Header Ads

  • Breaking News

    “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP*) Việt – Mỹ sẽ hết “phong trần ”?

    Bình luận của Hoàng Trường Sa

    15/9/2023

    " Nếu trong tinh thần xây dựng, dưới hình thức liên tục và quyết liệt phản biện xã hội, các tổ chức dân sự thúc đẩy quá trình cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa đất nước, sẽ phù hợp với tiến triển quan hệ Việt – Mỹ. Nếu nó diễn ra theo chiều hướng ngược lại, tình hình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến CSP. Ngay xã luận báo “Washington Post” cũng đã nêu yêu cầu nhân chuyến thăm Hà Nội, Tổng thống Biden cần đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, phát biểu của ông Biden về vấn đề này đã bị cơ quan kiểm duyệt của Hà Nội thẳng tay cắt bỏ (9)."

    “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) Việt – Mỹ sẽ hết “phong trần ”?


    Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Võ Văn Thưởng bắt tay tại Hà Nội hôm 11/9/2023 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Cuộc vui nào rồi cũng qua. Nhưng khoảnh khắc lịch sử của bang giao Mỹ – Việt bừng nở trong hai ngày ở Hà Nội sẽ còn tác động lâu dài lên quan hệ song phương và cục diện khu vực. CSP có thật sự nhanh chóng thúc đẩy bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ “ngày lại thêm xuân”?

    ________________

    Sẽ tiếp tục tiến lên bao xa nữa?

    Tại buổi quốc yến trưa ngày 11/9 do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã lẩy hai câu Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” và cho rằng: “Đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước hai nước” (1). Giữa mùa thu Hà Nội, cuộc tái ngộ trực tiếp giữa TT Biden với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "duyên lành" theo góc nhìn văn hóa truyền thống của người Việt Nam, vì cuộc gặp lại ấy mang nhiều điều tốt đẹp cho hai đất nước vốn đã có nhiều thăng trầm trong lịch sử. Nói là gặp lại bởi đây là lần thứ hai, ông Joe Biden gặp TBT Nguyễn Phú Trọng, sau lần trên cương vị Phó TT, ông đã chủ trì cuộc chiêu đãi người đứng đầu ĐCSVN thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama năm 2015. Gặp nhau lại sau hơn 8 năm, đáng ra TBT Nguyễn Phú Trọng cũng nên lẩy một câu Kiều khác để đáp lễ TT Biden: “Được rày tái thế tương phùng/ Khát khao đã thỏa tấm lòng bấy lâu…” (2)

    Trong buổi tiếp TT Biden tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ông Thưởng được VietNamNet trích lời nói với người đứng đầu Nhà Trắng rằng, năm tháng sau ngày Việt Nam giành được độc lập vào năm 1946 từ tay người Pháp, Chủ tịch Việt Nam lúc đó, ông Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống (Harry) Truman bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Thưởng, do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã trải quan nhiều thác ghềnh, thử thách. Cũng đưa tin về buổi chiêu đãi, VnExpress cho biết ông Thưởng nói với TT Biden rằng mối quan hệ Việt – Mỹ “chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như ngày nay, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Chủ tịch Việt Nam gọi đây là “hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.” (3)

    Nhớ lại, cuộc chiêu đãi mà Phó TT Mỹ Joe Biden năm ấy dành cho TBT  Nguyễn Phú Trọng, theo tường thuật của báo chí, đã diễn ra hết sức cởi mở, chân thành và để lại ấn tượng sâu sắc khi ông Biden dùng hai câu Kiều để nói về mối quan hệ Mỹ – Việt: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Lần này, tiếp tục đề cao những nỗ lực chung để “nắm bắt tiềm năng của tương lai”, TT Joe Biden nhấn mạnh, đó là những cơ hội lớn lao về sự thịnh vượng cho người dân mỗi nước. "Đây là một minh chứng cho quãng đường dài mà chúng ta đã đi qua, nhưng quan trọng hơn là chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên bao xa nữa trong tương lai. Đó chính là lý do chúng ta xác lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững để cùng tiến lên phía trước, cùng đối phó với những thách thức, cùng nhau đón nhận tương lai", TT thứ 46 của Hoa Kỳ nhấn mạnh.

    Trước khi đặt chân đến Hà Nội, ông Biden đã tuýt “Tôi biết đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử”. CNN đã liệt kê năm đặc điểm đáng chú ý từ chuyến công du Ấn Độ và Việt Nam của TT Biden (4). Trong đó, điểm nhấn nổi bật nhất là TT đã kết nối Việt Nam, một nước láng giềng của Trung Quốc đến gần Hoa Kỳ hơn. Chỉ trong năm tháng qua, Biden đã tiếp đón TT Philippines tại Nhà Trắng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ; Biden đã chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ bằng dạ tiệc cấp nhà nước và cũng đón tiếp các đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự một Hội nghị Thượng đỉnh mang tính biểu tượng tại Trại David, khai sinh ra Bộ Tam mới JAKOUS (Nhật – Hàn – Mỹ).

    Theo giới phân tích, trang mới nhất trong chiến lược “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Hoa Kỳ đang được triển khai với việc thiết lập “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP), đưa Hoa Kỳ ngang hàng với các đối tác cao nhất của Việt Nam, bao gồm cả Trung Quốc lẫn Liên bang Nga. Ở Việt Nam, không chỉ Trung Quốc có ảnh hưởng, mà Biden còn phải cạnh tranh với các đối tác lâu đời của Việt Nam. Vì vậy, cùng với “Tuyên bố chung” gồm 10 trụ cột lớn, Mỹ còn công bố “Kế hoạch hành động” tám điểm để triển khai Tuyên bố Hà Nội lịch sử. Một quan chức chính quyền cho biết, đây là “Kế hoạch tổng thể” (Fact Sheeet) thứ ba công bố các bước giúp Việt Nam đa dạng hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Nga và Trung Quốc.

    Những trở lực nào CSP phải đối mặt?

    Trung Quốc và Liên bang Nga sẽ không dễ dàng “buông tha” Việt Nam. Sự níu kéo này nếu chỉ là những quán tính từ quá khứ thì cũng đã là một trắc nghiệm nan giải đối với cả Hà Nội lẫn Washington. Nhưng cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, Mỹ – Nga sẽ còn xuất hiện nhiều chiều kích mới, do tình hình nội tại trong mỗi nước, đồng thời còn là do “Trật tự quốc tế hậu Ukraine” sẽ vô cùng nan giải đối với ban lãnh đạo Ba Đình. Các cuộc đấu đá nội bộ giữa Dân chủ và Cộng hòa  ở Mỹ tuy phức tạp nhưng khó có khả năng đảo ngược tương lai có vẻ đã an bài của CSP. Nhưng đấu đá nội bộ bên trong Việt Nam, giữa các phe cánh vùng miền, giữa các xu thế thân Nga, thân Tàu, thân Mỹ… có thể vẫn là những thách thức không nhỏ. Trong nhiều trường hợp, các phe cánh có thể tung ra một số đòn để phá bĩnh quan hệ CSP Việt – Mỹ. Điển hình là một văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam được tiết lộ trước hôm ông Biden đến Việt Nam một ngày, tố cáo, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn đi cửa sau đàm phán bí mật để mua vũ khí của Nga (5). Cho nên, không loại trừ quan hệ Việt – Mỹ vẫn sẽ có những bước trồi sụt như trong quá khứ. Nhưng khác với trước đây, lần này nhờ những “bảo lãnh” lâu dài về kinh tế và thương mại, an ninh và chiến lược, mà những xáo trộn nếu có sẽ không thể dẫn đến đỗ vỡ trong quan hệ.

    Việt Nam và Hoa Kỳ đã đã từng những kẻ thù của nhau trong một cuộc chiến tranh tàn khốc để trở thành những đối tác ngày càng thân thiết, ngay cả khi Việt Nam vẫn được/bị điều hành bởi một thế lực toàn trị và độc tài (mang danh cộng sản chỉ để lừa mị). Tuy nhiên, bóng ma của quá khứ, cộng với các “hiệu ứng bóng đè” từ Trung Quốc và LB Nga vẫn đặt CSP trước những thách thức không thể xem thường. Giáo sư Kolotov từ nước Nga vẫn có những nhận định và đánh giá hoàn toàn trái chiều về bước chuyển tuy được cho là ngoạn mục vừa qua trong quan hệ Việt – Mỹ. Theo vị Giáo sư này, việc nâng cấp lên CSP chỉ là một ván cờ ngoại giao, trong đó Việt Nam luôn luôn nằm ở “kèo dưới” và bị lợi dụng trong thế cài răng lược giữa các nước lớn tại khu vực (6). Tờ “Hoàn cầu thời báo”, một phiên bản của tờ báo Đảng của Trung Quốc cũng đã liên tiếp có những bài xã luận chát chúa phê phán các “âm mưu lý gián của Mỹ” đối với quan hệ Trung – Việt. Tờ báo khẳng định, cho dù có CSP, quan hệ Mỹ – Việt không bao giờ có thể thay thế được quan hệ về mặt đảng giữa Hà Nội và Bắc Kinh (7).

    Cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ ở Việt Nam “hậu – CSP” cũng sẽ ảnh hưởng đến tương lai quan hệ Việt – Mỹ. Nếu xã hội dân sự mất phương hướng, đưa ra khẩu hiệu đấu tranh không thực tế, có thể dẫn đến những rối loạn nội bộ, chắc chắn sẽ không có lợi cho CSP. Nếu tư tưởng Phan Chu Trinh thắng thế, cuộc đấu tranh vì dân chủ chống ách độc tài được tiến hành trên cơ sở hòa bình, bất bạo động thì sẽ có lợi cho CSP (8). 

    Nếu trong tinh thần xây dựng, dưới hình thức liên tục và quyết liệt phản biện xã hội, các tổ chức dân sự thúc đẩy quá trình cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa đất nước, sẽ phù hợp với tiến triển quan hệ Việt – Mỹ. Nếu nó diễn ra theo chiều hướng ngược lại, tình hình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến CSP. Ngay xã luận báo “Washington Post” cũng đã nêu yêu cầu nhân chuyến thăm Hà Nội, Tổng thống Biden cần đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, phát biểu của ông Biden về vấn đề này đã bị cơ quan kiểm duyệt của Hà Nội thẳng tay cắt bỏ (9).

    __________

    Tham khảo:

    1. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vinh-hoa-bo-luc-phong-tran-chu-tinh-ngay-lai-them-xuan-mot-ngay-119230911174358452.htm

    2. https://www.voatiengviet.com/a/tt-biden-tham-viet-nam-con-duyen-may-lai-con-nguoi-/7252036.html

    3. https://vnexpress.net/tong-thong-my-lay-kieu-trong-tiec-chieu-dai-cua-chu-tich-nuoc-4651713.html

    4. https://edition.cnn.com/2023/09/10/politics/takeaways-joe-biden-g20-vietnam/index.html

    5. https://www.nytimes.com/2023/09/09/world/asia/vietnam-russia-arms-deal.html

    6. https://www.youtube.com/watch?v=03XZRoR8Sw0 (Bất ngờ ý kiến của Nga về sụ nâng cấp quan hệ Việt Mỹ!)

    7. https://www.globaltimes.cn/page/202309/1297929.shtml

    8. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phan-chau-trinh-voi-tu-tuong-canh-tan-dat-nuoc.html

    9. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-us-support_vn_democracy-human-rights-09042023094206.html

    * "Comprehensive Strategic Partnership" (CSP) 

    https://www.rfa.org/vietnamese


    Không có nhận xét nào