28/09/2023
" “Ngôn ngữ là một thế mạnh nữa của vũ khí Nga. Toàn bộ hệ thống điện tử trên các máy bay chiến đấu của Việt Nam hiện nay là dùng bảng chữ cái Cyrillic – có nghĩa là các phi công Việt Nam, các nhân viên mặt đất và kỹ sư sửa chữa đều phải biết tiếng Nga,” ông nói thêm.
Vị giáo sư này nhận định trong thời gian trước mắt thì có vẻ như Nga không phải là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy cho Việt Nam vì Moscow đang ngốn rất nhiều vũ khí và đạn dược trong kho cho cuộc chiến của họ ở Ukraine.
“Mỹ sẽ bắt đầu bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng trước mắt chỉ bán để Việt Nam sử dụng cho lực lượng cảnh sát biển,” ông cho biết."
Tàu ngầm lớp Kilo của Nga mà hiện Việt Nam sở hữu 6 chiếc
Việt Nam đang giảm dần sự lệ thuộc vào vũ khí của Nga và đa dạng hóa nguồn cung từ Mỹ và các nước đồng minh để tăng cường khả năng răn đe trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu từ trong nước nói với VOA.
Nga trước giờ vẫn là nhà cung cấp tuyệt đại đa số vũ khí cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga bị sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine, bị phương Tây cấm vận và Mỹ vừa trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, có nhiều hy vọng Hà Nội sẽ mua được vũ khí từ Mỹ.
Hãng tin Reuters mới đây đưa tin chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước, trong đó có thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 cho Việt Nam.
Hôm 19/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói với VOA bên lề chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Washington D.C. rằng trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước, Mỹ sẽ đảm bảo lực lượng cảnh sát biển Việt Nam ‘có đầy đủ phương tiện để bảo vệ lợi ích của họ trên biển, cho dù đó là lợi ích tài nguyên thiên nhiên hay lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế’.
Ông nhắc lại hội chợ quốc phòng Hà Nội hồi cuối năm ngoài đã có một số công ty Mỹ tham dự và rằng ông mong các nhà thầu quốc phòng Mỹ có cơ hội làm việc với chính quyền Việt Nam trong tương lai để giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung và hiện đại hóa quân đội.
Về vấn đề này, Tiến sỹ Zachary Abuza, chuyên dạy về chính trị Việt Nam tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington D.C. nhận định với VOA rằng Hà Nội sẽ tiếp tục ‘đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và sẽ mua vũ khí từ Israel, Cộng hòa Séc và Ấn Độ’ nhưng ‘sẽ không ngưng mua những hệ thống vũ khí chính từ Nga, nhất là tàu chiến và chiến đấu cơ’.
“Hà Nội thoải mái với giá cả, độ tin cậy và sự quen thuộc của vũ khí Nga. Moscow cũng cho phép Hà Nội sản xuất vũ khí của họ, vốn rất quan trọng với Hà Nội vì họ muốn tăng cường năng lược sản xuất vũ khí của bản thân,” ông Abuza nói.
“Ngôn ngữ là một thế mạnh nữa của vũ khí Nga. Toàn bộ hệ thống điện tử trên các máy bay chiến đấu của Việt Nam hiện nay là dùng bảng chữ cái Cyrillic – có nghĩa là các phi công Việt Nam, các nhân viên mặt đất và kỹ sư sửa chữa đều phải biết tiếng Nga,” ông nói thêm.
Vị giáo sư này nhận định trong thời gian trước mắt thì có vẻ như Nga không phải là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy cho Việt Nam vì Moscow đang ngốn rất nhiều vũ khí và đạn dược trong kho cho cuộc chiến của họ ở Ukraine.
“Mỹ sẽ bắt đầu bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng trước mắt chỉ bán để Việt Nam sử dụng cho lực lượng cảnh sát biển,” ông cho biết.
‘Khách hàng truyền thống’
Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia ở Viện nghiên cứu đông nam Á Yusof-Ishak ở Singapore, cho biết Hà Nội từng phụ thuộc vào vũ khí Liên Xô và Nga đến 95%, nhưng từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, mức độ lệ thuộc này ‘đã giảm xuống còn 69%’.
“Việc Việt Nam chi tiền mua vũ khí của Nga từ năm 2014 đến nay đã giảm rất nhanh. Trên thực tế Việt Nam không mua nhiều nữa,” ông nói và chỉ ra Nga bàn giao hợp đồng cuối cùng là lô hàng máy bay chiến đấu Su 30 hồi năm 2015.
Kể từ đó Việt Nam chỉ mua từ Nga phụ tùng thay thế cho các hệ thống vũ khí hiện có, ông cho biết.
Khi được hỏi về mức độ hiệu quả của vũ khí Nga trên chiến trường khi mà cuộc chiến Ukraine làm nó bộc lộ nhiều nhược điểm, vị chuyên gia theo dõi về vũ khí này cho biết ‘vũ khí nước nào cũng có nhược điểm, chỉ là nhược điểm của Nga bị truyền thông thổi phồng lên’.
Theo giải thích của ông sở dĩ Việt Nam tìm đến Nga để mua vũ khí là vì ‘hai bên là đối tác truyền thống của nhau, có lúc còn là đồng minh’.
“Việc mua vũ khí Nga là chuyện tự nhiên không phải chỉ vì nó rẻ đâu mà vì có những thời điểm trước đây vũ khí Nga thực sự tốt,” ông Hợp nói.
Một lý do nữa là Nga là nước cho đến nay mà Việt Nam chấp thuận nhận tín dụng quốc phòng mặc dù một số nước khác cũng có chào mời. Vì nhận tín dụng quốc phòng của Nga nên Hà Nội sẽ thuận tiện mua vũ khí của họ với lãi suất thấp và được trả chậm, cũng theo lời chuyên gia này.
Ông cho rằng vũ khí của Nga ‘trước giờ vẫn tốt cho Việt Nam’ nhưng ‘giờ chất lượng đã trở nên tương đối khi các nước khác làm ra vũ khí tốt hơn, đặc biệt là nếu so với vũ khí của Mỹ, Anh, Pháp’.
Về việc vũ khí Nga có đáp ứng nhu cầu của Hà Nội hay không, Tiến sỹ Hợp dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) ở Stockholm, Thụy Điển, đánh giá rằng ‘vừa đủ’ hay ‘tương đối đủ’ để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông.
Tuy nhiên, ông lưu ý, ngoài vũ khí ra, để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Hà Nội còn phải vận dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý…
Chuyển đổi có dễ?
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nhận định để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, Hà Nội có thể tìm đến Mỹ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài Mỹ, Hà Nội có thể đặt vấn đề mua vũ khí của Pháp, Anh, Đức hay Thuỵ Điển, ông cho biết.
Theo lời ông thì quá trình chuyển đổi từ vũ khí Nga sang vũ khí phương Tây của Việt Nam ‘sẽ không quá phức tạp’ và ‘sẽ diễn ra nhanh trong vòng một năm’.
Ông dẫn ra việc Hà Nội trước đây mua hệ thống radar của Nga và khi nhập về thì ‘số hóa hết’ mà nó ‘hoạt động vẫn tốt’.
“Vũ khí phương Tây chuẩn hóa theo tiêu chuẩn NATO nên căn bản giống nhau, chỉ có chuẩn Nga là do người Nga tự đặt ra,” ông giải thích.
Bên cạnh đó, với ngân sách quốc phòng Việt Nam hiện nay ở mức 2,5% GDP, tức vào khoảng 8 tỷ đô la Mỹ thì việc bỏ ra khoảng 1-2 để mua vũ khí của phương Tây ‘không phải là vấn đề lớn’, cũng theo lời ông Hợp.
Khi được hỏi Hà Nội cần các loại vũ khí gì của phương Tây trên Biển Đông, ông Hợp chỉ ra các loại vũ khí phù hợp với chiến lược quốc phòng của Việt Nam là ‘chống thâm nhập và chặn tiếp cận’ ở bờ biển, hải đảo và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo lời ông thì Việt Nam hiện không cần thêm tàu ngầm vì 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga ‘vẫn còn rất tốt’ và ‘tốt hơn tàu ngầm Kilo của cả Ấn Độ và Trung Quốc’. Ngoài ra, về tàu chiến thì Việt Nam hiện có 9 tàu hộ vệ tên lửa, ông Hợp dẫn số liệu của SIPRI cho biết, trong đó có tàu chiến có thể bắn được tên lửa đạn đạo.
Cái mà Việt Nam hiện đang thiếu là ‘máy bay đa năng hạng nhẹ’ mà Hà Nội đang hy vọng sẽ mua được từ Mỹ để thay cho các máy bay Mig 21 của Nga đã quá cũ kỹ, ông cho biết.
Ngoài ra, ông cũng điểm ra các vũ khí mà Việt Nam cần vào lúc này như hệ thống phòng không tốt, máy bay săn ngầm, hệ thống cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, hệ thống tên lửa tầm đủ xa, hệ thống tàu chiến..
“Nếu có đủ những thứ này thì khả năng răn đe của Việt Nam sẽ khác hẳn bây giờ.”
Tuy nhiên, ông cho rằng quan trọng hơn hết là áp dụng trí tuệ nhân tạo để kết nối các vũ khí mà Việt Nam đang có với hệ thống thông minh.
“Năng lực quân sự thông minh quyết định khả năng răn đe của nền quân sự một quốc gia.”
Giải thích về tiến triển chậm chạp của việc hợp tác vũ khí Mỹ-Việt kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam hồi năm 2016, ông Hợp nói là do chiến lược hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian qua ‘tập trung vào tác chiến trên không gian mạng’.
“Hy vọng trong 1-2 năm tới nó sẽ tiến nhanh hay rất nhanh.”
Ông cũng cho rằng Washington thông cảm cho việc Hà Nội tiếp tục mua vũ khí của Nga bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ vì ‘Mỹ hiểu hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay rất cần bất cứ thứ gì để phòng thủ’.
Không có nhận xét nào