Hòa Hưng/VNTB
07/9/2023
Chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù vào số rừng cây sẽ bị triệt hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Hàm Thuận Nam.
Dư luận tiếp tục quan tâm việc Bình Thuận sẽ làm hồ chứa nước Ka Pét nằm trong hơn 600 ha đất rừng, trong đó có 160 ha rừng đặc dụng.
Dự án gồm hồ chứa nước với dung tích khoảng 51 triệu m3, đập chính, kênh chuyển nước và cụm điều tiết. Trong đó, hồ chứa nước với diện tích khoảng 10km2 và đập ngăn sông cao khoảng 28m.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, khó khăn nhất của dự án là khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ với diện tích khoảng 718 ha, trong đó hơn 160 ha là rừng đặc dụng.
Việc trồng rừng để bù vào số sẽ bị triệt hạ, theo chính quyền tỉnh này, chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù. Vị trí trồng bù lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (huyện Hàm Thuận Nam). Ưu tiên trồng các cây bản địa để tránh xáo trộn hệ sinh thái.
Quy định tổng diện tích rừng trồng phải gấp 3 lần diện tích rừng của dự án, nên phạm vi trồng thay thế có thể mở rộng vùng đất hoang hóa, đất sản xuất lâm nghiệp để bù lại đạt hiệu quả cao. Và đây chính là khoảng trống pháp lý trong tương lai cho chuyện “trồng bù”, vì đất hoang hóa đang dần bị thu hẹp bởi tốc độ khai phá của cư dân nhập cư. Hơn nữa, đã gọi là “đất hoang hóa” thì nước đâu để chăm sóc từ cây con lớn lên thành rừng?
“Đời cha phá rồi trồng bù, đời con thấy cây lâu lớn quá phá nốt, và tới đời cháu nó không biết nơi nó đang đứng đã từng là một cánh rừng xanh tươi tốt mà cha ông nó đã phá. Tròm trèm cũng trăm năm đấy chứ nhỉ!” – một ý kiến được rút ra từ chuyện liên tưởng đến hàng cây cổ thụ hàng trăm năm trên đường Cường Để/ Tôn Đức Thắng của Sài Gòn/ thành phố Hồ Chí Minh.
Một tranh biện khác dáng dấp học thuật: Không nên so sánh rừng trồng thay thế với rừng tự nhiên đã có hàng trăm năm nay. Thực tế phải xem lại kết quả tính toán thuỷ văn dòng chảy sông Cà Ty, sông Kapet và sông Móng. Làm hồ Kapet không thể cấp đủ nước cho Bình Thuận và thành phố Phan Thiết. Sao không học người Pháp làm các đập dâng trên sông Cà Ty, rút ngắn công trình dẫn nước về Phan Thiết, không mất rừng đầu nguồn là nơi giữ nước và sinh thuỷ…
Liên quan đến chuyện “đất trồng rừng” và “đất nông nghiệp” ở đây, có lưu ý là nên quan tâm đến quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).
Ngày 29-6-2023 Nghị viện châu Âu thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Quy Định này có hiệu lực thực thi từ 12-2024. Phạm vi hàng hóa sản xuất chịu áp dụng trong Quy định này gồm: gia súc, ca-cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, chẳng hạn như da, sô-cô-la, lốp xe, hoặc đồ nội thất.
Theo Quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này có khả năng phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Nghị viện châu Âu nhấn mạnh, Quy định nhằm giải quyết nạn phá rừng; suy thoái rừng và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Như vậy coi như sắp tới đây “đất rừng” – “đất nông” ở Tây Nguyên sẽ là lằn ranh của việc “tranh chấp sản xuất”. Mặt khác, không rõ nếu thời gian tới người ta triệt hạ rừng nguyên sinh để làm hồ chứa nước Ka Pét, thì số gỗ cổ thụ này có “dấu búa kiểm lâm” ra sao, vì thực chất đó là gỗ của “phá rừng có giấy phép”…
Theo luật EUDR, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm: gia súc chăn thả, ca-cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa/ được nuôi bằng/ đã được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô được liệt kê này – như thức ăn cho gia cầm gia súc, da, sô-cô-la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ.
Xem ra có thể thấy gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật chống phá rừng. Trong khi theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2012 – 2017, đã có tới 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế.
Do đó nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp, chắc chắn sớm nhất là trong năm tới sẽ bắt đầu có một số sản phẩm của Việt Nam có thể khó xuất sang châu Âu.
Không có nhận xét nào