào gửi cho Ukraine nhiều như vậy: hơn 320 xe tăng – trong đó có 30 chiếc Leopard. Đức chỉ hứa 90 chiến như đã giao chưa nhỉ? Mỹ hứa 76 chiếc và đã giao chưa nhỉ? Từ đầu chiến tranh, Ba Lan là nước đầu tiên hỗ trợ Ukraine đủ mọi mặt, trở thành hậu phương lớn cho Ukraine! 

    Chính trong giai đoạn quan trọng đầu tiên của cuộc chiến, sự hỗ trợ của Ba Lan dưới hình thức chuyển xe tăng (loại thời xô-viết hoặc của Ba Lan sản xuất – nâng cấp cùng hệ) cho quân đội Ukraine là rất quan trọng và theo một số đánh giá, việc này có tầm quan trọng mang tính quyết định trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào tháng Ba năm 2022 và sau đó cho phép quân đội Ukraine tiến hành các cuộc phản công ở các vùng Kharkiv và Kherson. 

    Theo một số thông tin phổ biến, Ba Lan đã cạn kiệt kho vũ khí chỉ còn một phần ba so với trước của chiến tranh của Putox (33 %) nhưng theo phe chính trị đối lập ở Ba Lan thì con số vũ khí viện trợ cho Ukraine đạt tỉ lệ 80 %, như vậy quân đội nước này chỉ còn 20 % vũ khí dự trữ. Vì vậy trong khi đảng cầm quyền PiS cấm các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine đang xâm nhập vào thị trường Ba Lan vì muốn có phiếu bầu của nông dân Ba Lan thì phe đối lập lại lo sợ rằng quân đội Ba Lan không còn vũ khí.

    Có người phê bình là hành động của Ukraine kiện Ba Lan ra WTO là dở, vì nước mình đang ở tình trạng chiến tranh và cần sự hỗ trợ của Ba Lan hơn bao giờ hết. Có lý, nhưng cái gì cũng có cái lý của nó. Ukraine là nước đang có chiến tranh và ở tình thế nguy hiểm hơn: dân không thể chết đói, trong khi ở các nước khác thì chỉ cùng lắm là lép hầu bao. Việc đệ đơn lên WTO không phải là đệ đơn lên tòa án, do đó gọi là kiện cũng không hẳn là đúng. Việc cấm ngũ cốc Ukraine có thể đúng, có thể sai và điều đó sẽ phụ thuộc vào cách xem xét của WTO, khi đó sẽ hai năm rõ mười, sao phải lo lắng chứ.

    Điều thú vị là bọn tuyên truyền Nga và cả cho Nga, đang hí hửng: Ba Lan sẽ quay sang ủng hộ Nga và chuyển sang chống Ukraine. Đừng bao giờ mơ về điều đó. Những gì Ba Lan làm cho Ukraine cho đến nay, không phải chỉ là làm cho Ukraine mà làm cho nguyên tắc dân chủ của toàn thế giới, và nó là cao nhất, là tối thượng. Nga của Putox thi hành chính sách độc tài, do vậy nó vi phạm nguyên tắc dân chủ của thế giới văn minh và chỉ được những nước, những kẻ không văn minh, mọi rợ ủng hộ mà thôi.

    Bầu cử ở Ba Lan theo tôi biết, sẽ chỉ diễn ra trong 1 tháng và các nguyên tắc dân chủ trên đây thì vẫn giữ nguyên. Do vậy sau đó mọi thứ sẽ lại bình thường. Tuy nhiên tốc độ ủng hộ vũ khí cho Ukraine chắc chắn sẽ chậm lại vì chỉ còn 20 % trong kho, và tốc độ trang bị vũ khí mới cho quân đội của Ba Lan cũng phải có thời gian.

    Tôi có nói với mấy người bạn: quan trọng là các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine đang đặt nhờ bên đất Ba Lan không bị đuổi là được.

    Trong một diễn biến khác, Zelenskyy đã gặp ông Duda, kiểu gì chẳng có phương án giải quyết vấn đề.

    2. Liên quan đến “hỗ trợ” hay “hình thành liên minh,” trong một chiều khác thì Putox đi tìm thằng cháu Kim Un để mong có bạn bè. Điều này làm cho bọn Pro-Nga sung sướng vì một đằng có đồng minh và một đằng, bị đồng minh “ghẻ lạnh”. Như trên đây chúng ta đã xem xét, làm gì có chuyện ghẻ lạnh. Vậy Bắc Triều Tiên có giúp được gì cho Putox hay không?  

    GDP của Triều Tiên vào khoảng 18 tỉ USD và ngân sách quân sự của nước này là khoảng 4 tỉ đô-la, trong khi phải nuôi 2 triệu quân và không rõ là no đủ hay đói rách. Vậy chúng ta hãy nhìn qua cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm tạm dừng chiến tranh Triều Tiên… Ngoài một số quả tên lửa vượt đại châu hoành tráng diễu qua, thì cái thứ mà Putox hy vọng là những dàn MLRS (pháo phản lực phóng loạt) được kéo qua lễ đài dạng… xe cải tiến được máy kéo nông nghiệp dong đi, và một loại khác nào đó được lắp lên thùng tự đổ của xe ben dân sự.

    Vì vậy, nước này có thể có tên lửa vượt đại châu, thậm chí có thể có đầu đạn hạt nhân. Nhưng về khía cạnh thi hành chiến tranh quy ước, với những gì họ đang thể hiện tôi có thể khẳng định 80, 90 % rằng họ là quân đội chết đói, với những vũ khí của 50, 60 năm trước hoặc hơn nữa. Tôi cũng nghi ngờ luôn cả thứ pháo phản lực phóng loạt 300 mm là báo chí trong nước ta đang háo hức là… Putox sẽ có nó để đem ra chiến trường. Họ có thể làm được một số, nhưng không có nghĩa là làm được đủ số cho Nga dùng, mà quân đội Nga thì là con quỷ đói.

    Để duy trì được một quân đội quy ước đủ hùng mạnh, thì phải có một nền sản xuất công nghiệp mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng công nghệ. Vậy công nghiệp Bắc Triều Tiên đâu? Họ sản xuất được những loại ô tô gì? Nếu họ sản xuất được ô tô thoải mái dùng thì đã không phải dùng máy kéo để kéo dàn Kachiusa! Vì vậy nếu Putox có thể hy vọng ở điều gì đó, thì chỉ là những quả đạn pháo thối có tuổi đời 50 năm.

    Vậy nếu trường hợp này xảy ra, thì (1) Bắc Hàn có cái kho cỡ từng nào để đáp ứng được con quỷ đói luôn gào đạn đạn là quân đội Nga? Liệu đáp ứng được tấn công của cỡ vài sư đoàn Nga không? Và (2) Tha từng đó đạn qua con đường 10.000 ki-lô-mét xuyên Siberia, sẽ đầy chuyện “vui.” 

    Một thảm họa nữa, là sử dụng lính của Bắc Hàn ra chiến trường. Họ đã không đánh nhau với ai trong suốt 70 năm qua, và rất nhiều chú trong số đó đã được nuôi trong một quân đội… rất khó đánh giá về sức khỏe với một quãng thời gian gần 10 năm (chế độ nghĩa vụ quân sự của Bắc Hàn là 10 năm, thật đúng là địa ngục!). Nếu cháu Kim Un cho chú Putox mượn 20.000, 30.000 quân, thì trước hết đó là 2, 3 vạn cái tầu há mồm gào thét ĐÓI ĐÓI cần phải nuôi. Thật lòng là tôi không tin là 2, 3 vạn lính đó có thể đánh nhau được với 1 vạn lính khỏe mạnh, lực lưỡng của Hàn Quốc.

    3. Không có ATACMS cho lần này. Một số ý kiến khác cho rằng gói sau sẽ có…

    Gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine trị giá 325 triệu USD như vậy trước mắt sẽ không bao gồm tên lửa tầm xa ATACMS. Nguồn tin của Reuters nói rằng gói viện trợ sẽ bao gồm đợt thứ hai gồm đạn chùm 155 mm và vũ khí bổ sung cho lực lượng phòng không Ukraine, đặc biệt là Hệ thống phòng không Avenger. Gói này cũng bao gồm vũ khí chống tăng TOW và AT4, đạn cho hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS và hệ thống chống tăng Javelin. Đồng thời, nó (gói viện trợ) vẫn đang được hoàn thiện và có thể thay đổi.

    Cách đây 2 tuần, tờ Financial Times đưa tin là Mỹ đã gần như đưa ra quyết định cung cấp ATACMS cho Ukraine. Gói viện trợ mới trên đây đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong cuộc gặp với Volodymyr Zelenskyy tại Nhà Trắng vào thứ Năm, ngày 21 tháng 9. Chuyến thăm Mỹ của Zelenskyy diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang xem xét yêu cầu của Nhà Trắng về khoản viện trợ bổ sung 23 tỉ USD cho Ukraine. Nhưng sự chấp thuận của nó vẫn chưa chắc chắn, vì có sự chia rẽ nghiêm trọng trong Đảng Cộng hòa về vấn đề này. Một bộ phận cánh hữu của Đảng Cộng hòa Mỹ, do ông Donald Trump đứng đầu, cho rằng Mỹ đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine và nên tập trung vào các ưu tiên trong nước…

    Bình loạn : 23 tỉ quan trọng hơn ATACMS. Vậy nếu không có ATACMS thì sẽ làm sao?

    Một trong những nguyên nhân lớn nhất của “khó khăn trong chuyển ATACMS cho Ukraine” là sự suy giảm hiệu quả của HIMARS trong một số quãng thời gian nào đó. Hồi đầu tiên, các giàn HIMARS làm việc rất hữu hiệu, nhưng sau đó do Nga tăng cường gây nhiễu tín hiệu GPS, hiệu quả của HIMARS giảm xuống khá nhiều. Thời gian qua do người Ukraine tập trung vào “nhiệm vụ phản pháo” gồm: tiêu diệt các hệ thống phòng không, radar phản pháo, các hệ thống pháo binh và các hệ thống tác chiến điện tử đối phương, dần dần HIMARS phục hồi được khả năng của mình, nhưng chưa chắc chắn. Vì vậy sự “chưa chắc chắn” này sẽ tăng lên với những loại vũ khí có tầm bắn xa hơn.

    Một nguyên nhân nữa, là về nguyên tắc khi Ukraine nhận được HIMARS, coi như đã nhận được gần như đầy đủ bí quyết công nghệ của nó, nay thêm ATACMS nữa thì sau chiến tranh họ cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh với chính… Hoa Kỳ.

    Tạm thời thì… 

    Tên lửa Vilkha phiên bản tiêu chuẩn (mã P624) đã được sử dụng ở tiền tuyến kể từ những tuần đầu tiên của cuộc chiến, nó có tầm bắn lên tới 70 km với đầu đạn nặng 250 kg, so với 92 km và đầu đạn nặng 91 kg của GMLRS M30 / M31 của các hệ thống M142 HIMARS và M270. Từ đó đến nay, các nhà quan sát quân sự quốc tế phát hiện ra rằng tên lửa Vilkha-M ngày càng được sửa đổi và càng ngày càng… giống với M30 / M31. Bây giờ thì chúng có thể bắn đầu đạn nặng 170 kg ở tầm bắn lên tới 110 km. Phiên bản mới của Vilkha-M1 thậm chí còn có tầm bắn lớn hơn – lên tới 150 km khi sử dụng cùng đầu đạn nặng 170 kg, hoặc 110 – 120 km với đầu đạn nặng 236 kg.

    Chưa hết, bản Vilkha-M2 (P624M-2) tiên tiến hơn sẽ có thể mang đầu đạn nặng 170 kg tới tầm bắn lên tới 200 km. Vilkha và bây giờ là các phiên bản Vilkha-M là một dạng pháo phản lực phóng loạt có dẫn đường bằng các động cơ xoay bánh lái điều chỉnh dòng khí đặc biệt ở phần trước của quả đạn. Một gói khai hỏa có thể bắn 12 đạn tên lửa có dẫn đường riêng lẻ chỉ trong 48 giây. Sai số ở khoảng cách hơn 100km là 30 m.

    Hiện nay, các thông tin về số lượng của loại vũ khí này mà Lực lượng Vũ trang Ukraine đang có là không rõ. Nhưng với việc Mỹ vẫn chưa thể quyết định được việc cung cấp tên lửa chiến thuật ATACMS cho Ukraine hay không thì Vilkha-M có thể là phương án thay thế tốt trong việc chuẩn bị giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

    Xem Vilkha bắn thử tại đây:

    Chưa hết.

    Tên lửa 'Neptune' của Ukraine đã không có thời gian để thử nghiệm đầy đủ trước khi cuộc chiến tranh toàn diện của Nga Putox nổ ra. Vì vậy, Neptune đã được điều chỉnh các thông số cần thiết để tấn công các mục tiêu thực tế của Nga ngay trong cuộc chiến. Một chỉ huy Hải quân Ukraine nói với Wall Street Journal. 

    Nhờ loại tên lửa cận âm này, người Ukraine đã có thể đánh chìm tuần dương hạm Moskva, và mới đây nhất phá hủy hệ thống phòng không 'Triumph' S-400 của Nga trị giá 1,2 tỉ USD, cũng như làm hư hại tàu khu trục 'Đô đốc Essen'. Việc tái phát triển tên lửa 'KH-35' có thừ từ thời Liên Xô này đã bắt đầu từ trước chiến tranh. Tầm bắn hiện tại của tên lửa Neptune được cho là lên tới 300 km.

    Liệu có cần ATACMS nữa hay không? ATACMS chắc gì đã tốt hơn sản phẩm của Ukraine, là những người hiểu người Nga nhất?

    Vì vậy Ba Lan có vấn đề của Ba Lan, Mỹ có vấn đề của Mỹ và “người Ukraine vẫn phải kết thúc chiến tranh theo cách của chính mình.”

    PHÚC LAI 22.09.2023

    https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/09


    Không có nhận xét nào