Header Ads

  • Breaking News

    ‘Xuất khẩu lao động’: hi sinh đời bố… Phần 2. Hết

    Risk, rewards and remittances in Vietnam's Nghe An province

    39 Vietnamese people died being smuggled into the UK in 2019. Most were from Nghe An province.

    https://www.aljazeera.com/news/longform/2023/7/20/in-vietnam-risking-all-in-the-search-for-a-better-life

    Anh Khoa dịch /VNTB

    04/8/2023

    A family member cries beside the coffin of Nguyen Van Hung - who died in the Essex tragedy in 2019 - at a church in Dien Chau district, Nghe An province [File: Nhac Nguyen/AFP]


     “Bị bắt hoặc bị cướp là chuyện thường gặp khi trồng cần sa, nhưng tiền kiếm được cũng xứng đáng.”

    Chính sách ‘xuất khẩu lao động’ của Việt Nam

    Năm 1980, chính quyền cộng sản sau chiến tranh và thiếu tiền mặt ở Hà Nội đã áp dụng chính sách tích cực khuyến khích và gửi người Việt Nam sang các nước bạn ở Liên Xô làm lao động di cư.

    Khi đó chỉ 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc, và sáng kiến này đã giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp trong nước và mang kiều hối về cho những người thân ở Việt Nam.

    Gần ba thập niên trôi qua, vào năm 2009, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện chính sách “xuất khẩu lao động” hay còn gọi là Chương trình 71, tập trung xóa đói giảm nghèo ở 62 huyện thuộc 20 tỉnh, trong đó có Nghệ An.

    Chính sách này đưa ra các ưu đãi, chẳng hạn như cho vay lãi suất thấp và đào tạo do nhà nước tài trợ, để tạo điều kiện cho người Việt Nam ra nước ngoài làm việc tại các quốc gia như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ma Cao, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

    Phần lớn lao động di cư Việt Nam đến từ khu vực phía bắc và bắc trung bộ như Nghệ An, và theo một báo cáo của phương tiện truyền thông tỉnh Nghệ An vào tháng 3, kiều hối do người Việt Nam làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài hàng năm được định giá khoảng nửa tỷ đô la cho tỉnh.

    Dòng tiền đổ vào như vậy đã góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 10 trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

    Và theo nghiên cứu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong 5 năm liên tiếp tính đến năm 2016, Nghệ An đưa nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài nhất ở Việt Nam.

    Tuy nhiên, báo cáo của IOM cũng cho biết những lỗ hổng trong giám sát quy định đối với các cơ quan tuyển dụng lao động, cùng với việc thực thi luật hành chính và hình sự hạn chế, đã cho phép các hoạt động tuyển dụng phi đạo đức phát triển mạnh, khiến người lao động nhập cư có nguy cơ bị cưỡng bức lao động và bị buôn bán.

    Trần Minh Khánh đã trực tiếp trải nghiệm điều này.

    Người gốc Nghệ An 34 tuổi này là một trong số 500 công nhân trong vụ lạm dụng công nhân nhập cư nổi tiếng ở Serbia vào năm 2021 và đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

    Được thuê làm việc tại Serbia để xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe cho một tập đoàn Trung Quốc, những công nhân này đã bị tịch thu hộ chiếu và thường xuyên bị trừ lương trong khi hàng ngày phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện lạnh giá và sống ở nơi tồi tàn.

    Một số công nhân ở Serbia cáo buộc bị lừa trả hàng nghìn đô la bên tuyển dụng lao động.  Họ hứa hẹn sẽ trả lương cao ở nước ngoài với điều kiện làm việc tốt.

    Sau khi hoàn cảnh của của những công nhân này được truyền thông đưa tin và các nhà hoạt động nhân quyền đã lên tiếng, gây áp lực buộc chính quyền Serbia đã phải hành động, ông Khánh nói. Ông Khánh kể lại rằng người ta đã trả lại hộ chiếu, lương còn thiếu và nhiều người đã được hồi hương về Việt Nam.

    Tuy nhiên, Khánh vẫn ở lại.

    Ông và những người khác tiếp tục xây dựng nhà máy bất kể điều kiện làm việc tồi tệ, mùa đông lạnh giá ở Serbia, và các trường hợp ngược đãi và đình công sau đó.

    Ông Khánh muốn trả cho xong số nợ vay mượn cho cho chuyến đi đến Serbia, và dù hoàn cảnh có tồi tệ đến đâu, ông vẫn phải dành dụm tất cả số tiền có thể kiếm được.

    “Tôi không còn gì để mất. [Tôi] kiếm được một số tiền để gửi về nhà cho gia đình. Tôi sẽ không hối tiếc nếu tôi chết ở một vùng đất xa lạ,” ông kể lại quyết định ở lại của mình.

    Ông Khánh nói với Al Jazeera từ đảo Phú Quốc rằng ông trở về vào cuối năm ngoái và Serbia đã dạy anh những kỹ năng quý giá trong xây dựng.

    Làm việc ở Serbia không làm cho ông giàu lên và tính đến thời điểm viết bài này Khánh vẫn chưa về thăm quê được.

    “Tôi sợ mọi người [trong làng] coi thường tôi,” ông giải thích.

    “Họ sẽ nói, ‘Ồ, tôi biết có người xuất khẩu lao động vài năm và mua được thứ này thứ kia. Anh cũng đã đi xuất khẩu lao động mà trắng tay đi về’. Họ nói nặng lắm.”

    Hợp pháp và bất hợp pháp

    Mặc dù nhiều người rời Nghệ An đi xuất khẩu khắp thế giới thông qua các con đường chính thức – thông qua dịch vụ môi giới hoặc mạng lưới của chính họ – nhưng nhiều người cũng cởi mở về ý định di cư và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

    Một số người kể về những người mà họ biết đã làm như vậy.

    Đường đi của họ là đầu tiên đi du lịch hoặc thăm thân hoặc, trong những trường hợp cực đoan hơn, là kết hôn giả.

    Khi đến nơi, họ ở lại làm việc không giấy tờ.

    Một số người cũng bị buộc phải làm việc bất hợp pháp do hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như Nhật Tiến.

    Tiến, 39 tuổi là  sinh viên ngôn ngữ ở Hàn Quốc, anh chẳng còn lại gì ngoài nợ nần sai khi khi trường ngôn ngữ mà anh theo học ở Busan bị phá sản.

    Dù thị thực sinh viên không cho phép anh làm việc toàn thời gian, Tiến vẫn quyết định đi làm và kiếm tiền để trả hết 300 triệu đồng (12.700 USD) tiền nợ mà anh đã vay để đi học ở Hàn Quốc ngay từ đầu. Đó là một số tiền rất lớn vào năm 2005.

    “Tôi lo nếu về nhà sớm thì sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình”, anh nói.

    Tìm được việc làm thợ sơn tại một nhà máy ở Hàn Quốc, Tiến đã trả được nợ trước khi các đồng nghiệp Hàn Quốc tố cáo anh với cảnh sát và bị trục xuất về Việt Nam.

    “Tôi phải đánh cược,” anh nói về những rủi ro mà anh gặp phải khi làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc.

    Việc đó đã được đền đáp có thể giải thích tại sao, 9 năm sau, Tiến lại thử vận may xuất khẩu lao động, lần này là làm thợ cơ khí ở Nhật Bản.

    Đến Nhật hợp pháp và được một công ty địa phương của Nhật Bản bảo lãnh, Tiến đã chứng kiến ​​nhiều người Việt Nam bỏ chủ đã ký hợp đồng để tìm việc ở nơi khác, rồi ở lại quá hạn thị thực.

    Lương thấp, thiếu lương làm thêm giờ, chủ sử dụng lao động khó tính, công ty môi giới lao động lấy 1%  lương hàng tháng… đều góp phần khiến lao động Việt Nam bỏ công ty bảo lãnh để tìm cơ hội tốt khi lao động bất hợp pháp tại Nhật Bản, anh Tiến giải thích.

    “Các công ty môi giới lấy tiền hoa hồng từ tiền lương của chúng tôi hàng tháng. Rất nhiều công nhân đã trốn tránh [hợp đồng của họ] vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở nơi khác,” anh nói.

    Cũng có những người chọn làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và trong các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp, chẳng hạn như trồng cần sa tại các trang trại ở Anh.

    Theo một tài liệu nghiên cứu năm 2019 về người Việt Nam di cư không có giấy tờ ở châu Âu, trồng cần sa ở Anh đã trở thành việc làm phổ biến cho người lao động nhập cư.

    Từ khoảng giữa những năm 1990, các băng nhóm tội phạm người Việt đã trở thành chuyên gia trồng cần sa ở vùng Vancouver của Canada.

    Khi chính phủ Vương quốc Anh vào năm 2004 chuyển cần sa từ loại B sang loại C vào năm 2004 – với các hình phạt ít nghiêm khắc hơn – các băng nhóm người Việt chuyển hoạt động khỏi Canada và nhanh chóng dẫn đầu trong ngành kinh doanh cần sa của Vương quốc Anh, sau khi đã tìm được cách biến những căn nhà lớn thành những trang trại cần sa bí mật ở khu vực thành thị.

    Theo một bài báo từ năm 2020 trên tạp chí Forced Migration Review, các băng nhóm tội phạm có tổ chức do người Việt cầm đầu cũng đã biến Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về đưa người lậu và buôn người vào châu Âu.

    Các băng đảng tội phạm dùng những khoản nợ phát sinh để kiểm soát những người di cư, buộc họ phải làm việc trong các tình huống bóc lột.

    Anh Nguyễn Minh Nhật, quê ở Nghệ An, nói với Al Jazeera rằng anh đang cân nhắc như thế nào – điều mà anh gọi là “sự đầu tư dài hạn” – khi làm việc tại một trang trại cần sa ở Anh.

    Anh Nhật đã nói chuyện với những người môi giới nói rằng họ có thể lo cho anh sang Anh thông qua nhiều kênh khác nhau. Hiện Nhật đang làm tài xế thuê và có bằng đại học.  Nhật nói với Al Jazeera rằng anh quan tâm đến việc đi làm lậu vì có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

    “Bạn bè Nghệ An của tôi làm việc trong một trang trại cần sa. Không ai bị hại hay gặp nguy hiểm.” Anh Nhật nói 39 người Việt Nam chết ở Essex là một “trường hợp hi hữu”.

    “Người môi giới thường lo đưa anh đến tận nơi,” Nhật nói.

    “Họ có thể tư vấn, nhưng họ không tìm được việc làm cho anh. Điều đó tùy thuộc vào anh khi ở Anh.”

    Nhật nói, bị bắt hoặc bị các băng nhóm khác cướp là một rủi ro trong việc trồng cần sa, nhưng tiền kiếm được cũng xứng đáng.

    Ông Nhất giải thích, các công ty môi giới lao động thương mại không cung cấp dịch vụ đưa lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, nhưng có một số cung cấp thông tin và quyền truy cập dưới dạng “dịch vụ ẩn”.

    Khi Al Jazeera đến thăm một địa chỉ ở Vinh, Nghệ An, mà Nhất cho là thuộc về người môi giới lao động đã nói chuyện với anh về việc trồng cần sa ở Anh, một phóng viên phát hiện một ngôi nhà dân xuống cấp, không có biển hiệu kinh doanh rõ ràng nào ngoài một mẩu giấy ghi chú dán ở cửa: “Để giày ở nơi quy định”.

    Mong đổi đời

    Theo một nghiên cứu năm 2022 của Chung Pham, một nhà nghiên cứu của tổ chức từ thiện Locate International có trụ sở tại Vương quốc Anh, Nghệ An và Hà Tĩnh là hai khu vực ở Việt Nam có phần lớn người làm việc lậu hoặc người lao động không có giấy tờ hợp pháp tại Vương quốc Anh.

    Phần lớn những người chết ở Essex năm 2019 đến từ hai tỉnh này và có 21 người quê Nghệ An.

    Theo nghiên cứu này, hai khu vực này cũng là nơi rất nhiều công ty môi giới lao động không có giấy phép đã đánh đổi thành công của một số ít người giàu lên nhờ làm việc lậu ở nước ngoài.

    Lương Thanh Hải, nhà tội phạm học và nghiên cứu viên tại Đại học Queensland ở Úc, cho biết một số người điều hành các cơ quan tuyển dụng không có giấy phép và tổ chức các tuyến đường bất hợp pháp để vào Anh trước đây từng là nạn nhân của nạn buôn người hoặc từng ngồi tù ở Anh. Ông phát hiện ra được điều này từ những  cuộc phỏng vấn với thân nhân của những người môi giới bị bắt – cả người thân của một số người đã chết trong thảm kịch Essex.

    Hải, cũng quê Nghệ An, cho biết những người môi giới biết rõ và có kinh nghiệm trực tiếp về buôn lậu và mạng lưới tội phạm là “mắt xích quan trọng” trong chuỗi tuyển dụng đưa người Việt Nam sang Anh và Úc làm việc lậu như trong các trang trại cần sa.

    Ông Hải cho biết một số người trở về Việt Nam có kinh nghiệm về các tuyến đường buôn lậu đã khởi xướng việc buôn lậu người khác hoặc bị người môi giới tiếp cận để tìm cách hợp tác buôn lậu sau này.

    Ông Hải nói, họ không muốn trở thành kẻ buôn người hay buôn lậu người. Nhưng sau khi trở thành nạn nhân và mang nợ khi kế hoạch thất bại, họ tìm cách thu hồi khoản lỗ bằng mọi cách có thể.

    “Họ là những người đã đầu tư để đi, nhưng đi không lọt, bị trục xuất và trở về nhà với một khoản nợ lớn,” ông Hải nói.

    “Vì vậy, họ phải làm một điều gì đó lớn lao bằng cách trực tiếp tham gia [vào các mạng lưới buôn lậu].”

    Seb Rumsby, giảng viên tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết ước tính có khoảng 20.000 đến 70.000 người Việt Nam không có giấy tờ hợp lệ ở Anh, hầu hết trong làm việc cho chủ người Việt trong các tiệm làm móng, nhà hàng hoặc trồng cần sa.

    Nghiên cứu về người Việt Nam di cư không có giấy tờ ở Anh, Rumsby nhận thấy có đa số người Nghệ An làm việc ở các tiệm nail trong thời gian ông nghiên cứu ở Coventry, một thành phố nhỏ ở miền trung nước Anh.

    “Vấn đề cơ bản là bạn có thể làm việc trong một tiệm làm móng ở Vương quốc Anh với mức lương thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu mà vẫn kiếm được nhiều tiền hơn ở Nghệ An,” Rumsby nói với Al Jazeera.

    Ông giải thích: “Chính phủ chỉ đổ lỗi cho những kẻ buôn lậu và buôn người, nói rằng đều là lỗi của những kẻ buôn người độc ác này, và điều này chỉ làm xao nhãng hoặc bỏ qua những lý do và động cơ thực sự… mà phần lớn là do kinh tế.”

    Ông nói thêm: “Sự mất cân bằng về chênh lệch tiền lương giữa lương của người Việt Nam và người Anh sẽ không sớm thay đổi”.

    Dựa trên các cuộc phỏng vấn với người dân ở Nghệ An, dòng người Việt Nam sẵn sàng mạo hiểm để được đi lậu sang Anh – cũng như các nước khác – cũng sẽ không sớm thay đổi.

    Đổi đời được thì cũng đáng với rủi ro đi du lịch nước ngoài hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

    Khánh, cựu công nhân nhập cư sang xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe ở Serbia kể cho Al Jazeera biết về việc nhập cảnh hợp pháp vào quốc gia Balkan như thế nào. Nhưng Khánh cũng cố nhập cảnh lậu vào các quốc gia khác.

    Thất vọng vì bị ngược đãi ở Serbia, Khánh và một số đồng nghiệp đã cố trốn lậu qua Đức thông qua môi giới nhưng đi không lọt.

    Ông nói, cảnh sát Đức đã bắt được họ trước khi qua biên giới, đánh đập họ và đưa họ trở lại Serbia.

    Về Việt Nam, Khánh lại làm công nhân xây dựng vào ban ngày và học tiếng Anh vào ban đêm vì ông đang định đi xuất khẩu lao động tiếp. Lần này sẽ đi Úc để học làm nhân viên vật lý trị liệu – phục hồi chức năng.

    Ông nói rằng người dân Nghệ An nổi tiếng là có nghị lực, học hành chăm chỉ để thăng tiến trong cuộc sống.

    Nhưng có người phải cố nhiều, ông ấy nói.

    “Ở quê tôi, giáo dục thấp. Thêm vào đó, nếu bố mẹ xuất thân từ tầng lớp thấp trong xã hội, thu nhập ít ỏi thì con cái rất khó vươn lên”, ông Khánh nói.

    Chính vì vậy, Khánh cố gắng kiếm thêm chút tiền để có thể học tiếng Anh, học nghề và hy vọng giúp đỡ thế hệ tương lai trong gia đình mình có bước khởi đầu cao hơn một chút trong cuộc sống.

    Khánh muốn “vươn lên, vì mình và vì thế hệ mai sau”.

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào