Header Ads

  • Breaking News

    Ông Putin nói 'có khả năng' hợp tác quân sự với Kim Jong Un

    Tessa Wong 

    Phóng viên kỹ thuật số châu Á, BBC News

    14/9/2023

    Kim Jong Un and Vladimir Putin

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đang có chuyến thăm được theo dõi sát sao tới Nga. Chuyến thăm của ông Kim diễn ra sau các cuộc thảo luận được cho là về buôn bán vũ khí với ông Putin.

    Hai bên đã gặp mặt hôm thứ Tư tại trung tâm vũ trụ Vostochny sau khi ông Kim tới Nga bằng tàu hỏa bọc thép cá nhân. 

    Ông Putin sau đó nói rằng họ đã thảo luận 'các khả năng' hợp tác quân sự, và chỉ ra rằng ông sẽ giúp Bình Nhưỡng phát triển vệ tinh.

    Mỹ nói Moscow đang nỗ lực mua vũ khí để phục vụ cho cuộc chiến của họ ở Ukraine.

    This pool image distributed by Sputnik agency shows North Korean leader Kim Jong Un visiting the Vostochny Cosmodrome in Amur region on September 13, 2023.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ông Kim Jong Un đến Trung tâm vũ trụ Vostochny

    Mỹ cũng cảnh báo rằng bất cứ hỗ trợ nào của Moscow cho chương trình vệ tinh của Bình Nhưỡng sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

    Ông Putin cũng nhận lời mời thăm Bắc Hàn. Rất ít nguyên thủ quốc gia từng tới thăm đất nước đóng cửa với thế giới bên ngoài này.

    Cuộc gặp giữa hai chế độ đang chịu các lệnh trừng phạt, với sự góp mặt của các quan chức cao cấp hai nước, diễn ra vào thời điểm mối quan hệ của họ với phương Tây đang ở mức tồi tệ nhất.

    Hôm thứ Tư, ông Kim đã được ông Putin chào đón nồng nhiệt sau hai ngày di chuyển bằng tàu bọc thép riêng từ Bắc Hàn sang Nga. Các video được truyền thông nhà nước Nga công bố cho thấy hai lãnh đạo tươi cười bắt tay, trước khi ông Putin đích thân hộ tống ông Kim đi thăm trung tâm vũ trụ.

    Nhắc lại mối quan hệ lịch sử giữa Liên Xô và Bắc Hàn, ông Putin chào đón người đồng cấp bằng câu ngạn ngữ Nga "một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới". 

    Được hỏi có phải Nga sẽ giúp Bắc Hàn xây dựng hệ thống vệ tinh, ông Putin nói "đó là lý do vì sao chúng tôi tới Vostochny Cosmodrome", truyền thông Nga đưa tin. 

    Ông Putin cũng nói họ sẽ 'bàn về mọi chủ đề' khi được hỏi liệu ông có thảo luận với ông Kim về một thỏa thuận vũ khí hay không.

    Trong khi đó, ông Kim có vẻ thể hiện sự ủng hộ của mình đối với cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine. 

    North Korean leader Kim Jong Un and Russia's President Vladimir Putin attend a banquet, in Russia, September 13, 2023 in this image released by North Korea's Korean Central News Agency.

    Nguồn hình ảnh, KCNA/Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hai nhà lãnh đạo nâng cốc chúc mừng nhau trong bữa tiệc chiều thứ Tư

    "Nga vùng lên cho một cuộc chiến thiêng liêng để bảo vệ chủ quyền và an ninh, chống lại các thế lực bá quyền" của phương Tây, ông Kim nói với ông Putin.

    "Chúng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ các quyết định của Tổng thống Putin và lãnh đạo Nga... và chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc."

    Sau đó, lãnh đạo Bắc Hàn được dự đoán là sẽ xem một màn trình diễn tàu chiến của Nga, thăm vài công xưởng và dừng chân tại thành phố Vladivostok phía tây nước Nga trên đường về nước. Không rõ ông Kim sẽ thăm Nga trong bao lâu.

    Trước đó vào tháng 5 và tháng 8 năm nay, Bắc Hàn đã hai lần phóng thử vệ tinh do thám, nhưng đều thất bại. Bình Nhưỡng thề sẽ phát triển vệ tinh do thám để tăng cường khả năng giám sát quân sự.

    Nhưng Mỹ tin rằng chương trình vệ tinh của Bắc Hàn cũng nhằm mục đích tăng cường khả năng tên lửa đạn đạo của nước này, vì kỹ thuật giống nhau. 

    Hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, trả lời câu hỏi của các phóng viên, đã thừa nhận Mỹ quan ngại rằng Nga sẽ giúp Bắc Hàn xây dựng kỹ thuật vệ tinh và qua đó cải thiện các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

    "Điều này khá là đáng lo ngại và có khả năng vi phạm hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" mà chính Nga đã bỏ phiếu thông qua trong quá khứ, ông nói.

    Ông Putin có vẻ đã thừa nhận điều này hôm thứ Tư, nói rằng đã có "một số giới hạn" trong hợp tác quân sự. 

    Mỹ cũng cảnh báo rằng sẽ "không do dự để thực hiện các biện pháp nhằm buộc hai nước này phải chịu trách nhiệm", điều mà Kremlin phản pháo lại rằng quyền lợi của Nga và Bắc Hàn là rất quan trọng với họ chứ "không phải là các cảnh báo từ Washington". 

    Cuộc gặp đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ năm 2019. Lần cuối ông ra khỏi Bắc Hàn cũng là để gặp ông Putin sau khi đàm phán thất bại về giải trừ hạt nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Ông Kim đã được kỳ vọng sẽ tới Vladivostok, nơi ông Mr Putin tham dự một diễn đàn kinh tế, nhưng thay vì thế ông tới Vostochny ở phía Bắc.

    Sáng thứ Tư, khi ông Kim gần tới nơi, Bắc Hàn đã phóng hai tên lửa tầm ngắn ra biển, ngoài khơi bờ biển phía đông. Đây là lần phóng thử mới nhất trong một loạt các vụ thử vũ khí bị cấm của Bắc Hàn.

    Cuộc gặp giữa ông Kim và ông Putin diễn ra sau khi một phái đoàn của Nga tới thăm Bắc Hàn vào tháng Bảy, nơi ông Kim đã khoe với bộ trưởng bộ quốc phòng Nga Sergei Shoigu tên lửa của Bình Nhưỡng, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong.

    Moscow sẽ quan tâm đến vũ khí của Bắc Hàn do chúng tương thích với hệ thống vũ khí của Nga, các chuyên gia nhận định.

    Nga sẽ đặc biệt quan tâm tới đạn pháo và súng vì pháo binh là "vị thần mà Nga tôn thờ" trên mặt trận tiền tuyến, ông Valeriy Akimenko, một chuyên gia về quân sự Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột, nói. 

    Bình Nhưỡng có thể sẽ phải bắt buộc cung cấp những vũ khí này, cũng như đạn dược, và "thậm chí các mẫu tên lửa cũ hơn", ông Kim Dong-yup, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Hàn, nói. 

    Yang Uk, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách châu Á, cho rằng cũng có thể các vũ khí mới hơn như tên lửa đạn đạo tầm ngắn sẽ được cung cấp, chẳng hạn như cái gọi là tên lửa KN-25 "siêu lớn". 

    Một số nhà phân tích tin rằng Bắc Hàn có thể có một kho vũ khí lớn, vì nước này đã không tham chiến kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến năm 1953, dù một số nhà phân tích khác cho rằng Bình Nhưỡng có thể lưỡng lự trong việc chuyển giao quá nhiều, do họ tương đối thiếu tài nguyên.

    Nhưng các nhà quan sát cũng nói rằng vũ khí của Bình Nhưỡng chỉ đủ để giúp Nga tăng cường nỗ lực chiến tranh của mình trong ngắn hạn. Họ chỉ ra rằng Moscow, với lượng đạn dược cực kỳ cạn kiệt, đang dựa vào kho đạn pháo cũ kỹ và không đáng tin cậy như thế nào.

    Vũ khí của Bắc Hàn có thể đóng vai trò như 'một biện pháp điền vào chỗ trống' trong khi Nga vật lộn chật vật với việc tăng cường sản xuất, theo ông Akimenko.

    Nhưng xét đến tốc độ tiêu thụ nguồn cung của Nga, thỏa thuận này sẽ không có nhiều ảnh hưởng về mặt chiến lược. "Nó sẽ sát hại nhiều người dân Ukraine hơn. Nhưng nó sẽ không hạ được đất nước Ukraine," ông nói.

    Đáp lại, ông Kim được cho là đang đề nghị Nga trợ giúp lương thực cho đất nước nghèo khó của mình. 

    Bắc Hàn, từ lâu đã vật lộn với các lệnh cấm, đặc biệt khó khăn hơn trong năm nay do họ đóng cửa biên giới vào thời điểm dịch Covid và hiện chỉ mới bắt đầu mở cửa trở lại.

    Bắc Hàn cũng có thể sẽ đề nghị được hỗ trợ tàu ngầm và các kỹ thuật đạn đạo tối tân hơn từ Nga - dù ông Putin có thể sẽ đặt ra giới hạn cho điều đó, theo một số nhà quan sát.

    "Ngay cả một cỗ máy chiến tranh liều lĩnh cũng không đánh đổi những viên ngọc quý của quân đội mình để lấy thứ bom lượn và đạn dược cũ kỹ," ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha Womans ở Seoul nói. 

    Một câu hỏi sâu sắc hơn được đặt ra tại cuộc họp là liệu các lệnh cấm vận ngặt nghèo áp lên Nga và Bắc Hàn có thực sự có tác dụng.

    Rorry Daniels, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Xã hội châu Á, nói rằng cuộc gặp của ông Putin và ông Kim chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt quốc tế đã tạo ra một bức "tường lửa" nơi hai nước "có thể giao dịch kinh doanh mà không bị trừng phạt gì thêm". 

    "Càng nhiều quốc gia bị trừng phạt nghiêm khắc nhóm lại với nhau, thì Mỹ càng ít có thể dùng các lệnh trừng phạt như một đòn bẩy để giải quyết các xung đột tiềm tàng."

    Nhưng tình huống này cũng không phải là không gây rủi ro cho Bình Nhưỡng, theo giáo sư Park Won-gon từ Đại học Ewha Womans.

    Nếu có bất cứ bằng chứng nào chỉ ra rằng vũ khí của Bắc Hàn được Nga sử dụng tại Ukraine, "thì kết quả khả dĩ là Bắc Hàn sẽ khiến toàn bộ liên minh Nato quay lưng lại với họ, điều này có thể thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới."

    Tường thuật bổ sung bởi Yuna Ku tại Seoul.

    https://www.bbc.com/vietnamese/world-66805291


    Không có nhận xét nào