Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine:
08/9/2023
Lực lượng Nga phá hủy xe tăng Challenger 2 của Anh viện trợ cho Ukraine
Vladimir Rogov, quan chức do Nga bổ nhiệm ở khu vực phía nam Zaporizhzhia cho biết một chiếc xe tăng Challenger 2 đã bị phá hủy trong trận chiến gần ngôi làng Robotyne phía đông nam. Vladimir Rogov còn cho biết chiếc xe tăng này thuộc lữ đoàn 82 của quân đội Ukraine và có kế hoạch triển khai đến Crimea nhưng lại bị phá hủy ở nơi mà ông cho là tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga. Trước đó, Nga tuyên bố rằng lực lượng của họ đã phá hủy xe tăng chiến đấu Leopard 2 do Đức sản xuất và xe chiến đấu của Mỹ cùng với các khí tài khác do các nước như Pháp và Đan Mạch cung cấp cho Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, Russian forces destroy first British-supplied Challenger 2 tank in Ukraine, official says. Truy cập ngày 6/9/2023
Nga dùng drone tấn công cơ sở hạ tầng cảng Danube
Drone của Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng cảng sông Danube, nơi quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, làm ít nhất hai người bị thương. Vụ tấn công hôm Chủ Nhật diễn ra một ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dự kiến hội đàm tại khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen của Nga. Lực lượng Không quân Ukraine cho biết các hệ thống phòng không đã bắn hạ 22 trong số 25 drone Shahed do Nga phóng.
Xem thêm tại: Reuters, Russian drone attack hits Danube port infrastructure, Ukraine says. Truy cập ngày 4/9/2023
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắn hạ 3 drone gần biên giới khi Ukraine pháo kích khiến 1 người thiệt mạng
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết họ đã bắn hạ ba drone của Ukraine trên khu vực Belgorod, trong khi thống đốc khu vực nói rằng một người đàn ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào một ngôi làng gần biên giới. Các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine vào lãnh thổ Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây, với hàng chục drone tấn công Nga cùng một lúc vào một số ngày, vươn xa tới tận thành phố Pskov phía tây, cách Ukraine 400 dặm (600 km). Chính quyền do Nga thiết lập tại khu vực Kherson của Ukraine do Moscow kiểm soát cũng cho biết hôm thứ Bảy rằng Kyiv đã tấn công làng Maslivka bằng drone, làm bị thương một dân thường.
Xem thêm tại: Reuters, Russian defence ministry says it downed three drones near border as Ukrainian shelling kills 1. Truy cập ngày 3/9/2023
Nga cho biết họ đã bắn hạ drone do Ukraine phóng nhằm vào Moscow
Nga đã bắn hạ ít nhất ba drone do Ukraine phóng vào sáng sớm thứ Ba nhằm mục tiêu vào thủ đô của nước này. Bộ này cho biết hệ thống phòng không của họ đã tiêu diệt hai drone trên khu vực Kaluga và Tver, giáp khu vực Moscow, cũng như một chiếc gần thủ đô hơn, trên quận Istra của khu vực Moscow. 50 chuyến bay đã bị hủy hoặc hoãn vào sáng sớm thứ Ba từ bốn sân bay lớn xung quanh thủ đô – Vnukovo, Domodedovo, Sheremetyevo và Zhukovsky.
Xem thêm tại: Reuters, Russia says it downed Ukraine-launched drones targeting Moscow. Truy cập ngày 6/9/2023
Zelenskyy bác bỏ những lời chỉ trích, nói quân đội Ukraine đang ‘tiến về phía trước’
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm thứ bảy cho biết quân đội Ukraine đang “tiến công” trong cuộc phản công chống lại lực lượng Nga, bác bỏ quan điểm của các quan chức phương Tây cho rằng Ukraine đang tái chiếm lãnh thổ quá chậm. Tuần này, các quan chức Mỹ giấu tên đã bày tỏ sự thất vọng trước tiến độ chậm chạp và thậm chí sai lầm trong chiến lược của Ukraine. Trong bản cập nhật chiến trường hàng ngày, quân đội Ukraine báo cáo không có bước đột phá mới nào, nhưng cho biết quân đội của họ tiếp tục tiến về phía Melitopol, một trung tâm đô thị lớn do Nga chiếm đóng ở vùng Zaporizhzhia.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine troops are ‘moving forward’, Zelenskyy says in rebuff to critics. Truy cập ngày 3/9/2023
Ukraine báo thành công ở tiền tuyến, Bộ trưởng Nga chỉ trích thất bại của Kiev
Quân đội Ukraine hôm thứ ba báo cáo những tiến bộ và khả năng phòng thủ vững chắc dọc theo tiền tuyến của Nga, trong khi Moscow thừa nhận “căng thẳng” ở khu vực phía Nam nhưng cho rằng chiến dịch của Kyiv không có thành công nào. Kyiv đã chiếm lại một số ngôi làng trên đường tiến về phía nam tới Biển Azov và cho biết họ đang lấy lại lãnh thổ gần thành phố Bakhmut ở phía đông, bị Nga chiếm giữ hồi tháng 5. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng cuộc tấn công là một thất bại, đồng thời thừa nhận mọi việc không hề dễ dàng ở các khu vực phía đông nam Zaporizhzhia do Moscow kiểm soát.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine reports frontline success, Russian minister decries Kyiv’s failure. Truy cập ngày 7/9/2023
Mỹ công bố viện trợ mới 1 tỷ USD cho Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố viện trợ mới cho Ukraine với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD trong chuyến thăm Kiev, bao gồm khoảng 665 triệu USD hỗ trợ an ninh quân sự và dân sự. Khoản viện trợ mới của Mỹ sẽ bao gồm các hệ thống phóng tên lửa HIMARS, vũ khí chống tăng Javelin, xe tăng Abrams và các hệ thống vũ khí khác. Lầu Năm Góc cho biết họ cũng sẽ gửi đạn uranium nghèo, loại đạn có hiệu quả cao trong việc xuyên giáp, nhưng việc sử dụng chúng vẫn còn gây tranh cãi.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Blinken hails Ukraine counteroffensive as US announces $1bn in new aid. Truy cập ngày 7/9/2023
Zelenskyy nói rằng ông đã đạt được thỏa thuận quan trọng về đào tạo phi công ở Pháp
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết ông đã đạt được thỏa thuận rất quan trọng về việc đào tạo phi công Ukraine tại Pháp trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, tổng thống Zelenskyy không nói chi tiết về chương trình đào tạo. Dù Pháp không có máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine gần đây đã được Đan Mạch và Hà Lan hứa hẹn, nhưng Paris có máy bay chiến đấu Rafale và máy bay phản lực Mirage 2000 thế hệ trước.
Xem thêm tại: Reuters, Zelenskyy says he struck key deal on pilot training in France. Truy cập ngày 5/9/2023
Ukraine nói drone của Nga tấn công Romania, Bucharest phủ nhận cáo buộc
Ukraine hôm thứ hai cho biết drone của Nga đã phát nổ trên lãnh thổ Romania trong cuộc không kích qua đêm vào một cảng của Ukraine bên kia sông Danube, nhưng Bucharest phủ nhận lãnh thổ của họ đã bị tấn công. Kể từ tháng 7, Moscow đã nhiều lần tấn công các cảng sông Ukraine nằm bên kia sông Danube từ Romania.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine says Russian drones hit NATO member Romania, Bucharest denies report. Truy cập ngày 5/9/2023
Anh tố Nga tuyển người di cư, binh lính ở các nước láng giềng
Tình báo Anh cho biết Nga đang tuyển dụng người di cư từ Trung Á và các nước láng giềng làm binh sĩ cho cuộc chiến chống Ukraine. Từ cuối tháng 6, Nga đã đặt quảng cáo ở các nước láng giềng như Armenia hay Kazakhstan, lôi kéo các cá nhân với khoản thanh toán ban đầu là 5.130 USD và mức lương hàng tháng bắt đầu từ 190.000 rúp. Những người di cư Trung Á được cho là đã được tuyển dụng ở Nga ít nhất kể từ tháng 5 năm 2023, với những hứa hẹn về mức lương cao và cấp quốc tịch Nga. Ngoài ra, các công nhân xây dựng người Uzbekistan ở thành phố Mariupol bị chiếm đóng ở Nam Ukraine được cho là đã bị buộc phải gia nhập quân đội Nga.
Xem thêm tại: SCMP, Ukraine war: UK says Russia recruiting migrants, soldiers in neighbouring countries. Truy cập ngày 5/9/2023
Rheinmetall gửi đạn Gepard mới tới Ukraine
Rheinmetall đã vận chuyển lô đạn phòng không Gepard đầu tiên như một phần hỗ trợ của Đức cho cuộc đấu tranh phòng thủ của Ukraine. Đến cuối năm nay, 40.000 viên đạn sẽ được sản xuất và cung cấp cho Ukraine. Đạn Gepard có hiệu quả cao trong việc chống lại drone cảm tử mà Nga sử dụng để tấn công các thành phố của Ukraine. Ukraine sẽ nhận được 150.000 viên đạn cho mỗi loại đạn khác nhau. Một trong số đó là loại đạn APDS-T cỡ nòng nhỏ chứa chất xuyên thấu kim loại nặng.
Xem thêm tại: Defence Blog, Rheinmetall sends new Gepard ammunition to Ukraine. Truy cập ngày 6/9/2023
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
Trung Quốc cảnh báo Mỹ đã vượt qua lằn ranh đỏ
Trung Quốc gần đây cảnh báo rằng Mỹ đã vượt qua ranh giới đỏ khi hỗ trợ Đài Loan, đồng thời cho rằng một “cơn bão mang hậu quả chết người” đang hình thành. Lời cảnh báo nhằm chỉ trích chương trình tài trợ quân sự trị giá 80 triệu USD gần đây mà Mỹ công bố cho Đài Loan. Thêm vào đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cũng chỉ trích việc Mỹ chuyển quân tới Đài Loan là vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc và luật pháp quốc tế.
Xem thêm tại: Newsbreak, China Warns US Has Crossed Red Line: ‘Lethal Consequences’. Truy cập ngày 3/9/2023
Những kẻ đột nhập người Trung Quốc tại các căn cứ của Mỹ làm dấy lên mối lo ngại về gián điệp
Tình báo Mỹ cho biết một số công dân đóng giả là khách du lịch đã tiếp cận các căn cứ quân sự và các địa điểm nhạy cảm ở Mỹ tới 100 lần trong những năm gần đây. Những người đột nhập bao gồm các công dân Trung Quốc được phát hiện đi vào khu vực bắn tên lửa của Mỹ ở New Mexico cho đến những thợ lặn bơi trong vùng nước gần địa điểm phóng tên lửa của chính phủ Mỹ ở Florida. Ngoài ra, còn có các vụ xâm nhập tại vùng nông thôn bởi công dân Trung Quốc, những người bị ép phải phục vụ và phải báo cáo lại cho chính phủ Trung Quốc.
Xem thêm tại: Reuters, Chinese gatecrashers at US bases raise espionage concerns. Truy cập ngày 5/9/2023
Binh sĩ Đài Loan tham gia tập trận quân sự ở Michigan
Binh sĩ Đài Loan đã tham gia cuộc tập trận Nothern Strike vào tháng trước do Lực lượng Vệ binh Quốc gia Michigan chủ trì tại Trại Grayling. Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của khoảng 7.000 binh sĩ từ 26 bang và một vùng lãnh thổ của Mỹ, cũng như lực lượng dự phòng từ 4 đối tác quốc tế, trong đó có Đài Loan. Cuộc tập trận Northern Strike được thiết kế để duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị Mỹ. Ngoài ra, Nothern Strike cũng giúp đảm bảo lực lượng dự bị có khả năng tương tác với quân đội đồng minh giống như các lực lượng quân sự tiền tuyến.
Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwanese soldiers joined US military exercises in Michigan. Truy cập ngày 4/9/2023
Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật sử dụng tên lửa Vạn Chiến
Đài Loan chuẩn bị tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật với tên lửa Vạn Chiến (Wan Chien) vào ngày 7 tháng 9. Cụ thể hơn, các máy bay chiến đấu phòng thủ bản địa (IDF) từ Đội máy bay chiến đấu chiến thuật số 1 sẽ thực hiện cuộc tập trận ở vùng biển ngoài khơi Cửu Bằng ở huyện Bình Đông. Vạn Chiến là tên lửa hành trình không đối đất do Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung-Shan sản xuất. Vạn Chiến có tầm bắn hơn 200 km và có báo cáo cho rằng một biến thể tầm bắn mở rộng đang được phát triển có tầm bắn tối đa 400 km.
Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan to conduct Wan Chien missile live-fire drill. Truy cập ngày 7/9/2023
Nhật Bản công bố ngân sách quốc phòng, tìm kiếm máy bay siêu thanh, tàu khu trục, F-35
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu một ngân sách quốc phòng kỷ lục khác, với chương trình nghị sự bao gồm các tàu hải quân, máy bay chiến đấu F-35, phát triển vũ khí siêu thanh và xe bọc thép. Bộ QP Nhật thông báo đã gửi yêu cầu hỗ trợ 52,9 tỷ USD tới Bộ Tài chính cho năm tài chính sắp tới. Yêu cầu của bộ QP cũng sẽ cung cấp thêm thông tin về hai con tàu sẽ dài 190 mét và có lượng giãn nước 12.000 tấn. Hai con tàu sẽ bao gồm 128 hệ thống phóng thẳng đứng dành cho các máy bay đánh chặn tên lửa đạn đạo, cũng như các bệ phóng cho tên lửa tấn công mặt đất, chống hạm Type 12 bản địa. Hai tên lửa nước ngoài này sẽ trang bị cho tiêm kích F-35 của Lockheed Martin và tiêm kích đánh chặn Mitsubishi F-15J Eagle bản nâng cấp.
Xem thêm tại: Defense News, Japan unveils defense budget, seeking hypersonics, frigates, F-35s. Truy cập ngày 1/9/2023
Triều Tiên diễn tập tấn công hạt nhân chiến thuật
Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật mô phỏng với sự tham gia của hai tên lửa hành trình tầm xa nhằm “cảnh báo kẻ thù” rằng nước này sẽ chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. KCNA cho biết cuộc tập trận đã diễn ra thành công và hai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân giả đã được bắn về phía Biển Tây của bán đảo Triều Tiên và bay được 1.500 km. Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ tăng cường khả năng răn đe quân sự chống lại Mỹ và Hàn Quốc.
Xem thêm tại: Reuters, North Korea stages tactical nuclear attack drill. Truy cập ngày 4/9/2023
Kim Jong-un gặp Putin khi Nga thảo luận về việc bán vũ khí
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có kế hoạch tới Nga trong tháng này để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Moscow. Trong một chuyến công du nước ngoài hiếm hoi, ông Kim sẽ đi từ Bình Nhưỡng đến Vladivostok, nơi ông sẽ gặp ông Putin. Trong cuộc gặp, ông Kim và ông Putin sẽ thảo luận về việc Triều Tiên gửi đạn pháo và tên lửa chống tăng cho Nga để đổi lấy công nghệ tiên tiến của Moscow về vệ tinh và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Xem thêm tại: Reuters, North Korea’s Kim to meet Putin as Russia to discuss weapons sales, New York Times reports. Truy cập ngày 6/9/2023
Nhóm Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh ở Hoàng Hải
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết một nhóm sẵn sàng đổ bộ của Mỹ, do tàu tấn công đổ bộ USS America dẫn đầu và tàu khu trục HMCS Vancouver của Canada sẽ tham gia lễ kỷ niệm 73 năm Trận chiến Incheon trong chiến tranh Triều Tiên và kỷ niệm 70 năm thành lập Liên minh Hàn Quốc-Mỹ. USS America là tàu tấn công đổ bộ, có thể chở các máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, giúp tàu có khả năng tham gia các hoạt động chung trên không và trên biển.
Xem thêm tại: SCMP, US Navy group heading for Yellow Sea in biggest show of strength near eastern China in 10 years. Truy cập ngày 6/9/2023
Úc cho biết sẽ cử thêm cảnh sát đến Quần đảo Solomon
Úc hôm chủ nhật cho biết sẽ cử thêm cảnh sát tới Quần đảo Solomon để tăng cường an ninh cho Thế vận hội Thái Bình Dương vào tháng 11. Lực lượng này sẽ đồn trú cho đến tháng 6 để hỗ trợ cuộc tổng tuyển cử. Sự hiện diện kéo dài của cảnh sát Úc diễn ra sau khi Quần đảo Solomon nâng cấp quan hệ với Trung Quốc vào tháng 7. Úc, New Zealand và Mỹ lo ngại cảnh sát Trung Quốc có thể phá bỏ thỏa thuận an ninh lâu dài mà Canberra có với quốc đảo Thái Bình Dương này.
Xem thêm tại: Reuters, Australia says it will send more police to Solomon Islands, extend mission. Truy cập ngày 4/9/2023
Đông Nam Á:
Trung Quốc cảnh báo về ‘Chiến tranh Lạnh mới’ tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) hôm thứ tư cho biết điều quan trọng là tránh một “Chiến tranh Lạnh mới” khi giải quyết xung đột giữa các quốc gia khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Indonesia trong bối cảnh sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. ASEAN, vốn đã cảnh báo về nguy cơ bị lôi kéo vào tranh chấp giữa các cường quốc, cũng đang tổ chức các cuộc đàm phán rộng rãi hơn với ông Lý, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo các nước đối tác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ. Bà Kamala Harris cho biết Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên chính quyền Myanmar để chấm dứt “bạo lực khủng khiếp” bùng phát kể từ cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021.
Xem thêm tại: Reuters, China warns against ‘new Cold War’ at ASEAN summit. Truy cập ngày 7/9/2023
Hải quân Philippines và Mỹ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông
Các tàu hải quân của Philippines và Mỹ đã tiến hành một chuyến tuần tra chung qua các khu vực của Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Philippines và Washington vừa tiến hành chuyến hải hành chung ở vùng biển phía Tây đảo Palawan. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường BRP Jose Rizal của Hải quân Philippines và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Alrleigh Burke USS Ralph Johnson của Hải quân Mỹ đã tham gia cuộc tập trận chung, trong đó các tàu thực hành triển khai gần các tàu khác.
Xem thêm tại: Reuters, Philippines, US navies conduct joint sail in South China Sea. Truy cập ngày 5/9/2023
Tham mưu trưởng AFP đình chỉ gửi học viên sang Trung Quốc
Philippines sẽ tạm thời ngừng gửi học viên Philippines sang Trung Quốc vì sự cố bãi cạn Ayungin vào đầu tháng này. Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) Romeo Brawner Jr. cho biết ông đã nhận được lời mời từ Trung Quốc vào tuần trước để cử các học viên tham gia một hội nghị toàn cầu. Người đứng đầu AFP nói thêm rằng hiện tại không có học viên Philippines nào ở Trung Quốc để học nâng cao và ngược lại. Chương trình trao đổi sinh viên với Bắc Kinh đã được bao hàm trong một bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng kể từ năm 2004 nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn.
Xem thêm tại: CNN, AFP chief suspends sending cadets to China. Truy cập ngày 1/9/2023
Ấn Độ muốn mở rộng hợp tác hải quân với PH
Đại sứ Ấn Độ tại Philippines Shambhu Kumaran cho biết ông nhìn thấy cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hải quân vì quốc phòng là một “lĩnh vực tương đối mới” trong cam kết giữa New Delhi và Manila. Ông nói thêm rằng Ấn Độ không loại trừ khả năng tuần tra chung với Hải quân Philippines nhưng lưu ý rằng chưa có đề xuất tích cực nào cho hoạt động này. Kumaran cho biết ý định tăng cường quan hệ quốc phòng với Manila không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào mà là một động thái hợp lý với tư cách là hai nền dân chủ anh em.
Xem thêm tại: PNA, India wants to expand naval engagement with PH. Truy cập ngày 2/9/2023
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
Liên minh do Nga dẫn đầu tổ chức tập trận quân sự ở Belarus
Hơn 2.000 binh sĩ từ liên minh an ninh do Nga dẫn đầu đã mở cuộc tập trận quân sự hôm thứ Sáu tại các khu vực của Belarus gần biên giới các nước NATO. Cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể có sự tham gia của quân đội Nga, Belarus, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Tajikistan. Bộ Quốc phòng Belarus cho biết cuộc tập trận kéo dài đến thứ tư nhằm chuẩn bị cho các hoạt động chung, bao gồm cả phản ứng trước một tai nạn hạt nhân.
Xem thêm tại: Defense News, Russia-led alliance holds military drills in Belarus. Truy cập gnay2 3/9/2023
Belarus tố trực thăng Ba Lan vượt biên giới, Warsaw phủ nhận
Belarus đã triệu tập một nhà ngoại giao Ba Lan để phản đối việc trực thăng quân sự của Ba Lan hôm thứ sáu vi phạm biên giới của nước này, nhưng một quan chức quân sự ở Warsaw phủ nhận bất kỳ vụ xâm nhập nào đã xảy ra. Ủy ban Biên giới Nhà nước Belarus cho biết trực thăng quân sự Mi-24 của Ba Lan đã vượt qua biên giới ở độ cao cực thấp, bay tới độ sâu tới 1.200 m vào lãnh thổ Belarus rồi quay trở lại. Mối quan hệ xấu của Ba Lan với Belarus đã xuống cấp hơn nữa trong những tuần gần đây, và Warsaw, cùng với các quốc gia vùng Baltic là Latvia và Litva, đã đề nghị Ba Lan có thể đóng cửa biên giới nếu mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.
Xem thêm tại: Reuters, Belarus says Polish helicopter crossed border, Warsaw denies it. Truy cập ngày 2/9/2023
Máy bay tuần tra hàng hải của Anh theo dõi tàu Nga
Máy bay P-8 Poseidon đã và đang thực hiện các nhiệm vụ giám sát hàng hải phối hợp với Hải quân Hoàng gia Anh, tập trung vào việc giám sát các tàu Nga ở Biển Bắc và Bắc Đại Tây Dương. Trong các hoạt động này, máy bay Poseidons đã theo dõi và chụp ảnh một loạt tàu hải quân Nga. Trong số này có tàu hộ tống Boikiy và Grad, tàu tuần dương Marshal Ustinov và tàu khu trục lớp Udaloy Severomorsk. Poseidon là máy bay trinh sát hàng hải đa chức năng được trang bị các cảm biến tiên tiến, bao gồm cả theo dõi âm thanh. Đối với chức năng này, phao siêu âm được thả khỏi máy bay, tạo ra một mạng lưới cảm biến chuyển tiếp dữ liệu trở lại.
Xem thêm tại: UKDJ, British maritime patrol aircraft keep eye on Russian vessels. Truy cập ngày 4/9/2023
Iran nhận máy bay huấn luyện Yak-130 đầu tiên từ Nga
Iran nhận được 2 máy bay Yak-130 đầu tiên từ Nga. Yak-130 là máy bay huấn luyện có cấu hình khí động học và đặc tính bay cận âm của máy bay chiến đấu phản lực hiện đại. Nó cũng có thể được sử dụng như một máy bay phản lực trinh sát và tấn công hạng nhẹ. Nó có tốc độ tối đa 648 dặm một giờ và bán kính chiến đấu 345 dặm.
Xem thêm tại: Defence Blog, Iran receives first Yak-130 trainer aircraft from Russia. Truy cập ngày 3/9/2023
Ba Lan mua hàng trăm tên lửa tấn công hải quân với giá 2 tỷ USD
Ba Lan đã đặt mua “vài trăm” tên lửa tấn công hải quân trong một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Błaszczak đã ký thỏa thuận mua hai đơn vị tên lửa hải quân mới cho hệ thống chống hạm Tên lửa tấn công hải quân hiện có của nước này. Hợp đồng này sẽ cho phép quân đội tăng cường khả năng phòng thủ ven biển dọc Biển Baltic. Tên lửa tấn công hải quân là tên lửa bay lướt trên biển, vượt đường chân trời với tầm bắn vượt quá 185 km.
Xen thêm tại: Defense News, Poland buys hundreds of Naval Strike Missiles in $2 billion deal. Truy cập ngày 6/9/2023
Các công ty quốc phòng Hàn Quốc tìm cách củng cố chỗ đứng ở Ba Lan tại triển lãm vũ khí quốc tế
Các công ty quốc phòng lớn của Hàn Quốc đã trưng bày xe tăng, vũ khí dẫn đường và các hệ thống vũ khí quan trọng khác tại triển lãm vũ khí thường niên đang diễn ra ở Ba Lan. Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần thứ 31, hay MSPO, đã khai mạc hôm thứ Ba trong bốn ngày tại Kielce, Ba Lan, sau khi các công ty Hàn Quốc đạt được các hợp đồng lớn vào năm ngoái để cung cấp xe tăng K2, pháo tự hành K9, máy tấn công hạng nhẹ FA-50 máy bay và bệ phóng tên lửa đa nòng Chunmoo tới Warsaw.
Xem thêm tại: Yonhap News, S. Korean defense firms seek to bolster foothold in Poland at int’l arms exhibition. Truy cập ngày 7/9/2023
Hai binh sĩ Armenia thiệt mạng trong vụ pháo kích của Azerbaijan
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết hai quân nhân của họ đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ pháo kích gần thị trấn Sotk. Azerbaijan cho biết Armenia đã sử dụng drone tấn công các vị trí ở vùng Kalbajar, khiến hai quân nhân Azerbaijan bị thương. Nagorno-Karabakh, được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, là nguồn gốc của xung đột giữa hai nước láng giềng Caucasus kể từ những năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, cũng như giữa người dân tộc Armenia và người Azeris gốc Thổ trong hơn một thế kỷ.
Xem thêm tại: Reuters, Two Armenian soldiers killed in Azerbaijani shelling -defence ministry. Truy cập ngày 2/9/2023
Cửa khẩu chính Afghanistan-Pakistan đóng cửa sau khi lính canh đấu súng
Cửa khẩu biên giới chính giữa Afghanistan và Pakistan đã bị đóng cửa sau khi lực lượng an ninh của cả hai nước đấu súng. Pakistan báo cáo có tiếng súng nổ ở cửa khẩu Torkham hôm thứ Tư. Điểm biên giới Torkham là điểm trung chuyển chính của khách du lịch và hàng hóa giữa Pakistan và Afghanistan không giáp biển. Afghanistan và Pakistan đã có mối quan hệ lạnh nhạt kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul hai năm trước, trong đó Islamabad cáo buộc nước láng giềng chứa chấp các chiến binh thực hiện các cuộc tấn công trên đất của họ.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Main Afghanistan-Pakistan border crossing closed after guards exchange fire. Truy cập ngày 7/9/2023
Chuyên mục Phân tích:
NATO trong thập niên mới (Phần cuối): NATO là một mạng lưới?
NATO là một khối hay một mạng lưới? Tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh năm 2012 ở Chicago, các thành viên NATO đã gặp mặt và đưa thông cáo chung nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của “mạng lưới quan hệ đối tác rộng khắp” và coi quan hệ đối tác ngoài khối như một yếu tố quan trọng của hợp tác an ninh. Trong bài phát biểu ngay sau hội nghị thượng đỉnh đó, Tổng thư ký NATO lúc bấy giờ là Anders Fogh Rasmussen đã mô tả một kiểu NATO kết nối toàn cầu bao gồm “các nhóm đồng minh và đối tác sẵn sàng và có năng lực hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể”. Tầm nhìn về một NATO theo chiều ngang, được thiết kế để “trao quyền – cung cấp hỗ trợ và hợp tác – cũng như để chế ngự”. Lý tưởng đó hoàn toàn trái ngược với vai trò hiện đang được đổi mới của NATO là bức tường thành của phương Tây, một mặt trận thống nhất của các quốc gia chuẩn bị đẩy lùi những gì còn sót lại của khối phía đông sau Chiến tranh Lạnh: Nga và Belarus.
Tuy nhiên, khi nói đến việc thúc đẩy các giá trị cốt lõi của NATO về “dân chủ, tự do cá nhân và pháp quyền”, thì cách tiếp cận dưới dạng mạng lưới nhằm xây dựng mối quan hệ ngang hàng giữa các nhóm quốc gia và quan chức sẽ hiệu quả nhất. Đó là cách EU hoạt động giữa các thành viên, với các quốc gia ứng cử viên nỗ lực tham gia và trong phần lớn chính sách đối ngoại của Liên minh. Ngay cả khi NATO đổi mới lý do tồn tại ban đầu của mình như một liên minh an ninh tập thể chống lại Nga, các thành viên của tổ chức này cũng nên ghi nhớ những mối đe dọa an ninh tinh vi hơn đang ăn mòn các thể chế chính phủ mạnh mẽ và trung thực ở các nước trên thế giới, cũng như các mối đe dọa phi quân sự hiện hữu ở tất cả các chính phủ phải đối mặt ngay lúc này. Mạng lưới an ninh hợp tác quan trọng hơn bao giờ hết.
Xem thêm tại: Foreign Policy, NATO Next Decade: Make NATO a Network, Not a Bloc. Truy cập ngày 3/9/2023
Tại sao hàng ngàn nam giới Ukraine trốn nghĩa vụ quân sự?
Báo cáo cho thấy hàng ngàn nam giới Ukraine đã trốn ra nước ngoài, mặc dù không có số liệu thống kê chính xác. Tuy nhiên, số lượng nam giới Ukraine đủ điều kiện nhập ngũ đã đăng ký làm sinh viên là “rất lớn”. Có rất nhiều cách để trốn nghĩa vụ quân sự. Một cách để tránh bị huy động là đăng ký làm người chăm sóc một thành viên khuyết tật trong gia đình – cho dù những người này có thực sự cần được chăm sóc hay không. Ngoài ra, kết hôn với một người khuyết tật cũng là một lựa chọn khác. Mặt khác, cũng có thể “ly thân” để trốn tránh, trong đó người chồng được trao toàn quyền nuôi con. Kể từ cuộc xâm lược, khoảng 6.100 người đàn ông đã bị bắt tại các cửa khẩu biên giới Ukraine khi cố gắng trốn thoát bằng cách sử dụng giấy phép giả hoặc có được một cách gian lận nào đó. Lực lượng bảo vệ hiện tập trung vào việc bắt những người Ukraine cố gắng trốn khỏi đất nước ở những nơi khác dọc biên giới, chứ không phải tại các cửa khẩu chính thức. Oleksiy dự tính đi bộ xuyên biên giới, nhưng cho biết giá thuê một người dẫn đường là 5.000 USD nhưng rủi ro là quá cao. Ông cho rằng cơ hội thành công là quá thấp để có thể mạo hiểm với số tiền như vậy. Thay vào đó, một số người cố gắng tự vẽ đường đi trên điện thoại nhưng bị lạc vì các vùng biên giới xa xôi không có khả năng truy cập internet. Những người đàn ông bị bắt khi cố gắng đi bộ qua biên giới có thể bị phạt nhưng không bị bỏ tù nhưng những người giúp đỡ họ có nguy cơ phải ngồi tù. Sử dụng giấy tờ giả là phạm tội hình sự, nhưng vượt biên trái phép thì không. Nếu họ thành công, các nước láng giềng sẽ không gửi họ trở lại Ukraine. Trong giai đoạn đầu sau cuộc xâm lược, hầu hết những người cố gắng vượt biên đều bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi. Bây giờ một nửa trong số người vượt biên có mục đích đi tìm việc làm. Tuy nhiên, những người cố gắng trốn nghĩa vụ quân sự phải đối mặt với nguy cơ bị nhân viên tuyển quân bắt giữ và báo chí truy lùng.
Xem thêm tại: Economist, Thousands of Ukrainian men are avoiding military service. Truy cập ngày 4/9/2023
Tại sao Mỹ nên đóng quân tại Ba Lan chứ không phải Đức?
Trong thời gian vừa qua, Đức và Pháp tỏ ra do dự và kém ấn tượng hơn sườn phía đông của NATO trong việc chống lại Nga. Điều này nhấn mạnh một thực tế chiến lược mới mà Mỹ phải ứng phó bằng cách đưa ra những quyết định khó khăn về nơi bố trí quân đội và nguồn lực của mình ở châu Âu. Nếu Washington thực sự nghiêm túc trong việc ngăn chặn bằng chiến lược chống xâm nhập thì Mỹ cần phải bố trí các căn cứ lâu dài ở Ba Lan. Lý do đầu tiên là Warsaw sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đảm bảo có thể tự vệ và đáp ứng các nghĩa vụ của NATO. Thêm vào đó, Ba Lan đang trong quá trình xây dựng quân đội chính quy gồm 250.000 người, cộng với Lực lượng phòng vệ lãnh thổ hùng mạnh 50.000 người, với các hợp đồng lớn mua xe tăng hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc, máy bay F-35, pháo tự hành và hơn thế nữa. Các quốc gia khác dọc biên giới phía đông của NATO, đặc biệt là Phần Lan, các nước vùng Baltic và Romania, cũng đã tăng cường và tái vũ trang với tốc độ nhanh chóng.
Ngược lại, Đức gần đây lại một lần nữa không thực hiện được cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng. Pháp không ưu tiên đầu tư vào lực lượng trên bộ của mình, trong khi Anh gần đây tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm quân đội, khiến lực lượng này trở thành lực lượng nhỏ nhất mà Anh có kể từ thời Napoléon. Mắt khác, Mỹ cũng phải từ bỏ ý tưởng triển khai lực lượng luân phiên, tức là đưa quân ra vào chiến trường châu Âu theo định kỳ như một giải pháp thay thế cho việc đóng quân thường trực vì chúng tốn kém hơn so với việc triển khai thường trực. Việc triển khai luân phiên cũng gây căng thẳng không cần thiết cho gia đình các quân nhân Mỹ, lãng phí thời gian lẽ ra có thể dành cho việc đào tạo và buộc phải hội nhập với các quốc gia sở tại. Để khiến khả năng răn đe ở châu Âu trở nên đáng tin cậy, Mỹ cần bố trí các cơ sở quân sự lâu dài ở những nơi rất cần thiết. Washington nên bố trí ba lữ đoàn chiến đấu ở sườn phía đông của NATO, trong đó hai lữ đoàn tới Ba Lan và một tới Phần Lan hoặc một trong các quốc gia vùng Baltic. Ngoài ra, Mỹ cần thành lập sở chỉ huy sư đoàn thường trực ở Ba Lan. Điều quan trọng nhất là, thay vì tiếp tục than phiền về việc Berlin không sẵn sàng đáp ứng cam kết quốc phòng 2% GDP, Washington nên thuyết phục Berlin tập trung nỗ lực vào việc duy trì lực lượng của Mỹ và NATO ra khỏi miền đông nước Đức, gần biên giới Ba Lan. Việc chỉ trích về chi phí đối với việc triển khai quân thường trực đặc biệt ít có ý nghĩa ở Ba Lan vì Warsaw sẽ vui vẻ đàm phán một thỏa thuận chia sẻ chi phí.
Xem thêm tại: WSJ, Station U.S. Troops in Poland, Not Germany. Truy cập ngày 5/9/2023
Sẽ có chiến tranh nóng tại bãi Cỏ Mây?
Việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng gần đây để chống lại phái đoàn tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây không có gì mớ khi Bắc Kinh đã làm điều tương tự vào năm 2021. Lần này, Manila đã thành công trong việc đưa hàng tiếp tế đến tiền đồn của mình, với sự trợ giúp của Mỹ dưới hình thức máy bay lượn vòng phía trên. Nhưng sự hỗ trợ này của Mỹ cũng không phải là mới; nó đã giúp Manila vi phạm lệnh phong tỏa tương tự vào năm 2014. Do đó, các vụ việc cụ thể ở Biển Đông (SCS) có thể không thay đổi, nhưng bối cảnh đã thay đổi. Trước nhất, chính quyền Marcos Jr., được hậu thuẫn mạnh mẽ từ trong nước, rất muốn thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các lợi ích ở Biển Đông. Đối với Bắc Kinh, có thể Trung Quốc đang tìm cách phản đối mối quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa Philippines và Mỹ, và có lẽ làm xao lãng sự chú ý trong nước khỏi những tai ương kinh tế hậu đại dịch. Nhưng quyết định của Trung Quốc một lần nữa sử dụng vòi rồng không gây chết người không nên tạo ra bất kỳ ảo tưởng nào. Dù sao đi nữa, vụ việc này chứng tỏ sức mạnh bền bỉ của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh hiểu rằng họ có thể chơi trò chơi lâu dài: trong nhiều năm qua Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện ngày càng tăng ở Biển Đông, làm gia tăng thêm sự bất cân xứng quyền lực của nước này trong khu vực. Song song với đó, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm cho rằng những người ngoài cuộc như người Mỹ mới là những kẻ gây rối thực sự. Trong bối cảnh này, thật khó để tưởng tượng Trung Quốc sẽ nổ súng mở đầu các hành động thù địch vũ trang ở Biển Đông ngay lúc này, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang được hồi sinh về Bộ quy tắc ứng xử khu vực ở Biển Đông. Đúng hơn, Trung Quốc vẫn thích các hành động vùng xám (như dùng vòi rồng) để khiêu khích các đối thủ của mình bắn phát súng đầu tiên, giúp Trung Quốc có thể bảo vệ được nền tảng đạo đức cao đó. Vì vậy, thế trận và thế phản đòn giữa Trung Quốc và các đối thủ ở Biển Đông sẽ tiếp tục không suy giảm và tình hình sẽ vẫn rất mong manh. Nhưng một cuộc chiến tranh nóng dường như khó xảy ra vào lúc này.
Xem thêm tại: Intrigue, FROM HOT AIR TO HOT WAR OVER SECOND THOMAS SHOAL? Truy cập ngày 2/9/2023
Triều Tiên tăng cường bán vũ khí cho Nga, Iran, Syria và các nước khác như thế nào?
Triều Tiên đang tích cực buôn lậu vũ khí sang Nga và các nước khác bao gồm Syria, Ai Cập và Qatar. Các loại vũ khí này thường được buôn lậu thông qua đường thủy. Các nhóm vũ trang hoạt động trong các quốc gia kể trên đặt mua vũ khí, sau đó số vũ khí này sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc giấu trong các tàu chở quặng chở quặng. Từ Trung Quốc, chúng sẽ được chuyển đến nước thứ ba. Khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Triều Tiên gần đây là Nga, chủ yếu là đạn dược và đạn pháo. Triều Tiên vận chuyển vũ khí trực tiếp tới Nga thay vì gián tiếp thông qua các nước khác, xuất khẩu chúng bằng tàu hỏa hoặc tàu thủy từ cảng Rason. Ông Kim Jong-un đã có chuyến thăm hướng dẫn tại chỗ tới các nhà máy sản xuất vũ khí quan trọng từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 8, bao gồm một nhà máy sản xuất bệ phóng đa nòng cỡ lớn. Chính phủ Triều Tiên gần đây đã nhận được bản thiết kế và biểu đồ quy trình cho các công nghệ ứng dụng liên quan đến hạt nhân như một khoản thanh toán cho việc bán vũ khí. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn tuân thủ nguyên tắc từ chối bán các hệ thống vũ khí mới được sản xuất gần đây tại các nhà máy sản xuất đạn dược của nước này cho khách hàng nước ngoài. Triều Tiên đang bán vũ khí cũ trong kho hiện có cho khách hàng nước ngoài nhằm thay thế kho dự trữ của Quân đội Nhân dân Triều Tiên bằng vũ khí mới. Không chỉ KPA, mà cả dân quân, Hồng vệ binh công nông, và các nhóm khác cũng đang hiện đại hóa vũ khí của họ, và tất cả vũ khí cũ mà các tổ chức này có đều có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Xem thêm tại: Diplomat, North Korea Ramps up Arms Sales to Russia, Iran, Syria, and Others. Truy cập ngày 6/9/2023
Mỹ và Việt Nam còn dư địa để mở rộng hợp tác quốc phòng?
Bất chấp mối quan hệ đã cải thiện trong thời gian qua, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn nhạy cảm về phản ứng tiềm ẩn của Trung Quốc đối với hợp tác quốc phòng và an ninh với Mỹ và các nước khác ngoài khu vực. Do đó, Hà Nội thận trọng trong việc thực hiện các bước đi như tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông. Việc Hà Nội mua vũ khí từ Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi sự nhạy cảm của nước này đối với nhận thức của Trung Quốc. Washington đã dần dần dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Hà Nội trước đây trong một quá trình gồm ba giai đoạn, kết thúc vào năm 2016 nhưng vẫn chỉ bán được số vũ khí trị giá 364,3 triệu USD cho Việt Nam trong thập kỷ qua, một số tiền rất nhỏ so với mua từ Nga. Dù vũ khí Mỹ có giá thành cao, không tương thích với các hệ thống vũ khí hiện nay của Việt Nam và yêu cầu huấn luyện nặng nề nhưng Washington thực hiện các chương trình cho phép giảm bớt gánh nặng chi phí cho Hà Nội. Theo đó, Đạo luật Nhân quyền Việt Nam miễn trừ việc chuyển giao vũ khí sát thương nếu tổng thống đánh giá rằng việc này sẽ thúc đẩy lợi ích của Mỹ “trong hoạt động tự do và cởi mở ở Biển Đông”. Ở cấp độ chiến lược, nỗ lực hiện đại hóa lực lượng của Việt Nam tập trung vào phát triển khả năng phòng thủ bất đối xứng, bao gồm chiến lược chống tiếp cận trên biển đáng tin cậy. Phiên bản chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Việt Nam tập trung vào việc gia tăng cái giá phải trả cho hành động xâm lược quân sự của Trung Quốc, nhưng Hà Nội muốn xây dựng năng lực của mình theo những cách mà không gây ra phản ứng từ Bắc Kinh.
Cho đến nay, Hà Nội chủ yếu giới hạn việc mua vũ khí trực tiếp của Mỹ trong phạm vi vũ khí cho Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng đã mang lại lợi ích cho khả năng của mình ở Biển Đông. Lực lượng bảo vệ bờ biển đã nhận được hai tàu cắt lớp Hamilton của Mỹ thông qua chương trình Thiết bị phòng thủ vượt mức của Washington. Ngoài các hai tàu lớp Hamilton, Mỹ cũng đã chuyển giao 6 drone chiến thuật Boeing Insitu ScanEagle cho cảnh sát biển Việt Nam thông qua chương trình bán hàng thương mại trực tiếp và ít nhất 12 tàu tuần tra Metal Shark phản ứng nhanh. Việt Nam cũng đã mua 12 máy bay huấn luyện Beechcraft T-6 Texan II thông qua kênh bán hàng trực tiếp. Mỹ nên xem xét cách thức có thể tiếp tục giúp hiện đại hóa Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để tạo điều kiện cho Hà Nội xây dựng năng lực hàng hải bất đối xứng. Mặc dù nằm ngoài lăng kính quân sự truyền thống về chuyển giao vũ khí, việc hỗ trợ lực lượng bảo vệ bờ biển cho phép Việt Nam duy trì sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông và tăng cường khả năng chống lại sự ép buộc của vùng xám. Khi mối quan hệ tiến triển, sẽ hữu ích nếu Việt Nam làm rõ hơn những kỳ vọng về an ninh và mức độ thoải mái với Mỹ. Washington nên báo hiệu ý định sẽ xử lý kịp thời bất kỳ yêu cầu cung cấp vũ khí nào từ Việt Nam và sử dụng các miễn trừ theo Đạo luật Nhân quyền Việt Nam và các luật khác khi cần thiết.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. and Vietnam have room to expand their defense cooperation. Truy cập ngày 5/9/2023
https://nghiencuuquocte.org/2023/09/08
Không có nhận xét nào