Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Hồng Sơn viết từ xứ người : Những người tù khác

    02/9/2023

    Cách đây chưa lâu, tôi có được gặp một người từ Việt Nam sang Pháp du ngoạn. Mặc dù vẫn sung sức trong độ tuổi làm việc nhưng nhân vật của chúng ta có thể thư thả rong chơi nhiều tháng ngày tại xứ người. Không chỉ thể hiện sự mãn nguyện về đời sống riêng tư, nhân vật còn cho thấy nhiều sự lạc quan về xã hội. 

    Biết tôi là dân nghành y, nhân vật vồn vã nói : « Anh Sơn ơi, y tế ở trong nước hiện nay cũng khá phết đấy. Bệnh viện Vinmec chẳng hạn, có tinh thần phục vụ rất tốt, máy móc tối tân lắm. Tay nghề các bác sỹ cũng rất giỏi. Họ chữa được nhiều căn bệnh nan y…»

    Tôi nghe với những khó chịu tăng dần ở trong người. Song, tôi… im lặng. Tôi cố giữ bình thản và tìm cách lái sang đề tài khác. Kinh nghiệm đã lệnh cho tôi không được chạm vào lòng tự ái của những người đồng bào thuộc giới khá giả ở trong nước, trong thời điểm hiện nay.

    Nhưng bản tính bảo thủ, cuối cùng, vẫn không để tôi lảng tránh việc đối đầu quan điểm. 

    Tôi hỏi người đối thoại, hiện nay có khoảng bao nhiêu người Việt Nam có khả năng tới những cơ sở như Vinmec khi có vấn đề sức khỏe. Tôi lại chia sẻ với người đối thoại, mục tiêu cao nhất của thầy thuốc, cũng là nhiệm vụ lớn nhất của một hệ thống y tế quốc gia văn minh, không phải là chữa bệnh mà là phòng bệnh. 

    Thế nhưng, Việt Nam hiện nay lại là một nơi có môi trường được để cho phát triển thành một môi trường thuận lợi nhất cho bệnh tật, kể cả ung thư. Ai, cơ quan nào ở Việt Nam hiện nay có khả năng làm giảm sự ô nhiễm đầy độc tính cho không khí, nước và thực phẩm ? Rồi sẽ có, hoặc đã có, những cơ sở khám chữa bệnh tân tiến với dịch vụ chăm sóc tốt hoặc tốt hơn Vinmec. Nhưng chúng ta có nên an tâm hay tự hào khi xứ sở nơi mình sống đang trở thành một thị trường hết sức béo bở cho những kẻ tìm kiếm lợi nhuận từ sự đau khổ của con người ?

    Đành rằng những người khá giả có thể tậu những hệ thống lọc nước tinh vi nhất cho riêng mình ; có thể, từ nay đến cuối đời, chỉ ăn toàn thực phẩm nhập khẩu từ EU, Nhật Bản ; họ cũng có thể tạo ra một bầu khí hoàn toàn sạch trong nhà. Nhưng, chả lẽ tham vọng của giới khá giả Việt Nam chúng ta chỉ dừng lại ở những nhu cầu đó - thỏa mãn các ham muốn vật chất chỉ cho riêng mình, gia đình mình ? 

    Sắc mặt người đối thoại thoáng biến động sau câu hỏi này. Có thể là sự giật mình, tôi nghĩ. Nhưng cũng rất có thể đó chỉ là kiểu phản ứng kín đáo của những đầu óc duy lợi khinh khi những nguyên tắc đạo đức. Phòng rủi ro này, tôi nói thêm rằng, kể cả nếu ta đồng ý với ham muốn đó thì với chế độ chính trị hiện nay, giới khá giả Việt Nam cũng không bao giờ đạt được mục đích vì không ai có thể trốn tránh tuyệt đối không gian đầy chất độc luôn bao trùm, rập rình ở khắp nơi.

    Tôi còn kể cho nhân vật của chúng ta về một vài thái độ, cách sống của giới khá giả ở Pháp mà bề ngoài cũng không khác mấy so với giới khá giả ở Việt Nam hiện nay, nhưng sự thực thì lại hoàn toàn khác. Ví dụ, giới khá giả Pháp họ hay làm từ thiện, hay đóng góp tiền bạc, tham gia vào các hoạt động giúp đỡ những người khốn khó, thiếu may mắn, nhưng trước khi đóng góp họ luôn tìm cách biết tường tận những hoạt động này không bị các tổ chức chính trị, đảng phái khuynh loát, đặc biệt, không để cho đồng tiền của mình tiếp tay cho cái ác. 

    Trong khi đó ở Việt Nam, hầu hết giới khá giả làm từ thiện hiện nay đều không quan tâm hoặc không dám đả động tới việc chính quyền độc tài khuynh loát, kiểm soát tuyệt đối các hoạt động từ thiện nhằm phục vụ cho quyền lợi, lợi ích tiếp tục cầm quyền một cách tàn ác, phản động. 

    Tôi cũng chưa bao giờ thấy, một người Pháp nào, kể cả thuộc giới bình dân, nói rằng « chính phủ của ta », « các lãnh đạo của ta » giống như tuyệt đa số những người giàu có học ở Việt Nam. Đây là một nghịch lý, vì chính quyền ở Pháp rõ ràng do người dân bầu ra, trong khi đó ở Việt Nam, người dân lại chẳng có vai trò, tiếng nói gì trong việc lập ra các thành viên của chính phủ…

    Có lẽ trước sự bộc bạch có phần hơi khoe khoang thiếu tế nhị của tôi, nhân vật bộc lộ cho tôi biết rằng nhân vật cũng đã tham gia vào những vận động, kiến nghị về trường hợp tù nhân bị kết án tử hình Nguyễn Văn Chưởng.

    Sự bộc lộ có tính tin cậy của nhân vật lại khiến tôi cảm thấy tự ái. Như vậy là nhân vật đã không đọc bài viết mới đây của tôi. Trong bài này, tôi đã nêu rõ quan điểm phản đối thái độ trông chờ, kỳ vọng vào sự tử tế của bọn cầm quyền độc tài trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Tôi đã viết rõ như thế mà nhân vật lại còn khoe chuyện ra với tôi làm chi 

    Tôi chợt nhận ra, may thay, sự hẹp hòi của mình. Sự nhỏ mọn này có thể làm hỏng một việc chung quan trọng.

    Tôi vội nói rằng việc lên tiếng như thế cho tù nhân Nguyễn Văn Chưởng là một sự khởi đầu không quá tồi trong việc rèn luyện tinh thần cống hiến xã hội. Nhưng, chúng ta nên thận trọng để cho những sự rèn luyện đó không trở thành những việc vô ích và càng phải thận trọng để không (vô tình) tôn tạo, duy trì cho tính chính danh cho kẻ ác – thủ phạm chính- chế độ chính trị hiện hành.

    Tới đây, nhân vật của chúng ta có vẻ hơi bối rối. Tôi liền nói một cách cụ thể hơn. Nếu chúng ta vẫn còn rất sợ (đôi khi sợ hơi quá) bọn thủ ác là chế độ chính trị hiện hành, chúng ta vẫn có thể có cách khác vừa chưa công kích trực tiếp chúng nhưng lại không bị trở thành công cụ tô vẽ, tôn tạo cho quyền lực của chúng. Nhân vật có vẻ nôn nóng, hỏi : Cách nào ?

    Tôi nói luôn : hãy lên tiếng ủng hộ, đòi hỏi tự do cho tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức và những người tù chính trị khác.

    Họ không chỉ hoàn toàn vô tội, họ không chỉ cũng bị đe dọa mạng sống, họ còn là những người dám hành động để bãi bỏ chế độ hiện hành. Sẽ còn vô số những Nguyễn Văn Chưởng khác, nếu chế độ này còn tồn tại.

    PHS

    (02/09/2023)


    Không có nhận xét nào