Header Ads

  • Breaking News

    John Mueller * - Tại sao Mỹ không nên áp dụng chính sách ngăn chặn với Trung Quốc?

    The Case Against Containment

    The Strategy Didn’t Win the Cold War—and It Won’t Defeat China

    Nguồn: John Mueller, “The Case Against Containment, Foreign Affairs, 21/09/2023

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    26/9/2023

    " Hơn nữa, nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm được đối xử như một cường quốc đã không có hiệu quả. Thay vì tạo ra sự ngưỡng mộ hay phục tùng từ các quốc gia từng ủng hộ họ, sự bất bình và cảnh giác với Trung Quốc đã tăng vọt không chỉ ở phương Tây mà còn ở Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, đẩy các nước láng giềng quan trọng này nghiêng về phía Mỹ. Ngoài ra, Sáng kiến Vành đai và Con đường được quảng cáo rầm rộ đang bị nhấn chìm trong những khoản nợ chưa trả, với các khoản cho vay bị cắt từ 75 tỷ USD năm 2016 xuống còn 4 tỷ USD vào năm 2019."

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/09/82.-The-Case-Against-Containment.jpg

    Chiến lược này đã không giúp giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và cũng sẽ không thể đánh bại Trung Quốc.

    Trong cuộc tranh luận về cách nước Mỹ nên ứng phó với một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán, nhiều nhà bình luận đã ủng hộ một giải pháp có sẵn: chính sách ngăn chặn. Bằng cách áp dụng chính sách Chiến tranh Lạnh này, Washington đã đẩy lùi những tiến bộ chính trị và quân sự của Liên Xô (và Trung Quốc) ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện, nhờ đó ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản quốc tế lan rộng. Theo lối nghĩ này, chính sách ngăn chặn đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, cho phép người Mỹ kiểm soát sức mạnh của Liên Xô mà không cần tham gia vào một cuộc chiến trực tiếp với nước này.

    Nhờ thành tích đó, nhiều người đã lập luận rằng Mỹ nên “phủi bụi” chiến lược ngăn chặn và áp dụng nó cho siêu cường đối thủ thời nay. Chẳng hạn, nhà sử học Hal Brands cho rằng chiến lược “tinh tế” và “ưu việt” này sẽ có hiệu quả trước Bắc Kinh. Ông viết “Để thành công trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ phải học lại những bài học về ngăn chặn.” Trên tờ Foreign Affairs, nhà khoa học chính trị Michael Mandelbaum cũng coi chính sách ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh là một “thành công” và kêu gọi áp dụng nó “một lần nữa, ngay bây giờ, đối với Nga, Trung Quốc và Iran”, nhưng với phiên bản “đã được sửa đổi và cập nhật.”

    Những lời kêu gọi này chắc chắn là quá tự tin và nhiều khả năng là sai lầm. Chính sách ngăn chặn không thực sự thành công trong Chiến tranh Lạnh, và nó cũng khó có tác dụng đối với Trung Quốc ngày nay. Trên thực tế, hơn bất cứ điều gì khác, chính những sai sót và điểm yếu của Liên Xô đã dẫn đến sự sụp đổ của nước này. Vấn đề chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh là nước này đã cố gắng làm quá nhiều chứ không phải quá ít. Và giống như Liên Xô trước đây, Trung Quốc ngày nay là kẻ thù lớn nhất của chính họ. Tương tự như trong Chiến tranh Lạnh, mấu chốt bây giờ không phải là tìm cách cân bằng với một siêu cường đang lên, mà là để đất nước đang gặp khó khăn và có lẽ đang suy thoái này tự mắc sai lầm.

    MỘT CHIẾN LƯỢC ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ QUÁ CAO

    Cốt lõi của chính sách ngăn chặn vẫn là bài viết “Nguồn gốc Hành vi của Liên Xô” (The Sources of Soviet Conduct), được xuất bản trên Foreign Affairs vào năm 1947 của tác giả X, bút danh của George Kennan, người khi đó đang là trưởng ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ. Dù lo ngại về sức mạnh quân sự của Liên Xô, ông lập luận rằng điều khiến sức mạnh đó trở thành mối đe dọa là việc nó đi đôi với một ý thức hệ bành trướng. Tuy nhiên, ông kết luận rằng có khả năng “cao” là quyền lực của Liên Xô “mang trong mình những mầm mống cho sự suy tàn của chính nó, và những hạt giống này đang nảy mầm rất nhanh.”

    Những hạt giống này bao gồm sự kiệt sức và vỡ mộng của người dân Liên Xô, sự phát triển kinh tế “không đồng đều,” việc khó duy trì quyền kiểm soát các dân tộc ở Đông Âu, và những bất ổn nảy sinh trong quá trình chuyển giao quyền lực sau cái chết của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin (điều mà Kennan dự đoán có thể “làm rung chuyển nền tảng quyền lực của Liên Xô”). Theo đó, Kennan lập luận rằng “yếu tố chính” trong chính sách của Mỹ “phải là sự ngăn chặn lâu dài, kiên nhẫn, nhưng kiên quyết và thận trọng đối với các xu hướng bành trướng của Liên Xô.” Ông hy vọng, về lâu dài, Liên Xô sẽ thất vọng với nỗ lực bành trướng, và dần trở nên ít thù địch hơn và dễ chịu hơn.

    Việc này sẽ mất bao lâu? Tất nhiên là không thể đoán trước được, nhưng trong bài viết của mình, Kennan cho rằng quá trình này có thể mất từ 10 đến 15 năm, ngầm ám chỉ rằng mọi thứ sẽ thay đổi với sự chuyển giao quyền lực ở Điện Kremlin: ở thời điểm đó, Stalin đã gần 70 tuổi. Tuy nhiên, chế độ Xô viết vẫn xoay sở để sống sót sau cái chết của Stalin (diễn ra vào năm 1953), và suốt hàng chục năm, họ vẫn có thể duy trì quyền kiểm soát ở cả trong nước và các nước Trung Âu.

    Nhưng vấn đề lớn hơn là giả định rằng việc chống lại quyền lực của Liên Xô ở mọi nơi sẽ khả thi và hiệu quả. Trong những thập niên sau bài viết X, chính sách ngăn chặn, ngoài việc gây ra những thất bại như cuộc xâm lược Vịnh Con lợn và Chiến tranh Việt Nam, dường như đã giúp ngăn cản một số quốc gia chuyển sang chế độ cộng sản. Nó có thể đã tạo ra sự khác biệt ở một vài nơi – ví dụ như khi CIA hỗ trợ các cuộc đảo chính lật đổ các chính phủ cánh tả ở Iran năm 1953 và Guatemala năm 1954. Nhưng rất khó để xác định liệu những thành công kiểu này có thực sự ngăn cản một quốc gia thiên tả trở thành cộng sản hay không. Thật vậy, việc bí mật lật đổ chế độ đã ghi nhận những kết quả tệ hại. Như nhà khoa học chính trị Lindsey O’Rourke đã chỉ ra, hầu hết các nỗ lực lật đổ đều thất bại, chỉ có một số ít thành công như kế hoạch, và phần lớn các thành công đó cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

    Ví dụ rõ ràng nhất về thành công của chính sách ngăn chặn là khi Mỹ và các đồng minh đẩy lùi cuộc xâm lược Hàn Quốc của Triều Tiên vào năm 1950, trong một cuộc chiến ngày càng trở nên tốn kém và cuối cùng kết thúc trong bế tắc. Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người xem cuộc xâm lược của phe cộng sản là một phần trong kế hoạch lớn của Liên Xô nhằm thống trị thế giới, chứ không phải là một nước đi cơ hội như bản chất thực sự của nó. Với thành công của phương Tây trên Bán đảo Triều Tiên, chính sách ngăn chặn nhanh chóng được quân sự hoá, một diễn biến khiến cho Kennan phải thất vọng. Trọng tâm của cách tiếp cận này là răn đe quân sự, buộc người Mỹ phải chi những khoản tiền khổng lồ cho vũ khí, tập trung vào châu Âu. Nhưng như Kennan đã kết luận, không cần phải răn đe Liên Xô: đúng là họ tìm cách hỗ trợ và truyền cảm hứng cho các phong trào cách mạng trên khắp thế giới, nhưng họ chưa bao giờ quan tâm đến việc tái diễn Thế chiến II. Sau khi lùng sục khắp các kho lưu trữ của Liên Xô, nhà sử học Vojtcch Mastny nhận xét rằng tất cả các kế hoạch của Moskva đều mang tính phòng thủ và rằng việc tăng cường quân sự ở phương Tây “là không cần thiết để ngăn chặn một cuộc chiến lớn mà kẻ thù vốn không muốn phát động ngay từ đầu.”

    Điều đáng chú ý là chính sách ngăn chặn đóng vai trò rất nhỏ trong ba thất bại lớn nhất của chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Về cơ bản, chúng đều là những thất bại tự thân. Năm 1948, Stalin đã cố gắng nhưng thất bại trong việc giành quyền kiểm soát Nam Tư, vốn do một Đảng Cộng sản trung thành nhưng độc lập lãnh đạo, dẫn đến sự rạn nứt trong nội bộ phe cộng sản. Năm 1965, quân đội Indonesia đã đàn áp dữ dội phe cộng sản có liên hệ với Trung Quốc, những người đang cố gắng giành quyền kiểm soát đất nước, theo đó ngăn cản Indonesia đứng về phía Liên Xô. Diễn biến này đã làm suy yếu lý do chính biện minh cho việc Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, vì Indonesia được coi là quân cờ domino hàng đầu. Sang những năm 1960, phong trào cộng sản đã bị chia rẽ bởi một cuộc đối đầu ý thức hệ tự phát và tự hủy giữa Trung Quốc và Liên Xô. Không có thất bại nào trong số này có bàn tay của người Mỹ.

    TỰ HỦY

    Khi Chiến tranh Lạnh gần kết thúc, chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô đã dịu đi. Nhưng sự thay đổi quan điểm đó không đến từ thành công của chính sách ngăn chặn, mà từ thất bại của nó. Nếu hệ thống Xô viết thực sự mục ruỗng như Kennan đã nói, thì theo logic, đáng lẽ không nên ngăn chặn, mà còn phải để họ mở rộng và theo đó sẽ tự hủy nhanh hơn. Trong chừng mực nào đó, điều này thực sự đã xảy ra. Năm 1975, Campuchia, miền Nam Việt Nam, và Lào đột ngột rơi vào tay cộng sản. Sau đó, một phần vì sợ lặp lại trải nghiệm ở Việt Nam, Mỹ đã quay trở lại với ngăn chặn, trong khi Liên Xô, với một quyết định thiếu sót bất ngờ, đã chào đón một nhóm các nước thuộc Thế giới Thứ Ba: Angola tham gia phe cộng sản vào 1976, Mozambique và Ethiopia năm 1977, Nam Yemen và Afghanistan năm 1978, Grenada và Nicaragua năm 1979.

    Lúc đầu, người Liên Xô vui mừng đón nhận những quốc gia này – “tương quan giữa các lực lượng” như cách gọi của họ, cuối cùng đã nghiêng về phía họ. Nhưng gần như tất cả các quốc gia này đều nhanh chóng trở thành các rắc rối về kinh tế và chính trị. Với nội bộ bất đồng, quản lý tài chính kém, và thậm chí nội chiến, họ quay sang Moskva để nhờ giúp đỡ. Thảm họa lớn nhất đối với Liên Xô là trải nghiệm ở Afghanistan. Tháng 12/1979, Liên Xô gửi một đội quân lớn đến Afghanistan để thiết lập trật tự và dập tắt một cuộc nổi dậy chống cộng, để rồi nhanh chóng nhận ra họ đã sa lầy trong một cuộc chiến kéo dài.

    Với hàng loạt những nước phụ thuộc mới, Liên Xô sớm nhận ra rằng thà họ bị kiềm chế còn tốt hơn. Nguyên nhân cho sự tan rã của Liên Xô vào cuối năm 1991 khó có thể là chính sách ngăn chặn. Bởi vào lúc đó Washington cho rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và đã chính thức từ bỏ chính sách ngăn chặn. Về phần mình, Moskva cũng đã bỏ cuộc.

    41 năm sau khi Kennan công bố bài viết của mình, Liên Xô, bị ảnh hưởng bởi các thảm họa kinh tế, xã hội, và quân sự, đã từ bỏ ý thức hệ bành trướng như ông đã kỳ vọng. Cuối năm 1988, nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, kêu gọi “phi ý thức hệ quan hệ giữa các quốc gia.” Năm tiếp theo, trong lúc Liên Xô vẫn kiểm soát phần lớn Đông Âu, Tổng thống George H. W. Bush đã đáp lại lời kêu gọi của Gorbachev. Trong một loạt bài phát biểu về việc “vượt lên ngăn chặn,” ông tuyên bố rằng mục tiêu hiện nay là kết nạp “Liên Xô vào cộng đồng các quốc gia,” chào mừng nước này “trở lại trật tự thế giới.” Trong năm 1989 và 1990, các nước Đông Âu đã lần lượt rời khỏi Hiệp ước Warsaw và nỗ lực hướng tới dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Mỹ hoan nghênh sự thay đổi này, nhưng cũng có nỗ lực đáng kể để giữ cho Liên Xô không sụp đổ. Đáng chú ý nhất là vào năm 1991, Bush đã có bài phát biểu tại Ukraine, mà về cơ bản ông đã kêu gọi các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cùng chung tay giải quyết vấn đề và ở lại trong liên bang. Nếu Chiến tranh Lạnh vẫn còn tiếp diễn vào thời điểm đó, thì Mỹ và Liên Xô đã về cùng một phe.

    Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu của Bush, những người theo đường lối cộng sản cứng rắn ở Moskva, với ý định giữ cho Liên Xô không bị tan rã, đã tổ chức một cuộc đảo chính nhằm loại bỏ Gorbachev. Nỗ lực này đã thất bại, nhưng nó làm chuyển hướng quan điểm nghiêng về phía giải thể liên bang, đặc biệt là ở Ukraine. Sau cùng, nó đã dẫn đến sự tan rã mà những kẻ âm mưu đảo chính đã tìm cách ngăn chặn. Nếu không có sự kiện đó, rất có thể với một số cải cách kinh tế, bao gồm cả việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Liên Xô có lẽ đã tồn tại ít nhiều nguyên vẹn.

    Như nhà phân tích Strobe Talbott đã nhận định, hệ thống Xô viết “rơi vào khủng hoảng vì những bất cập và khiếm khuyết cốt lõi của nó, chứ không phải vì bất cứ điều gì thế giới bên ngoài đã làm, hoặc không làm, hoặc đe dọa sẽ làm.” Nhà sử học Odd Arne Westad đồng ý rằng sự việc diễn ra chủ yếu “vì những điểm yếu và mâu thuẫn trong chính hệ thống Xô viết.”

    HÃY KIÊN NHẪN

    Để xác định xem có nên áp dụng chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc hay không, trước tiên cần phải đặt câu hỏi: Liệu nước này có là mối đe doạ ở mức độ gần như Liên Xô hay không? Trung Quốc, hiện đứng thứ hai thế giới về tổng GDP (dù đứng thứ 78 về GDP bình quân đầu người), dường như đang tìm kiếm một vị trí lãnh đạo. Mong muốn này được thể hiện ở việc họ phát triển quân đội và tìm cách gầy dựng ảnh hưởng khi cho một loạt các quốc gia khác vay tiền thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như bằng cách triển khai chính sách ngoại giao “chiến lang,” dùng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây hấn và bắt nạt. Cùng lúc đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành thạo việc trở thành một nhà độc tài không bị thách thức ở đất nước ông và đã đặt mình vào vị trí không cần phải lắng nghe ý kiến trái chiều.

    Nhưng Trung Quốc không đặt ra cùng một loại thách thức về ý thức hệ như Liên Xô. Họ đã tìm cách hỗ trợ các chế độ độc tài khác duy trì quyền lực, nhưng điều đó khác với việc truyền bá ý thức hệ. Hơn nữa, Trung Quốc dường như không có nhiều tham vọng lãnh thổ ngoài việc tái thống nhất với Đài Loan vào một thời điểm nào đó, và giải quyết tranh chấp trên các phần biên giới và các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

    Điều đáng lo ngại nhất đối với Trung Quốc, cũng như đối với Liên Xô, là những khó khăn đang lớn dần ở trong nước. Phần lớn những khó khăn này bắt nguồn từ quyết tâm của Tập Cận Bình: cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc lỗi thời và tham nhũng nắm quyền kiểm soát việc phát triển kinh tế. Danh sách các vấn đề nảy sinh là gần như vô tận: tham nhũng tràn lan, suy thoái môi trường, tăng trưởng chậm, những thay đổi thất thường trong chính sách của chính phủ (bao gồm cả chính sách “zero COVID” bị hủy bỏ đột ngột), doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, báo cáo thống kê gian lận, dân số già đi nhanh chóng, sản xuất dư thừa, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lớn, nợ ngày càng tăng, bong bóng nhà đất, các nhóm thiểu số bất ổn, chính sách bảo hộ, sự xa lánh của các nhà đầu tư phương Tây, và sự đàn áp các quyền tự do dân sự. Dường như cũng có sự suy giảm niềm tin vào các mệnh lệnh của Đảng Cộng sản, một sự thay đổi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đối với chế độ.

    Hơn nữa, nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm được đối xử như một cường quốc đã không có hiệu quả. Thay vì tạo ra sự ngưỡng mộ hay phục tùng từ các quốc gia từng ủng hộ họ, sự bất bình và cảnh giác với Trung Quốc đã tăng vọt không chỉ ở phương Tây mà còn ở Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, đẩy các nước láng giềng quan trọng này nghiêng về phía Mỹ. Ngoài ra, Sáng kiến Vành đai và Con đường được quảng cáo rầm rộ đang bị nhấn chìm trong những khoản nợ chưa trả, với các khoản cho vay bị cắt từ 75 tỷ USD năm 2016 xuống còn 4 tỷ USD vào năm 2019.

    Xét đến hàng loạt những điểm yếu của Trung Quốc, một chính sách ngăn chặn có thể không cần được áp dụng. Quả thực, nó nhiều khả năng sẽ thúc đẩy chứ không xoa dịu niềm tin chung của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rằng Washington đang muốn ngăn chặn tăng trưởng kinh tế của đất nước họ – điều mà nhiều người lo ngại có thể khiến các lãnh đạo này nổi giận. Tuy nhiên, hầu hết các động thái bành trướng của Trung Quốc không liên quan gì đến vũ lực. Như nhà cựu ngoại giao Mỹ Chas Freeman đã nói, “Không có câu trả lời quân sự nào cho một đại chiến lược được xây dựng trên cơ sở mở rộng thương mại và hàng hải phi quân sự.”

    Giải pháp thay thế là chờ đợi (có lẽ trong một thời gian khá dài) để Trung Quốc suy yếu; dù hiện đang bị chèn ép nhưng vẫn có một mức độ tự do đáng kể ở Trung Quốc. Chính sách kiên nhẫn chờ đợi này có thể được theo đuổi trong khi thận trọng tìm kiếm lợi nhuận từ quy mô và các vấn đề kinh tế của Trung Quốc ở mức độ nhất định. Mỹ cũng nên tiếp tục duy trì trò chơi kéo dài hàng thập niên qua, trong đó Đài Loan độc lập trên thực tế miễn là họ không nói như vậy. Họ cũng có thể làm hài lòng Trung Quốc bằng cách chào đón nước này vào câu lạc bộ lãnh đạo toàn cầu, như thể điều đó mang một ý nghĩa hữu hình. Nếu Mỹ có thể tuyên bố mình là một quốc gia “không thể thiếu” (nghĩa là các quốc gia khác là “có thể thiếu”), thì tại sao Trung Quốc không thể có những tuyên bố tự cao và về cơ bản là vô nghĩa như vậy?

    Bài học của Chiến tranh Lạnh không nằm ở việc kiên trì ngăn chặn, bẻ gãy ý chí và làm suy yếu sức mạnh của đối thủ. Sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta lùi lại, giữ bình tĩnh, và để những mâu thuẫn trong hệ thống của đối thủ trở nên rõ ràng. Trong một bài báo năm 2018 trên Foreign Affairs, Kurt Campbell và Ely Ratner (cả hai hiện là thành viên của chính quyền Biden) đã mở đầu bằng cách nhận xét rằng “Mỹ luôn đánh giá quá cao khả năng của họ trong việc xác định hướng đi của Trung Quốc.” Thay vì lặp lại cách tiếp cận sai lầm đó, các nhà hoạch định chính sách nên ghi nhớ câu châm ngôn bất hủ của Napoléon Bonaparte, “Đừng bao giờ ngăn cản kẻ thù của bạn khi họ đang mắc sai lầm.”

    * John Mueller là giáo sư hồi hưu về Khoa học Chính trị tại Đại học bang Ohio, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Cato và là tác giả của cuốn sách “The Stupidity of War.”

    https://nghiencuuquocte.org/2023/09/26


    Không có nhận xét nào