Nguyễn Huyền/VNTB
27/8/2023
Khi công nhân bị nợ lương kéo dài, cắt giảm việc làm…, thì trách nhiệm chính theo Hiến pháp là Đảng, không phải của chủ doanh nghiệp.
Hiến pháp 2013, Điều 4.1 viết rất rõ về trách nhiệm đó: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Khi “giai cấp công nhân” bị nợ lương, bị cắt giảm việc làm… thì trách nhiệm của “Đội tiên phong” là phải xắn tay vào tìm cách giải quyết chứ không phải đổ mọi lý do vào chủ doanh nghiệp.
Ở một bài báo phát hành hôm thứ bảy 26-8 trên tờ Tuổi Trẻ, viết rằng: Con số thống kê cho biết bảy tháng đầu năm đã có hơn trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là hàng trăm ngàn công nhân, người lao động mất việc làm, bị nợ lương, bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đã phải làm gì? Thắt lưng buộc bụng để chịu đựng, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp; giăng băng rôn đấu tranh khi thời gian chờ đợi quá ngưỡng chịu đựng; khởi kiện ra tòa án khi mọi yêu cầu đều không được giải quyết; vay nợ và cuối cùng là rơi nước mắt với người hỏi chuyện kể cả là nhà báo…
Dẫu những nghịch cảnh này đã từng diễn ra nhiều lần, và cuộc khủng hoảng thiếu đơn hàng, hết hợp đồng do ảnh hưởng từ những biến động kinh tế – chính trị thế giới đã được dự báo trước, nhưng động thái hỗ trợ công nhân từ công đoàn hay hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách xem ra vẫn chưa đủ và chưa kịp thời.
Bài báo nhìn nhận, “trên vai những người công nhân nhập cư luôn là những gánh nặng trĩu hai đầu làng quê và phố thị. Một bên là cha mẹ già, con cái nhỏ, quê nhà thiếu việc làm; một bên là nhà trọ, những buổi tăng ca, đồng lương chẳng đủ tích lũy, kỹ năng nghề nghiệp không được nâng cấp để chuẩn bị cho ngày mất việc. Tuổi thanh xuân của họ già đi ở đó. Sức trẻ khỏe của họ hao mòn ở đó. Và hôm nay, trong những tổn hại của nền kinh tế, họ vẫn là đối tượng yếu thế nhất, phải chịu tổn thương nhiều nhất, rất cần được chia sẻ”.
Phần kết bài báo đã tránh đề cập trực diện đến vai trò của “Đội tiên phong” theo Hiến định: “Khó khăn này rồi sẽ vượt qua, như họ đã từng vượt khó bao lần khác trong đời, nhưng sự nỗ lực hợp tác của doanh nghiệp là phải có, sự tích cực vận động của tổ chức công đoàn là phải có, sự sâu sát của chính sách là phải có, sự quan tâm hỗ trợ của xã hội là phải có”.
Cá nhân tôi cho rằng khi ăn nên làm ra, các khoản thuế, phí mà doanh nghiệp và người lao động đã làm “nghĩa vụ” với Đảng và Nhà nước luôn sòng phẵng, vậy thì lúc tai ương, khốn khó, thì quyền Hiến định như nhấn mạnh tại Điều 4.1 ở trên cần được sử dụng, tránh việc lại bị chê trách chiêu trò mị dân của Đảng và Nhà nước.
Ở đây, tôi còn nghĩ rằng một liên quan mang tính nhân quả mà Đảng và Nhà nước phải chịu mọi trách nhiệm, đó là chính sách “ba tại chỗ” với doanh nghiệp thời gian mà các quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước giương cao ngọn cờ “phòng, chống dịch Covid”, với hàng loạt chính sách đưa đến tiêu tốn ngân sách chủ doanh nghiệp như trong việc mua kit test, gián đoạn logistics, đình trệ đến mức vi phạm thời gian của thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết.
Không có nhận xét nào