Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 09 tháng 8 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống Ukraina thừa nhận cuộc phản công chống Nga rất « khó khăn »

    Chi Phương /RFI

    09/8/2023

    Trong bối cảnh Nga liên tục tấn công vào vùng Donestk, trên Telegram, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua, 08/08/2023, đã xác nhận cuộc phản công « rất khó khăn » và tiến độ chậm hơn mong muốn.   

    Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy (G) thăm một vị trí đóng quân của lực lượng đặc nhiệm Ukraina, gần chiến tuyến ở thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 29/07/2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER 

    Trên kênh Telegram của mình, tổng thống UkrainaVolodymyr Zelensky chia sẻ một số nội dung cuộc phỏng vấn mà ông dành cho một phương tiện truyền thông Mỹ La Tinh. Nguyên thủ Ukraina khẳng định, « phản công tức là quân đội Ukraina không lùi bước », nhưng lực lượng Ukraina « rất khó có thể chiến đấu lâu dài », thiếu nguồn lực và vũ khí.  

    Cũng trong ngày hôm qua, theo CNN, các quan chức cấp cao phương Tây nhất là từ Hoa Kỳ, đã tỏ ra « ngày càng bi quan về khả năng chiến đấu của lực lượng Ukraina », khó có thể giành lại những vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng. 

    Tại Zaporijjia, khu vực mà Nga đã chiếm đóng, vốn được kiểm soát nghiêm ngặt, thông tín viên RFI Annissa El Jabri đã xin được giấy phép tác nghiệp hiếm hoi từ chính quyền mà Nga dựng lên tại khu vực này, gửi về bài phóng sự : 

    « Kính mờ hai cửa sau xe ô tô và căng thẳng bắt đầu tại một trong những rào chắn dựng lên trên đường. Trong vùng này, hầu như xe nào cũng lắp loại kính mờ không cho nhìn thấy hành khách, nhưng vô ích. Điều này càng dễ bị quân đội kiểm tra và phải bấm hạ kính xuống.

    Các lan can hai bên đường đôi khi được chăng dây thép gai, lệnh giới nghiêm từ 22 giờ, các con phố đã vắng tăng từ 20 giờ, ngay khi mặt trời bắt đầu lặn. 

    Tất cả những điều này nhắc nhở mọi người rằng không thể di chuyển trong khu vực này mà không hề hấn gì. Từ hơn hai tháng qua, đây là tâm điểm của cuộc phản công của Ukraina. Cánh báo chí đến đây bị kiểm soát rất chặt chẽ và bị hạn chế ra vào. 

    Các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra ở phía bắc Mélitopol, hiện vẫn không thể tiếp cận. Tuy nhiên, ủy ban bầu cử trung ương ở Matxcơva đã thông báo từ ngày 15/06 : Các cuộc bầu cử địa phương sẽ bắt đầu vào tháng 9. Đây sẽ là cuộc bầu cử cuối cùng, trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng Tư năm 2024 mà người dân tại các vùng mà Nga sáp nhập cách nay 11 tháng cũng có thể đi bầu. Chính quyền địa phương xác nhận rằng danh sách tất cả các ứng viên sẽ được công bố trong vòng 8 ngày nữa. Chương trình tranh cử chóng vánh, người dân đi bầu trực tiếp, đã được loan báo trong các thành phố, các ngôi làng ngay trên chiến tuyến, dưới khói lửa của bom đạn. Nga dần dần bắt đầu thể hiện một dạng tự tin trên thực địa ». 

    Về phía Nga, lực lượng phòng không nước này thông báo hôm nay, đã bắn chặn hai drone được cho là của Ukraina, tấn công về hướng thủ đô Nga. AFP nhắc lại rằng các vụ tấn công bằng drone được cho là do Ukraina tiến hành, đã gia tăng trong thời gian gần đây. Hồi đầu tuần, hôm 07/08, Nga cũng xác nhận đã hạ 1 drone của Ukraina ở Kalouga, cách Matxcơva 200 km. 

    Vụ tấn công drone này xảy ra hai ngày sau khi hai tên lửa Nga tấn công vào vùng Pokrovsk, Donestk ở Ukraina, khiến 9 người thiệt mạng. Hôm qua, quân đội Nga cũng xác nhận đã tấn công vào một căn cứ chỉ huy ở Pokrovsk của lực lượng Ukraina. 

    Căng thẳng gia tăng khi Belarus bắt đầu tập trận quân sự gần Ba Lan và Litva

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-08-luc-102634.png

    Xe tăng Belarus được nhìn thấy vào tháng 7 năm ngoái khi diễn tập với máy bay chiến đấu Wagner gần Brest, Belarus. (Ảnh: AP). 

    Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia NATO cho biết, họ mong đợi những hành động khiêu khích từ đồng minh láng giềng Nga và các chiến binh Wagner.

    Belarus đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gần biên giới với Ba Lan và Litva. Và chuyện này làm leo thang căng thẳng giữa hai thành viên Nato về lính đánh thuê Wagner.

    Cả Ba Lan và Litva đã tăng cường an ninh biên giới kể từ khi hàng ngàn chiến binh Wagner đến Belarus. 

    https://twitter.com/explore?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1686421606778785797%7Ctwgr%5E373ed8a4fbf4736a81b180e21d174f31e938990e%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.dkn.tv%2Fthe-gioi%2Ftin-tuc-the-gioi%2Fcang-thang-gia-tang-khi-belarus-bat-dau-tap-tran-quan-su-gan-ba-lan-va-litva.html

    Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia NATO cho biết: họ đang chuẩn bị tinh thần cho những hành động khiêu khích từ Matxcova và Minsk. Khu chiến sự là một khu vực nhạy cảm, nơi cả hai quốc gia đều có biên giới với Belarus cũng như vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. 

    Các bình luận được đưa ra vào đầu tháng 8, sau khi hai máy bay trực thăng của Belarus bay trong thời gian ngắn ở độ cao thấp vào không phận Ba Lan. Chính quyền Belarus từ chối việc máy bay trực thăng của họ vào Ba Lan.

    Bộ Quốc phòng Belarus cho biết: cuộc tập trận bắt đầu ngày 7/8, dựa trên kinh nghiệm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” – thuật ngữ mà Nga sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraina. Bộ này nói rằng: điều đó bao gồm “việc sử dụng máy bay không người lái cũng như sự tương tác chặt chẽ giữa các đơn vị xe tăng và súng trường cơ giới với các đơn vị thuộc các nhánh khác của lực lượng vũ trang”.

    Cuộc tập trận diễn ra ở vùng Grodno của Belarus, gần Suwalki Gap – một dải đất thưa thớt dân cư chạy dài 96km (60 dặm) dọc theo biên giới Ba Lan – Litva. ‘Hành lang’ này liên kết ba quốc gia vùng Baltic là Litva, Latvia và Estonia với phần còn lại của liên minh NATO. Ngoài ra khu vực này tách Belarus khỏi Kaliningrad, một vùng lãnh thổ quân sự hóa mạnh mẽ của Nga trên Biển Baltic không có kết nối đất liền với Nga.

    Các nhà phân tích quân sự ở phương Tây từ lâu đã coi Suwalki Gap là khu vực điểm nóng tiềm ẩn trong bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Nga và NATO. Họ lo lắng rằng, Nga có thể cố gắng chiếm lấy khoảng trống và cắt đứt ba quốc gia Baltic khỏi Ba Lan và các quốc gia NATO khác.

    Quân đội Belarus cho biết họ đang tích cực sử dụng lính đánh thuê Nga để huấn luyện quân đội của mình. Ngoài ra, các cuộc tập trận bắt đầu khi nhiều máy bay chiến đấu Wagner được cho là đã đến nước này. Theo Belaruski Hajun, một nhóm hoạt động theo dõi các hoạt động di chuyển của quân đội ở Belarus, những người lính đánh thuê đến theo nhóm nhỏ hàng ngày.

    Trung Quốc tỏ ra rụt rè trước giảm phát

    Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation). Nan đề này đặt ra cho họ một đề bài có cả lạm phát cao, đòi hỏi tăng lãi suất, và dấu hiệu suy thoái kinh tế, vốn thường cần được đối phó bằng nới lỏng tiền tệ.

    Có một ngoại lệ là Trung Quốc. Riêng nước này đang vật lộn với cả tăng trưởng chậm và lạm phát thấp nguy hiểm. Xuất khẩu, từng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng, đã giảm hơn 14% so với cùng kỳ trong tháng 7. Và các số liệu được công bố vào thứ Tư có thể cho thấy lạm phát giá tiêu dùng đã về âm trong tháng trước.

    Để đối phó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất chỉ 0,1 điểm phần trăm, một động thái rất khó hiểu, nhất là khi tình trạng giảm phát của Trung Quốc không đặt ra nan đề chính sách nào. Thông thường phản ứng đơn giản là nới lỏng tiền tệ, một “lối thoát dễ dàng.” Nhưng như nhà kinh tế học James Galbraith đã từng nói, “Tôi chắc chắn ủng hộ lối thoát dễ dàng nếu có.”

    Singapore đón quốc khánh giữa một loạt scandal

    Singapore tròn 58 tuổi vào thứ Tư, nhưng lễ kỷ niệm quốc khánh năm nay sẽ ảm đạm hơn mọi khi. Một số nhà bình luận chính trị đã chú ý đến việc các hộ gia đình không treo cờ. Người dân đang chật vật với chi phí sinh hoạt cao: lạm phát năm lên tới 6,5% trong tháng 2 trước khi giảm xuống 4,5% vào tháng 6, chủ yếu vì giá lương thực, đi lại và nhà ở tăng.

    Bên cạnh đó người Singapore cũng bị sốc bởi hàng loạt vụ bê bối chính trị. Hồi tháng 7 là cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến bộ trưởng giao thông vận tải, theo sau đó là tin về vụ ngoại tình giữa chủ tịch Quốc hội với một nghị sĩ. Trước đó mấy hôm, hai bộ trưởng nội các đã được minh oan về vấn đề thuê các dinh thự thời thuộc địa (với giá ưu đãi). Chuyện này nghe trái tai ở một đất nước nơi những người bình thường phải vật lộn đi tìm nhà ở có giá phải chăng.

    Thủ tướng Lý Hiển Long từng nói giải pháp chống tham nhũng không nên chú trọng tăng cường kiểm soát và cân bằng, mà nên chú trọng những người trung thực. Nhưng đó có lẽ cũng đồng nghĩa với việc đặt quá nhiều niềm tin vào bản chất con người.

    Biden vận động về các chính sách khí hậu

    Vào thứ Tư, tổng thống Joe Biden sẽ phát biểu tại Albuquerque, New Mexico, để thúc đẩy các chính sách về khí hậu của mình. Ông đang trong chuyến công tác tới các bang phía tây nam Arizona, New Mexico và Utah — nằm trong số các bang bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhiệt độ tăng — để gây ấn tượng với cử tri. Đầu tuần này, chính quyền của ông tuyên bố sẽ chỉ định gần 1 triệu mẫu Anh xung quanh Grand Canyon là di tích quốc gia, qua đó kéo dài vĩnh viễn một lệnh cấm khai khoáng trước đây có hiệu lực 20 năm trong khu vực. Điều này sẽ làm hài lòng các nhà bảo vệ môi trường và các lãnh đạo Mỹ bản địa, vốn từ lâu đã vận động cho lệnh cấm.

    Ông Biden sẽ nói về Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), trong đó có gần 400 tỷ đô la trợ cấp cho công nghệ xanh trong mười năm. Song ông vẫn có nhiều việc phải làm. Thăm dò cho thấy mặc dù hầu hết người Mỹ muốn có hành động đối với biến đổi khí hậu, họ không hài lòng về cách ông Biden xử lý vấn đề. Đó có lẽ là vì hơn 70% người Mỹ không hoặc biết rất ít về IRA. Sau khi thông qua một trong những dự luật xanh lớn nhất trong nhiều năm qua, giờ đây ông Biden sẽ phải quảng bá nó cho người dân Mỹ.

    Mỹ tăng trợ cấp cho cựu chiến binh

    Một số quân nhân Mỹ đã phát hiện bị mắc ung thư vú, bệnh thận, Parkinson, hay con của họ bị sinh non. Tất cả đều từng sống tại Trại Lejeune, một căn cứ Thủy quân Lục chiến ở Bắc Carolina, từ những năm 1950 đến 1980, nơi một tiệm giặt khô gần đó đã đổ hóa chất độc hại và làm ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó những người khác — gồm các cựu chiến binh Kosovo, Afghanistan và Iraq — bị mắc bệnh hen suyễn, bệnh tim và ung thư phổi. Họ đổ lỗi cho việc tiếp xúc với các hố đốt rác, phương pháp xử lý chất thải ưa thích của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ trong nhiều năm.

    Quân đội thường không muốn nhận lỗi (mà đi kèm với đó là phải thanh toán các yêu cầu bồi thường). Nhưng Đạo luật PACT, được thông qua vào năm ngoái, thừa nhận rằng một số bệnh bị gây ra bởi các hố đốt rác hoặc ô nhiễm nguồn nước. Một trong những căn bệnh như vậy là u nguyên bào thần kinh đệm, căn bệnh ung thư não ác tính đã giết chết Beau, con trai của Joe Biden, một cựu chiến binh từng tiếp xúc với các hố đốt rác ở Iraq và Kosovo. Nếu các cựu binh nộp đơn yêu cầu bồi thường thương tật trước thứ Tư tuần này, họ có thể thu các khoản hồi tố còn chưa được thanh toán cho năm 2022. Với 797 tỷ đô la được chi trải đều qua mười năm, đây là luật hỗ trợ cựu binh hào phóng nhất cho tới nay.

    COVID-19: Xuất hiện biến thể EG.5 tại Anh và Mỹ

    Vương Lan

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/bienthecovid.jpg

    (Ảnh minh họa: CrispyPork / Shutterstock) 

    Về COVID-19, có thể nói cuối cùng năm nay đã trải qua thời gian yên bình nhất trong 4 năm qua, nhưng mỗi biến thể mới vẫn là lời nhắc nhở virus đang không ngừng biến đổi và lây lan, vẫn ảnh hưởng đến những người có hệ thống miễn dịch yếu.

    Theo các nguồn tin, hiện đã xuất hiện thêm biến thể COVID-19 mới được gọi là EG.5 – biến thể của Omicron. Ngày 19/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thêm EG.5 vào danh sách các biến thể phổ biến hiện đang được theo dõi.

    Đã lan rộng trên toàn cầu

    Các trường hợp liên quan đến biến thể mới cho đến nay đã được báo cáo ở Anh, Mỹ và nhiều nước khác.

    Theo số liệu mới nhất từ ​​Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, EG.5 chiếm khoảng 14,6%, tức 1/7 trong tổng số các trường hợp mắc COVID-19 ở Vương quốc Anh.

    Tại Mỹ, trong hai tuần qua, EG.5 chiếm khoảng 17,3% hoặc 1/6 các trường hợp COVID-19 mới, theo ước tính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

    Tiến sĩ Isaac Bogoch là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mạng lưới Y tế Đại học Toronto (Canada) cho biết, chưa có trường hợp nào được xác nhận nhiễm EG.5 ở Canada, ông cho rằng sẽ sớm có trường hợp này ở Canada.

    Ông dự tính sự xuất hiện của EG.5 “sẽ rất có khả năng” tương tự như các dòng phụ khác của Omicron, biến thể mới nhất sẽ lại dần trở thành dòng phụ chiếm ưu thế nhất trên toàn cầu.

    “Chúng tôi đã thấy BA.2, chúng tôi đã thấy BA.4 và BA.5, chúng tôi đã thấy XBB, giờ đây lại có EG.5, vì virus không ngừng biến đổi, chúng tôi thấy virus lúc tăng lúc giảm trong cộng đồng. Tất nhiên chúng tôi có các biện pháp để phát hiện, và có lẽ vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 sẽ bắt đầu thấy tín hiệu gia tăng tương ứng trong nước thải của Canada”, ông nói.

    Như vài năm qua đã cho thấy, COVID-19 còn ảnh hưởng nhiều đối với một số nhóm người nhất định, biến thể EG.5 có thể sẽ không khác.

    Tiến sĩ Bogoch nói: “Như chúng ta đã thấy đối với Omicron và thậm chí trước đó, COVID tác động nặng đối với một số nhóm nhất định. Vì vậy, thật không may khi chúng ta sẽ chứng kiến ​​​​sự gia tăng tương ứng về số ca nhập viện, đặc biệt là ở những người có nhiều khả năng bị bệnh nặng là người già và những người có bệnh nền”.

    Ông nhấn mạnh một số biện pháp phòng ngừa tốt nhất là đeo khẩu trang, tiêm chủng và thông gió tốt hoặc bảo đảm chất lượng không khí trong nhà – đây là những vấn đề chúng ta đã biết rõ trong nhiều năm qua, thực sự không có gì mới.

    Một số người gọi EG.5 là Eris, nhưng đầu năm nay WHO đã sửa đổi hệ thống danh pháp COVID-19, quyết định chỉ gán biệt hiệu hoặc nhãn chữ cái Hy Lạp cho các biến thể đáng lo ngại như Delta và Omicron, không còn đặt tên cho các biến thể được quan tâm hoặc giám sát.

    Ấn Độ cấm dùng phụ tùng Trung Quốc sản xuất UAV quân sự

    Ấn Độ cấm dùng phụ tùng Trung Quốc sản xuất UAV quân sự

    Một UAV được trưng bày trong cuộc tập trận huấn luyện thực địa Châu Phi-Ấn Độ (AFINDEX-2023), tại Pune vào ngày 29 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: MONEY SHARMA/AFP via Getty Images) 

    Trước những lo ngại ngày một lớn hơn về an ninh, Ấn Độ đã cấm các nhà sản xuất thiết bị không người lái quân sự sử dụng phụ tùng, linh kiện từ Trung Quốc. Diễn biến này xảy ra giữa lúc quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á đang trong tình trạng căng thẳng vì nhiều vấn đề.

    Reuters ngày 8/8 dẫn lời các quan chức quốc phòng và ngành công nghiệp của Ấn Độ tiết lộ chính quyền nước này đã cấm các nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) quân sự nội địa sử dụng linh kiện của Trung Quốc vì lo ngại an ninh.

    Lệnh cấm được cho là đã được thực thi trong vài tháng gần đây. Các lãnh đạo ngành an ninh Ấn Độ lo ngại rằng các bộ phận do Trung Quốc sản xuất như: bộ phận liên lạc, camera, truyền phát vô tuyến và phần mềm điều hành có thể được sử dụng để thu thập tình báo.

    Biên bản cuộc họp về đấu thầu UAV hồi tháng 2 và tháng 3 cho biết các quan chức Ấn Độ nói với những nhà thầu tiềm năng rằng sẽ “không chấp nhận thiết bị hoặc linh kiện từ các quốc gia có biên giới trên đất liền giáp với Ấn Độ vì lý do an ninh”.

    Tài liệu đấu thầu của Ấn Độ cho biết các linh kiện như vậy có lỗ hổng bảo mật làm tổn hại dữ liệu quân sự quan trọng. Tài liệu này cũng yêu cầu các nhà cung cấp thông báo nguồn gốc của linh kiện.

    Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ nói rằng quốc gia được ám chỉ theo biên bản nói trên là Trung Quốc, đồng thời thừa nhận ngành công nghiệp của Ấn Độ đã trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh.

    Ấn Độ đã dần dần hạn chế nhập khẩu UAV giám sát từ năm 2020. Trong khi đó, quốc hội Mỹ hồi năm 2019 cấm Lầu Năm Góc mua hoặc sử dụng UAV và thiết bị do Trung Quốc chế tạo.

    Ấn Độ đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội và dự kiến sử dụng nhiều hơn máy bay không người lái (UAV) 4 cánh quạt, cũng như các phương tiện bay có thời gian hoạt động dài và những nền tảng khác tương tự. Ấn Độ dành ra 1.600 tỉ rupee (19,77 tỉ USD) cho việc hiện đại hóa quân đội trong giai đoạn 2023-2024, trong đó 75% dành cho ngành công nghiệp nội địa.

    Tuy nhiên ngành công nghiệp quân sự của Ấn Độ vẫn còn non trẻ và phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc. Điều này khiến các nhà lãnh đạo an ninh của Ấn Độ lo ngại rằng các phụ tùng do Trung Quốc sản xuất đảm nhiệm các chức năng liên lạc, ghi hình, truyền dẫn vô tuyến và phần mềm điều hành có thể dùng để thu thập thông tin tình báo.

    Việc cấm các phụ tùng từ Trung Quốc sẽ gây khó cho các nhà sản xuất trong nước của Ấn Độ. New Delhi vẫn đang dựa phần lớn vào các đối tác nước ngoài để cung cấp phụ tùng và công nghệ sản xuất UAV.

    Ông Sameer Joshi, lãnh đạo Công ty NewSpace Research and Technologies có trụ sở tại Bengaluru, nhà cung cấp máy bay không người lái cỡ nhỏ cho quân đội Ấn Độ, cho biết 70% hàng hóa trong chuỗi cung ứng được sản xuất tại Trung Quốc.

    Do đó, việc chuyển sang các đối tác khác sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất, thậm chí khiến một số nhà sản xuất “nhập chui” phụ tùng từ Trung Quốc.

    Ấn Độ thiếu năng lực sản xuất một số loại UAV và phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài đối với một số bộ phận hoặc cả hệ thống. Các chương trình phát triển UAV nội địa tiêu biểu đã bị chậm tiến độ nhiều năm. Để khỏa lấp khoảng trống, Ấn Độ thông báo hồi tháng 6 rằng sẽ mua 31 UAV MQ-9 của Mỹ với giá hơn 3 tỉ USD.

    Viên Minh (Tổng hợp)

    Kyiv: Trực thăng Ka-52 của Nga bị hệ thống MANPADS bắn hạ gần tiền tuyến Robotyne

    Liên Thành

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-08-luc-195444.png

    Trực thăng Ka-52 của Nga (ảnh: pravda). 

    Theo quân đội Ukraina, Kyiv đã bắn hạ một trong những trực thăng Ka-52 “Alligator” được đánh giá cao của Nga, bằng cách sử dụng hệ thống phòng không cơ động (MANPADS) gần tiền tuyến phía nam.

    Chỉ huy Ukraina Brig – Tướng Alexander Tarnavsky thuộc nhóm lực lượng tác chiến Tavria, đã viết trên Telegram hôm thứ Hai rằng, các binh sĩ Lữ đoàn 47 đã phá hủy một trong những máy bay trực thăng tấn công trinh sát của Mát-xcơ-va bằng MANPADS gần Robotyne, thuộc vùng Zaporizhzhia của Ukraina.

    Trong một bản cập nhật được đăng trên mạng xã hội vào sáng thứ Ba, Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho biết, một chiếc trực thăng Ka-52 đã bị bắn rơi trong 24 giờ qua mà không nêu rõ chi tiết.

    Newsweek không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để nhận xét qua email.

    Ukraina thường xuyên công khai các báo cáo về việc Ka-52 “Alligators” bị lực lượng Kyiv bắn hạ. Theo nhà xuất khẩu quân sự nhà nước Nga, Rosoboronexport, Ka-52, được thiết kế để tấn công xe tăng, phương tiện quân sự, nhân lực và máy bay trực thăng của đối phương.

    Theo quân đội Ukraina, Nga đã mất 312 máy bay trực thăng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực vào tháng 2 năm 2022. Cơ quan tình báo nguồn mở Oryx đã xác nhận trực quan việc bắn rơi 39 chiếc Ka-52 và tổng cộng 100 máy bay trực thăng của Nga.

    Vào cuối tháng 7, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các lực lượng của Điện Kremlin có thể đã mất khoảng 40 chiếc Ka-52 ở Ukraina, nhưng những chiếc trực thăng này đã “khiến Ukraina phải trả giá đắt”. Nga cho biết hôm thứ Hai rằng Ukraina đã mất 245 máy bay trực thăng trong một năm rưỡi qua. Newsweek không thể xác minh độc lập những con số này.

    Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo, Ka-52 là “một trong những hệ thống vũ khí có ảnh hưởng nhất của Nga” ở khu vực Zaporizhzhia.

    Chính phủ Anh cũng cho biết, Mát-xcơ-va đang khai triển các biến thể nâng cấp “hoàn toàn mới” của Ka-52 ở miền nam Ukraina.

    Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm: “Trong những tháng gần đây, Nga rất có thể đã tăng cường lực lượng ở phía nam với ít nhất một số lượng nhỏ các phiên bản Ka-52M hoàn toàn mới: đó là một loại máy bay được sửa đổi nhiều sau những kinh nghiệm được Nga rút ra từ cuộc chiến ở Syria”.

    Ukraina đánh lớn, nã tên lửa Storm Shadow xuyên thủng cầu nối Crimea với Kherson

    Hội An 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-07-luc-185719.png

    Ukraina đánh lớn, nã tên lửa Storm Shadow xuyên thủng cầu Chonhar nối bán đảo Crimea với Kherson. (Ảnh: Twitter). 

    Vào ngày 7/8, ông Vladimir Saldo – thống đốc khu vực Kherson do Matxcova hậu thuẫn cho biết: Ukraina đã bắn tên lửa Storm Shadow vào cầu Chonhar, cây cầu nối bán đảo Crimea do Nga kiểm soát với khu vực miền nam Kherson của Ukraina, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh.

    Trong khi đó, ông Sergey Aksyonov, thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm thông báo trên Telegram: “Quân địch đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào khu vực cầu Chonhar ở phía bắc Crimea”.

    Thống đốc Kherson Vladimir Saldo cho biết thêm: Kyiv cũng nhắm mục tiêu vào một cây cầu bắc qua eo biển Henichesk gần đó, bắn tổng cộng 12 tên lửa. Tuy nhiên, theo ông Saldo, lực lượng phòng không của Nga đã đánh chặn 9 tên lửa trong số đó. Vụ tấn công khiến một dân thường bị thương. Đồng thời, giao thông trên cả hai cây cầu bị đình trệ và có tới 3 lỗ thủng trên cầu Chonhar.  

    Saldo sau đó đã đăng một loạt hình ảnh – mà ông cho là cho thấy hậu quả của các cuộc tấn công, với thiệt hại có thể nhìn thấy ở trung tâm của cây cầu đường bộ. Mặc dù không thể xác minh độc lập những bức ảnh này, nhưng ông Anton Gerashchenko, – cố vấn Bộ Nội vụ Ukraina đã đăng những bức ảnh tương tự lên mạng xã hội, và những bức ảnh đã lan truyền rộng rãi trên mạng internet.

    Trong khi đó, trang tin Ukrainska Pravda cũng chia sẻ một đoạn phim cho thấy hậu quả ngay lập tức của vụ tập kích, người ta thấy khói bốc lên ở khu vực xung quanh cây cầu. 

    Theo NewsWeek, cả Paris và London đều đã cung cấp tên lửa  Anglo-French Storm Shadow (hay SCALP) cho Ukraina trong những tháng gần đây. Vũ khí tầm xa mang lại cho Kyiv khả năng tấn công các mục tiêu kiên cố của Nga ở khoảng cách xa hơn.

    Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 nhưng Ukraina đã nhắc lại lời hứa sẽ giành lại lãnh thổ này từ sự kiểm soát của Matxcova.

    Bão Khanun quay ngoắt 90 độ, dự báo tiến về vùng lũ ở Đông Bắc Trung Quốc

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-08-luc-194239.png

    Hình ảnh của cơn Bão Khanun dự báo sắp vào Trung Quốc. 

    Trong khi mưa lũ ở Trung Quốc do bão “Doksuri” vẫn chưa lắng xuống, việc bão “Khanun” có xu hướng tiến vào Trung Quốc cũng đang thu hút sự chú ý. Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc ngày 7/8 dự báo, bão “Khanun” đột ngột chuyển hướng và sẽ tiến vào Trung Quốc trong vài ngày tới, mang theo lượng mưa đáng kể cho phía bắc, sẽ khiến tình hình lũ lụt ở vùng Đông Bắc trở nên tồi tệ hơn, theo NTD.

    Hôm qua ngày 7/8, chủ đề “Bão Khanun rẽ ngoặt có thể đổ bộ Trung Quốc” đã xuất hiện trên danh sách tìm kiếm nóng của Weibo.

    Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo bão màu xanh lam vào lúc 10h ngày 7/8, và chỉ ra rằng: bão “Khanun” đột ngột chuyển hướng mạnh, sẽ từ vùng biển Tây Nam Nhật Bản di chuyển theo hướng Bắc, áp sát bờ biển phía Nam của Bán đảo Triều Tiên, hơn nữa cường độ của nó cũng sẽ tăng lên.

    Liên quan đến việc cơn bão “Khanun” bất ngờ quay ngoắt 90 độ, nhà phân tích khí tượng và thời tiết Trung Quốc Vương Vĩ Dược (Wang Weiyue) cho rằng: bão “Khanun” có khả năng cao sẽ đổ bộ vào Bán đảo Triều Tiên và tiến vào Trung Quốc, dù cuối cùng hướng đi của nó có thay đổi thế nào, từ ngày 10/8 sẽ khiến khu vực Đông Bắc mưa đáng kể.

    Khu vực Đông Bắc Trung Quốc gồm 3 tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm, phía đông nam giáp với Triều Tiên.

    “Khanun” là một cơn bão bất thường kể từ khi nó được hình thành vào ngày 28/7. Thông thường, vòng đời của một cơn bão là khoảng 6 hoặc 7 ngày nhưng tới nay “Khanun” đã được 11 ngày. Hơn nữa, đường đi của “Khanun” cũng rất kỳ lạ với nhiều lần ‘bẻ lái’.

    Hình ảnh từ Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc cho thấy, bão “Khanun” ban đầu ở vùng biển gần Phúc Kiến và Chiết Giang của Trung Quốc, sau đó hướng vào Nhật Bản. Khi được cho là sẽ đổ bộ vào Nhật Bản, nó lại đột ngột giảm tốc và quay ngoắt 90 độ vào ngày 7/8, bỏ qua Nhật Bản và hướng tới Bán đảo Triều Tiên, rồi mở rộng sang Đông Bắc Trung Quốc.

    Mới đây, cơn bão “Doksuri” đã đổ bộ dọc theo bờ biển Phúc Kiến, và gây mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng ở Bắc Kinh, Hà Bắc, Hắc Long Giang…. Mưa lũ ở Đông Bắc Trung Quốc gây thiệt hại nặng về người và của, nhà cửa của người dân bị cuốn trôi. Hiện tại, lũ lụt vẫn chưa rút xuống hoàn toàn, nếu “Khanun” đổ bộ trong vài ngày tới thì sẽ khiến tình hình trầm trọng thêm.

    Các nhà hoạt động Ukraine buộc một linh mục phải xin lỗi vì kêu gọi hòa bình

    Vy An

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/ucraina-kiev-bielorussia-16740557658802038138397.jpg

    Lời kêu gọi hòa bình giữa Nga và Ukraine đã khiến một linh mục người Ukraine tên Roman Kurach rơi vào tình thế ‘nước sôi lửa bỏng’. Ông Kurach, hiện đang phục vụ trong Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, đã phải xin lỗi công khai sau khi lời cầu nguyện của ông trong một buổi lễ bị một số nhà báo Ukraine lên án và bị giới truyền thông địa phương gọi là “vụ bê bối lớn”.

    Trong một buổi cầu nguyện vào ngày Chủ Nhật, vị linh mục này đã cầu xin Chúa “tạo nên một phép màu và mang những dân tộc vĩ đại này xích lại với nhau: Ukraine và Nga”. Ông cũng cầu xin Chúa khiến người Nga và người Ukraine “ngừng tiêu diệt và giết hại lẫn nhau”, giúp họ “xây dựng vương quốc thiên đường ở đây, trên Trái đất” để cuối cùng “cùng nhau quay về Trời”.

    Những lời này đã không được lòng nhà báo địa phương Darya Sipigina, người đầu tiên đăng tải video về bài thuyết giảng của ông Kurach, kèm theo một bài đăng trên Facebook, trong đó bà Sipigina cho rằng phát ngôn của ông Kurach mang tính “gây sốc”.

    Nhà báo Sipigina đã đặt câu hỏi trong bài đăng của mình: “Làm sao điều này thậm chí có thể xảy ra [sau] một năm rưỡi của cuộc xung đột?”, đồng thời cáo buộc Nhà thờ Công giáo-Hy Lạp Uzhhorod thiếu “sự tôn kính đối với những người bảo vệ vùng đất Ukraine và hy sinh vì nó.”

    Bà Sipigina thừa nhận mình đã không nghe toàn bộ bài thuyết giảng, tuy nhiên có nghe những lời cầu nguyện về hòa bình thông qua loa phát thanh của nhà thờ địa phương khi “lái xe ngang qua đó”. Bà Sipigina cho biết mình đã đối chất với linh mục sau bài thuyết giảng, tuy nhiên ông Kurach vẫn nói với bà rằng ông sẽ không ngừng cầu phúc cho người Nga ngay cả khi anh trai của ông, người hiện đang ở tiền tuyến, chết trong cuộc xung đột.

    Bà Sipigina cũng oán trách rằng “hàng chục người đã im lặng lắng nghe bài thuyết giảng” “không có ai thậm chí buồn chớp mắt trước những lời này”. Tuy nhiên dưới bài đăng Facebook của bà Sipigina, có nhiều người bình luận đứng về phía vị linh mục. Họ cho rằng không có gì sai khi ông Kurach kêu gọi hòa bình và cáo buộc chính bà Sipigina đã cố gắng khuấy động, “thổi phồng” vấn đề này.

    Các phương tiện truyền thông Ukraine vẫn đưa tin rộng rãi về bài thuyết giảng của ông Kurach và gọi tình huống này là một “vụ bê bối”. Linh mục Kurach sau đó đã phải giải thích về việc lựa chọn từ ngữ của mình và xin lỗi trong một cuộc phỏng vấn với một kệnh truyền thông địa phương.

    Ông Kurach phát biểu hôm 7/8: “Thật nguy hiểm khi nói những điều như vậy [trong] chiến tranh”, đồng thời cho biết thêm rằng “đó là một sai lầm.” Ông cũng mô tả lời kêu gọi hòa bình của mình là “mang tính tự phát”.

    Vị linh mục sau đó nói rằng ông đã nghĩ đến ví dụ về châu Âu khi kêu gọi hòa bình giữa Nga và Ukraine: “…khi tôi học ở châu Âu, tôi đã thấy các dân tộc gây chiến với nhau trong nhiều thế kỷ: Anh, Pháp, Đức và những nước khác. Chúa đã ban cho họ… tinh thần đoàn kết, yêu thương và tha thứ”, ông Kurach giải thích, khẳng định thêm rằng “Chúa có thể mang mọi dân tộc xích lại với nhau.”

    Hoa Kỳ: Việc Pakistan bắt giữ ông Imran Khan là “vấn đề nội bộ”

    Gia Huy

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/imran-khan-arrested-in-al-qadir-trust-case-1683625763-9381.jpg

    Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan (Báo The Nation – Pakistan) 

    Ngày 8/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, vụ bắt giữ ông Imran Khan, cựu thủ tướng Pakistan, là “vấn đề nội bộ” của Pakistan, đồng thời từ chối đưa ra bình luận về những rắc rối pháp lý của cựu thủ tướng Pakistan, người thường xuyên chỉ trích Hoa Kỳ.

    Cảnh sát đã bắt giữ ông Khan ở thành phố Lahore hôm thứ Bảy (5/8) sau khi một tòa án Pakistan kết án ông ấy ba năm tù vì tội bán trái phép quà tặng của quốc gia. Bản án có thể ngăn cản ông Khan, lãnh đạo phe đối lập của Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc gia vào cuối năm nay.

    Ông Khan đã phủ nhận hành vi sai trái và tiếp tục cáo buộc chính phủ và quân đội đầy quyền lực, vốn đã điều hành Pakistan trong khoảng một nửa lịch sử 75 năm, đã áp đặt các cáo buộc bịa đặt đối với ông.

    Trong một cuộc họp báo hôm 7/8, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có nghĩ rằng ông Khan được xét xử công bằng hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng đó là vấn đề nội bộ của Pakistan.”

    Ông Miller lưu ý: “Đôi khi có những vụ án (trên khắp thế giới) rõ ràng là vô căn cứ đến mức Hoa Kỳ tin rằng họ nên lên tiếng về vấn đề này. Chúng tôi chưa đưa ra quyết định đó ở đây [vụ án của ông Khan]).”

    Trước đó, ông Khan đã cáo buộc việc ông bị phế truất trong một cuộc bỏ phiếu của quốc hội vào năm ngoái là do Washington hậu thuẫn và được dàn xếp bởi các tướng lĩnh hàng đầu của Pakistan. Tuy nhiên, cả Washington và quân đội Pakistan đều bác bỏ điều này.

    Các nhà phân tích lưu ý, Hoa Kỳ đã im hơi lặng tiếng trước những rắc rối pháp lý của ông Khan, khác hẳn với việc lên tiếng mạnh mẽ đối với việc truy tố các nhân vật đối lập khác trên khắp thế giới.

    Ông Madiha Afzal, giảng viên trong chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn đặt tại Washington, nhận định: “Tôi nghĩ việc ông Khan đổ lỗi cho Mỹ về việc ông ấy bị lật đổ vào năm ngoái không giúp ích gì cho ông ấy. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã tránh bình luận bất kỳ quan hệ cụ thể nào trong nền chính trị của Pakistan.”

    Người chỉ trích Washington

    Ông Khan là người chỉ trích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ gần như trong suốt cuộc đời chính trị của ông. Trong những năm khi là một chính trị gia đang lên, cựu ngôi sao bóng chày là một trong những người chỉ trích gay gắt nhất các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ nhắm vào các chiến binh Taliban trú ẩn dọc theo biên giới Pakistan – Afghanistan, mà ông cáo buộc là những vụ giết người ngoài vòng pháp luật và vi phạm chủ quyền của Pakistan.

    Ông đã ăn mừng sự thất bại của Hoa Kỳ ở Afghanistan khi Taliban tiếp quản đất nước này vào năm 2021 sau khi các lực lượng NATO và Hoa Kỳ rút quân, đồng ông thời ca ngợi Afghanistan đã phá vỡ “xiềng xích nô lệ”.

    Ông Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á thuộc Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho rằng việc ông Khan không ngừng chỉ trích Hoa Kỳ trong quá khứ khiến ông ấy không nhận được nhiều thiện cảm ở Washington.

    Ông Kugelman nhận định: “Tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục im lặng [về vụ án của ông Khan.”

    Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông Khan, 70 tưởi, là nhà lãnh đạo được yêu thích nhất của Pakistan. Một vụ bắt giữ ngắn ngủi khác vào tháng 5 đối với ông Khan vì một loạt tội danh tham nhũng đã gây ra tình trạng bất ổn chết người, và vụ việc đã kết thúc khi Tòa án Tối cao Pakistan kêu gọi trả tự do cho ông.

    Khi các vụ bắt giữ các công nhân trong đảng của ông Khan gia tăng sau khi xảy ra tình trạng bạo lực chết người, các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc các lực lượng Pakistan lạm dụng quyền lực. Ông Kugelman nhận xét, lập trường mạnh mẽ của Hoa Kỳ chống lại cuộc đàn áp của chính quyền Pakistan có thể được coi là đứng về phía ông Khan.

    Ông Kugelman lưu ý: “Ông Khan đã cắt đứt nhiều mối quan hệ ở [Washington] D.C. Ngày nay, ông ấy không được coi là người cực kỳ đáng mến ở đây. Do đó, chính quyền (của Tổng thống Joe Biden) không muốn làm bất kỳ điều gì cho lợi cho ông ấy.”

    Ông Kugelman cho rằng Pakistan đối với Washington không còn là một ưu tiên lớn trong khu vực như trong thời gian các lực lượng Mỹ tiến hành cuộc chiến ở nước láng giềng Afghanistan.


    Không có nhận xét nào