Header Ads

  • Breaking News

    Lượm

    Uan Tieu / Viết từ Sài Gòn

    23/9/2021


    Đó là một bài thơ mà theo yêu cầu của nhà trường thì tôi phải học thuộc lòng, nhưng đây là lần đầu tiên, một lần duy nhất trong cuộc đời, một bài thơ thật hay mà tôi học hoài vẫn không thuộc cho dù lúc ấy việc thuộc lòng không khó đối với tôi, bởi tôi đã thông làu cả ngàn câu Kim Vân Kiều mà chưa hề có chút gì lấy làm khó nhọc cả.

     Đó là một bài thơ rất hay cả về nội dung lẫn âm điệu và nghệ thuật dùng từ. Tác giả phải là một bậc thầy về chữ nghĩa đến khó ai bì kịp mà theo đánh giá của tôi thì đó là một thiên tài. Bởi khi đọc mà biết cách ngắt nhịp, bài thơ sẽ sinh động như một khúc nhạc vui tươi rạo rực, hồn nhiên và thánh thiện biết dường nào; nó gợi lại hình ảnh của một cậu bé mà tất cả chúng ta, những ai đang được sống đều đã từng trải qua.

     Tác giả thật là tài tình khi sử dụng biện pháp tu từ như hoán dụ, so sánh hay đến nỗi nhiều năm rồi tôi chưa thấy ai có thể nối gót. Cái tài ấy còn khéo hơn khi các từ láy như “loắt choắt” “xinh xinh” “thoăn thoắt” “ nghênh nghênh” gói gọn trong một khổ để miêu tả về Lượm:

    “Chú bé loắt choắt,
    Cái xắc xinh xinh,
    Cái chân thoăn thoắt,
    Cái đầu nghênh nghênh” 

     Rồi thêm vào đó nào là các hình ảnh: “cười híp mí”, “má đỏ bồ quân”, “mồm huýt sáo vang”, làm cho tôi có cảm giác Lượm bước ra từ thế giới cổ tích thần tiên gì đó. Nhưng lại không đài các kiểu cách như một cậu bé có phép thuật nhiệm màu mà lại là một đứa trẻ rất gần gũi với tôi như bạn bè, như anh em thân thiện.

     Vậy mà không hiểu tại sao lúc đó tôi chưa biết gì về lịch sử và hơn thế nữa chiến tranh đối với tôi cũng hoàn toàn mù tịt. Nhưng cứ mỗi lần đọc đến đoạn:

    Cháu nằm trên lúa,
    Tay nắm chặt bông,
    Lúa thơm mùi sữa,
    Hồn bay giữa đồng” 

    Là lòng tôi như nghẹn lại, tôi không muốn đọc tiếp. Và chính đó là nguyên nhân làm cho tôi không bao giờ thuộc. Đến nỗi ba tôi phải can thiệp bằng cách dạy cho tôi điệu nhảy chân sáo, mô tả cho tôi điệu bộ cậu bé, dạy tôi gõ nhịp để học. Vậy mà tôi vẫn chưa chịu thuộc!

     Chính ba tôi cũng rất lấy làm lạ bởi trong ý nghĩ của ông thì cỡ bài này tôi đọc chừng ba lần sẽ vanh vách, còn tôi thì giấu kín cái ý nghĩ của mình. Để rồi trong một lúc suy tư ông đã nói như chạm vào sau gáy tôi:

    -          Đọc bài này mà ba muốn khóc, Lượm có biết cái gì đâu.

     Thật vậy, Lượm là một đứa trẻ hồn nhiên vô tư thì biết cái gì! Những đứa trẻ “không áo cơm cù bất cù bơ” phải sớm lao mình qua làn lửa đạn để kiếm miếng ăn qua ngày thì tính mạng rẻ như bèo mà nào có biết gì là hiểm nguy. Nhưng người chú ấy thì biết rất rõ:

    “Vụt qua mặt trận,
    Ðạn bay vèo vèo,
    Thư đề “Thượng khẩn”,
    Sợ chi hiểm nghèo!” 

     Người chú ấy đã ý thức được một cách tường tận cái hiểm nguy đang rình rập Lượm. Và thậm chí chú ấy đang ở khá xa nhưng vẫn hình dung ra rất chi tiết về cái chết của đứa cháu thân yêu như là chú đã thấy nhiều lần rồi:

    “Bỗng lòe chớp đỏ,
    Thôi rồi, Lượm ơi!
    Chú đồng chí nhỏ,
    Một dòng máu tươi!” 

     Tôi đã từng nghe nói trong chiến tranh thì mọi sự khốc liệt, tồi tệ đến tột cùng đều có thể xảy ra, nhưng dã man, tàn bạo nhất vẫn là đẩy phụ nữ và trẻ con chịu cảnh chết thảm vì súng đạn để làm mục đích tuyên truyền. Sau này tôi đọc sử sách thì được biết Adolf Hitler như một loại quỷ dữ cuồng bạo khát máu. Nhưng lạ thay, phụ nữ và trẻ con của Đức Quốc Xã có một cuộc sống khá tốt, họ được bảo vệ cấp dưỡng đàng hoàng mà không phải tham gia cuộc chiến hay làm những công việc nặng nhọc. Vậy hóa ra kẻ bị gọi là “con quỷ tâm thần ấy vẫn còn có nhân tính? 

     Tôi rất khâm phục tác giả bởi ông là người duy nhất vẽ lại bức tranh tang thương mà dân tộc ta phải oằn mình cam chịu, một nỗi bi thảm tưởng chừng như dưới chín tầng địa ngục mà không thấy dấu vết của tình người. Đó là một bản án tố cáo tội ác siêu việt nhất cho những kẻ đã gây ra thảm cảnh đó, những kẻ đã đạp lên cái chết tức tưởi của Lượm để tìm kiếm vinh quang.

     Để rồi cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn chưa chịu thuộc, bởi lẽ trong một góc khuất, một khoảng tối tăm tà ác vốn dĩ còn tồn tại nơi sâu kín trong tâm hồn của tôi vẫn chưa có một khe hẹp nào chấp nhận cái kết cuộc thảm khốc của cậu bé người Huế hớn hở, vui nhộn như bao đứa trẻ mà trong đó có tôi đã được sinh ra trên đất nước này… bị chính người mình chà đạp lên nét hồn nhiên, vô tư lự ấy. 

                                                Lượm ơi, còn không? 

     Câu trên của tác giả nhưng tôi không muốn để ngoặc kép bởi vì tôi nghĩ chính tôi đang gọi Lượm!

    Sài-gòn, ngày 23/09/2021.

    Đọc thêm:

    Lượm

    Ngày Huế đổ máu
    Chú Hà Nội về
    Tình cờ chú cháu
    Gặp nhau Hàng Bè.

    Chú bé loắt choắt
    Cái xắc xinh xinh
    Cái chân thoăn thoắt
    Cái đầu nghênh nghênh

    Ca-lô đội lệch
    Mồm huýt sáo vang
    Như con chim chích
    Nhảy trên đường vàng...

    - “Cháu đi liên lạc
    Vui lắm chú à
    Ở đồn Mang Cá
    Thích hơn ở nhà!”

    Cháu cười híp mí,
    Má đỏ bồ quân:
    - “Thôi, chào đồng chí!”
    Cháu đi xa dần...

    Cháu đi đường cháu
    Chú lên đường ra
    Đến nay tháng sáu
    Chợt nghe tin nhà.

             Ra thế
             Lượm ơi!

    Một hôm nào đó
    Như bao hôm nào
    Chú đồng chí nhỏ
    Bỏ thư vào bao

    Vụt qua mặt trận
    Đạn bay vèo vèo
    Thư đề “Thượng khẩn”
    Sợ chi hiểm nghèo?

    Đường quê vắng vẻ
    Lúa trổ đòng đòng
    Ca-lô chú bé
    Nhấp nhô trên đồng...

    Bỗng loè chớp đỏ
    Thôi rồi, Lượm ơi!
    Chú đồng chí nhỏ
    Một dòng máu tươi!

    Cháu nằm trên lúa
    Tay nắm chặt bông
    Lúa thơm mùi sữa
    Hồn bay giữa đồng...

    Lượm ơi, còn không?

    Chú bé loắt choắt
    Cái xắc xinh xinh
    Cái chân thoăn thoắt
    Cái đầu nghênh nghênh

    Ca-lô đội lệch
    Mồm huýt sáo vang
    Như con chim chích
    Nhảy trên đường vàng...


    1949

    Nguồn:
    1. Tố Hữu, Việt Bắc, NXB Văn học, 1962
    2. Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003


    Năm sáng tác:1954

    Tác giả:Tố Hữu

    Hoàn cảnh sáng tác:

    Hiệp định Genève được ký kết (tháng 7 năm 1954), hòa bình trở lại. Tháng 10 năm 1954, Hồ Chí Minh, các cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, nhân sự kiện có tính chất lịch sử này, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc.

    Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 – 9 tháng 12 năm 2002) quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

    Nguồn gốc bút danh Tố Hữu

    Theo lời Tố Hữu tự giải thích về bút danh của mình thì năm 1938, ông sang Lào thăm một người anh. Ở đây ông gặp một cụ đồ người Quảng Bình. Cụ đồ đã đặt cho ông bút danh "Tố Hữu" (chữ Hán: 素有), lấy từ câu nói của Đỗ Thị[1] "Ngô nhi tố hữu đại chí" (吾兒素有大志). Tố Hữu (素有) có nghĩa là "sẵn có, ý chỉ khí phách tiềm ẩn trong người". Tố Hữu nhận tên gọi này nhưng hiểu theo nghĩa là "người bạn trong trắng", viết bằng chữ Hán là "素友", khác với tên do cụ đồ đặt ở chữ "hữu".


    Không có nhận xét nào