(Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)
Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:
PHẦN I: GIẢI PHÓNG (Những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)
PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (Những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)
PHẦN III: ĐỔI MỚI (Những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)
PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (Xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)
PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)
PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)
PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương.
(Thung lũng Liên-Sơn, 30-04-2023)
VĨNH LIÊM
-------------------
PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Kỳ 6
35. CHÂN DUNG
(Hình minh họa từ Internet)
Đếm tôi cạn tháng ngày buồn,
Nỗi đau sợi tóc ly hương phai màu.
Đêm ngày như những nhát dao,
Bằm tôi trăm mảnh nát nhầu thân danh.
Tương lai treo sợi chỉ mành,
Sống tôi cõi tạm đua ganh ích gì!
Bên tai rộn tiếng thị phi,
Xôn xao mặc kệ, xá chi lắm lời!
May tôi giữ được nụ cười,
Hả hê trước cảnh thói đời xỏ xiên.
(Suối Bạc, 16-04-1981)
VĨNH LIÊM
---------------------
36. SAO KHÔNG GÌ KHÁC?
(Hình minh họa từ Internet)
Mỗi ngày tôi vẫn là tôi,
Sao không gì khác cho đời lên hương?
Mỗi ngày tôi mỗi chán chường,
Cái thân tị nạn còn thương xót gì!
Mỗi ngày hết đứng lại đi,
Lăng xăng cơm áo, còn chi hận thù!
Mỗi ngày như một thầy tu,
Uống dăm cốc rượu sợ hư hỏng mình.
Mỗi ngày phai áo thư sinh,
Đọc dăm pho sách, bất bình thế nhân.
Mỗi ngày trí nhớ phai dần,
Chuyện xưa tích cũ mười phần còn ba.
Mỗi ngày hao hụt tuổi già,
Sao không gì khác cho ra kiếp người?
Mỗi ngày dở khóc dở cười,
Chuyện dài tị nạn suốt đời cà kê…
(Suối Bạc, 25-03-1981)
VĨNH LIÊM
---------------------
37. NƠI TÔI Ở
Nơi tôi ở
Có đủ màu da trông rất đẹp
Họ vui chơi, cười giỡn rất tự nhiên
Có kẻ tiêu pha không biết tiếc tiền
Có kẻ đói, ngửa tay xin từng xu lẻ.
Nơi tôi ở
Hiện thân nhiều thế hệ
Thế hệ già bảo thủ, cực đoan
Thế hệ trung niên chỉ biết kiếm tiền
Thế hệ trẻ bất cần đời, phóng túng.
Nơi tôi ở
Thủ đô của quyền lực
Giữa Tự Do và Cộng Sản giành nhau
Từng đất đai, từng vũ khí giết người
Nhưng Quyền Sống không ai bênh vực cả!
Nơi tôi ở
Có rất nhiều phép lạ
Đồng đô-la khi sụt khi trồi
Vật giá leo thang, xăng khan hiếm khắp nơi
Bọn tài phiệt mặc tình thao túng.
(Hình minh họa từ Internet)
Nơi tôi ở
Nhân tài không thiếu
Chính trị gia, bác học, kỹ sư…
Trí thông minh nhưng giả câm, điếc, đui mù…
Trước hiểm họa xâm lăng Cộng Sản.
Nơi tôi ở
Có rất đông người tị nạn
Việt Nam, Cuba, Cam-bốt, Ba-lan…
Mỗi sắc dân là sự đóng góp vô vàn
Nên tiếng nói kết thành một khối.
Nơi tôi ở
Cũng đầy dẫy tội lỗi
Ăn cắp, giết người, biển thủ, hiếp dâm…
Tình dục tự do, gái điếm đầy đường
Con coi bố mẹ già không hơn mèo, chó…
Nơi tôi ở
Có nhiều thứ Tự Do rất ngộ
Nam nữ đồng tình luyến ái công khai
Có bà già vẫn thích con trai
Cảnh ly dị xảy ra từng phút.
Nơi tôi ở
Có những đêm cười ra nước mắt
Người đồng hương phè phỡn ăn chơi
Dạy trẻ con bập bẹ tiếng nước người
Quên tổ quốc, quê hương đang đau khổ.
Nơi tôi ở
Thật không có gì đáng phỉ nhổ
Tiếc rằng tôi chưa phải người câm
Và mắt tôi còn nhìn thấy chung quanh
Nên không thể ngồi yên và câm nín.
Nơi tôi ở
Một thứ nhà tù vĩ đại
Tự ngồi tù và gác cửa cho mình
Tôi chỉ cần một tia sáng bình minh
Sẽ phá ngục, trở về quê hương chiến đấu.
Nơi tôi ở
Phải là Sài Gòn hay Hà Nội
Bên mẹ cha, bằng hữu, và anh em
Tôi sẽ rong chơi suốt quãng đời chiều
Sống đạm bạc và tinh thần thanh thản.
Không còn bệnh thảm sầu buồn nản.
(Suối Bạc, 23-10-1980)
VĨNH LIÊM
---------------------
38. TÔI NÀO MUỐN
(Hình minh họa từ Internet)
Tôi nào muốn thành người di tản!
Sống lang thang, vất vưởng xứ người.
Xa bạn hữu, gia đình ly tán,
Đêm âm thầm nước mắt tuôn rơi.
Tôi nào muốn thành người tị nạn!
Ngửa tay xin trợ cấp từng đồng.
Cuộc bi thảm xui đời khốn nạn,
Đến bao giờ thoát kiếp long đong?
Tôi nào muốn thành người mất nước!
Kiếp lưu vong: ăn tạm ở nhờ.
Chợt có lúc thấy mình nhu nhược,
Trước bọn người lãnh đạm, thờ ơ.
Tôi nào muốn thành người cô độc!
Khép đời mình giữa chốn đông người.
Trước những cảnh dở cười dở khóc,
Hỏi làm sao nở được nụ cười!
Tôi nào muốn thành người vong bản!
Quên quê hương, nguồn gốc tổ tiên.
Thay đổi hết những gì tập quán,
Để hòng mong kiếm được nhiều tiền.
Tôi nào muốn thành người ích kỷ!
Ôm khư khư quá khứ trong người.
Và hoài niệm thật là thú vị,
Như trẻ con mãi miết ham chơi.
Tôi nào muốn thành người mất trí!
Nhớ quê hương như nhớ người tình.
Trong giấc ngủ chập chờn mộng mị,
Đời lạc vào một cõi vô minh.
Điều tôi muốn là công dân Việt,
Sống an nhàn bên mẹ cha yêu.
Không thù hận, tranh giành, chém giết…
Tuổi thơ tôi luôn được nuông chiều.
(Suối Bạc, 28-10-1980)
VĨNH LIÊM
-------------------
39. ĐÊM XUÂN NHỚ BẠN BÈ
(Hình minh họa từ Internet)
Ngày tan theo nỗi đợi chờ,
Sáu Xuân qua thật tình cờ, thong dong.
Xuân xa xứ lạnh mùa Đông,
Nhà nhà lặng tiếng, pháo hồng im hơi.
Đón Xuân như một trò chơi,
Tan canh vắng, lắng tiếng cười nhẹ tênh!
Một mình ngồi tựa chênh vênh,
Trong đêm gợi nhớ dăm tên bạn bè.
Thằng ở tù vẫn chưa về,
Thằng treo mạng sống gần kề vực sâu.
Thằng khổ hạnh bạc tóc râu,
Thằng nuôi chí lớn phục thù quê hương.
Còn ta – thằng lỡ độ đường,
Với con ngựa sắt dặm trường kiếm cơm.
Ngày lầm lủi, đêm cô đơn,
Khó mà tưởng tượng ta còn sống nhăn!
(Suối Bạc, 09-02-1981)
VĨNH LIÊM
-------------------
40. LỜI TRẦN TÌNH 5
(Hình minh họa từ Internet)
Năm năm vội vã qua rồi!
Mà tôi còn lại nửa đời hư không.
Như con chim được xổ lồng,
Tôi bay mãi miết trong vòng lao đao.
Hồn tôi rơi rớt phương nào!
Có ai bắt gặp xin trao lại giùm!
Đôi khi đời cũng thấy cần,
Để chia xẻ nỗi nhọc nhằn ly hương.
Để ngậm ngùi lẫn xót thương,
Những ai cùng bước chung đường gian nan.
Đổi thay một kiếp phong trần,
Hai bàn tay trắng, mộ phần bơ vơ.
Đời tôi một chuỗi tình cờ,
Giữa đêm đen thấy dật dờ bóng quê.
Có nên mơ một ngày về?
(Suối Bạc, 30-04-1980)
VĨNH LIÊM
-------------------
41. LỜI TRẦN TÌNH 6
(Hình minh họa từ Internet)
Sáu năm qua vụt cái vèo!
Xứ người tâm tưởng còn treo quê nhà.
Có ra đi mới xót xa,
Ôi! Quê hương rất đậm đà tình quê.
Sáu năm đầu ấp vai kề,
Khối tình xa xứ mơ về cố hương.
Bước đi là bước đoạn trường,
Bước về thắm đượm tình thương dạt dào.
Yêu từng luống mạ, bờ ao…
Nhớ từng tiếng gió rì rào ngọn cây.
Những đêm trở lạnh heo may,
Đắp chăn tận cổ ngủ say quên đời…
Bây giờ là chuỗi ngậm ngùi,
Mẹ già tóc bạc, nụ cười hắt hiu.
Bóng cha đổ xuống mỗi chiều,
Bên hiên tựa cửa đăm chiêu mỏi mòn…
Hãy coi như chẳng còn con,
Để mà gượng sống – đời còn bao năm!
Ngày con về rất xa xăm!
Chắc Cha Mẹ đã yên nằm mộ sâu?!
Con mong có phép nhiệm mầu,
Qùi bên Cha Mẹ nguyện cầu ơn trên.
Cho Người sống thọ bình yên,
Đến ngày Phục Quốc ba Miền an vui…
(Suối Bạc, 30-04-1981)
VĨNH LIÊM
-------------------
42. LỜI TRẦN TÌNH 7
(Hình minh họa từ Internet)
Hỏi lòng còn nhớ hay quên?
Bảy năm tị nạn buồn tênh xứ người.
Ừ ta vẫn có nụ cười,
Nửa thân thường trú, nửa thời Việt Nam.
Bảy năm mang kiếp con tằm,
Chưa làm vơi được nỗi lầm than kia!
Thương tình cốt nhục phân chia,
Giận thay lũ quỷ mặt hề trị dân!
Mai sau nhìn đống xương tàn,
Hận thù không dễ xóa tan một ngày.
Hay gì chủ nghĩa ngoại lai!
Hại cha, giết mẹ, đọa đày anh em.
Vở tuồng đã quá nửa đêm,
Hạ màn còn để người xem ra về!
(Đức Phố, 30-04-1982)
VĨNH LIÊM
-------------------
(Hết Kỳ 6 - Xem tiếp Kỳ 7)
Không có nhận xét nào