Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Biden administration detects red flags in Xiconomics,” Nikkei Asia, ngày 14/09/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
19/9/2023
Tổng thống Mỹ nhận xét ‘nguyên lý’ kinh tế của Trung Quốc ‘hoàn toàn không hiệu quả’
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra bình luận về nền kinh tế Trung Quốc với giọng điệu chắc chắn đến mức nhiều người phải nhướng mày.
Tập “đang vô cùng bận rộn,” Biden nói trong một cuộc họp báo ở Hà Nội.
“Ông ấy đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp khổng lồ trong giới trẻ. Một trong những nguyên lý kinh tế chính trong kế hoạch của ông ấy hoàn toàn không còn hiệu quả nữa. Tôi không mừng vì điều đó. Nhưng đúng là nó không hiệu quả.”
Biden đã phát biểu tại Việt Nam vào Chủ nhật (10/09/2023), sau chuyến thăm Ấn Độ, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hủy tham dự G20, làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Hai năm trước, khi phương Tây đang bị đại dịch Covid-19 tàn phá, nhà lãnh đạo Trung Quốc tự tin tuyên bố rằng “thời gian và động lực đang đứng về phía chúng ta… Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn.”
Nhưng tình thế đã xoay chuyển rất nhiều kể từ thời điểm đó.
Narendra Modi và Joe Biden đã tận dụng sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại G20, và Biden sau đó còn công khai hỏi liệu có phải Trung Quốc đang suy thoái kinh tế hay không. (Ảnh của Ken Kobayashi)
Dù Biden mở đầu nhận xét của mình bằng cách tuyên bố, “Đây không phải là một lời chỉ trích, mà chỉ là một quan sát,” các quan chức Trung Quốc lắng nghe những nhận xét này sẽ coi chúng là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Địa điểm là cuộc họp báo tổng kết chuyến thăm Ấn Độ và Việt Nam. Nhận xét đã không được đưa ra trong một bài phát biểu tranh cử, nơi mà tuyên bố của các ứng viên về Trung Quốc có xu hướng trở nên gay gắt hơn một bậc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, trợ lý thân cận của Tập, đã thay ông tham dự thượng đỉnh G20. Lý đã chào hỏi và có một cuộc trò chuyện ngắn với Biden tại hội nghị.
“Cuộc gặp đó hoàn toàn không căng thẳng. Chính ông ấy đã đến gặp tôi,” Biden nói, nhấn mạnh tính chất thân thiện của cuộc trò chuyện.
Nhưng tại cuộc họp báo, Biden thậm chí còn không nhắc đích danh Lý mà chỉ gọi ông là “nhân vật số 2” của Trung Quốc. Hiện chưa rõ Biden thực sự đã quên tên Lý, hay cố tình không nhắc đích danh vị thủ tướng.
Nhưng các quan chức Trung Quốc không hề bận tâm đến điều đó. Điều khiến họ khó chịu là tuyên bố của Biden, rằng một trong những “nguyên lý” kinh tế chính của Tập “hoàn toàn không hiệu quả.”
Mùa hè hàng năm, các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng viên lão thành đã nghỉ hưu luôn tụ tập tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc, để thảo luận kín một cách không chính thức về các vấn đề quan trọng.
Mùa hè năm nay, đã có những cuộc thảo luận về tình trạng bất ổn kinh tế, chính trị, và xã hội ở Trung Quốc, như đã đưa tin trong chuyên mục này vào tuần trước.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi vào ngày 9/9. Lý đã nhân cơ hội trò chuyện thân mật với Biden, người sau đó đã “đáp lại thiện chí” bằng cách không nhắc đến tên ông. (Ảnh của Ken Kobayashi)
Bình luận của Biden về nền kinh tế Trung Quốc đã được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm. Tại sao ông lại phát biểu ngay lúc này?
Một nguồn tin thông thạo về quan hệ Mỹ-Trung lưu ý rằng thông tin tình báo về những động thái chính trị gay gắt ở Trung Quốc trong mùa hè có thể đã được chuyển đến bàn làm việc của Biden.
Việc sử dụng thuật ngữ “nguyên lý” (tenet) cũng đặc biệt thú vị.
Ba người tiền nhiệm của Tập – Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào – đều coi trọng chính sách “cải cách và mở cửa,” theo đó dẫn đến tăng trưởng cao. Trong khi đó, chính sách “thịnh vượng chung” mang dấu ấn của Tập Cận Bình lại nhấn mạnh vào việc điều chỉnh chênh lệch giàu nghèo hơn là đạt được mức tăng trưởng cao.
Sau cùng thì, những căng thẳng bùng lên tại mật nghị Bắc Đới Hà năm nay đều xoay quanh xung đột giữa các nguyên lý. Biden dường như đang ám chỉ rằng một số yếu tố trong kế hoạch kinh tế của Tập Cận Bình – vốn dựa trên “tư tưởng kinh tế của Tập Cận Bình” – đã thất bại.
Một con phố ở Old Delhi ngày 7/9. Nền kinh tế Ấn Độ không tăng trưởng nhanh như nền kinh tế Trung Quốc đã từng đạt được. Nhưng chắc chắn nó sẽ dần đuổi kịp đối thủ của mình. (Ảnh của Ken Kobayashi)
Biden không phải là nhân vật duy nhất ra tín hiệu về Trung Quốc. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, Rahm Emanuel, đã đăng một dòng tweet gây tranh cãi trên mạng xã hội X, hai ngày trước cuộc họp báo của Biden.
“Đội hình nội các của Chủ tịch Tập giờ đây trông giống như tiểu thuyết And Then There Were None (Và rồi chẳng còn ai) của Agatha Christie. Đầu tiên, Ngoại trưởng Tần Cương biến mất, sau đó là các chỉ huy của Quân chủng Tên lửa, và giờ thì Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng suốt hai tuần. Ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua thất nghiệp này? Giới trẻ Trung Quốc hay nội các của Tập?”
Lời chế nhạo của Emanuel về việc các quan chức cấp cao Trung Quốc liên tiếp biến mất khỏi tầm mắt của công chúng là một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Biden có lẽ đã nắm được thông tin về hỗn loạn có thể đang xảy ra trong nội bộ Trung Quốc.
Cuộc giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là phần thú vị nhất của hội nghị thượng đỉnh G20. Nhưng Tập, người từ lâu đã tập trung thành công quyền lực chính trị vào tay mình, đột nhiên quyết định bỏ qua sự kiện lần này.
Trong khi đó, Mỹ đang tích cực hơn trong cách tiếp cận với Ấn Độ. Hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ có tiềm năng vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào khoảng năm 2030.
Bắt tay với số 3 trong tương lai là việc làm có ý nghĩa đối với Mỹ khi nước này đang dần hình thành phản ứng đối với Trung Quốc, quốc gia quyết tâm vượt qua Washington về mặt quân sự và kinh tế.
Nhằm thu hút Ấn Độ, Mỹ đã làm trung gian cho nỗ lực hợp tác mới nhất của quốc gia Nam Á này với Trung Đông và Châu Âu. Việc ra mắt Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – Châu Âu, bao gồm các tuyến đường vận tải và đường sắt, đã được công bố tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Hành lang này phản ánh mong muốn chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu, một loạt dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm kết nối Trung Quốc và châu Âu như Con đường Tơ lụa thời xưa.
Đây là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung ở ngoại ô Delhi, với những con bò đi lang thang khắp nơi. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Vậy nền kinh tế Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đang có tình trạng như thế nào?
Các nhà máy sản xuất nhiều loại hàng hóa công nghiệp khác nhau, từ sản phẩm công nghệ cao đến quần áo, đã bắt đầu chuyển sang Ấn Độ từ Trung Quốc, quốc gia mà hồi đầu thế kỷ này vẫn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới.”
Samsung Electronics của Hàn Quốc, nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, đã đóng cửa tất cả các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của mình tại Trung Quốc, chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ.
Samsung có một nhà máy điện thoại thông minh khổng lồ ở Noida, ngoại ô Delhi, nơi có những con bò đi lang thang khắp nơi.
Mùa thu năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Samsung công bố quyết định đóng cửa nhà máy cuối cùng còn lại ở Trung Quốc và chuyển sản xuất sang Việt Nam, với lý do chi phí lao động tại Trung Quốc đã tăng mạnh.
Điện thoại thông minh Samsung hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tại Ấn Độ, Samsung đang bán dòng điện thoại thông minh có thể gập lại, và một phần trong số đó được sản xuất ngay tại Ấn Độ. Tập đoàn Apple có trụ sở tại Mỹ cũng đang tìm cách giảm tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc và thúc đẩy đáng kể sản xuất ở Ấn Độ.
Nền kinh tế Ấn Độ không tăng trưởng nhanh như nền kinh tế Trung Quốc đã từng. Nhưng chắc chắn nó sẽ dần đuổi kịp đối thủ của mình. Nếu điều đó xảy ra, động lực địa chính trị thay đổi là điều không thể tránh khỏi.
Chính trị trong nước là nguyên nhân chính khiến Tập vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20. Nhưng vì những nhận xét thẳng thừng của Biden ở Hà Nội có thể khiến Tập mất mặt, nên cũng có khả năng quan hệ Mỹ-Trung sẽ càng biến động thêm nữa.
Nhìn về tương lai, có một trở ngại mà Tập phải vượt qua nếu muốn tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco, California, Mỹ, dự kiến diễn ra hai tháng nữa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cánh đồng lúa sau khi đi thị sát một khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn. Tập đã phải giải quyết vô số vấn đề trong mùa hè này. © (Tân Hoa Xã/Kyodo)
Chính quyền Biden gần như đã phớt lờ hoàn toàn những lời kêu gọi của Trung Quốc nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép Tập đến California. Nếu tình trạng này tiếp diễn, kế hoạch sang Mỹ trong thời gian tới của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị, để chuẩn bị cho chuyến đi của Tập, cũng có thể thất bại.
Theo một chuyên gia quen thuộc với quan hệ Mỹ-Trung, khả năng Tập đến thăm Mỹ vào tháng 11 cao nhất là 50-50. Nhưng trong chính trị quốc tế, thay đổi luôn diễn ra rất nhanh chóng, và đã vài ngày trôi qua kể từ khi Biden đưa ra bình luận gây tranh cãi ở Hà Nội.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
https://nghiencuuquocte.org/2023/09/19
Không có nhận xét nào