Võ Thái Hà tổng hợp
Vua Thái Lan phê chuẩn tân thủ tướng Srettha Thavisin
Thùy Dương /RFI
24/8/2023
Tân thủ tướng Srettha Thavisin thuộc đảng Pheu Thai trong cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, ngày 22/08/2023. AP - Wason Wanichakorn
Quốc vương Maha Vajiralongkorn hôm nay 23/08/2023 phê chuẩn ông Srettha Thavisin, của đảng Pheu Thai, làm thủ tướng mới của Thái Lan, một ngày sau khi Quốc Hội Thái Lan bỏ phiếu bầu. Ông Srettha Thavisin, 61 tuổi, nhậm chức vào tối nay (giờ địa phương), kế nhiệm cựu thủ tướng, tướng Prayut Chan-O-Cha.
Theo AFP, thư phê chuẩn của hoàng gia Thái Lan dự kiến được công bố vào khoảng 18h tại trụ sở đảng Pheu Thai ở Bangkok, buổi lễ đánh dấu sự khởi đầu chính thức cho nhiệm kỳ thủ tướng của Srettha Thavisin, được xem là nhà lãnh đạo đầu tiên của xã hội dân sự kể từ cuộc đảo chính năm 2014 nhắm vào thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, để giành được quyền lực, đảng Pheu Thai của Srettha Thavisin cũng đã liên minh với các đảng thân quân đội. Ông Srettha Thavisin, vốn là người điều hành một trong những công ty bất động sản lớn ở Thái Lan, chưa hề có kinh nghiệm chính trị. Ngay trước chiến dịch tranh cử bầu Quốc Hội, Srettha Thavisin mới gia nhập đảng Pheu Thai, phong trào liên minh với gia đình cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tân thủ tướng thái Lan nhậm chức trong bối cảnh tình hình chính trị phức tạp được theo dõi sát sao trong nước, kể cả trong giới nông dân. Từ Chiangmai, thông tín viên Carole Isoux cho biết thêm chi tiết :
« Ở vùng núi phía bắc, mọi người bình thản theo dõi sự hỗn loạn chính trị ở Bangkok : việc bổ nhiệm một thủ tướng mới và trên hết là việc gạt ra khỏi bộ máy quyền lực đảng đã giành được đa số phiếu của cử tri Thái Lan trong kỳ bầu cử lập pháp vừa qua. Sau 3 tháng đối đầu với đảng Bảo Thủ, đảng của giới trẻ đã bị đẩy sang phe đối lập. Và đảng trước đây là của những người nông dân nổi loạn, đảng Pheu Thai, lên lãnh đạo đất nước, liên minh với các đảng thân quân đội mà trước đây họ từng chống.
Nhưng đối với Anuwwat, nông dân trồng ngô, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ông nói : « Nhân dân đã bày tỏ rõ ràng ý kiến. Quả thực người dân có quyền bầu cử nhưng quyền này chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có giá trị gì, cũng không thay đổi được điều gì. Bây giờ, đảng Pheu Thai lại liên minh với quân đội. Có lẽ họ không còn lựa chọn nào khác nếu họ muốn nắm quyền điều hành. Đó là luật chơi ở Thái Lan. Thế có khi còn tốt hơn là chẳng được gì ».
Còn hơn không, tức là còn hơn là có một chính phủ quân sự hoặc lại thêm một cuộc đảo chính mới. Nhiều người xem sự xích lại gần quân đội là một phần trong cuộc đàm phán cho phép cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra trở lại lãnh thổ Thái Lan sau 17 năm vắng bóng. Các thế lực bảo thủ, mặc dù chỉ đạt kết quả kém trong bầu cử, vẫn giữ được quyền lực đáng kể ở Thái Lan ».
Điểm qua cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Cộng Hòa: Điều đáng trông đợi vào tối thứ Tư
Newt Gingrich
24/8/2023
(Từ trái sang phải hàng trên) Các ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa, Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina), Thống đốc Florida Ron DeSantis, cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley, và ông Vivek Ramaswamy. (Từ trái sang phải hàng dưới) Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Thống đốc North Dakota Doug Burgum, và cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson. (Ảnh: AP Photo)
Các cuộc tranh luận tổng thống sơ bộ của Đảng Cộng Hòa năm 2024 sẽ bắt đầu vào thứ Tư (23/08) tại Milwaukee, Wisconsin. Địa điểm này rất quan trọng, vì đây là nơi Đảng Cộng Hòa sẽ tổ chức hội nghị quốc gia vào tháng Bảy năm tới.
Hai người dẫn chương trình gồm ông Bret Baier và bà Martha MacCallum của Fox News sẽ chủ trì cuộc tranh luận này. Tất cả các ứng cử viên trọng yếu của Đảng Cộng Hòa sẽ có mặt ở đó — ngoại trừ người đang dẫn đầu, cựu Tổng thống Donald J. Trump.
Mặc dù cuộc tranh luận sẽ kém sôi động hơn (và ít người theo dõi hơn) nếu không có ông Trump, nhưng đây vẫn là một cột mốc quan trọng trong chiến dịch giành đề cử tổng thống năm 2024.
Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên mà tôi theo dõi là giữa ông Richard Nixon và ông John F. Kennedy vào năm 1960. Tôi cũng đã có kinh nghiệm tranh luận của riêng mình với vai trò là ứng cử viên tổng thống hồi năm 2012 (một cuộc tranh luận có tính giáo dục sâu sắc). Vì vậy, tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi lưu ý một số điều mà quý vị nên chú ý trong tuần này.
Bởi vì hiện tại việc ai sẽ là người thay thế cựu Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng, nên cuộc tranh luận tối thứ Tư sẽ là một buổi duyệt xét quan trọng cho vị trí này.
Thống đốc Ron DeSantis của Florida được cho là người thay thế hiển nhiên. Mặc dù ông DeSantis là một thống đốc vô cùng có năng lực, nhưng lại là một ứng cử viên tổng thống không tương xứng một cách đáng kinh ngạc. Nói thế này để vị cựu đội trưởng đội bóng chày của Yale có thể hiểu, đó là ông DeSantis đã từng hoàn toàn không thể ném bóng ở các giải đấu lớn. Tranh cử tổng thống chính là giải đấu lớn nhất.
Tuy nhiên, có thể ông DeSantis tái xuất hiện như một sự thay thế hợp lý cho ông Trump. Ông DeSantis có hơn 100 triệu USD trong superPAC của mình. Ông là thống đốc của tiểu bang lớn thứ ba của đất nước này. Trong số tất cả các ứng cử viên hiện tại, ông ấy là người có thể thực sự thách thức cựu tổng thống nhất.
Tuy nhiên, một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ nhóm của ông DeSantis cho thấy ông ấy sẽ dành thời gian để đuổi theo ông Vivek Ramaswamy — một doanh nhân trẻ tài giỏi đã nổi lên như một đối thủ tiềm năng. Đây sẽ là một sai lầm. Ông DeSantis có hai việc phải làm: chứng minh mình là tổng thống một cách đáng mến và đánh thức người dẫn đầu. Tấn công ông Ramaswamy sẽ làm suy yếu cả hai mục tiêu này.
Thách thức của ông Ramaswamy lại hoàn toàn khác với của ông DeSantis. Ông ấy phải chứng minh ba điều với khán giả. Đầu tiên, ông ấy phải chứng tỏ mình đủ hiểu biết về thế giới để trở thành tổng thống. Thứ hai, ông ấy phải tỏ ra dễ mến. Thứ ba, ông ấy phải giữ thái độ vừa phấn chấn vừa điềm tĩnh nếu hoặc khi bị tấn công (như hình mẫu của ông Ronald Reagan).
Đối với các ứng cử viên khác, thách thức đơn giản hơn. Đầu tiên, không ứng cử viên nào nên trở thành ứng cử viên chống lại ông Trump. Điều này sẽ khiến nhiều cử tri Đảng Cộng Hòa phẫn nộ. Thứ hai, các ứng viên thành công phải đưa ra một hoặc hai bình luận đủ sống động và thú vị để được tin tức truyền hình chú ý. Nhiều người sẽ xem các đoạn video tin tức hơn là xem chính cuộc tranh luận đó. Với một người không mấy nổi tiếng, bất kỳ tin tức tích cực nào ngoài cuộc tranh luận đều là một bước tiến lớn.
Cuối cùng, sẽ rất thú vị để xem liệu nhóm dẫn chương trình của Fox có nghĩ xa hơn ông Trump hay không.
Như ông Mark Halperin đã cho thấy trong bản tin “Wide World of News” của mình rằng: “Trong toàn bộ cuộc phỏng vấn ‘Gặp gỡ Báo chí’ mà ông Chuck Todd đã thực hiện với ứng cử viên tổng thống Doug Burgum hôm Chủ Nhật (20/08), 8 trong số 9 câu hỏi là về ông Donald Trump.”
Với việc Tổng thống Trump sẽ đến Quận Fulton, Georgia, một ngày sau cuộc tranh luận, nhóm của Fox sẽ bị cám dỗ để tìm ra hàng tá câu hỏi chính đáng về tình hình của ông Trump.
Trớ trêu thay, theo quan điểm của Tổng thống Trump, một cuộc tranh luận mà ông không trực tiếp tham gia — nhưng lại là tâm điểm chú ý về tâm lý — đúng là sẽ diễn ra tốt đẹp.
Tuy nhiên, nếu cuộc tranh luận này trở thành một cuộc tranh luận về ông Trump thay vì là một cuộc tranh luận về tương lai của Mỹ quốc thì những ứng cử viên này hay quốc gia này đều sẽ không được lợi lộc gì cả.
Từ Gringrich360.com
Vân Sa biên dịch
Máy bay chở Prigozhin gặp nạn ở Nga, tất cả mọi người đều thiệt mạng
Wall Street Journal
Cù Tuấn, dịch
24-8-2023
Photo: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images
Tóm tắt: Máy bay phản lực thương mại chở Yevgeny Prigozhin đã rơi xuống phía tây bắc Matxcơva.
Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời các nhà chức trách hàng không, cho biết, một chiếc máy bay thương mại chở Yevgeny Prigozhin, chủ sở hữu của nhóm bán quân sự Wagner, trong số các hành khách, đã bị rơi ở phía tây bắc Matxcơva, tất cả 10 người trên máy bay đều thiệt mạng.
Đoạn phim được những người xem ở vùng Tver đăng tải cho thấy, dường như dấu vết của một tên lửa phòng không và sau đó là chiếc máy bay phản lực Embraer Legacy 600, rơi khỏi bầu trời với một cánh bị mất. Các kênh truyền thông xã hội thân cận với Wagner cho biết, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ chiếc máy bay này, vốn là một trong số những máy bay thuộc sở hữu của Prigozhin.
Prigozhin, chủ sở hữu của Wagner, người từng phục vụ ẩm thực và là bạn tâm giao của Tổng thống Vladimir Putin, đã phát động một cuộc binh biến hồi tháng 6, chiếm thành phố Rostov ở phía nam và hành quân về Matxcơva khi ông ta yêu cầu lật đổ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và tổng tư lệnh Valery Gerasimov. Vào thời điểm đó, quân Wagner đã bắn hạ một số máy bay quân sự của Nga.
Cuộc hành quân tấn công vào Matxcơva đã bị hủy bỏ sau khi nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đạt được một thỏa hiệp và Putin đề nghị miễn trừ cho Prigozhin cùng những người còn lại trong các nhà lãnh đạo Wagner — ngay cả khi ông ra lệnh bắt giữ một số nhà lãnh đạo quân sự bị nghi ngờ thông đồng với cuộc binh biến, bao gồm cả cựu chỉ huy cuộc chiến ở Ukraine, Tướng Sergei Surovikin.
Prigozhin, người đã điều động nhiều binh lính đến Belarus, công bố một đoạn video hồi đầu tuần này từ một quốc gia giấu tên ở Châu Phi, và nói rằng ông đang tập trung vào việc chiến đấu với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo. Wagner có sự hiện diện ở các quốc gia như Mali, Libya và Cộng hòa Trung Phi.
Các quan chức Nga không đưa ra lý do cho vụ tai nạn máy bay này.
BRICS mời Ả rập Xê út, Iran và 4 nước khác tham gia khối của thế giới đang phát triển
24/8/2023
Lãnh đạo chính phủ của Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và ngoại trưởng Nga chụp ảnh chung tại hội nghị BRICS ở Johannesburd, 23/8/2023.
Các nhà lãnh đạo của khối những quốc gia đang phát triển BRICS mời Ả rập Xê út, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất gia nhập khối, đây là một động thái nhằm tăng cường sức mạnh của một khối đã cam kết cổ vũ cho “Phương Nam toàn cầu”.
Việc mở rộng khối cũng có thể mở đường cho hàng chục quốc gia khác quan tâm đến việc gia nhập BRICS - khối này hiện gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vào thời điểm mà sự phân cực địa chính trị đang thúc đẩy các nỗ lực của Bắc Kinh và Moscow nhằm biến khối này thành một đối trọng ngang tầm với các nước phương Tây.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, chủ tọa hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo BRICS, phát biểu: “BRICS đã bắt tay vào một chương mới trong nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng, một thế giới công chính, một thế giới bao trùm và thịnh vượng”.
Các ứng cử viên mới sẽ chính thức được kết nạp làm thành viên vào ngày 1/1/2024. Ông Ramaphosa và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva để ngỏ khả năng kết nạp thêm các thành viên mới nữa trong tương lai.
Ông Lula cho rằng những lời hứa hẹn vào toàn cầu hóa đã không mang lại kết quả như ý, đồng thời nói thêm rằng đã đến lúc khôi phục lại sự hợp tác với các nước đang phát triển vì "có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân", một lời phát biểu có hàm ý rõ ràng về căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột Ukraine.
Cuộc thảo luận về việc mở rộng khối là nội dung đứng đầu chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày diễn ra ở Johannesburg. Tuy rằng tất cả các thành viên BRICS đều công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng khối, song vẫn có sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo về quy mô và tốc độ kết nạp thêm thành viên.
Mặc dù khối chiếm khoảng 40% dân số thế giới và 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, song với thực tế là các thành viên BRICS không đạt được tầm nhìn nhất quán cho cả khối đã khiến khối này lâu nay không tạo ra được mức độ ảnh hưởng tương xứng với quy mô về kinh tế và chính trị của khối trên toàn cầu.
Các quan chức Nam Phi cho hay hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS và 22 quốc gia đã chính thức đề nghị được kết nạp.
Họ đại diện cho một nhóm các ứng viên tiềm năng đa dạng, chủ yếu có động cơ là mong muốn san bằng một sân chơi toàn cầu mà nhiều nước cho rằng nó bị thao túng theo hướng bất lợi cho họ.
Họ bị thu hút bởi lời hứa của BRICS là sẽ mang lại sự cân bằng trong các tổ chức thế giới đang bị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây giàu có khác thống trị.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng việc mở rộng khối cần được xem là một ví dụ cho thấy các định chế toàn cầu khác được thành lập vào thế kỷ 20 đã trở nên lỗi thời.
Ông Trump lại đối mặt cáo trạng
Donald Trump dự kiến ra trình diện tại một nhà tù ở Atlanta vào thứ Năm. Ông đã bị truy tố 13 trọng tội vào tuần trước với cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở Georgia. Các luật sư của cựu tổng thống đã sắp xếp khoản tiền bảo lãnh 200.000 USD để ông được tại ngoại (thoả thuận cũng ra lệnh cho ông không được đe dọa các nhân chứng hoặc đồng phạm trước phiên tòa). Không như các bản cáo trạng trước đây ở Washington, Miami và New York, cảnh sát trưởng Quận Fulton có kế hoạch chụp ảnh ông Trump như mọi bị cáo khác.
18 đồng mưu cùng bị truy tố với ông Trump có thời hạn đến thứ Sáu để ra trình diện. Hai cựu luật sư hàng đầu của ông, John Eastman và Rudy Giuliani, đã ra trình diện. Cũng như ông Trump, cả hai ông đều phủ nhận hành vi sai trái.
Công tố quận sẽ chưa tranh luận trước bồi thẩm đoàn trong nhiều tháng tới, thậm chí là nhiều năm tới. Nhưng nếu ông Trump công kích trên mạng xã hội, qua đó vi phạm thoả thuận tại ngoại, ông có thể sớm vướng vào nhiều rắc rối hơn thế.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đảo ngược chính sách
Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan sẽ ấn định lãi suất vào thứ Năm, đã thay đổi đáng kể. Tháng trước, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thay thế ba trong số năm thành viên của ủy ban, bao gồm những người ủng hộ chính sách kinh tế sai lầm của ông, bằng các nhà kinh tế được kính trọng. Họ sẽ phục vụ dưới quyền Hafize Gaye Erkan, thống đốc ngân hàng kể từ tháng 6. Cuộc cải tổ đã dẫn đến một số quyết định đáng hoan nghênh, bao gồm việc tăng lãi suất thêm 2,5 điểm phần trăm lên 17,5% vào tháng trước. Nhưng công tác khắc phục thiệt hại từ quản lý kinh tế yếu kém của ông Erdogan – bao gồm lạm phát cao nhất hai thập niên do cắt giảm lãi suất quá đà – sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm hơn 25% so với đồng đô la kể từ tháng 5, phần lớn do các biện pháp can thiệp tốn kém của ngân hàng vào thị trường tiền tệ đã chậm lại. Hậu quả là lạm phát lên đến 48% theo năm trong tháng 7, sau khi đã giảm 8 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đều dự đoán có một đợt tăng lãi suất thận trọng tới đây, không quá 3 điểm phần trăm.
Nhật bắt đầu xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển
Từ thứ Năm, Nhật Bản sẽ bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Số nước này đã được lọc nhưng vẫn còn một ít chất đồng vị phóng xạ tritium, ở khoảng 1.500 becquerel/lít, thấp hơn khoảng 7 lần so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về nước uống. Hồi tháng 7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã nói tác động của việc xả thải lên con người và môi trường là “không đáng kể.” Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhiều lần nhấn mạnh tính an toàn của chương trình này. Nhưng nhiều người vẫn còn hoài nghi.
Ngư dân địa phương lo ngại danh tiếng của khu vực sẽ bị tổn hại nhiều hơn. Công chúng không mấy tin tưởng vào chủ đầu tư TEPCO, vốn đã khiến các lò phản ứng nóng chảy vào năm 2011 vì quản lý cẩu thả. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng cáo buộc Nhật Bản đối xử với đại dương như “cống riêng” của mình. Việc xả hết nước có thể sẽ mất tới ba mươi năm; nhưng niềm tin vào ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản có thể phải mất nhiều thời gian hơn nữa để phục hồi.
Ukraine đón quốc khánh trong nguy cơ bị Nga không kích
Ukraine sẽ chào mừng ngày độc lập vào thứ Năm, lần thứ hai kể từ khi bị Nga xâm lược. Cuộc xâm lược của Nga đã khiến ngày Ukraine trở thành một quốc gia có chủ quyền vào năm 1991 trở nên quan trọng hơn. Trong khi chỉ 12% người Ukraine cho rằng ngày độc lập là một ngày quan trọng đối với họ vào năm 2013, con số đó giờ đây là 63%.
Song tiến độ chậm chạp của cuộc phản công và lo ngại về các đòn không kích của Nga đã khiến tâm trạng của công chúng đi xuống. Các thành phố như Kyiv, Poltava và Mykolaiv đã cấm tụ tập đông người. Trọng tâm của ngày độc lập sẽ là một cuộc triển lãm vũ khí bị phá hủy của Nga tại Khreschatyk, con đường trung tâm ở thủ đô Kyiv.
Còn nhớ vào ngày độc lập năm ngoái, một số lượng kỷ lục còi cảnh báo không kích đã vang lên trên khắp đất nước khi máy bay ném bom Nga tiến hành không kích giả. Nhưng năm nay Nga có thể sẽ tấn công thật, theo tình báo quân sự Ukraine. Phó chỉ huy Vadym Skibitsky cho biết: “Nó có thể xảy ra sớm hơn một ngày, muộn hơn một ngày hoặc kéo dài vài ngày. Tôi không nghĩ nó có thể gây ngạc nhiên cho bất kỳ người dân Ukraine nào.”
Mỹ hỗ trợ Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây
Duan Dang
24/8/2023
Ngày 22.8, Tuần duyên và quân đội Philippines cho biết các lực lượng nước này đã thực hiện thành công sứ mệnh tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa, bất chấp những nỗ lực của tàu Hải cảnh và tàu dân binh Trung Quốc nhằm ngăn chặn, quấy phá và can thiệp vào sứ mệnh tiếp tế.
Thông báo của phía Philippines cho biết hai tàu tiếp tế Unaizah May 1 và Unaizah May 2 đã hoàn thành nhiệm vụ với sự hộ tống của hai tàu tuần duyên BRP Cabra (MRRV-4409) và BRP Sindangan (MRRV-4407). Lực lượng hải quân Philippines cũng trong trạng thái sẵn sàng ở gần đó.
Các đoạn clip do Tuần duyên Philippines công bố cho thấy Trung Quốc triển khai ít nhất 3 tàu hải cảnh và 3 tàu dân binh để ngăn chặn tàu BRP Cabra.
Có hai tàu hải cảnh có thể thấy rõ số hiệu là 3302 và 21551. Tàu thứ ba không nhìn rõ số hiệu song Thượng nghị sĩ Francis Tolentino sau đó cung cấp thêm một số hình ảnh cho thấy tàu hải cảnh 5305 cũng có mặt tại hiện trường.
Hình ảnh được Philippines cung cấp không cho thấy sự xuất hiện của tàu hải cảnh 21556, vốn cũng được triển khai đến Đá Vành Khăn trước đó cùng với tàu 21551.
Tuy nhiên, tàu này được nhìn thấy trong các hình ảnh do các phóng viên của hãng AFP ghi lại. Tổng cộng Trung Quốc đã triển khai 4 tàu hải cảnh 3302, 5302, 21551 và 21556 cùng 4 tàu dân binh trong nỗ lực ngăn cản và quấy phá sứ mệnh tiếp tế của Philippines.
Hãng AFP, một trong ba tổ chức truyền thông được mời lên tàu Cabra, cũng cho biết máy bay tuần tra P-8A của Hải quân Mỹ đã lượn lờ ở khu vực trong thời diễn ra cuộc tiếp tế.
Máy bay P-8A của Hải quân Mỹ lượn lờ trên một tàu hải cảnh Trung Quốc – Ảnh: AFP
Không lâu sau khi phía Philippines thông báo về sứ mệnh, phát ngôn viên Hải cảnh Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng họ đã cảnh cáo nghiêm khắc và giám sát toàn bộ hành trình của các tàu tiếp tế Philippines.
Tuy nhiên, do các tàu Philippines không chở theo vật liệu xây dựng để gia cố quy mô lớn, nên xuất phát từ tinh thần nhân đạo họ đã thực hiện sự sắp xếp đặc biệt tạm thời để Philippines có thể vận chuyển nhu yếu phẩm.
Phản ứng trước tuyên bố này, phát ngôn viên Tuần duyên Philippines Jay Tarriela nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Hải cảnh Trung Quốc đã nói dối.
Ông cho biết lực lượng Trung Quốc đã cố gắng ngăn cản nhưng các tàu Philippines đã cơ động để vượt qua được.
Thượng nghị sĩ Bato dela Rosa cũng chỉ trích phát biểu của Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên rằng hai nước có thỏa thuận đặc biệt về vận chuyển hàng tiếp tế nhân đạo đến Bãi Cỏ Mây.
Nhận xét:
Mặc dù Philippines thực hiện thành công cuộc tiếp tế mới đến Bãi Cỏ Mây, hai phía Trung Quốc và Philippines vẫn tiếp tục tranh cãi về phiên bản của câu chuyện. Điểm mấu chốt của vấn đề tranh cãi vấn là vận chuyển nhu yếu phẩm hay vật liệu xây dựng để gia cố.
Việc thực hiện thành công sứ mệnh tiếp tế, với sự hậu thuẫn của đồng minh Mỹ và các quốc gia đối tác, mang lại cho Philippines một thắng lợi về tinh thần. Từ đó giúp họ tự tin hơn khi đối mặt với sự bức hiếp của Trung Quốc.
Diễn biến này giúp căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt khu vực quần đảo Trường Sa, tạm lắng. Song vì các cuộc tiếp tế này vẫn phải được tiến hành theo định kỳ hằng tháng, nên căng thẳng vẫn có thể gia tăng trở lại bất kỳ lúc nào.
Trong lúc đó, tình trạng của tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây vẫn sẽ tiếp tục hư hại theo thời gian nếu không được sửa chữa và gia cố.
Không có nhận xét nào