Hơn 60 gia đình kêu gọi chấm dứt dùng tù nhân chính trị làm hàng mặc cả với Chính phủ Mỹ
Trường Sơn, RFA
07/9/2023
Minh họa: Công an ngăn cảnh nhà báo tác nghiệp tại một cuộc biểu tình năm 2011
Reuters
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Bien sắp sửa có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 10 tháng 9. Nhân sự kiện này, giới quan sát cũng cho rằng rất có thể hai nước sẽ nâng cấp mỗi quan hệ ngoại giao lên một tầm cao mới.
Hoa Kỳ hiện đang là đối tác toàn diện của Việt Nam, và dự kiến sẽ trở thành đối tác chiến lược sau chuyến thăm của tổng thống Biden, thậm chí có đồn đoán cho rằng hai nước sẽ nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong hệ thống đối tác ngoại giao của Việt Nam.
Không ít những ý kiến tích cực trước thông tin trên, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn lo ngại về vấn đề nhân quyền, cụ thể, giới quan sát cho rằng việc Hoa Kỳ chủ động cải thiện quan hệ với chính quyền Hà Nội, sẽ dẫn đến việc gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Có lợi cho Việt Nam nói chung
Sự kiện tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam và qua đó nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã nhận được sự ca ngợi của một tổ chức không ngờ tới, đảng Việt Tân. Đây là tổ chức chính trị có trụ sở tại hải ngoại tự nhận đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam, và hiếm khi bày tỏ sự đồng tình với các chính sách của chế độ trong nước, nhưng lần này là một ngoại lệ.
Trao đối với đài RFA, ông Trần Đức Tuấn Sơn, một uỷ viên trung ương của đảng Việt Tân, cho biết quan điểm của tổ chức đối với việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ:
“Phía Việt Tân cho rằng chuyến thăm của tổng thống Biden đến Việt Nam là một cơ hội tốt cho dân tộc Việt Nam. Trong thời gian vừa qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ở mức khá cao, cho nên chuyến đi này sẽ giúp cân bằng lại cán cân quan hệ giữa Mỹ, Việt Nam, và Trung Quốc. Mà chúng tôi cho rằng đại đa số người Việt đều muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh mà Trung Quốc gần đây đã trở nên hung hăng hơn trên khu vực Biển Đông, việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ sẽ rất có lợi cho Việt Nam. Ngoài ra, về khía cạnh kinh tế, khi mà Trung Quốc suy yếu thì sẽ tác động xấu đến Việt Nam, nên việc liên minh với Mỹ sẽ giúp Việt Nam phát triển.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà bất đồng chính kiến khác, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam, lần này cũng tỏ ra ủng hộ động thái thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, ông cho biết quan điểm của mình:
“Các cụ đã có câu gần mực thì đen gần đèn thì rạng, nước Mỹ là một nước dân chủ, tự do, văn minh do vậy khi chính quyền Việt Nam đi gần với Mỹ sẽ học được những điều tốt đẹp, về kinh tế, chính trị, và những lĩnh vực khác. Nhưng chúng ta cũng không quên bài học Trung Quốc, khi vào năm 1972 Trung Quốc bỏ bóng tối để bước chân theo Mỹ, nhưng họ vẫn duy trì chế độ độc đảng cho đến nay. Họ chỉ học từ Mỹ cách làm kinh tế, để rồi bây giờ quay lại chống Mỹ. Nên chúng ta cần phải nhắc nhở nước Mỹ rằng khi quan hệ với Việt Nam đừng chỉ giúp phát triển kinh tế, mà cần phải giúp người dân lẫn nhà cầm quyền ở Việt Nam nhận ra giá trị của dân chủ và nhân quyền.”
Cựu Dân biểu liên bang Leslie Byrne phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Việt Nam 11/5/2023. Ảnh chụp màn hình video RFA
Càng cải thiện quan hệ với Mỹ thì càng đàn áp trong nước?
Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước cựu thù có chiều hướng đi lên và ngày càng trở nên chặt chẽ, nhưng ở khía cạnh nhân quyền lại có xu hướng ngược lại, khi tình hình đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn.
Do vậy, giới quan sát cho rằng triển vọng để Hoa Kỳ giúp cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam kể cả khi nâng cấp quan hệ là không cao.
Từ Cộng hoà Liên bang Đức, nhà báo Võ Thị Hảo cho Đài Á Châu Tự Do biết quan điểm của bà về vấn đề này:
“Tôi nghĩ rằng các cường quốc dân chủ, nhân quyền vẫn có phần ngây thơ trước việc nói một đằng, làm một nẻo của những người đứng đầu các nước độc tài. Theo số liệu, khi tổng thống Obama thăm Việt Nam vào năm 2016 thì có khoảng 100 nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, từ đó đến nay tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi rất nhiều, theo thống kê của các tổ chức nhân quyền trên thế giới hiện nay đang có khoảng 193 người bất đồng chính kiến bị cầm tù.”
Ông Trần Đức Tuấn Sơn còn chỉ ra rằng xu hướng đàn áp trong những năm qua còn mở rộng ra khỏi nhóm đối tượng là giới bất đồng chính kiến, bất chấp việc Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đông Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc:
“Từ năm 2016 đến nay thì việc đàn áp nhân quyền càng ngày càng thô bạo hơn, việc đàn áp, bỏ tù, bắt bớ người bất đồng chính kiến vẫn diễn ra, và không chỉ giới bất đồng chính kiến không, ngay cả những người hoạt động về môi trường, và làm cho những viện nghiên cứu cũng bị bắt. Đây là xu hướng rất xấu cho những người muốn thay đổi Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng tình hình này sẽ không thay đổi trong thời gian tới.”
Về phần mình, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng xu hướng thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam sẽ trở nên độc đoán hơn khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ, ông cho hay: “Từ năm 2011 cho đến nay, khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ càng gần gũi thì tình hình nhân quyền càng xấu đi. Đặc biệt là khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị, và quân sự, do vậy sẽ bỏ lơ vấn đề nhân quyền.”
Các đại biểu người Việt tham dự Ngày Nhân quyền Việt Nam ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ)
Mỹ có bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam không?
Với việc mức độ đàn áp ngày càng gia tăng ở trong nước, đã xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, để hướng tới việc cải thiện quan hệ với chính quyền Cộng sản.
Tuy nhiên, những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam được đài RFA phỏng vấn lại có ý kiến khác.
Luật sư Nguyễn Văn Đài thậm chí còn khẳng định chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam sẽ không xảy ra, ông nói:
“Mỹ và Châu Âu sẽ không bao giờ bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, có thể ngay lúc này, họ đang chú trọng đến vấn đề ngoại giao và kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bỏ rơi vấn đề nhân quyền. Họ vẫn sẽ theo dõi và sẽ lên tiếng khi có dịp.
Nhưng điều quan trọng hơn đó là bản thân người Việt Nam phải đứng lên đòi hỏi quyền con người cho mình, thì lúc đó những nước như Mỹ và Châu Âu mới nhận thấy lợi ích ủa việc lên tiếng.”
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Tuấn Sơn cũng cho rằng phương tây sẽ không bất chấp tình trạng nhân quyền để đổi lấy quan hệ với Việt Nam, ông cho biết quan điểm của mình:
“Tôi nghĩ là phương tây đang thực hiện cả hai việc cùng lúc, vừa cải thiện quan hệ ngoại giao, vừa thúc đẩy nhân quyền. Nhưng có thể là trong lĩnh vực nhân quyền thì họ không làm công khai như trước đây. Mà sẽ được nêu ra ở đằng sau hậu trường, bên hành lang, và sẽ xảy ra thường xuyên. Có thể sẽ có lúc vấn đề nhân quyền không được ưu tiên, nhưng không có nghĩa là nó bị bỏ rơi.”
Nhà báo Võ Thị Hảo cho rằng, Hoa Kỳ và phương tây sẽ khó có thể ngó lơ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ:
“Khi họ muốn đảm bảo được quyền lợi về mặt thương mại, kinh tế, hay những quyền lợi chính đáng khác thì họ cần sự mình bạch. Chỉ sự minh bạch mới đảm bảo được quyền lợi cho Mỹ và NATO. Thì sự minh bạch này chỉ có được ở một chế độ dân chủ, có nhân quyền. Với việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, hệ quả tất yếu là tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam sẽ có chuyển biến.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-vietnam-ties-upgraded-without-human-rights-improvement-09072023113525.html
Hơn 60 gia đình kêu gọi chấm dứt dùng tù nhân chính trị làm hàng mặc cả với Chính phủ Mỹ
RFA
08/9/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ở phi trường Joint Base Andrews để lên máy bay đi dự hội nghị G20 ngày 7/9/2023
Reuters
Thân nhân của hàng chục tù nhân lương tâm (TNLT) ký tên chung vào một bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, kêu gọi ông lên tiếng cho hàng trăm nhà hoạt động đang bị cầm tù và Việt Nam phải dừng việc dùng họ làm món hàng mặc cả với chính phủ các nước tự do trong đó có Mỹ.
Trong thư ngỏ công bố ngày 01/9 với hơn 60 gia đình tù nhân lương tâm ký tên, các gia đình nói họ hân hoan đón nhận tin người đứng đầu Nhà Trắng đến Hà Nội để nâng cấp quan hệ ngoại giao song phương.
“Đặc biệt chúng tôi tin rằng với các giá trị về tự do, dân chủ, và nhân quyền mà nhân dân Hoa Kỳ trân quý, đề cao, và bảo vệ, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa 2 nước cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn lên tình trạng nhân quyền thật thảm hại tại Việt Nam hiện nay,” thư ngỏ nói.
Thư ngỏ cho biết nhà nước độc đảng hoàn toàn không tôn trọng các quyền cơ bản được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá mà Hà Nội đã ký kết và phê chuẩn. Các quyền này bị vi phạm hoặc bị bóp méo hoàn toàn.
“Chính vì tình trạng này mà thân nhân của chúng tôi, các tù nhân lương tâm tại Việt Nam và chính chúng tôi, các TNLT mới ra tù, đã đứng lên tranh đấu ôn hòa, bất bạo động cho các quyền con người và nay đang phải trả giá rất đắt cho những nỗ lực đó.”
Các TNLT thường xuyên bị ngược đãi, hành hạ, trả thù bằng nhiều hình thức trong các trại giam. Nhiều người ngã bệnh nặng nhưng không được phép chữa trị và đã bỏ mạng trong tù trong khi một số khác chỉ được trả về gia đình khi đã hết hy vọng cứu chữa và chết tại nhà sau một thời gian ngắn.
“Chúng tôi tha thiết kêu gọi Tổng thống Biden hãy thúc đẩy việc cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam mà cần nhất là việc phải chấm dứt trả thù các TNLT trong các trại giam, phải để các TNLT ngã bệnh được chữa trị đúng mức, phải trả tự do cho tất cả TNLT bị vu cáo vô căn cứ, và phải chấm dứt việc dùng TNLT làm hàng mặc cả trong các thương lượng với chính phủ các nước tự do.”
TNLT bị đày xa gia đình
Gia đình bà Cấn Thị Thêu-ông Trịnh Bá Khiêm bị chính quyền xã Dương Nội và quận Hà Đông tịch thu đất đai với giá bồi thường rẻ mạt rồi bán cho dự án bất động sản. Cả hai vợ chồng ông bị bắt và kết án tù về tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” chỉ vì cùng bà con Dương Nội biểu tình đòi đất.
Sau khi lên tiếng cho người dân Đồng Tâm, bà Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư lại bị bắt vào giữa năm 2020 về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.” Trong năm 2021, họ bị kết án từ tám năm đến 10 năm tù giam.
Hiện bà Thêu bị đưa đi thi hành án ở Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá), Trịnh Bá Tư bị đưa đi giam ở Trại giam Gia Trung (Gia Lai) còn người anh Trịnh Bá Phương bị đày đi An Điềm (tỉnh Quảng Nam).
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 07/9 về khó khăn mà gia đình bà đối mặt kể từ khi ba người thân bị bắt:
“Từ khi chồng tôi là Trịnh Bá Phương, mẹ chồng tôi là Cấn Thị Thêu và em chồng tôi là Trịnh Bá Tư bị bắt, cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn vì ba người trong gia đình tôi bị bắt cũng là những người lao động chính trong gia đình.
Lúc đó thì tôi mới sinh con thứ hai mới được 4 ngày tuổi khó khăn chồng chất khó khăn. Gia đình phải đi thăm nuôi cả ba người ở ba nơi khác nhau. Chồng tôi bị giam xa nhà cách gần một nghìn cây số.”
Bà cho biết bố chồng hàng tháng vẫn đi thăm nuôi bà Thêu và Trịnh Bá Tư bằng xe máy. Vì Trịnh Bá Phương bị giam giữ ở xa nên phải cách bốn tháng gia đình mới có thể đi thăm một lần.
Một nhà hoạt động khác, ông Trương Minh Đức, cũng bị đày đoạ ở Trại giam số 6 trong khi gia đình ông ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng bị án tù năm năm về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và bị bắt lại năm 2017 cùng với nhiều thành viên chủ chốt khác của Hội Anh em Dân chủ. Năm sau, ông bị kết án 12 năm tù giam về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của ông Đức, chia sẻ về những khó khăn mà bà và chồng đối mặt kể từ khi ông bị cầm tù.
“Từ lúc mà anh bị bắt tới giờ nó gây khó khăn về cái cuộc sống. Thứ nhất là bởi vì anh bị họ chuyển đi xa quá. Ở miền Nam thì chuyển ra miền Bắc, thành ra việc đi thăm anh rất là khó khăn.
Lúc anh mới bị bắt, hàng tháng tôi đi thăm trong mấy năm còn bây giờ thì thật sự tốn kém nhiều nên tôi không thể đi thăm hàng tháng được mà cứ phải hai tháng hay ba tháng mới đi thăm anh.”
Bà cho biết khí hậu khắc nghiệt của miền Trung cũng hành hạ chồng mình, người vốn nhiễm nhiều bệnh sau khi mãn hạn tù lần thứ nhất.
“Trong này khí hậu nó nó dù nó có nóng nhưng mà anh quen ra rồi, còn ngoài đấy thì những cái lúc mà trời lạnh cũng khắc nghiệt mà trời nóng cũng khắc nghiệt nóng thì nên tới bốn mươi mấy độ mà anh lại ở trên nhà trên cao và nhà tôn thấp mái nữa nên là cái bệnh huyết áp tim mạch của anh rất là khó khăn rất là mệt. Vì khó khăn nên bệnh của anh càng ngày càng ngày thì có lúc thì nó lại trầm trọng hơn nó mệt hơn.”
Bà Thu và Thanh đều ký vào thư ngỏ gửi Tổng thống Joe Biden với hy vọng ông đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm hai ngày tới ở Hà Nội.
Bà Thu nói:
“Những năm gần đây thì chính quyền Việt Nam đã càn quét bắt giam rất nhiều người bất đồng chính kiến, họ đã bị hành hung khủng bố và không những thế họ không được chữa bệnh kịp thời.
Tôi biết rằng việc thay đổi tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là rất khó khăn nhưng tôi vẫn hy vọng rằng ngài Tổng thống Joe Biden có thể tác động tới Chính phủ Việt Nam để các tù nhân lương tâm được khám và chữa bệnh kịp thời và chấm dứt việc trả thù hành hạ đối với các tù nhân lương tâm trong trại giam.”
Bà Thanh thì cho biết:
“Mong mỏi của tôi trước tiên là Tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ hay là quan tâm về vấn đề nhân quyền nhiều bao nhiêu thì tất cả những anh em tù nhân chính trị dễ thở hơn một chút vì quản giáo cho tới giám thị hay là các trại giam đấy thì người ta cũng đối xử không đến nỗi hà khắc như mọi khi.”
Cả hai người phụ nữ cho rằng chồng của họ và các tù nhân lương tâm khác cần được trả tự do ngay lập tức để đoàn tụ với gia đình vì họ vô tội, chỉ thực thi các quyền con người và quyền công dân cơ bản.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/families-of-pocs-call-for-ending-of-using-them-in-negotiating-with-us-09082023031350.html
Không có nhận xét nào