Header Ads

  • Breaking News

    TSMC xây dựng nhà máy vi mạch ở Đức thông qua liên doanh

    Aldgra Fredly 


    11/8/2023

    Bản tin có sự đóng góp của Bryan Jung và Reuters
    Vân Du biên dịch

    TSMC xây dựng nhà máy vi mạch ở Đức thông qua liên doanh


    Một nhà máy của TSMC tại Công viên Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, vào ngày 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images) 

    Hôm thứ Ba (08/08), Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cho biết, họ sẽ thành lập một liên doanh với các công ty đồng minh để xây dựng một nhà máy bán dẫn ở Dresden, Đức, nhà máy đầu tiên của TSMC ở châu Âu. 

    Được đặt tên là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Âu Châu (ESMC), dự án này sẽ do TSMC sở hữu 70%, còn Robert Bosch và Infineon Technologies của Đức cùng NXP Semiconductors của Hà Lan, mỗi công ty sẽ có 10% cổ phần. 

    Các công ty cho biết tổng đầu tư sẽ vượt quá 10 tỷ euro (11 tỷ USD), gồm tăng thêm vốn cổ phần, vay nợ, và “sự ủng hộ mạnh mẽ” từ Liên minh Âu Châu cùng chính phủ Đức. 

    Theo công ty, hội đồng quản trị của TSMC cũng đã chấp thuận khoản đầu tư lên tới 3.5 tỷ euro (3.8 tỷ USD) vào ESMC. 

    Giám đốc điều hành TSMC, Tiến sĩ Ngụy Triết Gia (CC Wei) cho biết trong một tuyên bố: “Châu Âu là một nơi đầy hứa hẹn cho đổi mới chất bán dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực xe hơi và công nghiệp, và chúng tôi mong muốn đưa những đổi mới đó thành sự thật qua công nghệ silicon tân tiến của chúng tôi và các tài năng ở châu Âu.” 

    Năng lực sản xuất hàng tháng của nhà máy mới dự kiến ​​đạt 40,000 tấm wafer. Các công ty dự kiến sẽ bắt đầu việc xây dựng nhà máy vào nửa cuối năm 2024, với việc sản xuất bắt đầu vào cuối năm 2027. 

    Ông Kurt Sievers, chủ tịch và giám đốc điều hành của NXP Semiconductors, cho biết xưởng đúc mới sẽ mang lại sự đổi mới và năng lực “rất cần thiết” cho nhiều loại silicon cần đến để cung cấp cho quá trình số hóa và điện khí hóa ngày càng tăng của ngành xe hơi và lĩnh vực công nghiệp. 

    Ông nói: “Chúng tôi cảm ơn Liên minh Âu Châu, Đức, và Tiểu bang Tự do Sachsen đã công nhận vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và cam kết thực sự của họ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái vi mạch của châu Âu.” 

    Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ca ngợi khoản đầu tư này như một sự ủng hộ, thể hiện sự tín nhiệm đối với nền kinh tế Đức vốn đang chịu ảnh hưởng của giá năng lượng cao sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. 

    “Sẽ có một hệ sinh thái thực sự cho sản xuất chất bán dẫn ở Đức,” ông nói. “Hệ sinh thái này sẽ tạo ra các đơn đặt hàng cho toàn bộ lĩnh vực — cho các nhà chế tạo máy, cho các nhà sản xuất quang học, cho các nhân viên lành nghề.” 

    TSMC, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới, cũng đang đầu tư 40 tỷ USD vào một nhà máy mới ở tiểu bang Arizona, miền tây Hoa Kỳ, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các kế hoạch sản xuất vi mạch nhiều hơn tại quê nhà của Hoa Thịnh Đốn, và cũng đang trong quá trình xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản trong một liên doanh với Sony. 

    Trong tuyên bố của mình, TSMC cho biết hội đồng quản trị của công ty cũng đã chấp thuận khoản đầu tư vốn với hạn mức cao nhất là 4.5 tỷ USD cho nhà máy ở Arizona. 

    Tháng trước (07/2023), Chủ tịch TSMC Lưu Đức Âm (Mark Liu) đã nói với các nhà đầu tư trong cuộc họp công bố lợi nhuận quý 2 rằng công ty sẽ trì hoãn việc sản xuất tại nhà máy vi mạch bán dẫn mới ở Arizona đến năm 2025 do thiếu nhân viên lành nghề. 

    Ông Lưu nói rằng công ty không có đủ nhân viên địa phương lành nghề để lắp đặt thiết bị cao cấp tại cơ sở mới của mình kịp thời hạn chính thức. 

    Ông Lưu đã hy vọng rằng cơ sở đầu tiên trong số hai cơ sở sản xuất chất bán dẫn của TSMC tại nhà máy Arizona sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, với cơ sở thứ hai sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.

    TSMC là nhà sản xuất vi mạch bán dẫn chính cho iPhone của Apple, và CEO Tim Cook của Apple có dự định mua vi mạch máy điện toán từ nhà máy này. Bộ xử lý tiếp theo của Apple dành cho iPhone được cho là dựa trên công nghệ xử lý 3 nanomet của TSMC.

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào