Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ – Nhật – Hàn họp ba bên ở Trại David
Thái độ quyết liệt của Trung Quốc, sự hiếu chiến của Triều Tiên, và cuộc chiến tranh của Nga đã đẩy Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn. Khi các nhà lãnh đạo ba nước gặp nhau tại Trại David, Mỹ, vào thứ Sáu, những mối đe dọa này chắc chắn sẽ được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Dù đều là đồng minh hiệp ước của Mỹ, Nhật và Hàn không phải lúc nào cũng hòa thuận với nhau. Nhưng nỗ lực hòa giải, chủ yếu được thúc đẩy bởi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, đã tạo ra một khả năng hợp tác lớn hiếm có, dù còn phụ thuộc rất nhiều vào bất kỳ thay đổi chính quyền nào ở ba nước. Điều này đặc biệt đúng với Hàn Quốc, nơi những ký ức về tội ác thời thuộc địa của Nhật, và cảm giác rằng Nhật chưa chuộc lỗi một cách thích đáng, vẫn còn rất mạnh mẽ. Để đưa hợp tác vào khuôn khổ, các nhà lãnh đạo cần tạo ra các thiết chế như họp ba bên thường kỳ hoặc đường dây nóng. Chúng sẽ tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của họ.
Giới nghiên cứu cần một định nghĩa pháp lý mới cho phôi thai
Vì phôi người — thường được định nghĩa là các tế bào trong 8 tuần phát triển đầu tiên — có thể phát triển thành bào thai và cuối cùng là con người, nghiên cứu về chúng ở hầu hết các nước chỉ giới hạn trong 14 ngày đầu tiên của thai kỳ. Nhưng giờ đây các nhà khoa học đã có thể tạo ra mô hình phôi thai từ tế bào gốc của con người, dù chưa rõ có hợp pháp hay không. Điều này đã khiến một nhóm các nhà sinh vật học nổi tiếng quốc tế đề xuất một định nghĩa pháp lý mới cho phôi thai, qua đó giúp làm rõ khi nào thì xã hội nên hạn chế nghiên cứu chủ đề này.
Trong bài viết trên tạp chí Cell, họ đề xuất phôi thai được định nghĩa là một nhóm tế bào người mà, khi kết hợp với môi trường giống như tử cung, có khả năng hình thành bào thai. Điều đó phá vỡ định nghĩa hiện tại của nhiều quốc gia, vốn cho rằng phôi hình thành từ quá trình thụ tinh; đồng thời đưa ra ý tưởng mới rằng nó không chỉ là một cụm tế bào, mà còn phải ở trong môi trường cho phép nó phát triển. Nếu được thông qua, định nghĩa mới sẽ đặt phôi ngoài những hạn chế nghiên cứu hiện tại.
Hệ thống bảo hiểm lũ lụt ở Mỹ khủng hoảng
Dù lũ lụt ở Mỹ đã gây ra ít nhất 323 tỷ đô la thiệt hại trực tiếp kể từ năm 1960, các công ty bảo hiểm tư nhân thường không cung cấp bảo hiểm cho nhà riêng. Sản phẩm này được bán bởi chính phủ liên bang. Nhưng một lịch sử dài về rủi ro định giá thấp và cho phép xây nhà ở vùng đồng bằng ngập lũ đã khiến Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia Mỹ (NFIP) nợ bộ tài chính hơn 20 tỷ đô la.
Quốc hội đã nhiều lần thất bại trong việc cải cách chương trình. Chẳng hạn, luật được thông qua vào năm 2012 để cập nhật bản đồ lũ lụt đã bị đảo ngược khi cử tri nhận ra phí bảo hiểm sẽ tăng. Hồi năm 2021, NFIP đã đơn phương thay đổi cách xác định phí bảo hiểm. Xếp hạng Rủi ro 2.0 giờ đây mở rộng khái niệm nguồn gây lũ lụt, chẳng hạn như lượng mưa lớn.
Một lần nữa, các chủ nhà có phí bảo hiểm tăng tiếp tục không hài lòng. Vào thứ Sáu, mười bang, dẫn đầu là Louisiana, sẽ yêu cầu một thẩm phán liên bang hủy bỏ phương pháp mới của NFIP. Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ, cơ quan kiểm toán của Quốc hội, đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng ngân sách tiếp theo nếu cải cách bị lùi lại. Đối với Quốc hội, họ không còn có thể trì hoãn thêm được nữa.
Tập đoàn Evergrande Trung Quốc nộp đơn xin phá sản tại New York
Eva Fu
Thứ sáu, 18/08/2023
Biển hiệu trên tòa nhà Trung tâm Hằng Đại (Evergrande Center) của Trung Quốc được nhìn thấy ở Hồng Kông vào ngày 23/09/2021. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters)
Hôm 17/08, Tập đoàn Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã nộp đơn xin phá sản tại New York trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa ốc ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc.
Việc nộp đơn theo Chương 15 của bộ luật bảo hộ phá sản của Hoa Kỳ, theo đó bảo vệ các công ty không thuộc Hoa Kỳ đang trong quá trình tái cơ cấu khỏi các chủ nợ đang nhắm vào tài sản có trụ sở tại Hoa Kỳ của họ. Đơn phá sản được đưa ra sau khi công ty này hoãn các cuộc họp liên quan đến kế hoạch tái cấu trúc trị giá 3.2 tỷ USD để duy trì hoạt động của công ty.
Hôm thứ Năm (17/08), công ty con của Evergrande, Thiên Cơ Holdings (Tianji Holdings), cũng đã tìm kiếm sự bảo hộ như vậy.
Hồ sơ phá sản của Evergrande đang làm gia tăng thêm nỗi sợ hãi ở một quốc gia hiện đang gặp trở ngại với thị trường địa ốc đang ngày một suy thoái và cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng rộng lớn hơn.
Từng là công ty xây dựng nhà lớn thứ hai của Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng, cuối năm 2021, Evergrande đã không thể trả được khoản nợ 300 tỷ USD mà họ đang gánh trên lưng. Kể từ đó, các công ty chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ, và công ty Bích Quế Viên (Country Garden), một nhà phát triển địa ốc hàng đầu khác của Trung Quốc, hôm 06/08 đã lỡ hạn thanh toán hai lô trái phiếu phát hành bằng đồng dollar với tổng trị giá 22.5 triệu USD, khiến công ty này vẫn còn thời gian ân hạn 30 ngày trước khi bị gán mác “vỡ nợ.”
Tổng nợ mà Evergrande ước tính phải trả lên đến khoảng 330 tỷ USD. Tháng trước, công ty này đã công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022.
Công ty này cho biết họ đang tổ chức các cuộc đàm phán tái cấu trúc để trả nợ cho các chủ nợ ở Hồng Kông, Quần đảo Cayman, và Quần đảo Virgin thuộc Anh. Đơn vị sản xuất xe điện của họ, Tập đoàn Xe điện Mới Hằng Đại (China Evergrande New Energy Vehicle Group), hôm thứ Hai đã công bố kế hoạch hoán đổi nợ lấy vốn chủ sở hữu (đây được xem là thỏa thuận tái cấp vốn, cụ thể chủ nợ sẽ hưởng một phần vốn chủ sở hữu và để đổi lấy việc xóa bỏ nợ), trong đó sẽ trao 27.5% cổ phần cho công ty di động NWTN có trụ sở tại Dubai để thu về 500 triệu USD.
Các tòa nhà chung cư dở dang tại dự án khu nhà ở Phoenix City, do Công ty Bích Quế Viên xây dựng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 17/01/2022. Cuộc khủng hoảng nhấn chìm lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc khiến cổ phiếu và trái phiếu của nhà phát triển này bị giảm giá giữa những lo ngại về nỗ lực gọi vốn được cho là thất bại có thể là điềm báo về suy giảm tín nhiệm. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg qua Getty Images)
Lo lắng về thị trường địa ốc Trung Quốc đã tăng lên sau khi một đại công ty tín thác của Trung Quốc có hoạt động đầu tư địa ốc khá lớn, Tín Thác Trung Dung (Zhongrong International), đã lỡ hẹn thanh toán cho hàng chục sản phẩm đầu tư.
Hôm thứ Hai (14/08), trong một báo cáo nghiên cứu, JPMorgan cho biết tình trạng vỡ nợ tín dụng gia tăng sẽ kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống từ 0.3 đến 0.4 điểm phần trăm, dẫn đến một “vòng luẩn quẩn” của những khó khăn về tài chính địa ốc.
Nền kinh tế Trung Quốc hồi tháng Bảy đã rơi vào tình trạng giảm phát với giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên sau hai năm, điều này gây áp lực buộc các nhà chức trách phải tăng cường viện trợ tài chính và tiền tệ.
Ông Thái Phưởng (Cai Fang), một cố vấn của ngân hàng trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, mô tả việc thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng là “mục tiêu cấp bách nhất,” đồng thời kêu gọi sử dụng “tất cả các kênh tài chính hợp lý và hợp pháp để đưa tiền vào túi người dân.”
Hôm thứ Ba (15/08), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng lần thứ hai trong ba tháng trong khi chính quyền Trung Quốc đình chỉ công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên, vốn đã đạt mức cao kỷ lục liên tiếp.
Cẩm An biên dịch
Singapore tịch thu 1 tỷ đô la khi triệt phá vụ rửa tiền của băng đảng nước ngoài
17/8/2023
Những chiếc đồng hồ mà cảnh sát Singapore thu giữ được trong vụ tịch thu tài sản trị giá 1 tỷ đô la Singapore từ băng đảng rửa tiền người nước ngoài tại quốc đảo này.
Cảnh sát Singapore cho biết họ đã tịch thu tài sản trị giá 1 tỷ đô la Singapore (734,32 triệu đô la Mỹ) từ một băng đảng người nước ngoài đang tìm cách rửa tiền thu được từ hoạt động tội phạm có tổ chức, bao gồm cả những ngôi nhà gỗ sang trọng ở những nơi đắc địa, các cọc tiền mặt, ô tô xa xỉ, đồ trang sức, túi xách và vàng miếng.
Cảnh sát cho biết 400 nhân viên của lực lượng này hôm 15/8 đã tỏa đi khắp Singapore và tiến hành các cuộc đột kích đồng loạt vào các khu dân cư trên khắp thành phố, từ vành đai mua sắm Orchard Road đến đảo nghỉ dưỡng Sentosa, trong một trong những vụ án rửa tiền lớn nhất.
Cảnh sát cho hay các cuộc đột kích vào ít nhất 9 địa điểm đã thu được tài sản với tổng trị giá đáng kinh ngạc là 1 tỷ đô la Singapore. Những tài sản bị tịch thu bao gồm 94 bất động sản, tài khoản ngân hàng với 110 triệu đô la Singapore, 50 phương tiện, hàng đống tiền mặt lên tới hơn 23 triệu đô la Singapore, hàng trăm túi xách và đồng hồ xa xỉ, một lượng lớn đồ trang sức và hai thỏi vàng.
Ít nhất 10 người nước ngoài trong độ tuổi từ 31 đến 44 đã bị bắt, trong đó có một người đàn ông nhảy ra khỏi ban công từ tầng hai của ngôi nhà gỗ của ông ta trong một khu phố sang trọng và sau đó bị phát hiện đang trốn trong cống nước.
Người đàn ông 40 tuổi, quốc tịch Síp, bị thương khi ngã trong lúc chạy trốn và đã được đưa đến bệnh viện. Tại nhà của người đàn ông này, cảnh sát đã thu giữ số tiền mặt lên tới hơn 2,1 triệu đô la Singapore, bốn tài khoản ngân hàng với hơn 6,7 triệu đô la Singapore và giấy tờ sở hữu của 13 tài sản và 5 chiếc xe với giá trị ước tính hơn 118 triệu đô la Singapore.
Những người bị bắt khác bao gồm công dân từ Trung Quốc, Campuchia, đảo Síp và Vanuatu. Trong số đó có một người phụ nữ.
Mười hai người đã hỗ trợ cảnh sát trong cuộc điều tra trong khi 8 người khác đang bị truy nã. Cảnh sát cho biết tất cả những người trong vụ án đều là người nước ngoài và có mối liên hệ với nhau.
Một tuyên bố của cảnh sát cho hay nhóm này bị nghi ngờ rửa tiền thu được từ tội phạm có tổ chức ở nước ngoài, bao gồm lừa đảo và đánh bạc trực tuyến.
Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết họ xem xét vụ việc này một cách nghiêm túc và đã liên hệ với các tổ chức tài chính "nơi đã xác định được các khoản tiền có khả năng bị vấy bẩn".
David Chew, giám đốc phụ trách các vấn đề thương mại của lực lượng cảnh sát, phát biểu rằng Singapore đấu tranh "không khoan nhượng" để chống lại việc bị lợi dụng làm nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm hoặc gia đình của chúng và việc các cơ sở ngân hàng bị lạm dụng.
"Thông điệp của chúng tôi đối với những tên tội phạm này rất đơn giản – là nếu chúng tôi tóm được các người, chúng tôi sẽ bắt giữ các người. Nếu chúng tôi phát hiện được những khoản thu bất chính của các người, chúng tôi sẽ tịch thu chúng. Chúng tôi sẽ xử lý các người theo mức tối đa của pháp luật", ông Chew nói.
Singapore trong những năm gần đây đã chứng kiến một dòng tiền nước ngoài đổ vào quốc gia này. Số liệu mới nhất từ ngân hàng trung ương cho thấy tổng tài sản được quản lý ở Singapore đã tăng 16% vào năm 2021 lên 5,4 nghìn tỷ đô la Singapore, so với mức tăng toàn cầu là 12% lên 112 nghìn tỷ đô la Mỹ trong cùng năm.
Trung Quốc đã trở thành cường quốc khoa học và công nghệ như thế nào sau nhiều thập kỷ “bắt chước”
Chi Phương /RFI
18/8/2023
Từ lâu, Trung Quốc được xem là một quốc gia chuyên đi “bắt chước”, “cài gián điệp” để phát triển khoa học và công nghệ. Thế nhưng ngày nay, Trung Quốc đã trở thành đối thủ của các cường quốc thế giới, thậm chí còn dẫn đầu trong một số lĩnh vực.
Một số khách tham quan, đứng gần màn hình hiển thị bản đồ điện tử của Trung Quốc tại Hội chợ PT Expo, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/06/2023. AP - Mark Schiefelbein
Chuyên gia về quan hệ quốc tế, giáo sư Stéphane Aymard tại đại học La Rochelle của Pháp đã có bài phân tích về chủ đề này, theo đó Trung Quốc không còn là một “lò sản xuất khoa học” chỉ thiên về số lượng hơn là chất lượng. RFI xin giới thiệu.
Trong giai đoạn phát triển quan hệ kinh tế giữa các nước phương Tây và Trung Quốc, sau khi Pháp công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào năm 1964, đến lượt Mỹ vào năm 1978, các thỏa thuận đầu tiên đã được thực hiện dựa trên « đối tác chiến lược », với việc triển khai các loại công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc.
Về phía Pháp, các dự án đường sắt hoặc hạt nhân dân sự đã mở ra các hợp đồng quan trọng. Ví dụ rõ ràng nhất là nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á - Daya Bay (Quảng Đông, Trung Quốc). Sau đó, các hợp tác được cân bằng hơn, với các hợp đồng bán và hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không, đi kèm với các chuyển giao công nghệ. Theo thời gian, Trung Quốc đã có được những tri thức và hiểu biết. Quốc gia này ngày càng ít phụ thuộc vào công nghệ từ phương Tây và đã có thể tự phát triển công nghệ của riêng mình.
Theo một báo cáo của Viện Chính sách Khoa học Úc (Australian Sciences Policy Institute - ASPI), Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, và đứng trước Hoa Kỳ 37 trong số 44 loại công nghệ « quan trọng », mà ASPI đã xác định. Các loại công nghệ như : liên lạc tần số vô tuyến 5G, 6G, hydrogen, pin điện, vật liệu nano, siêu âm, lớp phủ tiên tiến…Trong số đó, có 8 công nghệ mà Trung Quốc có khả năng độc quyền rất cao.
Ngay cả khi nghiên cứu này được dựa trên các cải tiến về công nghệ và không phải về thương mại hóa các công nghệ đó, thì rõ ràng là các chuyển giao công nghệ từ những thập kỷ trước đã cho phép Trung Quốc gặt hái được thành quả.
Điều này đã khiến các doanh nghiệp phương Tây bị thụt lùi trên thị trường quốc tế, trong các lĩnh vực điển hình như điện gió, đường sắt hay hàng không. Sau khi thực hiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, các doanh nghiệp phương Tây trong các lĩnh vực này đã bị cạnh tranh mạnh, thậm chí là bị các công ty Trung Quốc vượt mặt.
Cuộc đua bằng sáng chế
Tại các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc rất ngoạn mục. Ví dụ rõ nhất là trong lĩnh vực xe ô tô điện mà Trung Quốc chiếm tới 60 % thị trường thế giới vào năm 2022. Nhìn chung, về đổi mới và công nghệ mới nổi, việc phân tích các hồ sơ xin cấp bằng sáng chế cho phép có cái nhìn tổng quan. Theo Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Thế giới, World Property Office (WIPO), trực thuộc Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã vượt xa và dẫn trước các nước khác từ lâu về số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế.
Trung Quốc tập trung trên hết vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và điện tử. Ngày nay, tập đoàn Hoa Vi (Huawei), là tập đoàn đứng đầu thế giới về đăng ký sáng chế, trước cả Samsung.
Để đánh giá các chỉ số nói trên, tổ chức WIPO cũng đã công bố “Global Innovation Index”, dựa trên 80 thông số, bao gồm môi trường chính trị, quy định, đào tạo, cơ sở hạ tầng, cũng như thị trường tài chính…, thêm vào đó là các cải tiến theo đúng nghĩa. Trung Quốc đã lên đến vị trí thứ 11 và tiến bộ qua từng năm, cùng với các kết quả đáng chú ý đối với các tiêu chí chủ chốt : đứng đầu trong bảng xếp hạng PISA - so sánh chất lượng của hệ thống giáo dục, đứng thứ hai về số lượng cụm công nghệ, đứng thứ ba về chi tiêu trong nghiên cứu và phát triển (R&D), được tài trợ bởi các doanh nghiệp.
Tạp chí Nature đã đăng một chỉ số gồm các dữ liệu từ 82 tạp chí khoa học lớn nhất thế giới. Chỉ số này cho phép đánh giá các cơ quan nghiên cứu trên quy mô toàn cầu. Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc (CSA) dẫn đầu bảng xếp hạng, đứng trước Harvard, Max Planck Society và CNRS của Pháp. Với hơn 60 000 nhà nghiên cứu, tổ chức này lớn gấp đôi so với CNRS, vốn từ lâu là tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới.
Chi tiêu dành cho khoa học và công nghệ lên đến 5 tỷ đôla, (trong khi CNRS dành 4 tỷ đôla). Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc có các hạ tầng nghiên cứu, nằm trong số các tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới.
Ấn phẩm khoa học áp đảo về số lượng và chất lượng
Về cấp độ cá nhân, nghĩa là ở cấp các nhà nghiên cứu, Trung Quốc từ lâu đã chú trọng đến việc tuyển dụng những người giỏi nhất thế giới, trước khi dần dần cho phép một thế hệ mới tỏa sáng trên trường quốc tế. Ngày nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng có vị trí tốt hơn trong các bảng xếp hạng quốc tế. Để tránh gặp phải những khó khăn liên quan đến việc phân tích « một lò sản xuất khoa học » đại trà, chất lượng thấp, các tiêu chí đánh giá mới đã được sử dụng, như là số lần trích dẫn trong các nghiên cứu khoa học đã được đăng.
Trong số các chỉ số mới, AD Scientific Index (Alper-Doger Scientific Index) là được chú ý nhiều nhất. Chỉ số này dựa vào 9 thông số, giữa những lần đăng và lần được trích dẫn lại. Theo chỉ số này, trong bảng xếp hạng toàn cầu vào năm 2023, có 304 nhà khoa học Trung Quốc đứng trong top 10 000, 1982 nhà khoa học trop top 50 000 và 4178 trong top 100 000.
Để so sánh, số các nhà khoa học Pháp chỉ bằng một nửa, ít hơn nhiều so với các nhà khoa học Trung Quốc.
Với bảng xếp hạng này, vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ vẫn không bị đe dọa, nhưng Trung Quốc hiện, về mặt số lượng, như là một cường quốc khoa học, đi trước phần lớn các cường quốc phương Tây.
Ở cấp độ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu cao cấp, các bảng xếp hạng quốc tế cũng chỉ ra sự hiện diện lớn của Trung Quốc. Ví dụ, 16 cơ sở của Trung Quốc nằm trong số 25 cơ sở đứng đầu theo bảng xếp hạng Leiden, đánh giá các trường đại học theo tiêu chí số lượng (tổng số bài đăng khoa học) và chất lượng (chỉ tính đến các ấn phẩm thuộc nhóm 10 % được đánh giá cao nhất).
Nhìn chung, Trung Quốc ngày nay giống như là một quốc gia có khả năng của riêng mình về nghiên cứu và cải tiến, cạnh tranh với các nước lớn nhất trên thế giới, thậm chí vượt trước họ.
Nghi vấn gián điệp ?
Từ nhiều thập kỷ qua, các nước phương Tây nghi ngờ Trung Quốc có gián điệp trên quy mô lớn, trong lĩnh vực quân sự cũng như trong các lĩnh vực khác như khoa học, công nghệ và công nghiệp. Các tác giả của cuốn “Chinese industrial espionage : technology acquisition and military modernisation” , 2013, phân tích các phương tiện thu thập thông tin khoa học, nhất là từ chuyển giao công nghệ thông qua con đường ngoại giao, các doanh nghiệp Trung-Mỹ, hoặc Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng như cộng đồng Hoa kiều, gồm các nhà khoa học và các doanh nhân sáng tạo hoạt động ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Việc thu hút các nhà khoa học phương Tây đến Trung Quốc và sự dịch chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sang Trung Quốc góp phần vào hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Tương tự như việc huy động các sinh viên Trung Quốc đạt được kiến thức tại các trường đại học phương Tây.
Các vụ kiện về “gián điệp mạng” gia tăng ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như là vụ kiện liên quan đến việc ăn cắp bằng sáng chế của doanh nghiệp công nghệ cao American Superconductor. Tại Pháp cũng vậy, một số vụ đã thu hút sự chú ý, như trường hợp của sinh viên Li Li Whuang, bị bắt vì làm gián điệp công nghiệp vào năm 2005 sau khi thực tập lại Valeo.
Nhiều nghi vấn khác cũng được tiết lộ vào năm 2019 trong cuốn “France-Chine, Les liaisons dangereuses – Pháp-Trung Quốc, những đường dây liên lạc nguy hiểm ”, của Antoine Izambard.
Thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ
Các trường hợp này cho thấy sự tiến bộ của Trung Quốc, ngay cả khi có được vị trí thống trị, cũng không ngăn cản được một cuộc cạnh tranh khốc liệt, đi kèm với các hoạt động gián điệp. Điều này có thể thấy rõ hơn trong giới kinh doanh, khi doanh nghiệp thống lĩnh thị trường tiếp tục theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp các đối thủ cạnh tranh.
Đối mặt với các hoạt động gián điệp như vậy, chủ nghĩa bảo hộ trở nên mạnh mẽ hơn. Tại Pháp, Cơ quan Thanh tra Tài chính (l’Inspection générale des finances-IGF), đã đăng một báo cáo vào năm 2022 về những thách thức trong việc bảo vệ kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Thượng Viện Pháp cũng đã công bố một báo cáo vào năm 2021, với tựa đề : Cần bảo vệ tốt hơn di sản khoa học và những tự do học thuật của Pháp. Những nỗ lực có thể là chưa đủ hoặc muộn màng.
Không có nhận xét nào