BBC News
03/9/2023
Với việc Hoa Kỳ kỳ vọng sẽ nâng tầm quan hệ ngoại giao với cựu thù Việt Nam lên cấp cao nhất khi Tổng thống Joe Biden tới thăm Hà Nội trong một tuần nữa, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cảm thấy khó chịu.
Ngần ngại về phản ứng mạnh mẽ có thể có từ quốc gia láng giềng, Việt Nam ban đầu bày tỏ sự thận trọng về việc nâng cấp quan hệ với Washington, khiến chính quyền Biden phải nỗ lực gấp bội trong việc thuyết phục Hà Nội.
Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, và Tổng thống Barack Obama năm 2013 đã tạo dựng mối quan hệ "đối tác toàn diện" với Hà Nội.
Chính quyền ông Biden muốn nâng cấp với Việt Nam lên "đối tác chiến lược toàn diện", dựa trên vấn đề thương mại và địa chính trị. Việc này sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận tới các điều kiện thương mại ưu đãi và đạt được sự hợp tác quân sự lớn hơn.
Nhiều chuyến thăm của các thành viên cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ đã diễn ra trong những tháng gần đây, và bản thân ông Biden hồi tháng Bảy cũng công khai nhắc tới việc này.
Kể từ đó, các quan chức hai bên đã tỏ ra lạc quan về khả năng nâng cấp quan hệ, tuy chưa bên nào đưa ra bất kỳ thông cáo chính thức nào.
Với việc Tổng thống Joe Biden đã lên lịch tới Việt Nam vào ngày 10/9, Hà Nội dường như đang tìm cách xoa dịu Bắc Kinh bằng việc đang tiến hành bàn thảo về những chuyến thăm cấp cao từ Trung Quốc tới Hà Nội vào thời điểm sau hoặc thậm chí ngay trước chuyến đi của ông Biden, Reuter tường thuật. Các quan chức nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường có thể sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong những ngày tới, hoặc trong những tuần tới.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian gần đây không mấy suôn sẻ. Hà Nội cùng nhiều quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Malaysia và Philippines, hôm 31/8 đã mạnh mẽ phản đối việc Bắc Kinh công bố bản đồ mới theo đó đưa ra đường chữ U tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
Trước đó, truyền thông Việt Nam nói một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi hôm 28/8 đã bị một tàu hải cảnh của Trung Quốc tấn công nhiều giờ ở ngư trường thuộc Quần đảo Hoàng Sa, gây hư hại nặng cho tàu và làm bị thương một số thuyền viên.
Hiện Hà Nội đang đàm phán với một số quốc gia khác trong việc nâng cấp và mở rộng kho vũ khí của mình, chủ yếu gồm các vũ khí khí tài do Nga sản xuất.
Việt Nam cũng tỏ ý quan tâm tới việc gia tăng quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ và giám sát trên biển. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn rất thận trọng, không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh, vốn đang liên tục tiến hành hiện đại hóa quân đội.
Hồi tuần trước, ngay trước khi Tòa Bạch Ốc công bố thông tin về việc ông Biden tới Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến đi cùng Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, tới Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị ở Lạng Sơn.
Chuyến đi này được giới quan sát cho là nhằm nỗ lực giảm bớt mức độ phản ứng gay gắt một khi việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ được công bố.
Trong chuyến đi hôm 25/8 này, ông Trọng nhấn mạnh rằng đây là khu vực biên giới duy nhất trên thế giới mà cả hai quốc gia liên quan cùng thống nhất chọn tên gọi chung - với phía Trung Quốc gọi là Hữu Nghị Quan. Ông Trọng cũng ca ngợi sự gắn bó "vừa là đồng chí, vừa là anh em" của hai nước, truyền thông nhà nước Việt Nam nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgxg442l773o
Không có nhận xét nào