Kim Văn Chính
01/9/2023
Nhà bè ở Châu Đốc do người Việt làm ăn ở Campuchia lâu năm phát triển thành văn hóa nhà bè. Ảnh: FB tác giả
Nhân có chuyện cũng không nhỏ chút nào: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng phản đối người của Tổ chức “Kampuchia Khmer Krom” vu cáo bịa đặt về tình hình người Khmer ở Việt Nam, tôi xin có mấy điều trao đổi.
1. Người Khmer ở Việt Nam là một cộng đồng dân tộc ít người lớn thứ hai (chỉ sau người Hoa), hiện có khoảng 1,3 triệu người với gần 400 nghìn hộ dân, sống tập trung ở Đồng bằng Tây Nam bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu. Các vùng khác (từ Đông Nam bộ trở ra), người Khmer rất ít, mặc dù mới khoảng ba thế kỷ trước, họ chiếm đa số như ở vùng Vũng Tàu, Bà Rịa, Sài Gòn, Đồng Nai.
– Người Khmer ở Tây Nam bộ (Việt Nam) có nền văn hóa riêng, đặc trưng cho dân tộc Khmer. Người Khmer ở Việt Nam có từ thời xa xưa… và họ chiếm tuyệt đại đa số dân cư trong suốt nhiều thế kỷ thời Thủy Chân Lạp cho đến khi người Hoa, người Việt (Kinh) tràn xuống định cư và dần dần cắm cả bờ cõi quốc gia như hiện nay (có sự tham gia rất quyết định của thực dân Pháp).
– Trước đây (trước thế kỷ 19), người Khmer là dân tộc chính ở Tây Nam bộ, họ là dân định cư lâu đời (bản địa) gần như là duy nhất còn lại trên đất Nam bộ ngày nay. Họ được gọi là Khmer Krom (Khmer sống ở vùng sông nước hung dữ sát bờ biển) để phân biệt với người Khmer ở phía trên đất cao hơn và ổn định hơn gọi là Thổ Chân Lạp.
Đến thời Nhà Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, khi đó Chân Lạp (Campuchia ngày nay) bị Đế quốc Xiêm (Thái Lan o ép), nhà vua Chetta II của Chân Lạp cầu viện sự giúp đỡ của Chúa Nguyễn (đàng trong). Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (từ 1613), nhân cơ hội này đã có những quyết định rất có ý nghĩa đối với quốc gia sau này:
1/ Giúp vua Chetta xây kinh đô Chân Lạp ở Oudong (gần Phnom Penh ngày nay) và chống đỡ quân Xiêm thành công;
2/ Gả con gái là công chúa Ngọc Vạn, lấy vua thành hoàng hậu được sủng ái ở Chân Lạp.
Dưới sự khôn khéo và giỏi giang của Ngọc Vạn, rất nhiều người Việt được bổ nhiệm chức vụ lớn trong triều đình Chân Lạp. Đồng thời, nhà vua Chân Lạp đồng ý “giao” nhiều khu đất, địa danh như Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu… cho người Việt quản lý hộ, dần dần trở thành đất Việt Nam (khi người Hoa và người Việt đến định cư ngày càng đông, áp đảo cả người Khmer bản địa). Bản đồ của Việt Nam cứ mở rộng dần…
– Người Khmer có những đặc điểm dân tộc rất khác với người Việt (kinh), một số đặc điểm dẫn đến đối chọi xung khắc. Nói chung Khmer là người hiền lành, chân thật, khỏe mạnh (thể lực), nhưng IQ thấp hơn (kém lanh lợi hơn Việt), hay mặc cảm tự ti. Do vậy, quá trình hàng mấy thế kỷ cọ sát giữa người Khmer bản địa với người Việt mới đến định cư, là quá trình người Việt xâm lấn dần đất của người Khmer. Kết quả là người Khmer chán ghét sống cạnh hoặc gần người Việt luôn khôn ngoan, láu cá, họ bỏ đất (bán đất) các vùng mà người Việt đến ở, rút dần về các vùng đất đẹp hơn cho canh tác (cao ráo hơn – thường gọi là GIỒNG), quây tụ thành phum sóc theo văn hóa Khmer.
Kết quả hiện nay là, rất nhiều người Khmer Krom đã rút về vùng bên kia biên giới (Takeo, Kampot, Sweirieng…), còn lại họ trụ ở các vùng đất cao, thuận lợi canh tác lúa ở Tây Nam bộ như hiện nay.
– Người Khmer xây dựng làng mạc (phum, sóc ) theo văn hóa của họ: nhà sàn, chùa chiền Khmer rất đặc trưng (Người Việt hầu như chưa xây được ngôi chùa nào đáng kể về văn hóa ở vùng này).
Chùa Khmer tại miền Tây. Ảnh: FB tác giả
– Vùng Tây Nam bộ còn có người Hoa (Minh Hương) rất nhiều và quan trọng. Họ là người đến định cư trước cả người Việt (Khi các đạo quân Minh Hương chán ghét nhà Thanh, bỏ quê di cư xuống phía Nam, được các Chúa Nguyễn chấp nhận cho phép cư trú và đề cao công lao khai phá đất hoang và thiết lập văn minh buôn bán, sản xuất của họ…).
Ban đầu, người Việt chỉ là giống người có vị trí thứ ba thôi (sau người Khmer bản địa và người Hoa bản lĩnh, và quyết tâm xây dựng quê mới). Nhưng dần dần, luồng di cư từ Bắc, Trung ngày càng đông, hệ thống quan lại do người Việt bổ nhiệm (trừ vùng Hà Tiên do dòng họ Mạc Cửu), đất Nam bộ ngày càng được “thuần hóa”, trở nên trù phú… cộng chính sách rất khôn ngoan của Chúa Nguyễn, sau là Nhà Nguyễn… đất Tây Nam Bộ trở thành đất Việt Nam do người Việt là dân tộc chính từ hồi nào không rõ…
Người Khmer trở thành dân tộc ít người (trừ một số vùng họ sống rất tập trung…). Người Hoa thì bị địa phương hóa rất mạnh (giống như các đợt di cư trước của người Trung Quốc xuống đất Việt), nhiều dòng họ, nhóm người Hoa sau vài thế hệ, biến thành người Việt, hoặc lai tạo, không còn nói tiếng Hoa được nữa…
2. Người Việt di cư sang Khmer (nay là Campuchia) rất nhiều, hàng vài triệu người. Sau những biến cố lúc được khuyến khích, trọng vọng, lúc lại bị phân biệt đối xử, đàn áp, diệt chủng… nay vẫn còn rất đông ở Campuchia. Thân phận nhiều nhóm cộng đồng gốc Việt hiện nay rất khổ, mà chưa có biện pháp, chính sách hiệu quả.
– Người Khmer Krom (tức người Việt Nam là dân tộc Khmer) cũng di cư mạnh sang Campuchia định cư. Họ sang Campuchia dễ kiếm sống hơn, cơ hội việc làm với các nghề tự do như cắt tóc, gội đầu, sửa xe, chạy xe khách, xe ôm, cơ khí sửa chữa… dễ hơn ở Nam bộ rất nhiều. Ngược lại, ta khó tìm ra người Khmer (Campuchia) nào di cư sang Việt Nam kiếm sống (trừ gần đây có nhiều phụ nữ Khmer sang lấy chồng người Việt ở miền Tây do gái miền Tây có xu hướng đi lấy chồng Hàn, Đài rất nhiều).
– Người Hoa thời chạy di tản ai mà vẫn giữ quốc tịch, văn hóa thì chạy di tản rất nhiều. Những người ở lại có xu hướng Việt hóa.
Ảnh chụp màn hình
3. Chính sách dân tộc của Việt nam (đối với người Khmer) là một chính sách lớn, rất quan trọng và được hoạch định, thực thi cẩn trọng. Nhưng đôi khi, thực tế cũng lộ ra những sai sót, gây nên những vấn đề, xung đột, kiểu như hiện nay, đến mức Bộ Ngoại giao phải lên tiếng thanh minh với Thế giới.
https://baotiengdan.com/2023/09/01
Không có nhận xét nào