Kansas City, đêm tháng Hè 20/7/13
Để tưởng nhớ đến những ngày Anh Chị Hải Triều-Kiều Loan cùng sát cánh với anh em trong cuộc chiến đấu dành Độc Lập và Tự Do cho quê hương Việt Nam.
Hà Trung Liêm
22/9/2023
" Dù ở Sài gòn ca sĩ Kiều Loan không đình không đám như “TV Chi bảo” Phương hồng Quế, hay người đẹp “Căn nhà Ngoại ô” Kim Loan, hoặc “con Nhạn trắng Gò công” Phương Dung được báo chí đoái hoài, tận tình chiếu cố, nhưng ở Ðà nẳng, ca sĩ Kiều Loan bấy giờ là vợ của người lính Lôi hổ Nguyễn hải Triều thì “dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi” một cõi biên thùy."
Anh Nguyễn hải Triều ( Vest xám, đứng giữa ) với phái đoàn Việt nam tại Quốc hội Tiểu bang
Có những người miền Nam không đi lính Quốc gia, có thể là trốn lính, thường nói với những người đi lính Quốc gia rằng:“Tôi không có ân oán, nợ nần gì với hai bên Quốc gia và Cộng sản cả”. Ý của họ là: “Có đánh đấm với ai đâu, có đỗ xương máu với ai đâu mà ân với oán, nợ với nần”. Vậy thì, tôi cũng xin nói lại: “Quân miền Bắc vào miền Nam của nước Việt nam Cộng hòa gieo tang thương biết chừng nào, đến nỗi những người miền Nam của nước Việt nam Cộng hòa không đi lính Quốc gia cũng phải bỏ nhà, bỏ nước mà chạy lấy thân phải không”? Có “những người đi lính Quốc gia” mới cho những người miền Nam không đi lính Quốc gia được yên ổn ít nhất 21 năm, từ những năm 1954 đến năm1975 còn sống sót đến ngày hôm nay mà vô tâm, vô tình ăn nói một cách vô ơn, vô nghĩa đến như vậy đó. Ngay với con, với cháu của họ sinh đẻ sau cái ngày gọi là ngày Giải phóng tàn độc đi nữa, cũng phải biết những người lính Quốc gia đã phải hy sinh từng giọt máu, từng một phần thân thể, từng cái chết “vị Quốc vong thân”…cho cha mẹ, cho ông bà của chúng nó còn sống nhăn răng ra mà lấy vợ, mà lấy chồng, mà sinh sôi nảy nở chúng ra cũng còn chưa thể nói năng hàm hồ đến như vậy thay.
Chiến tranh có những cái phi lý của nó mà chủ nghĩa thực dụng không giải thích được. Cái phi lý lớn nhất trong cuộc chiến Quốc-Cộng tại Việt nam vẫn là người lính Việt nam Cộng hòa bị bức tử bắt phải thua trận một cách tức tưởi đến “tức hôc máu”. Nhưng đã là người lính Việt nam Cộng hòa với lời thề sắc son Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm thì sự chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho Tổ quốc, cho Ðồng bào thì muôn thuở, muôn nơi lời thề tử sinh đó vẫn còn nặng nề đeo theo suốt đời không bỏ. Cho nên, có lạ gì đến ngày hôm nay, những người lính ngày xưa trai trẻ hiên ngang bây giờ già thật là già dẫu đã mõi gối chồn chân rồi, nhưng vẫn còn xông xáo lặn lội tìm đường cứu nước bằng cách nầy, bằng cách khác không biết mệt mõi, vì “Họ là những anh hùng không tên tuổi. Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình. Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh. Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch” như lời Giáo sư Nguyễn ngọc Huy đã nói. Không đâu xa, ngay trong thành phố không đông người Việt của tôi đây, thành phố Kansas City thuộc tiểu bang Missouri cũng đã thấy biết bao người lính ngày xưa đó, bây giờ vẫn còn miệt mài ngày đêm tranh đấu cho một nước Việt nam độc lập, tự do, phú cường. Tiêu biểu, tôi muốn nhắc đến tên một người mà ở đây gần như ai ai cũng biết đến, ngay cả một số người Mỹ cũng biết đến, đó là người anh bạn của tôi Nguyễn hải Triều.
Anh Nguyễn hải Triều gốc gác người “vùng lửa đạn ghê gớm” Lai khê, Bến cát ngày xưa là xã, là huyện của tỉnh Thủ dầu một trong một gia đình đông anh chị em. Ông cụ là một hương hào địa phương, khá tiếng Pháp, hay chữ Việt và thông Hán tự. Có phải vận vào cuộc đời con mình những lời thơ làm trong lúc uống nước trà sớm mai nơi thôn dã hay khi chống cuốc nghỉ ngơi những lúc nương rẫy mệt nhọc đã tiên đoán vu vơ mà thành hiện thực trong bài thơ thân sinh anh đã ngẫu hứng nói về các con: “Nguyễn ngọc Anh, có danh không có nghĩa. Nguyễn lộng Ngọc quý báu vô cùng. Nguyễn hải Triều, biển rộng mênh mông. Nguyễn chánh Tông, lòng ngay dạ thẳng. Nguyễn bửu Thuyền, chân trời mặt bể”. “Nguyễn hải Triều, biển rộng mênh mông”, biển rộng mênh mông nên ngay từ tấm bé, thân phận anh cứ mãi lầm lũi cuộc đời chiến chinh rầy đây mai đó khốn nguy!? Cầu đò, Lai khê, Bến cát là những địa danh sau nầy không nói, mà trước đây cũng là “vùng lửa đạn ghê gớm” mà những thế lực trong sáng cũng có, tối tăm cũng có cố bám trụ, cố giành giựt làm cho gia đình hương hào Nguyễn văn Cao, thân phụ anh Nguyễn Hải Triều ăn không ổn, ngủ không yên phải rời bỏ mà đi. Là vùng Chiến khu D, Việt minh tuyên truyền, hăm he ban đêm đáng sợ. Là đồn điền trồng và nghiên cứu cây cao su, Pháp đóng quân cai trị bắt ông đi xử bắn. Là vị trí chiến lược quân sự, Nhật đến tháng 3 năm 1945, Nhật chiếm giữ, bắt ông đem nhốt tù. Xét cho cùng, đã chọn đúng con đường cho gia đình và cho Quốc gia, năm 1946 cụ ông hương hào Nguyễn văn Cao đã gia nhập vào Vệ binh Cộng hòa Nam kỳ, tiền thân của Vệ binh Quốc gia Việt nam ( la Garde Nationale ) sau nầy và cuối cùng là Quân đội Việt nam Cộng hòa.
Gia đình di chuyển về quận Châu thành tỉnh Thủ dầu một, chú bé Nguyễn hải Triều hết thời âm u cây rừng, thấy được một chút ánh sáng phồn hoa và tiếp tục cắp sách đến trường. Thủ dần một là tỉnh được thành lập rất sớm từ thời Pháp. Ðến năm 1956, Tổng thống Ngô đình Diệm đổi ra là tỉnh Bình dương cho đến sau nầy. Ở đây, cậu bé mang hào khí “cờ lau tập trận” tập họp chiến hữu, ngang tàng đụng trận với mấy nghịch tử cùng trường, cùng xóm dám “kêu tao là Việt gian” ngay bên thành Ông quan. Cái tên thành Ông quan người dân Thủ dầu một còn gọi là Citadel Quan hay trọc lóc là Citadel theo tiếng Pháp, được xây cất vào những năm cuối thập niên 1900 để cho các sĩ quan Pháp làm việc nơi trường Công binh trú ngụ. Cơ ngơi nầy có 5 biệt thự hai từng to lớn sơn màu vàng, xây dựng bằng sắt thép, gạch đá kiên cố, bề thế như một pháo đài, thành lũy. Ðang học lớp Nhì năm 1950 lúc mới 12 tuổi, con người “biển rộng mênh mông” Nguyễn Hải Triều được thân phụ gởi vào trường Thiếu sinh quân Gia định mới thành lập trước đó mấy năm và đến năm 1953 chuyển về trường mới ở Mỹ tho học cho đến năm 1955 thì ra trường với cấp bực binh Nhì không “galon”. Cũng nên biết, khi quân đội Pháp trở lại Ðông dương, năm 1946 họ lập ra hai trường Thiếu sinh quân: một ở Ðà lạt dành cho con cái người Pháp; một ở Vũng tàu dành cho con cái quân nhân không phải người Pháp trong Liên hiệp Pháp. Sau đó, Quân đội Việt nam lập thêm năm trường Thiếu sinh quân nữa cho bốn Quân khu và một dành riêng cho người Nùng. Nguyễn hải Triều học ở trường Thiếu sinh quân đệ I Quân khu đóng ở Gia định, sát bên lăng Tả quân Lê văn Duyệt.
Những chú “lính con nhà nòi” ra trường bước đầu là lính trơn, rồi bò dần lên Hạ sĩ, lên Hạ sĩ I và chín tháng sau mới thượng lon Trung sĩ. Năm 1967 vì khu “rừng lá” ở Bình tuy thường khi có Việt cộng “đắp mô”, đặt mìn, đón đường, tôi về Phan thiết bằng ghe đậu nơi cầu Chà và ở chợ Lớn. Tới Vũng tàu phải vào bờ vì bão, tôi được ông anh Ðại úy dẫn vào trường Thiếu sinh quân ở lại một ngày một đêm. Ðời binh nghiệp, tôi mới ra quân trường, thấy mấy chú bé mười hai tuổi, mười ba tuổi, mười bốn tuổi… sống kỷ luật nơi “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đỗ máu” mà vừa thương vừa mến phục chi lạ! Thương là thương đời con nít có khi còn bú sửa mẹ như người em bạn tôi con trai một, mười một tuổi đầu còn nhai vú da của bà mẹ cưng con. Phục là phục tuổi thơ nhõng nhẽo lại mạnh dạn, cứng cõi, hùng dũng, những con chim non chưa rời tổ mẹ mà đã hiên ngang: “Ta là đoàn Thiếu sinh quân Việt nam. Mai nầy đều bưóc theo gương đàn anh. Không nề đường trường gian lao nguy khó. Ðang chờ đoàn ta hỡi Thiếu sinh quân. Ta đi lên vai chen vai cất vang muôn tiếng cười. Ta xây dựng ngày mai muôn dân Nam đón chờ ta đó”.Cho nên, không lạ gì “con giòng cháu giống”, các chú lính con con đã nhứt quyết tử thủ, đánh với Việt cộng tới ngày 29 tháng 4 năm 1975 buộc Việt cộng phải chịu để các cháu tuôn trào nước mắt làm Lễ Hạ Quốc kỳ Việt nam Cộng hòa mới theo lệnh Tổng thống Dương văn Minh đầu hàng. Nói gì nói, thấy mấy em nhỏ như đàn con cháu của mình mà sớm ghép vào kỷ luật “quân lệnh như sơn” thì tội nghiệp quá cuộc đời hoa bướm, lãng tử trẻ thơ mộng mị…
Năm 1955, Nguyễn hải Triều, học trò trường Thiếu sinh quân Mỹ tho ra trường về Tiểu đoàn Trợ chiến của Liên đoàn Nhảy dù. Liên đoàn Nhảy dù do Thiếu tá Ðỗ cao Trí chỉ huy mới vừa thành lập ngày 29 tháng 9 năm 1954 từ các Tiểu đoàn 1, 3, 5, 6 cùng với Tiểu đoàn Chỉ huy và Chủ lực ( Bataillon de Commandemant et d’Appui ). Bộ Chỉ huy Liên đoàn Nhảy dù và Tiểu đoàn Trợ chiến đang đóng quân quanh vùng Hòa hưng Sài gòn, khúc Ga xe lửa và Cống bà Xếp. Tiểu đoàn Trợ chiến có các Ðại đội Quân y, Công binh, Súng cối, Kỹ thuật, Chung sự, Trung tâm Huấn luyện, Phân đội Truyền tin…
Ðược biết, ngày 1 tháng 5 năm 1958, Tiểu đoàn Chỉ huy và Chủ lực được cải danh là Tiểu đoàn Trợ chiến mà Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là Ðại úy Trịnh xuân Nghiêm. Nguyễn Hải Triều về Tiểu đoàn Trợ chiến thời Ðại úy Nguyễn thọ Lập chỉ huy, sau khi bàn giao chức vụ nầy với Ðại úy Trịnh xuân Nghiêm lên làm Tham mưu trưởng Liên đoàn Nhảy dù.
Ở đây, Nguyễn Hải Triều được biệt phái lên Liên đoàn đóng trong trại Hoàng hoa Thám phục vụ như một Hạ sĩ quan An ninh làm việc dưới quyền Ðại úy Trưởng phòng Trần đình Vỵ. Trong thời gian nầy có chút thì giờ rỗi rảnh, anh cố gắng đến các trường Nguyễn công Trứ ở Tân định hay Hưng đạo ở Sài gòn học thêm để “sẽ là một Sĩ quan văn võ song toàn” như những người lính vẫn thường ước mơ, tâm sự. Năm 1962 học Ðồng đế Nha trang, Nguyễn Hải Triều ra Chuẩn úy đổi về Tiểu đoàn 6, hậu cứ đóng quân ở Vũng tàu do Ðại úy Tống hồ Hàm từ phủ Tổng thống về làm Tiểu đoàn trưởng trong một thời gia rất ngắn. Ðại úy Lê văn Ðặng lên thay thế cho đến 1/11/63 lại chuyền tay qua Ðại úy Vũ Thế Quang nhờ tham gia Cách mạng 1/11/1963 với Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Van kiếp Vũng tàu lúc bấy giờ là Trung tá Vĩnh Lộc.
Thiếu úy Nguyễn Hải Triều là một trong bốnTrung đội trưởng Tác chiến của Tiểu đoàn 6 Nhảy dù cũng có mặt trong đoàn quân tiến về Sài gòn ngày ấy, rồi sau đó làm Sĩ quan An ninh Tình báo cho Tiểu đoàn 6 Nhảy dù đi khắp 4 vùng Chiến thuật. Nói về thành tích đánh giặc của các đơn vị Nhảy dù từ lúc mới lập ra cho đến khi tướng Dương văn Minh bắt phải đầu hàng thì nói làm sao cho hết, viết làm sao cho đủ những chiến công hiễn hách, những trận đánh trời long đất lỡ làm cho địch quân từ thời Việt minh, đến thời Việt nam Dân chủ Cộng hòa cho đến thời “lấm la lấm lét” lẹt đẹt ba cái anh chàng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Viêt nam chỉ nghe đến cái tên thôi cũng phải khiếp đãm, kinh hồn, bạt vía đi rồi, chạy còn không muốn kịp nói gì đánh với đấm, bắn với đâm. Cuối năm 1964 đến đầu năm1965, sau khi được Ðại tá Hồ Tiêu tuyển dụng và đưa Sự vụ lệnh vào Sở Liên lạc, tính ra cũng được10 năm anh Nguyễn hải Triều đã sống trong gia đình Nhảy dù.
Với thời gian dài vào sanh ra tử không phải quá ngắn thì lòng nào cũng phải lưu luyến, cũng phải bồi hồi, nhưng cuộc đời binh nghiệp nay có thêm Ðại úy Nguyễn văn Thanh, Nguyễn thế Phồn; Trung úy Trần lưu Huân; Thiếu úy Văn thạch Bích, Lê Văn, Phan nhật Văn…nằm cùng một Sự vụ lệnh thì Thiếu úy Nguyễn hải Triều cũng không dấu được niềm vui với những người bạn mới, với những công tác mới dù anh biết rằng cam go hơn, gian đầy hơn và nhất là ranh giới tử sanh mong manh như giọt sương mai, nhỏ nhoi như thể chiều ngang một sợi tóc. Và sau khi thụ huấn khóa“Chiến tranh Ngoại lệ” học về những nguyên tắc tình báo, phản tình báo cho những hoạt động âm thầm ngay trong lòng đất địch hoặc trong vùng địch tạm chiếm ở Trung tâm Huấn luyện Long thành mà sau nầy gọi là Trung tâm Huấn luyện Quyết thắng, anh bấy giờ thực sự là “những anh hùng không tên tuổi, sống âm thầm trong bóng tối mênh mông” với cái tên Lôi hổ nghe ra lạ hoắc, nhưng chắc lòng anh cũng tràn đầy niềm kiêu hãnh.“Chiến tranh Ngoại lệ” là chiến tranh mới lạ hoàn toàn, khác xa hoàn toàn chiến tranh qui ước, được dịch từ tiếng Mỹ “Unconditional warfare” mà ra.
Năm 1982, lúc còn ở tù Việt cộng nơi K.2 của Z.30C Hàm tân, anh bạn trẻ tuổi Phùng quang Thế, chúng tôi thường gọi là Ðại úy Lôi hổ là Ðại úy Lôi hổ thiệt, có kể là: “Mới bước vào nhà thằng lính vừa tử trận để phân ưu và chia buồn thì ba nó, má nó chạy ùa ra ôm chầm lấy tôi vừa khóc vừa than thảm thiết, Ðại úy ơi là Ðại úy! Con ơi là con! Ai biểu con đi Lôi hổ để bây giờ hổ lôi con. Nghe vừa buồn cười vừa đau chết điếng”. Cũng nên rõ, Sở Liên lạc thuộc Bộ Tổng tham mưu mà Ðại tá Hồ Tiêu làm Chánh sở bấy giờ không phải là Sở Liên lạc thuộc Phủ Tổng thống trước đây của Trung tá Lê quang Tung chỉ huy. Sở Liên lạc thuộc Phủ Tổng thống ( Presidential Liaison Office ) được thành lập năm 1956, đến 1960 cải danh là Sở Khai thác Ðịa hình ( Topographic Exploitation Service ) và tháng 3 năm 1963 thì chuyển thành Bộ chỉ huy Lực lượng Ðặc biệt, Ðại tá Lê quang Tung vẫn chỉ huy cho đến Cách mạng 1/11/1963.
Theo nhu cầu tình báo chiến thuật cũng có, chiến lược cũng có lúc bấy giờ tại Việt nam, hai chính phủ Mỹ và Việt nam đã có sự phối hợp. Về phía Mỹ có cơ quan MACV-SOG viết tắt từ chữ Military Assistance Command, Vietnam – Studies and Observation Group là Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa kỳ tại Việt Nam – Nhóm Nghiên cứu và Quan sát. Về phía Việt nam tách ra từ Bộ Chỉ huy Lực lượng Ðặc biệt có Phòng 45 còn gọi là Sở Bắc thành Sở Khai thác thuộc Bộ Tổng tham mưu, về sau gọi là Sở Công tác được thành lập từ 2 Ðoàn Công tác 11 và 68, Ðại tá Trần văn Hổ chỉ huy và Phòng 55 còn gọi là Sở Nam thành Sở Liên lạc thuộc Bộ Tổng tham mưu do Ðại tá Hồ Tiêu chỉ huy. Ðến ngày 12 tháng 2 năm 1965, Nha Kỹ thuật được thành lập trên căn bản hoạt động của hai Sở nói ở trên và các Sở: Phòng vệ Duyên hải, Tâm lý chiến, Không yểm, Trung tâm Huấn luyện Quyết thắng. Ðại tá Trần văn Hổ đảm trách chức vụ Giám đốc. Ông giữ chức vụ Giám đốc Nha Kỹ Thuật nầy từ năm 1964 đến năm 1968 và Ðại tá Ðoàn văn Nu tiếp theo từ năm 1968 cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1975. Nói về sự hình thành và hoạt động của Nha Kỹ thuật thì vô cùng rối rắm, ngay cả những vị Sĩ quan trong ngành đôi khi cũng lúng túng. Ðiều nầy không có gì là lạ vì Nha Kỹ thuật là một cơ quan tình báo “kín cổng cao tường” biệt lập mơ hồ, và hoạt động lại âm âm u u nơi rừng thiêng núi thẳm một cuộc“Chiến tranh Ngoại lệ” nữa thì đố trời ai biết ngọn ngành, ai trách ai làm chi? Những Operation Shining Brass và Prairie Fire của “Secret war” trên đất Lào theo dõi đường mòn Hồ chí minh hay những Operation Daniel Boon và Salem House ở Cambodge vì Norodom Shihanouk thân Trung quốc…thì làm sao biết cho hết, thì làm sao biết cho thiệt đúng không sai? Những cuộc hành quân nhảy toán từ trên trời rơi xuống, từ bao la biển chạy vào, từ rừng núi âm u băng vô đất Bắc “ăn dầm nằm dề” LRRPs là Long Range Reconnaissance Patrol hay những cuộc hành quân ngắn hạn mang tên TRATA là Term Reconnaissance And Target Acquisition vùng ngoại biên Việt - Lào, Lào - Thái, Việt - Miên… kín miệng như câm, nhắm mắt như mù, dám nói với ai để chết không kịp ngáp!
Ðã là người lính hoạt động tình báo, phản tình báo của “Chiến tranh Ngoại lệ” chính thức trong thời cam go nhất của đất nước, anh Nguyễn hải Triều khi là các Toán Thám sát “Recon team” 12 người “nhảy toán” tới vùng đất Trung và Hạ Lào ở Paksé, Savannakhet từ những Tiền doanh I, Tiền doanh II, FOB I, FOB II là “Foreward Of Base I, Foreward Of Base II” bằng H.34 của Phi đoàn Trực thăng 219; khi thì biệt phái làm Sĩ quan Liên lạc trong Tiểu đoàn 33 Hoàng gia Lào vào năm 1966, đóng ở vùng rừng núi mịt mùng heo hút Ban Houayxay, một cao điểm cũng là yếu điểm “Fort Carnot” của Pháp ngày xưa để lại, mà từ đấy nhìn ra 3 mặt “Tam biên” cuộc chiến trên đất Miến, Lào, Việt để quấy phá, cứu nguy, tâm lý chiến, bắt cóc, thủ tiêu, chỉ điểm, lấy tin tức dọc Ðường 9 Nam Lào, Ðường mòn Hồ chí minh.
Năm 1968, lúc bấy giờ anh là Ðại úy, Chỉ huy phó Căn cứ Tiền doanh II ( FOB II ) ở Kontum với Thiếu tá Ngụy Hiền là Chỉ huy trưởng, rồi tiếp theo là Chỉ huy phó Căn cứ Tiền doanh I ( FOB I ) ở Phú Bài, Thiếu tá Hồ châu Tuấn làm Chỉ huy trưởng, rồi về làm Trưởng phòng 2 Sở Liên lạc Bộ Tổng Tham mưu đóng trong Nghĩa trang Bắc việt ở Tân sơn nhứt. Cuối năm 1969 làm Phó Tùy viên Quân sự Việt nam tại Lào dưới thời Luật sư Hoàng cơ Thụy làm Ðại sứ cho đến gần nửa năm sau ngày Chiến dịch Lam sơn 719 cũng là Chiến dịch Ðường 9 Nam Lào giữa ngày 8 tháng 2 đến ngày 25 tháng 3 năm 1971, tính ra cũng hơn 18 tháng. Về lại Sở Liên lạc rồi đưa qua Sở Công tác do Ðại Tá Ngô thế Linh, Phó Giám đốc Nha Kỹ thuật kiêm nhiệm. Sở Công tác bấy giờ không còn thi hành nhiệm vụ như Sở Bắc hay Phòng 45 hay Phòng E như thời Ðại tá Trần văn Hổ làm Chánh sở buổi ban đầu, Nguyễn Hải Triều làm Huấn luyện viên về “Chiến tranh Ngoại lệ”, rồi vào Trường Bộ binh Thủ đức học Bộ binh Cao cấp thời Trung tướng Phạm quốc Thuần làm Chỉ huy trưởng. Mãn khóa học, anh Nguyễn Hải Triều về hậu cứ ở Non nước rồi Sơn trà ở Ðà nẳng và sau đó ít lâu, năm 1973 lên Thiếu tá làm Chỉ huy phó Ðoàn Công tác 71 cho đến ngày “Tôi, Ðại tướng Dương văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài gòn, kêu gọi Quân lực Việt nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện”.
Anh chị Nguyễn Hải Triều – Kiều Loan
Ðời người chiến sĩ dọc ngang, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, ai dám nói là lòng sắt dạ đá mà không có chút nào lãng mạn tình yêu đời thường? Người chiến sĩ xông pha nơi trận tiền mà sự sống chết chỉ là lằn ranh mong manh tơ trời và chớp nhoáng như ánh sao xẹt cũng vì tâm dạ yêu đời, thương người. Và nói gì tình yêu đôi lứa, một khi họ đã yêu ai thì sắc son một đời “thệ hải minh sơn”, thủy chung duy nhứt trước sau. Người ta thường nói “trai tài, gái sắc” để ám chỉ một cách lý tưởng những cặp tình nhân xứng đôi vừa lứa như thể suy bì “môn đăng, hộ đối” của ông bà ta ngày xưa. Ở đây, tôi muốn nói tới anh chị Nguyễn hải Triều đã đến với nhau từ năm 1963, và “anh ở đâu thì em đó. Lúc núi biếc khi sông hồ…” đến nay 2013 là năm chục năm tròn, sống với nhau tâm đồng ý hiệp biết mấy đời vợ chồng hạnh phúc! “Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt” là trai núi rừng “vùng lửa đạn ghê gớm” miền Nam sớm đời binh nghiệp vào thân và “cô gái Bắc kỳ nho nhỏ” vừa đẹp, vừa duyên lại vừa ngọt ngào giọng “em bé hậu phương Dạ Lan” trong Trước Ðèn Ðọc Sách ở đài Phát thanh Sài gòn đã khắng khít nhau tình yêu thời lửa đạn.
Mấy chữ anh Nguyễn hải Triều chia tay vợ
Là một ca sĩ trong băng nhạc Khánh băng-Phùng trọng, trong Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương “Hoa Tình Thương”, nhưng “lấy chồng thì phải theo chồng. Chồng đi hang rắn, hang rồng phải theo” nên chị bỏ tất cả theo ảnh, khi thì Vũng tàu, khi thì Nha trang, khi thì Sài gòn và lâu nhứt hồi đó là Ðà nẳng miền Trung, trước và sau thời anh Nguyễn hải Triều là Chỉ huy phó Ðoàn 71 Sở Công tác thuộc Nha Kỹ thuật đóng ở Sơn trà, Non nước. Tôi muốn ghi lại đây tình yêu “bách niên giai lão” vợ chồng đẹp như mơ của anh chị Triều để thấy rằng, lời nói như đùa như thật mà nhìn xa xa một chút như cách bêu rếu, mỉa mai về người lính Việt nam Cộng Hòa hẳn là có một dụng ý xấu xa rằng “cơm hàng, cháo chợ, vợ người ta”. Dù ở Sài gòn ca sĩ Kiều Loan không đình không đám như “TV Chi bảo” Phương hồng Quế, hay người đẹp “Căn nhà Ngoại ô” Kim Loan, hoặc “con Nhạn trắng Gò công” Phương Dung được báo chí đoái hoài, tận tình chiếu cố, nhưng ở Ðà nẳng, ca sĩ Kiều Loan bấy giờ là vợ của người lính Lôi hổ Nguyễn hải Triều thì “dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi” một cõi biên thùy. Chị hát cho các Phòng trà Danube Bleu, Phòng trà Moderne, Phòng trà 59 trên đường Ðộc lập mà tiếng tăm dội về tới Sài gòn “làm mấy con bạn cũng ham”. Bar Danube Bleu, chủ là người Ðại hàn trả lương hậu hĩnh cho chị vì chị là ca sĩ rất ăn khách, hái ra nhiều tiền cho. Ở đây đa số khách tới là người Mỹ, người Ðại hàn, người ngoại quốc…chị hát nhạc Mỹ, nhạc Pháp nhiều hơn là nhạc Việt một thời chinh chiến khói sương trận địa.
Năm 1972 với cuộc chiến thảm khốc “Mùa Hè Ðỏ Lửa” ở Quảng trị khi Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, tướng Vũ văn Giai cùng với Lữ đoàn 147 Thủy quân Lục chiến có 30 chiến xa hè nhau bỏ Quảng trị chạy về Huế gọi là “di tản chiến thuật” để Việt Cộng đắp xác chết và máu xương đồng bào đầy khắp trên Quốc lộ 1 làm nên “Ðại Lộ Kinh Hoàng”, Ðà nẳng vẫn xập xình tiếng nhạc, lời ca, ăn chơi, mặc ai thế sự “rồi cũng qua đi, bình yên”. Người trong cuộc, anh Nguyễn hải Triều được nghe nói, được biết rằng năm đó 1975, không như năm 1972 “rồi cũng qua đi, bình yên” đã khuyên vợ “hãy về Sài gòn đi, tránh cơn binh lửa”. Chị thì nhất định “làm sao bỏ anh ở đây một mình mà em đi cho được”!? Ðể đến nỗi cuối tháng Ba, khi mà kho gạo gần thương cảng đã bị cướp phá, khi mà lính không còn đơn vị hỗn quân hỗn quan thành loạn kiêu binh nhiễu nhương, khi mà dân chạy giặc hoảng loạn, đùng đùng nỗi oan khiên … vợ chồng mới chịu chia tay, em đi anh ở lại mà ròng ròng những giọt nước mắt vắn dài. “Nầy, anh có thấy không, trước mắt anh hàng hàng lớp lớp cấp Ðại tá, Trung tá, Thiếu tá…nhiều biết bao nhiêu đã bỏ chạy”, chị kéo người chồng lại, vừa chỉ chỏ vừa nói. “Hãy theo em”, chị nói thêm. “Không được. Anh không thể bỏ ngũ trong tình thế hiện nay. Là Thiếu sinh quân, đã tình nguyện đi lính Nhảy dù, đã tình nguyện qua Lôi hổ là anh đã thề nguyện trong lòng chết là chết vì quê hương, cho quê hương thì làm sao bỏ anh em mà đi trong lúc nầy? Thật là xấu hổ! anh sẽ không còn mặt mũi nào nhìn lại bạn bè mình, chiến hữu mình và nhất là đồng bào mình nếu mai sau anh còn sống sót?” Ảnh trả lời với vợ một cách cương quyết, khí khái, nhưng là cả một tấm lòng thực sự đau khổ trong cảnh chia lìa, tan tác kẻ ở người đi! Vớ được tờ giấy trong ví của chị, anh vội vàng ghi mấy chữ: “Mình yêu, xa nhau lần nầy không biết bao lâu nữa mình mới gặp nhau. Em về bình yên cùng toàn thể gia-đình, đêm đêm nhớ thắp nhang cầu nguyện may mắn cho anh tại miền đất khói lửa nầy. Yêu em thật nhiều”. “Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay”, trường hợp nầy, nỗi lòng tôi đã trải qua vào đầu tháng Ba năm 1975, ngày đưa vợ và 3 con lên máy bay Mỹ về Sài gòn, một mình ở lại Gia nghĩa, Quảng đức với anh em. Ở lại với anh em, rồi chiều 23 tháng Ba cũng bỏ chạy khi chưa thấy đâu bóng dáng hớt ha hớt hải Việt cộng đốt đuốc soi rừng bén mảng! Rồi sau đó mấy ngày, ngày 28 tháng 3 năm 1975 Ðà nẳng coi như không còn, đơn vị anh có các Ðoàn 70, 71, 72 cũng phải theo tàu Hải quân về Sài gòn dưới sự hướng dẫn của Trung tá Trần Bá Tuân. Anh với vợ con tới Mỹ vào ngày 5 tháng 5 năm 1975, lần lượt ở Arkansas, ở Des moines của Iowa và cuối cùng là Overland Park, Kansas cho tới ngày hôm nay cũng được 38 năm, 2 tháng, 15 ngày chân trời góc biển xứ người mà “đau nỗi đau mất nước”, anh buồn vời vợi tâm sự. Tôi thì tôi nghĩ, “Nguyễn hải Triều biển rộng mênh mông” là lời thơ thân phụ anh đã “vận vào” cuộc đời anh như vậy đó không sai, thì anh chạy đâu cho khỏi nắng!
Anh Nguyễn hải Triều và Ðại tá Lương xuân Việt, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy dù Hoa kỳ
Gia đình tôi đến Mỹ năm 1992 vào một tối mùa Ðông mới qua mấy ngày bão tuyết. Trời lạnh ngắt, đìu hiu! May, có rất nhiều người Việt nam, toàn là xa lạ đứng chờ. Thì ra, đó là những anh em trong hội Cựu quân nhân Kansas City và Vùng phụ cận mà lúc bấy giờ anh Nguyễn hải Triều là Hội trưởng, làm mình trên xứ lạ lạc lỏng, bơ vơ cũng được yên bụng yên dạ phần nào. Một đoàn xe hơi dài cả chục chiếc như đang chờ phái đoàn ngoại giao nào đó, gia đình tôi lên xe mà hồn phách cứ tưởng là trong mơ. Ngày đó ở Việt nam, xe đạp cọc cọc cạch cạch có người còn chưa có nói gì bấy giờ ngồi trong những chiếc xe của những ông bạn lính chưa quen toàn là Honda Accord, Toyota Camry mới toanh. Về tới apartment trên đường Brownell mà Don Bosco đã mướn cho đúng 12 giờ đêm. Anh em soạn ra một bao gạo, một chai xì dầu, một chai nước mắm, một thùng mì ăn liền, mấy cái chén, mấy cái dĩa, mấy đôi đủa đưa cho. Nghĩa cử đó, “miếng khi đói, gói khi no, của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng” mà lòng mình cứ nghĩ cho đến bây giờ. Anh Triều đại diện anh em hội Cựu quân nhân vội vàng nói vài lời chúc mừng và không quên đưa cho mỗi người một lon Budweiser đỏ. Trời! sao ngon dữ! Mấy hôm sau, trong một buổi họp định kỳ mỗi tháng của hội Cựu quân nhân, tôi xúc động biết chừng nào. Những anh em qua trước mừng rỡ đón chào niềm nở. Tôi được đứng nghiêm hát Quốc ca, chào Quốc kỳ Việt nam Cộng hòa mà nước mắt rưng rưng, ai cũng thấy, ai cũng bùi ngùi “Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, thuở tung hoành hống hách những ngày xưa”. Năm 1993 từ thành phố Lakeland của Florida trở về, tôi tham dự buổi Lễ ra mắt Hội đồng Việt nam Tự do Kansas City của Lê phước Sang tại Kansas City mà Hội Cựu quân nhân của anh Nguyễn hải Triều là nhân tố chính đứng ra tổ chức rất đông đảo, long trọng, sôi nổi, hào hùng. Rồi không ra gì, ông Lê phước Sang đã hèn hạ phản bội một cách vô liêm sỉ. Ðau là đau cái lòng của những người lính lúc nào cũng thao thức nghĩ về tiền đồ Tổ quốc mà cứ chông gai dãy đầy, ưu tư giăng mắc!
Mùa Thu năm 1993, một cuộc biểu tình khí thế đùng đùng trước phòng ngủ và nhà hàng Marriott, 200 West 12th Street, Kansas City, MO 64105 chống Lê Văn Bàng, tên Ðại sứ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam tại Liên hợp quốc mon men tới làm ăn. Mới Việt nam qua, anh em “hung hăng hơn con bọ xít” muốn nhảy rào vào đánh đấm bọn côn đồ Việt cộng cho đã, nhưng anh Nguyễn hải Triều “chủ xị” biết hành xử làm sao phải luật, phải lệ với người ta xứ “thượng tôn luật pháp”. Mấy thằng tẻn tẻn đi lấm lét, nếu không có cháu Tâm, nghe nói là Giáo sư Ðại học khuyên: “bỏ qua đi các chú” thì có nhiều người đã nhảy ra “đánh cho tụi nó một trận” như đang hò, hét vang dội, và Mỹ bắt vô tù là cái chắc. Tên Ðại sứ nầy, sau làm cái chuyện mất mặt người Việt Nam không thể tưởng tượng được là đã ăn trộm sò ở khe suối East Hampton’s Hog Creek bị Cảnh sát Mỹ bắt làm nhục, cả thế giới đều biết và đặt cho một cái tên nghe đau nhói cả ruột gan là “Ðại sứ Ăn trộm Sò”. Năm 2005 lại Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa Hải ngoại ra đời rất rầm rộ, rất vĩ đại như chưa bao giờ rầm rộ hơn, vĩ đại hơn. Ở Cali, Thiếu tướng Lê Minh Ðảo làm Trung tâm trưởng Trung tâm Ðiều hợp Trung ương. Ở Kansas City và Vùng phụ cận, anh Nguyễn Hải Triều làm Trung tâm trưởng Trung Tâm Ðiều hợp địa phương, nhưng thời gian trải dài, tổ chức như ngọn đèn trước gió, người chiến sĩ già xả thân vì nước đã gối mõi chân mòn khó như khó trèo lên đỉnh ngọn Everest vẫn chưa thấy le lói tia sáng thành công mong manh nhẹ hều. Ai không đau!? Nhớ chiều ngày 03 tháng 3 năm 2005, tại toà Thị sảnh thành phố Kansas City của tiểu bang Missouri, Cờ Vàng Ba sọc đỏ Việt nam Cộng hòa được bà Thị trưởng Kay Barnes vinh danh “như một biểu tượng của niềm tin, tự do và dân chủ trong Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở thành phố Kansas City, tiểu bang Missouri…”.
Người đại diện phía Việt nam, anh Nguyễn Hải Triều sau khi đưa tặng bà Thị trưởng lá Cờ Vàng ba sọc đỏ Việt nam Cộng hòa lưu niệm, phát biểu: “Ba mươi năm qua, chúng tôi rời bỏ quê hương với hai bàn tay trắng, chỉ mang theo lá cờ nầy vì nó tượng trưng cho Tự do và Dân chủ mà hơn nửa triêu quân sĩ miền Nam và trên 58 ngàn binh sĩ Hoa kỳ đã hy sinh…”. Tiếc là, đến nay việc vinh danh Cờ Vàng Ba sọc đỏ nơi thủ phủ Jefferson của tiểu bang Missouri vẫn chưa được như ý nguyện. Rất rõ ràng là, Cộng đồng người Việt ở đây đã không đủ sức mạnh đẩy mấy ông Dân biểu, Thượng nghị sĩ của tiểu bang Missouri thông qua nghị quyết. “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”, vì người mình ở đây đã ít, lại lười đi bầu cử thì họ cũng lười dòm ngó đến yêu sách của mình là đương nhiên.
Ngày 10 tháng 10 năm 2004 tại nhà hàng Green River, 2120 East 12th Sreet, Kansas City, M0 64127, Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Kansas City và vùng Phụ cận đã được thành lập qua gần 30 năm dài mà nhân tố chính, vẫn là anh Nguyễn Hải Triều, người lính một đời chiến sĩ dọc ngang đã ấp ủ và quyết làm. Cũng như trên tôi đã nói, về thành tích đánh giặc của đơn vị Nhảy dù thì “nói làm sao cho hết, viết làm sao cho đủ” cũng không khác gì với thời gian dài 38 năm 2 tháng 15 ngày sống trên đất Mỹ, anh Nguyễn Hải Triều đã lăn xả cuộc đời mình vào lý tưởng Quốc gia, Dân tộc ngời ngời châm ngôn Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm thì thật tình mà nói, làm sao kể ra cho hết, dù chỉ qua loa, tàm tạm mà thôi? Những lúc anh em và những người đồng hương tập họp lại với nhau hằng năm vào những Ngày Quốc hận 30 tháng 4, Ngày Quân lực Việt nam Cộng hòa19 tháng 6, Ngày Giỗ Tổ Hùng vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch, Ngày Hai Bà Trưng mùng 6 tháng 2 Âm lịch, Ngày Tết Nguyên đán, Ngày Sinh hoạt Cộng đồng, Ngày Giúp đỡ Thương phế binh Việt nam Cộng hòa hay những lần tham gia với những tổ chức người Mỹ tại địa phương, như vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Năm hằng năm cho Ngày Memorial day và vừa rồi ngày 18 tháng 5 năm 2013 cho ngày Armed Forces day Parade, anh Nguyễn hải Triều coi như có mặt luôn luôn và lúc nào cũng đóng vai trò lảnh đạo, dìu dắt. Ðếm làm sao cho xuể được, nhớ làm sao cho hết được những việc làm đó, ảnh làm như cơm bữa? Chưa nói, nay thì tiểu bang nầy Ngày Họp mặt Nhảy dù, Lôi hổ; mai thì gặp nhau cho Ngày Hội ngộ Nha Kỹ thuật, Lực lượng Ðặc biệt, Biệt kích ở thành phố kia, và khi tôi đang viết bài nầy thì anh Nguyễn hải Triều đã và đang ở Atlanta, Georgia mấy hôm nay rồi, để tham dự Ðại hội Gia đình mủ Ðỏ lần thứ 33 ở đó. Ảnh đi Bắc xuống Nam, đi Ðông sang Tây như con thoi, tôi không biết tiền đâu mà ảnh chịu nổi và sức lực đâu tuổi già mà ảnh cứ đi hoài đi mãi? Suy đi nghĩ lại, tôi cả quyết, chắc cũng tại cái tâm? Cái tâm, nhứt là cái tâm sắc son một lòng cho Tổ quốc, cho Dân tộc thì nó bao la vời vợi như “biển rộng mênh mông” mà đã hơn một nửa trăm năm trước, cụ ông hương hào Nguyễn Văn Cao, thân phụ anh đã ngữi thấy rồi mùi phong trần của đứa con“giang hồ quen thói vẫy vùng, gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Cái tâm sắc son đó thể hiện một tấm lòng, một tấm lòng làm cho tôi lại nghĩ tới câu nói bất hủ của cố Tổng thống John F. Kennedy nói trong ngày lễ đăng quang, ngày 20 tháng Giêng năm 1961 “Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country”, đừng đòi hỏi đất nước của anh làm gì cho anh; hãy hỏi anh làm gì cho đất nước anh mới phải. Bù lại, thành phố tôi đang ở và ngay cả người Việt đâu đâu đi nữa cũng có nhiều người không làm gì cả, không làm được gì hết, nhưng giỏi chê trách, ưa “xuy mao cầu tỳ” là bới lông tìm vết để dè bỉu người ta “ăn cơm nhà vác ngà voi” cho mình. Họ đã vô tình hay cố ý làm chết đi tâm huyết mỗi ngày một cạn kiệt của những người lính năm xưa bây giờ đã già mà vẫn một lòng, một dạ với dân tộc và đất nước miệt mài đi tìm con đường cứu nguy Tổ quốc. Năm 2008 bầu cử Sơ bộ của Ðảng Dân chủ ở New Hampshire, bà Hillary Clinton ám chỉ ông Barack Obama nói giỏi, làm dở mà nhấn mạnh: “We nominate and elect a doer, not a talker”. Phải rồi, “chúng ta đề cử và bầu chọn người làm, không phải đề cử và bầu chọn người nói”. Ðời, cần người làm được việc, ai cần người nói huênh hoang vô tích sự! Ngày xưa, ông bà mình có dạy:“Cẩu bất dĩ thiện phệ vi lương; nhân bất dĩ đa ngôn vi hiền, có nghĩa là “Con chó sủa nhiều không chắc con chó đó hay; con người nói nhiều không chắc con người đó giỏi” là nằm trong ý nghĩ đó.
Armed Forces Day Parade, 18/5/2913 tại Kansas City
Tôi đã ở thành phố Kansas City nầy với anh chị Nguyễn Hải Triều gần 22 năm, có thể nói một cách đơn giản mà không hồ đồ chút nào là biết về anh chị cũng không ít, nhưng chắc chắn, đó chỉ là mặt nổi thôi là đương nhiên. Chúng tôi gặp nhau thường trong những sinh hoạt Cộng đồng người Việt vùng Kansas City và Phụ cận; trong những hoạt động Ðảng phái, Tôn giáo, Hội đoàn địa phương; và những lần anh em trà dư tửu hậu chuyện nước, chuyện non, chuyện “thế sự thăng trầm quân mạc vấn”…Thì tôi mới thấy rằng “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung” Nguyễn Hải Triều có một tấm lòng tha thiết với quê cha đất tổ vô bờ bến và thủy chung tấc dạ không thay đổi ước mơ một nước Việt nam độc lập, thái bình, phú cường. Anh đi từ Thiếu sinh quân, từ Nhảy dù, đến Lực lượng Ðặc biệt, đến Lôi hổ…là những đơn vị “dễ chết người trai một đời thề nguyện vị quốc vong thân, anh hùng không xiết kể; là những đơn vị dễ bị phân thây nơi chiến trường người trai tuấn tú thành những phế nhân, sống một đời âm u không xiết kể”; là những đơn vị đánh giặc cứ đánh giặc đến nơi đến chốn, đến hơi thở cuối cùng, đến tận cùng cuộc chiến một cách oai phong lẫm liệt. Như vậy đó, nhưng anh Nguyễn Hải Triều và có lẻ cả những người bạn của anh cũng vậy, vẫn cứ nhứt mực, rằng: “đàn anh tôi, đàn em tôi, tôi không so nổi, tôi không đáng gì. Sự chiến đấu oai dũng của họ đẹp như một thiên anh hùng ca, chỉ có trong phim, chỉ có trong sách vở, khó có thực tế ngoài đời, và ít có ai biết đến công cán họ ra sao!”.
Viết một bài để chỉ trích một người thì rất dễ, nhưng viết một bài mà “khen” một người thì khó vô cùng. Ở đây nước Mỹ, tôi thấy người ta Việt Nam mình đi quá xa sự khiếm nhả hết sức trơ trẽn mà bêu rếu nhau một cách thậm tệ và rất trẻ con. Họ đánh nhau loạn xà bần, không cần phải trái, đúng sai miễn sao thỏa mãn hậu ý của mình là được, có khi còn tiếp tay một cách hèn hạ cho bọn Việt cộng dã man. Chỉ trích có khó gì đâu? Phá hoại luôn luôn dễ hơn xây dựng là điều ai ai cũng biết mà. Còn viết một bài mà khen một người, nhất là người đó lại là một Chiến sĩ trong Quân lực Việt nam Cộng hòa dù khen chưa thấm thía vào đâu những điều phải khen cho người ta, dù những chứng tích rành rành như ban ngày, cũng dễ bị cho là láo khoét, tâng bốc, tuyên truyền…mà họ đã quên đi rằng, người đó chính là ân nhân ngay chính mạng sống của mình, của gia đình mình…Ðã là một chiến sĩ kiên cường chiến đấu cho lý tưởng Quốc gia, họ có cần gì khoe khoang láo khoét, đâu cần ai tâng bốc đề cao? Cuộc đời họ gắn liền sự hy sinh cao cả vì dân, vì nước bao la như biển trời thì có ai màng danh với lợi mà cần khen với thưởng? Chúng ta, những người có học, biết điều, có suy nghĩ thì ít nhất phải có tấm lòng biết ơn người ta, cảm kích người ta và khen người ta là đương nhiên, là phải đạo. Không ai cảm động hay sao những người lính năm xưa ngang tay súng chiến đấu cho ai, cho cái gì mà bây giờ là những người đui mù, cụt tay, mất chưn, lê lết xin ăn…?
Tôi không bao giờ không khóc được khi nghe bài hát “Chiều qua Phà Hậu giang” hát về câu chuyện một người lính Sĩ quan Ðà lạt năm xưa mà bây giờ là người ăn mày ngồi đàn “ăn xin” bên Bến phà Hậu giang: “Hò…ơi! Nào ai biết chăng? Những kẻ ngày xưa đã âm thầm, hiến dâng cả đời trai giữa sa trường. Giờ còn lại chi đây…”? Xin lỗi anh Nguyễn hải Triều, tôi viết bài nầy là tự ý, một phần viết về anh và một phần qua anh làm biểu tượng để nhắn nhủ với bà con người Việt mình rằng, chúng ta có nợ với những Người lính Việt Nam Cộng hòa, chúng ta còn nợ với những người anh em Thương phế binh ở bên nhà và chúng ta còn bổn phận phải xóa bỏ chế độ Cộng sản Việt nam “như những thiên kỳ quái nhất của lịch sử loài người”, là ung thối thanh sử nước Việt nam bốn ngàn năm văn hiến./.
NGUYỄN THỪA BÌNH
Kansas City, đêm tháng Hè 20/7/13
Không có nhận xét nào