Quê Hương tổng hợp
Tòa án Hà Nội sắp xử sơ thẩm Facebooker Nguyễn Minh Sơn về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”
RFA
15/9/2023
Ông Nguyễn Minh Sơn (trái) trước khi bị bắt
Fb Sơn Nguyễn
Ông Nguyễn Minh Sơn (60 tuổi), một người sử dụng mạng xã hội Facebook để lên tiếng về các vấn đề chính trị-xã hội Việt Nam, sẽ bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử trong ngày 20/9 về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Bà Nguyễn Thị Phước, vợ của ông Sơn, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bà được luật sư Ngô Anh Tuấn thông báo về lịch xét xử chồng mình, gia đình hoàn toàn không nhận được thông tin gì từ cơ quan chức năng. Về phiên toà sắp tới và mong ước của gia đình, bà Phước nói:
“Em muốn cho anh ấy được sớm về với gia đình, với vợ con. Anh ấy có làm cái gì đâu, chỉ thi thoảng say và nói lung tung một lúc rồi thôi.”
Bà cho biết gia đình chưa được gặp ông Sơn kể từ khi bị bắt cuối tháng 9/2022 và cũng không được liên lạc bằng điện thoại hay thư từ gì với ông ngoài việc nhắn hỏi sức khoẻ qua trung gian là điều tra viên. Hàng tháng bà vẫn gửi đồ vào cho ông trong Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho hay, đến nay ông chưa nhận được giấy phép bào chữa cho thân chủ của mình. Ngoài ra, ông cũng đề nghị dời phiên tòa sang một ngày khác do ông bận việc, nhưng chưa được Tòa án Hà Nội phản hồi.
Theo điểm a, Khoản 1, Điều 117 Bộ luật hình sự 2015, người nào có hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân" sẽ bị phạt tù từ năm năm đến 12 năm.
Công an Hà Nội bắt tạm giam ông Sơn vào ngày 28/9/2022, khám xét nhà và tịch thu một số tài liệu, sách vở cùng với máy tính của ông.
Trước đó, ông bị công an thành phố triệu tập để làm việc về một video clip mà ông Sơn đăng tải trên trang Facebook “Sơn Nguyễn” vào ngày 31/12/2021 với vài câu nói xúc phạm ông Hồ Chí Minh, một lãnh tụ cộng sản của Việt Nam.
Ông Sơn tham gia nhiều cuộc biểu tình ở Hà Nội trong giai đoạn 2011-2018 để phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, phản đối chính quyền Hà Nội chặt phá cây cổ thụ ở trung tâm thành phố, và nhiều vấn đề khác. Ông cũng có nêu quan điểm về tình hình xã hội Việt Nam trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, những người bạn của ông cho biết, ông Sơn không phải là cây viết có tiếng tăm và có tầm ảnh hưởng lên người khác. Do vậy, việc ông bị bắt giữ theo Điều 117 làm nhiều người bất ngờ.
Đài Loan thắt chặt visa điện tử với công dân Việt Nam
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Đài Loan là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều người Việt Nam
Tác giả, Thương Lê
Vai trò, BBC News Tiếng Việt
14/9/2023
Từ ngày 14/9/2023, du khách Việt Nam không thể dùng visa Hàn Quốc và Nhật Bản để xin e-visa (thị thực điện tử) nhập cảnh Đài Loan.
Từ Hà Nội, đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc nói với BBC chiều 14/9 rằng đây là điều chỉnh của Bộ Ngoại giao Đài Loan.
Những ai đã được cấp thị thực điện tử tính đến ngày 14/9 nhờ có visa hoặc giấy tờ cư trú do Nhật và Hàn Quốc cấp, sẽ vẫn được nhập cảnh Đài Loan, quy định mới xác định.
Tuy nhiên, kể từ nay, loại tài liệu đó không còn được chấp nhận là phù hợp để xét duyệt evisa cho các công dân Việt Nam, cơ quan quản lý nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Đài Loan thông báo trên trang web của mình.
Quyết định mới này đảo ngược một phần các quy định nới lỏng việc cấp chiếu khán cho công dân Ấn Độ và sáu quốc gia thuộc khối ASEAN, gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam mà Đài Loan đưa ra từ bảy năm trước.
Hồi 9/2016, Đài Loan nói công dân bảy nước trên nếu đã được cấp visa hoặc thẻ thường trú ở Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, khối Schengen, Anh quốc hoặc Hoa Kỳ, sẽ được quyền nộp đơn xin evisa.
Quyền này cũng áp dụng cho những người có visa hoặc thẻ thường trú đã hết hạn trong vòng 10 năm tính đến thời điểm họ muốn nhập cảnh Đài Loan.
Nay, visa và giấy tờ cư trú Hàn, Nhật của công dân Việt Nam bị loại khỏi danh sách xét duyệt.
evisa của Đài Loan có giá trị nhập cảnh nhiều lần trong ba tháng, mỗi lần được ở trong Đài Loan tối đa 30 ngày.
Truyền thông Việt Nam đưa tin không đồng nhất về điều chỉnh này này. Cụ thể, bài viết đăng sáng 14/9 trên báo VNExpress nói rằng ngoài Việt Nam, chính sách mới còn áp dụng với các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á. Phần thông tin này đã được lược bỏ vào chiều cùng ngày.
Các trang khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đưa tin quy định thay đổi trên chỉ áp dụng duy nhất với du khách đến từ Việt Nam, khách từ các nước Đông Nam Á khác vẫn áp dụng chính sách như cũ.
Với những ai không đạt tiêu chuẩn xin evisa, hồ sơ xin chiếu khán Đài Loan sẽ phức tạp hơn nhiều.
Họ sẽ cần nộp thêm nhiều loại giấy tờ chứng minh, bao gồm hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ tiết kiệm, vé máy bay hai chiều…, và phải tới nộp hồ sơ trực tiếp thay vì nộp online.
Thời gian chờ đợi xét duyệt cũng dài hơn, thường mất khoảng 5 ngày làm việc so với chỉ vài phút nếu là xin evisa.
Visa du lịch thường, nếu được cấp, sẽ có giá trị 14 ngày, nhập cảnh 1 lần.
Tránh nhập cảnh với ‘mục đích khác’?
Đây không phải lần đầu tiên Đài Loan áp dụng chính sách siết chặt cấp visa cho du khách Việt Nam.
Cuối năm 2018, Bộ Ngoại giao Đài Loan từng tuyên bố ngừng cấp visa du lịch cho các tour khách Việt Nam thông qua ETHoliday sau vụ 152 khách du lịch Việt Nam 'mất tích' khi nhập cảnh nước này.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, đến giữa năm 2023 có khoảng 46.600 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Trong đó, tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động “chui” cao nhất, chiếm đến 26%, Đài Loan chiếm 9%...
VNExpress dẫn lời đại diện một đơn vị lữ hành cho rằng Đài Loan thắt chặt điều kiện cấp visa điện tử có thể để phòng tránh trường hợp khách làm đẹp hồ sơ bằng visa Hàn, Nhật rồi nhập cảnh Đài Loan với "mục đích khác".
“Mỗi nước sẽ có chính sách visa linh hoạt theo từng đối tượng khách hàng và họ mong muốn,” ông Phạm Hà, Chủ tịch tập đoàn Lux Group nói với BBC hôm 14/9.
Theo doanh nhân này, Đài Loan có thể ra quy định mới nhằm hạn chế nếu lượng khách từ một thị trường nào đó quá nhiều. Việc họ thắt chặt lại là để đảm bảo cho việc cân bằng và phát triển du lịch bền vững.
“Có thể là do lượng người Việt Nam sang Đài Loan quá nhiều, hoặc là có những vị khách nhập cảnh xong rồi ở lại khiến phía Đài Loan cảm thấy không an toàn nên đã thắt chặt lại, mong muốn khách đi theo đoàn với loại Visa Quan Hồng, để có thể quản lý dễ dàng hơn,” ông nói thêm.
Nhưng ông cũng nhận định quy định này không ảnh hưởng quá nhiều đến các các công ty lữ hành Việt Nam, mà chủ yếu ảnh hưởng tới khách lẻ tự nộp đơn. Với những khách đoàn đi qua công ty, khách sẽ được lo thủ tục nên đây không phải là vấn đề lớn.
Nguồn hình ảnh, Phạm Hà
Chụp lại hình ảnh,
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Lux Group
Phản ứng của khách lẻ
Quy định mới trong trong chính sách xin visa điện tử của Đài Loan khiến nhiều người Việt dự định đến nước này buồn và tiếc nuối.
Anh Tuấn Anh, hướng dẫn viên du lịch ở TP HCM, người chuyên dẫn tour Đài Loan cho biết một số khách hàng tiềm năng của anh đã cân nhắc lại ý định đến nước này.
“Đài Loan là một điểm đến yêu thích của nhiều người Việt Nam vì cảnh đẹp, khí hậu dễ chịu, đồ ăn ngon và chi phí không quá đắt đỏ. Khi tôi thông báo tin này trên Facebook sáng nay, nhiều vị khách đã bình luận cảm thấy rất buồn vì họ vừa Hàn Quốc và dự định tranh thủ dùng thị thực đó để nhập cảnh Đài Loan vào cuối năm nay," anh nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh ở Hà Nội, người từng nộp đơn xin visa điện tử Đài Loan bằng visa Hàn Quốc vào năm 2018 nhưng bị từ chố,i cho biết: “Tên tôi khá phổ thông nên bị trùng với tên của người trong 'sổ đen', có lẽ là từng nhập cảnh rồi ở lại chui. Tôi phải lên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc làm thủ tục rất tốn thời gian và cần nhiều giấy tờ”.
“Nay tôi thấy visa điện tử bị thắt chặt thêm cũng không có gì ngạc nhiên,” chị Linh nói thêm.
Mỹ rà soát thuế chống bán phá giá với ống thép, đinh và lốp xe tải Việt Nam
RFA
15/9/2023
Mỹ rà soát hành chính với đinh thép, ống thép và lốp xe tải hạng nhẹ của Việt Nam. (HMH)
Đầu tư Online
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính đối với ba sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gồm đinh thép, ống thép và lốp xe tải hạng nhẹ.
Đây vốn là ba sản phẩm đang chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Mỹ.
Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương cho truyền thông hay tin trên trong ngày 15/9.
Đại diện Cục Phòng vệ cho biết, theo quy định pháp luật của Mỹ, trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu có tên trong danh sách rà soát tại thông báo khởi xướng nhưng không có hoạt động xuất khẩu trong thời kỳ rà soát, doanh nghiệp phải thông báo cho DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến đến ngày 11/10/2023).
Trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 16/10/2023), DOC sẽ tiến hành lựa chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong các vụ việc dựa trên lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ cao tới thấp theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP).
Ngoài ra, trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình (dự kiến ngày 10/12/2023).
DOC dự kiến ban hành kết luận rà soát muộn nhất vào ngày 31/7/2024. Trong thời gian tới, DOC sẽ yêu cầu các bên cung cấp thông tin để chọn nước tính giá trị thay thế cho Việt Nam, ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị và bản câu hỏi dành cho các bị đơn bắt buộc.
Mỹ là thị trường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến hết năm 2022, Mỹ đã điều tra 52 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng Việt, chiếm khoảng 23% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ giảm thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam
RFA
15/9/2023
Tại một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh của VN
VnEconomy
Mức thuế chống bán phá giá cá tra đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vừa được công bố giảm.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị đơn bắt buộc gồm Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg.
Các bị đơn tự nguyện khác là Công ty CP đầu tư - phát triển đa quốc gia I.D.I, Công ty CP thủy sản Cafatex, Công ty CP thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty CP Hùng Vương cùng mức thuế 0,14 USD/kg.
Tạp chí Công thương trong ngày 15/9 loan tin trên, dẫn xác nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) rằng thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ từ ngày 1-8-2021 đến 31-7-2022.
Cũng theo VASEP, mức thuế sơ bộ lần này giảm so với kết quả cuối cùng trước đó. Mức thuế chống bán phá giá hồi tháng 9 năm ngoái được áp cho phần lớn doanh nghiệp Việt là 2,39 USD/kg. Một số khác chịu mức thuế từ 0 đến 3,87 USD/kg.
Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát này trong vòng 120 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ, tức vào khoảng ngày 31/12/2023.
Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ dao động ở mức 2,97 – 3,45 USD/kg trong 6 tháng đầu năm 2023. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Mỹ.
Tính đến giữa tháng 8 năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho biết nhóm 3 doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu cá tra sang Mỹ bao gồm: Vĩnh Hoàn, Thủy sản Biển Đông, Vạn Đức Tiền Giang chiếm tỷ trọng giá trị lần lượt là 51%, 18%, và 11%.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung và cá tra nói riêng đang ấm dần lên. Kết quả sau đợt thanh tra của Mỹ giúp tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới.
Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam với tỷ trọng 22%, sau Trung Quốc.
56 người chết trong “chung cư mini” ở Hà Nội
14/9/2023
56 người chết cháy khi hỏa hoạn xảy ra từ một “Chung cư mini” ở Hà Nội. Những cái chết gây nhiều xót xa và nhức nhối. Nhà nước đang điều tra, còn rất nhiều người đang cấp cứu ở bệnh viện. Chủ chung cư mini đã bị bắt.
Trong vụ cháy với quá nhiều người chết giữa thủ đô Hà Nội, ai là người có lỗi. Đương nhiên đầu tiên là người gây ra vụ cháy, thế nhưng những cơ quan, ban ngành liên quan ở địa phương cũng phải có trách nhiệm.
Khi hoàn công một căn nhà đông người ở như thế này, cơ quan Phòng cháy Chữa cháy thường đến kiểm tra và kiểm tra định kỳ nhưng thiếu trách nhiệm khi không yêu cầu chủ nhà phải có cửa và cầu thang thoát hiểm.
Nhà chức trách địa phương cũng phải có trách nhiệm khi căn nhà xây thêm mấy tầng không giấy phép. Không phải các cán bộ của các ban ngành không biết, mà chẳng qua biết mà lơ đi vì lý do tế nhị nào đó? Khi hậu quả xảy ra, chẳng có ai nhận tội.
Qua vụ cháy, thấy rõ người dân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, cả gia đình chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp, không lối thoát khi có biến cố. Kinh tế suy thoái sau đại dịch, nhiều hãng xưởng đóng cửa, nhiều người thất nghiệp, cuộc sống càng bí bách hơn. Thế nhưng người ta vẫn bày ra lắm cách để kiếm tiền. Người ta vẽ ra cuộc “Chấn hưng văn hoá” với số tiền 350.000 tỷ đồng. Kế hoạch đó sẽ làm gì, thực hiện như thế nào?
Hay xây thêm tượng đài, vẽ thêm hàng ngàn bảng hiệu Khu phố văn hoá treo ở đầu các con hẻm và nơi dân cư đông đúc. Xóm nào cũng là Khu văn hoá, phố nào cũng là Khu phố văn hoá thế thì sao phải chấn hưng văn hóa nhỉ? Trò mèo. Những dự án không thiết thực cho đời sống vẫn liên tục ra đời bào mòn ngân sách và làm khổ dân nghèo.
Qua vụ cháy, càng rõ thêm khoảng cách giàu nghèo càng lớn. Những dinh thự nguy nga, tráng lệ của tầng lớp cán bộ càng ngày càng xuất hiện nhiều. Những mộ phần chiếm hàng chục hecta đất của lãnh đạo tiếp tục được xây dựng. Cuộc sống xa hoa của giới trọc phú vẫn diễn ra hàng ngày, đối lập với cuộc sống nhiều khó khăn của đại đa số nhân dân. Miếng bánh đáng lẽ được chia đều cho tất cả mọi người, giờ chỉ dành cho một nhóm. Bất công xuất hiện từ đây.
Chủ nhà đã bị bắt, có thể xử ở toà án, kết án vài ba năm nhưng 56 con người đã phải từ giã cõi đời. Ngoài ra chẳng còn ai phải chịu trách nhiệm, rồi tất cả lùi vào quên lãng. Các dự án vô nghĩa tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng vẫn lần lượt xuất hiện, các cán bộ vẫn phớt lờ những nguy hiểm chết người đang tồn tại ở địa phương mình, người nghèo vẫn chen chúc nhau trong những căn nhà, những căn phòng không lối thoát.
Có gì đau đơn hơn khi một gia đình mất đi 7 người thân cùng một lúc. Cả gia đình 7 người gồm ông bà, vợ chồng cùng 3 cháu nhỏ ở hai căn hộ tại tầng 6 và 8 đã không ai còn sống.
Hãy nhìn dây nhợ của điện lực trong ảnh trước căn nhà bị cháy, tai hoạ không đến hôm nay thì cũng sẽ đến ngày mai thôi.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, người giàu càng lúc càng giàu nhờ những thương vụ mờ ám, người nghèo vẫn chấp nhận cuộc sống hẩm hiu với nhiều đe doạ luôn chực chờ.
Hội An: Số người ngộ độc vì bánh mì Phượng lên đến con số 141
Lê Thiệt /SGN
14/9/2023
Bệnh nhân ăn bánh mì Phượng bị ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện Vĩnh Đức. Ảnh: Người Lao Động
Tính đến chiều 14 Tháng Chín, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có ít nhất 141 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Đây là con số ngoài dự đoán, cho thấy tầm quan trọng của vụ việc.
Trong số người bị ngộ độc, có 33 người nước ngoài (quốc tịch Úc, Anh, Nhật, Chile), một người Việt quốc tịch Đức. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại.
Ngay khi phát hiện vụ ngộ độc, cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở bánh mì Phượng tạm dừng hoạt động để được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời gởi mẫu thực phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
Tiệm bánh mì Phượng đã tạm dừng hoạt động từ ngày 13-9. Ảnh: Người Lao Động
Trong ngày 14 Tháng Chín, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động qua điện thoại, con trai của bà Trương Thị Phượng (chủ tiệm bánh mì Phượng) cho biết không ai mong muốn sự việc xảy ra như thế, gia đình anh đang rất buồn và lo lắng.
Từ sáng cùng ngày, đại diện của gia đình đã liên hệ với các bệnh viện trên cơ sở danh sách cập nhật từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để gặp gỡ, thăm hỏi, những người đang nằm viện do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng. Anh này nói:
“Trước mắt gia đình đi thăm hỏi những người bệnh trước, thăm từng trường hợp một. Thăm hỏi, động viên và có hỗ trợ chi phí bước đầu để chăm lo cho họ. Trường hợp ở xa quá hoặc xuất viện rồi thì mình xin số điện thoại gọi điện thăm hỏi và xin số tài khoản để hỗ trợ. Sự việc như thế nào thì cơ quan chức năng đang làm”.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm. Ảnh: Người Lao Động
Anh cũng cho biết thêm, từ khi xảy ra sự việc, mẹ anh cảm thấy rất buồn, mệt mỏi nên phải nằm ở nhà nhờ người chăm sóc.
Trước đó, như đã thông tin, từ khoảng 8 giờ sáng 11 Tháng Chín, một số người dân, du khách có ăn bánh mì (patê, thịt, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo) mua tại tiệm bánh mì Phượng.
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Sau đó, các bệnh nhân đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị.
Theo thông tin từ tiệm bánh mì Phượng cung cấp, ngày 11 Tháng Chín, tiệm bánh mì này bán tổng cộng 1,920 ổ bánh mì; ngày 12 Tháng Chín bán tổng cộng 1,700 ổ.
Cơ sở bánh mì Phượng Hội An tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Người Lao Động
Bánh mì Phượng là tiệm bánh mì nổi tiếng ở Hội An, có lịch sử buôn bán hơn 30 năm. Không chỉ người dân địa phương, rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Hội An đều ghé đến thưởng thức món ăn nổi tiếng này. Năm 2019, bánh mì Phượng mở chi nhánh đầu tiên ở Seoul (Hàn Quốc), với giá bán dao động từ $5.78 đến $6.60/ổ bánh mì.
Chưa rõ tiệm bánh mì tại Seoul có bị ảnh hưởng sau vụ ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam hay không.
Thủ tướng Việt Nam công du Trung Quốc ngay sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ
14/9/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phía sau trái) cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phía sau phải) chứng kiến một lễ ký kết tại Đại lễ Đường Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông hồi tháng 6.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ công du Trung Quốc, không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao nhất giữa lúc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gay gắt.
Tổng thống Biden kết thúc chuyến thăm Hà Nội hôm 11/9 sau khi gặp mặt các ‘tứ trụ’ lãnh đạo của Việt Nam, trong đó có ông Chính. Ông Biden đã cùng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuyên bố đưa quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mức quan hệ ngoại giao mà Việt Nam trước đó có với 4 nước, trong đó có Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 14/9 cho biết rằng ông Chính sẽ công du Trung Quốc từ 16-17 tháng này theo lời mời của chính phủ Bắc Kinh, theo truyền thông Việt Nam.
Các báo trong nước đồng loạt đưa tin rằng Thủ tướng Chính sẽ tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc ASEAN (CABIS) tại thành phố Nam Ninh ở tỉnh Quảng Tây như những hoạt động chính của ông khi tới Trung Quốc.
Theo VnExpress, ông Chính sẽ dự lễ khai mạc CAEXPO và CABIS cũng như thăm các gian hàng của Việt Nam tại đây. Các hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Trung Quốc-ASEAN.
Cùng trích dẫn thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Tuổi Trẻ cho biết ông Chính sẽ hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và tham gia một số hoạt động đối ngoại khác trong thời gian ở đây.
Các lãnh đạo Việt Nam thường gặp mặt các lãnh đạo Trung Quốc trước hoặc sau khi tiếp đón hay công du Mỹ, một động thái được nhiều nhà quan sát cho là nhằm cân bằng quan hệ với hai siêu cường và tránh làm cho Trung Quốc tức giận.
Trước khi có thông tin Tổng thống Biden sẽ đến Việt Nam, ông Chính đã đến Bắc Kinh hội kiến Thủ tướng Lý vào tháng 6. Tại Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc nhất trí “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.
Đầu tháng 9, ông Chính lại gặp ông Lý khi cùng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Jakarta ở Indonesia, nơi Tổng thống Biden cử Phó Tổng thống Kamala Harris đến tham dự thay để thăm Việt Nam. Tại cuộc gặp này, hai thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai nước “ngày càng hiệu quả, thực chất và đi vào chiều sâu.”
Chỉ vài ngày trước khi ông Biden tới Hà Nội, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đón Trưởng ban liên lạc đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu. Cuộc gặp được cho là nhằm tăng cường sự tin tưởng giữa hai Đảng trong lúc Hà Nội và Bắc Kinh kỷ niệm 15 năm thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trước đó vào cuối tháng 8, ông Trọng đã cùng Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội Hùng Ba lên Lạng Sơn để tham quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị giáp biên giới hai nước.
Sau khi thăm Trung Quốc trong tháng này, ông Chính dự kiến sẽ đến Mỹ tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, theo truyền thông trong nước.
Bà Hằng được Tuổi Trẻ trích lời nói với các phóng viên tại buổi họp báo ở Hà Nội hôm 14/9 rằng ông Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu của Việt Nam tham gia phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 của Đại hội đồng LHQ ở New York và kếp hợp hoạt động song phương tại Mỹ từ 17 đến 23 tháng này.
Theo người phát ngôn, ông Chính dự kiến phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng LHQ và hội kiến tổng thư ký LHQ cũng như chủ tịch Đại hội đồng LHQ bên cạnh các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.
Cũng đưa tin về hoạt động sắp tới của ông Chính tại Mỹ, VnExpress cho biết người đứng đầu chính phủ Việt Nam dự kiến có cuộc gặp gỡ, hội kiến với lãnh đạo chính quyền, quốc hội Mỹ và tham dự một số hoạt động liên quan đến kinh tế, thương mại giữa hai nước, cùng một số hoạt động đối ngoại khác.
“Chuyến công tác đến Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa các kết quả của chuyến thăm của Tổng thống Biden,” bà Hằng được VnExpress trích lời nói.
Sau các hoạt động ở Mỹ, ông Chính sẽ tới Brazil trong chuyến thăm cấp nhà nước và dự kiến hội đàm với Tổng thống Lula da Silva cũng như gặp lãnh đạo quốc hội Brazil. Theo VnExpress, Brazil hiện là đối tác kinh tế, thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin, với kim ngạch thương mại đạt 6,78 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 6,6% so với năm trước đó.
Không có nhận xét nào