Header Ads

  • Breaking News

    Phiên bản 50 năm sau của Hiệp định Paris

    Trần Dzạ Dzũng/VNTB

    13/9/2023

    VNTB – Phiên bản 50 năm sau của Hiệp định Paris


    Hiệp định Paris 1973 là một điển hình của mặt trận ngoại giao.

    “Khôn ngoan không nọ thật thà”!…

    Không là “đồng chí” nên khó thể là “đồng minh”?

    Ngoại vẫn chỉ là ngoại giao. Đối ngoại không làm thay đổi bản chất đối nội, cùng lắm là ghi nhận thực tế đối nội. Ngoại giao được coi là một mặt trận. Thực tế vẫn xảy ra theo thực tế. Hiệp định Paris 1973 là một điển hình của mặt trận ngoại giao.

    Với người dân thì thuật ngữ màu sắc chính trị của quan hệ song phương được mang tên mới “đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ, sẽ dễ hiểu, dễ hình dung hơn nếu được xác định bằng từ “đồng minh”.

    Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin về lợi ích của “đối tác chiến lược toàn diện” đa phần về vấn đề kinh tế, tránh đến mức tối đa trong lãnh vực quân sự – điều mà các nhà bình luận chính trị cho rằng đây mới thực sự là mong muốn của Hoa Kỳ.

    Theo những nhà bình luận quốc tế thì chính quyền ông Biden muốn nâng cấp với Việt Nam lên “đối tác chiến lược toàn diện”, dựa trên vấn đề thương mại và địa chính trị. Việc này sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận tới các điều kiện thương mại ưu đãi, và đạt được sự hợp tác quân sự lớn hơn.

    Một luật sư chuyên về án chính trị ở Hà Nội đưa ra nhận định như sau: “Ngày 10-09-2023, Việt-Mỹ đã tuyên bố nâng quan hệ lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện”.

    Hai bên đều nhắm đến những lợi ích riêng cho mình trong quan hệ này. Tôi cho rằng về bản chất thì phía Việt Nam không có thay đổi đột biến. Việt Nam và Mỹ không bao giờ là đồng minh. Việt Nam sẽ là một “Trung Quốc nhỏ” trong quan hệ với Mỹ như Trung Quốc đã từng áp dụng khi quan hệ với Mỹ những năm trước đây; Việt Nam sẽ học những bài của Trung Quốc khi quan hệ với Mỹ.

    Nay Trung Quốc bị Mỹ “cấm cửa” thì Việt Nam sẽ là một lối ngách cho Trung Quốc. Nếu trước đây năm 1945 – 1946, Việt Nam có quan hệ với Mỹ thì đến nay bản chất của mối quan hệ đó cũng không thay đổi. Dù sao, thì đây cũng là một cơ hội cho người Việt Nam có quan điểm khác nhau; vấn đề đạt được lợi ích nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự thích ứng với thay đổi tình hình và nỗ lực của chính họ”.

    Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cựu thư ký tòa soạn báo Thanh Niên nhận xét ngắn gọn: “Chỉ dựa trên sự tin cậy với nhau thì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng chỉ là chiêu trò để bên này lợi dụng. Hiệp định Paris là một ví dụ điển hình”.

    Phức tạp thời hậu chiến

    Nhà báo Nguyễn Quốc Việt của báo Tuổi Trẻ kể qua hồi ký trích đoạn của cựu Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm: “Tháng 6-1977 trong khi Việt Nam vẫn giữ quan điểm Mỹ phải bồi thường chiến tranh tại vòng đàm phán Paris, thì phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ lại thông qua thành công đạo luật viện trợ được sửa đổi tiếp theo: hủy bỏ lời hứa của Nixon viện trợ 3,25 tỷ USD cho Việt Nam.

    Đoàn đàm phán Richard Holbrooke và Chính phủ Mỹ xem như bị phía lập pháp “chặt chân” trong khả năng tìm giải pháp tiệm cận với yêu cầu của Việt Nam…

    Đặc biệt, những nhà ngoại giao Việt Nam cũng nhìn thấy rõ chiều hướng ở Quốc hội Mỹ bất lợi hẳn cho lập trường đàm phán của mình.

    Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trước diễn biến ấy, đoàn đàm phán Mỹ đã nói rõ những khó khăn, bất khả thi về thực hiện viện trợ cho Việt Nam vì vướng mắc luật pháp của họ. Trong khi đó, phía Việt Nam bắt đầu có những điều chỉnh nội dung đàm phán trên cơ sở thuận lợi cho cả hai nước.

    Ngày 11-7-1978, tại vòng đàm phán ở Tokyo, ông Phan Hiền tuyên bố Việt Nam sẽ bỏ tất cả điều kiện tiên quyết để tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Khúc mắc “gói bồi thường 3,25 tỷ USD” được tháo gỡ. Phía Mỹ cũng xác nhận trước quốc hội họ rằng Việt Nam đã xóa bỏ yêu cầu trước đây.

    Lộ trình tiến đến sự “bắt tay” thật sự giữa hai cựu thù có vẻ sáng hơn…”.

    Ngày 3-11-1978, Tổng bí thư Lê Duẩn ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị với tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev. Hiệp ước gồm 9 điều, trong đó điều 6 thỏa thuận nếu một bên bị tấn công hoặc đe dọa tấn công thì hai bên sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực để đảm bảo hòa bình, an ninh của hai nước.

    Cũng trong năm này, Việt Nam gia nhập COMECON, Hội đồng Tương trợ kinh tế của các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa.

    Trước những diễn biến mới đó, chuyến công cán ngoại giao quan trọng của thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến New York không gặt hái được kỳ vọng mong đợi. Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke vẫn giữ thái độ lịch sự ngoại giao nhưng đã thay đổi lập trường đàm phán.

    “Trước những chuyển biến mới, chính phủ Jimmy Carter hoãn lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, dù trước đó Mỹ là nước chủ động đề xuất nhiều giải pháp cởi mở và Việt Nam cũng đồng ý vô điều kiện”, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm…

    Ai là kẻ phá bĩnh trên bàn cờ quốc tế?

    Hiện tại được coi là tiếp tục có bước ngoặt lịch sử mới khi hai quốc gia Việt – Mỹ nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện.

    Liệu có sẽ xuất hiện kẻ phá bĩnh nào khiến vụ việc trở thành một phiên bản 2023 của Hiệp định Paris 1973, khi mà nội dung sau đây giờ chỉ nhắc lại như dẫn chứng cho một sự bội ước – trích:

    Chương IV: Quyền tự quyết dân tộc của nhân dân miền Nam Việt Nam, trong đó:

    Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử. Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với miền Nam Việt Nam.

    Hai bên miền Nam Việt Nam thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

    Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lâp Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí.

    Sau khi Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương về việc thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hoà bình, độc lập và dân chủ.

    Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh.

    Miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam.

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào