Nguyễn Ngọc Chu
17/9/2023
" Hơn ba mươi năm mở cửa, dù gần đây được các hãng điện tử Hàn Quốc đầu tư lớn vào Việt Nam, nhưng Việt Nam thực chất không sở hữu được công nghệ, hay bắt chước để tự sản xuất ra một sản phẩm có ý nghĩa đáng giá nào. Hợp tác với HK trong giai đoạn hình thành trật tự thế giới mới, có thể mở ra cơ hội để Việt Nam thay đổi về chất trong sáng tạo công nghệ. Việt Nam đã “ngủ quên” ba mươi năm."
Sau cuộc hội đàm ngày 10/9/2023, TBT Nguyễn Phú Trọng và TT Joe Biden đã thông báo Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện [1]. Chuyến thăm Việt Nam của TT Hoa Kỳ Joe Biden, như ông đã cho biết trước, trở thành chuyến thăm lịch sử. Quan hệ Việt – Mỹ bước vào chương mới.
Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cuối cùng thì Việt Nam đã dũng cảm cho một quyết định kết thúc sự “do dự và e ngại” nhiều thập kỷ. Phía Hoa Kỳ, trước các biến cố chấn động toàn cầu, cũng đã tự mình thay đổi chiến lược, trong đó có cách tiếp cận liên lục địa, châu lục, khu vực và các quốc gia. Sự thay đổi của cả hai phía đã xoá bỏ các rào cản để tiến tới một mối quan hệ mới có lợi cho hai dân tộc, cho Đông Nam Á và nửa địa cầu phía lục địa Á –Úc – Thái Bình dương – Ấn Độ dương.
Tại sao người dân Việt Nam lại hồ hởi đến vậy khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện? Là bởi vì đó là mối quan hệ được mong chờ nhiều năm. Đáng lý ra nó đã phải có từ lâu. Nhưng “muộn còn hơn không bao giờ”.
Nhưng giữa ký văn bản và triển khai thực tế là những khoảng cách lớn. Làm thế nào để phát huy hết không gian của nội hàm Đối tác Chiến lược Toàn diện – mới là sự sáng suốt và tài năng của lãnh đạo. Vì còn rất nhiều rào cản.
1. TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, thế giới chuyển sang một trật tự mới với việc xoá sổ toàn bộ hệ thống XHCN ở châu Âu, khối quân sự Vacxôvi, và sự đối đầu hai phe. Thế giới từ lưỡng cực chuyển sang nhất cực trong sự áp đảo vượt trội của Hoa Kỳ.
Nhưng cổ nhân đã dạy, “thiên hạ hợp rồi tan, tan rồi hợp, thái bình rồi lại can qua”. Ba mươi năm sau khi Liên Xô tan rã, từ một quốc gia lạc hậu Trung Quốc (TQ) vươn lên vị trí thứ hai thế giới để thách thức vị trí số 1 của HK. Trung Quốc trở thành quái vật Frankenstein.
QUÁI VẬT FRANKEINSTEIN
Khi thả “CHND Trung Hoa ra khỏi lồng” cho mục đích chống lại Liên Xô trong cuộc viếng thăm Trung Quốc từ ngày 21/2/1972 – 28/2/1972, TT Mỹ Richard Nixon đã do dự “Không biết có biến CHND Trung Hoa thành quái vật Frankenstein hay không”? [2].
49 năm sau, trong bài phát biểu “Communist China and the Free World’s Future” ngày 23 tháng 7 năm 2020 tại thư viện Bảo tàng Richard Nixon, Ngoại trưởng HK Michael R. Pompeo đã “kêu gọi ‘toàn thế giới’ đứng lên chống lại Trung Quốc”. Trung Quốc đã trở thành một quái vật Frankenstein [3].
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga rơi vào hỗn loạn, Trung Quốc đang trong đói nghèo lạc hậu, Mỹ không có đối thủ. Nhưng 30 sau Trung Quốc đã vươn lên thành cường quốc số 2 thế giới và đang trên đà vượt nền kinh tế Mỹ về GDP tuyệt đối, trong sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng vũ trang về số lượng và chất lượng. Không “dấu mình chờ thời” như Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình muốn trói cả thế giới trong vòng kim cô “Một vành đai – một con đường”, ngang nhiên thách thức vị trí số 1 của Mỹ. Trung Quốc trở thành đối thủ nguy hiểm nhất của nước Mỹ.
Bắt đầu từ TT Donald Trump và tiếp theo là TT Joe Biden, Hoa Kỳ tiến hành một chiến lược liên hoàn ngăn cản tham vọng thống trị thế giới của quái vật Frankenstein. Mới đây nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, TT Joe Biden đưa ra chiến lược kết nối đường sắt và đường thuỷ để thiết lập “Hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – Châu Âu” [4] nhằm phá vỡ chiến lược “Một vành đai một con đường” của Trung Quốc. Kế “Hợp Tung” của Tô Tần (382-284 TCN) [5] và kế “Liên Hoành” của Trương Nghi ( 373 TCN – 310 TCN) [6] dường như được vận dụng lại sau gần 25 thế kỷ.
CHIẾN TRANH CỦA NGA TẠI UKRAINA
Còn Nga, sau 30 năm Liên Xô tan rã, chưa thể hoá mình thành một quốc gia dân chủ mà vẫn chìm đắm trong không gian độc tài phong kiến. Ước mơ về một đế quốc quá khứ là nguyên do để Nga phát động một cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ. Cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ theo kiểu thời trung cổ của quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga ở thế kỷ 21 buộc hầu hết các quốc gia trên hành tinh phải thay đổi hoàn toàn quan điểm về an ninh.
Cuộc đua tranh vị trí thống trị của Trung Quốc và cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ của Nga là hai nhân tố bản lề đưa thế giới đến một trật tự mới.
2. QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VIỆT – MỸ LÀ KHÁCH QUAN TẤT YẾU, XUẤT PHÁT TỪ LỢI ÍCH CỦA HAI QUỐC GIA
Nâng quan hệ Việt – Mỹ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện là nhu cầu khách quan, bởi cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều cần đến mối quan hệ này như nhau, do trật tự quốc tế mới đòi hỏi, cho dù ai là lãnh đạo.
Hoa Kỳ đã có những thay đổi chiến lược trong quan điểm về Việt Nam xuất phát từ lợi ích HK. Có thể nêu ra mấy điểm chính.
– Điều thứ nhất cần nhấn mạnh, là Hoa Kỳ tôn trọng thể chế Việt Nam không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động. Hoa Kỳ chấp nhận TBT ĐCS Việt Nam là người đứng đầu nhà nước Việt Nam, chứ không như trước đây, chỉ khăng khăng xem là đứng đầu đảng phái. Nếu chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng (6-10/7/2015) [7] đã làm cho hai phía rất khó khăn trong nghi lễ ngoại giao, thì chuyến thăm Việt Nam của TT Joe Biden đã không còn gặp nữa. Đây là bước đi quan trọng của phía Hoa Kỳ. Không chỉ là nghi thức ngoại giao, mà còn là vấn đề thể chế, và quan trọng nữa là không can thiệp để thay đổi thể chế. Phía Việt Nam sẽ không còn e ngại về sự can thiệp dẫn đến thay đổi thể chế. Cho dù Việt Nam ý thức được, như cựu Thường trực Ban bí thư ĐCS Việt Nam Trần Quốc Vượng đã nói:
“Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” [8]. Bước đi của phía Mỹ đã làm cho các nhà lãnh đạo ĐCS Việt Nam thấy được tôn trọng và yên tâm.
– Tiếp đến là sự trung lập của Việt Nam. Hoa Kỳ kỳ cần một Việt Nam trung lập thực sự, chứ không nhất thiết là phải “nghiêng” về Mỹ. Trên thực tế hiện nay Việt Nam chưa trung lập hoàn toàn, mà chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ TQ.
Muốn VN tiến đến trung lập hoàn toàn trong quan hệ với các siêu cường thì trước hết Việt Nam cần phải mạnh về kinh tế, độc lập về kinh tế, nền kinh tế không phụ thuộc quá vào một siêu cường. Từ đây, phía Hoa Kỳ cần phải hợp tác mạnh hơn nữa với Việt Nam về kinh tế, mà chưa cần để tâm đến quốc phòng như là nhân tố lớn.
– Điều thứ ba Hoa Kỳ cần hợp tác toàn diện với Việt Nam, trong đó có kinh tế, là để tránh phụ thuộc vào TQ như trước đây. VN có thể thay thế một phần vai trò của TQ trong chuỗi cung ứng cho Hoa Kỳ. Việc Việt Nam trở thành một nhà cung ứng cho Hoa Kỳ trong mối quan hệ không mâu thuẫn và xung đột lợi ích, là một thành tố ổn định dài lâu cho an ninh nước Mỹ.
– Điều thứ tư, Hoa Kỳ cần một Việt Nam trung lập và mạnh để bảo vệ luật pháp quốc tế trong khu vực, bao gồm tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Mọi sự bành trướng của TQ ở biển Đông Nam Á sẽ là sự vi phạm luật pháp quốc tế, mà Việt Nam là một trong số các quốc gia bị xâm phạm quyền lợi sẽ trở thành lực lượng bảo vệ.
– Điều thứ năm, sau hợp tác kinh tế, với sự phát triển quan hệ hai nước thì quan hệ quốc phòng cuối cùng cũng phải tiến theo. Việt Nam cần vũ khí của Hoa Kỳ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ mà Hoa Kỳ là một nguồn cung cấp vũ khí tân tiến bền vững.
Tóm lại, Hoa Kỳ cần một Việt Nam mạnh và trung lập thực sự, chứ chưa cần một VN nằm trong liên minh của Hoa Kỳ. Một Việt Nam mạnh và trung lập giữa các siêu cường thực chất là đồng minh của lẽ phải trong bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, cản trở mọi tham vọng bành trướng.
Năm điều nêu trên là những điều nhìn thấy được và nói ra được. Còn cả những điều chưa thể nói ra và chưa thể nhìn thấy.
Còn về phía Việt Nam, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ là một thực tế khách quan cũng vì quyền lợi của Việt Nam.
– Thứ nhất Việt Nam cần bảo vệ sự toàn vện lãnh thổ trên đất liền và trên biển.
– Thứ hai Việt Nam nhận thấy được nguy cơ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đến từ đâu và mục tiêu không khoan nhượng từ nguy cơ này.
– Thứ ba là cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraina cho Việt Nam thấy, rằng quan hệ anh em, láng giềng, ý thức hệ không ngăn cản được mục tiêu thống trị và bành trướng lãnh thổ, rằng mềm dẻo không phải là bảo bối an toàn trước dã tâm bắt lệ thuộc; mà phải mạnh lên mới có cơ ít bị lệ thuộc.
– Thứ tư, Hoa Kỳ là cường quốc công nghệ và quân sự số 1 thế giới mà Việt Nam không thể không có quan hệ để tận dụng lợi thế.
– Thứ năm, trong các siêu cường, Hoa Kỳ không có tham vọng lấn chiếm lãnh thổ của Việt Nam. Hoa Kỳ lại tôn trọng thể chế Việt Nam hiện thành, và không có mục tiêu thay đổi thể chế ở Việt Nam. Hoa Kỳ là nước có khả năng nhất để bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông Nam Á. Và Hoa Kỳ đang đặt mục đích không chế sự bành trướng xâm phạm luật pháp quốc tế ở biển Đông Nam Á.
Sự trùng hợp lợi ích, không xung đột lợi ích, không có mục tiêu làm hại nhau, và số phận lịch sử là các nhân tố khách quan đưa quan hệ Việt – Mỹ lên một tầm cao mới.
3. LƯU Ý VỀ CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG “BỐN KHÔNG” TRONG TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI
Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam gồm: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế [9].
Nhưng 4 điểm vừa nêu không phản ánh hết nội hàm của chính sách quốc phòng “bốn không”. Cụ thể là việc mua sắm vũ khí có ảnh hưởng trực tiếp lên năng lực quốc phòng và từ đó tác động lên chính sách quốc phòng. Trên thực tế, mua vũ khí nước nào nhiều, thì năng lực quốc phòng phụ thuộc vào nước đó. Phụ thuộc vào việc cung cấp phụ tùng thay thế và đạn dược, bảo trì bảo dưỡng; phụ thuộc vào hiệu quả của vũ khí; chịu ảnh hưởng cách tiến hành chiến trận. Thêm vào đó nữa là tập trận chung, cũng tác động lên khả năng tác chiến và cách thức đánh trận.
Bởi vậy, để chính sách quốc phòng “bốn không” được triển khai đúng nghĩa trên thực tế, Việt Nam cần thay đổi căn bản về học thuyết quân sự và nguồn cung cấp vũ khí. Cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraina cũng đã cho các nhà quân sự Việt Nam có được những kết luận cần thiết về lý thuyết và hành động.
Nhân tố quyết định đầu tiên là công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng các nước sản xuất vũ khí thường bán cho nước ngoài các phiên bản ít tiên tiến hơn. Những nước ít tiền, thậm chí còn phải chấp nhận “đời cũ”. Tuy là “đời cũ” nhưng phụ thuộc vào đối thủ có gì. Cho nên, với Việt Nam, cần biết ai có thể là đối thủ của mình và các loại vũ khí họ có, để mà tìm cách khắc chế.
Phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện chưa cho phép Việt Nam có thể mua ngay các loại vũ khí tân tiến của Hoa Kỳ. Nhưng các loại vũ khí cận tân tiến của các quốc gia khác có thể là nơi Việt Nam tiếp cận được. Thí dụ như Pháp bán cho Indonesia 42 máy bay Rafale thì Pháp cũng có thể bán Rafale cho Việt Nam. Không có tiền mua nhiều, thì mua ít. Quan trọng là để không quân Việt Nam tiếp cận với công nghệ hiện đại của phương Tây. Quan trọng nữa, Rafale khác biệt với các máy bay của Nga mà TQ sở hữu và chế tạo nhái. Cũng như vậy, các nước châu Âu khác có thể chuyển giao cho Việt Nam các loại vũ khí cận tân tiến mà họ đã thay thế hoặc có kế hoạch thay thế, từ máy bay, cho đến tên lửa diệt hạm hay các loại thiết giáp.
Với VN nhiệm vụ bảo vệ biển đảo là ưu tiên số 1. Biển Đông Nam Á là địa bàn nóng dài lâu. Làm thế nào để vô hiệu hoá được đối thủ có hạm đội tàu chiến đông đặc thì bài học của chiến trường biển Đen là vô cùng quan trọng. Nhưng trước khi nói đến bảo vệ biển đảo bằng vũ khí, thì thiết thực nhất là bảo vệ ngư dân và vùng đặc quyền kinh tế bằng lực lượng cảnh sát biển. Với mức quan hệ mới, Hoa Kỳ có thể giúp cho VN một số tàu cảnh sát biển lớn và hiện đại.
Trước khi nâng cấp quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ đã làm mạnh liên minh bảo vệ luật pháp quốc tế của mình bằng việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các nước ASEAN vào tháng 11/2022, tạo đà thuận lợi cho việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam [10].
4. TẬN DỤNG CƠ HỘI KHÔNG HỀ DỄ
Xuất phát từ lợi ích Hoa Kỳ, chỉ với năm điều trên, cũng đủ “thị trường” để phía Việt Nam khai thác. Nhất là tham gia vào chuỗi cung ứng cho Hoa Kỳ sẽ đưa đến cơ hội chuyển giao công nghệ. Bắt đầu là hiểu biết công nghệ, sau đến là sử dụng, sau nữa là chuyển giao. Ở phương diện sản xuất thì từ cung cấp phụ tùng, đến lắp ráp, sau nữa là sáng tạo và sản xuất.
Hơn ba mươi năm mở cửa, dù gần đây được các hãng điện tử Hàn Quốc đầu tư lớn vào Việt Nam, nhưng Việt Nam thực chất không sở hữu được công nghệ, hay bắt chước để tự sản xuất ra một sản phẩm có ý nghĩa đáng giá nào. Hợp tác với HK trong giai đoạn hình thành trật tự thế giới mới, có thể mở ra cơ hội để Việt Nam thay đổi về chất trong sáng tạo công nghệ. Việt Nam đã “ngủ quên” ba mươi năm.
Số phận lịch sử đã đưa Việt Nam và Hoa Kỳ vào thế đối đầu xương máu, để rồi qua bao gian nan hôm nay đã trở thành bạn bè tin cậy. Không bên nào nên mắc lại một sai lầm nào nữa.
_____
TÀI LIỆU DẪN:
[1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10]
P/S: Để tránh khỏi bị report đến FB Việt Nam và rơi vào tình trạng “Có vẻ như bạn đã chia sẻ nội dung vi phạm bản quyền bên khác”, bài đăng trên FB sẽ không có ảnh và không dẫn nguồn, dù bài viết gốc có.
https://baotiengdan.com/2023/09/17
Không có nhận xét nào