Header Ads

  • Breaking News

    Kinh tế Việt Nam sẽ 'bùng nổ' thế nào sau nâng cấp quan hệ với Mỹ?

    BBC News

    12/9/2023

    " Michael Every, nhà phân tích chiến lược từ Rabobank nói rằng mức lương thấp và dân số trẻ đã mang lại cho Việt Nam một lực lượng lao động và một địa bàn tiêu thụ vững chắc, việc này thúc đẩy đầu tư vào đất nước 97 triệu dân này."

    Vietnam - US

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đặt chân tới Hà Nội, lãnh đạo các công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ và hàng không đã gặp gỡ và ký kết các thỏa thuận mới, hứa hẹn những chuyển biến mới trong kinh tế hai nước.

    Theo Reuters, các giám đốc điều hành cấp cao của Google (GOOGL.O), Intel (INTC.O), Amkor (AMKR.O), Marvell (MRVL.O), GlobalFoundries (GFS.O) và Boeing (BA.N) đã tham dự Thượng đỉnh Đổi mới & Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.

    Từ Việt Nam, giám đốc điều hành của hàng loạt công ty, bao gồm nhà sản xuất ô tô điện niêm yết trên Nasdaq, VinFast, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (HVN.HM), công ty công nghệ FPT (FPT.HM), MoMo, ví điện tử lớn nhất đất nước về số lượng người dùng, và công ty internet VNG, đã nộp đơn xin IPO tại Hoa Kỳ vào tháng Tám.

    Ông Biden nhắc lại tại cuộc gặp rằng hai nước đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam rất quan trọng đối với nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng.

    Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch của Microsoft (MSFT.O) nhằm tạo ra một "giải pháp dựa trên AI mang tính sáng tạo phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi".

    Nvidia (NVDA.O) cũng sẽ hợp tác với FPT, Viettel và Tập đoàn VinGroup (VIC.HM), công ty mẹ của VinFast, về AI tại Việt Nam.

    Nhà Trắng cũng nhấn mạnh số lượng đầu tư trong ngành sản xuất chip của các công ty Mỹ tại Việt Nam, bao gồm cả kế hoạch của Marvell và Synopsys (SNPS.O) để xây dựng các trung tâm thiết kế chip tại nước này.

    Một nhà máy mới của Amkor trị giá 1,6 tỷ USD gần Hà Nội chuyên lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10.

    Giá trị đầu tư ngang bằng với nhà máy lắp ráp chip trị giá 1,5 tỷ USD của Intel ở miền Nam Việt Nam - nhà máy lớn nhất thế giới của công ty này. Nguồn tin của Reuters cho biết đầu năm nay rằng nó có thể được mở rộng.

    Nhà Trắng cũng cho biết, tập đoàn Honeywell (HON.O) của Hoa Kỳ sẽ hợp tác với một đối tác Việt Nam để triển khai dự án thí điểm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng pin đầu tiên của Việt Nam.

    Mỹ 'có một giải pháp thay thế Trung Quốc'

    CNN chỉ ra rằng một Việt Nam đang bùng nổ mang đến cho Mỹ một giải pháp để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Các công ty từ Apple tới Intel đã tiến sâu hơn vào Việt Nam để đa dạng chuỗi cung ứng, sử dụng tối đa công suất của nhiều nhà máy ở Việt Nam và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thách thức suy thoái kinh tế toàn cầu.

    Hôm thứ Hai, Nhà Trắng đã thông báo một 'thỏa thuận mang tính bước ngoặt' giữa Boeing và Vietnam Airline trị giá hơn 7,9 tỷ USD. Thỏa thuận này kỳ vọng sẽ mang lại hơn 30.000 việc làm tại Mỹ. Boeing nói rằng Vietnam Airline sẽ mua 50 trong số 737 chiếc máy bay phản lực của hãng.

    Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden, diễn ra sau khi ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Việt Nam kể từ chuyến thăm của ông Donald Trump năm 2019. 

    Mỹ sẽ giúp 'thúc đẩy sự tăng trưởng của một nền kinh tế tập trung vào công nghệ cao của Việt Nam', cũng như bàn về cách tăng cường sự ổn định trong khu vực, theo Nhà Trắng.

    Mỹ đã nhập khẩu gần 127,5 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2022, so với 101,9 tỷ USD năm 2021 và 79,6 tỷ vào năm 2020, theo số liệu của chính phủ Mỹ. 

    Năm ngoái, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ, tăng hai bậc so với vị trí thứ 10 hai năm trước đó.

    Chuyển đổi chuỗi cung ứng 

    Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô bắt đầu chuyển sản xuất sang các thị trường mới nổi như Việt Nam và Ấn Độ vì thuế quan, theo CNN.

    Sau khi đại dịch bùng phát, các tập đoàn ngày càng buộc phải xem xét các chiến lược được gọi là "Trung Quốc cộng một", có nghĩa là dàn trải các trung tâm sản xuất như một cách để giảm sự phụ thuộc vào một cơ sở sản xuất duy nhất.

    Cuộc di cư mới nhất có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt: Trong một báo cáo năm 2022, Rabobank ước tính có tới 28 triệu việc làm ở Trung Quốc phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu sang phương Tây và có thể rời khỏi nước này.

    Khoảng 300.000 trong số các việc làm này, tập trung vào sản xuất công nghệ thấp, được dự đoán sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo các nhà phân tích. 

    Michael Every, nhà phân tích chiến lược từ Rabobank nói rằng mức lương thấp và dân số trẻ đã mang lại cho Việt Nam một lực lượng lao động và một địa bàn tiêu thụ vững chắc, việc này thúc đẩy đầu tư vào đất nước 97 triệu dân này.

    Công nghệ chủ chốt

    Ngay sau khi Tổng thống Biden đáp xuống Việt Nam hôm Chủ Nhật, Nhà Trắng thông báo mối quan hệ đối tác bán dẫn mới, theo CNN.

    Ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành một nguồn gây căng thẳng chính trong mối quan hệ Mỹ-Trung. 

    Cả Bắc Kinh và Washington đều chạy đua để thúc đẩy sức mạnh của mình trong lĩnh vực này, và cả hai bên gần đây đều ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế năng lực của bên kia.

    Mỹ cần một đối tác đáng tin để cung cấp chip, và Việt Nam có thể làm điều đó, theo ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

    Tăng trưởng nhanh chóng

    Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm xuống 5,8% từ 8% năm ngoái khi nước này đang đối mặt với ít đơn hàng xuất khẩu hơn, theo CNN.

    Nhưng tăng trưởng như thế vẫn nhanh hơn đáng kể so với tăng trưởng toàn cầu dự đoán chỉ 3%, và nhanh hơn đáng kể so với các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro, theo CNN.

    Điều này hấp dẫn các doanh nghiệp đang tìm kiếm các điểm sáng trong một môi trường ảm đạm. 

    Sự quan tâm như vậy đã được ghi nhận vào tháng Ba, khi Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN dẫn đầu phái đoàn kinh doanh lớn nhất từ trước đến nay tới Việt Nam. Phái đoàn bao gồm 52 công ty Mỹ, trong đó có các tập đoàn lớn như Netflix (NFLX) và Boeing (BA).

    Tất nhiên, các công ty vẫn còn e ngại về các yếu tố như các quy định về công nghệ của Việt Nam trong đó có quy tắc yêu cầu nội địa hóa dữ liệu.

    Các doanh nghiệp cũng lo ngại cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém của Việt Nam so với một cường quốc thương mại lâu đời như Trung Quốc.

    Các nhà phân tích nhận định rằng, về mặt chính trị, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, chẳng hạn cả hai đều là nhà nước độc đảng và không khoan dung những tiếng nói bất đồng.

    Nhưng nhìn chung thì các doanh nghiệp đơn giản chỉ muốn có được con đường dễ dàng để làm ăn.

    Việt Nam, trong trường hợp này, là một lựa chọn rõ ràng, theo CNN.

    https://www.bbc.com/vietnamese


    Không có nhận xét nào