Header Ads

  • Breaking News

    Từ vùng đất Mang Khảm đến trấn Hà Tiên

    Một người Mỹ viết sách về lịch sử Hà Tiên 

     Patrice Trần Văn Mãnh

    Paris, viết xong ngày 27/02/2023


    Lãnh thổ trấn Hà Tiên vào năm 1708: vùng màu nâu, ranh giới phỏng theo tư liệu.

    Lãnh thổ trấn Hà Tiên vào năm 1708: vùng màu nâu, ranh giới phỏng theo tư liệu.

    I/ Nhập bài:

    Thầy cô và các bạn thân mến, chúng ta đều biết Mạc Cửu là người từ nước Trung Hoa đến vùng đất mang tên Mang Khảm (còn có tên là Phương Thành) và khai phá vùng đất nầy để sau đó trở thành một trấn rất rộng lớn mang tên mới là Hà Tiên. Tuy nhiên chúng ta lại biết một cách mơ hồ và thiếu sót khi muốn trả lời câu hỏi: « Họ Mạc quản thủ trấn Hà Tiên như thế đến bao nhiêu năm và trong gia đình họ Mạc thì ai là những người làm đến chức Tổng Trấn Hà Tiên? ». Nói một cách khác từ năm dựng đất và phát triển thành trấn Hà Tiên để nhập vào lãnh thổ nhà Nguyễn (1708) cho đến năm 1867 khi quân Pháp chiếm Hà Tiên, họ Mạc có bao nhiêu người được làm quan cai trị trấn, tỉnh Hà Tiên?

    Thực ra trong sự hiểu biết còn có rất nhiều giới hạn của chúng ta về lịch sử Hà Tiên, chúng ta chỉ có thể liệt kê tên của vài nhân vật nổi tiếng trong gia đình họ Mạc như: Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh, Mạc Công Du..v..v… Ngoài ra chúng ta không biết được nhiều hơn về lai lịch từng người trong gia đình họ Mạc, còn không thể biết hết những ai đã từng nối tiếp cha ông để làm quan quản thủ đất Hà Tiên. Nội dung bài viết nầy chỉ đơn giản là tìm hiểu phần nào vấn đề nêu trên, với một sự tìm tòi tạm thời, không thể gọi là kết quả của một sự nghiên cứu có tính chất hàn lâm, mong được người Hà Tiên nói riêng và chúng ta nói chung, đọc qua để có một cái nhìn khái quát hơn và làm giảm bớt sự tò mò của chúng ta khi muốn biết về vùng đất Hà Tiên với những ai đã từng là quan cai trị vùng đất nầy, dĩ nhiên phải là những người xuất thân trong gia đình họ Mạc, nhưng dần dà, dưới sự kiểm soát của nhà Nguyễn, Hà Tiên trở thành một bộ phận của nguyên thể Đại Việt, thì những người đứng đầu cũng sẽ là những vị quan chức do nhà Nguyễn bổ nhiệm.

    Các sự kiện lịch sử, các niên đại được nêu ra trong nội dung bài viết qua tóm tắt tiểu sử của từng vị quan quản thủ Hà Tiên có thể có nhiều sai sót, ngoài ra tác giả cũng không thể thiết lập lại một lịch trình từng năm một từ năm 1708 cho đến năm 1867 để nêu ra một cách chi tiết và chính xác tên tuổi của tất cả các vị quan cai trị vùng đất Hà Tiên. Do đó bài viết chỉ có tính chất đề nghị, giới thiệu sơ lược và từ đó tạo nên một nguồn cảm hứng và sự tiếp nối đến với quý học giả, quý vị cao niên, quý anh chị để được tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp, chỉnh sửa để chúng ta tìm được một loạt những câu trả lời cho các câu hỏi nêu trên, từ đó giúp cho sự hiểu biết về lịch sử quê hương Hà Tiên được phong phú và đầy đủ hơn, đó là điều mong ước của tác giả. Xin quý vị thông cảm và rộng lượng cho việc đọc bài nhé. Xin cám ơn tất cả.

    II/ Đại cương về tình hình vùng đất Hà Tiên từ năm 1708 cho đến năm 1867:

    Năm 1679, nước Trung Hoa xảy ra một biến cố quan trọng: quân Mãn Thanh tiếp tục đánh chiếm gần như toàn bộ lãnh thổ nhà Minh, bình định Quảng Đông, sự kiện nầy gây ra vài cuộc di cư rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sự Nam tiến của nhà Nguyễn sau đó và làm thay đổi diện mạo gần cả toàn vùng đất của Đàng Trong. Đó là cuộc di cư đến nước ta (lúc đó có tên là Đại Việt) của quan thần nhà Minh: Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, nguồn gốc của sự thành lập các thành phố vùng Mỹ Tho và Đồng Nai.

    Một cuộc di cư khác không kém phần quan trọng nếu không muốn nói là có tính chất quyết định và giúp cho cuộc Nam tiến của nhà Nguyễn kết thúc vừa tiết kiệm các cuộc chiến tranh chiếm đất vừa tranh thủ về thời gian, đó là công cuộc dựng đất vùng Hà Tiên của Mạc Cửu.

    Từ năm 1671, Mạc Cửu lúc đó còn trẻ đã theo tàu buôn khắp vùng biển Đông Nam Á và sau đó đã ghé lại Nam Vang để làm việc lâu dài cho triều đình vua Cao Miên. Sau gần 10 năm chạy loạn qua đất Xiêm, Mạc Cửu về Lũng Kỳ (vùng đất thuộc nước Cao Miên, phía Tây Bắc đảo Phú Quốc) và đến năm 1700, Mạc Cửu đến đất Mang Khảm (tên xưa của Hà Tiên ngày nay), bắt đầu công cuộc khai phá đất đai và dựng làng thôn.

    Niên đại 1708 là niên đại lịch sử không những đối với Hà Tiên mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Nam tiến, đó là năm Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu, được phong tặng chức tước và được cai quản đất Hà Tiên như là một phó vương với tính chất gần như là độc lập. Trong thời gian dựng dất, Hà Tiên bắt đầu phồn thịnh, dân chúng tụ họp đông đúc. Tuy nhiên Hà Tiên cũng không thể yên ổn dưới sự dòm ngó của lân bang, năm 1718, quân Xiêm tấn công đốt phá thành thị, nhà cửa, Mạc Cửu tị nạn về Lũng Kỳ và vợ ông sinh ra Mạc Thiên Tích tại đây. Năm sau ông về Hà Tiên xây dựng lại xứ sở cho đến năm 1765 Mạc Cửu thọ bệnh và qua đời.

    Mạc Thiên Tích tiếp nối sự nghiệp của cha, củng cố việc hành chánh, quân sự, mở rộng đất đai mới: Rạch Giá, Cà Mau, Trấn Di (Bạc Liêu), Trấn Giang (Cần Thơ). Năm 1757 Mạc Thiên Tích còn mở rộng Hà Tiên thêm 5 phủ của vùng đất thuộc bên Cao Miên, trấn Hà Tiên lúc đó phát triển nhanh chóng và có diện tích rất rộng lớn, trải dài từ vùng vịnh Kompong Som (nay là vùng Sihanoukville thuộc nước Cambodge) cho đến tận mũi Cà Mau.

    Một sự kiện quan trọng về văn hóa trong thời kỳ đầu quản trị Hà Tiên của Mạc Thiên Tích là sự ra đời của Tao Đàn Chiêu Anh Các năm 1736, một hoạt động văn hóa, tôn giáo và giáo dục, kết quả của sự tiếp đón, chiêu đải hiền tài, mở trường dạy chữ…Với hoạt động nầy, Hà Tiên đã gây ấn tượng trong giới văn nhân thời đó đến độ nhà bác học Lê Quý Đôn sau khi xem được tập “Hà Tiên thập vịnh” theo bản khắc gỗ in của Mạc Thiên Tích, đã không tiếc lời khen ngợi và thốt lên rằng “không thể bảo rằng ở vùng hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy”.

    Hà Tiên dưới thời Mạc Thiên Tích là giai đoạn củng cố và phát triển, về quân sự đã đẩy lùi được giặc bên ngoài, lại phá tan được nhiều vụ nổi loạn, dẹp tan bọn cướp biển mưu chiếm Hà Tiên.

    Về thương mại và giao lưu với nước ngoài, Mạc Thiên Tích mở cửa đón nhận ghe tàu thương thuyền các nước khác kể cả các nước Âu Châu…Ông cũng tiếp đón nhiều người đến Hà Tiên tị nạn, các giáo sĩ truyền giáo được phép đến vùng trấn Hà Tiên lưu trú, mở trường hoạt động.

    Tuy nhiên kể từ năm 1769, quân sĩ đi chiến dịch xa nơi đất Xiêm bị bệnh thời khí và giông bão chết dọc đường rất nhiều, Hà Tiên bắt đầu suy yếu và đi vào chiến tranh tàn khốc vì quân Xiêm thừa lúc đó động binh gây hấn. Hà Tiên bị quân xiêm chiếm đóng từ năm 1771, Mạc Thiên Tích và quần thần phảỉ chạy về Trấn Giang và đó là lần cuối cùng Mạc Thiên Tích rời khỏi Hà Tiên để không trở lại được nữa. Sau ba năm chiếm đóng của quân Xiêm, Hà Tiên trở thành đất hoang, dinh thự, nhà cửa bị tàn phá nặng nề. Mặt khác quân Tây Sơn bắt đầu dấy binh, nhà Nguyễn bị lâm nguy với nhiều cuộc truy kích của Tây Sơn, Mạc Thiên Tích phải qua Xiêm lưu trú.

    Đến khi chúa Nguyễn Ánh bắt đầu khôi phục dần cơ đồ thì lại xảy ra nhiều sự hiểu lầm, ngộ nhận khiến cho vua Xiêm nghị kỵ phái đoàn Mạc Thiên Tích ở Vọng Các (Bangkok, Thái Lan), cuối cùng cả nhóm đều bị vua Xiêm giết chết, Mạc Thiên Tích vì uất ức nên tự tử ở đó (1780).

    Sau khi chúa Nguyễn Ánh toàn thắng Tây Sơn (1802) lên ngôi là vua Gia Long, vua đã cho chỉnh đốn lại vùng Hà Tiên, tiếp tục phong chức cho con cháu Mạc Cửu như Mạc Tử Sanh, Mạc Công Bính, Mạc Tử Thiêm làm trấn thủ Hà Tiên. Tuy nhiên Hà Tiên không còn là vùng đất phồn thịnh như trước nữa mà đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của nước Xiêm và dần dần trực tiếp dưới sự kiểm soát của nhà Nguyễn, do chính vua Gia Long bổ nhiệm các quan trấn thủ vì sau đời Mạc Tử Thiêm thì con cháu họ Mạc còn nhỏ không thể quản trị việc chánh trị, quân sự được nữa.

    Đến năm 1816 Mạc Công Du được phong quan Hiệp Trấn, lần lần được nắm quyền quản thủ Hà Tiên. Trong thời gian nầy lại có biến cố Lê Văn Khôi nổi loạn chống nhà Nguyễn và xâm chiếm Hà Tiên, con cháu Mạc Công Du theo nhận chức của giặc loạn nên đều bị tội, em của Mạc Công Du là Mạc Công Tài là người cuối cùng trong họ Mạc giữ chức trấn thủ Hà Tiên (1832), sau đó cả anh em, con cháu đều bị kết tội, bị lưu đày xa xứ.

    Đến giai đoạn nầy thì mặc dù con cháu họ Mạc vẫn còn ở Hà Tiên, tuy phải đổi họ và trốn tránh, nhưng sau đó đến đời vua Thiệu Trị, năm 1846, nhà vua mới cho phục hồi Mạc Công Miếu cất lại nơi núi Lăng, cho người tìm con cháu họ Mạc để ban chức và lo việc thờ phụng, giữ gìn ngôi miếu. Tuy nhiên họ Mạc đến đây đã không còn người để làm Trấn Thủ như cha ông ngày trước. Hà Tiên hoàn toàn do triều đình nhà Nguyễn quản lý và cấp quan cai trị.

    Nhà Nguyễn cử các vị quan văn, võ lần lược đến quản thủ Hà Tiên với danh xưng Tổng Đốc, lúc bấy giờ Hà Tiên và An Giang được nhập lại với tên An Hà, vị Tổng Đốc sau gia đình họ Mạc là Lê Đại Cương (1833) đến vị Tổng Đốc cuối cùng trước khi quân Pháp chiếm Hà Tiên là Phan Khắc Thận (1867). Từ đây Hà Tiên chỉ còn là một tỉnh nhỏ dưới sự cai quản của quân Pháp. Từ một trấn Hà Tiên rộng lớn đầy thịnh vượng về cả mọi mặt thương mại, hàng hải, văn hóa, Hà Tiên đã mất đi tầm ảnh hưởng quan trọng của thời đại dựng đất và phát triển để thu nhỏ lại chỉ còn là một tỉnh rồi một quận lẻ của miền cực Tây đất nước. Đối với người Hà Tiên, chúng ta tự xem như là con cháu của những vị công thần đi tiên phong khai dựng đất đai, Hà Tiên tuy đã đổi khác nhưng vẫn là vùng đất thân yêu và luôn ngự trong trái tim của chúng ta.

    III/ Sơ lược các giai đoạn của các quan quản thủ Hà Tiên kể từ lúc thành lập trấn Hà Tiên (1708) cho đến lúc Hà Tiên bị Pháp chiếm (1867):

    A/ Mạc Cửu :

    Mạc Cửu là người gốc Trung Hoa, sinh năm 1655 tại Lôi Châu, Quảng Đông (Trung Hoa), mất năm 1735 tại Hà Tiên.

    Vào năm 1679 nhà Thanh chiếm Quảng Đông, một số quan thần nhà Thanh bắt đầu rời khỏi Trung Hoa dùng tàu biển tị nạn về phía nam, đến đầu phục chúa Nguyễn ở Việt Nam. Năm 1680 Mạc Cửu đến Nam Vang làm việc cho vua Cao Miên và được giữ chức Ốc Nha (Oknha).

    Năm 1700 Mạc Cửu đến vùng đất Mang Khảm (còn có tên Phương Thành), ông bắt đầu chiêu mộ cư dân, lập ra 7 thôn xã. Đến năm 1708 Mạc Cửu dâng đất xin đầu phục chúa Nguyễn Phúc Chu và được chúa phong chức Tổng Binh,  làm Hà Tiên Trưởng.

    Chức tước được phong : Oknha (Khmer) ; Hà Tiên Trấn Tổng Binh Cửu Ngọc Hầu (Việt Nam).

    Sau khi ông mất, Mạc Cửu được các vua nhà Nguyễn phong chức : Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công, Thọ Công Thuận Nghĩa Trung Đẳng Thần, Thượng Đẳng Thần.

    Mạc Cửu được thờ tại đền Mạc Công Miếu và đình Thần Thành Hoàng ở Hà Tiên. Tại thị trấn Kiên Lương (Cống Tre, ấp Ngã Ba) cũng có ngôi đình thờ ông.

    Mạc Cửu trị vì ở Trấn Hà Tiên từ năm 1708 đến năm ông mất 1735. Lãnh thổ trấn Hà Tiên lúc đó gồm 7 thôn xã : Hà Tiên, Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột (Kampot), Vũng Thơm (Kompong Som), Rạch Giá, Cà Mau. Thời kỳ nầy tương ứng với hai đời Chúa Nguyễn là : Nguyễn Phúc Chu và Nguyễn Phúc Chú. Đây là thời kỳ khai sáng vùng đất Hà Tiên và được phát triển thịnh vượng.

    B/ Mạc Thiên Tích :

    Mạc Thiên Tích là con của Mạc Cửu, ông là người lai Trung Hoa và Việt Nam vì mẹ ông là người Việt, sinh năm 1718 tại Lũng Kỳ (Kampuchia), mất năm 1780 tại Vọng Các (Bangkok, Thái Lan).

    Sau khi Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn Phúc Chu phong Khâm Sai Đô Đốc Tướng Quân, đứng đầu Trấn Hà Tiên. Thời kỳ Mạc Thiên Tích trị vì ở Hà Tiên là thời kỳ phồn thịnh nhất với rất nhiều thành tựu về quân sự, chánh trị, kinh tế và văn hóa, đó là khoảng thời gian từ năm 1735 đến năm 1771. Trong thời kỳ nầy Mạc Thiên Tích đã góp phần rất to lớn trong công cuộc khai tiến mở rộng lãnh thổ về phía Nam của các chúa Nguyễn.

    Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1773, Hà Tiên bị quân Xiêm chiếm đóng, Mạc Thiên Tích phải chạy ra Châu Đốc và sau đó về Trấn Giang (Cần Thơ). Vua Xiêm Taksin phong tướng Xiêm là Trần Liên (Chiêu Khoa Liên hoặc Tang Lieng hoặc Chen Lian là người Trung Hoa gốc Tiều Châu) trấn giữ Hà Tiên (1771 – 1773), trong hai năm nầy Hà Tiên bị quân Xiêm tàn phá, rất điêu tàn và đổ nát.

    Năm 1773, vua Xiêm Taksin giảng hòa, trả lại Hà Tiên cho Mạc Thiên Tích, ông ủy quyền  cho con là Mạc Tử Hoàng về tiếp nhận Hà Tiên. Tuy nhiên bắt đầu từ đây Hà Tiên bị ảnh hưởng nặng vì cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn. Năm 1775, quân Tây Sơn tiến công khiến chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định, Mạc Thiên Tích đưa các con Tử Hoàng, Tử Thảng và Tử Dung đến tiếp kiến chúa và ông được phong chức Đô Đốc Quận Công. Đến năm 1777 quân Tây Sơn chiếm Gia Định, tiến về Long Xuyên (tức vùng Cà Mau) và làm chủ vùng đất Hà Tiên, Mạc Thiên Tích cùng đoàn tùy tùng qua Xiêm. Sau đó vì bị vua Xiêm Taksin nghi ngờ nên Mạc Thiên Tích và đoàn tùy tùng đều bị bắt giam, ông tự tử chết và cả đoàn người đi theo đều bị giết chết cả (1780). Xem như kể từ năm 1771, Mạc Thiên Tích chạy giặc, rời khỏi Hà Tiên, sau đó đóng quân ở Trấn Giang (Cần Thơ) rồi qua Xiêm cho đến ngày tự vận mất bên Xiêm, không có lúc nào trở về đất Hà Tiên của ông cha nữa.

    Sau nầy, triều Nguyễn có ban sắc phong cho Mạc Thiên Tích là Hà Tiên trấn Tổng Binh Đại Đô Đốc Quốc Lão Sùng Quận Công, Đạt Nghĩa Chi Thần.

    Mạc Thiên Tích được thờ tại đền Mạc Công Miếu và đình Thần Thành Hoàng ở Hà Tiên.

    Mạc Thiên Tích trị vì ở trấn Hà Tiên từ năm 1735 đến năm 1771, sau đó giai đoạn 1771 – 1773 tướng Xiêm Trần Liên thống trị Hà Tiên. Mạc Thiên Tích được vua Xiêm trả lại Hà Tiên và ông tiếp tục trị vì Hà Tiên trong giai đoạn 1773 – 1777, tuy nhiên trong thời gian nầy Mạc Thiên Tích vẫn đóng quân ở Trấn Giang (Cần Thơ), chỉ có con ông là Mạc Tử Hoàng, lúc đó làm Hiệp Trấn (tức phó Tổng Trấn) đang ở tại Hà Tiên để xây dựng lại Hà Tiên còn trong tình trạng đỗ nát vì chiến tranh. Thời kỳ Mạc Thiên Tích trấn thủ Hà Tiên tương ứng với ba đời Chúa Nguyễn : Nguyễn Phúc Chú, Nguyễn Phúc Khoát và Nguyễn Phúc Thuần.

    C/ Giai đoạn 1777 – 1787:

    Đây là giai đoạn loạn lạc vì chiến tranh Tây Sơn, chúa Nguyễn, chúa Trịnh và nước Xiêm (1777 – 1787) : Năm 1777 quân Tây Sơn chiếm Long Xuyên (tức vùng Cà Mau), Hà Tiên bị biến loạn, đến năm 1780 tướng nhà Nguyễn cử Chưởng Thăng (không rỏ họ) về trấn thủ Hà Tiên. Vua Xiêm Chakri mới lên ngôi hiệu là Phật Vương năm 1782, có mối quan hệ khá tốt với chúa Nguyễn nên cho tướng Xiêm tên Thát Xi Đa dẫn quân sang đóng ở Hà Tiên phòng quân Tây Sơn. Thời gian nầy quân Tây Sơn truy đuổi chúa Nguyễn Phúc Ánh đến tận Hà Tiên và ra các đảo thuộc vịnh Xiêm La (1784). Sau đó quân Xiêm giúp binh tướng để hộ chúa Nguyễn Phúc Ánh về nước, trong dịp nầy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu đã đánh thắng quân Xiêm trong một trận lịch sử rất nổi tiếng, đó là trận Rạch Gầm, Xoài Múc tại Mỹ Tho (năm 1785). Sau trận nầy con của Mạc Thiên Tích là Mạc Tử Sanh phò chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy về Hà Tiên và ra vịnh Xiêm La đi qua nước Xiêm.

    Trong thời gian nầy Hà Tiên vẫn dưới ảnh hưởng của chúa Nguyễn, nhưng chúa Nguyễn chịu ảnh hưởng của vua Xiêm Phật Vương.

    D/ Mạc Tử Sanh:

    Mạc Tử Sanh là con của người thiếp, vợ thứ tư của Mạc Thiên Tích, sinh năm 1769, không rỏ nơi sanh, mất năm 1788 tại Hà Tiên. Từ thế hệ con của Mạc Thiên Tích trở về sau, tất cả các công tử và công nương đều là người Việt Nam.

    Khi Mạc Thiên Tích mất ở bên nước Xiêm, Mạc Tử Sanh còn nhỏ (12 tuổi) nên mấy anh em đều không bị vua Xiêm Taksin giết mà bị đày đi nơi xa và được một quan Xiêm che dấu và nuôi nấng. Khi vua Xiêm Taksin bị lật đổ và bị giết chết, vua mới lên thay nên được vua Xiêm mới tên Chakri (tự là Phật Vương) cho ông đến chào chúa Nguyễn Phúc Ánh nhân dịp chúa qua nước Xiêm tránh quân Tây Sơn, lúc đó năm 1784, Mạc Tử Sanh được phong chức Tham Tướng Lý Chánh Hầu và được cho theo hầu chúa Nguyễn Phúc Ánh. Đến năm 1787 chúa cho Mạc Tử Sanh về Hà Tiên làm Lưu Thủ, qua năm sau 1788 Mạc Tử Sanh bệnh mất trong khi đang giữ chức Lưu Thủ Hà Tiên.

    Mạc Tử Sanh được phong tặng Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm Y Vệ Chưởng Vệ Sự Đô Đốc Chưởng Cơ.

    Mạc Tử Sanh được thờ tại đền Mạc Công Miếu và đình Thần Thành Hoàng ở Hà Tiên.

    Mạc Tử Sanh trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1787 đến năm sau 1788.

    E/ Giai đoạn 1788 – 1789:

    Sau khi Mạc Tử Sanh mất (1788), chúa Nguyễn xin vua Xiêm Phật Vương cho Mạc Công Bính về Hà Tiên để lo việc xây dựng lại vùng đất Hà Tiên., tuy nhiên Mạc Công Bính chưa về kịp ngay lúc đó, nên người của nước Xiêm tạm thời trông coi công việc của trấn Hà Tiên, thời kỳ nầy kéo dài một năm.

    Tướng nước Xiêm,  tạm thời quản lý Hà Tiên trong giai đoạn 1788 – 1789.

    F/ Mạc Công Bính:

    Mạc Công Bính là con của Mạc Tử Hoàng, không biết năm sinh, mất năm 1792, không rỏ nơi sinh và nơi mất.

    Năm 1789, Mạc Công Bính từ Xiêm về trước hết vào Gia Định yết kiến chúa Nguyễn Phúc Ánh và được phong chức Khâm Sai Cai Đội Lưu Thủ đạo Long Xuyên (ở Cà Mau), vì thế không về tới Hà Tiên, vua Xiêm Phật Vương không hài lòng nên Mạc Công Bính phải trở lại Hà Tiên, trước hết nhân đem hài cốt Mạc Thiên Tích và các con của ông lúc trước bị bức hại chết ở bên Xiêm về an táng tại núi Lăng Hà Tiên, sau đó Mạc Công Bính chỉ trấn thủ Hà Tiên từ 1791 đến 1792 mà thôi.

    Mạc Công Bính trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1791 đến năm 1792.

    G/ Giai đoạn 1792 – 1799:

    Giai đoạn nầy Hà Tiên bị khuyết quan cai trị, chỉ có có cha con Trần Hanh và Trần Tô quản lý Hà Tiên một cách kiêu căng, tàn bạo, mất lòng dân nên vua Xiêm Phật Vương rất tức giận, ông cho Mạc Tử Thiêm nhận chức tước nước Xiêm và khiến về Hà Tiên thu hồi quan chức của Trần Tô.

    H/ Mạc Tử Thiêm:

    Mạc Tử Thiêm là con người thiếp của Mạc Thiên Tích, cùng một mẹ với Mạc Tử Sanh, không biết năm sinh, mất năm 1809.

    Năm 1799 vua Xiêm cho Mạc Tử Thiêm và cháu là Mạc Công Du từ nước Xiêm về Hà Tiên để cho Mạc Tử Thiêm tiếp nối cai quản Hà Tiên. Mạc Tử Thiêm về nước ra mắt chúa Nguyễn Phúc Ánh và được phong chức Khâm Sai Tổng Binh Cai Cơ, trấn thủ Hà Tiên, năm 1805 thăng chức Chưởng Cơ. Đến năm 1807, vua Gia Long sai Mạc Tử Thiêm đi sứ sang Xiêm (lúc nầy chúa Nguyễn Phúc Ánh đã dẹp hết nhà Tây Sơn và nhà Trịnh, lên ngôi vua hiệu là Gia Long, thống nhất đất nước từ năm 1802). Năm 1809 Mạc Tử Thiêm bị bệnh mất.

    Mạc Tử Thiêm trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1799 đến năm 1809.

    I/ Giai đoạn 1809 – 1816:

    Năm 1809 khi Mạc Tử Thiêm mất, các người cháu là Mạc Công Thê, Mạc Công Tài còn nhỏ, Mạc Công Du thì bị tội năm 1809, bị cách chức đến năm 1811 mới được tha, vì thế  vua Gia Long không lập con cháu nhà họ Mạc làm quyền lĩnh chức Trấn nữa mà lại cử Ngô Y Nghiểm và Lê Tiến Giảng (có sách viết Lê Tiến Phúc) làm quyền án thủ trấn Hà Tiên, tuy nhiên hai ông nầy tham lam, hại dân nên bị cách chức. Năm 1810, Nguyễn Văn Thiện được cử làm Trấn Thủ và Nguyễn Đức Hội làm Hiệp Trấn, Dương Văn Châu được cử làm Tham Hiệp, ba người cùng cai quản Hà Tiên. Sau khi Trấn Thủ Nguyễn Văn Thiện chết, hai người phó là Nguyễn Đức Hội và Dương văn Châu chuyên coi việc trấn, nhưng hai người có hiềm khích, cùng gây rối loạn trong trấn, tin về vua Gia Long, cả hai đều bị trọng tội.

    Đến năm 1811, vua Gia Long cử Trương Phúc Giáo làm Trấn Thủ HàTiên, Bùi Đức Miên (hay Bùi Đức Minh) làm Hiệp Trấn. Đến năm 1815 Trương Phúc Giáo cáo lão, xin về hưu. Thời gian nầy ở trấn Hà Tiên tình hình tốt đẹp dần, dân chúng về sinh sống ngày càng thịnh vượng. Hiệp Trấn Bùi Đức Miên được gọi về làm việc ở Bộ Lễ năm 1813, triều đình cử Lê Văn Nguyên làm Hiệp Trấn. Năm 1815 sau khi Trương Phúc Giáo về hưu, vua Gia Long bổ Nguyễn Văn Chiêm vốn đang trấn thủ Biên Hòa về làm Trấn Thủ Hà Tiên.

    Đến năm 1816, Hiệp Trấn Lê Văn Nguyên bệnh chết. Trấn Thủ Nguyễn Văn Chiêm được gọi về làm Trấn Thủ Vĩnh Thanh.

    J/ Mạc Công Du:

    Mạc Công Du là con người thiếp thứ ba của Mạc Tử Hoàng, không biết năm sinh, không rỏ nơi sinh, mất năm 1833 tại Hà Tiên.

    Năm 1780, khi Mạc Thiên Tích tuẩn tiết ở bên Xiêm, Mạc Công Du lúc đó có trong phái bộ của Mạc Thiên Tích nhưng vì còn nhỏ tuổi nên không bị vua Xiêm Taksin giết hại, tuy nhiên phải bị đày đi ở nơi vùng quê xa bên đất Xiêm. Đến năm 1799 Mạc Công Du theo chú là Mạc Tử Thiêm về Hà Tiên và được phong chức Cai Đội năm 1807. Đến năm 1809 Mạc Tử Thiêm chết, Mạc Công Du bị mắc tội và bị cách chức cho đến năm 1811 mới được tha, sau đó nhận chức Ất Phó Sứ và đi sứ sang Xiêm năm 1813. Đến năm 1816 Mạc Công Du được vua Gia Long phong chức Cai Đội Hiệp Trấn và năm 1818 chức Trấn Thủ Hà Tiên, từ năm 1816 cũng có Phạm Nhữ Đăng được phong làm Tham Hiệp trấn Hà Tiên cùng trấn thủ với Mạc Công Du. Mạc Công Du làm việc đến năm 1829 thì cáo về hưu.

    Vào năm 1833 có xảy ra biến loạn Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An (Gia Định), lúc nầy có em Mạc Công Du là Mạc Công Tài đang làm trấn thủ Hà tiên, cùng với các con của Mạc Công Du là Mạc Hầu Hi, Mạc Hầu Diệu đều theo phe và lãnh chức tước của Lê Văn Khôi. Chỉ vài tháng sau, triều định dẹp loạn giặc Khôi, cha con Mạc Công Du đều bị bắt giải về Huế theo lệnh vua Minh Mệnh, trước khi lên đường, Mạc Công Du bị bệnh mất tại Hà Tiên (năm 1833). Lúc đó toàn thể con cháu họ Mạc đều bị bắt tội, người người phải đổi họ, trốn tránh di tản đi nơi khác.

    Trong thời gian làm Trấn Thủ Hà Tiên, Mạc Công Du có lập một ngôi đền tên là Mạc Công Từ để thờ ông bà, lập bên trái chùa Tam Bảo, sau sự việc giặc Lê Văn Khôi, ngôi đền cũng đã bị bỏ hoang không ai dám chăm sóc, đến cả khi Mạc Công Du chết, ông cũng không được chôn cất vào ngôi mả đã định trước, và cũng không có mộ bia để tên tuổi. Tình trạng về ngôi mộ vô danh không ai biết và cũng không xác định được mộ của ông chính xác ở đâu đã kéo dài hơn một thế kỷ rưởi, đến năm 2006 con cháu họ Mạc mới xác định và xin phép đặt một mộ bia cho ngôi mộ của Mạc Công Du.

    Mạc Công Du trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1816 đến năm 1829.

    K/ Mạc Công Tài:

    Mạc Công Tài là em của Mạc Công Du, con người thiếp thứ ba của Mạc Tử Hoàng, không biết năm sinh, mất năm 1833 tại Hà Tiên.

    Mạc Công Tài được phong chức Cai Đội Quản Thủ Hà Tiên năm 1830. Ông tại chức cho đến năm 1832, qua năm sau 1833 có vụ biến loạn Lê Văn Khôi, vì theo phe của giặc Khôi nên ông bị triều đình kết tội, họ Mạc phải bị trọng tội nên Mạc Công Tài cùng với vợ đều bị tội và chết tại Hà Tiên.

    Mạc Công Tài trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1830 đến năm 1832. Đến giai đoạn nầy thì mặc dù con cháu họ Mạc vẫn còn ở Hà Tiên, tuy phải đổi họ và trốn tránh, nhưng sau đó đến đời vua Thiệu Trị, năm 1846, nhà vua mới cho phục hồi Mạc Công Miếu cất lại nơi núi Lăng, cho người tìm con cháu họ Mạc để ban chức và lo việc thờ phụng, giữ gìn ngôi miếu. Tuy nhiên họ Mạc đến đây đã không còn người để làm Trấn Thủ như cha ông ngày trước. Hà Tiên hoàn toàn do triều đình nhà Nguyễn quản lý và cấp quan cai trị.

    Từ năm 1832 trở đi, dưới thời vua Minh Mệnh, các dinh, trấn đã được đổi lại thành tỉnh, Đàng Trong có 6 tỉnh, vì thế người ta không dùng danh xưng « Đàng Trong » nữa mà dùng thành ngữ « Nam kỳ lục tỉnh » để chỉ miền Nam nước ta, đó là các tỉnh: Phiên An (năm 1836 đổi thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Danh xưng Tổng Trấn trở thành Tổng Đốc:Tổng đốc là viên quan đứng đầu một vùng bao gồm nhiều tỉnh thành, trông coi cả về dân sự và quân sự. Ngoài ra còn có chức Tuần phủ, là người lãnh đạo một tỉnh hoặc một bộ phận của tỉnh lớn, có quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm các chức quan dưới quyền ở địa phương mình quản lý, có quyền lãnh đạo về hành chính, tài chính, quân sự cùa tỉnh. Thí dụ từ đây ta có chức Tổng Đốc của tỉnh An Hà (tức An Giang và Hà Tiên) còn riêng về tỉnh Hà Tiên thì đứng đầu có quan Tuần Phủ, Quan Tổng Đốc là cấp trên của quan Tuần Phủ.

    Lê Đại Cương:

    Sinh năm 1771, tại Tuy Phước, Bình Định, mất năm 1847 tại Tuy Phước, Qui Nhơn.

    Lê Đại Cương nổi tiếng văn võ song toàn, làm quan từ chức Tri huyện đến chức Tổng đốc, Thượng thư…Năm 1832 ông được giao làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên dưới thời vua Minh Mạng. Đến năm 1833 do việc giặc Lê Vãn Khôi nổi loạn, ông vì do trúng kế Lê Văn Khôi nên để cho giặc chiếm được Định Tường, An Giang, Hà Tiên, ông bị vua cách chức Tổng đốc An Hà. Sau đó vì phản công được giặc Lê Văn Khôi và giặc Xiêm xâm lược, ông được chức Tuần Phủ An Giang. Đến năm 1835 được quyền lĩnh ấn Tổng đốc quan phòng An Giang – Hà Tiên. Sau một lần nữa bị vua Minh Mạng gán tội, cách chức năm 1838, rồi lại được vua Thiệu Trị phục chức năm 1841 và đến năm sau ông xin về hưu. Lúc đó ông về quê Tuy Phước, Qui Nhơn lập chùa để tu và đến năm 1847 thì mất.

    Lê Đại Cương làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1832 đến năm 1833.

    Trương Minh Giảng:

    Sinh năm 1792 tại Bình Dương, Gia Định, mất năm 1841 tại An Giang.

    Trương Minh Giảng đổ Cử Nhân năm 1819, làm quan qua các chức vụ liên hệ đến bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình. Năm 1832 ông được thăng chức Thượng Thư bộ Hộ, chủ trì việc biên soạn bộ « Đại Nam Thực Lục Chính Biên ». Năm 1833 Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Gia Định, Trương Minh Giảng cùng với tướng quân Phan Văn Thúy đem quân dẹp loạn, sau đó ông được lãnh chức Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên). Ông giữ chức cho đến năm 1840, sau đó bàn giao chức Tổng đốc An Hà lại cho Dương Văn Phong. Trong thời gian nầy Trương Minh Giảng phải đối phó với sự chống đối của Chân Lạp và sự tấn công của quân Xiêm nên ông xin vua Thiệu Tri được rút quân về An Giang, việc nầy khiến ông bị vua khiển trách và bị trừng phạt, ông quá uất ức bị bệnh và qua đời năm 1841.

    Đời vủa Tự Đức, Trương Minh Giảng được thờ tại đền Hiền Lương. Ông cũng được thờ tại nhà thờ họ Trương Việt Nam tại Hoa Lư, Ninh Bình.

    Trương Minh Giảng làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1833 đến năm 1840.

    Dương Văn Phong :

    Dương Văn Phong làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1840 đến năm 1841.

    Phạm Văn Điển :

    Sinh năm 1769 tại Phú Vang, Thừa Thiên, mất năm 1842 tại Thất Sơn, An Giang..

    Phạm Văn Điển tuy xuất thân là lính huấn luyện voi trận, nhưng về sau ông được thăng chức rất cao, được xem như là danh tướng. Ông từng được vua Minh Mạng cử đi dẹp các giặc ở nhiều nơi : « giặc biển » ở Thanh Hóa, phá giặc Xiêm ở vùng Quảng Trị, dẹp cuộc nổi dậy của Đinh Công Tiến ở Thanh Hóa…Đặc biệt Phạm Văn Điển có công lớn trong cuộc dẹp giặc Nông Vân Vân ở Tuyên Quang. Năm 1841 ông được tạm quyền giữ chức Tổng đốc An Hà. Đến năm 1842 ông thọ bệnh và mất tại quân thứ Thất Sơn, An Giang.

    Sau khi mất, vua Thiệu Trị thương tiếc, phong ông là Tráng Vũ Tướng Quân, Tả Quân Đô Thống, Chưởng Phủ Sự.

    Vua Tự Đức cho thờ ông ở đền Hiền Lương. Hiện tại ông được thờ cúng ở Phạm Tộc Từ Đường, thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.

    Phạm Văn Điển làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1841 đến năm 1842.

    Nguyễn Công Nhàn :

    Không biết năm sinh, không rỏ nơi sinh, mất năm 1867 tại Lấp Vò, Đồng Tháp.

    Nguyễn Công Nhàn người gốc Phước Chánh, Biên Hòa, nhân việc dẹp loạn Di, Châu ở Khai Biên thuộc Hà Tiên (1838), được phong Vệ Úy. Năm 1840 ông đánh phá tan nhiều đồn quân Xiêm, được vua Minh Mạng khen thưởng và ban cho 4 chữ « Hùng Dũng Chi Tướng ». Năm 1842 ông lại hiệp sức với các tướng khác đánh đuổi được giặc Xiêm ở An Giang, Hà Tiên và được thăng  Tổng Đốc An Hà. Năm 1843 ông xin vua cho khởi công đào kênh Tân Châu (kênh Vĩnh An). Năm 1844 ông bị mắc tội vu cáo nên cùng với một loạt các quan chức An Giang, Hà Tiên, tất cả đều bị cách chức. Sang năm 1845 ông được vua xét cho phục chức Hiệp Quản, được điều đi đánh giặc Chân Lạp ở vùng An Giang.

    Đến đời Thiệu Trị, năm 1847, Nguyễn Công Nhàn được làm Lãnh Binh Gia Định. Sang đời Tự Đức, ông được thăng Đề Đốc An Giang (1856), rồi Tuần Phủ Hà Tiên (1848).

    Từ năm 1859, Tổng Đốc An Hà là Cao Hữu Bằng chết ; Nguyễn Công Nhàn được thay thế với chức Hộ Lý Tổng Đốc An Hà. Đến năm 1861, ông đổi đi lãnh chức Tổng Đốc Định Tường, tuy nhiên lúc nầy quân Pháp chiếm thành Mỹ Tho, ông bị vu tội bỏ thành chạy nên lại bị cách hết chức tước. Tuy sau đó ông được vua Tự Đức phục chức nhưng ông bắt đầu sự nghiệp chiêu tập nghĩa quân chống Pháp ở vùng Lấp Vò, Đồng Tháp.

    Hiện nay có ngôi đền thờ của Hùng Dũng Chi Tướng Nguyễn Công Nhàn do con cháu năm đời xây dựng phụng thờ tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp rất khang trang và ấm cúng, hương khói quanh năm.

    Nguyễn Công Nhàn làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1842 đến năm 1844 (nhiệm kỳ đầu).

    Nguyễn Văn Chương :

    Sinh năm 1800 tại Phong Điền, Thừa Thiên (Huế), mất năm 1873 tại Hà Nội.

    Nguyễn Văn Chương là tên cũ của Nguyễn Tri Phương, ông là một đại danh thần dưới nhà Nguyễn tuy ông xuất thân từ nhà nghèo khó và không có khoa bảng, nhờ ý chí tự lập nên ông làm nên cơ nghiệp lớn.

    Năm 1835, ông cùng với Trương Minh Giảng vào Gia Định bình định thành công các vùng đất mới khai hoang. Đến năm 1837 bị dèm pha nên bị giáng chức, tuy nhiên năm 1839 được phục chức và được bổ nhiệm làm Tuần Phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi (1840) canh chừng cửa biển Đà Nẳng. Sau đó vì công việc tốt đẹp ông được cử làm Tổng Đốc Vĩnh Long, Định Tường. Đến năm 1844 Nguyễn Văn Chương được phong Tổng Đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên). Ông cùng với Doãn Uẩn đáng bại giặc Xiêm, ổn định vùng biên giới Tây Nam.

    Vua Thiệu Trị khen ngợi ông và ban cho danh hiệu « An Tây Trí Dũng Tướng » (1847). Đến đời vua Tự Đức ông được vua chuẩn phê cải tên là Nguyễn Tri Phương, từ đó là tên chính của ông (1850).

    Từ năm 1858, ông bắt đầu tham gia chống Pháp ở các nơi như : Gia Định, Phú Thọ, Chí Hòa (Kỳ Hòa). Sau khi ba tỉnh miền Đông bị chiếm, ông được cử ra Bắc xem xét việc quân sự ở Bắc kỳ (1862). Năm 1873, Nguyễn Tri Phương lãnh nhiệm vụ trấn giữ thành Hà Nội, trong trận đánh chiếm thành Hà Nội, quân Pháp dưới sự chỉ huy của đại úy Francis Garnier tấn công quá mạnh, con ông là Nguyễn Lâm trúng đạn chết, ông bị thương nặng, sau đó vì ông từ chối được cứu chữa, lại tuyệt thực nên ông mất vào năm 1873.

    Hiện nay có đền thờ họ Nguyễn Tri ở Phong Điền, Thừa Thiên, Huế và ở Biên Hòa, Đồng Nai cũng có đền thờ ba vị Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy (em của Nguyễn Tri Phương) và Nguyễn Lâm (con ông), đền thờ nầy xem như đinh Thành Hoàng của địa phương.

    Nguyễn Tri Phương làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1844 đến năm 1845.

    Tôn Thất Bạch :

    Tôn Thất Bạch làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1845 đến năm 1847.

    Doãn Uẩn :

    Sinh năm 1795 tại Vũ Thư, Thái Bình, mất năm 1850 tại An Giang.

    Doãn Uẩn sinh ra trong một gia đình khoa bảng, từ nhỏ ông được rèn cặp, năm 1828 ông đỗ Cử Nhân với hạng ưu. Sang năm sau ông bắt đầu sự nghiệp quan trường. Năm 1832 thụ chức Án Sát Vĩnh Long, do giặc Lê Văn Khôi chiếm được thành Vĩnh Long, ông cùng với các tướng thuộc nhóm Trương Minh Giảng sau đó thu phục được Vĩnh Long. Thời gian sau ông tham gia đánh giặc Xiêm và giúp vua Chân Lạp.

    Năm 1834 vua Minh Mạng bổ ông làm Án Sát Thái Nguyên ở miền Bắc, cùng với Nguyễn Công Trứ trấp áp giặc Nông Vân Vân. Năm 1838 ông được thăng Tổng Đốc Định Yên và kiêm luôn chức Tuần Phủ Hưng Yên (miền Bắc). Đến năm 1840 Doãn Uẩn được đưa về miền Nam, giữ gìn biên cương Tây Nam. Năm 1844 giữ chức Tuần Phủ An Giang.  Đến năm 1847 đời vua Thiệu Trị, ông được cử làm Tổng Đốc An Hà thay thế Nguyễn Văn Chương (tức Nguyễn Tri Phương). Vua phong cho ông hiệu An Tây Mưu Lược Tướng. Chính trong thời gian nầy Doãn Uẩn cho xây dựng chùa Tây An tại chân núi Sam, Châu Đốc.

    Năm 1850 Doãn Uẩn mất bệnh tại An Giang và được đưa về quê an táng.

    Vua Tự Đức truy tặng cho ông hàm Hiệp Biện Đại Học Sĩ và được đặt bài vị tại đền Hiền Lương cùng với 39 danh thần nhà Nguyễn khác.

    Doãn Uẩn làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1847 đến năm 1850.

    Cao Hữu Bằng :

    Còn có tên là Cao Hữu Dực.

    Không rỏ năm sinh, năm mất., chỉ biết ông gốc Phong Điền, Thừa Thiên, Huế.

    Năm 1825, ông đỗ Hương Tiến, làm đến Thượng Thư bộ Binh, rồi cùng Doãn Uẩn quản lý cơ vụ thành Trấn Tây (Nam Vang) vùng đất của Campuchia ngày nay. Có lần phạm lỗi sơ thất, ông phải giáng làm Viên Ngoại Lang bộ Binh, nhưng sung chức Hiệp Tân.

    Năm 1848, đầu đời Thiệu Trị, ông quyền lĩnh Bố Chánh An Giang. Rồi vì việc thất thủ thành Trấn Tây, ông lại bị giáng chức, nhưng vẫn quyền lĩnh Án Sát An Giang. Ít lâu, lại bổ làm Tuyên Phủ Tây Ninh, rồi thăng Tổng đốc An Hà. Khi mất, được truy tặng Hiệp Biện Đại Học Sĩ.

    Cao Hữu Bằng làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1850 đến năm 1859.

    Nguyễn Công Nhàn :

    (Xem phần Nguyễn Công Nhà phía trên)

    Nguyễn Công Nhàn làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1859 đến năm 1861 (nhiệm kỳ cuối).

    Phan Khắc Thận :

    Sinh năm 1798 tại Sơn Tinh, Quảng Ngãi. Mất năm 1868 tại quân thứ khi ông đang tiểu trừ giặc Ngô Côn ở vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn.

    Ông đỗ Tú Tài đời vua Minh Mạng (1825), đời vua Thiệu Trị ông nhận chức quyền nhiếp phủ Tây Ninh. Tại đây ông có công dẹp loạn Đinh Thân. Năm 1844 Phan Khắc Thận được cử làm Án sát Bình Định và Vĩnh Long rồi thăng Tuyên phủ sứ Tây Ninh và sau đó Bố chánh sứ Nam Định, Hà Nội.

    Năm 1852 đời vua Tự Đức, ông có công dẹp loạn quân phỉ cướp phá Lạng Sơn và được thăng cấp. Đến năm 1858, ông được cử đem quân chống cự quân Pháp tấn công Đà Nẳng, bị thua trận, ông bị giáng ba cấp..Khi quân Pháp đánh Gia Định, ông được vua cử làm Tuần Phủ An Giang, dẹp được loạn Khmer ở Ba Xuyên nên ông được thưởng công, thăng làm Tổng đốc An Hà (1859).

    Năm 1861, Định Tường thất thủ, Phan Khắc Thận cùng với các tướng khác, tổ chức chiêu binh, xây đồn lũy chống quân xâm lược.

    Năm 1862, do việc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước với Pháp, Phan Khắc Thận vừa bị áp lực của Pháp và của cả triều đình Huế để truy bắt và giao nạp hai thủ lĩnh chống Pháp là A Soa (một người Khmer có tên Ong Bướm) và Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân). Cuối cùng hai thủ lĩnh chống Pháp nầy đều bị bắt và bị giao nộp cho cho Pháp.

    Phan Khắc Thận làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1861 đến năm 1867.

    Bảng tóm tắt giai đoạn các quan quản thủ Hà Tiên từ 1708 đến 1867:

    Họ và tên: Giai đoạn trấn thủ Hà Tiên / Chú thích
    Mạc Cửu: 1708 – 1735
    Mạc Thiên Tích: 1735 – 1771
    Trần Liên: 1771 – 1773 / Xiêm chiếm Hà Tiên
    Mạc Thiên Tích: 1773 – 1777 / Mạc Tử Hoàng làm phó Tổng Trấn
    Chiến tranh Tây Sơn: 1777 – 1787
    Mạc Tử Sanh: 1787 – 1788
    Tướng Xiêm: 1788 – 1789 / Ảnh hưởng Xiêm
    Mạc Công Bính: 1791 – 1792
    Không có quan cai trị: 1792 – 1799 / Ảnh hưởng Xiêm
    Mạc Tử Thiêm: 1799 – 1809
    Ngô Y Nghiểm: 1809 – 1810 / Nhà Nguyễn bổ nhiệm
    Nguyễn Văn Thiện: 1810 – 1811
    Trương Phúc Giáo: 1811 – 1815
    Nguyễn Văn Chiêm: 1815 – 1816
    Mạc Công Du: 1816 – 1829
    Mạc Công Tài: 1830 – 1832
    Lê Đại Cương: 1832 – 1833 / Nhà Nguyễn bổ nhiệm
    Trương Minh Giảng: 1833 – 1840
    Dương Văn Phong: 1840 – 1841
    Phạm Văn Điển: 1841 – 1842
    Nguyễn Công Nhàn: 1842 – 1844 / Nhiệm kỳ đầu
    Nguyễn Tri Phương: 1844 – 1845
    Tôn Thất Bạch: 1845 – 1847
    Doãn Uẩn: 1847 – 1850
    Cao Hữu Bằng: 1850 – 1859
    Nguyễn Công Nhàn: 1859 – 1861 / Nhiệm kỳ cuối
    Phan Khắc Thận: 1861 – 1867

    Paris, viết xong ngày 27/02/2023 Patrice Tran  (Trần Văn Mãnh)

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2023/02/tran_hatien_1708_pt-1.jpg?w=584&h=329

    Lãnh thổ trấn Hà Tiên vào năm 1708: vùng màu nâu, ranh giới phỏng theo tư liệu.

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2023/02/tran_hatien_1757_pt-1.jpg?w=584&h=329

    Lãnh thổ trấn Hà Tiên vào năm 1757: vùng màu nâu, ranh giới phỏng theo tư liệu. Đây là giai đoạn dưới thời Mạc Thiên Tích, trấn Hà Tiên có diện tích lớn rộng nhất, diện tích lên đến hàng chục ngàn km².

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2023/02/thanhpho_hatien_2018-1.jpg?w=584&h=329

    Lãnh thổ thành phố Hà Tiên vào năm 2018: vùng màu đỏ, diện tích thu nhỏ lại khoảng chừng 100 km²

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2019/02/langmaccuu_hatien_roli64_avant1953_e.jpg?w=450&h=459

    Một trong hai bức tượng tướng quân đứng hai bên ngôi mộ của Mạc Cửu, núi Bình San, Hà Tiên. Hình chụp từ sau lưng tượng, nhìn về phía cửa sông Giang Thành ra biển. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp vào năm 1953. (đây là hình bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mộ)

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2019/02/langmacthientich_hatien_roli64_avant1953_c.jpg?w=450&h=459

    Ngôi mộ Mạc Thiên Tích, núi Bình San, Hà Tiên vào năm 1953. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp.

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2018/11/hatien_langmaccuu_1994_d1.jpg?w=584&h=394

    Quang cảnh đền Mạc Công Miếu (Hà Tiên), nơi thờ các quan quản thủ Hà Tiên trong gia đình họ Mạc. Hình: Trần Văn Mãnh, năm 1994

     https://trunghochatienxua.wordpress.com/2023/02/27

    Một người Mỹ viết sách về lịch sử Hà Tiên (Trần Văn Mãnh)

    Trần Văn Mãnh, Paris, thứ năm, ngày lễ Thăng Thiên, 13/05/2021

    Publié le 13 Mai 2021

    A/ Khái quát về sách viết về lịch sử vùng Hà Tiên:

    Thầy cô và các bạn thân mến, trong vòng 20 năm trở lại đây, trên địa bàn sách báo về văn hóa lịch sử đất Hà Tiên có xuất hiện nhiều bài báo rất phong phú về tư liệu nghiên cứu và rất có giá trị về phương diện tìm hiểu chính xác các yếu tố lịch sử. Các bài báo đăng đàn thảo luận về lịch sử Hà Tiên nầy đã được tổng hợp lại và xuất bản thành sách, ta có thể lược qua như sau:

    1/ « Nhận thức mới về đất Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, 2001

    2/ « Nghiên cứu Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, 2008

    3/ « Họ Mạc với Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, 2017

    Ba quyển sách mới nhất trong lãnh vực nghiên cứu về Hà Tiên kể trên là ba quyển sách được nhiều độc giả đón nhận và hiện nay đã cạn trên thị trường sách vì chưa được tái bản. Riêng mình có may mắn đã tìm mua được quyển 2 và được tác giả tặng quyển 3. Những bài do mình viết trên Blog nầy phần lớn dựa trên các thông tin của hai quyển sách kể trên. Có thể nói thầy Trương Minh Đạt đã tạo ra một bước ngoặc rất lớn trong quá trình tìm hiểu đất Hà Tiên vì qua các bài viết trên các quyển sách, thầy đã đưa ra nhiều minh chứng để sửa sai nhiều yếu tố trong việc hiểu biết về lịch sử Hà Tiên, những điểm được chỉnh sửa nầy phần lớn xuất phát từ vài sự lầm lẫn, việc đồng hóa sự kiện lịch sử với các câu chuyện do dân gian kể lại hay từ các tác phẩm dã sử pha trộn nhân vật lịch sử có thật và các yếu tố hư cấu để tăng phần lôi cuốn cho câu chuyện…Từ những năm 60, vì không có sách vở tiếp tục nghiên cứu về thực tế, các điểm sai lầm nầy đã được chuyên chở, truyền tụng qua nhiều thập niên nên ngày nay nếu muốn tìm hiểu về vùng đất Hà Tiên ta nên cẩn thận và phải đối chiếu thông tin một cách phong phú hơn để có được cái nhìn đúng đắn.

    Từ giữa thế kỷ thứ 20 trở lại đây, số học giả quan tâm nghiên cứu về Hà Tiên có rất ít. Trong nước ta có thể kể ra thầy giáo Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906 – 1966), ông Trần Thiêm Trung, nhà nghiên cứu Vũ Văn Kính (1919 – 2009)…Ở ngoài nước có các học giả Emile Gaspardone (1895-1982), Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa: 1918-1995),…

    Ngoài ra cũng có một số bài viết rất xưa của các tác giả nước ngoài nhắc nhở nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng Hà Tiên như: Pierre Poivre, Alexander Hamilton,…Nội dung các bài viết nầy tuy không đi sâu vào chủ đề lịch sử vùng Hà Tiên nhưng có nhiều yếu tố giúp các nhà nghiên cứu xác định hoặc bác bỏ các chi tiết bàn cải về niên đại và biến cố lịch sử Hà Tiên.

    Hai tài liệu do người Tây phương viết có liên quan đến lịch sử Hà Tiên và đáng chú ý nhất đó là:

    a/ « A new account of the East Indies »: tác giả Alexander Hamilton, Edinburgh, 1727. (« Một câu chuyện mới về vùng Đông Ấn »).

    b/ « Un Chinois des mers du Sud, le fondateur de Ha-Tien »: tác giả Emile Gaspardone, Paris 1952. (« Một người Trung Hoa ở vùng biển Nam Hải, người sáng lập xứ Hà Tiên »).

    Tác giả người Pháp Emile Gaspardone đã nhận xét về quyển sách của tác giả Alexander Hamilton như là một tài liệu viết xưa nhất về vùng đất Hà Tiên.

    Ngoài ra trong những năm đầu thập niên 80 gần đây cũng có xuất hiện một quyển sách viết về lịch sử Hà Tiên, do một người Tây phương đã từng có thời gian sống ở Hà Tiên viết ra sau khi ông nầy rời Việt Nam trở về nước. Để thu nhặt được đầy đủ tư liệu, hình ảnh cho quyển sách của mình, tác giả nầy đã tham khảo, trao đổi với rất nhiều vị thân hào, nhân sĩ đất Hà Tiên thời ông đến đây. Chính ông cũng đã nhiều lần đặt chân thăm viếng đền thờ, những ngôi mộ cổ, những mảnh tường dầy đổ vỡ, những vết tích tàn lụn ngày xưa ngay tại Hà Tiên và ông đã đặt ra rất nhiều câu hỏi với các người bạn gốc Hà Tiên về đủ mọi chi tiết về lịch sử Hà Tiên, về gia đình họ Mạc, qua đó ông rất có ấn tượng và rất thích thú được đặt chân đến tận nơi một vương quốc trong quá khứ mà vị trí chỉ là một góc nhỏ ở nơi nào đó xa xôi của miền Viễn Đông.

    Tác giả của quyển sách cận đại về lịch sử Hà Tiên nầy tên là Nicholas Sellers và quyển sách có tên « The Princes Of Hà-Tiên (1682 – 1867) ». (Những Ông Hoàng của đất Hà Tiên).

    Trên bìa chính của quyển sách còn có ghi một tiểu đề như sau: « The Last of the Philosopher-Princes and the Prelude to the French conquest of Indochina: A Study of the Independent rule of the Mac Dynasty in the Principality of Ha-Tien, anh the  establishment of the Empire of ViêtNam ». (Người cuối cùng trong các ông Hoàng triết gia và khúc dạo đầu cho cuộc chinh phục Đông Dương của Pháp: Nghiên cứu về quyền cai trị độc lập của nhà Mạc ở vương quốc Hà-Tiên và sự thành lập đế chế Việt Nam). Nhà xuất bản Thanh-Long, Bruxelles, nước Bỉ, năm 1983. Quyển sách nầy gồm 186 trang và là quyển thứ 11 trong tập nghiên cứu Đông Phương của nhà xuất bản nầy. (Etudes Orientales N°11).

    B/ Hoàn cảnh ra đời của sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) »:

    Trước khi đến Việt Nam trong đơn vị Lực lượng đặc biệt, ông Nicholas Sellers còn là một trợ lý luật sư ở Tòa án Philadelphia, thuộc tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ông có mặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thuộc tỉnh Kiên Giang tổng cộng trong thời gian 2 năm, với cấp bậc Đại Úy. Có một lần khi đi qua vùng Cần Thơ, ông đã để ý đến một ngôi đền cổ xưa và với con mắt của người du lịch ông nghĩ rằng ngôi đền đó tượng trưng cho một tinh thần của nền cổ đại phương Đông. Tuy nhiên khi hỏi thăm người địa phương thì mới biết ngôi đền nầy chỉ mới được xây dựng vào năm 1930, không phải cổ đại cho lắm. Sau một thời gian ngắn phục vụ ở Phú Quốc, ông đến Hà Tiên năm 1967 và đóng quân tại trại Biệt Kích Tô Châu (nơi mà ngày xưa người Hà Tiên thường gọi là « Trung Tâm », đây là ngôi trại nằm ở khúc qua khỏi ngọn núi Đại Tô Châu, khoảng ở cây số 2 tính từ chiều Hà Tiên-Kiên Lương, trại được thành lập vào tháng 2 năm 1963), tại đây ông giữ trách nhiệm chỉ huy trưởng của trại Biệt Kích Tô Châu.

    Publicités

    Dưới con mắt và sự hiểu biết của Nicholas Sellers vào lúc đó, Hà Tiên là một nước nhỏ, độc lập và do một người thám hiểm Trung Hoa thành lập vào những năm cuối của thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Trong thời gian đóng quân ở trại Tô Châu, Hà Tiên, ông đã chú ý rất nhiều đến những di tích của vương quốc Hà Tiên nầy, ông đã thấy tận mắt những bức tường của tòa thành cổ, hai ba ngôi đền xưa còn đứng vững hoặc đã đổ nát, các ngôi mộ của các hoàng tử thời xa xưa… tất cả đối với ông như là những yếu tố nhắc nhở về những năm tháng vinh quang của một Hà Tiên cổ xưa…khiến cho Nicholas Sellers cảm thấy rất thích thú đến mức ông nghĩ mình là một du khách viếng thăm Hà Tiên hơn là một người lính đang làm nhiệm vụ ở đây…Được sự cảm thông và khuyến khích của vị Đại Úy cựu chỉ huy trưởng trại Tô Châu trước ông, Nicholas Sellers bắt đầu tìm hiểu một cách thực tế về lịch sử Hà Tiên. Ông tìm và hỏi rất nhiều chi tiết với nhiều người quen biết trong số dân chúng ở Hà Tiên và đặc biệt ông được hưởng một sự giúp đở rất quý giá và to lớn của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Hà Tiên, đó là ông Quách Ngọc Bá.

    Dĩ nhiên là việc làm nầy không phải là dễ dàng vì nhiều lý do: Nicholas Sellers là một quân nhân nên thời gian rảnh không có nhiều vì còn phải thực hành nhiệm vụ tuần tra, hành quân, chiến đấu…, hơn nữa hàng rào ngôn ngữ cũng gây nhiều trở ngại…Tuy nhiên vài tháng sau khi đến Hà Tiên, ông đã bắt đầu các cuộc tiếp xúc với dân chúng địa phương ở đây, nhờ có vốn liếng tiếng Pháp của ông, ông có thể trò chuyện với nhiều người cao tuổi ở Hà Tiên, nhất là với ông Quách Ngọc Bá (và cũng nhờ đó Nicholas Sellers đã được ông Quách Ngọc Bá cung cấp cho quyển sách tương lai của ông về Hà Tiên những hình ảnh về chùa Tam Bảo, Lăng Mạc Cửu, Thạch Động, Đá Dựng,…v…v…). Nicholas Sellers tìm hiểu về đủ mọi đề tài khi nói chuyện với các người quen biết Hà Tiên: Ông hỏi về việc trồng tiêu, việc buôn bán gỗ, đốt than, về tôn giáo, về những con rắn hổ mang, những con đồi mồi, về địa lý và lịch sử Hà Tiên…Qua sự tiếp xúc phong phú nầy ông luôn được thỏa mãn với những câu trả lời của người dân địa phương, vì người dân Hà Tiên luôn tự hào về di sản cổ xưa và rất thích kể cho ông nghe những tư liệu truyền khẩu về lịch sử Hà Tiên. Chẵng những thế, Nicholas Sellers còn thu thập được rất nhiều thông tin về Hà Tiên dưới những hình thức khác như: bản đồ, hình ảnh, tài liệu quảng cáo du lịch của những năm 1930…Đó là những mầm mống tích lũy cho Nicholas Sellers về những khởi đầu trong sự hiểu biết về lịch sử Hà Tiên mà ông sẽ viết ra thành một luận văn trong khoảng thời gian rảnh rổi trong vòng 4 năm sau khi ông rời khỏi Việt Nam để về nước. Nicholas Sellers càng tìm hiểu về lịch sử vùng Hà Tiên ông càng ngạc nhiên vì theo kiến thức của ông, ông không thấy câu chuyện vè vương quốc nhỏ bé Hà Tiên này được ghi chép lại bằng bất cứ ngôn ngữ nào, cũng không thấy những ghi chú, thông tin tham khảo trong lịch sử nước Việt Nam hay kể cả những ghí chép ngắn gọn của những người đã từng thăm viếng Hà Tiên trong những năm xa xưa trong lịch sử. (Tuy nhiên đây chỉ là ý nghĩ của Nicholas Sellers vào thời điểm ông ở Hà Tiên 1967-1968, vì sau khi ông trở về nước Mỹ và trong vòng 4 năm sau đó ông đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu sách vở liên quan đến vùng đất Hà Tiên, khoảng 120 quyển sách viết bằng tiếng Anh, Pháp và Việt ngữ…)

    Nguồn thông tin và tài liệu về lịch sử vùng Hà Tiên mà Nicholas Sellers thu thập được chủ yếu là do quan sát và tìm hiểu tại chỗ, ngoài ra ông còn được ông Quách Ngọc Bá cho xem những bản thảo ngắn viết về Hà Tiên và xem bộ sưu tập hình ảnh tuyệt đẹp về Hà Tiên do nhiếp ảnh gia nầy thực hiện…Từ đó Nicholas Sellers bắt đầu nghiên cứu rộng hơn về lịch sử Đông Nam Á, những sự kiện về Hà Tiên thông qua các giao tế và chiến tranh giữa các nước lân cận như Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong công cuộc viết về lịch sử vùng Hà Tiên. Điều hiển nhiên dễ thấy đó là những khoảng trống trong lịch sử Hà Tiên, điều kế tiếp là sự thiếu vắng những tài liệu gốc mà một nhà sử học thường đòi hỏi phải có trước mắt mình để viết, thí dụ như: nhật ký hải trình, thư từ giao tiếp, phán quyết tòa án hoặc của Triều Đình…v…v…Để khắc phục những khó khăn nầy, Nicholas Sellers tiếp tục mò mẫm, tìm kiếm cộng với sự lý luận thận trọng và tốt nhất để nối kết các sự kiện lịch sử lại với nhau một cách hợp lý và để giải thích sự kiện lịch sử.

    Nicholas Sellers phục vụ ở trại Biệt Kích Tô Châu, Hà Tiên trong vòng hai năm từ 1967 đến 1968. Trong thời gian tại đây ông cũng bị thương nặng trong một cuộc chạm súng. Sau đó ông được đưa về nước Mỹ và ra khỏi quân đội. Trong thời gian về quê ở tiểu bang Pennsylvania, trong cuộc sống dân sự, ông đã tiếp tục sự nghiệp trong ngành luật, ông lấy được văn bằng Thạc sĩ về Luật (Master of Laws hay theo các nước anglo-saxons, người ta gọi là văn bằng LL.M = Latinh Legum Magister vào năm 1974 tại trường Đại Học Pennsylvania). Trong luận văn để đạt được văn bằng nói trên, chính Nicholas Sellers đã viết về lịch sử vùng đất Hà Tiên và sau khi lấy được bằng MA Laws, ông đã cho xuất bản luận văn nầy dưới hình thức một quyển sách, đó chính là quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » mà chúng ta đang nói ở đây.

    Hiện nay Nicholas Sellers đã 85 tuổi và vẫn sinh sống tại một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Pennsylvania.

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2021/05/nicholas-sellers_p.jpg?w=243&h=300

    Hình ông Nicholas Sellers trong những năm 60 khi còn trong quân đội. Nguồn hình: H. Lawrence Serra

    C/ Nội dung của quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » :

    Như trên bìa của quyển sách xuất bản năm 1983 tại nước Bỉ (Belgique), có dòng tựa phụ tóm tắt nội dung quyển sách như sau: « The Last of the Philosopher-Princes and the Prelude to the French conquest of Indochina: A Study of the Independent rule of the Mac Dynasty in the Principality of Ha-Tien, anh the  establishment of the Empire of ViêtNam ». (Người cuối cùng trong các ông Hoàng triết gia và khúc dạo đầu cho cuộc chinh phục Đông Dương của Pháp: Nghiên cứu về quyền cai trị độc lập của nhà Mạc ở vương quốc Hà-Tiên và sự thành lập đế chế Việt Nam). Tác giả Nicholas Sellers đã lấy năm 1682 để bắt đầu cho lịch sử vùng Hà Tiên và năm 1867 để kết thúc cho giai đoạn lịch sử vùng Hà Tiên.

    Năm 1682: Theo các tài liệu cận đại đã được giới nghiên cứu công nhận, Mạc Cửu đến Nam Vang (xứ Chân Lạp, Cao Miên) vào năm 1680.  Ông làm việc ở đây với chức vụ Ốc Nha. Đến năm 1689 thì nước Chân Lạp bị nội loạn, Mạc Cửu đi tị nạn sang bãi biển Vạn Tuế Sơn (Muang Galapuri) bên nước Xiêm. Vậy niên đại 1682 là lúc Mạc Cửu vừa đến nước Cao Miên và đang làm quan ở Nam Vang, có thể xem như là lúc Mạc Cửu bắt đầu sự nghiệp quan chức, nhưng ông chưa đến vùng Mang Khảm (tên xưa của vùng Hà Tiên).

    Năm 1867: Đây là niên đại tương ứng với sự thất thủ Hà Tiên, trong một đợt thời gian mà nhà Nguyễn mất ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên). Sự kiện đó làm chấm dứt hệ thống hành chánh do người Việt Nam quản trị vùng Hà Tiên. Người Pháp bắt đầu đặt nền tảng cho bộ máy cai trị ở Hà Tiên. Chẳng những dòng họ Mạc đã không còn người đứng đầu cai quản đất Hà Tiên mà các viên quan chức người Việt Nam cũng không còn người nào làm chủ ở Hà Tiên nữa. Các ông Hoàng của vùng Hà Tiên theo Nicholas Sellers, thứ tự là:

    1/ Mạc Cửu (1655 – 1735)

    2/ Mạc Thiên Tứ (1718 – 1780)

    3/ Mạc Tử Sanh (1769 – 1788)

    4/ Mạc Công Bính (? – 1798)

    5/ Mạc Tử Thiêm (? – 1809)

    6/ Mạc Công Du (? – 1833)

    7/ Mạc Hầu Hy (? – ?)

    8/ Mạc Bá Bình (? – ?)

    9/ Mạc Tử Khâm (? – ?)

    Một cách tổng quát, Nicholas Sellers nói qua về tính chất địa lý vùng Hà Tiên, sự thành lập các thôn xã từ khi Mạc Cửu chú ý đến vùng đất Mang Khảm, các cuộc xâm lăng tuy không liên tục nhưng thường xảy ra suốt chiều dài lịch sử của đất Hà Tiên. Ông cũng viết về Chiêu Anh Các của thời Mạc Thiên Tích và xem như một Hàn Lâm Viện của vùng đất Hà Tiên. Ngoài ra tác giả cũng viết về những giai đoạn khủng hoảng của vương quốc Hà Tiên trong bối cảnh chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn, và kết thúc trong giai đoạn người Pháp chiếm Hà Tiên.

    D/ Tìm sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » ở đâu?:

    Ngay từ lúc xuất bản quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » do nhà xuất bản Thanh-Long, thủ đô Bruxelles nước Bỉ (Belgique) vào năm 1983, không biết là sách đã có mặt trên thị trường sách trong thời gian bao lâu, nhưng một thời gian sau thì quyển sách đã cạn và đã không được tái bản. Hiện nay chỉ có các thư viện của các trường Đại Học và các viện nghiên cứu trên các thành phố lớn ở nhiều nước còn lưu trữ mỗi nơi vài bản, độc giả chỉ có thể đến tại chỗ hoặc mượn về nhà để tham khảo. Ở Paris, nước Pháp, trường Đại Học Paris 7, ngành Văn Chương và Khoa học Nhân Văn (Université Paris-Diderot,  Lettres et Sciences humaines) có một bản của quyển sách nầy. Tác giả Nicholas Sellers xem tác phẩm của mình như là một sự đóng góp khiêm tốn cho những người du khách hoặc những sinh viên có lưu tâm đến lịch sử vùng Đông Nam Á, đặc biệt là vùng đất của Vương quốc Hà Tiên thuở xưa, để kỷ niệm những năm tháng ngắn ngủi vinh quang và độc lập của Hà Tiên…Tuy vậy, tên của quyển sách của Nicholas Sellers thường xuyên xuất hiện trong các sách nghiên cứu về họ Mạc và đất Hà Tiên với tư cách là thư mục nghiên cứu, điều nầy chứng tỏ quyển sách của ông có một giá trị nhất định, giúp cho các nhà nghiên cứu so sánh, minh chứng tạo ra cho việc tìm đến sự thật trong các sự kiện lịch sử nhanh chóng và chính xác hơn. Với cương vị một người con sinh ra và lớn lên tại Hà Tiên, mình trân trọng cám ơn tác giả Nicholas Sellers đã từng yêu mến đất Hà Tiên, từng đến đây và tìm hiểu về lịch sử của quê hương mình và đã lưu lại cho thế hệ đi sau một tư liệu quý giá.

    Trần Văn Mãnh, Paris, thứ năm, ngày lễ Thăng Thiên, 13/05/2021

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2021/05/alexander_hamilton_livre_p.jpg?w=584&h=472

    Trang bìa của quyển sách « A new account of the East Indies »: tác giả Alexander Hamilton, Edinburgh, 1727. (« Một câu chuyện mới về vùng Đông Ấn », trong quyển sách nầy nhà hàng hải Alexander Hamilton có viết ông có ghé bến Mang Khảm tức Hà Tiên vào năm 1720 và có mô tả vùng Hà Tiên bị điêu tàn sau trận giặc Xiêm đánh).

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2021/05/hamilton_ch48_p198.jpg?w=450&h=615

    Trang 198 chương 48 của quyển sách « A new account of the East Indies »: tác giả Alexander Hamilton, Edinburgh, 1727. (« Một câu chuyện mới về vùng Đông Ấn », trong quyển sách nầy nhà hàng hải Alexander Hamilton có viết ông có ghé bến Mang Khảm tức Hà Tiên vào năm 1720 và có mô tả vùng Hà Tiên bị điêu tàn sau trận giặc Xiêm đánh). « In Anno 1720, I saw several of the Wracks, and the Ruins of the Town of Ponteamass » (Trong năm 1720, tôi nhìn thấy ngổn ngang những xác tàu chìm, và sự đổ nát của phố thị Hà Tiên). Người ngoại quốc thời xưa gọi Hà Tiên là tên Ponteamass.

    https://trunghochatienxua.files.wordpress.com/2021/05/gaspardone_sellers.jpg?w=584&h=459

    Hình trái: Bìa quyển sách: « Un Chinois des mers du Sud, le fondateur de Ha-Tien »: tác giả Emile Gaspardone, Paris 1952. (« Một người Trung Hoa ở vùng biển Nam Hải, người sáng lập xứ Hà Tiên »). Hình phải: Minh họa bìa của quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » của NIcholas Sellers trên site Amazon nhưng đây không phải là bìa gốc của quyển sách xuất bản tại Bruxelles, nước Bỉ vào năm 1983 vì các quyển sách của lần xuất bản đầu tiên nầy đã cạn trên thị trường sách.

    https://trunghochatienxua.wordpress.com


    Không có nhận xét nào