Header Ads

  • Breaking News

    Uan Tieu - Đôi điều về câu nói của Khuất Nguyên qua cái nhìn trung lập.

    Viết từ Sài Gòn

    Tháng 5/2023

    Đây là một suy nghĩ khó chịu, không phải ai cũng chấp nhận được, vì vậy bài viết này họa chăng là chỉ dành cho một số ít người còn có thể đọc được, đọc chiêm nghiệm cho vui vậy thôi!

     Khuất Nguyên nói: “Đời đục cả, một mình ta trong; đời say cả, một mình ta tỉnh.”

     Trước tiên tôi xin nhắc lại là ông nói câu này rồi trầm mình ở dòng Mịch La khi độ chừng 27 hay 28 tuổi gì đó. Ông chọn kết liễu cuộc đời khi còn quá trẻ, một điều uổng tiếc vô hạn, nhưng đời nó ác ở chỗ là ông không chết thì giờ chả ai biết có Khuất Nguyên. Riêng về cá nhân tôi thì ông vẫn là một bậc tài hoa lỗi lạc, am hiểu chính sự chớ không phải hạng tầm thường. Ở đây tôi chỉ xét về câu nói, cái nếp nghĩ ấy chớ không phải nhân vật cũng như hoàn cảnh xã hội thời đó. Chính vì lẽ đó bài viết không có ý chê bai đả kích ông mà chỉ gợi lên một suy nghĩ trái chiều để ghi lại sự suy tư trong một thời điểm và cũng để cho vài người còn chút hơi thừa mà cùng nhau nghĩ ngợi.

     Tin tưởng mình cứu đời, tự cho mình là loài sen tinh khiết giữa bùn lầy, đó là một căn bệnh trầm trọng nhất của nhân loại. Thật vậy, ai giống mình tức là bạn mình, ai khác mình tức là kẻ thù với mình, mới sanh ra vấn nạn chia phe kết phái kình chống, chém giết lẫn nhau. Những kẻ tự cho là cứu đời, những kẻ tự cho là giải thoát cho người khác thì thường đem cái ý kiến cá nhân của mình ra rao giảng. Lời của họ là chân lý nên thiên hạ phải nhất nhất tuân theo, vì họ phụng sự cho đời nên theo họ mới là phải mà không theo tức là quấy, quấy tức là trở ngại, mà trở ngại thì bị tiêu diệt. Từ đó mới có cái khái niệm “duy nhất không ai sánh bằng” và độc tài độc trị cũng nhân đó mà ra.

     Nhưng xét cho cùng cái cao vọng ấy cũng chỉ là gom thiên hạ về cùng với quan điểm của họ, nghe theo họ và làm theo họ. Cái việc làm đó chẳng khác nào đem hết thiên hạ bỏ vào trong một cái lồng cho thật giống nhau, một khuôn khổ trong cái tư tưởng eo hẹp. Nó hoàn toàn đi ngược lại việc giải phóng tinh thần, tự do tư tưởng, vậy mà họ vẫn tự cho là đấng cứu thế. Phải chăng đó chính là cái nguồn cơn tạo ra hạng người lúc nào cũng tự cho là mình trong nhất, mình là một tinh tú trên trời cao không thể thiếu với đời, có nhiệm vụ thực thi sứ mạng dẫn dắt loài người. Nhưng kỳ thực nơi nào có họ là nơi đó sinh ra biết bao tai họa, khổ ải cho nhân loại từ cổ chí kim.

     Đời vốn dĩ đâu cần ai cứu mà nó cần được buông tha, đời loạn chẳng qua là do họ nhúng tay vào đó quá nhiều mà thôi. Vì họ đã tạo ra sự phân biệt đối lập, kích động lòng tham để ham tranh cố đoạt mà dẫn tới việc chia phe lập đảng rồi giết hại lẫn nhau. Đời vốn giản đơn thì họ tạo ra hình mẫu lý tưởng để bẻ cong loài người gò mình chạy theo, để tạo ra thân phận, thị phi, ganh ghét. Đời vốn dĩ yên vui thì họ dựng chuyện quỷ thần để uy hiếp thiên hạ, để uy hiếp tâm trí làm cho khiếp sợ mà tìm đường bám víu, để không còn có cơ hội biết mình là ai. Và đời đã trở thành cái thứ mà người ta sanh ra là chỉ biết chạy, cứ chạy nhưng chạy đi đâu, chạy làm gì, chạy cho ai thì mù mờ lắm, chỉ biết chạy theo kẻ dẫn đường thì sống vậy thôi.

     Dường như cái mục đích cuối cùng của con người là lưu danh muôn thuở, cái lòng ham muốn đó uy hiếp cả tâm trí của họ biến thành nỗi nơm nớp lo sợ, sợ không ai biết tới mình; sợ đến nỗi không ai tôn sùng thì tự phong, phong xong rồi mà không ai thờ thì dùng vũ lực, dùng thế trị mà ép người ta phải thờ. Nó ngươc ngạo đến vậy mà vẫn dương dương tự đắc đánh trống thổi kèn trước mũi bầy người tự cho là tinh khôn. Sao tự cho là tinh khôn mà chẳng ai thấu được cái lý này mà ngược lại còn đi rạp mình tôn thờ cái loại ngang trái ấy? 

     Cái thói đời cũng hết sức kỳ lạ, người ta hầu hết lại không tin mình nhưng lại tin người một cách tuyệt đối, người ta không thích nghe mình nhưng lại nghe người một cách say sưa, người ta không yêu ở mình nhưng lại yêu người một cách cuồng dại đến phải xả thân vì người. Đã mang tiếng xả thân mà nghĩa đâu không thấy chỉ thấy toàn trá ngụy, vậy không phải u mê thì còn gọi là gì nữa! 

     Đó, cái hạng ôm mộng làm thầy đời cũng từ đó mà ra, cái hạng tự cho là mình trong nhất thiên hạ, cái hạng tự cho mình sạch như loài sen giữa bùn lầy. Cái mộng ấy lớn đến nỗi họ làm ra dáng vẻ tiên đồng đạo cốt để được thờ cúng muôn năm. Tham đến vậy, đục đến vậy, hề đến vậy mà lúc nào cũng khiêm cung bác ái. Mọi tai họa khổ ải cũng từ đó mà ra.

    Sài-gòn, ngày 07/05/2023.

    Thêm:

    Quê Hương

    Tháng 8 năm 2023

    QuYuan.jpg

    Hơn hai trăm năm trước, trong một cuộc “Bắc hành”, đại thi hào Nguyễn Du đã viết tới tám bài thơ chữ Hán về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên. Trong “tòa lâu đài” thơ chữ Hán Nguyễn Du (Mai Quốc Liên), có một mảng thơ rất quan trọng là nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, đặc biệt là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa. Tám bài thơ nói trên mà chúng tôi sẽ khảo sát có trữ lượng suy tưởng - cảm xúc cực kỳ phong phú, sâu sắc, cho thấy cả trái tim lớn của đại thi hào nước Việt dành cho một nhà thơ-nhà ái quốc vĩ đại của Trung Hoa cổ xưa, đồng thời thể hiện bút pháp siêu việt của Nguyễn Du trong khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn bản thân lẫn đối tượng miêu tả, trong sự sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ của một nhà văn-nghệ sĩ Việt Nam kiệt xuất thời Trung đại.

    Khuất Nguyên là nhà thơ Trung Quốc duy nhất được nhân dân dành cho một ngày lễ đặc biệt được tiến hành hàng năm, đúng vào ngày nhà thơ trầm mình, từ suốt hơn hai ngàn năm nay, đó là tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, có phong tục bơi thuyền rồng, ném bánh gói lá xuống sông để giao long ăn bánh đừng rỉa xác Khuất Nguyên… Tác phẩm Sở từ của Khuất Nguyên đã được dịch in ở Việt Nam từ hơn bốn chục năm trước, gồm 6 chương: Cửu ca, Bốc cư, Ngư phủ, Ly tao, Cửu chương, Thiên vấn(1) trong đó tuyệt tác Ly tao.

    ... Theo Sử ký: “Khuất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài vương ( tương đương với tể tướng), học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng”(23)

    Dù Sở Hòai vương đồng ý cho Khuất Nguyên thực hành những chủ trương chính trị do ông đề xuất, từng nói cùng ông những lời “thề ước” ( Trước cùng ta nặng lời thề ước/ Sau vì đâu biếng nhác đơn sai - Ly tao), nhưng quanh Sở Hoài vương là một bọn đại thần bảo thủ, phản động, ghen ghét tài năng, rình rập mọi cơ hội để hãm hại Khuất Nguyên, một người hiền lương ôm ấp lý tưởng cao đẹp và hoài bão to lớn cho tổ quốc mình, nhưng rồi bị cả hai đời vua xa lánh, phế bỏ, phải bị đày đi Giang Nam. Nỗi niềm “cô trung” của Khuất Nguyên là điều dễ hiểu, qua Ly tao, qua sử sách kể lại, và được trái tim nghệ sĩ VN hơn ngàn năm sau đồng cảm sâu sắc, như chính Nguyễn là người cùng cảnh ngộ: Bốn phương có chốn nào gửi được tấm lòng cô trung?



    Không có nhận xét nào