BBC News
23/9/2023
" Hôm 20/9/2023, trước thông tin thi hành án tử với Lê Văn Mạnh, tất cả 27 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên EU cùng phía Canada, Na Uy và Anh quốc đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng thi hành bản án đối với ông Mạnh, người bị kết án tử hình vào năm 2005 vì tội "giết người" và "hiếp dâm trẻ em".
Ông Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là ba trong những tử tù mà vụ án của họ có dấu hiệu oan sai, gây chú ý trong dư luận trong nước và quốc tế.
Trong khối ASEAN, chỉ còn Việt Nam, Myanmar và Singapore là ba quốc gia vẫn thực thi án tử hình trong năm 2022 và nằm trong số 19 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc áp dụng hình phạt này."
Nguồn hình ảnh, UGC
Chụp lại hình ảnh,
Chiếc áo mà ông Lê Văn Mạnh viết chi chít lời kêu oan và tìm cách gửi ra ngoài
Tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án bằng tiêm thuốc độc vào sáng ngày 22/9, năm ngày sau khi gia đình ông được thông báo về việc làm đơn nhận tử thi.
Thông báo ngày 22/9 của Cơ quan Thi hành Án Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho gia đình ông Mạnh vào ngày 23/9 ghi rằng, bản án của ông Lê Văn Mạnh, phạm tội "giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản" đã được thi hành hồi 7 giờ ngày 22/9/2023, dựa trên Quyết định thi hành án tử ký từ 14/10/2015.
Gia đình ông Lê Văn Mạnh đã từng một lần nhận được thông báo về Quyết định thi hành án tử này, chỉ ít hôm sau ngày ký, trong tháng 10/2015.
Việc kêu oan của gia đình ông Mạnh vẫn tiếp tục bền bỉ diễn ra kể từ đó tới nay.
Bình luận với BBC ngày 23/9, sau thông tin về vụ hành quyết, bà Chiara Sangiorgio, chuyên gia về vấn đề án tử hình từ Ân xá Quốc tế nói với BBC rằng việc nhà nước Việt Nam nhẫn tâm thi hành án tử sau các thủ tục tố tụng bất công làm cho việc tước đoạt mạng sống trở nên tùy tiện.
"Vụ án này gây đau lòng và phẫn nộ, đồng thời là một dấu hiệu đáng ngại cho thấy Việt Nam sẵn sàng coi thường triệt để các biện pháp bảo vệ cơ bản nhất của thủ tục tố tụng hợp pháp, ngay cả khi tính mạng một người bị đe dọa," chuyên gia từ Ân xá Quốc tế nói.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC ngày 23/9 rằng việc thi hành bản án tử hình nếu oan, thì không thể khắc phục được. Đồng thời, theo ông, việc loại bỏ hình phạt tử hình trong chế tài hình sự đã là xu hướng chung của thế giới văn minh.
“Tôi rất kinh ngạc khi mà các cơ quan tư pháp tỉnh Thanh Hóa quyết định thi hành bản án tử hình đối với em Lê Văn Mạnh cho bằng được, để làm gì? Khi mà hồ sơ vụ án đầy rẫy những sự phi lý, sai lệch, thậm chí vi phạm pháp luật... mà chính các luật sư tham gia vụ án đã chỉ ra một cách hết cụ thể.”
LS Mạnh chỉ ra rằng, chính Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, mặc dù giữ chức năng công tố buộc tội, nhưng trong văn bản kháng nghị vẫn khẳng định "chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em".
“Bỏ ngoài tai yêu cầu hoãn thi hành tử hình em Lê Văn Mạnh từ giới luật sư, từ công chúng và hàng loạt cơ quan ngoại giao nước ngoài cùng nhiều tổ chức quốc tế, cho thấy nền tư pháp Việt Nam không có khả năng sửa sai,” LS nhân quyền nhận định, đồng thời nói ông “thất vọng” với nền tư pháp Việt Nam.
Gia đình không hay biết
Tờ trích lục khai tử viết ông Lê Văn Mạnh "đã chết vào lúc 8 giờ 45 phút ngày 22 tháng 09 năm 2023", tại nhà thi hình án tử, Công an tỉnh Hoà Bình.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Việt khẳng định với BBC ngày 22/9 rằng con bà bị hàm oan nên gia đình đã từ chối làm đơn nhận thi hài con mình. Bà vẫn ôm hy vọng nên ngay khi nhận được thông báo về việc thi hành án, ngày 18/9, bà đã lặn lội từ Thanh Hoá ra Hà Nội để tiếp tục kêu oan cho con trai mình.
Thời điểm đó, gia đình bà không hề biết cụ thể chi tiết thời gian, địa điểm mà ông Lê Văn Mạnh sẽ bị thi hành án. Nhưng việc gia đình không được gặp mặt, thăm và gửi quà cho ông Mạnh từ tháng 7 đến nay khiến bà Việt cảm thấy bất an, lo lắng không biết con bà thế nào.
"Tháng 8 chúng tôi vào thăm thì họ bảo phòng tử tù có người đang bị Covid nên không thăm được. Lần cuối gặp mặt, sức khoẻ Mạnh có chút sa sút, tôi cũng động viên con phấn chấn lên, tôi bên ngoài này sẽ tiếp tục làm đơn kêu oan," bà Việt nói.
Đầu giờ chiều ngày 22/9, hai người em của ông Mạnh lại tiếp tục đến trại giam ở Thanh Hoá nhưng cũng không được gặp.
Trong cuộc điện thoại với BBC ngày 22/9, bà Mạnh khẳng định sẽ tiếp tục kêu oan cho con trai mình, người trải qua bảy lần xét xử (ba lần sơ thẩm, ba lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm).
"Tôi được dự sáu phiên toà và nhìn thấy bằng chứng lỏng lẻo. Trong ngày xảy ra vụ án, con tôi có bằng chứng ngoại phạm và gia đình tôi biết rõ Mạnh không tham gia vào vụ án này," bà Việt nói.
Suốt 19 năm trời kêu oan, gia đình bà ngày càng lâm vào tình cảnh khó khăn khi bà cùng chồng đều có bệnh. Dù mới phẫu thuật xong mắt vì đục thuỷ tinh thể, chuyện bà đi kêu oan cho con vẫn không ngừng nghỉ.
Bà nói khi căng băng-rôn kêu oan, chỉ vừa mới nói được vài ba tiếng thì công an đã ra xua đi, đem bà cùng những người khác lên xe đưa về chỗ tiếp công dân.
Bà Việt nói, mong ước nhất của bà là làm sao cho truyền thông, cộng đồng quốc tế biết đến vụ việc con bà, để đến được tai Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, để ông động lòng xem xét hoãn thi hành án đối với con bà, để điều tra xét xử lại từ đầu, cân nhắc cho một sinh mạng mà bà đã sinh ra và nuôi nấng.
"Qua những ngày tháng con tôi bị cùm kẹp giam giữ, mỗi lần thăm nó đều kêu oan, bảo rằng bị oan 100%, gia đình hãy tin tưởng và mẹ hãy cố gắng xoá nỗi oan sai cho con. Tôi cũng hiểu được rõ ràng vụ án của con mình nên cố gắng để con mình có ngày tự do cho bằng được," bà Việt nghẹn ngào qua điện thoại.
Nguồn hình ảnh, Nguyễn Thị Việt
Chụp lại hình ảnh,
Ngay khi nhận được thông báo về việc thi hành án của Mạnh vào 18/9, bà Việt (ở giữa) đã lặn lội từ Thanh Hoá ra Hà Nội để tiếp tục kêu oan cho con trai mình
Suốt 19 năm trời, trải qua bao nước mắt, cay đắng, nghẹn ngào, điều bà Việt nhớ nhất là con bà, Lê Văn Mạnh đã cố gắng mạnh mẽ và vững lòng.
Bà nói Mạnh lo lắng sức khoẻ gia đình bà vì chỉ có gia đình mới tin vào sự trong sạch của Mạnh. "Nó nói nếu gia đình mình lỡ bề gì, sa ngã và đổ bệnh thì coi như đời con chấm hết, không còn gì nữa," bà kể với BBC.
Vì những lời nói đó, bằng giá nào bà Việt cũng cố gắng giữ gìn sức khoẻ để đi trên cuộc hành trình kêu oan đầy bấp bênh, gian truân và tuỵệt vọng.
Trên Facebook của mình, ở dòng trạng thái (bio), bà Việt ghi rằng: "Tôi là Nguyễn Thị Việt quê Thanh Hóa, tôi đang đi kêu oan cho con trai tôi là tử tù Lê Văn Mạnh."
Bà Việt viết những dòng về con mình trên Facebook, không dấu chấm câu, không viết hoa đúng chỗ nhưng miễn ở đâu bà được người ta gợi ý có thể kêu oan, bà đều cố gắng viết những lời kêu oan đó cho con bà.
Bà Việt có sáu người con, hai đứa đã mất vì đuối nước khi còn nhỏ. Nay, bà phải tiễn biệt thêm Mạnh, đứa con trai bà tin rằng phải chịu hàm oan và nỗi oan khuất này vẫn chưa được giải cho tới khi lìa đời.
Năm 2015, ông Mạnh nói với gia đình rằng vì ông bị oan, nên nếu bị xử tử, gia đình không được nhận xác ông về chôn cất.
Nhà nước giữ kín về án tử
Việt Nam cùng Trung Quốc và Bắc Hàn là ba quốc gia luôn che giấu thông tin về số vụ hành quyết với lý do "bí mật quốc gia", theo một báo cáo hồi tháng 5 của Ân xá Quốc tế.
Trước đó, hôm 22/9, bà Chiara Sangiorgio nói với BBC rằng họ lo rằng chính quyền Việt Nam đang lên kế hoạch thực hiện vụ hành quyết Lê Văn Mạnh. Tổ chức này kêu gọi giới chức Việt Nam tạm dừng việc thi hành án tử với ông Mạnh cũng như tất cả các vụ xử tử trong nước. Đây là bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện.
Cũng như vụ việc của tử tù Nguyễn Văn Chưởng mà Ân xá Quốc tế lên tiếng trước đó, trường hợp của Lê Văn Mạnh có dấu hiệu vi phạm quyền được xét xử công bằng trong quá trình tố tụng của Mạnh. Điều này gây quan ngại "sâu sắc và lâu dài" cho các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Bà Sangiorgio chỉ ra, từ lời nhận tội của ông Mạnh, được đưa ra do bị tra tấn dưới bàn tay của cảnh sát, giới chức đã rút ra “lời thú tội” và dùng nó làm bằng chứng để kết tội ông ta. Cạnh đó, quá trình tố tụng đối với Lê Văn Mạnh đã có sai sót khi ông không nhận được đầy đủ đại diện pháp lý khi kháng cáo.
Việt Nam gia nhập Công ước ICCPR (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị) vào năm 1982 nhưng bị cho là liên tục vi phạm công ước này. Việc tuyên án tử hình một người sau phiên toà được cho là không xét xử công bằng và đúng thủ tục tố tụng hình sự, cũng là đi ngược lại với tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằngđươc quy định tại Điều 14 của ICCPR.
"Điều đó vi phạm luật pháp quốc tế, khiến cho việc thi hành án tử hình ở Việt Nam trở nên tùy tiện. Chúng tôi phản đối án tử hình trong mọi trường hợp, nhưng thật đau lòng khi chính quyền Việt Nam vẫn muốn tiếp tục thi hành án tử, dù họ nhận thức được những lo ngại này," bà Sangiorgio nói với BBC.
Nhắc đến vụ án của Nguyễn Văn Chưởng, chuyên gia về án tử của Ân xá Quốc tế bày tỏ sự đau lòng khi sự "tàn nhẫn" lặp lại đối với gia đình tử tù Lê Văn Mạnh. Bà Sangiorgio đặt nghi vấn: "Tại sao họ lại gửi thông báo về việc nhận tử thi trong khi không cho biết cụ thể ngày giờ hành quyết đã ấn định? Tại sao lại có sự tàn nhẫn không cần thiết như vậy, vào ngay thời điểm rất khó khăn với gia đình của tử tù đó? Có gì phải che giấu?"
Hiện Việt Nam, án tử được thực hiện bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Theo Nghị định 43/2020/NĐ-CP, một liều thuốc gồm ba loại: thuốc làm mất tri giác, thuốc làm liệt hệ vận động, và thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ quốc phòng. Tuy nhiên, nghị định 43/2020/NĐ-CP không nêu rõ tên thuốc.
Còn Nghị định 82/2011/NĐ-CP năm 2011 chỉ rõ thuốc dùng để gây mê là Sodium thiopental; thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp là Pancuronium bromide; và thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim là Potassium chloride.
Đáng chú ý, Đại học Cornell (Mỹ) nói họ đã không tìm thấy "bất kỳ thông tin gì về các loại thuốc độc được sản xuất trong nước [Việt Nam] đã được sử dụng, hay chất lượng, độ tin cậy và hiệu quả". Vì vậy, không có bằng chứng nào cho việc tiêm thuốc độc sẽ có tính nhân đạo hơn đối với tử tù.
Năm 2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo thu giữ các đơn đặt hàng Sodium thiopental, loại thuốc gây mê được sử dụng trong các vụ thi hành án tử trước đây, vốn kết hợp với hai loại thuốc còn lại là làm tê liệt cơ và ngừng tim.
FDA nhấn mạnh thuốc gây mê hiện không được sử dụng hợp pháp ở Hoa Kỳ. Người phát ngôn FDA, Jeff Ventura, cho biết: “Tòa án đã kết luận rằng Sodium thiopental dùng để tiêm cho người là một loại thuốc chưa được phê duyệt và có thể không được nhập khẩu vào Mỹ vì mục đích này.”
Nguồn hình ảnh, UGC
Chụp lại hình ảnh,
Bức thư kêu oan của Lê Văn Mạnh
Việt Nam chuyển hình thức xử từ bắn súng sang tiêm thuốc độc vì mục đích "nhân đạo, nhân văn, gây giảm sự đau thương cho người tử tù". Tuy nhiên, bà Sangiorgio của Ân xá Quốc tế phản biện rằng, "không có cách giết người nào là nhân đạo" và phản đối bất kỳ hình thức thi hành án tử nào.
"Thường có quan niệm cho rằng tiêm thuốc độc có thể mang lại hình thức xử tử “an toàn”, không đau đớn, dưới danh nghĩa trả thù nhân danh công lý. Tuy nhiên, ví dụ từ các quốc gia khác đã nhiều lần cho thấy rằng nỗi đau đớn khủng khiếp có thể ẩn sau vẻ ngoài tưởng chừng vô hại của nó, khiến các vụ hành quyết bị “thất bại” trong nhiều trường hợp."
Vì lẽ đó, bà Sangiorgio kêu gọi giới chức Việt Nam "chấm dứt việc giữ bí mật về hình thức thi hành án tử và ngay lập tức thiết lập lệnh cấm thi hành án chính thức như một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ hình phạt tử hình."
Michael Radelet, giáo sư xã hội học và luật, chia sẻ với đài CNN rằng các cuộc hành quyết thất bại là khi tù nhân trông có vẻ đã phải chịu đựng “sự đau khổ kéo dài” trong 20 phút hoặc hơn.
Theo quy định của Việt Nam, mỗi lần tiêm thuốc thì sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, tức thất bại, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để "ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba."
Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau 10 phút mà tù nhân vẫn chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.
Câu hỏi đặt ra thêm về người thực hiện việc tiêm thuốc độc vì đối với các y bác sĩ, lời thề Hippocrates sẽ ngăn trở họ thực hiện thủ thuật này.
Ở Mỹ, giáo sư Radelet nêu ra hiện trạng rằng những người này thường không phải là y bác sĩ và không được đào tạo bài bản để truyền tĩnh mạch, chứ đừng nói đến việc tiêm thuốc độc cho tử tù.
Vụ án Lê Văn Mạnh
Một vụ án mạng xảy ra vào ngày 21/3/2005 tại Thanh Hóa, nạn nhân là bé gái.
Ngày 20/4/2005, ông Mạnh, khi đó 23 tuổi, bị bắt theo lệnh truy nã của Công an Đồng Nai vì tội "cướp tài sản", liên quan tới một vụ án khác diễn ra ở Đồng Nai hôm 7/3/2003.
Chỉ sau bốn ngày bị tạm giam, Lê Văn Mạnh tiếp tục bị khởi tố bị can về cáo buộc "giết người, hiếp dâm trẻ em" vì một lá thư gửi mà ông Mạnh gửi cho gia đình thú nhận đã gây án với bé gái ở Thanh Hóa. Ngày 24/4/2005, vụ án ở Thanh Hoá và Đồng Nai được gộp lại, ông Mạnh bị truy tố về các tội “giết người”, “hiếp dâm trẻ em” và “cướp tài sản”.
Tuy nhiên, qua ba lần xét xử, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên án tử hình trong phiên tòa ngày 25/11/2008.
Thời điểm đó, nhiều tổ chức quốc tế, gồm có Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam, cụ thể là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu ngừng thi hành án tử đối với ông Lê Văn Mạnh. Đồng thời, kiến nghị Việt Nam tiến hành một cuộc điều tra trước những cáo buộc từ ông Mạnh rằng ông bị tra tấn trong trại giam.
Trong bảy phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, ông Mạnh đều phản cung, kêu oan và nói mình bị tra tấn trong trại giam.
Nguồn hình ảnh, UGC
Chụp lại hình ảnh,
Bà Việt, vào ngày 19/9 cùng bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng lên Hà Nội để kêu gọi hoãn thi hành án
Tháng 11/2015, sau khi Quyết định thi hành án tử đối với Lê Văn Mạnh đã được ký và thông báo cho gia đình, Chánh án TAND Tối cao đã yêu cầu các cơ quan chức năng rút toàn bộ hồ sơ vụ Lê Văn Mạnh để xem xét lại.
Tới tháng 9/2022, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin, Tổ công tác Liên ngành Tư pháp Trung ương đang xác minh đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh.
Hôm 20/9/2023, trước thông tin thi hành án tử với Lê Văn Mạnh, tất cả 27 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên EU cùng phía Canada, Na Uy và Anh quốc đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng thi hành bản án đối với ông Mạnh, người bị kết án tử hình vào năm 2005 vì tội "giết người" và "hiếp dâm trẻ em".
Ông Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là ba trong những tử tù mà vụ án của họ có dấu hiệu oan sai, gây chú ý trong dư luận trong nước và quốc tế.
Trong khối ASEAN, chỉ còn Việt Nam, Myanmar và Singapore là ba quốc gia vẫn thực thi án tử hình trong năm 2022 và nằm trong số 19 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc áp dụng hình phạt này.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào