Quê Hương tổng hợp
VNCS: Thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài
26/9/2023
Hàn Lam
(VNTB) – Dường như không có lực đòn bẩy nào xuất hiện sau khi Việt Nam – Hoa Kỳ thông báo là nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện từ hôm 11-9-2023.
Giới đầu tư vừa phải trải qua phiên giao dịch đầu tuần “dầu sôi lửa bỏng”, toàn thị trường có gần 900 mã cổ phiếu bị rớt giá, chỉ số VN-Index giảm gần 40 điểm, lùi về mốc 1.153 điểm. Như vậy chỉ trong ba phiên gần đây, chỉ số chứng khoán này đã bị rớt một mạch tổng cộng tới 73 điểm.
Cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) đã mất 40% kể từ khi Công ty con của tập đoàn này – VinFast (mã VFS) niêm yết trên thị trường Nasdaq (Mỹ) hôm 15-8.
Hiện tượng cổ phiếu bị xả tại mức giá sàn xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành, trong đó tập trung nhiều nhất ở nhóm bất động sản, chứng khoán, thép. Lực bán sau đó lan rộng ra nhiều nhóm ngành giao dịch tích cực cuối tuần trước như dệt may, thủy sản, hóa chất.
Mã cổ phiếu VIC giảm sàn còn 46.500 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 11-2017. Trước thời điểm hãng ô tô VinFast niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq, mã VIC từng nổi sóng tăng giá từ quanh 50.000 đồng cuối tháng 7 lên vùng đỉnh 75.000 đồng/cổ phiếu trung tuần tháng 8-2023.
Sau đó, cổ phiếu VIC bước vào giai đoạn giảm sâu, giá cổ phiếu giảm từ vùng đỉnh xuống còn 46.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mất gần 40% giá trị.
Từ khi niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua một công ty “rỗng”, VinFast đã cho thấy biên độ lên xuống giá cổ phiếu thất thường do tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do rất thấp (khoảng 1%), 99% còn lại do ông Phạm Nhât Vượng và 2 công ty liên quan nắm giữ.
Dữ liệu FiinRatings vừa công bố cho thấy quy mô trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường còn 923.000 tỷ đồng vào cuối tháng 8-2023, giảm đáng kể với thời đỉnh cao giữa năm 2022 (1,5 triệu tỷ đồng).
Tổng số giá trị đang lưu hành nói trên, từ ngân hàng phát hành chiếm 33%, tương đương 304.000 tỷ đồng; bất động sản 347.000 tỷ đồng (chiếm 37,6%); còn lại từ doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng, xây dựng, sản xuất và dịch vụ.
Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 169.840 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng là nhóm dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,7% tổng giá trị mua lại trước hạn.
Theo một thống kê của FiinRatings, tính đến quý 2-2023 chỉ ra với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phi ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân sở hữu khoảng 40,3%, tiếp đến là tổ chức tín dụng (30,7%), công ty chứng khoán (7,2%), doanh nghiệp bảo hiểm (3,8%) và quỹ đầu tư (1,3%).
Trong khi quy mô tài sản của 87 quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đạt mức 73.400 tỷ đồng vào cuối năm 2022, nhưng phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và chưa phát triển.
Ở dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế quý 4-2023, Ngân hàng UOB (tiếng Anh-United Overseas Bank Limited) Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản nữa vào cuối năm nay.
Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2/2023 thực hiện bởi Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu (Global Economics & Market Research) của UOB ghi nhận: Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý 2 năm 2023 đã tăng lên 4,14% từ mức đã điều chỉnh 3,28% trong quý 1 năm 2023.
Như đã diễn ra kể từ đầu năm 2023, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng ảm đạm tiếp tục đến từ hoạt động sản xuất và nhu cầu bên ngoài sụt giảm. Xem ra trong nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,72% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với con số 6,46% trong nửa đầu năm 2022.
“Nhìn xa hơn vào những kết quả này, triển vọng trong thời gian còn lại của năm có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì những dữ liệu mới nhất được công bố chưa thật sự ấn tượng. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 vào tháng 8 năm 2023 sau 5 tháng giảm liên tiếp (dưới 50) và mức thấp nhất (45,3 vào tháng 5) kể từ tháng 9 năm 2021 và là quốc gia có chỉ số kém nhất ở châu Á vào thời điểm đó. Tuy nhiên, PMI của Việt Nam đã kém hơn PMI chung của khu vực ASEAN trong tháng thứ 12 liên tiếp.
Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua (tháng 8 năm 2023: giảm 8,5% so với cùng kỳ) trong khi nhập khẩu chứng kiến 10 tháng giảm liên tiếp (tháng 8 năm 2023: giảm 5,8% so với cùng kỳ). Nhu cầu bên ngoài suy yếu được thể hiện qua xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (thị trường lớn nhất chiếm 28% tổng xuất khẩu), đã giảm 9 tháng trong 10 tháng qua (tháng 8 năm 2023: giảm 9,4%)” – trích Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2-2023 của UOB.
_____________
Tham khảo:
https://vietnamthoibao.org/vntb-thi-truong-chung-khoan-am-dam-keo-dai/
Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước bị tòa phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù giam
RFA
2023.09.26
Giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước trong một tấm hình chụp vào tháng 11/2021
Fb Đăng Phước
Trong phiên phúc thẩm chỉ kéo dài hai giờ đồng hồ vào sáng 26/9, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng bác bỏ kháng cáo kêu oan của giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước, giữ nguyên mức án tám năm tù giam và bốn năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Bà Lê Thị Hà, vợ của ông Phước, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết chỉ có bà và một vài người bạn trên Facebook của ông mới được vào phòng xử án tại trụ sở của Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk với tư cách là nhân chứng và người có quyền lợi liên quan.
Bà Hà nhận xét về phiên toà phúc thẩm:
“Tôi đã được dự hai phiên toà, một là sơ thẩm, hai là phúc thẩm. Với hai phiên toà này thì tôi chẳng thấy có gì khác biệt cả, phiên toà hoàn toàn không công bằng.
Ba luật sư Nguyễn Hà Luân, Lệ Quyên và Lê Xuân Anh Phú đều đưa ra những chứng cứ và các bài viết bài đăng của anh Phước không có chứng cứ buộc tội nhưng toà vẫn phán quyết theo kiểu của người ta.”
Bà khẳng định chồng mình vô tội, không làm điều gì sai như bản án đã tuyên. Bà cho biết ông Phước bất bình với phán quyết cuối cùng và sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp cao hơn.
“Anh Phước nói rằng bản án không công bằng, quy chụp và chụp mũ kết tội anh nên anh sẽ kháng cáo lên toà án cấp cao.”
Theo Bộ luật tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2015, chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ án chính trị, phán quyết của toà án cấp cao khu vực thường là phán quyết cuối cùng, và chưa có trường hợp nào được xem xét giám đốc thẩm trong nhiều năm gần đây.
Trong phiên xử, ông Phước khẳng định mình không có ý định chống phá nhà nước như cáo trạng, mà chỉ góp ý và phản biện bằng các bài viết để có một chính quyền tốt hơn nhằm đưa đất nước phát triển cũng như hạn chế bất công trong xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng giữ nguyên quan điểm rằng những hành động của ông đủ cấu thành tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Ông Phước, 61 tuổi, là giảng viên âm nhạc của Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Ông bị bắt ngày 08/9/2022 và trong phiên sơ thẩm đầu tháng 6 vừa qua, ông bị Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kết tội cho dù ông và luật sư luôn khẳng định ông chỉ thực thi quyền tự do biểu đạt một cách ôn hoà, ủng hộ tự do, dân chủ, nhân quyền, trợ giúp dân oan, và bảo vệ môi trường cũng như chủ quyền quốc gia.
Cáo trạng cho rằng ông Phước đã “viết hoặc tải từ mạng Internet nhiều bài viết có nội dung không khách quan, không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân... gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.”
Nội dung của cáo trạng cũng đề cập đến sự kiện đàn áp Đồng Tâm, hoà hợp dân tộc, chống tham nhũng, phê phán chính sách đối phó với đại dịch COVID…
Ông còn bị cho là sử dụng thư điện tử để gửi nhiều bài viết có nội dung nêu trên đến nhiều cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong và ngoài nước cũng như ký tên vào 20 kiến nghị, kháng thư, và tuyên bố của các nhân sĩ trí thức đề nghị sửa đổi Hiến pháp, phản đối Trung Quốc, bãi bỏ Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự 1999…
Ông cũng bị cáo buộc trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hát nhiều bài hát với nội dung "gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước và lôi kéo người nhẹ dạ để diễn biến hoà bình.”
Một ngày trước phiên phúc thẩm, tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại nhà giáo Đặng Đăng Phước và trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh Quốc) nói:
“Việt Nam phải chấm dứt việc giam giữ các nhà hoạt động chỉ vì họ thực hành quyền tự do biểu đạt của mình. Đồng thời, phải trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người đang bị giam giữ tùy tiện.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) coi ông là nhà hoạt động chống tham nhũng và chống lạm quyền, người bảo vệ nhân quyền và môi trường. Một ngày trước phiên phúc thẩm, tổ chức này cũng thúc giục Việt Nam phóng thích ông ngay lập tức và vô điều kiện.
Theo thống kê của RFA, ông Phước là nhà hoạt động thứ 11 bị kết án trong năm nay và là người thứ sáu bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, một điều khoản được sử dụng để bịt miệng giới bất đồng chính kiến.
Nhiều quốc gia dân chủ kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc xoá bỏ Điều 117 và một số điều khoản khác trong chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự để tương thích với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-court-upholds-lengthy-prison-sentence-of-music-lecturer-dang-dang-phuoc-09262023011129.html
Luật Khoa 360: Hoàng Thị Minh Hồng và tội trốn thuế
Án trốn thuế hay án chính trị?
Luật Khoa tạp chí
26/9/2023
Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, cựu giám đốc điều hành của tổ chức CHANGE, sẽ bị đưa ra xét xử về tội trốn thuế tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28/9/2023, hai nguồn tin của Luật Khoa tạp chí tại Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và một tổ chức quốc tế khác cho hay.
Hoàng Thị Minh Hồng là ai?
Bà Hồng là sáng lập viên và giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận CHANGE từ năm 2013 tới năm 2022. [1]
Bà được biết đến như một nhà hoạt động môi trường nổi bật và là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực. Bà cũng là học giả tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo của Obama Foundation. [2]
CHANGE là tên thường gọi của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển. Đây là một tổ chức khoa học - công nghệ, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Sau khi từ chức giám đốc điều hành tại CHANGE năm 2022, bà Hồng lập ra một công ty tư vấn về môi trường có tên là CHOICE.
Tháng 11/2022, CHANGE tuyên bố đóng cửa. [3]
Vụ bắt giữ ngày 31/5/2023
Ngày 31/5/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ bà Hồng cùng chồng và và một số nhân viên của công ty CHOICE, cũng như tiến hành khám xét nơi ở và trụ sở công ty, theo một công thư của Liên Hiệp Quốc gửi chính phủ Việt Nam đề ngày 28/7/2023. [4]
Lệnh tạm giữ ghi lý do là “tội trốn thuế”.
Chồng bà và các nhân viên được trả tự do vào chiều cùng ngày, riêng bà Hồng tiếp tục bị tạm giữ.
Ngày 3/6, chồng bà Hồng nộp 200 triệu đồng cho chính quyền để khắc phục hậu quả.
Ngày 5/6, Cơ quan Cảnh sát Điều tra trực thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam bà Hồng với cáo buộc “trốn thuế”, theo bản kết luận điều tra đề ngày 24/8/2023.
Sự im lặng của chính quyền và báo chí nhà nước
Sau khi rộ lên tin đồn bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt ngày 31/5, chính quyền không có bất kỳ phát ngôn nào. Phát ngôn liên quan duy nhất là câu trả lời chung chung, không cụ thể của người phát ngôn Bộ Ngoại giao chiều ngày 1/6, trong đó không khẳng định cũng không phủ nhận vụ bắt giữ. [5]
Đến ngày 21/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh mới công bố thông tin về vụ bắt giữ bà Hồng. Tới lúc này, báo chí nhà nước mới đưa tin. [6]
Kết luận điều tra và cáo trạng nói gì?
Trung tâm CHANGE hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Bà Hồng bị cáo buộc chỉ đạo Trung tâm CHANGE trốn 6.791.057.493 đồng (khoảng gần 6,8 tỷ đồng), trong đó một nửa là thuế giá trị gia tăng, một nửa là thuế thu nhập doanh nghiệp.
Từ khi thành lập vào năm 2013 đến tháng 6/2022, CHANGE có doanh thu tổng cộng gần 68 tỷ đồng, gồm tiền dịch vụ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhưng “không kê khai, không nộp bất kỳ tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp nào”, tương tự với thuế giá trị gia tăng. Chỉ từ năm 2022, CHANGE mới nộp ba tờ khai thuế giá trị gia tăng và một tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tại cơ quan điều tra, bà Hồng “thừa nhận hành vi phạm tội của mình” và “viết đơn xin nộp số tiền đã trốn thuế nhằm khắc phục hậu quả”.
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định truy tố bà Hồng ra tòa với cáo buộc trốn thuế theo Khoản 3, Điều 200 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Bà Hồng không có tình tiết tăng nặng.
Bà Hồng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bao gồm “khai báo rõ ràng, thành khẩn, ăn năn hối cải”, “tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”, “có thành tích xuất sắc trong công tác”.
Bối cảnh
Sau khi bà Hồng bị bắt, hàng loạt tổ chức đã lên tiếng phản đối và/ hoặc yêu cầu Việt Nam trả tự do cho bà, trong đó có Liên Hiệp Quốc, 65 tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ, Đại học Columbia, v.v. [7] [8] [9] [10]
Bà Hồng là người thứ sáu bị bắt giữ có liên quan đến các tổ chức phi lợi nhuận đã đăng ký trong nước mà chính quyền Việt Nam nhắm tới từ năm 2021 tới nay, bao gồm Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương (MEC), Đặng Đình Bách (LPSD), Ngụy Thị Khanh (GreenID), và Nguyễn Sơn Lộ (SENA). Ngoại trừ vụ của ông Lộ là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, còn lại đều là tội trốn thuế. Mới đây, vào ngày 15/9/2023, chính quyền đã bắt người thứ bảy, bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc của VIETSE - một doanh nghiệp xã hội chuyên về năng lượng. [11]
Một báo cáo nghiên cứu của Dự án 88 - một tổ chức nhân quyền Việt Nam đăng ký tại Hoa Kỳ - kết luận rằng các vụ án “trốn thuế” nêu trên đều có động cơ chính trị và không được xét xử công bằng. [12]
https://www.luatkhoa.com/2023/09/luat-khoa-360-hoang-thi-minh-hong/
Brazil nói Việt Nam muốn ký thỏa thuận thương mại với khối Mercosur
26/9/2023
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva chào hỏi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Cung điện Itamaraty ở Brasilia, 25/9/2023.
Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, ngày 25/9 cho biết Việt Nam tỏ ra quan tâm đến một thỏa thuận thương mại với khối Mercosur của Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay, đồng thời cho biết ông sẽ đưa chủ đề này ra thảo luận với các nước đó.
Ông Lula, đang làm chủ tịch nhóm Mercosur, cho biết ông muốn đưa các thành viên Mercosur đến gần hơn với các nước châu Á và nhấn mạnh là còn cơ hội để phát triển thương mại với Việt Nam, trong lúc ông chào đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Brasilia.
Động thái này diễn ra khi khối Mercosur đang cố gắng chung quyết một thỏa thuận thương mại được chờ đợi từ lâu với Liên minh châu Âu mà ông Lula đang thúc đẩy để hoàn tất vào cuối năm nay.
Khối Mercosur và EU đã đạt được thỏa thuận vào năm 2019 sau hai thập niên đàm phán nhưng vẫn bị đình trệ do lo ngại về môi trường.
Canada, Hàn Quốc và Singapore là những quốc gia đang đàm phán về các thỏa thuận thương mại với Mercosur. Ông Lula trước đây đã bóng gió về các thỏa thuận tiềm năng với Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và các nước ở Trung Mỹ và Caribê.
Nhà lãnh đạo Brazil hôm 25/9 cho biết ông đặt mục tiêu tăng cường hợp tác Brazil-Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục và quốc phòng, đồng thời cho biết thêm rằng cả hai chính phủ đã ký các thỏa thuận về các lĩnh vực đó trong cuộc gặp.
Vẫn theo lời ông, thỏa thuận về nông nghiệp sẽ mở rộng thêm thị trường Việt Nam cho hàng hóa Brazil.
Ông Lula cho biết thêm rằng một bản ghi nhớ về quốc phòng là ‘bước đầu tiên’ hướng tới một thỏa thuận trong tương lai mà qua đó sẽ mở ra cơ hội cho nước ông xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng sang Việt Nam, ‘kể cả máy bay.’
Thủ tướng Việt Nam hôm 23/9 đã đến thăm trụ sở nhà sản xuất máy bay Embraer của Brazil ở bang Sao Paulo.
Tổng thống Brazil cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam dành cho nỗ lực của Brazil muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và cho biết ông đã nhận lời mời của ông Phạm Minh Chính sang thăm Hà Nội vào năm tới.
Ông Lula nói: “Chúng tôi là hai quốc gia Nam Toàn cầu dốc lòng vì hòa bình, chủ nghĩa đa phương, phát triển bền vững và cuộc chiến chống lại đói nghèo”.
“Chúng tôi muốn có sự đại diện lớn hơn trong quản trị quốc tế,” ông nhấn mạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/brazil-noi-viet-nam-muon-ky-thoa-thuan-thuong-mai-voi-khoi-mercosur/7283936.html
Bòn bon Việt Nam xuất khẩu có hàm lượng thuốc trừ sâu quá cao
Định Tường
(VNTB) – Iceland đã hạn chế việc phân phối quả bòn bon nhập khẩu từ Việt Nam trên thị trường và thông báo lên trên hệ thống cảnh báo.
Iceland đã gửi một cảnh báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về Thực phẩm của Liên Minh Châu Âu về hàm lượng cao Carbaryl trong quả bòn bon của Việt Nam.
Theo thông báo của Ireland, hàm lượng Carbaryl (thuốc trừ sâu) có trong quả bòn bon (langsat) ở mức cao và có khả năng gây hại cho con người. Hàm lượng tối đa cho phép của Carbaryl là 0,01mg/kg – ppm, nhưng hàm lượng carbaryl được phát hiện trên bòn bon của Việt Nam xuất khẩu sang nước này lên tới 15,4 +/-50% mg/kg – ppm.
Tài liệu nông nghiệp cho biết, Carbaryl là một loại thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật) do con người tạo ra có độc tính cao đối với côn trùng. Hoạt chất này thường được sử dụng để kiểm soát rệp, kiến lửa, bọ chét, bọ ve, nhện và nhiều loài côn trùng gây hại ngoài trời khác.
Carbaryl đã được đăng ký để sử dụng trong các sản phẩm thuốc trừ sâu từ năm 1959. Hiện không có sản phẩm Carbaryl nào được đăng ký để sử dụng trong nhà để diệt các loài côn trùng như muỗi, gián, mối hoặc trên vật nuôi.
Khi ăn trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu thì Carbaryl được hấp thụ vào cơ thể. Tuy nhiên, da hấp thụ chậm hơn. Trong một nghiên cứu trên động vật, nồng độ Carbaryl cao nhất trong máu được tìm thấy từ 15 đến 30 phút sau khi ăn nhưng 4 đến 12 giờ sau khi tiếp xúc với da.
Khi vào bên trong, nó di chuyển theo dòng máu đến nhiều mô. Carbaryl hoạt động trên dây thần kinh bằng cách liên kết với một số enzym. Tuy nhiên, điều này không phải là vĩnh viễn. Trong một nghiên cứu trên động vật, một nửa lượng Carbaryl không bị ràng buộc trong vòng chưa đầy hai giờ.
Carbaryl sau đó được phân hủy thành các sản phẩm không hoạt động và được loại bỏ khỏi cơ thể. Trong một nghiên cứu, những con chuột được cho ăn một liều Carbaryl. Ít hơn một nửa lượng Carbaryl vẫn còn sau hai giờ; khoảng 97% phần trăm rời khỏi cơ thể trong nước tiểu và phân trong vòng 7 ngày.
Ngay sau khi tiếp xúc, cơ thể thường bị yếu, chóng mặt và đổ mồ hôi. Đồng tử giãn, thiếu phối hợp, co giật cơ và có thể xảy ra tình trạng nói lắp. Mọi người cũng có thể bị đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày, tiêu chảy hoặc chảy nước dãi. Mức độ nghiêm trọng của những tác dụng này có thể phụ thuộc vào liều lượng và cơ địa mỗi người.
Trong các trường hợp ngộ độc nặng, huyết áp cao, giảm trương lực cơ và co giật đã được báo cáo. Các dấu hiệu nghiêm trọng khác bao gồm khó thở, co thắt đường thở, sản xuất chất nhầy, tích tụ chất lỏng trong phổi và giảm chức năng tim và phổi.
Theo thông báo mới nhất của Iceland hiện nay, hàm lượng Carbaryl có trong quả bòn bon đến từ Việt Nam đang ở mức cao và có khả năng gây hại cho con người, hàm lượng tối đa cho phép của Carbaryl là 0,01mg/kg – ppm nhưng hàm lượng Carbaryl được phát hiện trên bòn bon của Việt Nam xuất khẩu sang Iceland lên tới 15,4 +/-50% mg/kg – ppm.
Các cơ quan chức năng của Iceland đánh giá đây là một trường hợp nghiêm trọng và hiện tại, nước này đã hạn chế việc phân phối quả bòn bon nhập khẩu từ Việt Nam trên thị trường của họ và thông báo lên trên hệ thống cảnh báo.
Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam đang vào mùa thu hoạch quả bòn bon – người địa phương gọi là quả lòn bon.
Những ngày này, khắp chợ quê Tiên Phước, cảnh kẻ bán người mua bòn bon rất nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Thuyền, một tiểu thương cho biết mỗi ngày, cơ sở của bà thu mua từ 1 – 2 tấn bòn bon để chuyển đi các mối tại Tam Kỳ, Đà Nẵng, một phần để lại ở nhà bán. Đây là loại đặc sản một năm chỉ có một lần nên khách rất ưa chuộng, giá bán năm nay cao hơn mọi năm từ 10.000 – 15.000 ngàn đồng/kg.
________________
Tham khảo:
https://webgate.ec.europa.eu/rasff-window/screen/notification/631922
Không có nhận xét nào