Quê Hương tổng hợp
Tỉnh Bình Thuận không “phá rừng” để làm dự án hồ Ka Pét
Ngọc Linh Lan/VNTB
18/9/2023
Chặt 600 ha cây rừng chỉ là “khai thác” chứ không phải là… “phá rừng”
Báo chí nhà nước đồng loạt đăng rằng đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội – cơ quan thẩm tra của Quốc hội về dự án hồ Ka Pét, ông Nguyễn Phương Tuấn cho biết, ngày 4-9 xuất hiện bài báo “Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi” trên một tờ báo điện tử nói UBND tỉnh Bình Thuận “phá” 600 ha rừng để xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét.
Theo ông Tuấn, sau khi thông tin này được đăng tải, việc bài viết 3 lần liên tục sử dụng từ “phá rừng” đã “gây ra một luồng phản ứng rất xấu, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Quốc hội, Chính phủ”.
Ông Tuấn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về hồ Ka Pét, Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin và có giải pháp xử lý nhanh, tránh gây bức xúc trong dư luận.
“Báo cáo các đồng chí là đến 18 giờ ngày 4-9, trên mạng đã xuất hiện những thông tin đúng hơn, khách quan hơn, nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ về dự án”, theo ông Tuấn.
“Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cơ quan liên quan chấn chỉnh việc đăng tải thông tin về việc phá rừng để thực hiện dự án; xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật”, ông Tuấn nêu.
“Báo cáo với các vị đại biểu là sau khi có ý kiến của UBND tỉnh thì báo vào ngày 7 – 8 gì đó đã sửa là khai thác, chứ không phải là phá 600 ha rừng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cá nhân tôi tin rằng ông Nguyễn Phương Tuấn tuy đang quyền cao chức trọng nhưng về cách sử dụng tiếng Việt của ông thật sự rất cần xem lại, bao gồm cả cách diễn giải vấn đề mang tính luật pháp.
Về quy phạm pháp luật thì theo điểm 3.2 mục IV thông tư liên lịch số 19/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 08 tháng 3 năm 2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì “Phá rừng trái phép” là chặt phá rừng, ken cây và các hành vi khác trái pháp luật làm cho cây rừng bị chết với bất kỳ mục đích gì, trừ các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 Phần IV này.
Theo khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là hành vi bị nghiêm cấm.
Trong đó, tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP có đề cập đến hành vi phá rừng trái pháp luật. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật là hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện hành, tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt lên đến 15 năm tù. Cụ thể, người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy trong trường hợp cụ thể của dự án hồ Ka Pét, nếu phải biên tập cho bài báo mà đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội đã cho rằng phải “xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật”, thì nên viết nhấn rõ ở đây 3 lần là: “tỉnh Bình Thuận sẽ phá rừng với sự đồng ý của Quốc hội”, tức phá rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ Nguyễn Phương Hằng: Tòa xét xử công khai, lưu ý người dân không được tụ tập trước tòa
RFA
18/9/2023
Ông Phạm Ngọc Duy-Chánh VP TAND TPHCM cho biết Vụ bà Nguyễn Phương Hằng sẽ được xét xử vào ngày 21/9 (HMH)
NLĐ/hình cắt từ Fb-RFA edited
Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý người dân tránh tụ tập đông người xung quanh khu vực tòa án trong phiên xét xử công khai vụ bà Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ trong ngày 21/9.
Ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân TPHCM cho truyền thông hay tin trên trong ngày 18/9.
Ông Duy cho biết thêm, phiên xử không được phát sóng trực tiếp hoặc trình chiếu diễn biến và đây là lần đầu tiên TAND TP HCM đưa ra xét xử hình sự hành vi "livestream" (phát trực tiếp) nói xấu người khác trên nền tảng mạng xã hội.
Theo ông Duy, phiên xử nhận được sự quan tâm từ đông đảo dư luận khi bà Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) và nhiều người có nghĩa vụ liên quan là người nổi tiếng. Do đó để đảm bảo an ninh, trật tự của phiên xét xử, chánh văn phòng TAND TPHCM lưu ý người dân hạn chế tụ tập trước trụ sở tòa án, ảnh hưởng đến việc lưu thông. Ông Duy khuyên người dân quan tâm đến phiên tòa có thể theo dõi thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo nội dung vụ án, bà Hằng đã thực hiện nhiều buổi livestream trên mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân, đưa lên mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của nhiều người.
Ông Đặng Anh Quân, bà Nguyễn Thị Mai Nhi, bà Lê Thị Thu Hà và ông Huỳnh Công Tân đồng phạm với vai trò giúp sức cho bà Hằng.
Tòa án cũng đã triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan gồm ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo - luật sư, thạc sĩ luật), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà, ông Huỳnh Uy Dũng (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Đại Nam), ông Nguyễn Đình Kim đến tham gia vụ án.
Phiên tòa dự kiến kết thúc vào ngày 22/9.
Tháng đầu tiên của VinFast trên Phố Wall
Michael Tatarski
VNTB
18/9/2023
Nhà máy Vinfast Hải Phòng thực sự sản xuất được bao nhiêu chiếc với công suất được cho là 250.000 xe hơi/năm?
Ngay sau khi ra mắt, giá VFS đã bùng nổ và nhanh chóng xâm nhập vào lãnh thổ cổ phiếu “meme”, thu hút sự chú ý lớn khắp nơi.
Đợt tăng giá cuối tháng 8 đã mang lại cho VFS mức vốn hóa thị trường đáng kinh ngạc khoảng 200 tỷ USD, chỉ sau Tesla và Toyota, đồng thời nhanh chóng đưa Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng (hiện nắm giữ 99,7% tổng số cổ phiếu VFS thông qua cả vị trí cá nhân và công ty cổ phần). ) vào top 20 người giàu nhất thế giới, ít nhất là về mặt tài sản trên giấy tờ.
Nhưng giá cổ phiếu đã giảm đáng kể. Vào đầu tháng này, các chuyên gia thị trường nói với Nikkei Asia rằng mức định giá này là “khó hiểu” và cổ phiếu vẫn chưa được các nhà phân tích đánh giá cao. (Ứng dụng môi giới chứng khoán của tôi không hiển thị lời khuyên mua, bán hoặc giữ.)
Các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin về sự giàu có bùng nổ của ông Vượng mỗi sáng khi cổ phiếu tăng giá, thông tin này chỉ biến mất khi giá cổ phiếu Vinfast tiếp đất.
Trong khi đó, hồ sơ mới nhất của VinFast lên SEC từ ngày 12 với tất cả các loại chi tiết quan trọng về tình hình kinh doanh hiện tại và các kế hoạch tương lai của họ (vẫn giữ nguyên tính cách, và cực kỳ tham vọng.)
Đầu tiên, VFS có kế hoạch bắt đầu cung cấp xe điện dẫn động bên phải vào năm 2024 cho Indonesia và đầu tư dài hạn lên tới 1,2 tỷ USD vào quốc gia này, gồm một nhà máy trị giá 200 triệu USD sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.
Từ năm tới, họ cũng có kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh cũng như các quốc gia Châu Âu ngoài các quốc gia trọng tâm hiện tại là Pháp, Đức và Hà Lan. Tóm lại, theo hồ sơ, VFS đã xác định được tới 50 thị trường có tiềm năng mở rộng.
Bây giờ hãy kiểm tra thực tế: Doanh số bán hàng của VinFast ở Mỹ rất thấp và tôi không thấy thông tin cập nhật nào về số xe họ đã vận chuyển đến Canada vài tháng trước. Họ đã giao không một chiếc xe hơi nào sang châu Âu (trong khi các công ty xe điện của Trung Quốc đang đạt được những bước tiến lớn ở đó), với những câu hỏi đặt ra về việc liệu VFS có bao giờ ra mắt ở Châu Âu hay không. Cũng không có thông tin cập nhật nào về tiến độ xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina, trong đó Tổng biên tập Tạp chí Kinh doanh Triangle có trụ sở tại Raleigh yêu cầu ông Vượng phải minh bạch. (Các thương hiệu xe điện Trung Quốc cũng đang đến Đông Nam Á.)
Hồ sơ của SEC cũng cho biết, trong số 11.300 xe điện được VinFast bán ra trong 6 tháng đầu năm, có 7.100 chiếc được bán cho Green and Smart Mobility (GSM), hãng taxi điện thuộc sở hữu của Tập đoàn VinGroup.
Như đã đề cập ở trên, điều này không có gì đáng ngạc nhiên: taxi GSM màu xanh ngọc có mặt ở khắp mọi nơi tại, trong khi xe điện VinFast có nhãn dán GSM và biển số màu vàng của một chiếc xe gọi xe thì có cũng nhiều như vậy.
Tất nhiên, việc bán xe hơi cho chính mình vốn dĩ không có gì sai, nhưng điều này không cho thấy nhu cầu lớn của người tiêu dùng thường xuyên và cũng khiến người ta tự hỏi nhà máy Hải Phòng thực sự sản xuất được bao nhiêu chiếc với công suất được cho là 250.000 xe hơi/năm.
Chúng ta đã thấy một ví dụ khác gần đây về hệ sinh thái của Tập đoàn VinGroup đang hoạt động, đó là việc Vincom cung cấp 1.000 xe hơi Vinfast cho người mua bất động sản của họ trong một số dự án lớn.
Đủ để nói rằng Vinfast vẫn còn phải chứng tỏ rất nhiều thứ.
https://vietnamthoibao.org/vntb-thang-dau-tien-cua-vinfast-tren-pho-wall/
Trung tâm văn hóa 50 tỷ đồng tại Quảng Bình đổ sập khi đang thi công
Khi đang đổ bê tông sảnh trước, công trình Trung tâm Văn hoá huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) bất ngờ bị đổ sập, biến dạng hoàn toàn…
Hiện trường sập đổ của công trình Trung tâm Văn hóa huyện Tuyên Hóa, sáng 17/9. (Ảnh chụp màn hình video/Người dân ghi lại/Hội đồng hương Quảng Bình – 73)
UBND huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) xác nhận công trình Trung tâm Văn hóa huyện đã bị đổ sập vào sáng 17/9 khi đang đổ bê tông sảnh trước.
Sự cố xảy ra vào khoảng 11h trưa. Tại hiện trường, toàn bộ sàn bê tông phía trước sảnh của công trình bị biến dạng hoàn toàn. Hệ thống cọc thép chống sàn, giàn giáo sập đổ. Công trường ngổn ngang vật liệu xây dựng.
Tại thời điểm này, các công nhân vừa đổ xong bê tông sàn sảnh trước, rời khỏi khu vực công trường để chuẩn bị ăn trưa nên may mắn thoát nạn. Tuy nhiên, có hai công nhân ở lại dọn dẹp máy móc, thiết bị tại công trường nên bị thương.
Theo video do người dân ghi lại, các công nhân đang khênh nạn nhân ra, đưa đi cấp cứu.
Trung tâm văn hóa huyện 50 tỷ đồng sập đổ khi vừa đổ mái sảnh. (Nguồn: Người dân ghi lại/Hội đồng hương Quảng Bình – 73)
Theo Trung Tâm Văn hóa – Thể thao & Truyền thông Tuyên Hóa, Trung tâm Văn hóa huyện Tuyên Hóa là công trình trọng điểm của huyện, do UBND huyện Tuyên Hóa làm chủ đầu tư.
Công trình có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Được khởi công vào ngày 26/12/2022, công trình có quy mô xây dựng là khối nhà cao 2 tầng và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 1.504m2, tổng diện tích sàn gần 2.700 m2, bao gồm phòng khán giả có sức chứa 400 chỗ ngồi.
Đơn vị thực hiện xây lắp công trình là liên danh Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Quang Trương và Công ty TNHH xây dựng Đức Thắng.
Nguyễn Sơn
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lên đường đến Mỹ
Phó Đại sứ Hoa Kỳ Melissa Anne Bishop; Tham tán Kinh tế Lynne B. Gadkowski, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tiễn Thủ tướng Việt Nam lên đường đến Mỹ. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa lên đường dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ ngay sau sau khi kết thúc chuyến công du Trung Quốc.
Lúc 17h30 ngày 17/9, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao đã lên đường đến Mỹ để tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ.
Tháp tùng ông Chính lần này là 9 bộ trưởng gồm các bộ: Công an, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, VHTT&DL, Thông tin và Truyền thông, Y tế, TN&MT.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco cũng tháp tùng Thủ tướng.
Chuyến đi này của Thủ tướng Việt Nam bắt đầu chỉ vài giờ ngay sau khi ông vừa kết thúc các hoạt động tại TP. Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) nhân dịp tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 20.
Ông Chính dự kiến có các cuộc gặp gỡ, hội kiến với lãnh đạo chính quyền, quốc hội Mỹ và tham dự một số hoạt động liên quan đến kinh tế, thương mại giữa hai nước. Ông cũng gặp lãnh đạo một số nước tham gia hội nghị; dự diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo; thăm các công ty công nghệ tại Mỹ…
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính “có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa các kết quả chuyến thăm của Tổng thống Biden”.
Ngày 23/9, sau khi hoàn thành các sự kiện đối ngoại tại Mỹ, ông Chính sẽ thăm chính thức Brazil, hội đàm với Tổng thống Lula da Silva, gặp lãnh đạo quốc hội Brazil và có một số hoạt động khác.
Khánh Vy (t/h)
Nguyễn Thông - Đấu giá
Trên mạng xã hội cũng như báo mậu dịch, không ít người ủng hộ việc đấu giá biển số xe "đẹp". Rằng thu tiền từ nhà giàu về cho ngân sách tại sao lại không làm. Có người còn bảo cứ công khai như vậy thì mới chặt được thói dấm dúi tự tung tự tác của công an lâu nay, v.v...
Có "chặt" được hay không thì tôi chẳng rõ, nhưng cho rằng thu về ngân sách thì là chuyện khó tin. Bao năm rồi, rất nhiều thứ thu về ngân sách nhưng lỗ hà lỗ hổng đầy. Kiếm tiền, cứ núp bình phong ngân sách là dễ được OK nhất.
Đành rằng tổ chức đấu giá công khai là theo luật định, nhưng không phải cứ đấu giá công khai thì không có chuyện.
Chắc nhiều người còn nhớ vụ đấu giá 4 lô đất "vàng" ở Thủ Thiêm hồi giữa tháng 12.2021. Có đại gia trả tới 2,4 tỉ đồng/m2, một mét vuông bằng giá một căn nhà loại khá, cả 4 lô thu về hơn 37 nghìn tỉ đồng. Giá đấu thắng rất đáng ngờ, nhưng chính quyền lẫn không ít người vẫn hân hoan, tiền thu về cho nhà nước có chi mà ngại.
Cuối cùng các đại gia xù hết, chả thèm nộp tiền nhận đất. Giá 2,4 tỉ đồng/m2 mà nộp tiền mấy chục nghìn tỉ cho lô đất ruộng, họa chăng điên khùng. Đại gia chỉ có âm mưu chứ đâu có điên khùng.
Lần đấu biển số này cũng vậy. Hơn 32 tỉ đồng cho một cái biển số, tức là có thể mua được 32 chiếc xe loại hơn 1 tỉ. Đấu giá chỉ nộp 40 triệu đồng đặt cọc, đối với kẻ có âm mưu thì số tiền ấy chỉ là muỗi. Tham gia trò vui cho vui thôi. Tôi 99 % tin rằng cái đứa mua biển số xe giá 32 tỉ kia sẽ bỏ cọc. Cũng như vụ 4 lô đất Thủ Thiêm vậy. Cứ chờ xem.
Lẽ đơn giản rằng, trong đồng tiền kiếm được luôn có mồ hôi nước mắt, kể cả đại gia. Chả đứa nào ném tiền qua cửa sổ kiểu như vậy đâu. Nó có nhất thời nổi hứng thì cũng còn gia đình nó, vợ con nó ý kiến ý cò.
Đời ở xứ này luôn là trò vui, kể cả những trò có chính quyền, nhà nước tham gia.
NGUYỄN THÔNG 17.09.2023
Vì sao nhiều người tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội
Liên Thành
Mắc kẹt trong đám cháy chung cư mini được lực lượng chức năng đưa ra ngoài. (Ảnh: Danh Trọng/Tuổi Trẻ).
Thượng úy PCCC Phạm Trương Tuấn Anh cho hay, khu vực có nhiều người chết nhất là từ cầu thang bộ từ tầng 7 trở lên. “Có thể khi xảy ra cháy, nhiều người chạy xuống dưới nhưng khói lửa bùng mạnh nên lại chạy ngược lên trên tầng thượng với hy vọng thoát nạn. Hoảng loạn, cầu thang hẹp, lượng người quá lớn đã dẫn đến thảm kịch”, anh nói với VnExpress.
Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị 24 bệnh nhân trong vụ cháy chung cư ở Khương Hạ, tổn thương chủ yếu là do ngạt khói. Theo các bác sĩ, khí CO sản sinh từ những vụ cháy có thể khiến nạn nhân ngất, dần hôn mê, ngưng thở, nhanh chóng tử vong. Hầu hết ca tử vong trong các vụ hỏa hoạn là do ngạt và nhiễm độc khí.
Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng xác nhận đa phần nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung mini ở Khương Hạ do nhiễm khói. Tòa nhà có giếng trời, khi xảy ra cháy, khói và lửa đã theo giếng thông gió này ngược lên trên, qua cửa sổ vào trong các gian phòng.
Ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia PCCC cho rằng, “với tòa nhà chỉ có lối thoát nạn duy nhất thì phải bảo vệ tuyệt đối bằng bằng cách xây dựng buồng thang và có cửa chống cháy, ngăn khói”.
Tuy nhiên, theo ông, một trong những nguyên nhân khiến số lượng người tử vong cao trong vụ cháy chung cư là người dân thiếu kỹ năng ứng phó.
Lực lượng cứu hộ kể lại khi tòa chung cư mini cháy, nhiều nạn nhân đã vào nhà vệ sinh đóng kín cửa, vặn nước dẫn đến tử vong do ngạt khói. Một số khác hoảng loạn chui dưới gầm giường, trốn trong tủ quần áo, có người nhảy từ tầng cao xuống dẫn đến tử vong hoặc bị thương nặng.
Trong khi đó, một số cư dân có kỹ năng ứng phó đã tự cứu được bản thân và gia đình. Anh Nguyễn Công Huy (41 tuổi, sống ở tầng 3 chung cư) đã dùng thang dây trang bị trước đó để trèo xuống dưới an toàn, 7 người ở hai căn hộ khác cũng đã thoát nạn theo lối này. Lính cứu hỏa sau đó cũng theo thang dây lên tầng 5 để cứu thêm 4 người trong một gia đình.
Chung cư mini 10 tầng cách mặt phố Khương Hạ khoảng 500 m, nằm sâu trong ngõ, ngách gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn. 15 xe cứu hỏa được điều đến hiện trường nhưng phải dừng cách đó chừng 400 m, do ngõ vào quá hẹp, chỉ khoảng 3 m. Cảnh sát phải kéo dòng vòi rồng dẫn nước từ téc bên ngoài vào để dập lửa. Xe thang hiện đại cũng được điều đến nhưng không thể sử dụng, lính cứu hỏa phải sử dụng thang nhỏ trèo lên các tầng nhà.
Trong khi đó, theo Quy chuẩn 06 về kỹ thuật an toàn cháy, các tòa chung cư cao từ 7 tầng trở lên phải đảm bảo đường vào cho xe chữa cháy, bãi đỗ xe chữa cháy không xa quá 10 m, tòa nhà phải bố trí các họng nước chữa cháy.
Ngoài ra, các chuyên gia và lực lượng cứu hộ cho rằng, đám cháy xảy ra lúc nửa đêm cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân không kịp thoát hiểm và việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện các nhà chức trách chưa công bố nguyên nhân xảy ra cháy.
Không có nhận xét nào